.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

1. Tại Sao Nói?

2. Nói Trước Công Chúng Ngày Nay

3. Các Yếu Tố Của Bài Nói Chuyện

4. Chuẩn Bị Bài Nói Chuyện

5. Chuẩn Bị Và Trình Bày Bài Nói Chuyện

6. Các Trường Hợp Đặc Biệt

7. Sử Dụng Các Phương Tiện Nghe Nhìn

8. Hỏi / Đáp

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
NÓI THẲNG - TALKING STRAIGHT
Tác giả: Lm. Giuse Lê Công Đức
dịch
5. CHUẨN BỊ VÀ TRÌNH BÀY BÀI NÓI CHUYỆN

 

Những gì nằm đằng sau chúng ta và đằng trước chúng ta chỉ là những “chuyện nhỏ” khi so sánh với những gì nằm bên trong chúng ta. (Oliver Wendell Holmes) 

DANH MỤC KIỂM TRA 

Một bài nói chuyện tốt cần ít nhất một tuần lễ để chuẩn bị. Tôi biết có những người chỉ chuẩn bị vào tối hôm trước. Nhưng làm vậy là không công bằng với người nghe. Một tuần phải là mức tối thiểu. 

Hãy bắt đầu việc chuẩn bị của bạn bằng một danh sách các mục kiểm tra.

 

  • THÍNH GIẢ

-         Thính giả là ai?

-         Bao nhiêu người?

-         Họ biết gì về chủ đề này?

-         Tại sao họ nên quan tâm đến chủ đề này?

 

  • HOÀN CẢNH

-         Tôi sẽ nói chuyện ở đâu?

-         Trong bao nhiêu thời gian?

-         Thời gian có giới hạn nghiêm ngặt không?

-         Có sẵn những phương tiện hỗ trợ nào?

 

  • MỤC TIÊU

-         Đâu là mục đích của bài nói chuyện của tôi?

-         Tôi muốn thính giả làm gì sau khi nghe tôi nói chuyện?

 

  • DỮ LIỆU

-         Tôi hiểu biết thế nào về chủ đề?

-         Tôi có những kinh nghiệm liên quan nào?

-         Tôi phải nghiên cứu những gì?

-         Tôi sẽ dùng những phương tiện nghe nhìn nào? 

Lần mà tôi được mời nói chuyện với một nhóm cảnh sát. Đề tài là “Hình Ảnh Của Cảnh Sát Và Những Việc Cần Làm Để Cải Thiện Hình Ảnh Ấy.” 

Thật là gay go cho tôi. Tôi không phải là một nhân viên cảnh sát và tôi cũng chẳng biết nhiều về cảnh sát. Vì thế tôi phải làm một số nghiên cứu.

Tôi nhờ một số bạn hữu và người nhà mình giúp thu thập thông tin bằng các cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên và kín đáo. Việc thu thập thông tin này nhằm giúp nhận ra hình ảnh của cảnh sát thế nào trong suy nghĩ của dân chúng và dân chúng muốn các nhân viên cảnh sát phải thế nào. Dĩ nhiên những kinh nghiệm cả tích cực lẫn tiêu cực đều được thu thập. 

Tôi cũng tiến hành việc nghiên cứu của riêng mình. Tôi đọc bất cứ bài vở nào viết về cảnh sát, kể cả cẩm nang của cảnh sát. Tôi cũng phỏng vấn một nhân viên cảnh sát.  

Tất cả các dữ liệu được tập trung lại và phân loại. Tôi làm hai bảng. Một bảng liệt kê những gì người ta nghĩ về cảnh sát. Bảng kia gồm những gì mà người ta trông đợi nơi cảnh sát. Các dữ liệu được thu thập theo cách này làm cho bài nói chuyện của tôi đầy tính thực tiễn. 

XẾP ĐẶT BÀI NÓI CHUYỆN CỦA BẠN

  • MỞ ĐẦU BÀI NÓI CHUYỆN 

Bạn cân nhắc để chọn câu nói đầu tiên của mình. Hãy nói sao cho thính giả phải chồm dậy và chú ý lắng nghe. Hãy nhập đề một cách đầy sáng tạo, chẳng hạn, bằng một câu chuyện hay một lời nói nào đó. 

Có nhiều cách để bạn bắt đầu bài nói chuyện và lôi cuốn được sự chú ý của người nghe. Bạn phải làm được điều này trong 30 giây đầu tiên, rồi nội trong 3 câu bạn phải đi thẳng vào đề tài.

Hãy có một bố cục rõ ràng và nêu nó ra cho mọi người biết để họ có thể theo dõi câu chuyện của bạn. Bố cục rõ ràng cũng giúp người ta nắm được ý chính của bạn tốt hơn. Bài nói chuyện có thể được bắt đầu bằng một đoạn video hay PowerPoint ngắn. Nó phải tạo ra được bầu khí cần thiết và lôi kéo được sự chú ý đối với đề tài. 

Nếu bắt đầu bằng một hoạt cảnh, bạn đừng làm lộ đề tài ngay từ đầu. Đề tài chỉ nên được công bố sau khi hoạt cảnh ấy bắt đầu.  

Bạn có thể bắt đầu bài nói chuyện của mình bằng cách quát lên “Đồ khốn kiếp!” – rồi bạn giải thích rằng trong một cơn nóng giận, bạn đã có lần quát như thế với một đồng nghiệp. Rồi bạn giới thiệu đề tài: “Làm Sao Để Không Mất Bình Tĩnh.”

Một số diễn giả hơi quá lạm dụng sự diễn xuất để thu hút sự chú ý của người nghe. Bạn không nên đi quá đà trong chuyện này. 

Sau đây là một số ví dụ khác về việc mở đầu bài nói chuyện cách kịch tính. 

VỀ MA TUÝ … 

Thưa quí vị, nội trong tháng Giêng năm nay, 50 chiếc quan tài đã được giao cho Toà Thị Chính. Trong tháng Sáu, 70 chiếc quan tài khác đã được mang tới. Đây là những quan tài được dùng để chôn những tử thi gầy guộc của các cậu trai và các cô gái ở độ tuổi từ 18 đến 21. Tất cả họ đều đã chết vì dùng quá liều ma tuý.

Tới cuối năm nay, thêm 100 chiếc quan tài nữa sẽ được bổ sung vào danh sách. Con số này tăng lên 60 so với năm ngoái. Vấn đề như hoàn toàn bỏ ngỏ. Và chúng ta chưa nhắc đến những con người sống mà như đã chết: 150.000 người nghiện ma tuý đang đi lại trên các đường phố của cái thành phố vốn từng rất yên bình này.

“Tại sao điều đó xảy ra?” và “Ta có thể làm gì trước tình hình này?” – đấy hẳn là những dấu hỏi mà quí vị băn khoăn. Cho phép tôi chia sẻ với quí vị 3 nguyên nhân chính của vấn đề ma tuý và 2 giải pháp khả dĩ… 

VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ SINH THÁI … 

Thưa quí vị, nước trong chiếc ly này là nước lấy từ Sông Pasig. Nước này đã được xét nghiệm và được kết luận là không thể uống được. Ở Philippines này có 57 con sông lớn, nhưng không một con sông nào trong số đó có thể cho bạn một ngụm nước để uống một cách an toàn được. (Đưa cao ly nước sông lên, vì hình ảnh này sẽ tạo một ấn tượng sâu đậm!) 

VỀ TÌNH TRẠNG NGHÈO ĐÓI …

Mỗi ngày, trên khắp thế giới, 35.000 trẻ em chết vì đói, vì bệnh và vì suy dinh dưỡng. Và mỗi ngày, thế giới tiêu 2 tỉ đô la cho vũ khí chiến tranh… 

Bạn cũng có thể làm cho phần mở đầu của mình thâm trầm sâu sắc, chẳng hạn:  

NGỤ NGÔN VỀ CÂY XOÀI …

Đã bắt đầu có mưa đầu mùa; và người ta thấy một ông lão cặm cụi đào những hố trong vườn ông.

“Ông cụ làm gì vậy?” Người hàng xóm hỏi.

“Tôi trồng xoài.” Ông lão trả lời.

“Ông hy vọng sẽ được ăn quả của những cây này à?”

“Không. Tôi sẽ không sống lâu đến vậy đâu. Nhưng những người khác sẽ được ăn. Tôi nghĩ cả đời mình đã ăn xoài do những người khác trồng. Và đây là cách để tôi tỏ lòng biết ơn.” 

Hôm nay các bạn đã trồng cây xoài nào chưa?

  • KẾT THÚC BÀI NÓI CHUYỆN

Việc kết thúc một bài nói chuyện cũng quan trọng như việc bắt đầu nó vậy. Nếu phần bắt đầu đã thu hút được sự chú ý của thính giả, thì phần kết thúc sẽ thúc đẩy họ quyết định và hành động.  

Người ta thường nhớ những đoạn kết. Bạn có thể kết thúc bằng nhiều cách khác nhau. Hoặc bạn tóm tắt các điểm chính; người nghe sẽ ghi nhớ khi bạn nhấn mạnh các ý chính của bạn. Ở phần này, bạn hãy nói thấp giọng một chút để người nghe phải chồm tới mà lắng nghe mấy câu đúc kết ấy.

Hoặc bạn có thể kết thúc bằng một câu chuyện ngắn, một bài thơ hay một đoạn phim. Hãy kết thúc sao cho thính giả cảm thấy muốn nghe thêm và xem thêm nữa.  

Bạn cần lập trình trước phần kết thúc của mình. Đừng kết thúc kiểu “Thưa quí vị, đó là tất cả những gì tôi muốn nói về đề tài này. Vì vậy, bây giờ tôi xin ngừng.” Bạn ngừng, dĩ nhiên – nhưng đừng nói về việc ngừng. Đừng kéo lê bài nói chuyện thêm hơn một phút sau khi đã nói “Tóm lại, …” đấy nhé. Bạn phải biết trấn áp mọi cám dỗ kéo lê bài nói chuyện, dù nảy ra những ý tưởng hay ho gì chăng nữa. Nhất là bạn phải để ý nhìn đồng hồ. Đừng vượt quá thời lượng cho phép. Kết thúc sớm một phút thì vẫn tốt hơn là trễ một phút.   

BUỔI TỐI TRƯỚC HÔM NÓI CHUYỆN 

Bạn đã bỏ ra cả một tuần để chuẩn bị cho bài nói chuyện của mình. Giờ đây, bạn rà soát lại những điểm sau: 

-         Tôi đã nắm đầy đủ thông tin về thính giả của mình chưa?

-         Các mục tiêu của tôi có rõ ràng chưa?

-         Tôi đã thu thập tất cả các dữ liệu cần thiết chưa?

-         Những nội dung nghe nhìn đã sẵn sàng chưa?

-         Tôi đã chuẩn bị xong phần giới thiệu chưa?

-         Tôi đã xác lập những điểm chính chưa? Có vượt quá 4 điểm không?

-         Tôi đã có phần kết thúc chưa?

Bạn xem qua toàn bộ danh mục một lần nữa. Sau khi đã kiểm tra đâu đó xong xuôi, bạn chuẩn bị y phục, giày và ‘cặp táp’ cho ngày mai. 

Bây giờ bạn thư giãn – xem TV hay đọc vài trang tiểu thuyết. Hãy quên bài nói chuyện đi, ngay cả dù bạn nghĩ mình chưa hoàn toàn sẵn sàng. Có thể bạn cảm thấy một chút căng thẳng. Những diễn giả cự phách nhất cũng cảm thấy như vậy thôi. Bạn đừng hoang mang.  

Rồi bạn đi ngủ sớm để có một giấc ngủ ngon. 

TRƯỚC KHI NÓI CHUYỆN

Tốt nhất là bạn đến sớm trước giờ nói chuyện. Bạn sẽ có thì giờ để quan sát nơi chốn – bục, micrô, … và sự xếp đặt của hội trường. Một số hội trường có nhiều cột; nếu vậy thì tốt hơn bạn nên dùng loại micrô gắn ve áo, hoặc micrô có dây dài. Một micrô có chân sẽ bất tiện đấy. Thật quan trọng việc bạn và thính giả có thể nhìn thấy nhau rõ ràng.  

Việc đến sớm cũng giúp bạn có những điều chỉnh cần thiết vào phút cuối, nếu cần. Bạn có cơ hội để đánh giá thính giả và gặp những người có thể cung cấp cho bạn thêm thông tin về thính giả.   

Đến sớm, bạn cũng có thì giờ để ôn lại những điểm chính trong phiếu ghi ‘nốt’ của mình. Còn nếu bạn đến trễ thì sẽ có những hệ quả ngược lại – và có khi làm hỏng cả bài nói chuyện của bạn đấy. 

Diễn thuyết là một hành động truyền thông sâu sắc. Dành vài phút thinh lặng suy ngẫm hay cầu nguyện, bạn sẽ thấy mình ở trong tư thế sẵn sàng nhất.  

Do căng thẳng, đôi khi người ta thở dồn dập trước khi nói chuyện. Điều này có thể làm gia tăng đáng kể lượng ôxy và làm giảm lượng điôxít cacbon trong phổi. Nghĩa là máu của bạn phóng thích ít ôxy hơn. Cần có đủ điôxít cacbon để ôxy có thể được phóng thích từ máu và điều hoà dòng năng lượng. Dành ít phút hít thở sâu, bạn sẽ lập lại sự ‘cân bằng’ của ôxy và điôxít cacbon trong phổi. Trong thực tế, khi bạn ‘tĩnh nguyện,’ bạn có thể thở đều đều từ bụng và như vậy bạn đã giúp cân bằng lượng ôxy và điôxít cacbon rồi. 

Đến sớm, bạn cũng có thì giờ để gặp người dẫn chương trình và dàn xếp một cuộc giới thiệu vắn gọn. Một số MC thích ‘nói linh tinh’, vì thế tốt hơn chính bạn nên viết nội dung giới thiệu ra giấy và trao cho MC. Làm thế, bạn giữ cho phần giới thiệu được ngắn gọn và phù hợp. Đôi khi tôi thêm chút thông tin dí dỏm sau phần giới thiệu ngắn gọn chính thức. Điều đó giúp cho thính giả được thư giãn và đồng thời cũng giúp tạo một bầu khí gần gũi hơn. 

ỨNG XỬ TRÊN KHÁN ĐÀI 

Khi bạn đã vào chỗ của mình trên khán đài, trước khi giới thiệu, bạn hướng mắt nhìn thính giả. Hãy nhìn họ, đừng nhìn vào sổ tay của bạn, cũng đừng nhìn sàn nhà, tường nhà hay trần nhà. Đừng trông có vẻ mệt mỏi, chán chường. Mọi người đang nhìn bạn đấy. Cũng đừng lộ vẻ quá trịnh trọng. Không phải người ta đến đây để cho bạn ‘nhát ma’ họ đâu. Khi bạn được MC giới thiệu, hãy đĩnh đạc bước tới phía trước khán đài. Đừng đi kiểu ‘yếu xìu’ hay đi ‘lạch bạch’ như vịt xiêm. 

Bạn giữ thinh lặng một chút trước khi bắt đầu vào bài nói chuyện. Điều này sẽ làm cho thính giả ổn định và bắt đầu chú ý. Hãy tránh mọi kiểu thưa chào khách sáo như “Tôi xin chân thành cám ơn các nhà tổ chức đáng kính đã cho tôi cơ hội được hân hạnh nói chuyện với cử toạ tuyệt vời này.” Người ta sẽ thấy một cái gì thiếu tự nhiên trong lời ấy của bạn. 

Một số diễn giả bắt đầu bằng một lời xin lỗi như “Xin thứ lỗi cho tôi nếu tôi nói điều gì không đúng. Vì tôi không phải là nhà diễn thuyết chuyên nghiệp.” Tại nhiều nước Á Châu, bắt đầu bằng một lời xin lỗi là dấu hiệu của khiêm nhường. Tuy nhiên, tôi không khuyến khích bạn bắt đầu cách tiêu cực như thế. 

Hãy xin lỗi chỉ khi bạn có lỗi, như nói “Good morning” khi lẽ ra phải nói là “Good evening.” Nếu bạn đến trễ, bạn phải xin lỗi. 

Điều quan trọng là bạn vào bài nói chuyện ngay lập tức. Hãy bắt đầu với một phần mở đầu độc đáo, có duyên. 

DIỄN ĐÀN MỞ (OPEN FORUM) 

Đôi khi, sau một bài nói chuyện, có một diễn đàn mở – tức thời gian dành cho thính giả đặt câu hỏi. Diễn đàn mở cho bạn cơ hội để nhắc lại thông điệp của mình. 

Tuy nhiên, một diễn đàn mở có thể làm thính giả mệt mỏi nếu nó không được tổ chức tốt. Không nên kéo dài diễn đàn mở quá 10 phút. Nói chung, bạn nên trả lời khoảng chừng 5 câu hỏi khác nhau là đủ.  

Cần nhớ là không phải ai cũng thích hỏi, trong khi mọi người đều bị buộc phải nghe câu trả lời. Tốt nhất là bạn thảo luận với người dẫn chương trình trước khi nói chuyện. Hãy yêu cầu người MC không chỉ giới hạn số câu hỏi mà còn liệu sao để tránh lặp lại các câu hỏi nữa. Một MC tốt sẽ có khả năng lo liệu việc này. 

Khi có người đặt câu hỏi, bạn hãy lắng nghe cẩn thận. Phải kiên nhẫn để nghe cho hết câu hỏi. Đôi khi có hai hay thậm chí hơn hai câu hỏi chứa trong chỉ ‘một’ câu hỏi đấy! 

Các câu trả lời của bạn phải ngắn gọn và đúng trọng tâm. Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy thành thật nói rằng mình không biết. Một số diễn giả chu đáo đến nỗi dù không trả lời được lúc ấy, họ vẫn sẵn lòng tìm hiểu thêm và gửi thư trả lời về sau.

Tác giả Lm. Giuse Lê Công Đức (dịch)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!