Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Linh Tiến Khải
Bài Viết Của
Lm. Linh Tiến Khải
TÓM TẮT TIỂU SỬ & SỰ NGHIỆP THÁNH GIÊRÔNIMÔ, LINH MỤC TIẾN SĨ HỘI THÁNH [Lễ Kính vào ngày 30/09]
Ngày tàn của một chế độ độc tài
TUYÊN NGÔN CỦA TÒA THÁNH VỀ VỤ TRUYỀN CHỨC GIÁM MỤC TẠI SÁN ĐẦU BÊN TRUNG QUỐC
Mọi kitô hữu đều có thể nên thánh
Khổng lồ sợ ma
Đức Thánh Cha kêu gọi dấn thân cụ thể xây dựng hòa bình và tôn trọng các quyền con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo
TÓM TẮT TIỂU SỬ & SỰ NGHIỆP THÁNH GIÊRÔNIMÔ, LINH MỤC TIẾN SĨ HỘI THÁNH [LỄ KÍNH VÀO NGÀY 30/09]

  

* Sinh  năm 340 ở Stridon thuộc Dalmatia (Nam Tư  cũ).

* Được giáo dục như các thanh niên giới thượng lưu.

* Du học tại Roma, Italia. Chịu phép Rửa tội năm 19 tuổi.

* Năm 33 tuổi đến Contanstinopolis (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) học Thánh kinh và Thần học với thánh Grêgôriô Nazian.

* Năm 38 tuổi, trở lại Roma lúc 38 tuổi làm Bí Thư của Đức Giáo Hoàng Đamasô. Tại đây, Ngài là Tông Đồ nhiệt thành truyền bá lối sống chiêm niệm, đan tu, đề cao Đức Trinh Khiết. Được Đức Giáo Hoàng Đamasô giao việc rà soát và hiệu đính các bản dịch Thánh Kinh sang tiếng La Tinh.

* Năm 385 ngài trở lại Đông Phương, làm việc ở Bê-Lem: linh hướng cho nhiều tu sĩ và nghiên cứu và dịch Thánh Kinh từ tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng La tinh: Bản Phổ Thông (Vulgata) là công trình 22 năm từ  Rôma đến Bê-Lem.

* Từ trần tại Bê-lem ngày 30.9.420 và được mai táng tại Nhà Thờ Giáng Sinh (Bê-Lem). Sau này được dời về Nhà Thờ Đức Bà Cả ở Roma.

* Thánh Giêrônimô là một Giáo Phụ lớn và được phong là Tiến sĩ Hội Thánh.


 

GIROLAMO (GIÊRÔNIMÔ/HIÊRÔNIMÔ)

VỊ THÁNH CÓ CÁC GIÁO HUẤN RẤT THỜI SỰ


 

Girolamo, vị thánh say mê Thánh Kinh, có các giáo huấn rất tân tiến và coi sự hòa hợp với huấn quyền của Giáo Hội như tiêu chuẩn nền tảng cho việc chú giải Kinh Thánh. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến gần 30.000 tín hữu và du khánh hành hương tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 14-11-2007.


 

Tiếp tục trình bầy gương mặt thánh Girolamo Đức Thánh Cha nói: Thánh Girolamo nêu bật niềm vui và tầm quan trọng của việc làm quen với các văn bản Kinh Thánh. Người cho rằng khi sống giữa các văn bản Kinh Thánh, suy niệm chúng và không kiếm tìm gì khác, là xem ra con người đã như là sống trên nước trời rồi (Ep 53,10). Thật ra, trong một nghĩa nào đó đối thoại với Thiên Chúa, với lời của Người, là chúng ta ở trong sự hiện diện của Trời Cao, sự hiện diện của Chúa rồi. Đến với các văn bản Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước, là điều nền tảng đối với tín hữu, bởi vì ”không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”.


 

Là người thực sự say mê Lời Chúa, thánh nhân tự hỏi không biết làm sao mà sống, nếu không biết Kinh Thánh, qua đó chúng ta học biết chính Chúa Kitô là sự sống của tín hữu (Ep 30,7). Kinh Thánh, dụng cụ qua đó Thiên Chúa nói với tín hữu mỗi ngày (Ep 133,13), như thế, trở thành sự thúc đẩy và suối nguồn của cuộc sống Kitô trong mọi hoàn cảnh và đối với từng người. Đọc Kinh Thánh là đối thoại với Thiên Chúa. Thánh Girolamo viết cho một thiếu nữ quyền qúy Roma như sau: ”Nếu con cầu nguyện là con nói chuyện với Phu Quân; nếu con đọc Kinh Thánh thì chính Người nói chuyện với con” (Ep 22,25). Dĩ nhiên để có thể tiến sâu hơn vào Lời Chúa cần có sự áp dụng thường hằng và từ từ. Thánh nhân nhắn nhủ linh mục Nepoziano như sau: « Hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh; còn hơn thế nữa ước chi sách Kinh Thánh đừng bao giờ rời khỏi tay con. Hãy học nơi đây điều con phải giảng dậy» (Ep 52,7). Thánh nhân cũng khuyên bà Leta, một phụ nữ thượng lưu Roma, giáo dục con gái bằng cách bắt con mỗi ngày đọc một vài đoạn Kinh Thánh, cầu nguyện rồi đọc Kinh Thánh và đọc Kinh Thánh rồi cầu nguyện... Thay vì đồ trang sức và áo tơ sợi thì hãy yêu các Sách Thánh (Ep 107,9.12).


 

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Với việc suy niệm và học hiểu Kinh Thánh tín hữu duy trì thế quân bình của tâm hồn (Ad Eph., prol.). Chỉ có tinh thần cầu nguyện sâu đậm và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần mới có thể dẫn đưa chúng ta tới chỗ hiểu biết Kinh Thánh: ”Trong việc chú giải Sách Thánh chúng ta luôn cần tới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần” (In Mich. 1,1,10,15).

Như thế có một tình yêu say mê thấm nhập toàn cuộc sống của thánh Girolamo, một tình yêu mà người luôn tìm thông truyền cho các tín hữu. Thánh nhân khuyên nhủ một con nữ tín hữu, con linh hướng của người, như sau: ”Con hãy yêu mến Sách Thánh và sự khôn ngoan sẽ yêu thương con; con hãy mến yêu Sách Thánh và Sách Thánh sẽ gìn giữ con; hãy tôn kính Sách Thánh và con sẽ nhận được các vuốt ve của nó. Ước gì Sách Thánh giống như vòng cổ và bông tai con đeo” (Ep 130,20). ”Hãy yêu thích khoa học Kinh Thánh và con sẽ không yêu thích các thói xấu của xác thịt” (Ep 125,11).


 

Liên quan tới một tiêu chuẩn nòng cốt của việc chú giải Kinh Thánh mà thánh Girolamo đề ra, Đức Thánh Cha nói: Đối với thánh Girolamo một tiêu chuẩn nền tảng của phương pháp chú giải Kinh Thánh là sự hòa hợp với huấn quyền của Giáo Hội. Chúng ta không bao giờ có thể đọc Kinh Thánh một mình. Có quá nhiều cửa ngõ bị đóng và chúng ta có thể rơi vào lầm lạc một cách dễ dàng. Kinh Thánh đã được Dân Chúa viết ra và được viết ra cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông đối với Dân Chúa chúng ta mới thực sự bước vào với cái ”chúng tôi” của nhân tố chân lý, mà chính Thiên Chúa muốn nói. Đối với thánh Girolamo một giải thích Kinh Thánh đích thực phải luôn luôn ở trong sự hòa hợp với lòng tin của Giáo Hội Công Giáo.


 

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Đây không phải là đòi buộc áp đặt từ bên ngoài; Sách Thánh là tiếng nói của Dân Thiên Chúa đang lữ hành, và chỉ trong lòng tin của Dân đó chúng ta mới ở trong thế đúng đắn để hiểu Sách Thánh. Chính vì thế thánh Girolamo cảnh cáo như sau: ”Hãy gắn bó vững vàng với giáo thuyết truyền thống được dậy dỗ cho con, để con có thể khuyến khích theo giáo thuyết lành mạnh và phản bác những kẻ chống lại giáo thuyết đó” (Ep 52,7). Đặc biệt xét vì Chúa Giêsu Kitô đã thành lập Giáo Hội trên Phêrô, mọi tín hữu Kitô phải sống trong sự hiệp thông với ”Tòa thánh Phêrô. Tôi biết rằng trên đá này Giáo Hội đã được xây dựng” (Ep 15,2).


 

Thánh Girolamo cũng không bỏ qua khía cạnh luân lý đạo đức. Người thường nhắc nhớ cho tín hữu biết bổn phận phải sống phù hợp với Lời Chúa. Sự trung thực đó cần thiết đối với tín hữu, đặc biệt đối với các vị giảng thuyết, làm sao để cho các hành động phải phù hợp với các lời giảng dậy... Tin Mừng phải được thể hiện ra qua các thái độ sống bác ái đích thật, vì Con Người của chính Chúa Kitô hiện diện nơi mỗi một người. Thánh Girolamo viết cho linh mục Paolo, sau này trở thành Giám Mục thành Nola và là thánh, như sau: ”Đền thờ đích thật của Chúa Kitô là linh hồn của tín hữu: hãy trang hoàng đền thánh đó, hãy làm cho nó nên xinh đẹp, hãy để các của lễ của con nơi đó và tiếp đón Chúa Kitô. Khảm các tường với đá qúy mà làm gì, nếu Chúa Kitô chết đói nơi các con người của một kẻ nghèo túng?” (Ep 58,7). ”Cần phải may mặc cho Chúa Kitô nơi người nghèo khó, thăm viếng Chúa nơi những kẻ khổ đau, nuôi nấng Chúa nơi các kẻ đói khát, cho người không nhà trú ngụ” (Ep 130,14). ”Chúng hãy yêu mến Chúa Giêsu Kitô, hãy luôn tìm kết hiệp với Người: khi đó điều khó khăn xem ra cũng dễ dàng” (Ep 22,40).


 

Thánh Girolamo cũng để lại cho chúng ta giáo huấn về sự khổ chế Kitô. Người nhắc cho biết rằng việc can đảm dấn thân hướng tới chỗ hoàn thiện đòi hỏi phải thường xuyên tỉnh thức, hãm mình, cũng như sống chừng mực và thận trọng, kiên trì làm việc trí thức hay công việc tay chân để tránh nhàn rỗi (x. Ep 125,11; 130,15), đặc biệt là biết vâng lời. Ngoài ra cũng còn có các cuộc hành hương, đặc biệt là hành hương Thánh Địa, nơi các tín hữu được tiếp đón trong các nhà gần tu viện Bếtlehem, nhờ lòng hảo tâm của bà Paola, con thiêng liêng của thánh nhân.


 

Sau cùng thánh Girolamo cũng đề cập đến khoa sư phạm Kitô (Epp, 107 và 128). Người đề nghị đào tạo một linh hồn trở thành đền thờ của Chúa (Ep 107,4), viên đá quý trước mắt Thiên Chúa (Ep 107,13). Thánh nhân khuyên phải giữ gìn nó khỏi sự dữ và các dịp tội lỗi, loại trừ các tình bạn hàm hồ hay làm phân tán tâm hồn (x. Ep 107,4 và 8-9; Ep 128,3-4). Người đặc biệt khuyến khích các bậc cha mẹ tạo dựng bầu khí an bình và tươi vui cho con cái, khích lệ chúng học hành và làm việc, khen ngợi chúng ganh đua, khuyến khích chúng thắng vượt các khó khăn, tập cho chúng có các thói quen tốt và đừng để cho chúng có các thói quen xấu. Cha mẹ là những người giáo dục chính và là các vị thầy đầu tiên của con cái ngay từ thời thơ ấu, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Thánh Girolamo cũng thăng tiến nữ giới và thừa nhận cho họ có quyền được đào tạo giáo dục nhân bản toàn vẹn tại học đường cũng như trong lãnh vực tôn giáo và nghề nghiệp. Đó là viễn tượng của một nền giáo dục toàn vẹn, đào tạo tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nó là điều kiện đích thật của mọi tiến bộ, hòa bình, hòa giải và loại trừ bạo lực. Và Kinh Thánh cống hiến cho chúng ta sự hướng dẫn giáo dục của chủ thuyết nhân bản đích thực ấy.


 

Sau khi chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha rồi ban phép lành tòa thánh cho mọi người.


 

Linh Tiến Khải (VietCatholicNews 14/11/2007)

Tác giả: Lm. Linh Tiến Khải

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!