(Chúa Nhật V Mùa Chay B)
“Ta sẽ ghi vào lòng dạ
chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng, Lề luật của Ta” (Gr 31,33). Chắc hẳn Lề luật
mà Thiên Chúa muốn khắc ghi vào tâm khảm dân của Người chính là Luật của tình
yêu. Sau này chính Con Một Người nhập thể đã khẳng định rằng mọi lề luật và lời
ngôn sứ gồm tóm trong điều này là anh em hãy làm cho tha nhân những gì anh em
muốn tha nhân làm cho mình (x.Mt 7,12).
Một trong những khao
khát đượm tính hiện sinh của con người đó là được sống và sống mãi. Cái khát
vọng này như đã trở thành vô vọng với cả những người quyền cao chức trọng, với
các vua chúa xưa lẫn nay. Sở dĩ nó đã trở thành vô vọng, vì người ta quá băn khoăn
về cuộc sống đời này trong sự vị kỷ. “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời
đời”(Ga 12,25 ). Sự coi thường ở đây không phải là thái độ lơ là, vô trách
nhiệm, mà là một sự hiến mình vì tha nhân trong tình yêu.
Quy luật của tình yêu đã
được thánh Phanxicô Axidi phác họa trong lời kinh hoà bình: “Chính khi thứ tha
là khi được tha thứ. Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính khi quên
mình là lúc gặp lại bản thân. Chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chắc
hẳn thánh nhân thuộc nằm lòng lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Thật, Thầy bảo
thật với anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ
trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).
Đã là quy luật thì có
tính khách quan cần phải tuân thủ. Để tuân thủ quy luật nào đó thì trước hết
phải nhận biết nó. Thế nhưng không phải mọi quy luật đều hiện hữu cách minh
nhiên dễ thấy, dễ nhận ra. Định luật vạn vật hấp dẫn đã có từ khi vũ trụ hình thành
thế mà đến cuối thế kỷ XVII Isaac Newton mới phát hiện. Việc khám phá định luật
này là kết quả của một quá trình nghiên cứu mà việc thấy quả táo rơi chỉ là
điểm khởi đầu. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã khẳng định: “Dầu là Con Thiên
Chúa, Chúa Giêsu đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng
phục…” (Dt 5,9), nói đúng hơn, đó là Chúa Giêsu đã trải qua nhiều đau khổ mới
học biết thế nào là yêu thương.
Yêu thương không hẳn chỉ
là cho đi những gì mình có. Với quyền năng của Đấng tạo thành, có từ đời đời
với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô có thể biểu lộ tình yêu bằng việc
cung cấp lương thực cho con người. Người cũng đã biểu lộ tình yêu bằng việc
giáng phúc thi ân chữa lành bệnh tật, cho người què được đi, người mù được thấy
người điếc được nghe… Người cũng đã biểu lộ tình yêu khi làm chủ thiên nhiên
hay làm chủ cả quỷ thần. Người lại đã từng biểu lộ tình yêu khi làm cho một số
người sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, nếu chỉ cho đi những gì mình có bằng khả
năng và quyền hạn của mình thì cũng chưa hẳn đã là yêu đến cùng.
Yêu thương cách đích
thực là cho đi những gì mình là. Phút giây nhập thể trong cung lòng Mẹ Maria,
Ngôi Hai Thiên Chúa đã tự nguyện cho đi thân phận của một vị Thiên Chúa. Lời
đáp ca trong Thánh Lễ Truyền Tin, nói đúng hơn là Thánh Lễ mừng mầu nhiệm Ngôi
Hai Nhập Thể: “Hy sinh và lễ vật, thì Chúa chẳng ưng, này Con xin đến để thực
thi ý Người” (x.Tv 40). Suốt ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã
nỗ lực không ngừng cho đi cái thân phận của Đấng Thiên Sai, Đấng từ trời mà
xuống, để sống kiếp “không chỗ tựa đầu”(x.Lc 9,58). Vì yêu thương Chúa Giêsu đã
đau xót tột độ đến nỗi mồ hôi tuôn ra pha lẫn máu trong vườn cây dầu, để rồi
cho đi thân phận một con người, thân phận của vị vua trên các vua và cả thân
phận Con Thiên Chúa của mình bằng cái án bất công và cái chết ô nhục trên thập
giá. “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt
27,40). “Nếu ông là vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi!”(Lc 23,37). Người vẫn
ở đó, trên thập giá cho đến hơi thở cuối cùng.
Mất những tất cả gì mình
có, thật đau xót, nhưng dẫu sao vẫn còn chính mình. Mất tất cả những gì mình
là, đúng là một điều tồi tệ, vì chẳng còn gì, ngay cả bản thân. Thế nhưng khi
cái điều tồi tệ ấy khi được thực hiện bằng sự ý thức và tự do vì hạnh phúc của
tha nhân, thì nó trở thành tiền đề cho tiến trình yêu thương và phát triển. Khi
bị mục nát đi, chẳng còn là hạt lúa thì cây lúa mọc lên và các gié lúa trĩu hạt
hình thành.
Đã yêu là phải tuân thủ
quy luật của tình yêu. Để biết được quy luật thì phải học hỏi, tìm tòi. Học mà
thôi, vẫn chưa đủ, cần phải tập luyện liên lỉ. Có đau đớn và cũng có xót xa. Có
xao xuyến và cũng có hy sinh. Nhưng không thể không tập luyện. Để được sống và
sống dồi dào, để sinh được hoa trái và hoa trái tồn tại, khởi đầu xin hãy tập
cho đi những gì mình có và tiến dần đến chỗ trao ban những gì mình là, vì người
mình yêu, vì người yêu mình, vì cả người ghét mình lẫn kẻ bách hại mình.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột