Chúa hạ con
xuống rồi Người lại nâng con lên. Chúa dìm con xuống hố sâu và Người lại nhấc
con lên…Bàng bạc đâu đó cái ý tưởng này trong các lời ca, trong nhiều cái nhìn
tu đức và cả trong một vài kiểu cách diễn tả của Thánh Kinh, đặc biệt là Cưụ
Ước. Khi dân được tuyển chọn bất trung, phản bội, Thiên Chúa trừng phạt dân,
thông thường bằng cách đày ải dân vào kiếp nô lệ ngoại bang để bày tỏ cơn thịnh
nộ. Nhưng rồi sau đó Người lại giải thoát dân để bày tỏ lòng thương xót.
Lời mạc khải là
Lời của Thiên Chúa, nhưng lại được trình bày bằng ngôn ngữ nhân loại, qua những
con người cụ thể của một thời gian, không gian, nền văn hoá nhất định. Chắc
chắn khó có thể tránh khỏi chuyện gán cho Thiên Chúa những tâm tình, ý nghĩ,
đường lối, cung cách hành xử mang đậm nét con người. Vì thế chuyện “suy bụng ta
ra bụng người” vẫn ít nhiều có đó trong các trang Kinh Thánh.
Thiên Chúa đày
ải và lại giải phóng dân, không chỉ để cho dân nhận ra quyền năng và tình yêu
của Người, mà còn để dân phải gắn bó, trung thành với Người ư? Không lẽ chuyện
vừa đấm vừa xoa, chuyện kế sách “cây gậy và củ cà rốt”, chuyện dìm người ta
xuống nước cho gần chết ngạt rồi sau đó thả tay ra cho người ta hít thở để
người ta rối rít cám ơn mình… cũng là “chuyện tình” giữa Thiên Chúa với nhân
loại ư? Chắc chắn tuyệt đối không phải thế. Nếu giả như Thiên Chúa cũng hành xử
với con người theo kiểu cách mà nhiều nhà cầm quyền khôn ranh, hay nhiều thể
chế độc tài gian ác đã hành xử thì Người chỉ đáng cho chúng ta “kinh sợ, khiếp
hãi” mà không bao giờ đáng được kính mến.
Để có cái nhìn
tương đối khá chính xác và “gần” chân lý hơn, thiết tưởng không gì hơn hãy lắng
nghe những lời do miệng Con Thiên Chúa làm người phán: “Thiên Chúa yêu thế gian
đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được
sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải
để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga
3,15).
1.Thiên
Chúa không phải là tác giả của sự dữ. Là Đấng toàn thiện, nên sự dữ không thể và
không bao giờ do Thiên Chúa gây ra. Thế mà con người rất nhiều khi gặp phải sự
dữ thì lại gán ghép cho Thiên Chúa. Xưa kia, khi đi trong hoang địa, dân Chúa
đã phản loạn và khi rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người thì người ta cho rằng
Thiên Chúa trừng phạt họ bằng cách “cho” rắn bò ra cắn chết họ. Cái ý nghĩ về
chuyện “trời phạt” đã từng có trong tâm thức của con người xưa nay. Nhờ lời mạc
khải, đặc biệt là lời hoàn hảo của Đấng Cứu độ, chúng ta mới biết rằng Thiên
Chúa không phải là ông thần thích báo thù hay trừng phạt. Tuy nhiên, có nhiều
lúc Người lại “để” cho sự dữ xảy ra mà không ra tay ngăn cản để cảnh tỉnh con
ngưòi về tình trạng tội lỗi của họ hoặc để thanh luyện tình yêu của họ đối với
Người, giúp họ ngày càng yêu mến Người cách vô vị lợi và chân thành hơn.
Không kể những
sự dữ mang tính mầu nhiệm mà ta không thể suy thấu, thì có thể nói hầu hết các
sự dữ xảy ra là do hậu quả của tội lỗi của con người gây ra cho nhau hay cho
chính bản thân mình. Con người ta, khi “chẹt chân thì dễ há miệng” và “hữu sự
thì dễ vái tứ phương”. Như thế, những sự dữ vẫn có đó ý nghĩa của nó với kiếp
người chúng ta. Những sự khốn khó ở đời này vẫn còn đó vai trò của người thầy
dạy giỏi. Cho dù đôi khi cái khó bó cái khôn, nhưng sự thường thì “gian nan rèn
nhân đức”. Dưới khía cạnh nhân bản thì gian khổ là cơ hội giúp ta rèn luyện sự
nhẫn nại, sự bền chí…còn dưới chiều kích đức tin, thì gian khổ giúp ta biết
khiêm nhu và tín thác vào tình yêu và của Thiên Chúa. Thánh Tông đồ dân ngoại
khẳng định: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ:
đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải
bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện” (Ep 2,8-9).
2.Thiên
Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Có thể nói đây là ý chính của phần Phụng Vụ lời Chúa mà Hội
Thánh dọn cho chúng ta trong Chúa nhật IV Mùa Chay B này. Trong cảnh tha hương
lưu đày, dân Chúa xưa luôn hướng về Đền thánh Giêrusalem. Khi bày tỏ nổi lòng
của dân: “Giêrusalem, lòng này nếu quên người thì lưỡi xướng ca sẽ dính với
hàm” (Tv 136), tác giả Thánh Vịnh mời gọi dân suy đến tấm lòng của Thiên Chúa.
Các sứ ngôn sau khi cảnh báo dân về tội phản nghịch của họ cùng với các hình
phạt sẽ phải hứng chịu thì liền sau đó thường bày tỏ lòng xót thương vô bờ của
Thiên Chúa. “Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình,
vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng” (Hs 14,5). Cố nhạc sĩ họ Trịnh
đã từng ca thán: “Chúa đã bỏ loài người. Phật đã bỏ loài người”. Thế nhưng Kinh
Thánh khẳng định rằng dù cho có người mẹ nào nhẫn tâm bỏ con mình đi nữa thì
Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ bỏ loài người. Thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô:
“Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên
dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với
Đức Kitô” (Ep 2,4).
Thiên Chúa
không thể bỏ con người. Một lời khẳng định xem ra khá hàm hồ, nhưng thật chính
xác vì “Thiên Chúa không thể chối bỏ chính Người, vì Người là Tình Yêu (x.1Ga
4,8). Dù trời cao hay đất thấp, dù thiên thần hay thiên phủ…không có gì có thể
tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu (x.Rm
8,39). Như thế, nếu chúng ta vẫn chìm trong bóng tối thì chính chúng ta phải
chịu trách nhiệm vì đã khước từ ánh sáng.
Thiên Chúa là
Đấng ân thưởng. Và chính chúng ta mới là những người luận phạt. Nếu chúng ta
chọn ánh sáng tức là tin vào Chúa Giêsu và sống theo lời của Người thì chúng ta
được Thiên Chúa ân thưởng. Trái lại nếu chúng ta chối từ Chúa Kitô thì chúng
ta, chứ không ai khác, là người kết án, luận phạt chính bản thân mình.
Lm. Giuse
Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.