Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế op.
Bài Viết Của
Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế op.
Phẩm chất và giá trị của linh mục (Bài thuyết trình cho các linh mục, cựu sinh viên Xuân Bích)
Phẩm giá của Ki-tô hữu
TIẾP CẬN VỚI KINH THÁNH
Lòng đạo đức tinh tuyền
Vấn đề xưng tội
TINH THẦN TRUYỀN GIÁO
ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH
ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ CÔNG LÝ VÀ HOÀ BÌNH

  

1. Vài dòng lịch sử

Công lý và Hoà bình là một tổ chức của Giáo hội Công giáo manh nha từ thông điệp Phát triển các dân tộc (Progressio populorum) thời ĐGH Phao-lô VI, năm 1967, và hình thành từ sau Công đồng Va-ti-ca-nô II. Tổ chức này phát xuất từ các tư tưởng trong hiến chế Vui mừng và hy vọng. Hiến chế này là một công trình tư tưởng vĩ đại, được khắp nơi trên thế giới hoan nghênh và trở thành chính sách có mặt của Giáo hội trong thế giới ngày nay.

Trong một thế giới mà nhiều nơi còn nghèo khổ, quyền con người không được tôn trọng, Giáo hội muốn cổ võ và góp phần thiết lập một trật tự xã hội mới, nơi đó, nhân phẩm được tôn trọng và bảo vệ, bằng học thuyết xã hội của mình và qua những hoạt động nhân đạo của con cái mình, với một cơ câu pháp lý chặt chẽ là các Uỷ ban Công lý và Hoà bình tại Trung ương cũng như các Giáo hội địa phương.

Thời Công đồng mới khai diễn, người ta thường hay nhắc đến từ cập nhật hoá (aggiornamento). Từ này là của Đức Cố Giáo hoàng Gio-an XXIII (nay là chân phước). Theo ĐGH, nay đã đến lúc Giáo hội mở cửa nhìn ra thế giới và để cho thế giới nhìn vào. Hai bên nên quay mặt vào nhau thay vì quay lưng lại với nhau. Giáo hội đã mang đến cho thế giới nhiều giá trị tinh thần cao quí và nhiều công trình nghệ thuật văn hoá đạo lý rất có giá trị, thì thế giới cũng có thể mang lại cho Giáo hội những giá trị khác như tình liên đới và sự đồng hành.

Câu mở đầu thời danh của hiến chế Vui mừng và hy vọng thường được nhắc lại và được dùng làm nền tảng cho những hoạt động của Giáo hội trong các lãnh vực trần thế. Đây là những lời vàng ngọc chứng tỏ mối bận tâm và lòng tha thiết của Giáo hội đối với xã hội loài người :

“Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, buồn khổ và âu lo của các môn đệ Đức Ki-tô. Không có gi đích thực nhân loại mà lại không có âm vang nơi cõi lòng người môn đệ Đức Ki-tô.” (Gaudium et spes số 1)

Có thể nói nền tảng của các hoạt động đổi mới và thích nghi của Giáo hội sau Công đồng Va-ti-ca-nô II là dựa trên những lời xác quyết này mà Công lý và Hoà bình là một trong những yếu tố nổi bật nhất.

2. Khái quát về Công lý và Hoà bình

Thánh Tô-ma A-qui-nô định nghĩa công lý hay công bình là trả cho ai cái thuộc về người ấy (reddere cui sui est). Tiền tài, danh vọng, nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, đồ đạc của người nào, mình phải tôn trọng, không được xâm phạm hay chiếm đoạt. Nếu đã trót lấy của người ta rồi thì phải đền, phải trả cho cân xứng.

Thánh Âu-tinh định nghĩa hoà bình là sư ổn định của trật tự (tranquillitas ordinis). Khi nào có trật tự trên dưới, từ trong ra ngoài thì lúc đó có hoà bình.

Đức Giáo hoàng Pio XII chọn khẩu hiệu hoà bình là công trình của công lý (pax opus justitiae). Sở dĩ ngài chọn khẩu hiệu này có lẽ vì thời đó (1939) là thời cực thịnh của chủ nghĩa phát-xít và quốc xã. Hai nhà độc tài Mussolini và Hitler bắt người ta phải gọi mình là Duce, Fuhrer, nhà lãnh đạo, người hướng dẫn. Hoà bình lúc ấy bị đe doạ ; con người bị lệ thuộc và làm tôi cho ý thức hệ độc tài và phi nhân bản. Ngài muốn là ngọn cờ đi đầu, hoạt động và cổ võ cho hoà bình dựa trên công lý. Theo ngài, không thể có hoà bình khi công lý bị chà đạp.

Vì vậy, người ta mới nói hoà bình không phải là không có chiến tranh và muốn hoà bình thì phải chuẩn bị chiến tranh. Như thế nghĩa là gì ? Thưa nghĩa là không có chiến tranh mà trật tự giữa con người với nhau, giữa chính quyến và người dân không ổn định vì những sự cãi cọ tranh giành, vì những luật lệ bất công gây tức tối bực bội, lúc đó trật tự bị xáo trộn thì không có hoà bình. Còn chuẩn bị chiến tranh, nghĩa là huấn luyện binh sĩ, chuẩn bị võ khí để khi bị quân đội nước khác đên tấn công thì có thể đương đầu để giữ gìn bờ cõi.

Đó là nói chiến tranh theo đúng nghĩa. Còn nói chiến tranh theo nghĩa hạn hẹp thì đó là chuẩn bị làm sao giữ được mối hoà khí trong đoàn thể, trong quốc gia, giữa người dân với chính quyền. Khi chính quyền không làm mất lòng dân vì những hành vi độc tài, phi nhân bản thì bấy giờ mới có được cảnh quốc thái dân an. Nghệ thuật cầm quyền trị nước của các bậc phụ mẫu chi dân là ở chỗ đó.

3. Phạm vi hoạt động của Công lý và Hoà bình

Phạm vi này khá rộng rãi đi từ chỗ rao giảng, phổ biến tài liệu, lý thuyết về học thuyết của Giáo hội đến chỗ hành động thiết thực chống lại bất công đàn áp, bênh vực người cô thế, nghèo khổ, thấp cổ bé miệng, hoạt động giải thoát cho khỏi cảnh nghèo đói, lưu ý đến người di dân, góp phần vào việc xây dựng và củng cố hoà bình. Công lý không phải là tình thương và đồng nghĩa với tình thương mà là hành động bằng nhiều hình thức khác nhau để trả cho ai cái thuộc về người ấy và giúp thiết lập hoà bình giữa các cá nhân và các dân tộc với nhau. Vì Công lý và Hoà bình, Đức Cố Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã làm hết sức để ngăn chặn cuộc chiến tranh I-rắc và một linh mục Dòng Đa Minh người Úc đã lấy máu từ cánh tay mình bội lên cửa toà đại sứ Mỹ ở Sydney để phản đối Mỹ cất quân xâm chiếm I-rắc. Cha này là chủ nhiệm và chủ bút tờ Công lý và Hoà bình (Justice and Peace) của Tỉnh Dòng Úc. Trên tờ báo gửi đi các nơi, cha luôn luôn in hàng chữ Chúng tôi có anh em ở I-rắc. Những hành động này cũng như bao hành động khác không ngăn chặn được cuộc chiến, nhưng đã nói lên được tinh thần của Công lý và Hoà bình.

4. Mục đích của Công lý và Hoà bình

Công lý và Hoà bình nhằm phổ biến tư tưởng xã hội của Giáo hội qua việc giúp đỡ những người nghèo khổ, những người bị tước đoạt quyền sống, những người không có hay bị lấy mất đi tiếng nói, những người bị tù tội vì tranh đấu bất bạo động cho nhân quyền và dân chủ, những nạn nhân của kỳ thị và hận thù. Thường người công giáo hay ngại những công viêc này vì cho đó là làm chính trị. Đúng vậy. Nhưng đó là chính trị cần thiết, vì nếu không có thế thì Công lý sẽ chỉ mông lung ở đâu xa vời, trong khi Công lý và Hoà bình được lập ra là để bênh vực những con người ở trên mặt đất này. Đàng khác cũng phải hiểu chính trị theo hai nghĩa : chính trị để cầm quyền và chính trị để lo cho ích chung. Nếu chính trị để lo cho ích chung thì rất nên làm chính trị. Phải chăng vì vậy mà có từ cộng hoà dịch từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang : Republic, République. Mà những tiếng này lại phát xuất từ tiếng la tinh : Res publica, những sự việc chung.  

Kết luận

Trên đây là đôi điều suy nghĩ nhân việc HĐGM mới thành lập Uỷ ban Công lý và Hoà bình, và bài phỏng vấn ĐC Linh trên mạng cũng như lá thư mới đây của giáo dân Cồn Dầu gửi HĐGM và Uỷ Ban Công lý và Hoà Bình.

Ước mong rằng từ nay đã có Uỷ ban này thì những cảnh bất bằng nhan nhản khắp nơi và những tiếng kêu than của nạn nhân bị tước đoạt công lý sẽ được lắng nghe và tiếp cứu.

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.

Tác giả: Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế op.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!