HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM NHẮN GỞI CÁCH RIÊNG VỚI GIA ĐÌNH LECTIO DIVINA
Quí thành viên Gia Đình Lectio Divina thân mến, Có lẽ chúng ta đã có dịp đọc Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của HĐGMVN. Với lòng nhiệt thành và trân trọng, Cha Bảo Tịnh đã dàn trang lại toàn bộ bản văn để mọi người có thể dễ chú ý hơn cho từng đề mục, xin mở file kèm hoặc có thể lưu lại dễ dàng trên máy để sử dụng khi cần. Ngoài ra, với GĐLD, chúng ta cùng nhau đọc lại cách đặc biệt đề mục số 11, được xem như HĐGMVN đang nhắn nhủ cách riêng và rất khẩn thiết với chúng ta. Ước mong mỗi thành viên GĐLD sẽ là một "hướng dẫn viên" cho phong trào cỗ võ và thực hành lectio divina - Điều cấp bách nhất trong mọi điều cấp bách! Cũng xin nhắc lại ở đây một ý tưởng của cha Bảo Tịnh, trong phần Kết của Lá Thư Phục Sinh 2011: "Tôi có cảm tưởng là trước lời mời gọi, cổ võ, phát động phong trào nào đó về một thực hành đạo đức: lần hạt Mân Côi, Chầu Mình Thánh Chúa, ngắm Đàng Thánh Giá, Làm giờ Kính Lòng Chúa Thương Xót, hoặc ngay cả học hỏi, chia sẻ Lời Chúa, giáo dân Việt Nam chúng ta rất hồ hởi phấn khởi rộ lên ở hầu hết các xứ đạo, ngay cả trong các cộng đoàn tu hoạt động. Riêng lời mời gọi khẩn thiết của Công Đồng về Lectio divina thì hơi quá bị quên lãng. Bởi đâu? Sau khi tìm hiểu lý do từ những hồ hởi phấn khởi thực hành các việc đạo đức vừa nêu trên, tôi có một nhận định chân tình là cho đến bây giờ giáo dân Việt Nam không được các cha sở phát động việc thực hành Lectio divina. Đơn giản chỉ có thế. Họ là đoàn chiên tốt, rất biết lắng nghe lời chủ chiên. Chủ chiên đề nghị gì, họ phấn khởi nghe theo. Xin cho tôi một đề nghị chân thành với các cha, các tu sĩ, các nữ tu: chúng ta đón nhận, đọc, nghiên cứu, học hỏi Tông Huấn Verbum Domini rồi giúp giáo dân và phát động phong trào Lectio divina trong môi trường hoạt động của mình. Thiết tưởng đó cũng là trách nhiệm hàng đầu của các thành viên Gia Đình Lectio Divina vậy" Thư Chung 2010 của HĐGMVN, nguyên văn đề mục số 11 11. Được Lời Chúa qui tụ, Dân Thiên Chúa chỉ có thể được xây dựng vững vàng trên nền tảng Lời Chúa. Được lắng nghe với lòng chân thành và kiên nhẫn, Lời Chúa sẽ trở thành nguồn sống dưỡng nuôi, ánh sáng soi đường và sức mạnh củng cố đức tin của các tín hữu trong mọi hoàn cảnh. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho thấy các hình thức sống Lời Chúa qua những việc đạo đức truyền thống như Đàng Thánh Giá, Kinh Truyền Tin, Kinh Mân Côi, Kinh cầu nguyện sớm tối, v.v… đã nuôi dưỡng và củng cố đời sống đức tin của bao thế hệ. Những việc đạo đức ấy thật đáng trân trọng và cần bảo tồn cũng như đổi mới và phát huy. Đồng thời, các tín hữu Việt Nam cần làm quen với Lời Chúa hơn nữa. Do đó Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, việc dạy và học giáo lý là đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nay đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng. Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam. Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên.
x. PC 6; DV 25; HĐGMVN, Thư chung 2005 “Sống Lời Chúa”. Đề nghị 3; cũng x. Đức Bênêđictô XVI, Verbum Domini 85. x. Đức Bênêđictô XVI, Verbum Domini 74. x. Đề nghị 3; Đức Bênêđictô XVI, Verbum Domini 77-85. x. Lectio divina là một phương pháp cầu nguyện dựa trên Lời Chúa, gồm bốn bước: đọc, suy niệm, chiêm ngắm, thực hành; Đức Bênêđictô XVI, Verbum Domini 86-87. x. HĐGMVN, Thư chung 2007 “Giáo Dục Hôm Nay, Xã Hội và Giáo Hội Ngày Mai”, số 26-31; Tài liệu làm việc, số 26; Đề cương, số 35-38.
...Xin mở file kèm
Tác giả:
Gia Đình Lectio Divina
|