Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gia Đình Lectio Divina
Bài Viết Của
Gia Đình Lectio Divina
Trả lời thắc mắc về Kinh phụng vụ
52 Tuần CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương XXI: SAI ĐI
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương XXI: ĐAM MÊ LỚN NHẤT CỦA ĐỜI TA
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương XX: MỘT VIÊN ĐÁ ĐỂ XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương XIX: NGÀY HÔM NAY
Tác Phẩm Khi Lời Bùng Cháy - Chương XVIII: NHỮNG PHỤ ÂM NẢY LỬA
TÁC PHẨM KHI LỜI BỪNG CHÁY - CHƯƠNG XVII - DƯỚI BÓNG NHỮNG PHỤ ÂM NỞ HOA
TÁC PHẨM KHI LỜI BỪNG CHÁY - CHƯƠNG XVI: VĂN CẢNH, BỐI CẢNH, TIỀN CẢNH (Texte, Contexte, Prétexte)
Tac Pham Khi Loi Bung Chay - Chuong XV: MỘT DÒNG SÔNG CUỐN TRÔI TẤT CẢ
Tác Phẩm Khi Lời Bùng Cháy - Chương XIV: HAI THỬA VƯỜN
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương XIII: “TA SẼ ĐẶT VÀO LÒNG CÁC NGƯƠI THẦN KHÍ CỦA TA”
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương XII: Hãy Đào Giếng, Hãy Leo Thang
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương XI: BẢN VĂN TƯƠNG ĐỒNG (CONCORDANCE)
Lectio divina chính là phương thế để Ngôi Lời Nhập Thể nơi Mẹ Maria
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương X: Phòng Xét Nghiệm Của Con Tim
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương IX: BẢN GIAO HƯỞNG CHO NGƯỜI CON ĐI HOANG TRỞ VỀ
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy- Chương VIII: HÃY ĂN SÁCH NÀY ĐI !
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương VII: Con Người Kinh Thánh
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương VI: VỚI CON TIM RỘNG MỞ
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương V: ĐỌC LÀ MỘT VIỆC LÀM
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương IV: BA CỘT TRỤ CỦA THẾ GIỚI
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương III: BẠN CÓ ĐÓI THẬT KHÔNG ?
Chương 2, Tác phẩm Khi Lời Bừng Cháy: SÁCH ĐƯỢC VIẾT CHO BẠN
Tác Phẩm Khi Lời Bừng Cháy - Chương 1 - SÁCH ĐƯỢC MỞ RA
Gia Đình Lectio Divina trân trọng giới thiệu tác phẩm: KHI LỜI BỪNG CHÁY - ĐÔI LỜI VỀ LECTIO DIVINA
Tóm tắt thực hành Lectio divina, song ngữ Việt Anh, bản văn dành cho thiếu nhi.
Tóm tắt thực hành Lectio divina, song ngữ Việt Anh, bản văn dành cho người lớn
Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!
Tác Phẩm Một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời - Chương 18: HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA
Tác Phẩm Một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời - Chương 17: CẦU NGUYỆN VÀ LỜI CHÚA
Tác Phẩm Một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời - Chương 16: BÁM RỄ TRONG LỜI 
Tác Phẩm Một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời - Chương 15: LỜI CHÚA, NGUỒN MẠCH CỦA TỰ DO
Tác Phẩm Một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời - Chương 14: VIỆC HÌNH THÀNH QUI ĐIỂN CỦA SÁCH THÁNH
Tác Phẩm Một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời - Chương 13: LỜI CHÚA VÀ TRUYỀN THỐNG
Tác phẩm Một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời - Chương 12: LECTIO DIVINA hay ĐỌC LỜI CHÚA TRONG TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN
Tác Phẩm Một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời - Chương 11: MẦU NHIỆM “LẮNG NGHE” TRONG TÂN ƯỚC
Linh hứng hay linh ứng ?
HÃY LẮNG NGHE, HỠI ÍT-RA-EN - Chương X: Tác Phẩm Một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời -
Tác Phẩm một Vị Thiên Chúa Ngỏ Lời - Chương IX. LINH HỨNG TRONG TÂN ƯỚC
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

 

 
 
1. NGHIỀN NGẪM LỜI
 
  1. Đặt mình trước tôn nhan Chúa Thánh Thần và xin Người đến mạc khải cho tôi về Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần là Người chú giải Lời của Cha.

  2. Đặt mình trong những tư thái tốt: khiêm tốn, nội tâm, tôn kính, trầm lặng...

  3. Đúng giờ và khao khát Lời Chúa. Định số giờ và nơi chốn cho Lectio divina.

  4. Chọn bản văn để đọc, cầu nguyện, bắt đầu với bài Tin Mừng của thánh lễ hằng ngày vì lý do hiệp thông với Giáo Hội. Nên đọc ngay từ tối hôm trước.

  5. Tìm kiếm qua bản văn. qua ba lần đọc : đọc lần 1 để lắng nghe, lần 2 để ghi nhớ, lần 3 để đưa vào nội tâm. Chú ý đến Lời.

  6. Tìm gặp qua suy niệm. Bốn câu hỏi : đâu là những khuôn mặt của Chúa, của tội nhân, của con người mới và của Giáo Hội mà bản văn muốn trình bày cho tôi ? Nghiền ngẫm Lời.

  7. Bốn ý nghĩa của Kinh Thánh. Nhìn lại những giai đoạn trước khởi đi từ những nghĩa đen (nghĩa văn tự) và nghĩa thiêng liêng (nghĩa ẩn dụ, nghĩa luân lý và nghĩa thần bí).

  8. Đánh động qua cầu nguyện. Đối thoại với Chúa bằng cách trình bày với Chúa ước nguyện của mình, nói với Chúa niềm vui được ở bên Chúa. Khẩn xin, tạ ơn.

  9. Đi vào qua chiêm ngắm. Nếm hưởng sự hiện diện của Chúa, phủ phục tôn thờ trong nội tâm. Kết hợp đức tin và tình yêu Thiên Chúa.

10. Kết thúc bằng cách xin Chúa giúp thực hiện Lời của Chúa. Lạy Chúa, Chúa muốn mời gọi con làm gì? Có phải mời con hoán cải, tin tưởng phó thác hơn, sám hối, tạ ơn ?

 

2. NHỮNG XÁC TÍN CẦN PHẢI CÓ TRONG TÂM TRÍ KHI CẦU NGUYỆN VỚI KINH THÁNH  

Chính với đức tin mà người kitô hữu tiếp cận việc đọc Kinh Thánh. Có cả một chuỗi những xác tín cần phải có để đọc Kinh Thánh với tư cách là Kitô hữu.

1- Chỉ có một Thiên Chúa. Ngài không theo hình ảnh của chúng ta: Ngài là Đấng hoàn toàn Khác. Ngài đã tự mạc khải cho một dân tôc, nhưng cũng cho tất cả mọi dân tộc.

2- Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến độ đã trở thành người anh của chúng ta trong con người Giêsu Na-da-rét.

3- Qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của mình, Chúa Giêsu từ nay đã trở thành Chúa của chúng ta. Ngài lôi kéo chúng ta vào trong thế giới mới của Thiên Chúa, trong “Vương Quốc của Thiên Chúa”. Ngài ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài.

4- Ơn cứu độ của Chúa Giêsu không phải chỉ dành riêng cho một số người, nhưng là cho mọi người. Thiên Chúa muốn mọi người được hạnh phúc (đó chính là những chủ đề quan trọng của Giao Ước, của ơn Cứu Độ, của sự Giải Phóng). Thật khó sống tính đại đồng này, nhưng tất cả được đo lường ở đó.

5- Các Kitô hữu được mời gọi hoán cải, quay trở về cùng Chúa. Một cách thật trái nghịch, cách thế yêu mến Thiên Chúa tốt nhất, đó là yêu mến anh em đồng loại. “Người nào nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu mến người anh em mình thì chỉ là kẻ nói dối”.

6- Đối với một kitô hữu, tất cả các đoạn văn Kinh Thánh đều liên kết với bản tuyên xưng đức tin của Hội Thánh (Tôi tin).

  

3- MƯỜI HAI XÁC TÍN 

ĐGH Biển Đức XVI, ngày 16.09.2005:

“Việc thực hành lectio divina, nếu được làm cách hữu hiệu, sẽ đem lại cho Hội Thánh một mùa xuân thiêng liêng mới mẻ, tôi đoan chắc như thế”. 

1)  Lời Chúa là lương thực hằng ngày. Chúng ta cần nuôi sống thân xác chúng ta mỗi ngày, chúng ta cũng phài tiếp nhận Lời Chúa mỗi ngày để Lời thực hiện trong lòng chúng ta điều chúng ta xin trong kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”

2)   Lời Chúa được Chúa Thánh Thần linh hứng. Kinh Thánh chứa đựng một Lời sống động. Thánh Thần là Đấng đã linh hứng Lời Chúa, cũng chính Ngài được ban cho chúng ta để làm cho Lời sinh hoa trái tốt trong tâm hồn chúng ta. Nhờ bẩy ơn thiêng, Ngài làm cho chúng ta xứng hợp để đón nhận trong chân lý Lời này. Đứng bao giờ quên cầu xin Chúa Thánh Thần khi khởi sự Lectio divina.

3)   Cần phải đón nhận Lời Chúa như một ơn ban. Phương pháp sư phạm của lectio divina giúp chúng ta luôn sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa. Đừng tìm cách sàng lọc, bóp méo lời Chúa để lợi dụng. Lời thế nào, phải đơn sơ tiếp nhận như thế, dù lời đối với chúng ta có dễ hay không, chúng ta biết hay không biết. Chúng ta hãy chuẩn bị luôn sẵn sàng để Lời đem lại trong chúng ta hoa trái mà Chúa Thánh Thần muốn ban.

4)   Phương pháp sư phạm của Chúa về Lectio divina. Để đón nhận Lời Chúa như vừa trình bày, cần phải có phương pháp sư phạm, được linh hứng ngay trong Kinh Thánh và được truyền thống kitô giáo khám phá ra, để giúp tín hữu trở thành “đất tốt” (x. Lc 8-4-15) có thể đón nhận và làm sinh hoa kết quả ơn ban Lời Chúa. Phương pháp sư phạm này giúp chúng ta nhổ bỏ tất cả những cản trờ (sỏi đá, gai..., như hình ảnh dụ ngôn người gieo giống). Khoa sư phạm này dạy chúng ta kiên trì luôn sẵn sàng vận dụng mọi khả năng để sống lectio divina.

5)   Lời Chúa được truyền đạt trong các tác phẩm văn chương có mạch lạc ăn khớp với nhau. Mỗi bản văn Kinh Thánh là một phần của cuốn sách. Đó không phải là những câu châm ngôn được chọn xếp đặt bên nhau. Điều đó thật hiển nhiên. Nhưng thói quen chỉ nhận những bản văn được phụng vụ tuyển chọn, có nguy cơ lớn làm chúng ta quên đi thực tế này. Chính vì thế, trong lectio divina rất cần thiết là phải đọc bản văn Kinh Thánh theo thứ tự. Đọc, suy và cầu cả một cuốn sách, hoặc ít ra là liên tục những chương liên quan tới nhau trong những sách dài hơn, không chọn lựa những đoạn có vẻ dễ hơn, gây thích thú hơn, đó chính là tôn trọng Lời như chính Thánh Thần muốn tặng ban cho chúng ta.

6).   Sự thống nhất sâu đậm giữa Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả Sách Thánh là mạc khải và là Lời của Thiên Chúa. Bằng nhiều cách thế nó khai triển chương trình của Thiên Chúa là ban cho chúng ta ơn cứu độ và giúp chúng ta chiêm ngắm sự tuyệt vời của tình thương xót của Cha chúng ta, được tỏ hiện nơi Con của Ngài. Hai sách Cựu và Tân Ước soi sáng lẫn cho nhau, “cũng như Tân Ước được tiềm ẩn trong Cựu Ước và, Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước” (DV 6 – Th. Augustin). Như thế, lectio divina được phong phú qua việc đọc đối xứng những đoạn văn để nhận ra được sự hài hòa sâu sắc của Sách Thánh, kết qủa của Thánh Linh. “Sách Thánh được diễn tả bằng Sách Thánh” (Origène).

7)  Sự phong phú của Tuyền thống kitô giáo. Lời Chúa chỉ được chuyển tải đến chúng ta nhờ truyền thống. Lời được tiếp nhận, sống, trải nghiệm, rồi loan truyền, chuyển tiếp, ban bố, như Chúa Kitô đã truyền cho các môn đệ của Ngài. Lời đã được đọc, đọc lại, cầu nguyện, cử hành, công bố, chú giải và tuyên chứng, dưới tác động của cũng một Thánh Linh là Đấng đã linh hứng Lời. Lectio divina chỉ có thể phong phú trong tiếp cận với điều mà các thế hệ tín hữu nối tiếp nhau đã kín múc trong Lời này, với điều mà họ dần dần đưa ra ánh sáng, với điều đã nuôi dưỡng đức tin, đức cậy, đức mến của họ. “Sách Thánh tin với người đọc Sách Thánh” (Th. Grégoire Cả).

8)   Lectio divina và khoa chú giải Kinh Thánh. Đừng lẫn lộn và cũng đừng chống đối hai cách thế tiếp cận những bản văn Kinh Thánh.. Học hỏi và cầu nguyện Lời Chúa có những yêu sách riêng, nhưng có thể bổ túc cho nhau, bằng cách nối kết trí hiểu và con tim để Lời có thể nuôi dưỡng và soi sáng tất cả mọi chiều kích của con người chúng ta. Sự đóng góp của khoa chú giải có thể đặc biệt nuôi dưỡng việc chúng ta suy niệm Lời, bằng cách chúng ta hiểu chính xác hơn những cách thế trình bày khác nhau trong các Sách Kinh Thánh.

9)   Sự tiếp nhận Lời Chúa với tính cách cá nhân và cộng đoàn. Phương pháp sư phạm của lectio divina đòi hỏi một quyết định và một thực thi cá nhân, một bao hàm trọn vẹn con người chúng ta để tìm ra một nhịp sống thích hợp hằng ngày trong việc tiếp nhận Lời Chúa bằng cách để ý đến những bức xúc, những khó khăn, khả năng tiếp nhận thực tế trong ngày. Thực thi cá nhân, không có nghĩa là riêng lẻ. Vì để thăng hoa, Lectio divina  cần một cộng đoàn kitô hữu mà trong đó đức tin có thể được cử hành và Lời Chúa mà cá nhân mình tiếp nhận được có thể được đưa ra chia sẻ.

Một cộng đoàn qui tụ lại để cùng sống một thời khắc đặc biệt qua thực hành lectio divina, cùng tiếp nhận một Lời, qua đó tất cả đều dự chung trong “bữa tiệc Lời Chúa” này, sẽ nâng đỡ sự trung tín của mỗi phần tử trong nếp sống tư riêng hằng ngày và cho phép trao cho nhau một Lời nào đó mình đã tiếp nhận và suy niệm.

10. Lectio divina và các bài đọc trong Thánh Lễ. Để thực hành lectio divina, dĩ nhiên có thể dựa trên các bài đọc trong thánh lễ hằng ngày. Rất nhiều người đã thực hành như thế và gặt hái được kết quả tốt. Tuy nhiên, các sách bài đọc phụng vụ này không thiết lập một chương trình cho lectio divina. Nói đúng ra các sách này giả định là đã có lectio divina rồi và chỉ là kéo dài trong cử hành chung trong cộng đoàn những mầu nhiệm Thiên Chúa. Như chúng tôi vừa nhấn mạnh đến khía cạnh sư phạm riêng của lectio divina. Có nhiều đề nghị rút ra từ phương pháp sư phạm này.

11. Lời Chúa và Thánh Thể. Phụng vụ Thánh Thể không tách biệt việc tiếp nhận Chúa Kitô trong Lời của Ngài và trong Mình Máu Thánh Ngài. Sự chiêm ngắm, kết quả của cầu nguyện Lời, và việc Rước Mình Thánh Chúa liên kết với nhau và bổ dưỡng cho nhau. Cả hai đều cử hành sự hiện diện cụ thể của Chúa Kitô trong cuộc sống của tín hữu. Cả hai ngay từ “hôm nay” làm cho chúng ta kết hiệp trong Chúa Kitô với Chúa Cha. Hội Thánh tặng ban cho tín hữu, như thánh Jérôme nhắc lại, được nuôi dưỡng bằng Thịt và Máu Thánh Chúa Kitô không phải chỉ trong mầu nhiệm bàn thờ, nhưng cả trong việc đọc Sách Thánh. Theo một cách thế rất sư phạm, và không giảm thiểu Lời Chúa trong giai đoạn chuẩn bị và phụ thuộc, Lectio divina có thể được hoàn tất trong tôn thờ Thánh Thể, và hơn nữa trong việc tham dự Thánh Lễ.

12. Maria, mẫu gương tiếp nhận Lời Chúa. Đức Maria, trong các Sách Tin Mừng, luôn được liên kết chặt chẽ với việc tiếp nhận Lời. Mẹ là người suy niệm Lời mà Mẹ luôn trung thành ghi nhớ trong lòng (Lc 2,19.51; 8,21). Mẹ đã đủ sẵn sàng để đáp lời thiên thần: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa; xin Chúa cứ làm cho tôi như như lời sứ thần nói” (Lc 1,38) và để cưu mang trong Mẹ Ngôi Lời làm người, để tặng trao lại cho thế giới. Cũng chính Lời Chúa, được cầu nguyện, suy niệm và chôn sâu trong Mẹ, đã cho Mẹ những ngôn từ diễn tả lời cầu nguyện của Mẹ trong bài Magnificat. Khi thiếu rượu trong bữa tiệc của con người, Mẹ Chúa Giêsu quay lại nói với những người tiếp bàn – nói với chúng ta-: “Hãy làm những gì Ngài bảo” (Ga 2,5). Tại chân thánh giá, Mẹ Chúa Giêsu đã được trao ban cho chúng ta để làm mẹ (ít ra chúng ta nhận mình là những “môn đệ yêu dấu”); chúng ta được ủy thác cho Mẹ để làm con của Mẹ (x. Ga 19,26-27). Kinh chuỗi mân côi, mời chúng ta trải qua những mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô với Mẹ Maria cũng có thể đuợc suy nguyện tiếp theo lectio divina.

   

4. NHỮNG PHẦN QUAN TRỌNG CỦA KINH THÁNH NÓI ĐẾN NHỮNG XÁC TÍN CỦA ĐỨC TIN 

Sách Luật

Ít-ra-en tại sa mạc đã có kinh nghiệm về việc lập dân của mình. Chúa của họ đã giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ và khỏi quân đội ai cập, rồi khỏi cảnh đói khát, thất vọng v.v.... Những trình thuật trong 5 cuốn sách đầu tiên (Ngũ Kinh) của Kinh Thánh chính là những tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa cứu độ. Nhưng nếu, ngược lại, Ít-ra-en đã lẩm bẩm than vãn nghịch lại với Thiên Chúa, nổi loạn và nuối tiếc Ai Cập, cũng chính là kinh nghiệm về đức tin nhưng với cách tiêu cực. Thiên Chúa phải can thiệp và cứu vớt dân Ngài khỏi cứng lòng tin, khỏi sự mất đức tin dẫn đến tự sát. Ngài đã ban cho dân Lề Luật để hướng dẫn dân.

Các ngôn sứ

Các sấm ngôn tiên tri, trước thời bị lưu đày, thường là những loan báo về phán xét của Thiên Chúa: như những tối hậu thư gửi đến cho Ít-ta-en hoặc cho những người trách nhiệm dân, để họ hoán cải bao lâu còn có giờ. Trong khi vạch trần những tội phạm của dân Ít-ra-en, các ngôn sứ muốn nhắc nhở họ về những yêu sách của giao ước với Thiên Chúa. Kể từ khi bị lưu dày, khá nhiều sấm ngôn tiên tri loan báo ơn giải thoát mà Thiên Chúa sẽ gửi đến cho dân Ngài, như một xuất hành mới.

Các nhà khôn ngoan

Những lời khuyên dụ của các ông đôi khi chỉ là hợp lý và dựa trên kinh nghiệm con người thôi, nhưng lý tưởng sống mà các ông đề nghị luôn hợp với đức tin; họ chứng tỏ rằng không có chia cắt giữa tôn giáo và cuộc sống. Càng ngày họ càng xác tín rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban sự khôn ngoan cần thiết để thành công trong cuộc sống.

Các trình thuật Tin Mừng

Trung tâm điểm của tất cả các trình thuật tin mừng là tuyên bố Giêsu là Chúa, có nghĩa là Đấng Phục Sinh luôn sống một cách bí nhiệm giữa các môn đệ. Có lúc trình thuật giới thiệu Chúa Giêsu như người được Cha sai đến, mạc khải về Cha, ví dụ như trong các bài giảng của Ngài; có lúc trình thuật đã cho thấy sự vinh thắng của Đấng Phục Sinh trên sự dữ và sự thua cuộc của bệnh tật, cái chết và tội lỗi. Tất cả các trang Tin Mừng, được viết trong niềm tin phục sinh, với bối cảnh của Kinh Thánh, đều là những tuyên xưng đức tin liên quan đến những mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Cũng thật như thế trong sách Công Vụ. Sách này cho thấy Đấng Phục Sinh tiếp tục hoạt động trong thế giới qua những người được sai đi và các cộng đoàn.

Các bản văn của các Tông Đồ

Thư của các Tông Đồ luôn nhắc nhớ đến trung tâm điểm của đức tin: sự liên đới với Chúa Giêsu, sống và hoạt động trong Hội Thánh của Ngài. Dù bất cứ vấn đề gì, các Tông Đồ cũng giải quyết trong nối kết với Chúa Kitô: hoặc là nhắc cho biết Ngài là ai, hoặc nhắc nhở những yêu sách của đời sống kitô hữu. 

  

5. TÌM KIẾM ĐỨC TIN 

Trước khi đi vào thực hành cầu nguyện với Kinh Thánh, cần phải có được phản xạ tự nhiên cho việc đọc, đó là: “tìm kiếm đức tin” trong tất cả các bản văn Kinh Thánh.

Đọc sách Thánh hệ tại ở việc lắng nghe lịch sử thánh. Kinh Thánh trình bày những biến cố nêu lên. Mục đích của Kinh Thánh không phải là mang lại những sự kiện lịch sử chính xác của các biến cố này. Kinh Thánh là một lịch sử thánh nói về đức tin của những người đã viết, đã xuất bản, và đã chuyển đạt lại.

Một so sánh

Tại trạm métro “Bastille” ở Paris, người ta có thể chiêm ngưỡng bản sao của một bản khắc diễn tả cuộc chiếm nhà tù Bastille. Một đám người đông vô kể, cầm những chĩa nhọn, đinh ba, không sợ hãi tiến vào tấn công thành, trong khi đó từ trên cao các tháp canh nhiều quân phòng vệ với súng, đại pháo tìm cách ngăn chặn đám đông, nhưng vô ích. Những cụm khói đen tỏa bay mù mịt. Bức vẽ thật hoành tráng, nhưng theo các sử gia chẳng đúng với sự thật những gì đã xảy ra ngày hôm đó. Cuộc tấn công chiếm ngục nhẹ nhàng hơn nhiều. Tuy nhiên, trên bình diện ý nghĩa, bức vẽ diễn tả đúng tầm rộng của biến cố đã trở thành biểu tượng cho tất cả giai đoạn cách mạng Pháp. Sự quan trọng của cuộc cách mạng này xứng đáng để người ta vẽ một bước họa cuộc chiếm ngục Bastille kỳ diệu như thế.

Những người tin chứng tá đức tin của mình

Một hiện tượng cũng giống như thế trong các bản văn Kinh Thánh. Khi những ngươi tin của dân Ít-ra-en bắt đầu viết lịch sử của mình, điều quan trọng không phải là tường thuật qua chi tiết những thăng trầm của tổ tiên họ hoặc những biến cố chính của quê hương họ, nhưng là muốn chứng tá đức tin của họ. Trong lịch sử của họ, họ nhận ra được sự hiện diện của một Thiên Chúa ngã vị, một Thiên Chúa luôn muốn giải phóng họ khỏi những cảnh nô lệ, một Thiên Chúa cứu độ. Tiếng kêu vang đức tin này trải dài từ trang đầu tới trang cuối của Cựu Ước: Thiên Chúa là duy nhất, Ngài yêu thương dân Ngài và yêu thương tất cả mọi dân tộc, Ngài muốn mọi người được cứu độ và Ngài đứng về phía họ.

Các tác giả của Kinh Thánh giữ lại trong văn khố và trong kỷ niệm những nhân vật, những biến cố, những bản văn cho phép họ chứng tá đức tin của họ. Họ miêu tả đức tin trước khi miêu tả những sự kiện lịch sử của dân tộc họ.

Một lịch sử thánh

Trong kiểu nói “lịch sử thánh”, chính hình dung từ “thánh” có tầm quan trọng hơn và cho lịch sử một chiều kích khác.

Vấn đề cũng thế đối với Tân Ước và Cựu Ước. Vào những năm sau Phục Sinh, những người đã viết Tin Mừng muốn chứng tá đức tin của họ nơi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã hiến thân mình, đã sống lại, hiện tại đang ban Thần Khí của Ngài cho các môn đệ và sẽ đến trong vinh quang. Các vị này không bận tâm đến chuyện viết một tác phẩm của nhà khảo cổ hoặc của sử gia, nhưng là chuyển giao đức tin vào Đấng Kitô luôn sống động bên Thiên Chúa và ở giữa các môn đệ. Đối với các vị, Chúa Giêsu là Đấng đã đến “hoàn tất Kinh Thánh”, hoàn tất những lời Thiên Chúa hứa về việc giải phóng và cứu độ. Các Tin Mừng ghi lại lịch sử thánh cũng như vậy. Các sách này kể lại đức tin của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Chỉ tiêu đầu tiên của các Tin Mừng là giúp khám phá và chia sẻ đức tin của những cộng đoàn kitô giáo tiên khởi.

Lắng nghe những kẻ tin của ngày xưa

Chính do vậy, đi vào việc đọc Sách Thánh, trước hết lắng nghe, lắng nghe để biết bằng cách nào những người tin của ngày xưa đã dần dần khám phá ra Thiên Chúa là một Thiên Chúa ngã vị đầy yêu thương, và được như thế là nhờ khởi đi từ cuộc sống của họ, khởi đi từ lịch sử của họ; chính nhờ lắng nghe các môn đệ của Chúa Giêsu đã nhận biết Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến, là Chúa của mọi người.

Kinh Thánh đã được những người tin viết cho những người tin. Kinh Thánh nói lên đức tin của những người đã viết. Chứng từ đức tin này đã được coi như có thể và phải giúp, khích lệ, củng cố và hướng dẫn đức tin của các cộng đoàn kitô hữu. Việc đọc Sách Thánh đề nghị lắng nghe chứng từ này về đức tin.

  

6. HAI LỜI KHUYÊN NÊN THEO 

Vì Kinh Thánh là một cuốn sách được những người tin viết cho những người tin, nên khi đi vào thực hành đọc Sách Thánh này, người ta nên theo hai lời khuyên sau đây:

1. Hòa mình vào đức tin của Giáo Hội

Kinh Thánh được viết, được chuyển trao trong các cộng đoàn những kẻ tin. Đối với một Kitô hữu, Sách Thánh được trao ban cho từ cộng đoàn, từ Hội Thánh. Như vậy người ta hòa nhập vào đức tin của Hội Thánh.

Việc đọc Sách Thánh đòi hỏi người ta phải vượt qua những khó khăn riêng của cá nhân mình trong vấn đề đức tin, dù đó là rất chính đáng. Cần nên giục lòng tin cậy vào cộng đoàn những kẻ tin thuộc Cựu Ước hay Tân Ước, là những người đã uốn nắn và chuyển trao những bản văn thánh này. Tại sao chúng ta lại không nghĩ đến những người tin của các thế hệ sau này Sách Thánh cũng sẽ được chuyển trao cho họ?

2. Trước hết nên tìm chứng từ đức tin của những người đã viết và chuyển trao Kinh Thánh

Kinh Thánh là một chứng từ của đức tin, được viết do những người tin cho những người tin khác. Sách này không phải là một cuốn sách viết về những giai thoại của quá khứ. Sách này là một “lịch sử thánh” viết cho chúng ta biết về lịch sử của sự thánh thiện, có nghĩa là của đức tin. Phản xạ đầu tiên là tìm kiếm chứng từ đức tin có trong những trang sách Kinh Thánh. Nếu không có phản xạ này người ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi đọc Kinh Thánh.

Vấn đề là khơi dậy trong mình sự tò mò về vấn đề thiêng liêng chứ không phải tò mò về vấn đề văn hóa. Tò mò về khía cạnh văn hóa rất chính đáng, nhưng đừng để nó cản trở tâm trí mình vào giờ phút “cầu nguyện với Lời Chúa”.

 

7. NĂM CÁI BẪY CẦN NÊN TRÁNH 

Nhiều thứ bẫy gặp phải khi đọc Kinh Thánh. Cố gắng tránh bao nhiêu có thể.

1. Coi Kinh Thánh như một cuốn sách cho những giải quyết luân lý

Đó là cái bẫy thường gặp. Người ta tìm mò trong Kinh Thánh những định hướng chính xác để sống cuộc sống thường ngày. Rơi vào cái bẫy này cũng không nguy hiểm lắm nếu người ta đọc Kinh Thánh “trong Hội Thánh”, lúc đó người ta sẽ chỉ tìm những định hướng theo “Tin Mừng”.

Tuy nhiên, đáng tiếc là chỉ gói gọn Kinh Thánh vào những định hướng kiểu này... Hơn nữa, được viết cách đây cả hơn thiên niên kỷ, không chắc gì Kinh Thánh có thể cung cấp những “thực đơn” thích ứng với cuộc sống hôm nay và thích hợp cho mọi người! Kinh Thánh cũng không phải là cẩm nang để sống tốt, nhưng là diễn đạt sứ điệp hạnh phúc đến từ Thiên Chúa.

Trước khi tìm hiểu xem phải dùng bản văn Kinh Thánh trong cuộc sống hằng ngày thế nào, chúng ta nên tìm kiếm đức tin được trình bày trong bản văn đó, và đức tin này có thể tạo cảm hứng cho đức tin của Hội Thánh ngày nay.

2. Coi một đoạn văn nào đó của Kinh Thánh làm như “Lời Tin Mừng”

Chính toàn bộ Kinh Thánh mạc khải sứ điệp hạnh phúc mà Thiên Chúa muốn chuyển trao cho con người. Sứ điệp này không bị đóng khung trong bất kỳ một lời, một đoạn, một cuốn sách nào thuộc Kinh Thánh. Sứ điệp này được khám phá một cách tiệm tiến qua việc các người tin đọc và suy niệm toàn bộ Kinh Thánh.

Một đoạn chọn lọc nào đó luôn phải được soi sáng và ngay cả chỉnh sửa bởi những đoạn khác, hay nói đúng hơn, bởi toàn bộ Kinh Thánh.

Chính Kinh Thánh gồm những cuốn sách khác nhau như để cảnh cáo chúng ta không được luôn bám víu vào cùng một cuốn sách, cùng một đoạn sách, cùng một lời....

3. Điều động Lời Chúa

Bẫy này thường có trong khi đọc và ít khi nhận ra được. Kinh Thánh là “Lời Chúa”, chắc hẳn như thế, và cũng còn cần phải hiểu cho rõ điều này muốn nói gì một cách chính xác. Kinh Thánh không tự động là một lời của Thiên Chúa mà người ta có thể cắt bỏ hay chọn lựa tùy ý! Lời Chúa luôn thoát khỏi chúng ta. Lời Chúa không phải là nô lệ của chúng ta và tuân theo mệnh lệnh của chúng ta. Cũng cần phải cẩn trọng khi sử dụng những kiểu nói như: “Chúa nói với tôi trong đoạn văn này...”,  “Hãy lắng nghe điều Hội Thánh muốn nói với chúng ta...”

Thiên Chúa vừa ở rất gần, nhưng cũng hoàn toàn khác. Nếu Chúa nói trong Kinh Thánh, đó là điều chính xác, phải thêm rằng cần phải luôn khám phá ra Lời của Ngài. Người ta không thể đào lỗ chôn Lời Chúa. Không phải cứ đọc Kinh Thánh là Lời Chúa sẽ mạc khải cho chúng ta. Lời Chúa cũng có trong lời đáp của người đọc, trong cách họ sống; và cũng có ở nơi những người khác đang cố gắng sống theo Lời. Lời Chúa hành động cách bí nhiệm. Chúng ta đừng phỉnh gạt bằng những lời của chúng ta, bằng những kinh nguyện của chúng ta khi chúng ta quả quyết rằng Thiên Chúa nói với chúng ta, khi chúng ta nói rằng Thần Khí nói với chúng ta điều này điều nọ... Kiểu cách nói của chúng ta thường vụng về. Thiên Chúa không bao giờ để chúng ta thao túng. Luôn có nguy cơ thờ ngẫu tượng khi muốn nắm bắt, chiếm hữu Lời Chúa như một sự vật...

4. Tin rằng bản văn Kinh Thánh làm cho chúng ta sống lại những biến cố được kể trong đó

Đó là một bẫy đã trở thành kinh điển, là tìm hỏi ở Kinh Thánh điều mà Kinh Thánh không thể cho. Kinh Thánh không bao giờ được thai nghén và được viết ra như một tác phẩm của một sử gia cố gắng làm sống lại quá khứ. Cũng cần phải rất cẩn trọng trong lãnh vực này. Trước cái nhìn của thời đại và của tất cả những gì xảy ra trong phần đất nhỏ hẹp của vùng Cận Đông mà Ít-ra-en đã sống thì chẳng có gì là nhiều. Kinh Thánh chỉ cung cấp một số những dấu vết của quá khứ. Chúng ta hãy để cho các sử gia tạo lại lịch sử khởi đi từ những dấu vết này, phần nào cũng giống như các nhà khảo cổ, nghiên cứu vài mảnh thủy tinh hay gốm sứ, có thể trình bày một ý tưởng về cả một kỹ nghệ thời xa xưa đó.

Thật lầm lẫn khi tin rằng Kinh Thánh viết một phóng sự vể Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp, Môsê...  Những bản văn Kinh Thánh chỉ chú tâm chuyển đạt những xác tín của những người đã viết lại những câu chuyện của các nhân vật này. Các bản văn này chứng tá cho những xác tín của những người đã lặp lại, sửa đổi và chuyển trao qua dòng lịch sử. Những bản văn này cuối cùng và nhất là những xác tín của những người đã chính thức chọn xếp các sách Kinh Thánh, nói cách khác, của những người cuối cùng xuất bản Kinh Thánh.

Đừng đọc Kinh Thánh như các sử gia, nhưng hãy đọc như những kẻ tin.

5. Tản mạn ngoài bản văn

Bản văn thường khơi cho chúng ta nghĩ đến những chuyện khác và chúng ta thường lấy cái hướng mà bản văn hoàn toàn không có ý chỉ tới. Bẫy này thường gặp và không dễ tránh. Đào thoát ra ngoài bản văn, cũng không tệ hại gì cho lắm, hơn nữa còn phải ý thức rằng mình đã đi ra ngoài! Trong khi cầu nguyện với Kinh Thánh và trong mức độ có thể, nên kìm hãm trí tưởng tượng và bắt mình làm người tôi tớ rất trung thành của chính bản văn.

Trình thuật ơn gọi của Áp-ra-ham (Kn 12) cho chúng ta một tấm gương khá kinh điển về vấn đề này. Người ta nghĩ ngay từ đầu một cách chắc nịch về đức tin của Áp-ra-ham trong khi bản văn chẳng đá động gì đến! Bản văn chỉ nói về lời hứa cho đất đai và hậu duệ, cũng như chúc lành của Chúa mà mọi người cũng sẽ được hưởng: “Nơi ngươi, tất cả mọi gia đình trên cõi đất cũng sẽ được chúc phúc” .

Dĩ nhiên người ta có lý do biện hộ vì ở đây đã tưởng nghĩ đến đức tin của Áp-ra-ham, bởi vì tất cả truyền thống do thái đã nghĩ như thế và ngay cả tác giả thư Híp-ri* (11,8) cũng nghĩ như thế! Tuy nhiên, lúc đi vào cầu nguyện, ở phần đầu chúng ta nên cố gắng tối đa ở lại trong bản văn. Điều này không dễ. Đó là vấn đề ý chí và khổ chế trong việc nghe và tôn trọng là những phẩm chất chính yếu của việc đọc Sách Thánh. 

-------------------------------------- 

Theo quyết định mới: “Thư Do Thái” được sửa lại cho đúng là “Thư Hípri” (ký  hiệu viết tắt: Hr)

 

8. ĐỂ HIỂU BIẾT Ý NGHĨA CỦA KINH THÁNH

VietCatholic News (13 Jun 2009 01:08) 

Phải liên tục thanh tẩy đôi mắt con tim và trí tuệ để hiểu biết ý nghĩa Kinh Thánh một cách đúng đắn. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trước hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 10-6-2009 tại quảng trường thánh Phêrô. Trong số hàng trăm đoàn hành hương cũng có một nhóm tín hữu Việt Nam đến từ Dallas tiểu bang Texas Hoa Kỳ, một nhóm đến từ Đức và một nhóm đến từ Thụy Sĩ.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của một giáo phụ khác sống vào thế kỷ thứ IX dưới thời các hoàng đế nhà Carolingi: đó là Giovanni Scoto Eriugena. Sinh tại Ailen vào khoảng năm 800, Giovanni Scoto Eriugena sang Pháp sinh sống dưới thời hoàng đế Carlo Hói Đầu, và qua đời năm 870. Đề cập tới sự hiểu biết sâu rộng của giáo phụ, Đức Thánh Cha nói:

Giovanni Scoto Eriugena có một nền văn hóa giáo phụ hy lạp và latinh trực tiếp, và biết các bút tích của các Giáo Phụ Latinh và Hy lạp. Người đặc biệt biết các tác phẩm của Agostino, Ambrogio, Gregorio Cả, các Giáo Phụ lớn của Đông Phương Kitô, cũng như tư tưởng của Origene, Gregorio thành Nissa, Giovanni Crisostomo và các Giáo Phụ Kitô Đông Phương ít nổi tiếng hơn. Là người rất giỏi tiếng Hy Lạp, giáo phụ đặc biệt chú ý đến Massimo vị Tuyên giáo và nhất là Dionigi Aeropagita. Dưới tên gọi này ẩn dấu gương mặt của một tác giả Kitô sống vào thế kỷ thứ V, nhưng toàn thời Trung Cổ và cả Giovanni Scoto Eriugena lại xác tín đó là một môn đệ của thánh Phaolô, và giáo phụ kín múc lấy nguồn cảm hứng cho tư tưởng của mình. Và Giovanni Scoto đã dành trọn cuộc đời mình để đào sâu tư tưởng của Dionigi Aeropagita. Nhưng các tác phẩm thần học của người đã không gặp may mắn, vì sự tàn lụi của nhà Carolingi khiến cho chúng bị lãng quên. Ngoài ra khuynh hướng Platon triệt để của giáo phụ khiến cho giáo quyền kiểm duyệt các tác phẩm của người. Đã chỉ có một vài tác phẩm đáng ghi nhớ, chẳng hạn như khảo luận về ”Sự phân chia thiên nhiên”, và ”Các trình bầy phẩm trật thiên quốc của thánh Dionigi”.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha khẳng định các suy tư của giáo phụ Giovanni Scoto cũng có thể gợi hứng cho các thần học gia ngày nay. Chẳng hạn như bổn phận phân định quyền bính đích thật, hay dấn thân tiếp tục tìm kiếm chân lý cho tới khi nào đạt kinh nghiệm trong việc thinh lặng thờ lậy Thiên Chúa.

Thí dụ giáo phụ khẳng định ”ơn cứu độ bắt đầu với lòng tin”, nghĩa là chúng ta không thể nói về Thiên Chúa đi từ các sáng chế của chúng ta, mà phải khởi hành từ những gì Thiên Chúa nói về chính Ngài trong Kinh Thánh. Quyền bính và lý trí không đối nghịch nhau. Một quyền bính không đích thật nếu không trùng hợp với sự thật được khám phá ra nhờ sức mạnh của lý trí... Chúng không đối nghịch với nhau vì cùng phát xuất từ một nguồn mạch duy nhất là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (I, PL 122. co. 511B). Đây là khẳng định can đảm về giá trị của lý trí dựa trên xác tín quyền bính đích thật biết đến lẽ phải và Thiên Chúa là lý trí sáng tạo.

Liên quan tới Kinh Thánh giáo phụ Giovanni Scoto suy diễn rằng Thiên Chúa đã ban Kinh Thánh cho con người với ý hướng sư phạm và vì nhân nhượng với con người, để cho con người có thể nhớ lại tất cả những gì đã được in dấu trong con tim ngay từ khi được tạo dựng là ”hình ảnh của Thiên Chúa”, nhưng tội nguyên tổ đã làm nó quên đi điều đó. Nhờ Kinh Thánh bản tính lý trí của chúng ta có thể được dẫn vào các bí mật của việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa một cách đích thật (II, PL 122, col. 146C). Rồi Đức Thánh Cha nói về hiệu lực của Kinh Thánh như sau:

Lời Kinh Thánh thanh tẩy lý trí của chúng ta đã từng bị mù lòa một ít, và giúp chúng ta nhớ lại điều hiện hữu trong chúng ta như là hình ảnh của Thiên Chúa, mà chúng ta mang trong con tim đã từng bị tội lỗi gây thương tích. Từ đó phát xuất ra vài hậu qủa liên quan tới việc giải thích Kinh Thánh. Chúng chỉ cho thấy con đường của việc đọc hiểu Kinh Thánh một cách đúng đắn: đó là khám phá ra ý nghĩa dấu ẩn của văn bản Kinh Thánh. Để đựơc như vậy, cần phải có ơn thánh bên trong, khiến cho lý trí rộng mở cho cho con đường dẫn tới sự thật. Sự tập tành ấy hệ tại việc thường xuyên vun trồng thái độ sẵn sàng rộng mở cho sự hoán cải. Để đạt việc nhìn thấy chiều sâu của văn bản kinh thánh, cần phải tiến triển trong việc hoán cải con tim và phân tích ý niệm của trang kinh thánh, trên bình diện vũ trụ, lịch sử và giáo lý. Chỉ qua sự thanh tẩy liên lỉ của đôi mắt con tim và đôi mắt trí tuệ con người mới có thể đạt sự hiểu biết ý nghĩa chính xác của Kinh Thánh.

Lộ trình đòi hỏi và hứng khởi này bao gồm các chinh phục và tương đối hóa sự hiểu biết của con người. Nó đưa trí tuệ con người tới bên ngưỡng cửa của Mầu Nhiệm thiên linh, nơi tất cả mọi ý niệm đều tỏ ra yếu kém và bất lực. Việc im lặng thờ lậy Mầu Nhiệm mở ra cho sự hiệp thông kết hiệp con người với Thiên Chúa, là con đường duy nhất của tương quan với chân lý. Giovanni Scoto gọi đó là việc ”thần linh hóa”. Giovanni Scoto dùng hình ảnh thép chảy thành lửa để diễn tả thực tại tuyệt diệu này: ”Giống như tất cả sắt trở thành nóng bỏng và chảy ra thành lửa nhưng các bản chất vẫn khác biệt nhau, cũng vậy chúng ta phải chấp nhận rằng sau sự tận cùng của thế giới này tất cả thiên nhiên có thân xác cũng như không có thân xác đều chỉ biểu lộ Thiên Chúa, nhưng nó vẫn nguyên vẹn đến độ Thiên Chúa có thể được hiểu mặc dù vẫn không thể hiểu biết hết được, và chính thụ tạo cũng được bến đổi trong Thiên Chúa với sự kỳ diệu không thể tả xiết” (V, PL 122, col. 451B).

Đức Thánh Cha nói thêm rằng toàn tư tưởng thần học của giáo phụ Giovanni Scoto là một cố gắng diễn tả Thiên Chúa không thể diễn tả nổi, chỉ dựa trên mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời làm người trong Đức Giêsu thành Nagiarét. Các hình ảnh do tác giả dùng cho thấy thực tại này là điều không thể diễn tả được, nhưng nó cho thấy sự hấp dẫn của kinh nghiệm thần bí đích thật, thỉnh thoảng có thể sờ mó được trong các bút tích của Giovanni Scoto.

Đức Thánh Cha đã chào nhiều nhóm khác nhau đặc biệt là các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới. Nhắc tới lễ Mình Máu Thánh Chúa ngài cầu mong Mình Máu Thánh Chúa là lương thực hằng ngày của các bạn trẻ, giúp họ tiến tới trên con đường nên thánh. Đức Thánh Cha xin Mình Máu Thánh Chúa ủi an và ban sức mạnh cho các anh chị em đau yếu đang chịu thử thách. Ngài cầu chúc các cặp vợ chồng mới cưới có Chúa Giêsu Thánh Thể đồng hành trên con đường tình yêu của họ.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

  

9. CẦN PHẢI KHẮC PHỤC chủ thuyết Nhị nguyên giữa Khoa Chú giải Thánh Kinh và khoa Thần học

Vatican, ngày 19-10-2008 - Hôm thứ ba, ĐTC đã công bố một bài diễn từ tại Thượng Hội đồng Giám mục, là Thượng Hội Đồng đang nhóm họp tại Vatican cho đến ngày 26-10 để thảo luận về đề tài: “Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo Hội”.

***

Anh Chị em thân mến, việc sửa soạn cho cuốn sách của tôi về Chúa Giêsu cho tôi nhiều dịp để nhìn thấy tất cả những điều tốt có thể đến từ Khoa Chú giải Thánh Kinh hiện đại, nhưng cũng cho tôi nhận ra những trở ngại và những nguy hiểm trong đó. Dei Verbum số 12 đưa ra cho chúng ta những chỉ dẫn về phương pháp thích hợp trong việc chú giải Thánh Kinh. Trước hết, văn kiện này xác nhận sự cần thiết của việc sử dụng phương pháp phân tích [phê bình] lịch sử (historical-critical method), qua việc diễn tả ngắn gọn những yếu tố thiết yếu. Nhu cầu này là kết quả của nguyên tắc Kitô giáo được hình thành trong Gioan 1,14: “Verbum caro factum est” (Ngôi lời trở thành nhục thể). Sự kiện lịch sử là bình diện chủ yếu của Đức tin Kitô giáo. Lịch sử cứu độ không phải là một huyền thoại, nhưng là một câu truyện có thật và vì thế phải được nghiên cứu bằng cùng những phương pháp như một cuộc nghiên cứu lịch sử quan trọng.

Tuy nhiên, lịch sử này lại có một bình diện khác, đó là tác động của Thiên Chúa. Vì điều này, “Dei Verbum” nhắc đến một mức độ phương pháp học cần thiết để giải thích đúng đắn các lời, là những lời vừa là lời loài người lại vừa là Lời Thiên Chúa.

Công Đồng nói rằng, theo một quy luật căn bản cho bất cứ việc cắt nghĩa một bản văn nào, Thánh Kinh phải được giải thích trong cùng một tinh thần mà trong đó Thánh Kinh được viết [chính ra phải dịch là trong cùng một Thánh Thần là Đấng đã viết Thánh Kinh]. Và do đó đưa ra 3 yếu tố căn bản về phương pháp để không quên bình diện Thiên Chúa, là khoa thần khí học của Thánh Kinh: nghĩa là một người phải 1) giải thích bản văn mà không quên tính duy nhất của toàn thể Thánh Kinh; ngày nay phương pháp này được gọi là Chú giải Thánh Kinh theo Quy Điển (Canonical Exegesis). Vào thời điểm của Công Đồng chưa có từ này, nhưng Công Đồng đã nói cùng một điều: người ta không được quên tính duy nhất của toàn thể Thánh Kinh; 2) một người cũng không được quên truyền thống sống động của toàn thể Hội Thánh; và sau cùng 3) phải tôn trọng tính loại suy Đức tin. Chỉ khi nào cả 2 mức độ về phương pháp học này, là phân tích lịch sử và thần học, được tôn trọng, thì một người có thể nói về khoa chú giải Thánh Kinh theo thần học - một loại chú giải Thánh Kinh thích hợp cho Sách này [Thánh Kinh]. Trong khi việc chú giải Thánh Kinh ở đại học theo mức độ thứ nhất hoạt động ở một tầm mức rất cao và thật sự có ích cho chúng ta, nhưng chúng ta không thể nói như thế về mức độ kia. Thường mức độ thứ hai này, là mức độ gồm có 3 yếu tố thần học được ám chỉ bởi Dei Verbum hầu như vắng mặt. Và điều ấy đưa đến những hậu quả khá trầm trọng.

Hậu quả thứ nhất của việc vắng bóng của mức độ phương pháp học thứ hai này là Thánh Kinh trở thành một cuốn sách chỉ nói về quá khứ. Các hậu quả về luân lý có thể được rút ra từ đó, một người có thể học về lịch sử, nhưng Sách chỉ nói về quá khứ và việc chú giải nó không còn có tính cách thần học thật sự nữa, mà trở thành thuật chép sử, là lịch sử của văn chương. Đây là hậu quả đầu tiên: Thánh Kinh tiếp tục ở trong quá khứ, chỉ nói về quá khứ. Còn có một hậu quả thứ hai trầm trọng hơn nhiều: ở đó những cách giải thích Thánh Kinh theo Đức tin như được Dei Verbum ám chỉ bị mất dạng, mà tất yếu xuất hiện một loại giải thích Thánh Kinh khác, giải thích Thánh Kinh theo thế tục, theo chủ nghĩa thực chứng, mà nguyên tắc chính của nó là việc biết chắc chắn rằng Thiên Chúa đã không xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Theo loại chú giải Thánh Kinh này, khi nào xem ra có những yếu tố thuộc về Thiên Chúa, người ta phải giải thích nó từ đâu đến và biến nó thành yếu tố hoàn toàn nhân loại.

Vì điều này mà nổi lên những cắt nghĩa chối bỏ lịch sử tính của những yếu tố thuộc về Thiên Chúa. Thí dụ, ngày nay cái gọi là trường phái chính của Khoa Giải thích Thánh Kinh ở nước Đức chối từ rằng Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và nói rằng thân xác của Chúa Giêsu vẫn còn nằm trong mồ. Biến cố Phục Sinh không phải là một biến cố lịch sử, nhưng là một thị kiến thần học. Việc đó xảy ra vì không giải thích Thánh Kinh theo Đức tin: cho nên người ta đã đưa ra một giải thích Thánh Kinh theo triết lý thế tục, là loại triết lý chối từ việc Thiên Chúa đi vào và hiện diện thật trong lịch sử là chuyện có thể xảy ra. Hậu quả của việc thiếu mức độ chú giải thứ hai này là tạo ra một vực thẳm thật sâu giữa khoa chú giải Thánh Kinh theo khoa học và Lectio Divina. Điều này đôi khi đưa đến một hình thức lúng túng ngay cả trong việc soạn bài giảng. Khi mà việc chú giải Thánh Kinh không còn là thần học nữa, thì Thánh Kinh không còn là linh hồn của thần học, và ngược lại, khi thần học không thiết yếu là việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội, thì thần học không còn nền tảng nữa.

Cho nên đối với đời sống và sứ vụ của Giáo Hội, đối với tương lai của Đức tin, chúng ta phải thắng vượt chủ nghĩa lưỡng phân giữa Khoa Chú giải Thánh Kinh và khoa thần học. Thần học theo Thánh Kinh và thần học hệ thống là hai bình diện của một thực thể duy nhất, là điều mà chúng ta gọi là Thần Học. Vì lý do này, tôi hy vọng rằng một trong những đề nghị sẽ đề cập đến nhu cầu cần phải nhớ đến hai mức độ theo phương pháp học được Dei Verbum số 12 ám chỉ, cần phải khai triển một Khoa Chú giải Thánh Kinh không chỉ ở mức độ lịch sử, nhưng cũng phải ở mức độ thần học. Vì thế, mở rộng việc đào luyện các nhà chú giải Thánh Kinh tương lai theo nghĩa này là điều cần thiết, để thật sự mở những kho tàng của Thánh Kinh ra cho thế giới hôm nay và cho tất cả chúng ta.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

 

10. NHỮNG PHƯƠNG THỨC THỰC HÀNH LECTIO DIVINA 

1. Lắng nghe hay đọc lại những bản văn do phụng vụ đề nghị, đặc biệt những bài đọc của thánh lễ. Sách bài đọc lễ Chúa Nhật thường chọn bài đọc thứ nhất hợp với bài Tin Mừng.

2. Đọc liên tục mỗi quyển sách trong toàn bộ Kinh Thánh từ đầu đến cuối. Trong Kinh Thần Vụ, những bài đọc được chọn lựa, nhưng chúng ta sẽ đọc trọn bộ trong chu kỳ hai năm. Đọc như thế sẽ giúp chúng ta biết về Kinh Thánh và giúp nuôi trí nhớ.

3. Chọn đọc để nhớ một số câu: “nghiền ngẫm”, chất vào trí nhớ bằng cách âu yếm đọc đi đọc lại một câu hay một đoạn Kinh Thánh, giữ lại như một kho sống động và dùng nó mà đối thoại với Chúa trong cầu nguyện. (Hình ảnh cổ điển diễn tả đó là con chiên (bò) gặm cỏ đầy bụng rồi nằm nhai lại).

4. Đọc theo chủ đề - Đi tìm một chữ, một hình ảnh... qua việc đọc hết một sách Phúc Âm (ví dụ tìm những câu có chữ “như” trong Phúc Âm Gioan, hoặc chữ “cái nhìn của Chúa Giêsu” trong Marcô, hay “Chúa Giêsu cầu nguyện” trong Luca hoặc trong cả bốn Phúc Âm để tìm một hay nhiều câu bao gồm chữ đó, viết lại, xếp đặt những câu này theo một trình tự có ý nghĩa, rồi so sánh và dùng đó để cầu nguyện.

5. Đối chiếu giữa các bản văn: Tìm những đoạn văn phù hợp với nhau, soi sáng, giải thích cho nhau để tìm ra một ý nghĩa trở thành lương thực cho người đọc, theo nguyên tắc “Kinh Thánh giải thích Kinh Thánh”.

- Cách đọc này sử dụng các sách Kinh Thánh có chú thích và gửi tới các câu khác trùng hợp sẽ giúp cho trí nhớ về Kinh Thánh.

- Cũng có thể sử dụng các sách như Điển ngữ thần học Kinh Thánh, hoặc Concordance...

6. Đọc các sách chú giải Kinh Thánh của các Giáo Phụ và các tác gỉa nổi tiếng trong truyền thống của Giáo Hội.

-------------

Vài trích dẫn đọc theo chủ đề trái tim (lòng), sự tinh tuyền và hưởng kiến Chúa:

Gn 6, 5-9.11-14.17;  Gn 7, 1-5.17.23-24;  Gn 8, 1-3.14-22;
  Gn 9, 14-17.

Lv 19, 17-18;  Đnl 5, 28-29.32-33;  Đnl 6, 5-6; Đnl 10, 12-22;
Đnl 30, 11-18.

Gr 4, 14;  Gr 5, 23-31;  Gr 24, 4-7;  Gr 31, 31-35;  Br 2, 27-35

Mt 6, 19-21;  Mc 7, 14-23;  Lc 8, 10-18;  Lc 24, 32;  Rm 5, 5;  2Cr 4, 6-7; Ga 15, 1-9

Ga 3, 1-8; Ga 1, 16-18.

Tác giả: Gia Đình Lectio Divina

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!