SUY NIỆM PHÚC ÂM ( IV B 49 ); ( 07.10.2012); ( Mc 10, 2-16)
CHÚA NHẬT XXVII PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN NĂM B
NGUYỄN HỌC TẬP
Hai chương 9 và 10 của Phúc Âm Thánh Marco thuật lại cho chúng ta mối liên hệ đặc biệt Thầy - Trò giữa Chúa Giêsu và các Môn Đệ Ngưới,
- từ việc Chúa Giêsu được biến đổi hình dạng chỉ có các Môn Đệ chứng kiến, cắt nghĩa cho các Môn Đệ sự tương quan giữa Ngài và tiên tri Elia,
- Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai cho các Ông về cuộc tử nạn của Ngài,
- Chúa Giêsu dạy cho các Ông địa vị của người lớn nhứt trong các môn đệ và thái độ phải có của người có của cải ở đời nầy
Mối liên hệ đặc biệt đó bị gián đoạn bởi một biến cố, Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay thuật lại cuộc tranh cãi về vấn đề ly dị, được các người Pharisêu đưa ra để chất vấn Chúa Giêsu và để tranh luận.
1 - Thật ra không phải nhóm người Pharisêu muốn biết Chúa Giêsu nghĩ thế nào về cuộc tranh cãi đang thịnh hành lúc đó, cho bằng tìm ra những đề tài để thử Chúa Giêsu, kích thích Người đưa ra định kiến, có thể gây bất lợi cho Người, nếu quan niệm của Chúa Giêsu đi ngược lại quan niệm của dân chúng, và nhất là ngược lại quan niệm của những ai có uy quyền lúc đó.
Hẵn chúng ta còn nhớ họ đã thử Người với vấn đề nộp thuế hay không nộp thuế cho Caesar ( Mt 22, 22). Nếu trả lời đồng thuận nộp thuế, thì Ngài đứng về phía quân đội ngoại xâm Roma đang chiếm đóng xứ Do Thái lúc đó, thần tượng và danh giá " Đấng Giải Phóng ( Messia) dân tộc Do Thái" của Ngài không còn nữa; nếu bảo đừng trả thuế cho Caesar, họ có thể tố cáo Ngài với quân Roma là tên phiến loạn, xúi dục dân chúng bất tuân Chính Quyền. Tội vừa kể có thể bị tử hình.
Họ cũng tranh luận với Ngài về việc các Môn Đệ Ngài bất tuân luật Moisen, không rửa tay trước khi ăn, chúng ta đẵ có dịp suy niệm Chúa Nhật mấy tuần lễ trước đây ( Mc 7, 1).
Họ cũng tỏ ra không tin những gì Ngài giảng dạy, cũng như các điều Người làm, nếu Người không làm các dấu lạ cho họ thấy ( Mc 8, 11).
Và cũng trong dụng ý không có gì là ngay chính đó, Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay thuật lại cho chúng ta, họ đem vấn đề ly dị ra tranh cãi, một vấn đề đang nóng bỏng lúc đó.
Nếu Chúa Giêsu có lập trường ngược lại quan niệm của những ai có quyền lực lúc đó, họ có thể tố cáo Ngài " bất tuân luật pháp", " gây bất ổn, phá rối an ninh trật tự, chống Chính Quyền", " phản động ". Và Chúa Giêsu có thể bị đem ra xử.
Chúng ta còn nhớ Thánh Gioan Tẩy Giả bị mất đầu cũng chỉ vì dám lên tiếng tỏ thái độ phản đối ly dị, phản đối việc Erode Antipa lấy vợ của người em mình ( Mc 6, 17-28).
Ở Do Thái lúc đó nhiều trường phái của các kinh sư chủ trương được phép ly dị và xác định điều kiện để người chồng có thể ly dị vợ.
- trường phái Hiller, có quan niệm rất rộng rải, cho rằng người chồng có thể ly dị vợ với bất cứ lý do gì.
- trường phái Shammai, hạn hẹp hơn, thu hẹp lý do ly dị chỉ vào trường hợp người vợ bất trung,
- trong khi đó thì trường phái Qumran không cho phép ly dị,
- và ở hải ngoại, trên các lãnh thổ thuộc quyền Hy Lạp, trường phái nhóm Alexandria xem ly dị là trọng tội ngang với ngoại tình, phát xuất từ phía người chồng hay người vợ cũng vậy.
Nhóm người Pharisêu và những trường phái chủ trương ly dị ở nội địa Do Thái chủ trương chỉ có người chồng được phép ly dị dựa vào luật Moisen, được viết ra trong sách Đệ Nhị Luật:
- " Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đưổi ra khỏi nhà" ( Dt 24, 1-2).
Và chứng thư ly dị đó được viết như sau:
- " Nàng hãy nhận từ tay tôi một chứng thư ly dị và từ bỏ. Là một chứng thư xác nhận rằng nàng được tự do ưng ai tùy ý" ( Misnah Gittin 9, 3).
2 - Chúng ta vừa đề cập đến nền tảng luật pháp và tập tục hiện hành lúc đó ở Do Thái, bối cảnh trong đó các người Pharisêu đưa cuộc tranh cải về ly dị đến để hỏi Chúa Giêsu, có lẽ với ý chí ngay lành cũng có, nhưng dụng ý bất chính như đã nói cũng không thiếu.
Một câu hỏi tranh luận đặt Chúa Giêsu trong tình trạng trên đe dưới búa, không khác gì câu hỏi trả thuế cho Caesar hay không.
Nếu trong trường hợp trả thuế cho Caesar hay không, Chúa Giêsu trả lời một cách rất khôn ngoan, Người không trả lời đồng thuận hay bác bỏ, chỉ dựa vào sự kiện hiển nhiên chỉ cho mọi người tự trả lời. Người nói với họ:
- "Cho Ta xem đồng tiền nộp thuế. Người hỏi họ: Hình và danh hiệu nầy là của ai? Họ đáp: của Caesar".
- "Thế thì của Caesar trả cho Caesar, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa" ( Mt 22, 19-22)
Cũng vậy, câu trả lời cho vấn đề ly dị đang nóng bỏng lúc đó, Chúa Giêsu đáp ứng rất khôn ngoan.
Người không tự ý nói ra đồng thuận hay bác bỏ, mà dựa vào những gì đã được viết ra trong Cựu Ước. Một câu nói vừa ứng đáp, vừa tố cáo thái độ không ngay chính của các kinh sư và Pharisêu, là những người thông thái thuộc làu Thánh Kinh.
Bởi lẽ nếu họ là kinh sư, là các thầy thông thái luật, là những nhóm người cao trọng ưu tú trong xã hội Do Thái ( Pharisêu, có nghĩa là ưu tú, chọn lọc), hẳn họ phải biết:
- " Người nam và người nữ, được Thiên Chúa sáng tạo nên" ( Gn 1, 27), và Chúa Giêsu liên tưởng đến một câu khác trong Cựu Ước:
- " Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mình, và cả hai trở thành một xương một thịt" ( Gn 2, 24).
Ghép hai câu trên với nhau, Chúa Giêsu trả lời cho họ được Thánh Marco thuật lại cho chúng ta trong Phúc Âm hôm nay.
Nếu Thánh Kinh đã viết như vậy, thì tại sao họ còn nghi ngờ, tranh luận?
Họ trả lời ràng : " Chính ông Moisen cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ" ( Mc 10, 4).
Nhưng đối với Chúa Giêsu, luật của Moisen không thể vượt lên trên ý định tiên khởi của Thiên Chúa. Đó là những gì Chúa Giêsu trả lời thẳng với họ: Moisen viết ra điều luật trên để nhân nhượng cho dân Do Thái vì lòng chai đá, bất tuân luật Thiên Chúa của họ, nhưng ý định tiên khởi của Thiên Chúa khi tạo dựng nên con người không phải vậy:
- " Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng không phải vậy, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam, có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt" ( Mc 10, 6).
Câu trả lời trên cho thấy Chúa Giêsu cho rằng luật Moisen không có giá trị bằng ý định tiên khởi của Thiên Chúa, khi Ngài dựng nên con người.
Những người Pharisêu không thể bắt bẻ được câu trả lời khôn ngoan đó để tố cáo Chúa Giêsu, bởi lẽ Người dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, đã được ghi lại từ những dòng đầu của Thánh Kinh.
Và cũng chính vì đó, chính vì con người không thể đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa, con người không thể làm ngược lại
- " sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly " ( Mc 10, 9).
Từ đó kết luận tự nhiên của Chúa Giêsu là ly dị là hành động đi ngược lại ý muốn Thiên Chúa và ly dị để tái hôn không khác gì phạm tội ngoại tình:
- " Ai ly dị vợ mà cưới vợ khác, là phạm tội ngoại tình đối với vợ, và ai bỏ chồng mà lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình" ( Mc 10, 11-12).
Mặc dầu lời nói vừa kể của Chúa Giêsu mang tính cách tiêu cực của một mệnh lệnh cấm đoán, nhưng cũng nói lên tính cách tích cực của Ki Tô giáo so với tập tục của người Do Thái theo luật Moisen, theo đó thì chỉ có người chồng mới có quyền làm tờ chứng ly dị vợ:
- " Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà" ( Dt 24, 1-2).
Với câu nói " và ai bỏ chồng mà lấy chồng khác" ở trên cho thấy trong Ki Tô giáo, người phụ nữ cũng có địa vị và quyền hạn ngang hàng như người đàn ông, bởi vì nàng cũng có thể lỵ dị chồng, hành xử như những gì người chồng có thể làm cho nàng.
Điều đó cho thấy mỗi người chúng ta, nam hay nữ, đều có địa vị ngang hàng nhau, bởi vì tất cả chúng ta đều được Chúa dựng nên có cùng địa vị cao cả như nhau, được dựng nên giống hình ảnh Ngài:
- " Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài,
Giống hình ảnh Thiên Chúa, Ngài dựng nên,
Người nam và người nữ, Ngài dựng nên" ( Gn 1, 27).
Khởi đầu của bài suy niệm Phúc Âm hôm nay chúng ta có lưu ý là hai chương 9 và 10 của Phúc Âm thánh Marco, là những chương được Thánh Marco dành riêng để thuật lại cho chúng ta mối thân tình Thầy- Trò giữa Chúa Giêsu và các Môn Đệ, trong đó Chúa Giêsu mạc khải rỏ ràng hơn chính Ngài cho các Môn Đệ, nói cho các Ông quảng đời sắp đến của Ngài, dạy cho các Ông cách cư xử phải có với nhau
Nhưng rồi thình lình Thánh Marco cho xen vào cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm người Pharisêu về vấn đề ly dị, dường như không ăn nhập gì đến tiến trình các đề tài đang được trao đổi giữa Chúa Giêsu và các Môn Đệ Ngài.
Có thể là như vậy.
Nhưng nếu suy nghĩ kỷ hơn, và thử đặt câu hỏi các tác giả Phúc Âm viết Phúc Âm cho ai, chúng ta sẽ thấy rằng đề tài được Thánh Marco xen vào giữa các chủ đề đang được Chúa Giêsu mạc khải cho các Môn Đệ không phải là đề tài lơ lững trên mây trên gió, không liên hệ gì đến các chủ đề đang đuợc đề cập.
Phúc Âm được viết lại cho tất cả mọi người, nhưng trước tiên là viết lại cho các Cộng Đồng Ki Tô hữu tiên khởi lúc đó.
Thời của các Thánh Tông Đồ vừa qua đi, hay đang sắp qua đi. Các Cộng Đồng Ki Tô hữu tiên khởi đang được thành lập.
Trong các Cộng Đồng Ki Tô hữu dĩ nhiên không phải chỉ có những người đơn thân độc mã theo Chúa Giêsu, như thời các Tông Đồ. Các tín hữu tiên khởi nghe theo Tin Mừng cứu rỗi của Phúc Âm không phải chỉ là những người độc thân, hay là những cụ già góa bụa, mà những con người bình thuờng với cả gia đình của họ.
Xen cuộc tranh luận về vấn đề ly dị giữa Chúa Giêsu và các người Pharisêu trong Phúc Âm hôm nay vào văn mạch các đề tài đang được bàn thảo giữa Chúa Giêsu và các Môn Đệ, Thánh Marco có ý đưa vào văn mạch một mẫu gương mới của cuộc sống của người môn đệ Chúa Giêsu, cuộc sống gia đình. Cuộc sống vợ chồng nói riêng và cuộc sống gia đình Ki Tô giáo nói chung, cũng là cuộc sống ơn gọi môn đệ, theo Chúa Giêsu, không khác gì cuộc sống của các Tông Đồ lúc đó.
Trong mẫu gương cuộc sống vợ chồng đó, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một nền tảng, trên đó đời sống hôn nhân được xây dựng. Đó là ý định tiên khởi của Thiên Chúa, nền tảng chắc chắn và bất lay chuyển:
- " Còn lúc đầu chương trình tạo dựng không phải vậy, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam, có nữ và cả hai sẽ trở thành một xương thịt" ( Mc 10, 6).
Đọc nguyên bản Hy Lạp Phúc Âm Thánh Matthêu cũng cùng một biến cố, chúng ta càng thấy câu nói của Chúa Giêsu có ý nghĩa hơn nữa:
- "
để cả hai hướng đến để trở thành một xương thịt" ( Mt 19, 5),
Điều đó cho thấy
- không phải chính động tác ăn ở, phối hợp thân thể với nhau là đôi vợ chồng đã trở thành "một xương thịt ",
- mà là trong chương trình tạo dựng và cứu rỗi của Thiên Chúa cả hai cùng sống và cùng dẫn nhau đi đến Chúa trong mối hoà hợp càng ngày càng khắn khít, như chỉ còn có một ơn kêu gọi duy nhứt cho cả hai, ơn kêu gọi sống đời sống hôn nhân trước mặt Chúa:
- " sẽ trở thành một xương thịt" hay " " hướng đến để trở thành một xương thịt".
Và " điều gì Thiên Chúa đã phối hợp thì loài người không được phân ly " ( Mc 10, 9), bởi lẽ trong lúc tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nhìn thấy trước
- " Đức Chúa là Thiên Chúa phán: Con người ở một mình thì không tốt " ( Gn 2, 18), do đó Ngài đã tạo dựng để con người sống có lứa đôi:
- " Người nam và người nữ, Ngài dựng nên " .
Chính trong cuộc sống lứa đôi đó, Thiên Chúa đã tiền liệu hồng ân của Ngài để cho đôi vợ chồng được sống tràn đầy ân sủng của Ngài với Bí Tích Hôn Nhân , mà chính họ đã cử hành trong ngày cưới, như sách phần Thánh Giáo Yếu Lý đã dạy chúng ta:
- "Bí tích là dấu nhiệm bề ngoài, chỉ và làm ơn thiêng liêng bề trong, Chúa Giêsu đã lập cho ta được nên thánh".
Thiên Chúa là nền tảng của hôn nhân, qua ý định tiên khởi trong chương trình sáng tạo của Ngài. Thiên Chúa là sức sống của hôn nhân, qua ân sủng của Ngài trong Bí Tích Hôn Nhân.
Với tất cả những yếu tố đó Thiên Chúa có ý làm cho cuộc sống gia đình "trở thành một xương thịt", trung tâm của hiệp nhứt, vững chắc và tình thương, nơi những con người khác sẽ được sinh ra, bảo bọc, thương yêu và lớn lên trong ân sủng của Thiên Chúa.
Gia đình là tổ chức xã hội tự nhiên và tiên khởi của Cộng Đồng Quốc Gia trong tư tưởng Ki Tô giáo, đặt nền tảng trên ý định chương trình tạo dựng của Thiên Chúa.