BÀI GIÁO LÝ NGÀY THỨ TƯ ( 8A 31)
Công trường Thánh Phêrô, buổi yết kiến ngày thứ tư, 26.09.2012.
ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI
Anh Chị Em thân mến,
Trong những tháng vừa qua, chúng ta đã thực hiện cuộc hành trình dưới ánh sáng Lời Chúa, để học biết cầu nguyện một cách luôn luôn chính đáng hơn, bằng cách nhìn
- đến một vài khuôn mặt quan trọng trong Cựu Ước,
- đến các Thánh Vịnh,
- đến các Thư Thánh Phaolồ
- và đến sách Khải Huyền;
- nhưng nhứt là bằng cách nhìn vào kinh nghiệm duy nhứt và nền tảng của Chúa Kitô, trong mối liên hệ của Người với Chúa Cha trên trời.
Thật ra, chỉ có Chúa Kitô con người, được Chúa Cha làm cho có khả năng hiệp nhứt với Thiên Chúa trong sâu đậm và thân tình của một người con đối với người cha yêu thương mình, chỉ có trong Người chúng ta mới có thể quy hướng chúng ta một cách đích thực hoàn hảo về Chúa , bằng cách gọi Người trong tâm tình " Abbà ! Cha ơi ! ".
Như các Thánh Tông Đồ, chúng ta cũng đã lập lại trong các tuần nầy và chúng ta cũng lập lại với Chúa Giêsu ngày hôm nay:
- " Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện..." ( Lc 11, 1).
Ngoài ra, để học biết được cách sống nhiệt tình hơn nữa mối tương quan cá nhân với Chúa, chúng ta cũng đã học biết nguyện xin Chúa Thánh Thần, quà tặng tiên khởi của Chúa Phục Sinh ban tặng cho các tín hữu, bởi vì chính Người là
- " Đấng giúp chúng ta trong nỗi yếu đuối: bởi vì tự mình, chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho thích hợp " ( Rom 8, 26), như Thánh Phaolồ nói và chúng ta biết ngài có lý.
1 - Đến đây, sau một chuổi dài các bài giáo lý về cầu nguyện trong Thánh Kinh, chúng ta có thể tự hỏi mình: làm sao tôi có thể để cho Chúa Thánh Thần huấn dạy và như vậy tôi trở thành có khả năng đi vào được trong bầu không khí của Chúa, cầu nguyện được với Chúa?
Học đường nào là nơi Người dạy tôi cầu nguyện được, đến trợ giúp cho sự khó khăn mệt nhọc của tôi để có thể quy hướng về Chúa một cách chính đáng?
Học đường tiên khởi để cầu nguyện - chúng ta đã thấy trong các tuần lễ nầy - đó là Lời Chúa, là Thánh Kinh.
Thánh Kinh là một cuộc đối thoại trường kỳ giữa Thiên Chúa và con người, một cuộc đối thoại được tăng tiến triển nở dần,
- trong đó Thiên Chúa tỏ mình ra càng lúc càng gần gũi hơn,
- trong đó chúng ta càng ngày càng thấy được diện mạo của Người hơn, tiếng của Người, bản thể của Người. Và con người chấp nhận biết được
Thiên Chúa, nói chuyện với Thiên Chúa.
Như vậy, trong các tuần lễ đó, bằng cách đọc Thánh Kinh, chúng ta đã tìm kiếm, qua Thánh Kinh, từ cuộc đối thoại không ngừng đó, làm sao biết được chúng ta phải làm cách nào để đi vào được mối liên hệ với Chúa.
Còn một khoản " không gian " qúy báu khác, một " nguồn mạch " qúy giá khác để làm cho chúng ta được lớn lên trong cầu nguyện, một mạch nước sống có liên hệ chặt chẽ với phương thức trước.
Tôi muốn nói đến phụng vụ, là một lãnh vực trong đó Thiên Chúa nói với mỗi người trong chúng ta, ở đây và hiên giờ, và Người đang đợi lòng đáp ứng của chúng ta.
Phụng vụ là gì ?
Nếu chúng ta mở Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ra - một nguồn trợ lực qúy báu, tôi cho rằng không thể thiếu - chúng ta có thể đọc rằng khởi thủy của từ ngữ " phụng vụ " có nghĩa là " phục vụ từ dân chúng và cho dân chúng " ( n. 1069).
Nếu nền thần học Kitô giáo lấy từ ngữ nầy từ thế giới Hy Lạp, dĩ nhiên nền thần học dùng trong khi nghĩ đến dân mới của Chúa, được sinh ra từ Chúa Kitô, Đấng đã giang hai tay trên Thánh Giá để quy tựu nhân loại trong bình an của Thiên Chúa duy nhứt.
" Phục vụ cho dân chúng ", một dân tộc không phải hiện hữu tự mình, mà được tạo thành nhò Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.
Thật vậy, dân Chúa không phải hiện hữu bằng các liên hệ máu mủ, lãnh thổ, quốc gia, nhưng được sinh ra nhờ công trình của Con Thiên Chúa và nhờ vào sự thông hiệp với Chúa Cha, mà Người đã đạt được cho chúng ta.
Ngoài ra Sách Giáo Lý cũng cho biết rằng
- " Trong truyền thống Kitô giáo ( từ ngữ " phụng vụ" ) cũng muốn nói lên rằng Dân Chúa tham dự vào công trình của Thiên Chúa " ( n. 1069).
2 - Điều vừa kể làm cho chúng ta nhớ đến chính tiến trình của Công Đồng Vatican II , khởi đầu các công việc của mình từ năm mươi năm trước đây, bằng việc bàn cãi sơ đồ về thánh phụng vụ, sau đó được long trọng chấp nhận ngày 4 tháng 12 năm 1963, đó là bản văn đầu tiên được Công Đồng chuẩn y.
Tài liệu về phụng vụ là bản văn đầu tiên được đại hội công đồng chấp nhận, có lẽ một vài người cho đó là điều ngẫu nhiên.
Giữa bao nhiêu dự án, bản văn về thánh phụng vụ có lẽ là bản văn ít được tranh luận nhứt, và chính vì lý do đó, có khả năng thiết định như một bài huấn luyện cần học hỏi phương thức làm việc của Công Đồng.
Nhưng không có gì phải nghi ngờ, những gì mà thoạt tiên có thể được coi như là chuyện xảy ra ngẫu nhiên, lại cho thấy là việc chọn lựa chính đáng của Công Đồng, ngay cả khi nhìn vào giá trị phẩm trật các chủ đề và các phận vụ quan trọng nhứt của Giáo Hội.
Thật vậy, bằng cách khởi đầu với chủ đề " phụng vụ ", Công Đồng đã đưa ra ánh sáng một cách rõ rệt quyền ưu tiên của Chúa, ưu tiên tuyệt đối của Người.
Trước hết là Chúa: đó chính là lý do tại sao Công Đồng chọn khởi đầu bằng phụng vụ. Ở đâu tầm mắt hướng về Chúa không phải là điều quyết định, mọi việc khác đều mất đi định hướng của mình. Định chuẩn căn bản của phụng vụ là định hướng của mình hướng về Chúa, như vậy để có thể tham dự vào chính công trình của Người.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi: công trình của Chúa là công trình nào mà chúng ta được kêu gọi để tham dự vào?
Câu trả lời chúng ta được Hiến Chế Công Đồng Về Thánh Phụng Vụ đưa ra cho chúng ta, bề ngoài có vẻ như là câu nói song đôi.
Thật vậy, ở điều 6, Hiến Chế nói công trình của Thiên Chúa là những động tác lịch sử của Người, đem lại sự cứu rổi cho chúng ta, tác động đó đạt đến thượng đỉnh trong cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.
Tuy nhiên ở điều 7, cũng chính Hiến Chế định nghĩa đó chính là việc cử hành phụng vụ, như là " công trình của Chúa Kitô "
Nhưng trên thực tế, hai ý nghĩa vừa kể không thể tách rời nhau được. Nếu chúng ta đặt câu hỏi ai là người cứu độ thế giới và con người, câu trả lời duy nhứt: chính là Giêsu Nazareth, Chúa và là Đấng Kitô, chịu đóng đinh và chết.
Và ở đâu làm cho Mầu Nhiệm Chết và Phục Sinh của Chúa Kitô trở thành hiện thực cho tôi ngày nay?
Câu trả lời là trong tác động của Chúa Kitô qua Giáo Hội, trong phụng vụ,
- nhứt là trong Bí Tích Thánh Thể, làm cho hiện thực cuộc hiến tế của Con Thiên Chúa, Đấng đã cứu độ chúng ta;
- trong Bí Tích Hoà Giải, trong đó con người từ cái chết của tội lỗi bước quan sự sống mới;
- và trong các Phép Bí Tích khác để thánh hoá chúng ta ( Presbyterium ordinis, n. 5).
Như vậy, Mầu Nhiệm Phục Sinh của cuộc Tử Nạn và Sống Lại của Chúa Kitô là trung tâm điểm thần học phụng vụ của Công Đồng.
3 - Chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa và tự hỏi: làm cách nào để có thể làm cho trở thành hiện thực Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô?
Đức Thánh Cha Chân Phước Gioan Phaolồ II , sau 25 năm Hiến Chế Sacrosanctum Concilium đã viết như sau:
- " Để hiện đại hoá Mầu Nhiệm Phục Sinh, Chúa Kitô luôn luôn hiện diện trong Giáo Hội của Người, nhứt là trong các động tác phụng vụ. Bởi đó, phụng vụ là nơi đặc ân cho việc gặp gỡ giữa các tín hữu với Thiên Chúa và với Đấng mà Người đã sai đến, Chúa Giêsu Kitô " ( cfr Jn 17, 3)( n. 7)Vicesimus quintus annus, n. 7 ).
Cũng theo tư tưởng đó, chúng ta đọc được trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo như sau:
- " Mỗi cử hành bí tích là một cuộc gặp gỡ giữa con cái Thiên Chúa và Cha của họ, trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, và cuộc gặp gỡ đó được thể hiện như là một cuộc đối thoại, bằng các động tác và lời nói " ( n. 1153).
Bởi đó điều cần thiết trước tiên, để có được một buổi cử hành phụng vụ tốt đẹp, là cầu nguyện, đàm đạo với Chúa, phải trước tiên là lắng nghe và đáp ứng lại . Thánh Benedetto trong " Lề Luật " của ngài, khi nói về cầu nguyện của các Thánh Vịnh, chỉ dẫn cho các tu sĩ :
- mens concordet voci," tâm hồn cùng đi đôi với tiếng nói ".
Vị Thánh dạy rằng trong buổi cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh, các lời nói phải đi trước tâm hồn chúng ta.
Thường thì không phải như vậy, chúng ta thường suy nghĩ, trước khi thốt ra lời và những gì chúng ta đã suy nghĩ, được chuyển hoá thành lời nói.
Ở đây, trong phụng vụ, trái lại, lời nói đi trước, Chúa đã cho chúng ta lời nói và thánh phụng vụ nói lên cho chúng ta các lời nói, chúng ta phải
- hội nhập vào bên trong các lời nói,
- vào trong ý nghĩa các lời nói đó,
- đón nhận các lời đó vào trong chúng ta, đặt chúng ta đồng hoà hợp với các lời nói đó, như vậy chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, giống như Chúa.
Như Sacrosanctum Concilium nhắc nhớ, để bảo đảm hữu hiệu cuộc cử hành,
- " các tín hữu cần phải đến gần bên phụng vụ với tâm hồn ngay chính, đặt tâm tư của mình cùng hoà hơp với lời nói và cộng tác với ơn Chúa để không nhận được ơn một cách vô ích " ( n. 11).
Yếu tố căn bản tiên khởi, của cuộc đối toại với Chúa trong phụng vụ, đó là sự phù hợp giữa những gì chúng ta nói ra bằng đôi môi với những gì chúng ta mang trong trái tim.
Đi vào các lời nói lịch sử cao cả của cầu nguyện, chúng ta hãy phù hợp chính chúng ta với tinh thần của những lời nói đó và như vậy chúng ta có khả năng nói chuyện với Chúa.
Trong chiều hướng nầy, tôi xin được đề cập đến một trong những giây phút, mà chính trong phụng vụ, chúng ta được mời gọi và giúp chúng ta gặp được sự phù hợp đó, đó là chúng ta phải phù hợp với điều chúng ta lắng nghe, chúng ta nói lên và chúng ta hành động trong động tác cử hành phụng vụ.
Tôi đề cập đến lời mời gọi của vị Chủ Tế trước Lời Nguyện Thánh Thể " Sursum corda " , hãy nâng cao tâm hồn chúng ta lên khỏi những rối rắm của các lo âu, các ước muốn, các bận tâm thắp thỏm, các nỗi chia lòng chia trí của chúng ta.
Con tim của chúng ta, nội tâm của chính chúng ta, phải được mở ra dễ dạy đối với Lời Chúa và tập trung mình chú tâm vào lời cầu nguyện của Giáo Hội, để đón nhận quy hướng nội tâm đó về Chúa, qua lời được lắng nghe và thốt lên.
Cái nhìn của con tim phải quy hướng về Chúa đang ở trong chúng ta: đó là một thái độ căn bản.
Khi nào chúng ta sống phụng vụ với thái độ nền tảng đó, trái tim chúng ta dường như được giải thoát khỏi sức mạnh của hấp lực, đang lôi kéo nó xuống thấp, và nội tâm được nâng lên cao, huớng về chân lý, tình yêu thương, hướng về Chúa. Như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nhắc nhớ:
- " Sứ mạng của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần, trong Phụng Vụ Bí tích của Giáo Hội, là loan báo, thực hiện và thông ban Mầu Nhiệm Cúu Rổi,sứ mạng đó vẫn tiếp tục trong tâm hồn của những ai cầu nguyện. Các Thượng Phụ đời sống thiêng liêng đôi khi so sánh con tim như là một bàn thờ " ( n. 2655): altare Dei est cor nostrum.
Các bạn thân mến, chúng ta cử hành và sống tôt đẹp phụng vụ chỉ khi nào chúng ta ở lại trong thái độ cầu nguyện, không phải là chúng ta " muốn làm một cái gì ", làm cho mình thấy được hay hành động, mà chỉ khi nào chúng ta quy hướng con tim chúng ta về Chúa và chúng ta ở trong thái độ cầu nguyện bằng cách hiệp nhứt với Mầu Nhiệm Chúa Kitô, với cuộc nói chuyện Chúa Con của Người với Chúa Cha.
Chính Chúa dạy chúng ta cầu nguyện, như Thánh Phaolồ xác nhận ( cfr Rom 8, 26).
Chính Chúa ban cho chúng ta những ngôn từ để hướng dẫn chúng ta đến với Người, đó là những ngôn từ mà chúng ta gặp được trong các Thánh Vịnh, trong các lời nguyện cao cả của phụng vụ và chính trong lúc Cử Hành Thánh Thể.
Chúng ta hãy nguyện xin Chúa ban cho chúng ta mỗi ngày càng ý thức hơn Phụng Vụ là động tác của Chúa và của con người, lời cầu nguyện thoát xuất từ Chúa Thánh Thần và từ chúng ta, hoàn toàn hướng về Chúa Cha, trong hiệp nhứt với Con Thiên Chúa làm người ( cfr Catechismo della Chiesa Cattolica, n. 2584).
Cám ơn Anh Chị Em.
Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập.
( Thông tấn www.vatican.va , 26.09.2012).