Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Trần Minh Huy, pss
Bài Viết Của
Lm. Trần Minh Huy, pss
Tác phẩm: Thương cho đến cùng – Đời linh mục thừa tác
Bài Giảng LỄ KIM KHÁNH LINH MỤC Cha Stanislaô Nguyễn Đức Vệ
TRƯỚC ĐAU KHỔ VÀ THIỆT HẠI VÌ CÁC TỆ NẠN LẠM DỤNG, GIÁO HỘI VỮNG TIN VÀO CHÚA VÀ QUYẾT TÂM XÂY DỰNG TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN
Bài giảng LỄ AN TÁNG CHA LOUIS NGUYỄN VĂN BÍNH (Huế - Ngày 30.08.2021)
TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN TOÀN DIỆN & CÁC MỐI HIỆP THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC HÔM NAY
BÀI GIẢNG LỄ KÉO NGƯỜI TA LẠI GẦN HAY ĐẨY NGƯỜI TA RA XA CHÚA VÀ GIÁO HỘI?
LỄ TẠ ƠN CỦA TÂN LINH MỤC MARTINÔ HỒ ĐÌNH HẢI - Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu - Ngày 8/6/2018 tại Gx. Hương Lâm
LỄ KIM KHÁNH KHẤN DÒNG NỮ TU AGATA VÕ THỊ TRÚC Tại Tu Viện Phủ Cam sáng 16/6/2018
Thuyết Trình: YÊU NHAU, MÃI CÒN YÊU và THÊM YÊU
ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY
CÁC BẠO VƯƠNG HERODE THỜI ĐẠI MỚI (LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI, BỔN MẠNG CÁC CHÁU SƠN CA Ngày 28/12/2017)
HÃY CỨU LẤY VÀ BẢO VỆ GIA ĐÌNH CÙNG TRẺ THƠ
CHÚA GIÊSU ĐÃ THỰC SỰ SINH RA CHO CHÚNG TA CHƯA?
HÔN NHÂN VÀ SỰ SỐNG (Giới Trẻ Thanh Đức 20/9/2017)
 Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục
VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG HUYNH ĐỆ ĐỂ SỐNG HIỆP THÔNG LINH MỤC
GIẢNG LỄ TẠ ƠN 45 NĂM LINH MỤC
LỄ KIM KHÁNH HÔN PHỐI
GIẢNG LỄ THANH SINH CÔNG TẠI LAVANG (Ngày 21/6/2017)
TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY - Thường Huấn Linh Mục Xuân Lộc 2-3/5/2017
BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017
ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ
QUAN NIỆM ĐÚNG ĐẮN TRONG QUAN HỆ NAM NỮ
Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương
NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY
ĐÀO TẠO NGƯỜI ĐÀO TẠO - NHÂN BẢN KITÔ GIÁO và ĐỜI TU
MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi
TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.
TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY
Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu
BÍ TÍCH GIẢI TỘI, PHƯƠNG THẾ TỐI ƯU ĐỂ SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG
LINH MỤC SỐNG VÀ THỰC THI MỤC VỤ LÒNG THƯƠNG XÓT
Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016
GIỚI TRẺ HƯƠNG PHÚ SỐNG VÀ THỰC THI NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT - Lại Ân, ngày 4 Tết Bính Thân
XIN LỖI VÀ THA THỨ
NGHI THỨC SÁM HỐI CỘNG ĐỒNG (Sinh Viên Di Dân Thánh Tâm Tĩnh Tâm Mùa Vọng)
Đối mặt với các thách thức trong đời sống và sứ vụ Linh Mục của chúng ta hôm nay
SỐNG TRIỆT ĐỂ NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN (Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan - Tĩnh Tâm Năm 5-15/8/2015)
ĐTC MONG ĐỢI GÌ NƠI CHÚNG TA TRONG NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN ?
VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC (BÀI 2 TĨNH TÂM LINH MỤC GP VINH 12/2013)

Kính thưa Quí Cha,

ĐTC Phanxicô nói: Đừng sợ hãi, đừng lừa dối cuộc sống, mà chấp nhận đời sống thực tại như đang xẩy ra và tìm biện pháp giải quyết… phải đương đầu ngay và Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Hãy đến với Chúa Giêsu, Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, dù là những lúc khó khăn tăm tối nhất của đời sống… Chúng ta có thể lầm lẫn, nhưng Chúa mãi ở bên chúng ta và nói: ‘Con đã nhầm lẫn, hãy trở lại bước đi cho đúng đường.’”[1] Muốn sống thật tốt sứ vụ linh mục trong định hướng Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin kitô giáo, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tại, bên cạnh những điểm son vẫn còn có những chấm đen, bên cạnh bao nhiêu điều tốt lành cũng có những khủng hoảng nhập nhằng trong đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta, để từ đó vận dụng ơn tĩnh tâm mà kiểm điểm vượt lên và tái định hướng đời sống và sứ vụ của mình.

 

1. Nhận định tổng quát

Đời người ai cũng có trải qua những cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng không nhất thiết là tiêu cực, nhưng là thách đố để tái định hướng đời sống và sứ vụ tốt hơn. Nó mời gọi một đời sống thiêng liêng cá nhân sâu xa hơn, can đảm đối mặt và chấp nhận các thực tại của bản thân, dù có khi đau đớn và xấu hổ, để làm mới lại các liên hệ lành mạnh. Phải có cái nhìn hy vọng vượt sang bên kia những cơn khủng hoảng, tức cái được biến đổi tốt đẹp, nhờ qui chiếu vào Chúa Kitô và lấy Chúa Kitô làm trung tâm[2]. Cơn khủng hoảng chỉ là một giai đoạn, sẽ có những lúc khó khăn và đau khổ, nhưng nó sẽ dẫn đến một cuộc sống mới. 

Sau 20 năm thực hiện Chỉ Nam về Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục do Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ban hành ngày 31/01/1994, Bộ Giáo Sĩ, trong đó có ĐGH Phanxicô lúc ấy còn là HY Bergoglio, thấy cần cập nhật hóa văn kiện này để xét đến hiện tượng tục hóa vốn là gốc rễ của cuộc khủng hoảng thừa tác vụ linh mục. Cuộc khủng hoảng này một mặt được biểu lộ bằng sự giảm sút rõ rệt các ơn gọi, và mặt khác bằng sự gia tăng việc mất đi ý thức về đặc tính siêu nhiên của sứ mạng linh mục, đồng thời tái khẳng định cái nhìn thần học về chức linh mục thừa tác như sự tham dự hữu thể vào con người của Chúa Kitô, để đáp ứng tốt hơn cho thời điểm lịch sử mà hiện chúng ta đang sống. Đó là lý do ra đời của Chỉ Nam về Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục 2013 được ĐGH Biển Đức XVI chuẩn nhận ngày 14/01/2013 và xuất bản ngày 11/02/2013 để giúp các linh mục sống tốt hơn sứ mạng của mình trong một thế giới càng ngày càng bị tục hóa. Văn kiện mới suy nghĩ về tương lai của chức linh mục cũng là tương lai của việc loan báo Tin Mừng, và do đó cũng là tương lai của chính Giáo Hội. 

Cuộc khủng hoảng trước hết dễ nhận thấy nơi thế hệ linh mục trẻ. Quả vậy, sau khi ra trường, vì hăng say công việc mục vụ và thiếu kinh nghiệm sắp xếp cuộc sống cầu nguyện chiêm niệm và hoạt động tông đồ hài hòa, một số linh mục trẻ dễ dàng bỏ hay làm một cách máy móc và giữ mức độ tối thiểu việc cầu nguyện, Kinh Nhật Tụng, Nguyện Gẫm, lần chuỗi, xét mình và linh hướng, xưng tội... Họ bỏ cầu nguyện và những việc sùng kính đạo đức đã giúp họ giữ vững ơn gọi sống động trong chủng viện, và cũng chính những thứ đó sẽ còn giúp họ bền đỗ trong chức vụ linh mục khi sống giữa đời. Chúng ta có một cảnh báo đáng suy tư là lời thú nhận trên tờ Records của giáo phận Perth (Australia) của một linh mục có bằng tiến sĩ thần học ở Rôma, đã hoàn tục sau 20 năm, vì đã có một đời sống quá bận rộn và thiếu sự cầu nguyện: “Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi[3]. 

Có nhiều người trách linh mục trẻ sau 1975 thiếu trưởng thành nhân bản, nhất là trong cách cư xử trịch thượng, nói năng cửa quyền “ta đây”, giải quyết công việc cách độc tài độc đoán v.v… Điều đó cũng dễ hiểu và thông cảm, một phần vì thiếu mất sự giáo dục kitô của Giáo Hội, lại thấm nhiễm tinh thần thế tục của một nền đào tạo vắng bóng Thiên Chúa trong một thời gian dài, và phần khác vì do cơ cấu quyền bính trong Giáo Hội quá được tôn trọng và não trạng thần thánh hóa hàng giáo sĩ của giáo dân Việt Nam. Mọi người phải cùng nhau đấm ngực và cố gắng thay đổi, dung hòa với tinh thần dân chủ tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra cũng cần xem xét một cách công bằng, vì trưởng thành nhân bản là làm chủ được bản thân và các cảm xúc của mình. Nếu hiểu như thế thì không phải chỉ linh mục trẻ thiếu trưởng thành nhân bản mà còn nhiều người khác, có khi đầy tuổi tác và chức quyền, một khi không làm chủ được nóng giận, trái ý để rồi lớn tiếng la mắng chưỡi bới hay dùng biện pháp trả đũa. Sự khủng hoảng này xem ra lắm người mắc phải! Có thể nói rằng thánh Phaolô mô tả một sự trưởng thành nhân bản kitô giáo khi căn dặn: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe… Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô[4]

Những dấu hiệu tiêu cực thường có: Thiếu kỷ luật sống - Không ưu tiên cho việc cầu nguyện - Lơ là xưng tội và linh hướng kịp thời - Thiếu tương quan liên đới làm việc chung - Quá tự tin, thiếu tin tưởng đồng nghiệp - Có vấn đề về tình cảm và đức trong sạch... ĐTC Biển Đức XVI bảo đó là do thủ tục chọn lựa ứng sinh không thích đáng, việc đào tạo chủng viện không đầy đủ trong nhiều lãnh vực... Nhiều trường hợp ngay từ những ngày đầu của sứ vụ, linh mục trẻ có thể gặp căng thẳng với môi trường mục vụ và xã hội mới, bị thách đố bởi cái bất định của đời sống sứ vụ: được sai đến nơi mình không muốn, ở với người mình không ưa và làm việc mình không thích. Cộng thêm những yếu đuối, giới hạn và vấn đề không được giải quyết thỏa đáng ở trong chủng viện, nay xuất hiện mạnh hơn trước kia, vì chúng đã không được trực diện và xử lý cách thích hợp và hữu hiệu, cả toà trong lẫn tòa ngoài (như nói bỏ mà không dứt được các mối tương quan không lành mạnh, vẫn lén lút quan hệ). 

Những biểu hiện khủng hoảng thường gặp như tìm cảm giác mạnh gây ấn tượng, thích “xuất hiện” - 3T (tửu, tiền, tình); nhu cầu khẳng định mình thái quá (phá bỏ công trình của người trước, để xây dựng những ‘công trình thế kỷ’ mang dấu ấn của mình cách phí phạm trong khi dân chúng rất nghèo…); nhìn đời và nhìn người cách tiêu cực, yếm thế; chỉ trích phê bình, bàn tán đủ thứ chuyện về Giám Mục mà không dám nói trực tiếp; ít giao tiếp với anh em linh mục; thiếu khả năng sống trầm tĩnh, cô tịch, thinh lặng; ham mê giải trí thái quá: suốt ngày lướt mạng xem phim, chơi games… hay đầu tư quá nhiều thời giờ và tiền bạc vào chim, cá, kiểng, xe cộ, điện thoại thông minh…; quá hướng ngoại, bỏ quên đời sống nội tâm và thiêng liêng; ngược lại quá thụ động, an nhàn: ở nhưng là cội rễ mọi sự dữ; thiếu tự chủ và làm chủ bản thân, có những bất bình thường về giới tính… ; khó ngủ (nhất dạ sinh bá kế, gửi và nhận tin nhắn liên hệ đến tình cảm tính dục); chỉ thường xuyên liên hệ với một số người nào đó thôi…  

Nhưng không riêng gì linh mục trẻ, linh mục đứng tuổi cũng có thể gặp khủng hoảng khi bị thất bại, bị hiểu lầm, bị chống đối, cùng với những rối loạn của chu kỳ 7 năm một lần thay đổi thể lý, tâm lý và sinh lý của tuổi đời (mà người ta bảo là tuổi ‘49 chưa qua 53 đã tới’), hoặc bệnh tật và khả năng hoạt động mục vụ không thích nghi được với tâm thức và những đòi hỏi của con người thời đại. Nhiều trường hợp cũng vì do sức khoẻ, tuổi già và khả năng đáp ứng sứ vụ, mà có những cuộc đi xứ và chuyển xứ tất nhiên phải phù hợp với sức khoẻ, tuổi tác và khả năng như thế, tới những họ đạo nghèo, ít người, ở vùng sâu vùng xa, nhưng cũng gây nên tâm trạng hụt hẫng, khủng hoảng, bất mãn như bị đẩy đi đày…, nhất là khi thiếu sự nhẫn nại trao đổi thuận tình thuận lý trước, thậm chí có nơi bị buộc chỉ trong 72 tiếng đồng hồ phải chuyển xứ! Nhưng điều này cũng lại nói lên sự khủng hoảng về quan niệm và bản chất truyền giáo của Giáo Hội là đáng lẽ những người trẻ đầy nhiệt huyết, sung sức và tài năng phải được sai đến những vùng ấy để nâng đỡ vực dậy các họ đạo nghèo khổ ít người, đồng thời đẩy mạnh công cuộc Tân Phúc Âm hóa cả bên trong (dưỡng giáo) lẫn bên ngoài (truyền giáo) thì lại giao cho những người tuổi già sức yếu, chồn chân mỏi gối khiến gánh nặng của cả đôi bên đều nặng hơn, của cha già không thể tránh khỏi sự suy giảm trong những năm cuối đời lẫn giáo xứ cằn cỗi đang cần được sinh động hóa cho sứ mệnh Tân Phúc Âm hóa.

Trong vài hoàn cảnh hiện nay, một số linh mục nghĩ rằng thừa tác vụ của họ ở bên lề cuộc sống, vì dân chúng dửng dưng, lo ăn lo làm mà lơ là việc đạo nghĩa, hoặc vì những lý do khác, có khi do chính linh mục, mà họ xa lìa giáo xứ; trái lại, nó thật sự nằm ở trung tâm cuộc sống, vì nó có khả năng soi sáng, hóa giải và làm thay đổi nhiều sự, nếu linh mục thực sự là mục tử tốt. Có thể xảy ra là một số linh mục, khởi sự tác vụ với tràn trề nhiệt huyết và lý tưởng, đã rơi vào bất mãn, vỡ mộng và kinh nghiệm cả sự thất bại nữa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này: thiếu sót trong việc huấn luyện, thiếu tình huynh đệ trong hàng linh mục giáo phận, sống cô lập, hay thiếu sự nâng đỡ của Giám mục và cộng đoàn, những vấn đề cá nhân, sức khoẻ, đau khổ vì không thể tìm thấy câu trả lời hay giải pháp cho các vấn đề, lơ là trong đời sống khổ chế, bỏ bê đời sống thiêng liêng hay ngay cả thiếu đức tin[5]. Trong khi chính đức tin đem lại cho ta sức mạnh và niềm hy vọng nơi Chúa, đặc biệt khi phải đối mặt với những thách đố và những lúc khó khăn. Thánh Kinh đầy những lời an ủi, nhưng lời này của Giêrêmia thật ý nghĩa: ‘Sấm ngôn của Đức Chúa ‘chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng chứ không phải tai ương, kế hoạch cho các ngươi một niềm hy vọng và một tương lai’ [6].

Chỉ Nam 1994 nhận định: “Ở bất cứ lứa tuổi nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào, linh mục cũng có thể có cảm nghiệm về sự cô đơn… nó có thể bắt nguồn từ những khó khăn đặc biệt, như sự bị đặt ra bên lề, sự hiểu lầm, những lệch đường, sự bị bỏ rơi, những bất khôn, những giới hạn của bản tính cá nhân hoặc của người khác, những vu oan, những hạ nhục v.v… Từ đó có thể phát sinh một cảm giác mạnh của thất vọng rất độc hại[7]. 

Các xung đột nội tâm và khủng hoảng này chỉ có thể được giải quyết khi đặt Chúa Giêsu làm trung tâm cuộc sống, tình cảm và mọi hoạt động, đồng thời để Ngài lớn lên và ta nhỏ đi; để con người trần tục nhỏ dần đi và con người thiêng liêng được lớn dần lên mãi trong mọi mối tương quan. ĐTC Biển Đức XVI dạy: “Con người cần phải có tương giao, phải lắng nghe người khác, đặc biệt là Đấng Khác, tức là Thiên Chúa. Chỉ như vậy, con người mới có thể nhận biết chính mình, mới trở thành chính mình.” 

Trực diện với khủng hoảng, bình tĩnh và hành động cách có trách nhiệm: trước hết cần cầu nguyện, thinh lặng và suy nghĩ để trở nên ý thức rõ ràng hơn về các vấn đề thực sự là vấn đề. Cần có thời gian và một nơi chốn để có thể ở một mình, suy tư và cầu nguyện. Các cuộc tĩnh tâm, hồi tâm và thường huấn là các cơ hội đó. Dành thời giờ sống mật thiết với Chúa Giêsu là phương dược chữa lành vạn năng, vì việc kết hợp với Chúa Giêsu giúp linh mục thống nhất đời sống của mình[8]. Ngoài ra cũng cần người chia sẻ, biện phân, cân nhắc tâm lý, cá tính… như vị linh hướng hay bạn tri âm tri kỷ. Chúng ta lắng nghe chính thánh Grêgôriô Giám mục Nadien nói về tình bạn của ngài với thánh Giám mục Basiliô: “Cả hai chúng tôi chỉ có một mối bận tâm là đi đường nhân đức, và cuộc đời chúng tôi luôn hướng về những thực tại tương lai nhằm chuẩn bị cho mình từ bỏ cõi đời trước khi từ biệt cõi đời. Chúng tôi định hướng cuộc đời và mọi hành động theo viễn tượng đó. Chúng tôi để cho luật Thiên Chúa hướng dẫn mình và khuyến khích nhau yêu chuộng đường nhân đức. Nếu như nói ra không phải là khoe khoang quá đáng thì tôi có thể nói rằng giữa hai chúng tôi, người này đối với người kia là mực thước và khuôn mẫu để phân biệt phải trái”[9]. Nỗ lực vượt lên sự thiện cảm hay ác cảm tự nhiên để xây dựng một tình huynh đệ đích thực, liên kết với cuộc khổ nạn bị bỏ rơi của Chúa Cứu Thế, và cùng Ngài tìm theo ý Chúa Cha. Coi thử thách như dịp may Chúa dùng để thanh luyện ta. 

Việc tái định hướng đời sống và sứ vụ được thực hiện bằng cách trực tiếp đối diện và chấp nhận thực tại của chính mình. Một tiến trình như thế thường không thực hiện một mình, mà còn cần một ai đó để nói với như một khuếch âm, một ai đó nâng đỡ và có khả năng gợi ra những quyết định mới phát ra từ sự biện phân trong thinh lặng và nguyện cầu của chúng ta. Vị đồng hành thiêng liêng là quà tặng tốt nhất ta có thể có được, nhưng người không chỉ đồng hành với ta trong một cơn khủng hoảng và ở một tình huống riêng lẻ, mà nên có sự đồng hành trong suốt một thời gian dài, cùng bước đi và cùng lớn lên trong một mối quan tâm chung là trở nên gần gũi hơn với Chúa Kitô và với con người thật của mình. Chính vị linh hướng cũng được khích lệ rất nhiều trong một kinh nghiệm như thế, nhờ đó mà có thêm hiểu biết, kinh nghiệm và khả năng để giúp đỡ người khác trong cùng một đường lối hoặc tương tự.  

Khi một số chủng sinh bị tố cáo phải ngừng lại vào phút chót, những người có trách nhiệm đặt lại vấn đề và tăng cường các biện pháp kỷ luật. Nhưng biện pháp hay nhất vẫn là đào tạo lương tâm tự giác của ứng sinh, (mà ĐTC Phanxicô nhấn mạnh là tính chân thật, được biểu lộ từ gương sáng bản thân của các nhà đào tạo), gây ý thức tham gia vào việc đào tạo linh mục của mọi thành phần Dân Chúa, triệt để mở rộng điều tra có phương pháp thích hợp và hiệu quả, gia tăng việc đồng hành tiếp xúc cá nhân sâu sát với từng ứng sinh, không chỉ toà trong mà kể cả toà ngoài, qua việc thường xuyên chia sẻ nhận xét giữa các nhà đào tạo dấn thân trọn thời gian về từng ứng sinh để đánh giá giải quyết đúng và kịp thời. Điều đáng nói là có một số ứng sinh “luồn lách” lọt qua được và tiến lên chịu chức linh mục, rồi ngựa theo đường cũ gây nên biết bao đau buồn và thiệt hại.

Ý niệm “mọi sự đều có lúc” của sách Giảng Viên[10] cũng nói lên chiều kích tích cực của các cơn khủng hoảng trong cuộc đời con người. Nhưng chúng ta hãy nhìn khủng hoảng trong ý nghĩa tích cực là nó đòi hỏi phải chuyển tải cái nhân Phúc Âm (là chính Chúa Giêsu) đến cho thế giới tục hóa và hưởng thụ muốn không có Thiên Chúa nhưng thực sự đang cần Ngài. Về điểm này, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm rằng phải thay đổi cách Kitô giáo được trình bày với thế giới. Đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu là cách thế duy nhất để vượt lên khủng hoảng, tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục, hầu trở nên môn đệ đích thực luôn mở ra với thế giới. ĐTC Phanxicô nói rằng thái độ chúng ta phải có là “nhận biết và chấp nhận vị thế trung tâm của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống của chúng ta, trong suy nghĩ của chúng ta, trong lời nói và trong các việc làm của chúng ta. Khi vị thế trung tâm này không còn nữa, khi nó được thay thế bằng cái gì khác, thì khi đó tác hại sẽ xảy đến cho tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta và cho chính chúng ta[11].

 

2. Các khủng hoảng có thể có

Ngày nay người ta nói đến nhiều thứ khủng hoảng.

a. Khủng hoảng tự nhiên về THỂ LÝ và SINH LÝ

Trước hết, khủng hoảng tự nhiên về thể lý và sinh lý: Mọi tế bào trong cơ thể cứ từng 7 năm đều được thay thế để tăng trưởng. Vấn đề sinh lý và tính dục cũng thế với các tuyến nội tiết và các loại hooc-môn qua từng giai đoạn của tuổi đời. Và ngày nay trẻ trưởng thành sinh học sớm hơn khiến có những cơn sóng ngầm nguy hiểm kích thích nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. 

b. Khủng hoảng ĐỨC TIN

Tiếp đến là khủng hoảng ĐỨC TIN: Sự khác biệt giữa giáo thuyết và thực hành tôn giáo, tư tưởng thần học cấp tiến hoặc chủ nghĩa cá nhân tự do thế tục đã gây nên khủng hoảng đức tin, nhất là nơi giới trẻ. Tình trạng đau khổ và bất công cũng mang lại thuận lợi và nguy hiểm cho đức tin: Thử thách đau khổ có thể kéo con người đến gần Thiên Chúa, vì không còn có thể tin tưởng cậy trông bám víu vào ai khác ngoài Chúa; nhưng cũng có thể đẩy con người xa Ngài, vì không lý giải được tại sao Chúa lại để như vậy?  

Thêm vào đó những nghịch lý và ngôn hành bất nhất trong Giáo Hội và do người của Giáo Hội nữa. Quả thế, một tác giả thế kỷ II đã viết: Chúa phán: suốt ngày danh Ta không ngớt bị chê cười, phỉ báng giữa chư dân. Nhưng vì đâu danh Người bị phỉ báng? – Vì ngôn hành của chúng ta bất nhất. Thật vậy, chư dân nghe chúng ta nói Lời Thiên Chúa thì cảm phục vì thấy tốt đẹp và cao cả; nhưng khi biết việc chúng ta làm không đi đôi với lời chúng ta nói, họ quay ra phạm thượng, cho đó toàn là chuyện phù phiếm và sai lầm. Chúng ta nhắc lại cho họ nghe lời Thiên Chúa nói ‘nếu anh em yêu kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Anh em chỉ có công khi anh em yêu kẻ thù và những người chê ghét anh em’. Nghe nói thế họ lấy làm cảm phục lòng nhân ái tuyệt vời, nhưng khi thấy chúng ta chẳng những không yêu thương kẻ ghét chúng ta, mà còn không yêu thương cả những người yêu thương chúng ta thì họ chê cười chúng ta và phỉ báng danh Thiên Chúa”.[12] 

Chúa Giêsu nói với Phêrô: Ma quỉ đòi sàng các con như sàng gạo, nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con khỏi vấp ngã; và khi chỗi dậy, con hãy củng cố đức tin của anh em con.” Chúng ta có bổn phận củng cố đức tin cho nhau, nhất là cho những người được giao phó cho trách nhiệm của chúng ta, bằng chính chứng tá đời sống đức tin của chúng ta. Ông G. Banner viết cho cha xứ: Tôi muốn thấy một bài giảng, hơn là nghe một bài giảng… tôi muốn học tập đương lúc xem cha thực hành, vì tôi có thể hiểu sai lời giảng của cha, nhưng tôi không bao giờ hiểu sai cách làm việc và cách cư xử của cha.” 

Ông Gióp cho chỉ dẫn vượt lên khủng hoảng: “Chúng ta đã đón nhận điều lành từ bàn tay Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận cũng từ bàn tay Ngài sao? Ngày gặp vận may đừng quên ngày bất hạnh, và ngày gặp bất hạnh đừng quên đi vận may[13]. Và thánh Grêgôriô Cả khuyến cáo: “Ai nhận ơn lành mà không canh phòng thử thách lại cứ tự mãn tự kiêu sẽ có ngày té nhào, còn ai bị thử thách nghiền nát mà lấy những ơn lành đã lãnh nhận làm nguồn an ủi thì gánh nặng thử thách sẽ nhẹ hơn, không đến đỗi thất vọng ê chề và tâm hồn mất bình an.”

c. Khủng hoảng QUYỀN BÍNH

Kế đến là khủng hoảng QUYỀN BÍNH: Khủng hoảng đức tin kèm theo khủng hoảng quyền bính. Quyền bính Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các tông đồ, tập trung từ trên xuống dưới và sự vâng phục có tính cách tuyệt đối, đã tạo nên sự “vâng lời tối mặt” suốt bao nhiêu thế kỷ. Nhưng tâm thức con người thời đại vẫn không ngừng tiến hóa và phát triển theo hướng tự do thế tục và chủ nghĩa cá nhân gây nên nhiều thách đố, và CĐ. Vaticanô II thức thời đã mở ra con đường vâng phục đối thoại và trưởng thành với lời nói cuối cùng luôn luôn thuộc về Bề Trên. Nhưng có những cách hành xử thiếu sót, không đúng sự thật và bất công, khiến có những bức xúc gây mạo phạm, dễ bị kế hoạch của Thần Dữ lợi dụng, mà không ai chịu cố gắng trả lời nghiêm túc câu hỏi của Chúa Cứu Thế: “Tinh thần nào đang xúi đẩy các con?” 

TGM D. Martin (Ái Nhĩ Lan) thẳng thắn nhìn nhận rằng nhiều lãnh đạo Giáo Hội hành động nghịch lại sứ điệp Tin Mừng: sai sót sâu xa bổn phận mục tử, sính quyền bính, kiêu căng… làm tín hữu xa lánh, Giáo Hội mất đi uy tín xã hội và sự đáng tin cậy của mình… ĐTC Biển Đức XVI nhiều lần nói rằng những nguy hiểm và cám dỗ nghiêm trọng nhất ở ngay trong lòng Hội Thánh. Ngài mời gọi củng cố các mối liên hệ hiệp thông và thực hiện một sự hoán cải liên lỉ, trở về với sức mạnh Lời Chúa và Thánh Thể. Trên và dưới phải có một quyết tâm chung là trung thành với Chúa và nên thánh, gia tăng dấn thân đức ái trong sự thật. Cả hai phía cần phải được thay đổi, bằng cách cùng tập trung tìm kiếm một mẫu số chung là vì Chúa, vì Giáo Hội và vì các linh hồn. Việc thay đổi này phải bắt đầu từ chính bản thân trước, vì thay đổi mình dễ hơn là thay đổi người khác. Và phải thay đổi trước khi bị bó buộc phải thay đổi. Chỉ có thực sự trở về nguồn Phúc Âm thì mới có thể nhìn đúng đắn về quyền bính: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em”[14].  

Huấn thị “Phục Vụ Quyền Bính và Vâng Lời[15] của Bộ Tu Sĩ coi đức vâng lời là một hành trình cùng tìm kiếm Chúa và ý Chúa, nghe Lời Chúa và trở nên ý thức hơn đối với ý định và kế hoạch tình yêu của Chúa. Huấn thị đề cập đến các điều kiện để Bề trên có thể thi hành tốt nhiệm vụ: phải có phẩm chất, khả năng tinh thần và khả năng hiểu biết tương ứng với thời đại, đời sống nội tâm sâu xa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; đồng thời cũng chỉ dẫn cách cấp trên thực thi quyền bính như lắng nghe, ủng hộ đối thoại, chia sẻ, đồng trách nhiệm…,  nhờ đó cấp dưới vâng lời cách thanh thản và với tinh thần đức tin. ĐTC Phanxicô nói: “Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ… có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá,… giống sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin của thánh Giuse… và như thánh Giuse, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, cách riêng những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, người trần trụi, bệnh nhân, tù nhân (x. Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!”[16] 

Là linh mục, chúng ta không chỉ nghĩ những điều nói trên về Bề trên của chúng ta, song hãy nghĩ về chính chúng ta đối với đoàn chiên, vì người ta cũng có thể nói được về chúng ta rằng “dưới một người mà trên muôn người”. Khi gặp các Bề trên Tổng quyền, ĐTC Phanxicô nhắc: “Nhất thiết phải tránh mọi loại giả hình và chủ nghĩa giáo sĩ bằng phương thế đối thoại thẳng thắn và cởi mở về mọi khía cạnh cuộc sống[17]. 

d. Khủng hoảng TÌNH HUYNH ĐỆ

Tiếp theo là khủng hoảng TÌNH HUYNH ĐỆ: Thánh vịnh gia nói: “Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng, hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi. Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế, chỗ thân tình tâm phúc với tôi, đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, trong đền Thiên Chúa, giữa hội vui cùng sánh bước”[18]; “Tên phản phúc ra tay hại người thân nghĩa, lại lỗi ước quên thề; miệng nói năng ngọt xớt, lòng chỉ muốn chiến tranh, lời trơn tru hơn mỡ, mà bén nhọn như gươm!”[19]; “Kẻ đến thăm, miệng nói lời giả dối, nhưng chủ ý thâu tin độc địa, vừa ra khỏi nhà, đã vội rêu rao. Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!”[20]. Còn sách Huấn Ca nhận định: “Có kẻ chỉ là bạn nhất thời, khi con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa. Có người bạn lại trở nên thù, tiết lộ chuyện khiến con phải xấu hổ. Có người là bạn khi bình an, lúc con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa. Lúc con sa cơ, nó liền chống lại và lánh mặt con luôn”[21]. Nếu gặp phải kẻ “lừa thầy phản bạn, đội trên đạp dưới” thì đau biết bao!  

Nhưng âu đấy cũng là vì ai cũng quá nghĩ tới mình, tìm kiếm và tranh dành ảnh hưởng, địa vị, tiếng khen. Hãy xem Saolê vì ghen tương tiếng khen của đám phụ nữ mà phải huy động ba quân lùng sục khắp nơi để loại trừ Đavít. Chính ĐTC Phanxicô thú nhận: Đã biết bao nhiêu lần cha thấy các cộng đoàn, các chủng viện, các dòng tu hay giáo phận, nơi đó lời nguyện tắt thông thường nhất là chuyện ngồi lê đôi mách! Thật kinh khủng! Họ “lột da” nhau.... Và đó là thế giới giáo sĩ, thế giới tu trì của chúng ta.... Xin lỗi, nhưng điều đó cũng bình thường thôi: ghen tương, đố kỵ, nói xấu lẫn nhau. Không chỉ nói xấu bề trên, điều này cũ rồi! Nhưng cha nói với các con rằng chuyện này rất hay xảy ra, nó phổ biến lắm! Cha cũng từng bị sa ngã vào chuyện này. Cha đã từng làm thế nhiều lần, rất nhiều lần! Và cha thấy xấu hổ! Cha xấu hổ về điều này! Thật không phải khi làm như vậy là đi ngồi lê đôi mách. ‘ Chị đã nghe.. . chưa? Anh đã nghe...chưa?’ Một cộng đoàn thế này quả là một địa ngục! Điều này chẳng mang lại lợi ích gì. Và vì thế, mối quan hệ của tình bạn và tình huynh đệ thật quan trọng[22].    

Dầu vậy, chúng ta cũng gắng sống cao thượng, vượt lên những nỗi đau buồn ấy chứ không để chúng đè bẹp và nghiền tán mình, như thánh Phaolô khuyên trong thư Êphêsô: “lấy điều thiện mà chiến thắng điều ác, chứ đừng để bị điều ác đánh bại mìnhhay trong thư Côlôssê: hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau[23]; và trong 1 Thessalônica: Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người[24].  

Kinh nghiệm cho biết khi buồn phiền, cô đơn, thất vọng, chán nản “đâm liều” là lúc dễ bị sa ngã vào tình cảm phái tính nhất, do sự tỏ ra thấu hiểu, dịu dàng, sẵn sàng an ủi nâng đỡ mà chiều hết vì cảm thương của tính cách nữ tính. Vậy phải bảo vệ mình và anh em, vì khi anh em linh mục thực sự yêu thương nâng đỡ nhau thì không một thứ tình cảm nào có thể chen vào làm hại được họ. Thấu hiểu điều đó, mỗi người cố gắng trở nên bạn thật tốt của nhau, đồng thời phải quyết tâm phá tan lời kết luận chua chát “linh mục với linh mục là lang sói nhất.”  

Khi được hỏi về quan hệ huynh đệ, ĐTC Phanxicô nói mối quan hệ này có một sức lôi cuốn mạnh mẽ, bao hàm việc chấp nhận những khác biệt và xung khắc. Có những lúc cuộc sống huynh đệ gặp khó khăn, nhưng nếu không có tình huynh đệ thì sẽ không thể sinh hoa trái. Dù thế nào đi nữa chúng ta không bao giờ được hành động như những nhà quản lý mỗi khi anh em có xung đột: cần phải biết làm cho xung đột dịu xuống[25]. Gương thánh Gioan Maria Vianney: tự hạ mình xuống là khiêm nhường, nhưng khi bị hạ nhục mà sẵn lòng đón nhận mới là khiêm nhường đích thực. Xin cho chúng ta biết dùng sự khiêm nhường đích thực để vượt lên khủng hoảng.  

Sắc lệnh Chức vụ và đời sống linh mục khuyên các linh mục nhiều tuổi hãy đón nhận những linh mục trẻ như những người em thực sự và giúp đỡ họ trong những công tác và gánh nặng đầu tiên của sứ vụ, gắng hiểu tâm trạng của họ và theo dõi các dự tính của họ với thiện chí. Các linh mục trẻ phải biết kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi, bàn hỏi với các ngài và sẵn lòng cộng tác với các ngài trong việc chăm sóc các linh hồn[26]. THĐGMTG 1971 cổ vũ phát triển các hiệp hội linh mục để cung ứng sự trợ giúp huynh đệ cho nhau.  

Cũng Sắc lệnh Chức vụ và đời sống linh mục số 12 nhấn mạnh sự hiệp thông giữa Giám mục và linh mục. Dịp Ad limina 2002, Đức Chân phước Gioan Phaolô II khuyên các GMVN gần gũi hơn với các linh mục, quan tâm đồng hành nâng đỡ đời sống hàng ngày của họ, nhất là khi họ gặp thử thách vì thi hành sứ vụ; cung cấp cho họ một sự đào tạo thiêng liêng thích nghi với những thách đố trong việc truyền giáo mà họ phải đối diện (như trường hợp một số anh em linh mục của chúng ta vì sát cánh bảo vệ đàn chiên mà bị hành hung chẳng hạn). ĐTC Phanxicô cũng nói với các Giám mục Hòa Lan: Với các linh mục, những cộng tác viên trực tiếp của chư huynh, chư huynh hãy gần gũi những người đang đau khổ vì sự trống rỗng tâm linh và đang đi tìm ý nghĩa cho đời họ, dù họ không luôn biết cách phát biểu nó ra. Ta nên đồng hành với họ  trong việc tìm kiếm này, lắng nghe họ để chia sẻ với họ niềm hy vọng, niềm vui, khả năng tiến lên phía trước mà chính Chúa Kitô đã ban cho ta?... Quan trọng và thiết yếu xiết bao việc phải gần gũi hàng linh mục của chư huynh, sẵn sàng có mặt đối với mỗi linh mục của chư huynh để hỗ trợ họ và hướng dẫn họ khi họ cần đến! Là những người cha, chư huynh hãy dành thì giờ cần thiết để tiếp đón họ và lắng nghe họ, mỗi lần họ yêu cầu việc này. Và cũng đừng quên đi gặp những người không đến gần chư huynh. Bất hạnh thay, một số những người này thiếu sót trong các dấn thân của họ.[27] 

Thái độ của các linh mục đối với Giám Mục phải là hợp tác, vâng lời, tình bạn, và nhìn thấy nơi ngài một người cha thực sự và vâng phục ngài với tất cả kính trọng. Sự vâng lời càng đến từ con tim (tâm phục, chứ không phải bởi quyền phục hay lý phục), thì mối tương quan giữa Giám mục và linh mục càng trở nên gần gũi và rồi mọi sự đều tốt đẹp, trở nên gương sáng cho mọi người. Thiếu sự gặp gỡ riêng tư thân tình, thành thật và tín nhiệm, kể cả đụng chạm chất vấn, định bệnh và chữa bệnh ấy thì mọi sự đâu vẫn đấy, chẳng có gì thay đổi, tiến triển. Cuộc gặp gỡ mà lắm khi cần được chủ động về phía linh mục, nhưng ĐTC Phanxicô than phiền: “Thậm chí có những linh mục không chịu nói chi với Giám mục của mình”[28].

Hãy nhìn lui để tạ ơn Chúa. Hãy nhìn tới để tín thác vào Ngài. Cửa Chúa đóng thì không người nào mở ra được. Cửa Chúa mở thì chẳng ai có thể đóng lại được. Đừng nuối tiếc việc có những người đã đi vào cuộc đời ta: Những người tốt làm cho ta hạnh phúc, những người xấu cho ta kinh nghiệm, những người tồi tệ nhất cho ta những bài học và những người tốt nhất làm cho ta nhớ họ. Đừng than phiền những người làm ta thất vọng, hãy tự trách mình vì đã kỳ vọng quá nhiều ở họ. Đừng khóc quá khứ vì nó đã qua rồi, đừng căng thẳng về tương lai vì nó chưa đến. Hãy sống trong hiện tại, quý trọng ngày hôm nay, hãy cầu nguyện và tri ân Chúa, Ngài sẽ làm cho đời ta tươi đẹp hơn. Hãy yêu thương những người Chúa đã ban cho ta, vì một ngày kia Ngài sẽ lấy họ lại. 

e. Khủng hoảng TÌNH CẢM & TÍNH DỤC

Thêm nữa là khủng hoảng TÌNH CẢM & TÍNH DỤC: Giáo Hội hôm nay quan tâm hơn đến sự quân bình nhân bản và tình cảm của linh mục bằng việc nhấn mạnh rằng sự hiệp thông, tình bạn và tình huynh đệ linh mục là những thiện ích quý giá cho đời sống của linh mục và cổ võ đời sống chung, hình ảnh của hình thức sống của Chúa Giêsu với các Tông đồ của Ngài, và là mảnh đất thuận lợi để kiên trì trong ơn gọi phục vụ Giáo Hội: “Trong một xã hội được ghi dấu mạnh mẽ bởi chủ nghĩa cá nhân, linh mục cần có một tương quan nhân vị sâu xa hơn và một không gian sống còn được nêu bật bởi tình bằng hữu huynh đệ, trong đó người linh mục có thể sống với tư cách là Kitô hữu và với tư cách là linh mục”. 

Quả thế, mọi thân xác đều có tính dục và mọi tương quan đều có tính cách phái tính. Có những hoàn cảnh khiến các hấp dẫn và khao khát tự nhiên về tình cảm và tính dục bộc lộ mãnh liệt hơn. Cần lưu ý dữ kiện tâm sinh lý này là sự hấp dẫn tính dục. Có sức hấp dẫn tính dục [như Giuse Ai cập với vợ ông quan] hay bị hấp dẫn tính dục [như Đavít với vợ của Uria] đều là nguy hiểm: dù là đối với người độc thân hay có gia đình, người thường cũng như người tu, coi chừng kẻo cả gan tấn công hoặc bị tấn công mà vấp ngã. Trong lãnh vực này không ai được phép cho rằng mình mạnh cả. Thánh Phaolô thú nhận: “Có ai trong anh em yếu đuối mà tôi không cảm thấy yếu đuối; có ai trong anh em sa ngã mà tôi không cảm thấy như thiêu như đốt[29] và Ngài nhắc nhở “ai tưởng rằng mình đang đứng vững coi chừng kẻo ngã[30]. Hãy xem câu chuyện Samson-Dalila trong sách Thủ Lãnh và lấy đó mà răn mình. Gương vua Salomon vào cuối đời cũng là một bài học nhắc nhở quý báu[31]. Chúa Kitô dạy phải dùng đến hợp lực của sức Chúa và sức con người chúng ta: “Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì nhẹ nhàng chóng vánh nhưng xác thịt thì nặng nề yếu đuối[32]. ĐHY Carlo Maria Martini nói: “Mọi người, tín hữu, Giám mục, linh mục phải xác tín rằng không ai chắc chắn bền đỗ được; mối nguy lớn nhất là tưởng rằng mình đã đạt đến một mức ổn định đến nỗi không cần thận trọng nữa”[33].  

Và khi nhỡ yếu đuối mà sa ngã, hãy khiêm tốn cầu xin ơn mau mắn chỗi dậy, sám hối dứt khoát lật sang trang đời mới, đứt đuôi nòng nọc, đứng hẳn về phía Chúa và Giáo Hội[34]. Nên nhớ linh mục là mục tiêu cho trăm mắt cùng nhìn, trăm tay cùng chỉ, và mọi cử chỉ đều được quay phim, mọi lời nói đều được ghi âm. Ngày nay sự kiểm soát càng kỹ hơn nữa, cái gì cũng phải đăng ký và kê khai (hộ khẩu, số điện thoại, tài sản, v.v…): thế gian không chỉ ghi nhận mọi sơ hở, mà còn gài bẫy để mặc cả, đặt điều kiện ép buộc có lợi cho họ, bất chấp thiệt hại của Giáo Hội, của các linh hồn và của chính bản thân linh mục. Nếu chẳng may vấp phải, hãy khiêm tốn thành thật trình bày với Bề trên Giáo Hội và can đảm nhận lỗi sẽ vô hiệu hóa âm mưu của kẻ nghịch, càng muốn che đậy càng bị kẹt vì phải chấp nhận hết điều kiện nọ đến điều kiện kia, luôn sống trong bất an và sợ hãi (x. câu chuyện xảy ra tại Ba Lan).  

Nỗ lực sống trong sáng và triệt để những đòi hỏi của chức linh mục, thông cảm nâng đỡ anh em và khiêm tốn cầu xin, vì nếu Chúa không thương che chở thì có khi mình đã sa ngã nặng nề hơn. Thực hiện năm phương thế sống lành mạnh các mối tương quan: Nơi chốn gặp gỡ - Thời gian và thời lượng - Khoảng cách thể lý và tâm lý - Sự có mặt của những người thứ ba - Sống ý thức sự hiện diện khuất ẩn nhưng rất thực của Chúa.

Những tổn thương lạm dụng tính dục đã và đang xảy ra đó đây do hàng giáo sĩ khiến Giáo Hội đang nỗ lực siết chặt kỷ luật và tìm kiếm các biện pháp thích ứng để sửa chữa, uốn nắn và thanh lọc, mà lập trường của ĐTC Biển Đức XVI ‘tuyệt đối không khoan nhượng đối với tội ác đó’. Ngài nhắc trong thư gửi người công giáo Ái Nhĩ Lan: “Những tệ hại đó do các thủ tục thiếu sót trong việc ấn định ra tư cách xứng đáng của các ứng viên chức linh mục và cuộc sống tu trì; thiếu sót trong việc đào tạo nhân bản, luân lý, tri thức và thiêng liêng trong các chủng viện và tập viện.” ĐTC Gioan Phaolô II trước đó, năm 2002, cũng đã nói: “Không có chỗ đứng trong hàng linh mục và trong đời tu trì cho những kẻ làm hại người trẻ... Cần phải giáo dục cho các ứng sinh linh mục và tu sĩ biết quí chuộng đức khiết tịnh và sự độc thân cũng như trách nhiệm làm cha tinh thần, và cần giúp họ đào sâu kiến thức về kỷ luật Giáo Hội liên quan đến những vấn đề này”. 

Quả thật ngày nay đời sống đạo đức của một số linh mục đang thay đổi rất nhiều và xuống cấp vì tình trạng lạm dụng tình dục, không phải chỉ với trẻ em, mà còn lén lút với người lớn (cả nữ tu và người có gia đình) và đồng tính nữa. Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ra một Thư Luân Lưu[35] nhằm giúp các HĐGM trên khắp thế giới soạn thảo các đường hướng chỉ đạo xử lý nghiêm khắc những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục. Bộ yêu cầu mỗi HĐGM gửi về Bộ trước cuối tháng 5 năm 2012 một bản sao những đường hướng và các biện pháp nghiêm khắc vừa nói. Trong các cách xử lý có bao hàm việc áp đặt một hình phạt chung thân như việc rút khỏi bậc giáo sĩ.[36]  

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái khẳng định với Bộ Giáo lý Đức Tin rằng tiếp tục đường hướng mà ĐTC Biển Đức XVI đã vạch ra để hành động kiên quyết liên quan đến các trường hợp lạm dụng tính dục. Ngài nói: “không thể ở địa vị có quyền thế để rồi hủy hoại đời một người khác… phải lấy lại “bài sai”, không cho phép người đó thi hành chức linh mục nữa, và nên khởi sự một phiên tòa theo Giáo luật. Tôi nghĩ đó là việc phải làm ngay. Tôi không tin vào việc chủ trương rằng cần phải duy trì một tinh thần hợp đoàn để tránh gây thiệt hại cho hình ảnh của định chế… Tôi ngưỡng mộ sự can đảm và chính trực của Đức Bênêđictô về vấn đề này. Nếu linh mục nào đến cho tôi hay đã làm cho một phụ nữ có thai, tôi sẵn sàng lắng nghe, rồi từ từ giúp ông hiểu ra rằng luật tự nhiên đã lấn át chức linh mục của ông. Ông phải rời bỏ thừa tác vụ để chăm sóc đứa trẻ kia, dù ông quyết định không kết hôn với người phụ nữ đó đi nữa, vì đứa trẻ có quyền có một người mẹ thế nào, thì nó cũng có quyền có một người cha như thế. Tôi cam kết sẽ dàn xếp mọi giấy tờ cho ông ở Rôma, nhưng ông phải rời bỏ mọi sự. Linh mục nào cho tôi hay đã sa ngã, nhưng muốn ăn năn, tôi sẵn sàng giúp ông chỗi dậy. Có linh mục chỗi dậy được, có linh mục không. Thậm chí có những linh mục không chịu nói chi với Giám mục của mình… Chỗi dậy là làm việc đền tội, duy trì việc độc thân của mình. Sống hai mặt là điều chẳng tốt đẹp gì cho ai cả. Tôi không thích lối sống ấy vì nó sống bằng giả dối. Bởi thế, tôi thường nói: ‘nếu không thắng vượt được, thì nên quyết định ra đi[37].

Mới đây, ngày 5/12/2013, Đức Hồng Y Sean P. O'Malley cho biết ĐTC Phanxicô đã quyết định chấp nhận đề nghị của Hội đồng Hồng Y thành lập một ủy ban đặc biệt để bảo vệ trẻ em. Ủy ban sẽ tư vấn cho ĐTC về bảo vệ trẻ em và chăm sóc mục vụ cho các nạn nhân của lạm dụng, cách riêng nghiên cứu các chương trình bảo vệ trẻ em hiện nay và đề xuất các sáng kiến ​​mới cho giáo triều Rôma, phối hợp với các Giám mục và HĐGM, các Bề trên Dòng tu  các Hiệp hội Bề trên; giới thiệu những người có khả năng trong lĩnh vực tâm lý hay pháp luật (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) để thực hiện các chương trình này. Ủy ban còn đảm trách các biện pháp chung về việc bảo vệ trẻ vị thành niên; các thủ tục và chiến lược để ngăn ngừa vi phạm; các chương trình dành cho trẻ em, phụ huynh và các giáo lý viên, các chủng sinh và linh mục tiếp xúc với người trẻ; quy tắc ứng xử; thẩm tra hồ sơ tư pháp; hợp tác với toà án; mục vụ nâng đỡ và trợ giúp tinh thần cho các nạn nhân và gia đình; truyền thông và thông tin cho các tín hữu; đối thoại với các nạn nhân và cải huấn các giáo sĩ vi phạm. ĐTC sẽ sớm phát hành một tài liệu chi tiết[38].  

Các lãnh đạo HĐGM Mỹ mau mắn tuyên bố hỗ trợ Uỷ ban này của Tòa Thánh. Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ giải thích rằng các giám mục Hoa Kỳ đã học được nhiều biện pháp quan trọng (sau khi đã mất 2,2 tỷ mỹ kim và sáu giáo phận phải tuyên bố phá sản vì không đủ tiền bồi thường do nạn giáo sĩ lạm dụng) để giúp ngăn chặn tình trạng lạm dụng, bao gồm cả kiểm tra lý lịch, giáo dục trẻ em và người lớn về an toàn trẻ em, loại bỏ nhanh chóng người phạm tội, và sự cần thiết các cơ quan Giáo Hội và chính quyền dân sự làm việc cùng nhau[39]

Tất cả đều nhằm đến sự biến đổi tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn, làm cho nhiều người được hạnh phúc cứu độ và Danh Chúa được cả sáng hơn. Chớ gì được như vậy. Amen


[1] Trích bài giảng lễ ngày 13/4/2013

[2] x. 1 Cr 15, 42-49.

[3] Trích bài của Đặng Tự Do “Một lời cảnh báo đáng suy tư”.

[4] Ep 4, 29-32.

[5] Chỉ dẫn mới đề cao căn tính linh mục giáo xứ, số 11.

[6] Gr 29,11.

[7] Chỉ Nam về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh mục 1994, số 97.

[8] X. Sắc Lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục , số 14.

[9] Trích Bài đọc 2 lễ thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nadien ngày 2/1.

[10] Gv 3, 2-8.

[11] Trích bài giảng lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc Năm Đức Tin, của ĐTC Phanxicô http://www.vietcatholic.net/News/Html/119233.htm

[12] Trích bài giảng của một tác giả ở thế kỷ II, bài đọc 2 Kinh sách thứ Năm tuần 32 TN.

[13] G 2,10.

[14] Mt 23,11.

[15] Huấn thị này được Bộ Tu Sĩ ban hành ngày 28/5/2008.

[16] Trích Bài giảng ngày đăng quang của ĐGH. Phanxicô ngày 19/3/2013.

[17] ĐTC Phanxicô nói với Đại Hội lần 82 của Liên Hiệp Bề trên Tổng quyền tại Rơma ngày 27-29/11/2013 http://www.hdgmvietnam.org/tiep-cac-be-tren-tong-quyen-duc-thanh-cha-thong-bao-nam-2015-la-%E2%80%9Cnam-doi-song-thanh-hien%E2%80%9D/5605.57.7.aspx

[18] Tv 55,13-15.

[19] Tv 55,21-22.

[20] Tv 41,7,10.

[21] Hc 6, 5-17.

[22] ĐTC Phanxicô phát biểu với các chủng sinh và tập sinh tham dự Đại Hội Đời Sống Thánh Hiến tại Rôma ngày 6/7/2013.

[23] Cl 3, 12-13.

[24] 1 Tx 3, 12-13.

[25] ĐTC Phanxicô nói với Đại Hội lần 82 của Liên Hiệp Bề trên Tổng quyền tại Rơma ngày 27-29/11/2013 http://www.hdgmvietnam.org/tiep-cac-be-tren-tong-quyen-duc-thanh-cha-thong-bao-nam-2015-la-%E2%80%9Cnam-doi-song-thanh-hien%E2%80%9D/5605.57.7.aspx

[26] PO, số 8.

[27] Trích Diễn văn của ĐTC Phanxicô với các Giám Mục Hòa Lan, ngày 3/12/2013 - http://www.vietcatholic.net/News/Html/119481.htm

[28] ĐTC Phanxicô phát biểu hôm 5/4/2013, theo CNA/EWTN News.

[29] 2 Cr 11, 29.

[30] 2 Cr 11,29; 1 Cr 10,12.

[31] x. Tl 16,4-6.16-21; Hc 47,13-20.

[32] Mc 14,38.

[33] ĐHY Carlo Maria Martini, Thánh Phaolô đối diện với chính mình, trích trong Alleluiah số 109.

[34] x. Rm 13,11-14.

[35] Ra ngày 3/5/2011 và công bố hôm 16/5/2011.

[36] Có ai biết bản kế hoạch và biện pháp của HĐGMVN thế nào không?

[37] ĐTC Phanxicô phát biểu hôm 5/4/2013, theo CNA/EWTN News.

[38] Vatican City, 5 December 2013 (VIS, CNA/EWTN News).

[39] WASHINGTON DC, 08 Tháng 12 (CNA / EWTN Tin tức).

Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!