Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Jos Hoàng Kim Toan
Bài Viết Của
Lm. Jos Hoàng Kim Toan
Hạt cải, Men bánh
Trái Tim tôn giáo.
Cùng Mẹ với Lời Kinh Lạy Cha
Lòng nhiệt thành
Khiêm nhường để thành công
Mộ trống.
Có những thập giá đời
Tử Nạn
Như hạt lúa chết đi
Đui mù
Thanh tẩy Đền Thờ
Thánh Giuse, con đường nên Thánh.
Biến hình trên núi.
Hoang Mạc
Điều nào dễ hơn?
Tro bụi một hành trình.
Lãng Tử
Mùa Xuân Cứu Độ
Cây Giáng Sinh
Đấng đến sau
Ban mai
Lận đận
Kịch bản Giáng Sinh 2011: Trẻ em cần được sinh ra
Nỗi Nhớ
Bệnh sĩ
Soi mình
Hạt kinh trong đời
Thầy không thể như thế
Cáo Phó: Bà Cố Maria Trần Thị Khánh
Niềm tin bị thử thách
Bánh còn dư
Bán hết của cải
Cúi đầu khiêm cung
Dụ ngôn
Bén rễ trong Chúa Kitô
Cám Ơn
Thật và không thật
Về Trời
Emmaus
Tibêria
VỤ ÁN TÌNH NGƯỜI.

Thánh Giá. Tình người trao nhau là như vậy đó, người muốn sống tình yêu đau khổ nhìn người vô tội chịu đóng đinh, tay chỉ biết cào cấu đất, miệng chỉ biết kêu than, người người sống với nhau, đối xử nhau như thế được sao?

Bản thương khó của Chúa Giêsu, có lẽ là bản án sầu thương nhất trong lịch sử loài người, được đọc đi viết lại với bao nhiêu dạng thức  mà vẫn chưa kể hết nỗi lòng khổ đau: Nụ hôn trao nộp; bản án quyền lực; hành xử dã man; đóng đinh người vô tội.

Bằng đó sự việc kể thôi vẫn chưa đủ, vẫn còn ngẫm nghĩ vẫn còn nhiều suy tư.

Nụ hôn trao nộp:

Từ bữa ăn huynh đệ, người môn đệ ra đi lúc trời ập tối. Cơn mê Adam, cơn mê của dục vọng, những cơn mê vẩn đục làm lu mờ tất cả tình yêu. Có lẽ vào thời điểm ra đi đó, Giuđa đã được rửa chân mà lòng không chịu rửa, vẫn tham quyền bính cai trị bằng bạo lực, đàn áp để bắt tuân phục. Chẳng nhớ lời Thầy bảo: “quyền bính để phục vụ hết lòng cho tha nhân”, vẫn cố chấp “quyền bính để thống trị”.  Ra bên ngoài cầu cứu kẻ có thể giúp mình giữ được vai tròng quyền bính để thống trị, với giá ba mươi đồng để nạp con người hòa bình. Giuđa trong bóng đêm nên chẳng nhận ra trong số đông cầm quân đi bắt một người phải bắt trong đêm. Mỗi con người đi bắt là một bóng đêm, nhiều con người đi bắt, nhiều bóng đêm cộng lại, mỗi người theo dự kiến bóng đêm của mình sẽ bao phủ, làm thành một đêm tai ương cho nhiều số phận.

Nụ hôn biểu hiện tình yêu trao nhau, nhưng vì là tình yêu của dục vọng nụ hôn trở thành trao nộp. Có biết bao người trao nhau nụ hôn, và trao nhau những mảnh đời nghiệt ngã cùng giết chết đời nhau: Phá thai, ly dị, dâm dục, lừa đảo, oán hận, bội phản… Nụ hôn của đêm tối lòng ở bờ ảo vọng, con người mang những nụ hôn tử thần trao nhau, để rồi tự vẫn, kết thúc đời nhau bằng những đau thương. Nụ hôn oan nghiệt cuộc đời của Giuđa nói đến bao điều bất hạnh trong cuộc đời đang xảy ra, người ta dùng nụ hôn làm tan nát bao cuộc đời con người, từ trẻ con đến thanh nam thiếu nữ. Nụ hôn tử thần vẫn còn trao nộp.

Cũng những nụ hôn trên chân của các môn đệ, nụ hôn của tình yêu tôn trọng sự sống của mỗi con người, dù đó là Giuđa đang âm mưu bán Chúa. Chúa hôn trên chân từng con người và con người tội lỗi trở về cũng đã hôn lên chân Chúa. Nụ hôn tình người trao đi, khi phẩm giá con người được nâng lên: “con người là chi mà Chúa thương đến, phàm nhân là gì Chúa lại bận tâm”. Vì yêu thương rất đơn giản vì Chúa yêu thương một cách tuyệt đối, không kể là ai, chỉ cần là những người sám hối về lại hôn chân Chúa để được tha thứ và được sống trong tình yêu.

Bản án của quyền lực.

Để tôn trọng luật pháp, không kết án một ai khi chưa xét xử. Nhưng luật pháp dưới quyền của con người làm ra nó, nên luật pháp xét xử ngay trong đêm, vào những giờ không công khai với mọi người. Luật giống như là  thứ trang sức cho bản án bất công, mang chiếc áo đỏ khoác lên thân tội nhân đã bị đánh nhừ tử, màu máu được trang hoàng với màu áo đỏ như nghi thức phong vương quyền của con người. Vẫn được tôn trọng nhân quyền khi đem ra tòa án công khai, với chiếc áo trang phục của ngày công khai vào thành. Không thể dùng bộ luật của mình để tự tố cáo mình, cần có một quyết định của bộ luật khác, có khung hình phạt khác: thay vì ném đá thì đóng đinh. Vậy phải sửa lại bản án trong đêm đã làm vội vã, kết cấu một thứ tội khác để dùng bộ luật của Đế Quốc Roma, với khung hình phạt đóng đinh. Kỳ lão, thượng tế, kinh sư là những người đã quen đổi trắng ra đen, dùng nhóm côn đồ, kinh nghiệm quá nhiều vụ, chuyện này không khó. Họ đã rửa tay không vì thiếu trách nhiệm mà sợ trách nhiệm. Họ rửa tay, một bàn tay vẫn sạch để cầm quyền thống trị.

Philatô, người kết án, đóng triện cuối cùng để kết thúc vụ án. Thấy vấn đề “Chúa Giêsu bị vu khống” nhưng lại sợ vấn đề khác “náo loạn trong dân” do nhóm ngưới tố cáo xách động. Ứng nghiệm câu nói của Caipha, vị thượng tế năm ấy:  “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. (Ga 11, 50). Quá hoàn hảo cho một bản án, chẳng ai có thể nói thượng kế, kinh sư, kỳ lão, những kẻ ra tay sát hại vấy máu được. Philatô, một con người trong quyền cao chức trọng của mình lại bị lợi dụng. Xét ra, cũng chẳng phải vì ông dại khờ nhưng vì cái ghế, cương vị ông đang giữ và có thể thăng tiến. “Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy! "” (Mt 27, 24).

Quyền lực có sức hút lạ kỳ, người chưa có thì tìm mọi cách để cho có, luồn cúi, mua chuộc, bán rẻ lương tâm, cái gì bán được để có nó thì cứ bán. Kẻ có nó rồi thì tìm cách lèo lái cách nào lấy lại những gì đã mất, bẩn thì đổ lỗi để sạch tay còn có cơ hội đi lên. Vô phương ngàn kế, cứ đổ tội hết cho dân hoặc cho cái gì đó chung chung là xong. Bản án oan trái và vẫn tuân thủ theo pháp luật, đó là nghệ thuật lãnh đạo bằng quyền lực, bạo hành.

Hành xử dã man.

Làm sao khuấy động được người vô tội này trở thành tên tội phạm nghiêm trọng, để cho họ xét xử. Như vậy, cần có quá trình lăng mạ, phỉ báng, khép mọi thứ tội dân ghét nhất. Nó là quá trình, nhốt giam kín đáo, nhưng cung cấp thông tin bên ngoài thì báng bổ. Giai đoạn chuẩn bị dư luận, giai đoạn công khai, khích lòng oán ghét của dân lên càng đông người hưởng ứng càng hay, như vết dầu loang, người chưa kịp hiểu chuyện ngọn ngành cũng ủng hộ, “tương kế tựu kế”. Đám dân reo hò “ đóng đinh nó vào thập giá” là sướng lòng nhà chức trách, ủng hộ như thế thì thành công đã gần kề, đó là thành quả của công việc dân vận.

Chỉ còn chờ quyết định, dân chúng sẽ hả dạ cùng với quân lính đánh đập dã man con người vác thập giá kia. Một người la lên “đánh chết nó đi” nhiều tiếng say máu cũng hô to lên “đánh chết nó đi” lao vào cứ thế mà đánh, đánh mãi một người, nên người vác thập tự đứng lên ngã xuống, bước đi không được. Đường đến núi sọ tuy gần mà xa, xa bởi vì con người lấy thù oán riêng mình, chẳng can chi đến người vô tội, cứ vậy nhân cơ hội trút bầu hờn giận.

Đám đông bị khích động thật sự, bởi tiếng la hét của quân lính, bởi những người đã được kích thích bằng rượu hay bằng thuốc, bởi nhà chức trách khoanh tay đứng nhìn khích lệ, tưởng thưởng những người tự phát. Nhìn đám đông ấy, Chúa không khỏi ngậm ngùi, không phải vì vết thương trên thân xác Ngài mà vì những vết thương con người đang ung loét trong lòng họ. Đám đông càng điên cuồng, tâm thần Chúa càng thổn thức, không gì có thể đau hơn, chính những con người Chúa đang yêu thương cứu vớt lại đang hành hạ Ngài.

Chiều thập giá buồn, Chúa ơi, con người vẫn hành xử như thế với con người ở đâu đó trên trái đất. Con người của khổ nạn bởi những lòng tham chất ngất, con người đóng đinh con người.

Đóng đinh người vô tội.

Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá. Đây là giờ khắc, con người đi đến kết cục của lòng hận thù. Máu đã sôi, lửa lòng đã thiêu đốt, còn lại sự thinh lặng của con người chịu đóng đinh.

Chiều nắng vừa ngả, bóng cây thập giá treo Người Công Chính trải trên đất, ở gần đấy, nhiều người đấm ngực ăn năn trở về. Họ trở về vì biết rằng số phận người công chính là thế đó, nhìn lại mình, đón nhận bao ơn lành từ đôi tay đang bị treo trên thập giá kia. Lắng nghe bao nhiêu lời nhân lành từ Người trên kia. Khuôn mặt đầm đìa máu, máu đổ toàn thân, lòng người trở về nhói đau, cái đau khổ bởi tội lỗi mình và do đám đông say máu đang tụ tập được chia tiền, chia áo kia. Đấm ngực tội mình và cùng với tội con người.

Những người đang ở lại nhìn lên cây thập giá, tay bấu chặt vào đất đá, gục đầu khóc, khóc cho người vô tội mà phải chết và chính đôi tay của họ, sức lực của họ cũng chẳng làm gì được. Họ đã được dạy: “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho người bách hại họ”. Họ chỉ biết cầu nguyện bằng nước mắt, bằng nỗ lực hết sức thực hiện tha thứ. Khó quá, tay bấu chặt đất để xin tha thứ mà đón nhận, bài học đổi bằng nước mắt, đổi bằng tang thương, đổi bằng xâu xé ruột gan.

Mẹ Maria và người môn đệ dấu yêu, cận kề dưới chân thập giá, đứng đó, một tư thế xin vâng tất cả, không khóc than bởi lòng đã chết lặng cùng người con yêu dấu. Không thù hận, không lên án, đau cái đau của người đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả, hiến tế tất cả, để chỉ một điều tốn tại: Tha thứ tất cả và yêu thương tất cả.

Viên sỹ quan, đội trưởng đội hành hình, quỳ gối, gỡ mũ, cúi đầu xin tha thứ và xác tín: “Người này là Con Thiên Chúa” (Lc 23, 47). Hiệu quả của tình yêu tha thứ đã tuôn chảy và từng người một sám hối trở về để xây lại tình người.

Sống lại tình người:

Trong cuộc khổ giá, Chúa Giêsu là nhân vật chịu nạn chính trong vụ án, Người đã đạt đến bậc tôn sư của các bậc hiền nhân bằng bốn điều cơ bản:

Tha thứ cho kẻ lên án, vu oan, sát hại mình: “ Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23,34). Dù họ làm gì đến mình chăng nữa vẫn nuôi dưỡng tình yêu tha thứ cho họ, đó là đạt đến độ bậc thầy của “quán từ bi”.

Tha thứ cho tội nhân sám hối trở về “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Luca 23, 43). Luôn thương yêu đến những tội nhân và cầu nguyện cho họ.

Có một gia đình thánh và luôn nuôi dưỡng tình yêu gia đình trong thánh thiện dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đó là động lực để vượt qua mọi thử thách. “Chúa Giêsu nói với mẹ  rằng: thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: đây là Mẹ của anh”. (Gioan 19, 26-27).

Sau cùng mới nghĩ đến khát vọng của bản thân, một khát vọng hướng về chân, thiện, mỹ, bằng mọi nỗ lực thực hiện trên trần gian. Người nói: "Tôi khát! (Ga 19, 28).

Vụ án tình người sẽ không còn oan khiên, bất công, bạo loạn khi kết án. Sẽ là một chân trời bình an rộng mở đón nhận Chúa Phục Sinh.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tác giả: Lm. Jos Hoàng Kim Toan

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!