CÁNH CỬA CUỐI ĐƯỜNG
Chúa Giêsu nói với cô: “Này con, Đức Tin của con đã cứu con. Hãy đi bình an và được
lành bệnh!”. (Mc 5, 34)
Calvin Coolidge, nổi tiếng là một người khó tiếp cận và kiệm lời. Lần kia, tại một bữa
tiệc, một phụ nữ đến gần ông và nói, “Thưa tổng thống, tôi đánh cược với một người
bạn rằng, tôi có thể khiến ngài nói ít nhất ba
từ”. Calvin Coolidge nhìn cô ấy và nói, “Bạn
thua!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy Chúa Giêsu không khó tiếp cận, cũng không kiệm ngôn như vị tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ. Trái lại, ai cũng có thể đến với Ngài, ai cũng có thể nói với Ngài.
Kìa, hai con người ‘cùng đường’ đã đến với Ngài; một công khai, một chùng lén.
Nhưng cả hai đã ‘chạm đến ân sủng’, mở cho mình
một ‘cánh cửa cuối đường!’.
Giaia, một người thế giá, có một vị trí
danh dự trong cộng đồng; ấy thế, ông đã tìm đến Chúa Giêsu, “sụp xuống” và van
xin Ngài, “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được
cứu chữa và được sống!”. Với văn hoá thời bấy
giờ, những bậc vị vọng sẽ không bao giờ ‘ném mình’ dưới chân một người khác,
đây là một hành động đáng sỉ nhục. Thế nhưng, mạng sống của con gái ông có ý nghĩa hơn so với danh
tiếng của ông; ông đã làm tất cả những gì có thể để bù đắp cho sự bất lực của
đứa con đang đợi chết. Lập tức, Chúa Giêsu cùng đi với ông. Và em bé
đã chết thật, và Ngài không chỉ chữa lành nhưng đã đến cứu sống em. Với Phaolô,
đó là bổn phận cấp thiết đối với những người dễ bị tổn thương - bài đọc hai. Có
điều gì cấp bách hơn việc cứu sống! Sách Khôn Ngoan hôm nay nói, “Chúa chẳng vui khi sinh mạng tiêu vong”.
Khi Chúa
Giêsu đang trên đường thì giữa đám đông, Ngài bị cản lối, “Ai đã sờ vào tôi?”. Kìa! Thêm một người
‘cùng đường’ khác với căn bệnh ‘khá xấu hổ’, và điều này buộc cô phải chùng lén
tiếp cận Ngài thật không giống ai. Cô không đủ
can đảm gặp Ngài; những chỉ ước được chạm vào gấu áo Ngài với hy vọng không ai,
kể cả Ngài biết. Việc chạm vào áo
Chúa Giêsu là ‘bao nhiêu đó’ mà sức cô có thể làm được, “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Ngài thôi, là sẽ được
cứu chữa”. Vậy mà, sự chạm sờ chóng vánh đó ‘quá đủ’ để mở cho cô một
‘cánh cửa cuối đường!’. Lập tức, huyết cầm lại; và Chúa Giêsu thì thầm với cô, “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về
bình an và khỏi hẳn bệnh!”.
Anh Chị em,
“Hãy về bình an!”. Như hai nhân vật của Tin Mừng, chí ít
một lần trong đời, ai trong chúng ta cũng đã trải qua một cảnh huống tương tự;
hoặc cũng có thể ngay lúc này, bạn và tôi đang ở vào một ‘đường cùng, ngõ cụt’
nào đó. Một cơn bạo bệnh, một tang tóc, một tai nạn, một món nợ vượt sức, một
đổ vỡ xem ra không thể hàn gắn, một tội lỗi cứ sa đi ngã lại… Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy đến ‘ném mình’ dưới chân
Chúa Giêsu như viên trưởng hội đường, hoặc cố chạm cho được ‘gấu áo’ Ngài như
người phụ nữ, ‘một sự chạm đến có tên Ân Sủng’. Bấy giờ, ‘cánh cửa
cuối đường’ cũng sẽ mở ra cho chúng ta. Trong
nhà chầu Thánh Thể, Chúa Giêsu đang ở đó, chờ đợi mỗi người chạm đụng Ngài và
để cho Ngài chạm đụng, chữa lành và cứu sống. Và này, tất cả chúng
ta rồi cũng sẽ ca lên tâm tình tạ ơn “Lạy Chúa,
con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con!” -
Thánh Vịnh đáp ca.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết ‘ném mình’ dưới
chân Chúa, ‘bấu’ Chúa mỗi ngày - cả sáng bình an
cũng như chiều giông bão - nhất là những khi con phải ‘ngõ cụt, đường cùng!’”, Amen.
(lời nhắn: mọi
người đều có thể yêu cầu được nhận bài suy niệm ngắn gọn tương tự của cùng tác
giả trong mỗi ngày, xin liên lạc qua
email: minhanhhue06@gmail.com – xin
cảm ơn).
Lm. MINH ANH, TGP. HUẾ
Hẹn gặp lại
Tác giả:
Lm. Minh Anh, TGP. Huế
|