Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
Bài Viết Của
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
LINH MỤC CŨNG LÀ "CON CHIÊN" (LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH)
MUÔN ĐỜI THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG
NIỀM VUI VÀ ĐỨC TIN PHỤC SINH
VÔ CẢM ĐẾN TÀN BẠO (SUY NIỆM BÀI THƯƠNG KHÓ)
THÁNH GIÁ VÀ THÂN XÁC CỦA CON NGƯỜI ĐẸP NHẤT (SUY NIỆM TUẦN THÁNH)
“ĐƯỢC TÔN VINH” NGHĨA LÀ GÌ?
NGƯỜI TỬ TÙ MÃI MÃI KHÔNG CHẾT
“ĐỀN THỜ” THEO GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU (CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B)
CÓ THẬP GIÁ, NHƯNG SẼ CÓ PHỤC SINH
SỐNG MÙA CHAY VỚI ƠN CHÚA THÁNH THẦN (CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B)
CẢM TẠ CHÚA VÔ CÙNG (LỜI TẠ ƠN PHÚT GIAO THỪA)
LÀM GÌ ĐỂ LUÔN HY VỌNG?
THẦY THUỐC CỦA LINH HỒN
XIN LỖI...
SỐNG THẾ NÀO ĐỂ GỌI LÀ "CHẤT"?
VẪN THỜ CHÚA VÀ VẪN GIẾT CHÚA (LỄ HIỂN LINH 2023)
HƯỚNG TỚI NGÂN KHÁNH GIÁM MỤC ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ
BÀI HỌC NÀO CHO GIA ĐÌNH?
LẠY CHÚA CON ĐỒNG Ý... (LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA)
XIN VÂNG VÀ NHỮNG DIỆU KỲ
BÀI HỌC TỪ ĐÓA HỒNG NHẬP THỂ (SUY NIỆM LỄ GIÁNG SINH)
ĐỂ CHÚA ĐẾN...
GIOAN TẨY GIẢ, NGÀI LÀ AI?
THÁI ĐỘ NÀO CHO VIỆC ĐÓN CHỜ CHÚA?
TỈNH THỨC LÀ GÌ?
VƯƠNG QUỐC TRƯỜNG CỬU CHO TÌNH YÊU (LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ NĂM A)
SỨC MẠNH QUẬT KHỞI TRONG MỘT TINH THẦN BẤT BẠI
SỐNG KHÔN ĐỂ CHẾT THIÊNG
CHÚA "ĐẬP" MẠNH HÀNG LÃNH ĐẠO CỦA HỘI THÁNH
VỀ NHÀ CHA
CHO TÌNH YÊU LÊN NGÔI
TÔI ĐANG THUỘC VỀ "LIÊN MINH MA QUỶ"?
BÁC ÁI VÀ TRUYỀN GIÁO
LOẠI TRỪ THIÊN CHÚA VÀ LÝ DO
CHÚA MÃI KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ
TẤT CẢ CON LÀ CỦA MẸ
CHÚA YÊU CHỈ VÌ CHÚA MUỐN
AI CÓ QUYỀN THA THỨ? AI CẦN THA THỨ?
TÔN TRỌNG MỌI THỤ TẠO CỦA THIÊN CHÚA
BỎ MÌNH VÀ SỐNG TƯƠNG QUAN
XIN VÂNG LÀ HIẾN MÌNH

SUY NIỆM TĨNH TÂM LINH MỤC QUÝ I

THỨ BA NGÀY 5.4.2011

“AI MUỐN THEO THẦY, PHẢI TỪ BỎ CHÍNH MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO” (Mt 16,24).

Ngôn ngữ tiếp thị và quảng cáo là ngôn ngữ ngay lập tức, cho người ta thấy cái lợi, cái đẹp, cái tốt. Lời mời gọi “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24) của Chúa Giêsu cũng mang hơi hướng tiếp thị và quảng cáo, nhưng lại không giống tiếp thị hay quảng cáo chút nào. Lời mời gọi ấy trở thành lời mời gọi có một không hai và là lời mời gọi lạ đời. Lạ đời ở chỗ, mời gọi người ta theo mình, mời gọi người ta cộng tác với mình mà lại bảo phải từ bỏ bản thân của họ, phải vác thập giá. Từ bỏ đã khó. Từ bỏ chính mình càng không dễ. Nhưng từ bỏ mình để làm gì? Để vác thập giá! Thập giá đâu nhẹ tênh như một mảnh giấy, mà sẽ là bất hạnh, trách nhiệm, đơn độc, khổ đau, nghèo khó, chịu đựng, chấp nhận, hy sinh, hiến dâng, hiến thân vì lợi ích của người khác… Cứ tưởng Đấng đưa ra lời mời gọi lạ thường ấy sẽ thất bại. Nhưng thật kỳ diệu! Dọc dài của thế giới nhân loại, biết bao nhiêu con người đã dấn mình bước theo lời mời gọi của Chúa Giêsu một cách hết sức anh dũng và quả cảm. Họ thuộc hàng hàng lớp lớp anh chị em của chúng ta, nhưng luôn luôn hướng nhìn lên Chúa Giêsu, bắt chước Người trọn một đời sống vẹn toàn tiếng “Xin vâng”. Bởi nếu không “Xin vâng” như Chúa Giêsu, sẽ không dễ từ bỏ mình, càng không dễ vác thập giá.

Chẳng còn mấy thời gian, chúng ta sẽ cử hành tuần Thánh. Hướng về Thánh Giá Chúa Kitô là trung tâm của tuần Thánh, anh em linh mục chúng ta, lợi dụng dịp tĩnh tâm này, suy nghĩ về hai tiếng “Xin vâng” trong tương quan với thánh giá của đời hiến dâng mà chúng ta đang dấn bước.

I. NHỮNG TẤM GƯƠNG DÂNG HIẾN.

Lịch sử ơn cứu độ và lịch sử Hội Thánh nhiều lần chứng minh hai tiếng “Xin vâng” luôn luôn gắn liền với thánh giá và sự hiến mình. Vì thế, bất cứ ai chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, đều có nghĩa là chấp nhận tự hiến mình vác thánh giá theo Chúa.

Lẽ ra sống hết mình với nhiệm vụ và chức vụ, nghĩa là hết mình với ơn gọi, sẽ hạnh phúc, thanh thản, bình an. Nhưng không! Thực tế không phải thế. Kinh nghiệm cho thấy, càng gắn bó với trách nhiệm, sống tinh thần trách nhiệm đối với ơn gọi Chúa trao, lại càng nên giống Thánh Giá, càng phải chấp nhận hiến thân. Sự chấp nhận có lúc rát buốt, đau xót, cô đơn,bị cô lập, hiểu lầm, bị coi là không giống ai…

Chẳng hạn, một ngày nọ, tổ phụ Abraham vâng lệnh Chúa mà ra đi, bỏ lại tất cả quê hương, sự bình an của nếp sống cũ, bỏ lại tất cả sự giàu sang, nhất là mái nhà ấm áp, tình yêu thương của cha già, của gia đình… Tưởng vâng lệnh Chúa lên đường ra đi, tổ phụ Abraham sẽ hạnh phúc lắm. Theo Chúa mà! Nhưng tất cả không như ý! Tất cả đều ngược lại! Abraham ra đi đến nơi ông hoàn toàn không biết. Tương lai phía trước của ông giống như một đại dương xa xăm mờ mịt. Nhưng đó chỉ mới là khúc nhạc dạo đầu. Tiếp theo sau đó Abraham đã phải trả giá cho cả một đời xin vâng để sống ơn gọi của Chúa. Bởi phía tương lai mà ông đang bước đi giăng mắc không biết bao nhiêu thử thách đang chờ đợi ông. Thử thách lớn nhất là thử thách đòi ông giết chết đứa con ngà ngọc, đứa con mà ông đã phải mỏi mòn đợi trông mới có thể có. Nếu hiểu đau khổ là thập giá, thì Abraham đã vác thập giá cả đời mình để trung thành với ơn gọi Chúa trao.

Hay ông Gióp, người bạn trung thành của Chúa, rất sang trọng, giàu có, được coi là có quyền năng Chúa chúc phúc. Dù vậy, đau khổ không loại trừ ông. Trong nháy mắt, phúc lành của Chúa đâu không thấy, chỉ thấy bất hạnh đến tột cùng: cùng một lúc, con chết, nhà cháy sạch, của cải, trâu bò hàng đàng, tất cả không còn gì. Bản thân ông bị cùi phong lở lói. Bạn bè bấy lâu thiết thân, cả người vợ suốt đời ông yêu thương cũng trở mặt trách móc, mạt sát ông… Suốt đời ông đã sống hết mình với Chúa, vậy mà…

Ta còn biết nói làm sao, người đời chỉ có thể nhìn ông mà thương cảm. Riêng ông Gióp thì khác. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông vẫn một mực trung thành với Chúa mãnh liệt. Nhìn ông Gióp, ta học nơi ông tấm gương của đức tin lớn lao, sự trông cậy vững vàng vào Chúa để có thể trung thành sống ơn gọi theo Chúa suốt đời mình.

Cũng thế, thánh nữ Têrêsa Avila, dù được kể là tổ phụ của dòng Kín Cátminh, một người thánh thiện vẹn toàn, một tâm hồn luôn hướng về Chúa, suốt đời chỉ muốn làm bạn chân thành với Chúa, lại vướng phải rất nhiều đau khổ trong suốt đời tu của mình. Nhất là từ khi thánh nữ quyết định cải tổ nhà dòng, đưa nhà dòng trở về sống đúng linh đạo của dòng mình, đề cao đời sống nhiệm nhặt và chiêm niệm nhằm kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, thay vì thánh nữ phải được mọi người biết ơn, thì lại có sự xung khắc lớn trong nhà dòng. Têrêsa phải đau khổ nhiều. Dù vậy Têrêsa dư hiểu rằng, bước theo Chúa là đặt dấu chân của mình vào dấu chân của Thánh Giá Chúa. Chỉ có thế, con người mới xứng đáng dâng hiến trót mình sống ơn gọi của Chúa.

Đức Maria hay thánh Cả Giuse, dù là Mẹ Thiên Chúa, là Cha nuôi Chúa Giêsu, một ơn gọi hết sức vinh quang, danh dự. Nhưng Chúa vẫn không chước miễn các ngài sức nặng của thánh giá. Chính Chúa Kitô, dù là Thiên Chúa làm người, vẫn cúi mình xuống, chấp nhận mọi chiều kích của thánh giá để mang lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.

Còn biết bao nhiêu anh chị em khác, những người đã nếm trải trước sự chấp nhận trong việc “Xin vâng”, và cả những người cùng thời với ta, sáng rực trong sự hiến thân mình để sống hai tiếng “Xin vâng”, để làm trọn sứ mạng và ơn gọi của mình. Chẳng hạn linh mục Escriva de Balaguer, vị sáng lập tổ chức Opus Dei (Công Trình của Thiên Chúa); linh mục Maximilian Kolbe chết thay người bạn tù trong thời tàn sát của Đức quốc xã; linh mục Padre Pio (quen gọi là Cha Piô Năm Dấu) gần 50 năm sống trong sự đau đớn và bị chống đối; Nữ tu Anna Katharina Emmerick, người Đức thế kỷ XIX, phải chấp nhận nằm liệt giường suốt 12 năm trời… Những khuôn mặt ấy là bài học lớn, là vốn sống mạnh mẽ, là tấm gương tuyệt vời cho ta hôm nay khi đáp trả lời mời gọi của Chúa sống hoàn hảo hai tiếng “Xin vâng” của bản thân mình để vác thánh giá đời mình theo Chúa.

Tất cả những anh chị em ấy, dù là khuôn mặt của Cựu Ước hay Tân Ước, đều bước đi trên chính con đường Chúa Kitô đã đi: Đường Thánh Giá. Chẳng có con đường nào tốt hơn con đường Chúa Kitô. Vì chỉ có con đường Kitô mới là đường dẫn lối về trời. Vì thế Chúa mời gọi ta bước đi trên con đường ấy: “Hãy bỏ mình, vác thập giá đời mình mà theo Thầy” (Mt 16, 24). Hay một lời mời gọi tương tự: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều hiến mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được” (Mt 10, 37-39).

Dù con đường Kitô là con đường quan trọng, đường tốt, nhưng cũng lại là con đường đầy chông gai, đòi hỏi quyết tâm cao, đòi hỏi nhiều nỗ lực và quả cảm mới có thể hoàn thành. Chính vì thế, mời gọi ta đi trên con đường của mình, Chúa Kitô không hứa với ta một cuộc sống trần thế dễ dãi, nhưng phải là chấp nhận và từ bỏ, phải có Chúa là Đấng mà ta cần chọn lựa cách dứt khoát, chọn lựa trên hết mọi chọn lựa, dù là cha mẹ, con cái, và cả mạng sống của mình. Vì thế, “Xin vâng” để bước theo Chúa Kitô chính là chấp nhận gắn liền với Thánh giá của Chúa, đồng thực hiện cuộc hiến mình của ta.

II. CHÚNG TA, NHỮNG LINH MỤC CỦA CHÚA ĐÃ THỀ HỨA XIN VÂNG.

Sống Xin vâng để hiến mình vác thánh giá Chúa, đó là thái độ sống đức tin cao quý của người Kitô hữu. Người Kitô hữu linh mục càng được mời gọi, hãy luôn luôn ý thức lời thề hứa Xin vâng của mình như là căn tính và nền tảng của ơn gọi và mọi hoạt động của đời linh mục mà mình đang đảm trách. Sống tiếng “Xin vâng” để hiến mình làm trọng ý nghĩa thánh giá cứu độ cũng chính là chấp nhận lội ngược dòng trong một thế giới chỉ biết đề cao tự do cá nhân, đề cao chủ nghĩa lạc thú và hưởng thụ. Đó cũng là một thế giới đang nhích dần tới tận điểm của sự tôn thờ thân xác, chỉ biết tôn vinh vẻ đẹp của thân xác và vật chất.

Giữa một thế giới đầy dẫy ích kỷ, tính toán như thế mà bảo rằng hãy sống phục vụ, hiến thân, vác thánh giá, xin vâng… thì thật là khó, là ngược đời, là không thể hiểu nổi đối với một bộ phận lớn nhân loại. Nhưng điều đó hoàn toàn không là vấn đề khó hiểu, không hề là điều xa lạ, không bao giờ huyền thoại đối với các linh mục. Vì Chúa Kitô, Đấng tuyệt đối của lòng tin, lại cũng là con người của lịch sử, chính là chuẩn mực và mẫu mực tuyệt vời của mọi Kitô hữu, đã nêu gương trước, đã sống trước, đã cúi mình trước. Nay người linh mục của Chúa Kitô có chấp nhận bỏ mình, chấp nhận vác thánh giá cũng chỉ là để nên giống Đấng mà mình đã chấp nhận lời mời gọi của Người và theo Người.

Bởi thế, dù thế giới có xa lạ, nhưng anh em linh mục chúng ta thì không. Thế giới xa lạ với khuôn mẫu tuyệt vời mà Chúa Kitô để lại là bởi thế giới tự mình tách khỏi Chúa Kitô, đứng ngoài Chúa Kitô. Thế giới của nhân loại tẩy chay Thiên Chúa hôm nay là một thế giới đang “giết chết” Thiên Chúa. Họ “giết” Thiên Chúa không phải bằng cách treo Chúa Giêsu lên Thánh Giá như cách đây 2000 năm họ đã làm. Cuộc “đóng đinh” Chúa Giêsu của thời đại mới là “giết chết” Thiên Chúa trong lòng mình, trong chính tâm hồn, trong nội tâm sâu xa của bản tính con người của mình. Cuộc “sát hại” Thiên Chúa hôm nay nguy hiểm vô cùng, nguy hiểm gấp vạn lần cuộc “sát hại” Chúa Giêsu cách đây 2000 năm. Vì 2000 năm trước, thế giới có “giết chết” Chúa, Thì hình ảnh của Người vẫn sống mãi, vẫn được khắc sâu trong ký ức muôn đời của nhân loại. Còn hôm nay, thế giới “giết chết” Thiên Chúa là xóa sạch Thiên Chúa, xóa sạch hình ảnh Người, xóa sạch mọi điều liên quan đến Người trong chính cõi lòng họ.

Bởi vậy, một thế giới mà không còn Thiên Chúa, một thế giới mà Thiên Chúa đã “bị giết” như thế, thì còn lý do nào, còn có ai dám hiến mình, dám xin vâng. Và dưới ánh mắt của những kẻ “giết” Thiên Chúa, những kẻ tôn thờ vật chất đến mức trở thành thứ chủ nghĩa duy vật, chắc chỉ có những người điên mới chấp nhận thánh giá để sống vì mọi người. Vì thế, trong cuộc đời của những kẻ “giết chết” Chúa cũng là Chúa của họ, đầy dẫy sự sa đọa, đầy dẫy dối trá, lường gạt, thủ đoạn, mưu mô, quỷ quyệt… nhằm một mục đích duy nhất là bảo đảm cho sự an toàn của bản thân, dẫu có chà đạp luân thường đạo lý. Tắt một lời, đó là thế giới đầy dẫy nộc độc của tội. 

Bước vào đời hiến dâng, sống trọng tiếng Xin vâng, chấp nhận liều mình, bỏ mình, vác thánh giá theo Chúa, người linh mục như một người lính cảm tử, chỉ biết tiến lên sống cho điều mà mình đã xác quyết, không bao giờ thỏa hiệp với bóng tối, với gương mù, với những gì là lợi lộc vật chất, lợi lộc trước mắt mà làm thiệt hại hình ảnh Thánh Giá Chúa Kitô. Mặc cho phải hy sinh, phải thua thiệt, chúng ta không được a tòng với bóng tối. Vì làm như thế, chúng ta có trách nhiệm nặng. Bởi không chỉ dần dà ta đẩy Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình, nói mạnh hơn, không chỉ ta “giết chết” hình ảnh Thiên Chúa nơi lòng mình, mà còn có nguy cơ “giết chết” Thiên Chúa nơi lòng anh chị em mà mình có trách nhiệm, vì gương mù của bản thân chúng ta gây ra. Mặc cho não trạng thực dụng, hưởng thụ và chủ nghĩa thực nghiệm, duy vật, khoái lạc có lên ngôi, có tìm mọi cách “giết chết” Thiên Chúa nơi lòng dạ con người, nhưng anh em chúng ta, bởi đã chấp nhận lời mời gọi “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” thì không được thế. Chúng ta nhất quyết phải sống và làm cho dồi dào tình yêu “Xin vâng” của Chúa Kitô, dẫu có phải chấp nhận vác thánh giá ê chề đến mức độ nào đi nữa.

Cuộc sống hiến mình xin vâng chấp nhận thánh giá, mới chính là hạnh phúc của chúng ta, mới chính là ý nghĩa đích thực của tên gọi Linh Mục. Chỉ có ai để cho Thiên Chúa sống trong lòng mình, và sống như Chúa Kitô đã sống, mới có được cuộc đời bình an, và lan tỏa bình an khắp nơi. Các linh mục của Chúa hãy khắc sâu trong lòng mình tâm niệm này:

1. Chỉ có những ai sống bằng chính sự sống của Chúa, người đó mới bình an. Khi có bình, họ gieo rắc niềm bình an nơi mọi môi trược họ sống.

2. Còn những kẻ loại trừ Thiên Chúa, “giết chết” Thiên Chúa trong lòng mình, kẻ đó chẳng bao giờ có bình an. Bởi không có bình an, họ gieo rắc sự bất bình an bằng tất cả sự nghi ngờ, oán hận, ganh ghét, tù tội, giết chóc… ở mọi môi trường họ sống.

Lịch sử ơn cứu độ và lịch sử Hội Thánh nhiều lần chứng minh hai tiếng “Xin vâng” luôn luôn gắn liền với thánh giá và sự hiến mình. Chúa cũng mời gọi: “…Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy…”. Ngày hôm nay, cùng với anh chị em mình, các linh mục cũng đang bước đi trong chính lịch sử ấy, lịch sử của lời mời gọi hiến mình vác thập giá. Vậy chúng ta xin vâng theo ý Chúa để dòng lịch sử thánh ngày càng trải rộng bằng chính đời sống “Xin vâng” của chúng ta.

VẤN TÂM

Nói đến thánh giá là nói đến đau khổ. Đau khổ lại dễ làm chúng ta khiếp sợ. Vì khiếp sợ, đã nhiều lần chúng ta thoái thác, chối từ vác thánh giá. Chẳng hạn, anh chị em của chúng ta có thể còn nhiều sai sót, nhưng chúng ta không dám chỉnh đốn, không dám nhắc nhở vì sợ bị oán ghét, sợ trả thù, sợ cuộc sống trần thế của mình mất bình an. Trách nhiệm xin vâng để bỏ mình vác thánh giá của chúng ta, vì thế, còn thiếu sót.

Lắm khi chính vì thiếu sót trách nhiệm, chúng ta đã làm thiệt hại đời sống tâm linh của nhiều người, thậm chí của chính chúng ta.

Xin vâng để hiến mình theo Chúa, đòi chúng ta phải sống mực thước, sống đúng chuẩn mực của một người linh mục, nhưng vì cả nể, vì thực tế cần xây dựng, cần sửa chữa, hoặc cần bất cứ một nhu cầu nào…, đôi khi chúng ta đã lạm dụng thánh chức của mình, đi lố đà, vượt giới hạn lẽ ra phải có của một người linh mục.

Lạy Chúa, xin thương hàng linh mục chúng con, vì dẫu đã được Chúa chọn để trao ban thánh chức, chúng con vẫn chỉ là những kẻ mọn hèn, yếu đuối, dễ sa ngã. Chúng con xin Chúa thương đồng hành trên con đường ơn gọi của từng anh em linh mục. Xin hãy giáo dục chứ đừng bao giờ sa thải chúng con. Xin Chúa hãy giáo dục từng bước từng bước một, để ngày qua ngày, nhờ ơn Chúa giáo dục, chúng con trưởng thành hơn.

Xin cho chúng con biết theo Chúa, biết hiến mình, vác thánh giá mà theo vô điều kiện, không tính toán, không tìm vinh danh mình, nhưng chỉ một niềm xác tín rằng, Chúa yêu chúng con hơn chúng con yêu mình mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Giá, xin cho chúng con dám liều theo Chúa một cách dũng mãnh, để chúng con anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của con tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

HƯỚNG VỀ VĨNH CỬU

“Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26, 41).

Cũng đi tìm hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng thấy hạnh phúc đích thực. Anh em linh mục chúng ta, một khi dấn mình bước theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”, là chúng ta cho mọi người biết, chúng ta đang tiến về hạnh phúc đích thực. Trên con đường đi về suối nguồn hạnh phúc ấy, tỉnh thứccầu nguyện như Chúa dạy là cần thiết nhất trên mọi điều cần thiết để giúp người linh mục đủ sức giữ vững lập trường: dứt khoát theo Chúa, không bao giờ để mình xiêu bên nọ, vẹo bên kia.

Đúng hơn, chính khi dứt khoát bỏ mình, chấp nhận Thánh Giá Chúa, chúng ta trở thành nhân chứng cho mọi người về đời sống đích thực trong Chúa nhờ sự cầu nguyện và tĩnh thức. Làm sao, mỗi khi nhìn vào chúng ta, nhìn cách ăn nết ở của các linh mục, mọi người có thể nhận ra dấu chỉ của trời cao nơi chính cuộc sống phàm trần này. Một khi chấp nhận trui rèn mình, là chính lúc chúng ta thành công trong việc sống lời mời gọi từ bỏ, và vác thánh giá theo Chúa. Một khi chấp nhận trui rèn mình, cũng là chấp nhận làm gương và hy sinh cho anh chị em của mình, để tất cả từ người linh mục đến những ai được giao phó cho ngài chăm nom đều sống cuộc sống vĩnh cửu ngay hôm nay, trên trần thế này.

Người linh mục phải biết sợ một sự thật nguy hiểm này là: cả một đời làm linh mục, chúng ta giảng dạy rất nhiều, nhắc nhở rất nhiều, đòi hỏi rất nhiều…, nghĩa là chúng ta liên tục chỉ đường cho anh chị em của mình về trời cao, nhưng đàng sau những lời dạy, những đòi hỏi xem ra đạo đức, lại là cuộc sống không tương hợp của người linh mục, khiến anh chị em dễ dàng về trời, còn chúng ta, sau một đời làm linh mục, lại không được biết quê trời…

Như thế thì thật đáng thương. Đáng thương không gì bằng!...

Vì thế càng phải “tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ”.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

 

Tác giả: Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!