LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN BAOTIXITA
Lịch sử Cứu độ khởi đi từ Cựu Ước, báo
trước những gì sẽ hoàn tất nơi Tân Ước; Tân Ước là sự nối dài của Cựu Ước và
làm cho Cựu Ước nên hình nên dáng nhờ sứ mạng hoàn hảo hóa Cựu Ước.
Thế nhưng khi chiêm ngắm thánh Gioan
Baotixita, vị tiên tri của cả Cựu và Tân Ước, ta càng thấy rõ liên tục tính
giữa hai dòng lịch sử dược thể hiện. Sự thể hiện đó còn cho thấy tình thương
hải hà của Thiên Chúa.
I.
NHỮNG CÚ NHẢY HOAN CA TÌNH THƯƠNG.
Tôi thấy mối tương đồng lớn giữa trình
thuật lễ Sinh Nhật thánh Gioan (Lc 1, 5-58) với đoạn Thánh Kinh về việc vua
Đavid cung nghinh, nhảy múa trước Hòm Bia giao ước để tỏ lòng thần phục, kính
thờ Thiên Chúa.
Sách Samuel quyển II: "…Hòm Bia Đức Chúa ở nhà Ôvết Êđôm,
người thành Gát ba tháng… Ông Đavid liền đi rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông
Ôvết Êđôm lên thành vua Đavid trong niềm hân hoan. Khi những người khiêng Hòm
Bia của Đức Chúa đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo.
Vua Đavid quấn êphốt vải gai, nhảy múa
hết sức mình trước nhan Đức Chúa. Vua Đavid và toàn thể nhà Israel rước Hòm Bia Đức Chúa lên giữa
tiếng hò reo và tiếng tù và" (2Sm 6, 9-15).
Trong trình thuật hạ sinh thánh Gioan,
thánh Luca như cố tình cho thấy sự gần gũi giữa Cựu và Tân Ước: Con người và ơn
gọi của thánh Gioan không chỉ giao thời của lịch sử, mà còn là và nhất là: Thánh
Gioan một khi có mặt trong Tân Ước, đã bước ra từ Cựu Ước. Cuộc hạ sinh đầy
nhiệm lạ không chỉ nói lên tình thương của Chúa dành cho con người này, mà còn
cho thấy Tình Thương ấy vốn vẫn luôn bền
bỉ hiện diện diệu kỳ, lớn lao giữa dân Chúa.
- Hòm chứa hai tấm Bia giao
ước là hình ảnh báo trước Đức Maria mang Chúa Giêsu trong lòng dạ mình.
- Lần đầu, Hòm chứa những tấm
Bia long trọng vào thành. Đức Maria mang thai Chúa vào nhà bà Isave. Lần đầu
tiên, Hòm Bia giao ước mới là chính Đức Maria và chính Chúa Giêsu đã viếng thăm
một gia đình thánh thiện.
- Đavid và dân chúng vui mừng
khi cung nghinh hòm bia. Bà Isave và người con mà bà đang cưu mang cũng vui
mừng trước Đức Maria.
- Đavid nhảy để diễn tả niềm
vui Hòm Bia viếng thăm. Gioan nhảy trong lòng mẹ khi gặp gỡ Mẹ Thiên Chúa đang
mang Thiên Chúa trong lòng dạ.
- Dân Israel “hò reo” khi
rước Hòm Bia. Bà Isave “kêu lớn tiếng”.
- Hòm Bia ở nhà Ôvết Êđôm ba
tháng, Đức Mẹ ở lại nhà bà Isave ba tháng.
- Bà Isave: "Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến
viếng thăm tôi", hình như cũng là họa lời Đavid: "Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được".
Thánh Luca đã tài tình khi lồng ghép
hình ảnh của Cựu Ước vào Tân Ước. Sự gặp gỡ thiết thân hết sức của Cựu và Tân
Ước, cho thấy lịch sử cứu độ, lịch sử mà
nơi đó hành động Tình Thương của Thiên Chúa vẫn chảy mãi, chảy mãi chẳng những
chưa từng "nghẻn mạch", chưa từng "tạm nghỉ", mà còn tiếp
tục chảy đến vô cùng, chảy không ngừng.
Ẩn sâu trong dụng ý của
thánh Luca, câu chuyện hạ sinh ấy là bài trường ca về một Tình Thương có một
không hai trong lịch sử loài người. Một bài trường ca bất tận. Một Tình Thương
nhiệm lạ gắn chặt Thiên Chúa với loài người không bao giờ suy giảm.
Tình Thương quá đỗi ấy làm thành một
dòng lịch sử nâng cao thân phận trần thế của loài thụ tạo mỏng dòn, phải chết
trở thành con Thiên Chúa.
Tình Thương ấy không còn là hình bóng,
nhưng đã nên hiện thực với tất cả những gì mà Tân Ước trình bày và Chúa Kitô
thể hiện.
Thay vì vật thể, thì nay là một Con
Người. Thay vì Bia giao ước thì nay là chính Chúa Trời làm người. Như vậy, Tình
Thương chảy từ Cựu Ước, càng chảy càng phát triển. Sang Tân Ước, Tình Thương ấy
phát triển đến không ngờ. Bởi ơn cứu độ của lời hứa khi xưa, nay đã là chính
Đấng Cứu Độ toàn năng.
II.
THÁNH GIOAN - ÊLIA THỜI ĐẠI.
Chương 17 sách Các Vua quyển I nói
đến ơn gọi của tiên tri Êlia, người suốt đời anh dũng chiến đấu bảo
vệ đức tin. Lỗi tại vua Akhab, kẻ nhu nhược, đã để hoàng hậu Izabel,
một người ngoại giáo độc ác thao túng hoàng triều.
Thay vì thờ Thiên Chúa, Izabel dựng
bàn thờ Baan ngay tại thủ đô và đặt pháp sư trông đền thờ. Bà muốn
biến Israel
thành quốc gia thờ thần ngoại.
Trước nguy cơ đức tin của toàn dân
bị đe dọa, tiên tri Êlia, vì lòng nhiệt thành, đứng lên tố cáo sự
yếu hèn của Akhab và tội ác của Izabel.
Tiên tri phải liều thân chiến đấu với
450 tư tế Baan. Nhờ quyền năng Thiên Chúa, thắng lợi thuộc về tiên tri.
Izabel vốn thù ghét tiên tri Êlia, càng trở nên căm thù dữ dội. Bà
quyết đặt mối thù không đội trời chung với tiên tri.
Trong Cựu Ước, tiên tri Êlia có công
gìn giữ, bảo vệ đức tin. Ông chiến đấu đến cùng để Israel quay về
với chân lý là chính Thiên Chúa. Ông dọn đường cho dân quay về và
trung thành thờ phượng Chúa.
Tân Ước, hình ảnh đẹp về
tiên tri Êlia được Chúa Giêsu gán cho thánh Gioan: "Thật Êlia phải đến chấn hưng mọi sự. Thầy bảo các con,
Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông
như ý họ… Bấy giờ, các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan
Tẩy giả" (Mt 17,
10-13).
Như tiên tri Êlia, thánh Gioan là
người dọn đường tài ba để đưa Chúa đến trong lòng người và đưa con
người về với Chúa. Thánh Gioan chấn hưng lòng người bằng kêu gọi ăn
năn sám hối.
Với lối thuyết trình mang hình ảnh,
thánh Gioan dạy cách ăn năn sám hối thật sống động và gợi nhớ: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa
cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo
hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa" (Lc 3, 4-6).
Suốt đời thánh Gioan thao thức và
bảo vệ đức tin khỏi mọi ngẫu tượng là lối sống sa đọa, tội lỗi
của vua chúa và của dân chúng. Ngài ngoan cường chiến đấu cho chân
lý, đã gìn giữ đức tin đến đổ máu vì đức tin ấy.
Xưa Chúa dùng tiên tri
Êlia để thanh tẩy đức tin của dân Israel trước sự suy đồi tôn giáo.
Thời Chúa Giêsu, Thiên Chúa dùng thánh Gioan thanh tẩy đức tin của dân
Chúa, để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến trong lòng người.
III.
BÀI HỌC NÀO CHO CHÚNG TA?
Không chỉ nơi cuộc đời và ơn gọi của
thánh Gioan, đúng hơn, mọi biến cố của lịch sử, đều cho thấy Tình Thương của
Chúa là Tình Thương vượt mọi thác ghềnh, vượt trên tội lỗi của loài người.
Tình Thương ấy đã dàn trải trong Cựu Ước
thì nay lại cứ lớn mênh mông nơi Tân Ước. Cứ mãi vươn tới, bền bỉ gắn chặt với
vận mệnh của trần thế, để trần thế dù vong thân đến đâu, vẫn còn đó một điểm
tựa vững chắc mà quay về.
Bởi thế, thái độ vui mừng, hay cú nhảy,
hay tiếng kêu sung sướng trong Thánh Thần, hay lời ca tụng Thiên Chúa trung
thành với lời hứa… nơi trình thuật hạ sinh của thánh Gioan, cũng là của chính
nội tâm mỗi chúng ta nói riêng, của Hội Thánh nói chung, vì được tận hưởng một
Tình Thương bền bỉ mà Thiên Chúa đã và vẫn đang thực hiện.
Để đáp lại tình thương vô biên và hải hà
ấy, chúng ta phải thực hiện hành trình sám hối để quay về với Chúa, trung thành
với tình thương của Chúa qua từng phút giây của cả đời mình.
Ta không chỉ ngồi đó chờ ơn tha thứ của
Chúa mà không có hành vi hay sự thống hối tích cực nào. Ta không chỉ thực hiện
hành vi bên ngoài như đấm ngực, xé áo, vật vã vì đau khổ trước tội lỗi của
mình.
Trong ta luôn ẩn núp sự kiêu ngạo, muốn
nâng mình lên, khoe khoang, tị hiềm, ganh ghét, khổ sở khi thua kém người khác.
Tâm hồn dù mong muốn phụng thờ Chúa, vẫn có những tự ái, khó khăn, cố chấp
trong tính hư của bản thân, từ đó không dễ gì nhận lỗi, không dễ gì tha thứ cho
anh em...
Biết bao lần ta để cái tôi của thế gian
trổi dậy qua tất cả những biểu hiện xấu: tham lam, ham muốn thật nhiều của cải,
muốn chiếm đoạt hoặc muốn thu vén tất cả sao cho tư lợi ngày càng đầy lên, ngày
càng rộng ra...
Bao nhiêu lần, lẽ ra phải là tác nhân
tình yêu, nối kết, hiệp nhất, ta lại thành nguyên nhân giận hờn, ganh ghét,
nghi kỵ. Do tà tâm, không ít lần ta trở thành nguyên nhân của hố sâu chia rẽ,
bất hoà, thù hận, tính toán nhỏ nhen...
Chẳng những không tích cực loại trừ đam
mê, ham muốn bất chính, có khi ta còn miệt mài đuổi theo danh lợi, dục vọng và
biết bao nhiêu lạc thú...
Trong cõi riêng tư, lẽ ra phải để Chúa
chiếm ngự, ta lại mang quanh co của dối trá, không thành thật với Chúa, với
người, với chính mình...
Ta ươn lười đạo đức, thiếu tập nhân đức,
thiếu nỗ lực để gần sự thánh thiện, trong khi đó lại trốn bổn phận, giả hình,
thiếu duyệt xét lương tâm...
Nếu tiên tri Êlia và thánh Gioan đều
quả cảm chống việc thờ ngẫu tượng, thì Kitô hữu cũng là tiên tri
chống việc tôn thờ ngẫu tượng của thời đại.
Hãy cùng bà Isave vui mừng và chấp nhận
đón rước Đức Mẹ, sẵn sàng để Đức Mẹ đưa Chúa đến viếng thăm qua những giây phú
ta kết hợp với Đức Mẹ cầu nguyện cùng Chúa.
Hãy theo lối mở của các người thánh xưa
lo thực hành lời thánh Gioan mời gọi để luôn ý thức và siêng năng dọn tâm hồn
cho Chúa bằng mọi nỗ lực uốn lại cõi lòng cho hết quanh co, bạt mọi gồ ghề của
ích kỷ và kiêu ngạo.
Lm.
JN NGUYỄN MINH HÙNG