CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM A
Công đồng Vatican II khẳng định: “Bản
chất của Hội thánh là truyền giáo”. Mọi tín hữu là nhân tố làm thành
Hội Thánh ấy, cũng chính là những sứ giả Tin mừng, cũng có trách nhiệm như Hội
thánh. Vì thế, từng người tín hữu hãy sẵn sàng ra đi truyền giáo.
Chính vì thế, lời Chúa: “Lúa
chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, không chỉ là lời mà ngày xưa Chúa ngỏ
cùng các tông đồ, mà còn là lời xuyên thời gian, đọng trên mọi thời, mọi người.
Lời ấy đang thôi thúc chúng ta hãy lên đường truyền giáo trong thời đại mới.
Tại Việt Nam có gần 100 triệu người nhưng
chỉ có khoảng hơn 7 triệu tín hữu Công giáo. Trong khi đó, người dân nước này
càng ngày càng đâm đầu chạy theo thói hưởng thụ, đẩy mạnh lối sống tục hóa,
cộng vào đó, vai cấp thống trị không từ một thủ đoạn nào để khuếch trương chủ
nghĩa vô thần, đã làm cho gánh nặng về việc truyền giáo như nặng hơn.
Chính vì thế, Hội Thánh Tại Việt Nam đang xảy ra
sự chênh lệch quá mức giữa nhu cầu thợ và tính cấp bách của cánh đồng lúa mà
chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy cách đây hơn 2000 năm. Đó là tình trạng thợ thì
thiếu trầm trọng, trong khi cánh đồng lại mênh mông.
Dù đạo Thánh đã đến Việt Nam hơn
nửa thiên niên kỷ, nhưng vẫn còn nhiều khu vực rộng lớn không có một ngôi nhà
thờ nào, không tìm thấy một người Công giáo nào.
Nhiều nơi khác, một vài người Công giáo
phải sống chung phần lớn với những anh chị em chưa nhận biết Chúa. Thêm vào đó,
ý thức về trách nhiệm, về ơn gọi truyền giáo chưa thật sự ăn sâu và cảm nhận đủ
nơi tâm tư mỗi Kitô hữu. Thậm chí, nhiều người sống giữa người ngoại giáo, đã
trở thành lai căng, pha trộn, hoặc chối bỏ hẳn đức tin của mình...
Một cánh đồng truyền giáo còn bát ngát
trên mọi phương diện. Vì thế, Hội Thánh của Chúa Kitô vẫn cần mọi tấm lòng của
mọi tín hữu dành hết tâm huyết cho việc mở rộng biên giới Nước Trời tại trần
gian.
Người Kitô hữu phải luôn tự nhắc nhở
nhau và nhắc nhở mình rằng: Trong khi cánh đồng truyền giáo còn bề bộn, thì không ai được nghỉ ngơi. Mỗi Kitô hữu, không loại trừ, không miễn
chuẩn bất cứ ai, cũng không độc quyền, không ỷ lại….tất cả đều phải có trách nhiệm và bổn phận với đời sống truyền giáo của
Hội Thánh.
Mỗi người Công giáo đều có một ơn gọi từ
Thiên Chúa - ơn gọi trở nên “thợ gặt” cho đồng lúa đã chín vàng của Vị Chủ Mùa.
Để thực thi lời Chúa dạy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”, chúng ta hãy
sống trong đời sống bằng lối sống CHỨNG
NHÂN:
-
Chứng nhân bằng sự cầu nguyện:
Nghĩa là ta trung thành và liên lỉ kết hợp với Chúa qua việc tham dự thánh lễ,
lãnh nhận bí tích, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, luyện tập nhân đức, thường
xuyên rước và chầu Mình Thánh… cùng với việc lo củng cố cho mình vững niềm tin
vào Chúa, không bao giờ ngần ngại, thoái thác hay lười biếng, bỏ qua bất cứ
giây phút nào mà không cầu nguyện, không bày tỏ đức tin của mình.
-
Chứng nhân bằng sống bác ái với anh chị em xung quanh: Ta ân cần thăm hỏi, giúp đỡ, yêu
thương, quan tâm… đến những hoàn cảnh của họ. Bác ái phải là tinh thần truyền
giáo đầu tiên mà từng người tín hữu phải cố gắng sống cho bằng được.
Vì Hội Thánh cũng chính là mỗi Kitô hữu.
Sống nên, và sống đúng bằng một lòng yêu mến thiết tha, với ước muốn làm vinh
danh Chúa, lúc đó đời sống mỗi người chính là bài giảng hùng hồn, sẽ thu hút,
chinh phục các linh hồn.
Mọi tín hữu là nhân tố làm thành Hội
Thánh, cũng chính là những sứ giả Tin mừng, có trách nhiệm như Hội thánh. Vì
thế, từng người tín hữu hãy sẵn sàng ra đi truyền giáo.
Chính vì thế, lời Chúa Giêsu: “Lúa chín
đầy đồng, mà thợ gặt lại ít” mãi mãi mang tính thời sự, mãi mãi vẫn là lời thúc
bách hết sức hiện thực dành cho từng người.
Hãy nhận lãnh Lời Chúa và băng mình trên
cánh đồng truyền giáo rộng khắp này, đem con người về cùng Chúa, đưa Chúa đến
trong lòng người.
Lạy
Chúa, xin dạy chúng con biết dấn thân mà không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ
chùng bước, để danh Chúa được cả sáng và Nước Chúa được phát triển mạnh.
Lạy
Chúa Giêsu, xin hướng dẫn chúng con biết cách truyền giáo cho anh chị em trong
thời đại chúng con, để dù qua năm tháng, dù lâm vào hoàn cảnh nào, hay dù gặp
thử thách đến đâu, lòng chúng con vẫn trung kiên sống ơn gọi của mình, để danh
Chúa được cả sáng và biên cương của Hội Thánh được nới rộng ngày càng nhiều
hơn. Amen.
Lm
JB NGUYỄN MINH HÙNG