CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C
Trả lời cho câu hỏi của cả
đám đông dân chúng đủ mọi thành phần đang tỏ lòng sám hối: "Thưa Thầy,
chúng tôi phải làm gì?", thánh Gioan đưa ra những đề nghị phù hợp cho
từng đối tượng :
- Vời đám đông dân chúng, thánh
Gioan dạy: “Ai có hai áo, hãy
cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như vậy”;
- Người thu thuế, Thánh
Gioan dạy: “Các ngươi đừng đòi
gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”;
- Quân nhân, thánh Gioan dạy:
“Đừng ức hiếp ai, đừng cáo
gian ai, các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”;
Những câu trả lời sát hoàn
cảnh của người nghe, cho thấy thánh Gioan rất mực thẳng thắn và thực tế. Bổn
phận của từng người, theo từng giai cấp, từng loại ngành nghề..., cứ thế mà
sống đúng lương tâm của mình theo cấp bậc và ngành nghề mình đang đảm trách.
Mỗi người cứ thánh thiện
trong vai trò, trong môi trường, trong thừa tác vụ, trong tương quan, trong nếp
sống... mà mình đang có, đang mang vác là được, không cần đổi địa vị, không cần
đổi nghề nghiệp, không cần chạy khỏi thành phố hay lách lên rừng..., miễn là ai
ai cũng sống yêu thương, lương thiện, biết nghĩ cho nhau, biết đặt mình vào
hoàn cảnh của nhau để sống cho phù hợp, sống cho đúng mức của một người anh em
giữa các anh em...
Tuyệt nhiên, trong các đề
nghị của mình, không có bất cứ lời mời gọi nào thánh Gioan đòi phải đọc kinh
thật nhiều, hay phải siêng năng viếng đền thờ, hoặc đọc kinh cầu nguyện ở hội
đường..., dù đó là những việc đạo đức cần thiết.
Thực ra, thánh Gioan không
phi bác tất cả mọi hình thức cầu nguyện, Điều cốt yếu thánh Gioan nêu lên là
phải thể hiện đức tin một cách cụ thể bằng hành động thiết thực với anh em
đồng lọai: "Ai có hai áo hãy cho người không có, ai có của ăn cũng hãy làm như
vậy".
Qua
đó, thánh nhân đòi mỗi người phải luôn ý thức rằng, đã yêu mến Chúa thì phải yêu,
phải đón nhận con người. Từng người xung quanh là hình ảnh của Chúa đang hiện
diện. Vì thế, việc cầu nguyện không được bỏ mà việc bác ái cũng không được làm
ngơ.
Đã
có quá nhiều kẻ thờ phượng Chúa trong đền thờ, trong hội đường, trong các giờ
kinh nguyện, nhưng trong đời thường họ lại từ chối anh chị em, từ chối đồng
cảm, sớt chia, quan tâm đến anh chị em.
Đúng
hơn, trong giáo huấn của mình, thánh Gioan như muốn nói, người ta đã tôn thời
Chúa rồi, đã nghe rao giảng về lề luật trong các hội đường bởi các rabbi Dothái
nhiều rồi.
Đã
đến lúc, người ta phải nhìn đến anh chị em, phải sống cho thấu đáo tình đồng
loại và đồng đạo. Đừng chỉ có Thiên Chúa trong đền thờ, trong giờ kinh nguyện.
Đừng tách Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Đúng hơn, đã thờ phượng Chúa trong đền
thờ, con người cũng phải lo thờ phượng Chúa cách cụ thể trong đời, nơi biết bao
nhiêu người đang sống cùng, sống với.
Đối
với chúng ta, lời khuyên của thánh Gioan vẫn còn nguyên ý nghĩa. Bởi không chỉ
có thính giả của thánh Gioan mới đặt câu hỏi: "Chúng tôi phải làm gì?". Nhưng câu hỏi đó
cũng đã từng có người đặt ra cho Chúa Giêsu.
Và
Chúa Giêsu cũng không đòi gì khác ngoài đời sống bác ái, công bằng, yêu thương.
Chúa nói: "Hãy đi bán những gì anh có
mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi"
(x.Mc 10, 17-27).
Chúng
ta đã hiểu thánh ý Chúa, đã tỏ tường giáo lý của Chúa. Vì thế, trách nhiệm sống
công bằng, bác ái, yêu thương mà cả Chúa lẫn thánh Gioan đều đề cao phải là
trách nhiệm hàng đầu của chúng ta.
Hãy
luôn tự hỏi: "Tôi phải làm gì?" để thúc đẩy mình sống cho đúng tinh
thần Kitô giáo. Đừng trở thành kẻ ngoại cuộc đối với Tin Mừng của Chúa. Đừng
chỉ là kẻ thờ Chúa trong nhà thờ mà bỏ rơi Chúa ở giữa cuộc đời.
Hãy
đinh ninh luôn luôn lời dạy của Chúa: "Không phải
những người nói lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu, nhưng là những
người thực hiện ý muốn của Cha Ta" (Mt 7,21).
Lm JB MGUYỄN MINH HÙNG