Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
Bài Viết Của
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
VÔ CẢM ĐẾN TÀN BẠO (SUY NIỆM BÀI THƯƠNG KHÓ)
THÁNH GIÁ VÀ THÂN XÁC CỦA CON NGƯỜI ĐẸP NHẤT (SUY NIỆM TUẦN THÁNH)
“ĐƯỢC TÔN VINH” NGHĨA LÀ GÌ?
NGƯỜI TỬ TÙ MÃI MÃI KHÔNG CHẾT
“ĐỀN THỜ” THEO GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU (CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B)
CÓ THẬP GIÁ, NHƯNG SẼ CÓ PHỤC SINH
SỐNG MÙA CHAY VỚI ƠN CHÚA THÁNH THẦN (CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B)
CẢM TẠ CHÚA VÔ CÙNG (LỜI TẠ ƠN PHÚT GIAO THỪA)
LÀM GÌ ĐỂ LUÔN HY VỌNG?
THẦY THUỐC CỦA LINH HỒN
XIN LỖI...
SỐNG THẾ NÀO ĐỂ GỌI LÀ "CHẤT"?
VẪN THỜ CHÚA VÀ VẪN GIẾT CHÚA (LỄ HIỂN LINH 2023)
HƯỚNG TỚI NGÂN KHÁNH GIÁM MỤC ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ
BÀI HỌC NÀO CHO GIA ĐÌNH?
LẠY CHÚA CON ĐỒNG Ý... (LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA)
XIN VÂNG VÀ NHỮNG DIỆU KỲ
BÀI HỌC TỪ ĐÓA HỒNG NHẬP THỂ (SUY NIỆM LỄ GIÁNG SINH)
ĐỂ CHÚA ĐẾN...
GIOAN TẨY GIẢ, NGÀI LÀ AI?
THÁI ĐỘ NÀO CHO VIỆC ĐÓN CHỜ CHÚA?
TỈNH THỨC LÀ GÌ?
VƯƠNG QUỐC TRƯỜNG CỬU CHO TÌNH YÊU (LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ NĂM A)
SỨC MẠNH QUẬT KHỞI TRONG MỘT TINH THẦN BẤT BẠI
SỐNG KHÔN ĐỂ CHẾT THIÊNG
CHÚA "ĐẬP" MẠNH HÀNG LÃNH ĐẠO CỦA HỘI THÁNH
VỀ NHÀ CHA
CHO TÌNH YÊU LÊN NGÔI
TÔI ĐANG THUỘC VỀ "LIÊN MINH MA QUỶ"?
BÁC ÁI VÀ TRUYỀN GIÁO
LOẠI TRỪ THIÊN CHÚA VÀ LÝ DO
CHÚA MÃI KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ
TẤT CẢ CON LÀ CỦA MẸ
CHÚA YÊU CHỈ VÌ CHÚA MUỐN
AI CÓ QUYỀN THA THỨ? AI CẦN THA THỨ?
TÔN TRỌNG MỌI THỤ TẠO CỦA THIÊN CHÚA
BỎ MÌNH VÀ SỐNG TƯƠNG QUAN
TRÊN NỀN CỦA KẺ YẾU ĐUỐI
VÌ SAO CHÚNG TA THẤT VỌNG
CHA MICAE LÊ VĂN KHÂM: CHO NGƯỜI CHỨ KHÔNG CHO MÌNH (TƯỞNG NHỚ CHA MICAE LÊ VĂN KHÂM, NGUYÊN TỔNG ĐỊA DIỆN GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG NHÂN GIỖ ĐẦU)
QUYỀN – PHỤC VỤ

 

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thật đáng buồn cho các tông đồ: đã đến hai lần Chúa mạc khải: Người phải đi vào cuộc thương khó: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 8, 31 và 9, 31), vậy mà các ông vẫn loay hoay dành nhau, tranh chấp nhau kẻ trên người dưới, kẻ trước người sau.

Thật đáng trách, bởi cơn mơ quyền lực trong các tông đồ đã quá sâu, quá nặng. Các ông đã bị cơn mơ quyền lực ấy thấm đến từng nếp nghĩ, từng giây phút sống. Nó thấm trong các ông đến tận chân tơ kẽ tóc. Nó vẫn vây chặt các tông đồ ngay cả khi Thầy của các ông đang phải đối mặt với đau thương cùng cực.

Đáng trách cho các tông đồ, thì cũng đáng thương vô cùng cho Chúa Kitô. Chúa thật đơn độc trên đường thánh giá. Không một ai thấy được niềm xót xa trong Chúa. Không một người chia sẻ tâm tư của Chúa. Không một kẻ hiểu sự bội phản của lòng người mà Chúa đang gánh chịu, dẫu những kẻ đó đang sống cùng Chúa, đang đi bên cạnh Chúa, đang được coi là tông đồ của Chúa, đang dần dần tiếp bước Chúa xây dựng cơ đồ Nước Trời.

Cũng thế, ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục huấn luyện chúng ta thành tông đồ mới của Chúa: Lời Chúa dạy, chúng ta đã biết. Giáo lý của Chúa, chúng ta không xa lạ.

Tuy nhiên, mọi điều tốt đẹp ấy, hình như chúng ta bỏ ngoài tai. Ý muốn của Chúa không hề thấm vào nếp nghĩ, nếp sống của chúng ta. Chúng ta đã không để cho mọi chân lý đến từ nơi Chúa ảnh hưởng trên cuộc đời mình.

Vì thế, như các tông đồ xưa, chúng ta vẫn ham hố quyền lực. Chúng ta coi thường người khác khi quyền hành thuộc về mình. Chúng ta ganh ghét người khác khi họ có quyền. Chúng ta thua buồn khi vuột mất quyền lực. Chúng ta thầm mong bản thân được chút quyền hành nào đó, để có thể “ngồi phía trên” thiên hạ… Cũng hám quyền, hám lợi như các tông đồ, vì thế, chúng ta cũng đáng trách chẳng khác các tông đồ.

Với lời tuyên bố: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35), Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng. Chúng ta tạm gọi đó là cuộc “cách mạng quyền lực”: Người đảo lộn vị thế của người được phục vụ và người phục vụ.

Người được phục vụ, được cung phụng không phải vì quyền lực mình đang có, càng không phải vì uy thế, uy danh của kẻ tự coi mình là “cha chú” thiên hạ.

Từ nay, kẻ theo Chúa Kitô, kẻ muốn sống đúng lề luật của Chúa Kitô phải hiểu rằng, quyền lực chỉ là phương tiện để người sở hữu nó có cơ hội, có điều kiện mà sống vì người khác, lo lắng, quan tâm đến người mà mình có trách nhiệm.

Kẻ có quyền chỉ chu toàn bổn phận, chỉ thực sự là người nắm quyền khi biết cúi xuống phục vụ anh chị em. Quyền lực thực sự phải là dám sống chết cho người mà mình có trách nhiệm thực thi quyền lực. Quyền lực thực sự phải chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hy sinh, chấp nhận mất mát.

Bởi quyền lực là phục vụ, do đó, kẻ có quyền phải là hiện thân của chính Chúa Kitô nơi anh chị em của mình. Họ phải luôn ý thức sống chính điều Chúa Kitô đã sống:

- Họ không đòi cho mình được vinh thân phì da, tìm bỗng lộc nơi những người mà họ lãnh đạo. Họ phải sống khó nghèo như Chúa Kitô: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20).

- Họ phải đi đến tận cùng của con đường phục vụ, để nếu cần, họ phải chấp nhận đi trước về sau; phải đề cao trên tất cả mọi sự, đó là tình yêu trong công tác lãnh đạo, tình yêu đối với người dưới quyền của mình, tình yêu trong mọi hoàn cảnh mà do trách vụ, mình phải hiện diện, phải giải quyết, phải dấn thân…; phải thâm tín luôn luôn, lãnh đạo là hiến mình như Chúa Kitô: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).

- Họ phải sống tối đa lời Chúa Kitô dạy: “Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi” (Ga 13, 16. x.Ga 15, 20). Bởi Chúa Kitô là chủ của mọi lời sai đi, là nguồn quyền lực của mọi quyền lực, là lãnh đạo của mọi kẻ lãnh đạo, đã chấp nhận chết cho đoàn dân của mình, thì đến lượt những người được Chúa ân tuyển không có con đường khác. Họ phải đi trên chính con đường Chúa Kitô đã đi. Vì thế, ai xưng danh mình lãnh đạo, lại đi ngược cách thức lãnh đạo của Chúa Kitô, kẻ đó không chỉ xúc phạm nặng đến ơn gọi của mình, xúc phạm nặng đến chính Đấng mời gọi mình, xúc phạm nặng đến uy quyền của Đấng ấy, xúc phạm đến danh dự của Người, mà còn chống lại chính Người.

Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.

Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.

Chắc chắn, từng người chúng ta đều mong mỏi, đến một ngày, trong Giáo Hội, ngoài xã hội, đâu đâu cũng thấy cuộc sống tốt đẹp. Người với người sống chan hòa, không ai tranh chấp quyền lực, nhưng luôn biết sử dụng mọi quyền lực để nâng cao đời sống con người, nâng cao tình yêu, nâng cao mối tương thân tương ái…

Thực ra, theo Chúa Kitô, không ai có quyền. Nói đúng hơn, mọi người đều có quyền phục vụ. Phục vụ mới chính là quyền lực lớn nhất. Vì thế, càng làm lớn, càng phục vụ. Phục vụ là cách khẳng định quyền hành cách đẹp nhất, đáng yêu nhất.

Ước mong Lời Chúa dạy được mọi tầng lớp loài người, trải qua mọi thế hệ, luôn luôn ghi khắc và thực hành: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG



 

Tác giả: Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!