Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
Bài Viết Của
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
VÔ CẢM ĐẾN TÀN BẠO (SUY NIỆM BÀI THƯƠNG KHÓ)
THÁNH GIÁ VÀ THÂN XÁC CỦA CON NGƯỜI ĐẸP NHẤT (SUY NIỆM TUẦN THÁNH)
“ĐƯỢC TÔN VINH” NGHĨA LÀ GÌ?
NGƯỜI TỬ TÙ MÃI MÃI KHÔNG CHẾT
“ĐỀN THỜ” THEO GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU (CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B)
CÓ THẬP GIÁ, NHƯNG SẼ CÓ PHỤC SINH
SỐNG MÙA CHAY VỚI ƠN CHÚA THÁNH THẦN (CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B)
CẢM TẠ CHÚA VÔ CÙNG (LỜI TẠ ƠN PHÚT GIAO THỪA)
LÀM GÌ ĐỂ LUÔN HY VỌNG?
THẦY THUỐC CỦA LINH HỒN
XIN LỖI...
SỐNG THẾ NÀO ĐỂ GỌI LÀ "CHẤT"?
VẪN THỜ CHÚA VÀ VẪN GIẾT CHÚA (LỄ HIỂN LINH 2023)
HƯỚNG TỚI NGÂN KHÁNH GIÁM MỤC ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ
BÀI HỌC NÀO CHO GIA ĐÌNH?
LẠY CHÚA CON ĐỒNG Ý... (LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA)
XIN VÂNG VÀ NHỮNG DIỆU KỲ
BÀI HỌC TỪ ĐÓA HỒNG NHẬP THỂ (SUY NIỆM LỄ GIÁNG SINH)
ĐỂ CHÚA ĐẾN...
GIOAN TẨY GIẢ, NGÀI LÀ AI?
THÁI ĐỘ NÀO CHO VIỆC ĐÓN CHỜ CHÚA?
TỈNH THỨC LÀ GÌ?
VƯƠNG QUỐC TRƯỜNG CỬU CHO TÌNH YÊU (LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ NĂM A)
SỨC MẠNH QUẬT KHỞI TRONG MỘT TINH THẦN BẤT BẠI
SỐNG KHÔN ĐỂ CHẾT THIÊNG
CHÚA "ĐẬP" MẠNH HÀNG LÃNH ĐẠO CỦA HỘI THÁNH
VỀ NHÀ CHA
CHO TÌNH YÊU LÊN NGÔI
TÔI ĐANG THUỘC VỀ "LIÊN MINH MA QUỶ"?
BÁC ÁI VÀ TRUYỀN GIÁO
LOẠI TRỪ THIÊN CHÚA VÀ LÝ DO
CHÚA MÃI KIÊN NHẪN ĐỢI CHỜ
TẤT CẢ CON LÀ CỦA MẸ
CHÚA YÊU CHỈ VÌ CHÚA MUỐN
AI CÓ QUYỀN THA THỨ? AI CẦN THA THỨ?
TÔN TRỌNG MỌI THỤ TẠO CỦA THIÊN CHÚA
BỎ MÌNH VÀ SỐNG TƯƠNG QUAN
TRÊN NỀN CỦA KẺ YẾU ĐUỐI
VÌ SAO CHÚNG TA THẤT VỌNG
CHA MICAE LÊ VĂN KHÂM: CHO NGƯỜI CHỨ KHÔNG CHO MÌNH (TƯỞNG NHỚ CHA MICAE LÊ VĂN KHÂM, NGUYÊN TỔNG ĐỊA DIỆN GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG NHÂN GIỖ ĐẦU)
TRÁI TIM THIÊN CHÚA (NÓI CHUYỆN VỚI CÁC NỮ TU DÒNG KÍN - GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG)

Tin Mừng theo thánh Gioan đã từng ghi nhận hình ảnh lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim Chúa Giêsu: “Một người lính lấy giáo ĐÂM CẠNH SƯỜN NGƯỜI. Tức thì, MÁU CÙNG NƯỚC CHẢY RA. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19, 34-35).

Thiên Chúa có một Trái Tim. Nơi Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, Trái Tim Thiên Chúa đã thổn thức, đã bị xâu xé, đã tổn thương, đã đớn đau vì tội lỗi trần thế. Nơi Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, một Trái Tim thể lý bằng thịt mềm, đã lột tả đến cao độ, đến vô cùng, khối tình và sự hiến dâng chính mình của Thiên Chúa vì cả trần thế và từng con người nơi trần thế.

Thiên Chúa đã để Con của Người chết cho loài người sống. Thiên Chúa đã tự nguyện hiến dâng mình cho loài người bằng chính sự đau đớn của Người nơi Trái Tim đã thương tích của Chúa Giêsu.

I. TRÁI TIM THIÊN CHÚA:

1. Một trái tim yêu lạ thường.

Đó là một trái tim bốc lửa yêu thương. Yêu đến vô cùng. Yêu đến quên mình. Yêu đến cạn kiệt tấm thân. Yêu đến hiến tế chính mình. Chúa Giêsu diễn tả tình yêu cao độ ấy, một tình yêu ngút ngàn, một tình yêu vô biên vô cương bằng một câu đơn sơ nhưng thấm thía: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

“Yêu đến nỗi…” “đã ban”, là một tình yêu hết mức. Chẳng hạn, một lần nào, ta chạm phải nỗi đau. Để diễn tả sự đau đớn trong ta là vô cùng, ta thốt lên, “tôi đau đến nỗi…”. Cũng vậy, động từ “yêu đến nỗi…” nơi Thiên Chúa, là động từ mạnh mẽ, khắc ghi sâu thẳm, cưu mang và trao ban đến không còn gì giữ lại cho mình.

Thiên Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu mà muôn đời chúng ta không thể hiểu nỗi. Người yêu đến nỗi hiến mình nơi Con của Người vì ta. Người thổn thức vì Trái Tim người ắp đầy hình bóng từng người chúng ta. Một Trái Tim chất chứa một tình yêu lớn lao đến mức, không bao giờ loại trừ bất cứ cá nhân nào, mà chỉ luôn luôn đón nhận, chỉ một lòng mong muốn được loài người đón nhận, dù loài người đầy bội phản, đầy tội lỗi và tội ác, không ngừng xúc phạm đến Người, đến Trái Tim của Người. Đó cũng là một tình yêu lạ lùng đến mức Thiên Chúa tự nguyện đi bước trước để yêu ta, để dâng tặng chính mình Người cho ta, một tình yêu lạ lùng đã khiến thánh Gioan tông đồ reo lên: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 10). Thánh Phaolô cũng ca ngợi tình yêu vô điều kiện của Chúa, một tình yêu hiến mình cho kẻ nghịch với mình: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 5, 5-9).

Một trong những lần hiện ra với thánh nữ Maria Margarita Alacoque (1647-1690), Chúa Giêsu đã mở Trái Tim Người để thánh nữ chứng kiến. Người thốt lên những lời thổn thức: “Hãy nhìn xem Trái Tim này, Trái Tim yêu thương con người qúa sức đến không tiếc sự gì cho đến tiêu hao kiệt quệ. Phải đền tạ Trái Tim Thánh vì những xúc phạm của loài người. Cha hứa với con rằng Trái Tim sẽ rộng mở để tràn đổ muôn vàn ơn phúc trên những kẻ tôn kính Trái Tim Cha”.

2. Một Trái Tim ấp ủ tâm tư hiến tế.

Thánh Phaolô đã từng mời gọi: “Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu” (Phil 2,5). Nhưng tâm tư của Chúa là tâm tư nào? Ngay sau lời mời gọi này, thánh nhân lập tức cho thấy “tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu” là TÂM TƯ HIẾN TẾ: “Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6-8). Sự tự hy sinh của Chúa Giêsu là sự tự hiến tế. Nhưng sự tự hiến tế ấy là chính tình yêu cao cả của Thiên Chúa, đã chấp nhận hiến tế mình nơi chính cuộc hiến tế đớn đau của Chúa Giêsu.

Tin Mừng nhiều lần cho thấy Chúa nhắc đến hiến tế của Người. Qua đó, ta thấy được hình ảnh luôn mang trong tâm tư của Chúa là hình ảnh hiến tế để cứu chuộc:

- Khi hiến mình thành tấm bánh cho ta, Chúa Giêsu khẳng định: “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì các con” (Lc 22, 20).

- Khi diễn tả cái chết hy sinh để mang ơn cứu độ, Chúa Giêsu khẳng định: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24).

- Trong bữa tiệc ly, khi từ giả các môn đệ để vào tử nạn, Chúa Giêsu khẳng định: “Đã đến giờ Con Người được vinh quang” (Ga 12, 23).

- Cũng trong giờ ly biệt, Chúa Giêsu khẳng định cái chết trên thập giá là cái chết đưa loài người quy về một mối của ơn cứu độ: “Khi Thầy chịu treo lên khỏi mặt đất, Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy” (Ga 12, 32).

- Ngay trong cơn hấp hối để đón nhận quyết định hiến dâng trọn vẹn đời mình, Chúa Giêsu đã thổn thức cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho Con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36).

Còn nhiều những lời diễn tả sự hiến dâng của Chúa Giêsu cho trần gian. Tâm tư của Chúa là tâm tư chứa đầy ý thức hiến tế mà Chúa vẫn và sẽ thực hiện suốt đời trần thế. Bởi nếu một đời làm người, Chúa Giêsu luôn ấp ủ và ý thức mình là Đấng cứu độ trần gian theo ý Thiên Chúa, thì một đời ấy, là một đời Chúa hiến tế. Nếu sự tự hiến tế của Chúa chỉ đột nhiên xảy ra, nghĩa là không hề có trước trong tâm tư của Người, thì sự tự hiến tế ấy đã là giá trị, đã là quý báu, đã là tình yêu lớn. Nhưng nếu sự tự hiến tế ấy chất chứa đầy trong tâm tư của Chúa, mà Chúa ấp ủ hết mọi ngày trong đời sống, thì cuộc hiến tế của Chúa quả thật lớn lao, và lớn đến vô cùng không thể kể xiết. Bởi tâm tư hiến tế ngày qua ngày cũng chính là Chúa chấp nhận chết từng ngày cho ta. Thánh giá của Chúa, thánh giá mà Người chấp nhận tự hiến mình, là thánh giá một đời của Chúa. Vì thế, thánh giá trên đồi tử nạn chỉ là chặn cuối, là cao trào của cuộc hiến tế mà Chúa ấp ủ trong tâm tư Người. Như thế, tâm tư ấy, phải là tâm tư mà Chúa quyết đi đến cùng để tự hiến mình cho trần gian.

Và nếu Thiên Chúa hiến tế chính mình nơi Chúa Giêsu, thì trong Chúa Giêsu, một khi chất chứa đầy tâm tư tự hiến tế qua hết mọi thời gian, cũng có nghĩa là Thiên Chúa tự hiến tế chính mình cho trần gian, không phải một lúc nào, nhưng là sự tự hiến tế qua hết mọi thời gian.

Thiên Chúa đã ôm lấy tâm tư hiến tế ấy từ đời đời, khi Người quyết định cứu chuộc trần gian. Người đã thật sự tự hiến tế mình, khi Chúa Giêsu nhập thể, bước vào trần gian, sống giữa trần gian, chấp nhận khổ đau và chết cho trần gian.

Nói cách khác, Trái Tim đầy yêu thương của Thiên Chúa, là một Trái Tim ấp ủ cuộc hiến tế chính mình từ muôn đời đến muôn đời. Tâm tư hiến tế ấy của Thiên Chúa đã thành hiện thực, hay Thiên Chúa đã thực sự hiến tế, một khi Thiên Chúa chấp nhận hiến tế Chúa Giêsu, Con Một duy nhất của Người. Hiến tế trong Con là một hiến tế dữ dội, là một sự tự hiến trọn vẹn, cao cả không còn điều gì lớn lao hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng ta có kinh nghiệm này: Thà hy sinh chính mình. Nếu phải chứng kiến người mình yêu quý đớn đau trong hy sinh, lòng ta chắc chắn se thắt lại, đau đớn trong ta chắc chắn sẽ ghê gớm hơn.

Hiểu nỗi lòng của Thiên Chúa cách nhân hóa như thế, ta mới thấy Trái Tim hiến tế của Thiên Chúa không đơn giản chút nào. Nhờ đó, ta hiểu được sự đớn đau quằng quại của Thiên Chúa lớn đến mức độ nào khi chứng kiến Người Con của mình hy sinh trong hiến tế ấy. Người đau trong nỗi đau của Chúa Giêsu. Người khốn cùng trong sự khốn cùng của Chúa Giêsu. Người tan thương trong nỗi tan thương của Chúa Giêsu. Người chết lặng trong cái chết câm nín của Chúa Giêsu.

 

II. TRÁI TIM THIÊN CHÚA VỚI ĐỜI THÁNH HIẾN.

Nếu Trái Tim Thiên Chúa là một Trái Tim yêu đến lạ thường và là Trái Tim hằng ấp ủ tâm tư hiến tế, thì chúng ta cũng phải bắt chước Người mà yêu thương, mà chấp nhận hiến tế cho nhau, vì Chúa. Trong yêu thương đã là sự hiến tế vì nhau. Và trong sự tự hiến tế vì anh chị em mình hằng ngày, ta đã chứng tỏ tình yêu của ta đối với Chúa, như Chúa dạy:

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).

“Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu” (Phil 2,5).

Mang lấy tâm tư hiến tế của Chúa, chúng ta không còn biết sợ gì, chỉ một lòng tiến đến cùng trong lý tưởng dấn thân cho Chúa và cho nhau. Đó chính là tình yêu mà chúng ta có để thể hiện hiến tế đời mình, và trao ban chính mình cho anh chị em của ta.

Trái Tim Chúa vẫn hiện diện giữa chúng ta. Hãy nhìn vào Trái Tim yêu thương vô cùng của Chúa, để chúng ta học lấy bài học yêu thương từng ngày trong đời sống thánh hiến của mình. Yêu thương như Chúa, ta sẽ thực sự sống hiến tế như Chúa: Hiến tế một đời trong tâm tư và trong sự dâng hiến đời mình.

Hãy yêu như Chúa. Vì có yêu thương nhau như Chúa yêu, ta mới có thể cùng nhau vượt qua thử thách. Nhất là đời sống cộng đoàn, tình yêu càng không thể vắng bóng. Phải có tình yêu, cộng đoàn mới vững mạnh. Tình yêu là sức mạnh nền tảng của đời sống cộng đoàn. Không có tình yêu, đời sống cộng đoàn trở thành nhà tù giam nhau, vì ở đó chỉ toàn đố kỵ, ganh, ghét, oán, hận, giận, thù, xoi mói, nóng nảy, xích mích, thiếu tế nhị, thiếu quan tâm, thiếu tin tưởng, thiếu kính trọng, chia phe, lập đồng minh…

Có yêu thương nhau thì mới đón nhận nhau. Mối phúc thứ bảy, là mối phúc mà những ai sống đời sống cộng đoàn phải học thật kỹ: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 9). Đón nhận nhau cũng là cách ta thể hiện hiến tế đời ta để yêu bằng tình yêu cao thượng cho những người sống cùng ta. Nhất là đón nhận cả những anh chị em trái tính, trái nết, những người mà lời nói của họ sao cứ mặn, hành động của họ sao cứ cay, những tương quan mà họ biểu lộ ra ngoài sao cứ đắng… Đón nhận như thế là một phần đấu, nhưng đầy rát buốt. Đó thực là việc “xây dựng hòa bình”, nhất là “xây dựng hòa bình” trong chính cộng đoàn mình đang sống cách cao đẹp. Nhưng cũng thực là hiến tế trong tình yêu.

Có yêu nhau cuộc sống mới không nhạt nhẽo. Chính tình yêu là cách tốt nhất để thêm một chút mặn mà, một chút ngọt ngào cho đời dâng hiến của từng anh chị em chúng ta. Cứ suy nghĩ cho kỹ mà xem, tất cả chúng ta đây, đã bỏ tất cả: Cả quê nhà, cả những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua nơi khung trời bình yên nào đó, cả bạn bè, cả cha mẹ, và mọi người thân yêu nhất… Đối với bản thân, ta cũng từ bỏ cả giây phút hiện tại để từng thời gian trôi qua, ta chỉ biết có đời sống dâng hiến. Ta cũng từ khước bao nhiêu ước mơ, từ khước cả tương lai đời mình, để chỉ sống có một ước mơ duy nhất: sống cho trọn vẹn ơn gọi hiến dâng. Có thể nói mà không sợ sai rằng, tất cả chúng ta đây đã từ bỏ chính mình, để chỉ còn vỏn vẹn một hy vọng: đêm ngày thuộc về Chúa. Vậy thì tại sao chúng ta không yêu nhau, hay không yêu nhau cho đủ. Chúng ta có còn gì, có còn ai ngoài những anh chị em đang sống với ta, đang từng ngày sớt chia với ta lý tưởng ơn gọi tận hiến? Anh chị em đang cùng chung sống với ta hôm nay là chính cha mẹ, là chính anh em ruột thịt, là chính quê hương, là chính ước mơ, là chính ngôi nhà đầy ắp tiếng cười thơ dại của tuổi thơ trong ký ức đời ta… Hôm nay, chính giây phút này, những con người này hiểu ta hơn cha mẹ ta hiểu ta. Khi ta vui, khi ta cất lên tiếng hát, hay khi ta mất bình an, khi ta đau ốm, khi ta không còn biết dựa vào ai…, họ biết, họ thấy, họ cảm thông, họ cùng khóc, họ cùng cười với ta trước khi mọi người thân yêu ruột thịt của ta có thể nghe, có thể biết… Vậy thì vì lý do gì, ta còn đố kỵ, còn chưa thể thân thiện, chưa thể hòa vào vòng tay của người đang sống bên ta, đang hiện diện và làm việc với ta trong chính nơi đây, trong chính cộng đoàn này? Cuộc sống chung mà không có yêu thương là cuộc sống địa ngục. Nó sẽ gây nên không biết bao nhiêu nhạt nhẽo, bạc bẽo và đổ vỡ.

Có yêu thương nhau, mới có thể đi đến cùng trong đời tu. Cá nhân hay tập thể đều cần đến tình yêu. Thiếu tình yêu của từng cá nhân, cộng đoàn tu trì tan rã. Thiếu tình yêu làm nền tảng trong một cộng đoàn tu trì, từng cá nhân sẽ thấy mình như bị bách hại, bị ngược đãi. Tình yêu cũng là phương thế hữu hiệu nâng đỡ đời tu. Vì thế, từng cá nhân trong cộng đoàn tu trì hãy yêu, và hãy chân thành đón nhận tình yêu để ơn gọi của mình được triển nở, được lớn lên và bền vững. Không biết yêu, và cũng không đón nhận tình yêu, sẽ là một tổn thương lớn đến chính ơn gọi của mình, nếu không muốn nói là tự triệt tiêu ơn gọi đời mình.

Có yêu thương nhau, mọi công việc đạo đức mới không giả tạo, không vô hồn. Hằng ngày, từ khi trời còn chưa sáng cho tới khi tối mịt, chúng ta hiện diện bên nhau bao nhiêu lần để cầu nguyện, để chầu Mình Thánh Chúa, để dâng thánh lễ, để chiêm ngắm Chúa, để suy niệm, để nói và nghe về tình yêu của Chúa... Ngay cả khi làm việc, học tập, nghỉ ngơi, ăn uống… ta đều đặt mình sống trong Chúa. Vậy mà cõi lòng mình vẫn còn đó những ý nghĩ chưa phù hợp với tình yêu, chưa xứng đáng với lòng mong mỏi của Chúa là hãy yêu như Chúa? Chúa không ưa lối sống giả tạo. Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa lên án thói đạo đức giả. Người đòi phải trả lại thế gian những gì là thói của thế gian, và phải“trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” (Mt 22, 21). Chúa căn dặn các môn đệ: “Các con hãy coi chừng men biệt phái, tức là thói đạo đức giả” (Lc 12, 1). Chúa thẳng thừng lên án thói đạo đức giả: “Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong là giả hình và gian ác”(Mt 23, 27-28; Lc 11, 44). Hãy cố gắng yêu. Yêu để sự giả tạo không thể len lỏi vào đời tu của cá nhân và vào đời sống chung của cộng đoàn. Nếu chưa thể yêu như Chúa, thì hãy yêu vì Chúa dạy yêu, để các việc đạo đức của từng người bớt giả tạo, nhưng thánh thiện hơn, có hồn hơn.

Có yêu thương nhau thì mới có thể cùng nhau loan truyền tình yêu của Chúa hiệu quả, và làm chứng cho tình yêu ấy cách đúng nghĩa nhất, chân thành nhất, cao đẹp nhất và thực tế nhất. Nếu không biết yêu thương, chúng ta lại đi nói về Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, thì có khác gì chiếc loa phóng thanh: to tiếng nhưng trống rỗng. Có yêu, mới có thể cảm nghiệm tình yêu. Khi đã cảm nghiệm tình yêu, mới có thể nói chính xác về tình yêu.

Có yêu mới có thể giữ được tình hiệp nhất trong cộng đoàn. Chúng ta hãy lắng nghe lới thánh Phaolô dạy: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 1-6). Tình hiệp nhất là quý giá, vì nó là thành tố chứng minh chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô. Bởi Chúa Kitô không có mong muốn nào khác ngoài mong muốn con người hãy yêu nhau, sống hiệp nhất với nhau. Mong muốn của Chúa muôn đời vẫn là: “Tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”(Ga 17, 21-23). Tình hiệp nhất còn cho thấy cộng đoàn mà mình đang hiện diện, là cộng đoàn thể hiện giá trị chân chính của đời tu. Nó là cơ sở mà nhiều người nhìn vào để phê phán hay khen ngợi, để học tập hay hay giễu cợt chúng ta. Thậm chí người ta sẽ nhìn vào tình hiệp nhất của một cộng đoàn tu trì để lượng giá, cả đến bôi nhọ Hội Thánh. Vì thế, hiểu được tầm quang trọng của tình yêu hiệp nhất, bằng mọi giá, mỗi cá nhân phải thực hiện cho bằng được tình yêu hiệp nhất giữa cộng đoàn của mình, cho dù có phải hy sinh bản thân, hy sinh tất cả những gì tư riêng của bản thân. Đó chính là sống hiến tế để mưu cầu tình yêu.

Có yêu thương nhau thì mới đến được với người nghèo, người khổ đau, người bệnh tật, người thiếu thốn bình an. Không yêu thương, sẽ là một phản chứng cho việc chúng ta sống bác ái. Người ta không thể hiểu nổi, một người ra sức làm việc bác ái mà lại không thể tìm thấy tình yêu nội tại nơi chính bản thân người ấy. Hơn nữa, nếu không yêu thương, làm sao có thể cúi xuống, làm sao có thể cảm thông với tất cả mọi anh chị em cơ nhở. Yêu phải là điều kiện tiên quyết cho việc chúng ta dấn thân cho anh chị em đau khổ quanh mình.

Có yêu nhau mới dám cùng nhau chấp nhận cái chết để minh chứng cho mọi người biết mình đã tin vào Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta không ước ao chết, không đi tìm cái chết. Nhưng khi cần để vinh danh Thiên Chúa, vinh danh Hội Thánh, vinh danh lý tưởng ơn gọi đời mình, và vì anh chị em, chúng ta can đảm đón nhận cái chết như Chúa Giêsu chết vì chúng ta. Bởi yêu nhau và dám chết cho nhau, mới là người đáng tin. Khi đó, mọi người càng nhận ra chúng ta tin và nên giống Đấng Cứu Chuộc mình.

Tình yêu là cốt lõi của Tin Mừng, là sự thúc đẩy Thiên Chúa hiến thân vì con người, thì tình yêu cũng là điểm quan trọng nhất của đời sống chung. Khi yêu nhau, ta làm toát lên vẻ đẹp của mình, khơi gợi cho con người niềm hy vọng và xác tín mạnh mẽ vào Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Và như thế, “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Khi yêu như thế, ta cũng được ở lại trong Chúa và Chúa ở trong ta. Bởi vì, “Thiên Chúa là Tình Yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

Tình yêu mà chúng ta dành cho nhau là sự hiến tế mỗi ngày chúng ta sống vì Chúa. Và sống hiến tế mỗi ngày trong cộng đoàn, nơi từng anh chị em, hay bất cứ con người nào Chúa ban cho mình, cũng đều là chính tình yêu chúng ta trao dâng về Chúa.

Hãy yêu như Chúa. Hãy hiến tế vì Chúa. Có như thế, chúng ta mới đích thực là người mang tình yêu trao dâng cho nhau và hiến tế vì nhau.

Trái Tim Thiên Chúa đẹp lạ thường, đẹp đến nỗi, bút không thể ghi, đá không thể tạc, vì Trái Tim ấy có một sức mạnh thu hút diệu kỳ nhờ tình yêu lạ thường và sự tự hiến tế mãnh liệt. Trái Tim yêu thúc đẩy Trái Tim tự hiến tế. Trái Tim hiến tế thực là bằng chứng về một Trái Tim yêu vượt mọi thời gian, vượt trên tội lỗi, vươn đến tận cùng và mạnh mẽ công phá mọi rào cản của bóng tối hận thù, tàn ác, giết chóc… Sức mạnh và vẻ đẹp diệu kỳ của Trái Tim mãi muôn đời chiếu rọi trên từng người chúng ta và mời gọi chúng ta tiếp tục phân phát sức mạnh và vẻ đẹp ấy bằng chính tình yêu chấp nhận mọi hiến tế của từng người chúng ta.

 

Ngày 19.6.2013, tròn 25 năm ngày phong hiển thánh 117 vị tử đạo Việt Nam

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Tác giả: Lm. JB Nguyễn Minh Hùng

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!