Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Nguyễn Thành Long
Bài Viết Của
Lm. Nguyễn Thành Long
ĐỐ VUI NĂM MẬU TUẤT – 2018
ĐƯỜNG GIÊSU – ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA
MẸ FATIMA - MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Một Đức Kitô “rất Chúa” và cũng “rất người”
Thánh sử Mathêu - 21.9 - BỨC TRANH ĐỔI ĐỜI TUYỆT ĐẸP
Lễ thánh Monica: BÀ MẸ CÔNG GIÁO ANH HÙNG
TIỆC LY - BỮA TIỆC CỨU ĐỘ (Thứ Năm Tuần Thánh)
TRI ÂN NGƯỜI CỨU MẠNG
MÙNG 2 TẾT - MẮC NỢ MẸ CHA
MỒNG MỘT TẾT - XUÂN TẠ ƠN VÀ CẦU BÌNH AN
Đấu nào ta đang đong cho Chúa và cho tha nhân?
Tôi đang làm chứng hay phản chứng về đạo?
Lần Chuỗi Mân Côi – một việc đạo đức đang bị giới trẻ “xếp xó”
Nước Thiên Chúa – Nước vĩnh hằng
‘MÃN TANG’ HỒNG ÂN LINH MỤC (Bài chia sẻ dịp Tạ Ơn 3 năm Linh Mục - Khóa 9, Gp. Phan Thiết)
Thứ Sáu Tuần Thánh - Suy tôn Thánh Giá và hôn chân Chúa
Lễ kính Thánh Giuse “THÁNH GIUSE GỒM NO MỌI NHÂN ĐỨC”
LÀM MỚI ĐỀN THỜ TÂM HỒN
LỜI CẦU XIN ĐẸP LÒNG CHÚA
LO LẮNG THÁI QÚA LÀ THIẾU LÒNG TIN
ĐỨC KITÔ - VỊ LƯƠNG Y THỨ THIỆT
Ý nghĩa của biến cố Chúa chịu Phép Rửa
Đến với Chúa nhờ Ánh Sáng Trời Cao soi dẫn
Virus hủy hoại Gia Đình - Tế Bào của Xã Hội
CỦA LỄ DÂNG CHÚA HÀI NHI
XIN ĐƯỢC PHỤNG SỰ VUA GIÊSU
CÁC LINH HỒN NƠI LUYỆN NGỤC ĐANG CẦN NHỮNG THỨ GÌ?
DU LỊCH TƯỞNG NHỚ
Liệu ta có bị ai thế chỗ trong Nước Trời?
NICKNAME CỦA CHÚA GIÊSU
BÀI HỌC THIẾT THỰC TỪ THẦY GIÊSU
QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC KITÔ PHỤC SINH
PHỤC SINH – BIẾN CỐ VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU
Hành trình Thương khó của Chúa Giêsu
Nối kết với Chúa Giêsu là Nguồn ban Sự Sống
Yêu thương thù địch - điều không dễ chút nào
CUỘC CÁCH MẠNG VỀ LỀ LUẬT
50 CÂU ĐỐ VUI NĂM CON NGỰA (GIÁP NGỌ)
Ý nghĩa của biến cố Chúa chịu Phép Rửa
LINH MỤC – NGƯỜI NỐI MẠNG VỚI TRỜI VÀ HOÀ MẠNG VỚI ĐỜI

Khi qui chiếu vào Đức Kitô, linh mục tái xác định nguồn gốc mình là do Đức Kitô, cùng đích mình là cho Đức Kitô và hiện hữu mình là sống với Đức Kitô; đồng thời cũng hiểu rằng trong cương vị là môn đệ Đức Kitô, mình không bao giờ là người lữ hành cô đơn cả mà luôn luôn đồng hành với những người khác trong cùng một Giáo hội địa phương. Nếu danh xưng Kitô hữu là số nhiều phổ quát cho mọi kẻ tin vào Đức Kitô, thì danh xưng môn đệ Chúa Kitô lại là số nhiều của tập thể những người đã được Đức Kitô chọn gọi để kết nối đời mình với Ngài một cách thiết thân hơn và cũng để phục vụ Ngài một cách thiết thực hơn giữa lòng Giáo hội. “Tự cội rễ, Thừa tác vụ có Chức thánh mang bản chất cộng đồng và chỉ có thể được hoàn thành như là công trình tập thể” (x. PDV, 17).

Nhiều khi ta thấy Đức Giêsu thật lạ: những ai chọn theo Ngài thì ngài đòi hỏi họ phải từ bỏ mọi sự kể cả tình thân máu mủ ruột rà; nhưng những ai Ngài đã chọn gọi rồi thì Ngài lại trao cho mọi sự, thậm chí còn đặt vào mội hệ thống tương quan kết nối chằng chịt, đến nỗi khi thoát ra thì chẳng những cá nhân mình bị tổn thương mà còn gây tổn hại cho cả tập thể cộng đoàn. Tuy nhiên, đây không phải là thứ tương quan phụ thuộc theo kiểu tình cảm dùng dằng “bỏ thì thương, vương thì tội”, nhưng là một hệ thống tương quan đa chiều mang tính hiệp thông kết nối người linh mục với Chúa Kitô, với linh mục đoàn và với dân Chúa. Nói khác đi tương quan ấy đặt người linh mục vào trong giáo hội và khi thi hành tác vụ, còn đặt người linh mục đối diện với giáo hội nữa (x. Giuse Vũ Duy Thống, Chân Dung Linh Mục, Tĩnh tâm Linh mục 2002, tr.17-18). Với tư cách là môn đệ Chúa Kitô, hệ tương quan của người linh mục được ghi nhận dưới ba chiều kết nối chính yếu sau đây :

I. CHIỀU CAO : KẾT NỐI VỚI CHÚA

Để có thể hòa mạng được với đời, linh mục phải nối mạng với trời cao, phải kết nối với “máy chủ” là Đức Kitô. Kết nối qua đời sống cầu nguyện và qua đời sống độc thân khiết tịnh. Đây là tương quan kết nối chiều cao, tương quan nền tảng của mọi tương quan kết nối khác. Thiếu chiều kích tương quan này, mọi tương quan khác sẽ mất gốc và mất sức sống tự căn.

1.  Kết nối với Chúa qua đời sống cầu nguyện :

Cầu nguyện là một trong những phương thế kết nối người linh mục với Chúa. Cầu nguyện đưa người linh mục tháp nhập vào sự sống của Chúa. Nhờ cầu nguyện mà cuộc đời của người linh mục được tháp nối với Chúa như cành nho gắn liền với thân cây nho (x. Ga 15, 1-7) và khi gắn liền với thân nho thì cành nho linh mục sẽ sinh nhiều hoa trái tốt tươi; ngược lại tách rời với cây nho, khi thiếu sự cầu nguyện, cành nho linh mục sẽ có nguy cơ tháp nối vào cây danh vọng, cây quyền lực, cây tiền tài, cây sắc dục…. Lúc đó cành nho này sẽ chỉ sinh nho hoang, nho dại.

Cầu nguyện, đối với người Kitô hữu nói chung và đặc biệt đối với ngưới linh mục nói riêng, là hơi thở và là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ. Thiếu cầu nguyện là thiếu nền tảng cho mọi hoạt động; thiếu cầu nguyện, linh mục sẽ đánh mất ý nghĩa của mọi công việc mục vụ. Thiếu cầu nguyện, người linh mục sẽ rơi vào chủ nghĩa hoạt động vì hoạt động. Nhưng khốn nỗi thay vì hoạt động để tìm vinh danh Chúa và mưu cầu lợi ích cho các linh hồn, thì người linh mục chỉ tìm vinh danh bản thân và mưu cầu lợi lộc cho cái tôi ích kỷ của mình. Linh mục Nguyễn Tầm Thường, trong cuốn “Sự Cô đơn và Tự do” đã viết: “Nguy hiểm biết bao cho một người tông đồ thiếu cầu nguyện, thiếu kết hiệp với c ! Có những việc tông đồ bị đổ bể như tháp Babel, chia rẽ trong giáo xứ, gây gươg mù, làm khổ đau cho biết bao tâm hồn và cho Giáo hội chỉ vì thiếu cầu nguyện …. Do đó phải biết sợ những công việc tông đồ không cầu nguyện. Không có Chúa trong tâm hồn mà làm việc nhân đức, nhiều khi còn gieo thảm hoạ cho mình và cho Hội Thánh nữa” (tr. 27).

Cầu nguyện không chỉ bằng những giờ đã được qui định, như Thánh lễ, Nguyện gẫm, viếng Thánh Thể, Giờ Kinh Phụng Vụ… mà còn phải cầu nguyện qua công việc mục vụ mà người linh mục làm hằng ngày bằng cách làm những công việc đó với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, vì Chúa Kitô và cho Chúa Kitô. Điều này giúp người linh mục đặt cả trái tim và tâm hồn của mình vào cả những công việc mà mình đang làm (x. Suy Niệm và Cầu Nguyện, Bánh Vụn, tr 91).

Mẫu gương tuyệt hảo của đời sống cầu nguyện là Đức Giêsu. Ngài cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc; cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng. Cả những việc rao giảng, chữa bệnh, Ngài cũng mặc cho chúng những tâm tình cầu nguyện. Nhờ đó cuộc sống của Ngài luôn kết nối với Chúa Cha 24/24.

Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu đã đưa ra 4 tiêu chuẩn cho các linh mục trong thời đại ngày nay, mà một trong 4 tiêu chuẩn đó là : “Linh mục là con người của cầu nguyện”. Thiết tưởng, để trở thành con người của cầu nguyện, người linh mục phải kiên trì tập luyện và xin ơn Chúa giúp sức vì bản chất con người thường dễ khô khan nguội lạnh, ngại ngồi lâu giờ, sợ đối diện với thinh lặng. Hơn nữa, một trong những cám dỗ lớn đó là con người thích hoạt động hơn là cầu nguyện : khi cầu nguyện, chúng ta mới thấy làm việc 3 giờ đồng hồ thì dễ hơn là cầu nguyện 1 giờ đồng hồ.

2. Kết nối với Chúa qua đời sống độc thân khiết tịnh :

Khi khước từ hạnh phúc của đời sống hôn nhân gia đình, kể cả niềm vui thú của tình yêu đôi lứa mà lẽ ra mình được hưởng, để rồi chấp nhận đời độc thân khiết tịnh vì Nước trời, người linh mục hoàn toàn thuộc trọn về Chúa cả tâm hồn, cả thân xác và cả con tim. Là người của Chúa, nên người linh mục để cho Chúa tuỳ nghi sử dụng. Điều này hoàn toàn tự nguyện, tự nguyện dâng hiến cuộc đời cho Chúa với con tim không san sẻ. Như thế, khi chấp nhận sống độc thân khiết tịnh, người linh mục mới có thể tự do để yêu Chúa và yêu hết thảy mọi người mà không có quyền giữ lại riêng ai. “Nhờ bậc độc thân khiết tịnh, các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo, được dễ dàng kết hiệp với Người bằng một trái tim không chia sẻ” (1Cor 7, 32-34). Ngoài ra các ngài còn trở nên dấu  chỉ sống động về thế giới mai sau, mà ngày nay đã hiện diện qua đức tin và đức ái, trong đó các con cái sự sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa (x. Lc 20, 35-36).

Thực ra, tự bản chất linh mục không đòi buộc phải sống độc thân khiết tịnh như đã thấy thực hành trong Giáo Hội sơ khai và trong cùng Giáo Hội Đông Phương. Tuy nhiên, truyền thống Giáo Hội hết sức quý trọng đời sống độc thân khiết tịnh. Đây cũng là bậc sống được Chúa Kitô khuyến khích (x. Mt 19,12). Giáo Hội coi bậc sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho nhân loại : “Hãy nhìn nhận đó là ơn rất trọng đại mà Chúa Cha đã ban cho các linh mục và Chúa Con đã công khai tán thưởng, cũng như hãy nhớ đến những mầu nhiệm cao cả được biểu lộ và thực hiện qua ơn độc thân” (Sắc lệnh Chức Vụ và Đời sống Linh Mục, số 16).

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sống độc thân khiết tịnh cũng là một thách đố cho con người ngày hôm nay, đặc biệt đối với các linh mục triều. Vì chưng, các ngài sống giữa thế gian, tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông đại chúng, cả tốt lẫn xấu, nên người linh mục rất dễ bị cám dỗ về đức khiết tịnh. Bởi đó, các ngài phải dùng mọi phương thế siêu nhiên và tự nhiên sẵn có, nhất là đời sống cầu nguyện và khổ chế để có thể làm chủ con người và các tính mê nết xấu của mình. Thiếu đời sống cầu nguyện và kết hiệp với Chúa, các ngài rất dễ bị sa ngã trước sự mời gọi của tính xác thịt. Như vậy, lời hứa độc thân khiết tịnh có thể được diễn dịch thành lời hứa cầu nguyện. Bao lâu người linh mục trung thành trong đời sống cầu nguyện thì họ mới có thể đứng vững trong bậc sống của mình (x. Patrick Carrol, S.J. Những Thách Đố cho Người Tu Sĩ, 2002, tr. 40 - 53).

Sau cùng, các linh mục cần phải có lòng yêu mến Đức trinh nữ Maria. Mẹ là mẫu gương trọn hảo về đời sống khiết tịnh; Mẹ cũng là Mẹ của các linh mục. Các linh mục cần phó dâng bậc sống của mình cho Mẹ giữ gìn bằng tâm tình mến yêu và tín thác của những người con thảo. Có như thế các ngài mới hy vọng trung thành với đời sống tận hiến của mình.

II. CHIỀU RỘNG : KẾT NỐI VỚI LINH MỤC ĐOÀN

Nếu tương quan chiều cao là tương quan với Thiên Chúa, thì tương quan chiều rộng là tương quan với linh mục đoàn. Tương quan này làm nên tính đặc thù của linh đạo linh mục giáo phận và cũng là điểm phân biệt với linh đạo linh mục dòng. Trong đó, quan trọng nhất là tương quan với vị Giám mục của mình.

1. Với Giám Mục Giáo Phận

Linh mục triều là linh mục làm mục vụ tại các xứ đạo trong Giáo phận. Các ngài là những cộng sự viên đắc lực của Giám mục, nên đời sống của các ngài phải kết nối với vị Giám mục Giáo phận mình. Kết nối với ngài trong tinh thần hiệp thông và vâng phục.

a. Trong tinh thần hiệp thông

Tất cả các linh mục và Giám mục đều tham dự cùng một chức Tư Tế (Thừa Tác) duy nhất của Chúa Giêsu. Chính vì thế, đòi hỏi phải có sự hiệp thông phẩm trật giữa các ngài và Giám mục (x. LG số 28). Sự hiệp thông này là dấu chỉ cho sự hiệp thông hữu hình của Giáo hội. Các ngài liên kết với Giám mục của mình tạo thành “linh mục đoàn” duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau. Sách Giáo Lý Công Giáo, số 1567 đã ghi rõ : “Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của Giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại. Lãnh nhận phần chức vụ, cùng chia sẻ nỗi lo lắng của các Giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy, các linh mục chỉ có thể thi hành phận vụ khi tuỳ thuộc vào Giám mục và hiệp thông với Giám mục” (GLCG số 1567).

b. Trong tinh thần vâng phục

Kết nối với giám mục trong tinh thần hiệp thông, người linh mục cũng phải nối kết trong tinh thần vâng phục. Lý do là vì các Giám mục lãnh nhận sung mãn bí tích truyền chức thánh, nên các linh mục phải tôn trọng nơi các ngài quyền bính tròn đầy của Chúa Kitô, Vị Chủ Chăn Tối Cao. Và vì thế các linh mục phải kết hiệp với Giám mục không những bằng tình yêu thương chân thành mà còn bằng lòng vâng phục. Đức vâng phục ấy đặt nền tảng trên chính việc tham dự chức vụ Thừa Tác của Giám mục, mà các linh mục đã lãnh nhận trong ngày chịu Chức Thánh và bài sai do chính Đức Giám mục trao (x. Sắc lệnh Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục, số 7).

Tuy nhiên, vâng phục luôn là một thách đố đối với các linh mục, vì các ngài cũng là con người mang cái tôi ích kỷ hẹp hòi, thích làm theo ý riêng mình hơn là làm theo ý người khác. Bởi đó để sống đức vâng phục trong tinh thần tín thác, các ngài phải chấp nhận chết đi cho ý riêng của mình, chấp nhận trở nên nhỏ bé để thánh ý Chúa được lớn lên. Đức Hồng Y Fx Nguyễn Văn Thuận trong cuốn “Đường Hy Vọng”, đã nói : “Khiết tịnh là chết cho nhục dục, vâng phục là chết cho ý riêng”. Do vậy các linh mục cần phải có tinh thần cởi mở để đối thoại với Giám mục của mình với tư cách là một cộng sự viên trung thành, đồng thời sẵn sàng đón nhận ý muốn của Giám mục như là thánh ý Chúa trong tâm tình yêu mến của người con thảo. Có như thế, mối dây hiệp nhất, yêu thương và tin tưởng ngày một bền chặt và có sức mang lại hoa trái tốt đẹp cho Giáo hội và các linh hồn. Ngược lại nếu thiếu đức vâng phục, người linh mục sẽ đánh mất đi dung mạo tốt lành của Đức Kitô, “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa đã hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây Thập giá” (Pl 2, 5-8). Cũng có thể nói, không có gì gây nên sự chia rẽ trong Giáo phận và tạo nên gương mù gương xấu cho giáo dân cho bằng thiếu đức vâng phục.

Ước gì trong Năm Linh Mục này các linh mục ý thức hơn trong việc vun trồng mối tương quan gắn kết mật thiết với vị cha chung của mình là Đức Giám Mục giáo phận trong tinh thần hiệp thông và vâng phục. Có như thế đời sống của các ngài mới trở nên dấu chỉ hữu hình nói lên mầu nhiệm thông hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo hội của Người.

2.  Kết nối với anh em linh mục

Qua bí tích Truyền Chức, các linh mục được liên kết với nhau một cách huyền diệu. Các ngài trở nên anh em với nhau trong cùng một lý tưởng, cùng một chí hướng. Tập tục của Phụng vụ : sau Giám mục là các linh mục lần lượt lên đặt tay trên tân linh mục, nói lên sự đón nhận nhau và hiệp thông huynh đệ rõ rệt nhất.

Để sống tốt tương quan giữa các linh mục với nhau, người linh mục cần có tinh thần nào ? Thiết tưởng cần có tinh thần đối thoại và lòng bác ái yêu thương.

a.  Tinh thần đối thoại

Linh mục còn được Liên Hội Đồng Á Châu định nghĩa là “con người của đối thoại”. Quả vậy hơn ai hết, linh mục phải là mẫu gương tiêu biểu cho tinh thần đối thoại. Trước hết là đối thoại liên lỉ với Chúa, với bề trên và với cộng đoàn dân Chúa. Sau nữa là đối thoại với anh em linh mục trong tinh thần cởi mở và chân thành.

Ngoài lợi ích giúp cho các linh mục phong phú hoá kiến thức và kinh nghiệm sống của mình, đồng thời giúp nhận ra những khiếm khuyết của mình để sữa chữa và bổ khuyết, đối thoại còn giúp cho các ngài hiểu nhau và cảm thông với nhau hơn; từ đó giúp tạo nên bầu khí trong Giáo phận ngày một trở nên gần gũi và thân thiện. Tuy nhiên, để có thể đối thoại được với nhau, người linh mục cần phải vượt ra khỏi cái tôi nhỏ nhoi của mình, dẹp bỏ óc cục bộ bè phái, óc thành kiến hẹp hòi để biết lắng nghe và biết đón nhận nhau trong tinh thần yêu mến và tôn trọng.

b.  Tinh thần bác ái huynh đệ  

Với niềm xác tín tôi không làm linh mục một mình, các linh mục cần hiệp thông với nhau trong tình bác ái và huynh đệ. Vì cùng lý tưởng và cùng chí hướng, linh mục trở nên anh em với nhau và nên bằng hữu của nhau. Được liên kết qua Chức Thánh trong tinh thần bác ái huynh đệ, các linh mục sẽ tìm được tình bạn chân thành, để san sẻ cho nhau mọi vui buồn sướng khổ, cảm thông cho nhau về những yếu đuối lầm lỗi và nâng đỡ khích lệ nhau trước những khó khăn thử thách trong đời sống cá nhân cũng như đời sống mục vụ. Coi nhau như anh em và như bạn hữu, các linh mục cần phải sống thật lòng với nhau, chân thành với nhau, hết tình hết mình với nhau, nhất là liên kết với nhau, nâng đỡ nhau bằng lời cầu nguyện. Có được tình bạn linh mục chân thành, các ngài sẽ có được niềm an ủi lớn lao. Trái lại, nếu thiếu sự hiệp nhất với linh mục đoàn, các ngài sẽ dễ rơi vào tâm trạng cô đơn và đau khổ. Kinh nghiệm cho thấy linh mục nào không có tương quan tốt với anh em linh mục sẽ là người bất hạnh vì họ mất mát rất nhiều.

Xin Chúa ban cho các linh mục có được tình bạn tốt với nhau, nhờ đó đời sống của các ngài luôn là chứng tá sống động và cụ thể nhất về đức ái cho người giáo dân noi theo.

III. CHIỀU DÀI : KẾT NỐI VỚI CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA

Để có thể kết nối với các “máy con” là mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa cách có hiệu quả và vững bền hơn, người linh mục cần có “bộ xử lý” và “đường dẫn” tốt để khỏi bị “kẹt mạng”. Tương quan kết nối giữa linh mục với cộng đoàn dân Chúa cũng phải không ngừng được “nâng cấp” thường xuyên cho phù hợp với tiến bộ khoa học và sự phát triển nhanh chóng của thời đại thông tin cũng như sự phát triển dân trí. Nói cách khác, để máy chủ là “Alter Christus” không bị lỗi thời, người linh mục cần luôn cập nhật cho mình những đức tính tốt làm cho mạng luôn chạy với “tốc độ cao”, nó cũng là chương trình chống “vi-rút” gây chia rẽ, bè phái trong cộng đoàn. Hai “File hệ thống” chủ đạo cần được cập nhật thường xuyên là đời sống khó nghèo và đời sống khiêm nhường phục vụ.

1. Đời sống khó nghèo

Chúa Kitô đã thực hiện công trình cứu độ con người qua con đường nghèo khó, vì thế Giáo Hội cũng được mời gọi đi vào con đường đó để thông ơn cứu rỗi cho mọi người (x. Lm. Thân Văn Tường, Suy niệm về Đời Sống và Chức Vụ Linh Mục, tr. 99).

Khó nghèo ở đây không hiểu theo nghĩa chặt của nó một cách cứng nhắc. Vì lẽ nào người linh mục không được giữ cho mình các phương tiện cần thiết để phục vụ cộng đoàn giáo dân cho tốt hay sao ? Đức Kitô không đòi hỏi những ai theo Ngài phải sống khó nghèo như một quy luật, vì chính Ngài cũng cho phép mình đến dự tiệc tại nhà những người thượng lưu (x. Lc 7,36; 14,1); Ngài trú ngụ tại nhà chị em Matta và Maria ở Bêtania (x. Lc 10,38-42; Ga 11,1t; 12,1-8), và Ngài cũng chấp nhận sự trợ giúp của những người giàu có (x. Lc 8,2t). Công đồng Vatican II dạy: “Linh mục được phép cấp dưỡng xứng đáng cho mình để chu toàn chức vụ” (PO số 17; MV, 71). Đời sống khó nghèo thiết nghĩ cần được hiểu theo nghĩa là tinh thần khó nghèo, nghĩa là trở nên người quản lý trung thành trong việc sử dụng hay phân phối của cải của mình. Của cải chỉ có giá trị bao lâu người linh mục biết dùng nó để phục vụ Nước Chúa và cộng đoàn trong lòng mến (x. 1Tm 6,17-19). Tắt một lời, tinh thần nghèo khó ở đây là tinh thần biết cho đi.

Tinh thần khó nghèo giúp ngài biết chia sẻ cho những gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn trong giáo xứ (x. MV số 65,69), nâng đỡ họ để họ cũng có một cuộc sống tạm ổn, để họ có thời giờ sinh hoạt tâm linh cùng với xứ đạo. Sắc Lệnh “Chức vụ và đời sống linh mục” mời gọi linh mục thực hành các khổ chế như từ bỏ các tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi (x. PO, số 14, Phần cuối).

Thường thì chúng ta dễ rơi vào tình trạng “khó mà nghèo”, vì linh mục thường được người ta yêu mến, sẵng sàng ban tặng vật chất. Bởi đó người linh mục cần nỗ lực trở nên nghèo khó bằng việc sống đơn giản hơn, đón nhận những gì mình có, không phải cho riêng mình nhưng là để chia sẻ, để rộng tay giúp đỡ mọi người. Linh mục giữ của cải như người quản lý, biết chia sẻ cách rộng rãi, tự do và quảng đại. Nhà xứ phải là nhà chung thật sự để tiếp đón mọi người và chia sẻ với bất cứ ai. Khó nghèo không phải là keo kẹt, mà là giảm thiểu nhu cầu đến mức tối thiểu, dành lại của cải của mình phân bổ cho người khác những gì mình có thể làm (x. Cv 2, 42-47).

Không phải chỉ cho đi vật chất mà thôi, nhưng còn cho đi cả đời sống cầu nguyện, đời sống đức Tin, đức Cậy và đức Mến; nói cách khác là cho đi cả con tim và tâm hồn nữa. Vì vậy, chúng ta có thể xin Chúa cho các linh mục có được sự dồi dào về vật chất, đi đôi với tinh thần nghèo khó thật sự để các ngài có thể san sẻ cho tha nhân, đặc biệt là những người túng thiếu. Xin cho các linh mục biết yêu thương những người nghèo khó và luôn sống tinh thần khó nghèo.

2. Đời sống khiêm nhường phục vụ

Khiêm nhường không phải là không làm tất cả những gì mình biết, nhưng là làm tất cả những gì mình có thể làm được trong tinh thần phục vụ cộng đoàn, hoà mình với cộng đoàn và đồng hành với cộng đoàn trong tiến trình đi lên.

Khiêm nhường thường đi đôi với lòng cao thượng. Thiếu khiêm nhường, người linh mục rất dễ dàng ra vẻ kiêu căng và khinh miệt giáo dân. Trái lại, thiếu lòng cao thượng trong phục vụ, sự khiêm nhường có thể sinh ra nhu nhược. Sự khiêm nhường sẽ giúp người linh mục hãm bớt lại những hăng say quá mức, mà sự hăng say quá mức này đôi khi làm cho giáo dân không thể theo kịp, và dần dần đi đến chỗ linh mục xa lìa giáo dân, nếu không muốn nói là tách rời khỏi họ. Bởi thế, với lòng khiêm nhượng trong phục vụ, người linh mục dễ dàng đối thoại và làm việc với giáo dân, tạo điều kiện cho họ nhẹ nhàng cộng tác. Mẫu gương khiêm nhượng mà người linh mục cần học hỏi là chính Đức Maria. Mẹ chẳng bao giờ đề cao mình, trái lại Mẹ luôn khiêm tốn trong mọi cảnh huống của cuộc đời. Mẹ chỉ nói, chỉ ra mặt khi cần thiết và trong mức vừa đủ (x. Lm. Hồng Nguyên, Chúng Ta là linh Mục, 2004, tr. 57).

Khiêm tốn trong đời sống phục vụ để giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người; và như thế, linh mục sẽ dễ quên đi chính mình, hầu sẵn sàng phục vụ tha nhân. Phục vụ bằng cả việc hiện diện với mọi người. Vì sự hiện diện của linh mục làm cho Chúa Kitô hiện diện với họ; linh mục phục vụ giáo dân như chính Chúa Kitô đang phục vụ (x. PO, số 9). Linh mục phải trở nên mọi sự cho mọi người để có thể cứu họ, đưa họ sống theo đường lối Chúa (x. Lm Nguyễn Hữu Tấn, Lịch Sử Linh Đạo, 2004, tr. 420).

Năm Linh Mục được mở ra là một cơ hội để người linh mục nhìn lại chính mình và điều chỉnh đời sống của mình. Để một khi triệt để sống tinh thần khó nghèo và tận tụy phục vụ cộng đoàn trong khiêm nhu, người linh mục sẽ trở thành điểm son tô thắm cuộc đời và là điểm tựa nối kết mọi thành phần dân Chúa trong xứ đạo của mình.

KẾT LUẬN

Chức linh mục trong Giáo hội hết sức cao trọng, các ngài được đặt cử để phụng sự Chúa Kitô là Thầy, và các ngài thay mặt Chúa Kitô ở trần gian để lãnh đạo Dân Chúa. Mặt khác, các ngài chỉ là những con người đầy yếu đuối mỏng dòn, ví như bình sành dễ vỡ. Vì vậy mà Linh đạo Linh mục Giáo phận mời gọi các ngài nên thánh trong chính con đường mục vụ của mình (x. PO, số 13). Sắc lệnh mà chúng ta đang nghiên cứu giúp cho ta hiểu con đường nên thánh nơi các linh mục nói chung, đặc biệt là nơi Linh mục Giáo phận nói riêng. Sau khi cho chúng ta tìm hiểu về chức vụ và đời sống linh mục, Giáo Hội mời gọi các linh mục hãy trở nên hoàn thiện bằng chính con đường ơn gọi của mình bằng việc cầu nguyện, đối thoại, hiệp thông và phục vụ mọi người như chính Chúa Kitô là Linh Mục Thượng Phẩm đã nêu gương, các ngài phải tin tưởng và hiến thân cho chức vụ mình (x. Sắc Lệnh Đào Tạo Linh Mục, Chương 3). Chu toàn ý định cứu rỗi của Thiên Chúa bằng việc xây dựng Mầu Nhiệm Thân Thể Chúa Kitô trong đời sống chứng tá của mình, lấy đời sống đức tin của mình để sống và nêu gương sống cho mọi người, sẵn sàng vâng lời đi đến những nơi Chúa muốn qua ý Đức Giám mục Giáo phận: “...hãy giảng những điều con tin và sống điều con giảng” (x. Nghi thức Phong chức Linh mục). Theo mẫu gương Abraham, luôn lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong mọi hoạt động tông đồ. Linh mục được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, nên thánh trong việc thi hành đầy đủ ba chức vụ Rao giảng, Thánh hoá, và Quản trị cộng đoàn. Nên thánh không chỉ cho riêng mình mà cùng với anh em linh mục đoàn thi hành cùng một sứ vụ đem ơn Chúa đến cho muôn dân. Đó là con đường nên thánh của người Linh mục Giáo phận. Vì thế, hơn bao giờ hết, linh mục cần phải Biết Chúa Kitô và làm cho người khác biết Chúa Kitô trong việc suy gẫm và rao giảng Lời Chúa, đón nhận Chúa Kitô trong việc năng cử hành và sống các Bí tích nhất là bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ mỗi ngày, yêu mến và bước theo Chúa Kitô bằng việc yêu mến và phục vụ cộng đoàn. Có được như thế đời sống linh mục mới trở nên có ý nghĩa cho chính mình và cho cộng đoàn.

Như vậy sự kết nối không gian đa chiều giữa Thiên Chúa và con người mà linh mục là cầu nối sẽ giúp cho mọi người trên đường lữ hành trần gian sớm nhận ra được tình yêu vô biên cao cả của Thiên Chúa và qua đó quy tụ tất cả mọi người về với Đức  Kitô là căn nguyên và là cùng đích của công trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn trao ban cho con người, để tất cả được hưởng hạnh phúc viên mãn cùng với Ngài trên cõi phúc ngàn thu, mà chính ơn gọi linh mục thừa tác được gọi mời, nên thánh trong chức vụ mình thi hành.

Phan Thiết, Năm Linh Mục

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long 

Tác giả: Lm. Nguyễn Thành Long

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!