Một trong những điệp khúc được các quan chức nhà nước lặp đi lặp lại trước, trong và cả sau khi xảy ra thiên tai bão lụt đó là kiên quyết không để người dân nào phải đói. Đơn giản vì cái đói luôn chực chờ rình rập các nạn nhân ở các khu vực xảy ra bão lụt thiên tai. Có khi chỉ cần chạy bão chạy lụt 1, 2 ngày là cái đói đã xuất hiện. Trận bão lụt lịch sử vừa qua là một minh chứng. Số người cần được cứu đói khẩn cấp có khi lên tới hàng trăm ngàn.
Thế nhưng cách thức cứu đói, nhất là hàng cứu đói cần phải xem lại. Bởi lẽ quanh đi quẩn lại cũng chỉ thấy mì tôm và mì tôm. Mười năm, hai mươi năm về trước cũng thế, bây giờ cũng chẳng khá hơn. Tại sao không có những thứ lương khô khác, mà quẩn quanh chỉ có mì tôm, mì gà. Có người cho là mì tôm tiện lợi, lại nhẹ nhàng dễ vận chuyển. Đồng ý nhẹ nhưng lại cồng kềnh. Còn tiện lợi ư ? Nói tiếng là “mì ăn liền” nhưng có ăn liền được đâu, trừ phi là nhai sống. Vì giữa những vùng bão lụt cô lập, lấy đâu ra điện nước, mà giá như có điện nước đi nữa thì còn bếp, nồi, rồi chén đũa, v.v.… Nhìn hình ảnh những đứa trẻ hốc hác chia nhau gói mì tôm và ăn sống, mới thấy hết được cái bất cập của hàng cứu trợ. Nhìn những lô hàng mì tôm khổng lồ mà ngán. Bão lụt cô lập khoảng năm ba ngày là thấy mì tôm lòi ra cả lỗ mũi. Háo hức nhận hàng cứu trợ, nhưng khi mở ra thấy toàn mì tôm, nhiều người chẳng còn ham nữa! Vậy tại sao không sản xuất những thực phẩm hay lương khô khác và dự trữ trước mùa mưa bão : những thứ có thể ăn được liền và có giá trị dinh dưỡng đảm bảo hơn, mà không cần nấu nướng. Đã qua gần hết thập niên đầu của thế kỉ 21 rồi nhưng cung cách cứu đói và hàng cứu đói cho nạn nhân vẫn không cải tiến được chút nào.
Nếu không thay đổi thì vô tình biến mấy nhà sản xuất mì tôm, mì gà trở thành bạn đồng hành của mấy ông thần bão lụt ! Nếu không thay đổi thì vô tình chỉ làm giàu cho những người kinh doanh mặt hàng này trong mùa mưa bão. Cứ thử làm phép tính nhẩm : hàng trăm ngàn thùng mì tôm được chuyển tới vùng thiên tai, với giá ba bốn chục ngàn đồng một thùng, nhân lên thì sẽ thấy số tiền khổng lồ như thế nào. Điều này cũng khiến cho một số người có cảm tưởng những người phát động chiến dịch cứu trợ mì tôm có chân trong các xí nghiệp sản xuất mì tôm không chừng. Thậm chí có người còn cho rằng những người sản xuất mì tôm thường trông chờ có bão lụt, cũng giống như những người bán hòm trông cho có nhiều đám tang. Cứu giúp những người đang gặp cơn đói là một nghĩa cử vô cùng cao quý, nhưng nếu thiếu sự tế nhị, nghĩa cử đó sẽ bị giảm giá trị rất nhiều.
Nhìn đồ cứu trợ thiên tai ở các nước Âu Mỹ : toàn lương khô, đồ hộp có giá trị, mà thương đồng bào của ta. Cũng là con người, cũng bị thiên tai hành hạ, thậm chí là nặng nề thê thảm hơn, nhưng khi được cứu đói thì thấy đa phần chỉ là mì tôm, có khi mì còn quá đát nữa.
Xin đừng để đồng bào vùng thiên tai bão lụt phải ngậm ngùi chấp nhận sống chung với lời tuyên ngôn : “Mì tôm vạn tuế, mì tôm muôn năm !” Cũng xin đừng để thực trạng này tiếp tục xảy ra : sau khi cơn bão lụt đi qua thì cơn “bão bụng” lại nổi lên hành hạ, chỉ vì ăn mì tôm quá nhiều !!!
Phan Thiết, 05/10/2009
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long