Chúa Nhật 3 Mùa Chay
Kính thưa quý ông bà và anh chị em.
Đền thờ Giêrusalem là trung tâm đời sống tôn giáo của dân tộc Do Thái. Nó được coi như con ngươi của đạo Giavê Thiên Chúa. Tuy nhiên theo thời gian, Đền Thờ ấy đã bị tục hoá, bị giải thiêng nhiều mặt. Việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ là để trả lại ý nghĩa đích thực của nó; đồng thời Ngài muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân thể Ngài. Vậy đâu là ý nghĩa của đền thờ Giêrusalem và đâu là ý nghĩa đền thờ thân thể mà Chúa Giêsu muốn mạc khải ?
Đọc lại lịch sử dân thánh, ta thấy Đền Thờ Giêrusalem mang những nghĩa quan trọng sau đây :
- Trước hết, Đền thờ Giêrusalem là địa chỉ của sự gặp gỡ nối kết. Từ xa xưa, người Do thái vẫn xem đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa ở giữa dân Người. Nói cách khác, Đền Thờ là nơi Thiên Chúa hiện diện và gặp gỡ con người; đồng thời cũng là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Gặp gỡ để phượng thờ, cảm tạ, chúc tụng, tôn vinh Thiên Chúa, đặc biệt là vào các ngày Sabát và các ngày đại lễ.
Thế nhưng, một số người đã biến nó thành nơi nhếch nhác của những kẻ tụ tập buôn bán và đổi chác. Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ lạm dụng này ra khỏi Đền Thờ là để trả lại chổ đứng của nó, vốn là “Nhà cầu nguyện”.
- Thứ đến, Đền thờ Giêrusalem là dấu chứng của tình yêu thương hiệp nhất. Quả thế, Đền Thờ Giêrusalem là nơi biểu lộ rõ nét nhất tình yêu của Giavê Thiên Chúa đối với dân Người và đồng thời cũng là nơi hiệp nhất muôn dân nước : “Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên Đền Chúa ta…”.
Thế mà các giới chức Dothái đã biến thành nơi cạnh tranh, kèn cựa, xô bồ và phận biệt đối xử (phụ nữ, dân ngoại, kẻ tội lỗi….). Chúa Giêsu đã lật nhào, xô đổ tất cả nhằm thanh tẩy Đền thờ khỏi những điều bất xứng, cách riêng là khu vực dân ngoại. Từ nay, mọi người không phân biệt sắc tộc, tôn giáo … đều được tôn trọng và đón nhận. Đối với Chúa Giêsu, Đền Thờ phải là nơi dành cho hết mọi người.
- Sau nữa, Đền thờ Giêrusalem còn là biểu tượng của sự thánh thiêng. Khi nói đến sự thánh thiêng, người Do thái thường nói đến Đền Thờ. Vì đối với họ, không có nơi nào khác ngoài Đền Thờ, con người có thể tìm được tất cả những gì là thiêng thánh và siêu việt của cõi thiên giới. Bởi đó chúng ta không ngạc nhiên gì khi thấy người Do Thái khi phải thề thốt một điều gì quan trọng, họ thường lấy Đền Thờ Giêrusalem mà thề.
Tuy nhiên, Đền Thờ ấy đã bị làm cho ô uế bằng đủ mọi thứ dối gian, trở thành nơi trục lợi, chổ mua danh, chốn lạm quyền, v.v... Trước thực trạng đó, Chúa Giêsu đã xua đuổi tất cả những kẻ làm cho Đền Thờ bị ô nhơ, nhằm trả lại sự thánh thiêng cho Đền Thờ. Đồng thời qua hành động và lời nói của mạnh mẽ của mình, Chúa Giêsu muốn mạc khải một đền thờ sống động hơn, đó chính là Thân thể của Ngài.
Đức Kitô chính là Đền thờ sống động, nơi Ngài chúng ta tìm được 3 ý nghĩa trên một cách tròn đầy nhất.
- Trong Đức Kitô, chúng ta được gặp gỡ Thiên Chúa là Cha và được nối kết với mọi người là anh em. Trong Đức Kitô, chúng ta có thể thưa lên “Aba”- lạy Cha, và đối xử với nhau như anh chị em con cùng một Cha trên trời.
- Trong Đức Kitô, chúng ta nhận được tình yêu tràn đầy mà Thiên Chúa dành cho nhân loại và hiệp nhất nên một với nhau, như lời Vinh Tụng Ca mà chúng ta thường nghe đọc : “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
- Trong Đức Kitô, chúng ta cũng tìm lại được sự thánh thiện nguyên thuỷ dư đầy của mình vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Ađam và Evà đã đánh mất khi phạm tội.
Thưa quý ông bà anh chị em.
Chúng ta hãy nhớ rằng trong Đức Kitô, chính chúng ta cũng đã trở nên đền thờ sống động đã được thánh hiến ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Thánh Phaolô đã minh định điều này với giáo đoàn Côrintô : “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy”. Đó là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta qua Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa yêu thích ngự nơi đền thờ tâm hồn chúng ta hơn là đền thờ bằng gỗ đá, dù là gỗ thơm đá quý. Bởi lẽ đền thờ bằng gỗ đá, dẫu có xinh đẹp và đồ sộ thế nào đi chăng nữa thì một ngày kia, cũng sẽ tiêu tan. Chỉ có Thân thể Chúa Kitô và tâm hồn chúng ta mới là đền thờ vững bền.
Thế thì hằng ngày chúng ta đã thực sự sống xứng đáng là đền thờ Thiên Chúa ngự chưa ? Hay chúng ta đang làm cho đền thờ tâm hồn mình ra nhơ uế bởi những tính toan ích kỷ, bởi lòng ghen tị, óc thành kiến hẹp hòi và bao nhiêu thói hư tật xấu khác ?
Xin Chúa Giêsu hằng yêu thương thanh tẩy đền thờ tâm hồn của chúng ta mỗi ngày, đặc biệt trong Mùa Chay thánh này. Xin Ngài tiếp tục xua đuổi, lật nhào khỏi lòng trí chúng ta những gì làm cho tâm hồn ra ô nhơ và trả lại cho Chúa Thánh Thần một nơi xứng hợp để Ngài ngự vào. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long