Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Xuân Thái
Bài Viết Của
Xuân Thái
Tản mạn về Mùa Chay và nhịn ăn trị bệnh.
Đại lễ Giáng sinh – từ giã “tương tư thảo”
Cha đẻ của dối trá
Từ “Cỏ tương tư”, nghĩ về một câu Lời Chúa.
Cô lái đò và sự tỉnh thức về CÁI TÔI.
Từ bỏ mình hay từ bỏ người ?!
Đã có một nơi cai nghiện như thế
Tết - sám hối và xin lỗi để hưởng trọn ơn lành.
Giáng sinh và những bất ngờ kỳ diệu từ một ca khúc.
Năm thánh hóa Linh mục, đi nghe Cha Piô Hậu nói về những kinh nghiệm truyền giáo của Linh mục.
Bạn đã làm gì cho linh mục ?
Lễ Bà Bầu.
Điều ước cuối cùng.
Có một nơi Chúa không thể đến
XÉT ĐOÁN - ĐOÁN XÉT.
Học làm Người và học làm Con Chúa.
Hội thảo truyền giáo.
Bí tích Thánh thể, niềm vui và nỗi lo của một vị Giám Mục.
Tản mạn vui về hút thuốc lá.
Nước mắt chảy xuôi.
Dấu Thánh giá và cô Hoa hậu.
Kể chuyện xưa: Không bằng .
Quỷ ám, quỷ nhập và quyền lực của Satan.
Người môn đệ Hai lúa, và một lần gặp mặt, rất ngắn.
Từ Vatican II, nghĩ về quà tặng và Gánh nặng .
HỘI THẢO TRUYỀN GIÁO.

Đề tài tham luận :

Theo quý bạn, tại sao, qua nửa thế kỷ truyền giáo, tỷ lệ giáo dân không tăng theo đà tăng dân số, mà còn có phần giảm sút ?

Xin nêu rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan ?

Cộng đoàn của quý bạn cần phải hành động gì để cải thiện tình trạng nói trên  ?

                                                     -------------------------------------------

Đức Giêsu là người Châu Á, do đó, tôn giáo của Ngài cũng phát xuất từ Châu Á. Nhưng sự phát triển và những giai đoạn cực thịnh của tôn giáo này lại diễn ra ở Tây Phương, vì thế, khi quay trở lại Á Châu, tôn giáo của Ngài cũng mang dáng vẻ của một tấm áo Tây Phương như một điều tất yếu.

Văn hóa, triết hoc, cách nhìn và nhiều mặt khác trong sinh hoạt đời sống giữa Đông và Tây từ xưa vốn đã có nhiều khác biệt, sự hòa đồng và hội nhập là điều không hề đơn giản. Mặt khác, và cũng là mặt quan trọng nhất, từ ngàn xưa Châu Á vốn đã là cái nôi sản sinh ra các luồng tư tưởng lớn, cùng với những giá trị tâm linh đã được khẳng định và tôn vinh như Ấn, Phật, Khổng, Lão, Nho giáo….Những giá trị ấy đã bám rễ và ăn rất sâu trong lòng phương Đông, nhưng lại hoàn toàn thiếu vắng trong xã hội phương Tây, vì thế, khi Công giáo phát triển đến phương Tây thì rất dễ được chấp nhận, vì không có cơ hội lựa chọn nào khác. Đây cũng là lý do để giải thích vì sao tỷ lệ Công giáo ở Tây Phương lại rất cao từ 6, 7 đến 100% là toàn tòng. Đang khi đó, dù sau nhiều thế kỷ du nhập, nhưng tỷ lệ người Công giáo tại Á Châu vẫn chỉ là hơn 2%.

Vì Việt Nam cũng là một nước trong vùng Châu Á nên không thể nằm ngoài ảnh hưởng trên. Tuy nhiên, do có những đặc thù khác nhau từ truyền thống, tập quán, lịch sử, văn hóa …nên tỷ lệ giáo dân đã không tăng theo đà tăng của dân số mà còn có phần giảm sút, vì những nguyên nhân cụ thể có thể kể ra như sau :

Khách quan :

- Từ khi Pháp chiếm Việt Nam, Công giáo cũng bắt đầu hiện diện, nên đạo Công giáo phần nào đó, đã bị coi là đạo của những kẻ xâm lược. Tuy những oan khiên đó đã được giải tỏa trong đại bộ phận người dân, nhưng cũng như vết thương đã lành, song vẫn còn để lại những vết sẹo, vì thê, Công giáo chưa có được hoàn toàn thiện cảm và sự hiểu biết đúng đắn như tự thân và vốn có của Công giáo. Thực thế, đó đây, hoặc khi này lúc khác, vẫn còn không ít những ấn phẩm xuyên tạc, bôi lọ, nói xấu …Hiện nay, ngay cả sách giáo khoa để dạy cho các em khi nói về Công giáo vẫn không thiếu những điều tương tự. Có thể đó chỉ là những tồn tại của lịch sử, hoặc vì vô tình hoặc do thiếu hiểu biết  nên chưa được xem xét và chấn chỉnh lại chăng ? Không thể kể hết những ấn phẩm, mà nếu một người chưa biết gì, khi đọc qua, sẽ có một cái nhìn vô cùng tệ hại về Công giáo, nói gì đến chuyện tham gia để là thành viên của một tôn giáo quá nhiều tỳ vết như thế.

- Thắp nhang và thờ cúng ông bà là những nét son trong đời sống tâm linh của hầu hết các tôn giáo lớn ở Việt nam, nhưng trước đây Công giáo lại cấm triệt để, dù hiện nay đã cho phép, song người con cả trong gia đình vẫn rất khó nhận được sự đồng tình khi muốn gia nhập Công giáo, chỉ vì họ đã nghĩ rằng, sẽ bị mất người thờ cúng tổ tiên. Trên thực tế, không ít trường hợp người con trai trưởng đã bị truất phần gia tài hương hỏa khi theo Công giáo. 

- Hầu hết các Phật tử thuần thành đều được dạy phải yêu thương vạn vật chúng sinh và tôn trọng sự sống, kể cả thú vật cũng là các chúng sinh và được gọi chung là loài hữu tình. Điều ấy không chỉ là giới luật tôn giáo nhưng đã trở thành văn hóa tự nhiên trong đời sống và cả nếp nghĩ của các Phật tử thuần thành.  Vì vậy, họ thường ăn chay trường (suốt đời), trong 5 giới cấm mà họ trân trọng tuân giữ, thì Cấm sát sanh đứng hàng thứ nhất. Vì thế, họ khó lòng hiểu nổi để chấp nhận được một tôn giáo cho phép ăn thịt, nhất là ăn thịt chó, một con vật vốn hiền lành, khôn ngoan và rất gần gũi đối với con người. Khi nghe nói thêm về chuyện khuyến khích phải ĂN THỊT và UỐNG MÁU (Thánh thể) thì, dù chưa đến nỗi dị ứng, nhưng ấn tượng nơi họ không mấy tốt lành về một tôn giáo quá lạ lùng và nhiều khác biệt đến thế.

Chủ quan :

Trong công tác truyền giáo, như một điều tất yếu, những trở ngại khó khăn đến từ bên ngoài ít nhiều bao giờ cũng có, nhưng các lực cản phát xuất từ bên trong mới thực sự gây ra những trì trệ, thậm chí, nhiều khi còn vô hiệu hóa những nỗ lực và mọi công sức truyền giáo. Đây mới thực là  những điều đáng ngại.

a.- Về phía giáo dân :

Khi đề cập về các Giáo hội phương Tây, Đức Giáo hoàng Benedic XVI đã nói đến một Giáo hội đang hấp hối, đó đây những cụm từ hậu Kitô giáo đã được xử dụng. Ở nhiều nước mà trước đây là toàn tòng với những truyền thống Công giáo vẫn được xem là thật vững chắc, hiện nay người ta đã bỏ đạo hàng loạt. Nhà thờ biến thành nhà kho. Nhiều nơi, người giáo dân chỉ vào nhà thờ nhiều nhất là 3 lần trong đời, lần thứ nhất để nhận bí tích rửa tội, lần thứ hai nhận bí tích hôn phối và lần cuối cùng là …tang lễ, mà chính họ là kẻ qua đời. Thực ra, trong 3 lần đến nhà thờ ấy, chỉ có một lần duy nhất họ tự đi bằng 2 chân của mình, hai lần khác thì 1 lần là do cha mẹ bế ( vì còn quá nhỏ, để được rửa tội) và 1 lần còn lại thì đến bằng xe tang khi họ đã nằm trong quan tài.

Thực ra, họ không bỏ đạo, đúng hơn, phải nói rằng họ chỉ bỏ tôn giáo này để theo một tôn giáo khác mà phần lớn là Tin lành và các giáo phái. Trước tình trạng này, phải khách quan mà công nhận rằng, nơi Giáo phái đã có những hấp dẫn và sức thuyết phục rất đáng suy nghĩ và không thể xem thường.

- Từ lâu, đã có nhiều giáo phái và nhiều hệ phái Tin lành từ nước ngoài du nhập vào Việt nam. Cũng từ lâu, đã có không ít những giáo phái ở ngay Việt nam, do chính người Việt Nam khởi xướng. Tất nhiên, khi theo giáo phái thì họ đã rời bỏ Giáo hội. Con số này chưa nhiều, nhưng cũng không thể nói là ít, và cộng thêm những giáo dân theo Thiền tông Phật giáo nữa, là đã quá đủ để gây ra sự sút giảm của phần trăm tỷ lệ như chúng ta đều biết.

- Giáo dân ít được đào tạo và huấn luyện, vì thế, khi đứng trước sức mạnh của các  giáo phái, họ thiếu hẳn nội lực và sức đề kháng, vì họ không biết Thánh kinh. Họ chỉ biết những câu Lời Chúa, đang khi Lời Chúa chỉ là những mảnh vụn hết sức rời rạc so với cả kho tàng vô cùng phong phú của toàn bộ Kinh Thánh. Ngược lại, các thành viên của giáo phái thường được trang bị những vốn liếng Kinh Thánh đáng kể, họ lại rất hăng say rao giảng một cách hết sức tích cực, như Cụ GM Bùi Tuần đã từng nhận xét : những rao giảng với một tinh thần đáng kinh ngạc ( nguyên văn ). Để đối phó, người giáo dân thường phản ứng một cách thụ động bằng cách rút lui hoặc từ chối gặp gỡ hoặc kết án là “rối đạo”, Cũng đã có những đối phó bằng cách chửi rủa và cả vác gậy đuổi đánh khi họ đang rao giảng, vì cho rằng đó là những miệng lưỡi của ma quỷ.

b.- Về phía chủ chăn :

- Vẫn đang có rất nhiều các vị chủ chiên thánh thiện và gương mẫu, nhưng cũng phải ghi nhận rằng, những gì tiêu cực đang có ngoài xã hội thì cũng có đủ cả trong Giáo hội. Nghĩa là không ít người cũng tham tiền, cũng tham quyền, cũng độc đoán gia trưởng và đầu óc bè phái địa phương là không hề nhẹ. Đó là điều rất bình thường của mọi cộng đoàn con người.

- Nhiều vị chủ chăn lo xây dựng nhà thờ và các cơ sở vật chất  quan trọng hơn là xây dựng con người là những đền thờ sống động. Nhiều nơi nhà thờ thì rất hoành tráng, sang trọng, bên cạnh không ít những lều thờ sơ sác, túp thờ tồi tàn gây ra nhiều mâu thuẫn và phản cảm..

- Những trường hợp linh mục được phép hồi tục để lập gia đình một cách chính thức, tuy là các tiền lệ không đáng khuyến khích, song vẫn dễ được thông cảm chấp nhận. Tình trạng quan hệ với phụ nữ không thể nói là nhiều, song cũng chẳng dám nói là ít. Nhưng khi quan hệ với phụ nữ đến có con, thì bi kịch ngang trái và nghiệt ngã kia sẽ không còn là của riêng cá nhân, nhưng sẽ là ảnh hưởng hết sức tiêu cực lên cả cộng đoàn, vì sẽ gây sói mòn, đổ vỡ và hủy hoại lòng tin của người giáo dân. Vì thế, đã có nhiều giáo dân không  thể đi lễ ở ngay giáo xứ của mình. Từ không đi lễ đến việc theo giáo phái khi thuận tiện sẽ chỉ còn là một bước nhỏ, rất ngắn, Dù không theo giáo phái đi nữa, nhưng tinh thần sống đạo khi ấy chỉ là những kiểu vật vờ, thiếu sinh khí. Đi lễ theo thói quen của luật buộc,  đi lễ vì sợ “mất linh hồn”, sợ sa hỏa ngục. Đi lễ để an tâm vì hy vọng sẽ dành được một chỗ trên Thiên Đàng.

- Đã có những linh mục rời bỏ giáo hội và ngả theo giáo phái, có vị còn viết lách đả phá, chỉ trích và kết án Giáo hội rất nặng nề. Cũng có vị theo Phật giáo Thiền tông, hỏi lý do, thì được trả lời đại khái rằng : Để tìm tự do và giải thoát.

Nhiều người cho rằng đó là chuyện bình thường, vì tôn giáo nào không có những trường hợp cải đạo của các vị chức sắc. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ trưởng thành để có được nhận thức như vậy để cho rằng đó là điều bình thường, mà dù có cho là bình thường đi nữa, thì người giáo dân cũng khó tránh được nhiều nghĩ ngợi. Vì linh mục là người học nhiều hiểu rộng, lại còn được đào tạo huấn luyện công phu, tại sao Ngài lại gây ra những điều tiêu cực như vậy ?

 Nội tại :

Trước khi Giáo hội công bố một tín điều, đều có những thảo luận nhiều khi còn là những tranh luận gay gắt. Thực tế đã ghi nhận rằng, sau mỗi lần công bố một tín điều (buộc phải tin) đều có ít nhiều Kitô hữu rời bỏ Giáo hội, họ gồm đủ mọi thành phần. Trước khi công bố tín điều Đức Mẹ vô nhiễm  cũng vậy, đã có nhiều ý kiến rất trái ngược dẫn đến căng thẳng. Đặc biệt, khi tín điều Đức Giáo hoàng không thể sai lầm khi công bố tín lý và luân lý  qua Công đồng VAT I được công bố, thì số tín hữu rời bỏ Giáo hội hàng loạt và nhiều nhất, vì cho rằng không thể hiểu và không thể nào chấp nhận được.

Mặt khác, nền thần học Kinh viện truyền thống đang giống như một tấm áo chật chội và không mấy thích hợp với văn hóa phương Đông.

Những điều trên tưởng như rất cao siêu và thật xa vời, nhưng ai dám nói rằng, những điều ấy là không ảnh hưởng gì đến việc truyền giáo ở Việt nam ?

Phải làm gì ?

Trên đây là ghi nhận về những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp đã ảnh hưởng ít nhiều đến công việc truyền giáo, từ đó dẫn đến tình trạng suy giảm tỷ lệ tín hữu như hiện nay. Không có gì mới lạ, chỉ là những điều mà ai cũng biết, vì thế từ lâu, người Mẹ Giáo hội đã có những giải pháp thích hợp. Chúng ta đã được nghe nhiều về những cụm từ : tái truyền giáo, tái Phúc âm hóa, phải hội nhập văn hóa và phải có cho được một nền thần học địa phương v.v….

Hưởng ứng và thực hiện những kêu gọi của giáo hội, ai cũng biết rằng, để có thể thành công trong bất cứ công việc nào đều phải khởi đầu từ con người.

Vì thế, cần phải học. Rất cần được huấn luyện.

Phải được đào tạo và tự đào tạo mãi không ngừng, nhất là khi mang danh nghĩa là các tông đồ của Chúa, là những dụng cụ mà Ngài đang xử dụng. Thiếu một chút tỉnh táo, thiếu một chút khiêm nhường ta sẽ xử dụng Chúa, thay vì để Chúa xử dụng, sẽ dễ bị cám dỗ để đánh bóng cá nhân và tôn vinh cái TÔI của mình. Điều này rất dễ xảy ra vì vẫn thường xảy ra mà không tự biết.  Nếu TU là SỬA thì ai cũng là người tu, ai cũng cần phải sửa mình, cách riêng, với các người được xem là những chiến sĩ tông đồ trong các cộng đoàn thì càng phải tích cực hơn nhiều lắm.

Chương trình Thánh Kinh 100 tuần, lớp Thần học giáo dân của Trung Tâm mục vụ và nhiều lớp Thánh Kinh ở khắp các giáo xứ đang là những thuận lợi rất lớn. Xin đừng nói tôi không có thì giờ hoặc tôi thiếu điều kiện. Ngay cả những khi tưởng như bất lợi hoàn toàn như thế, ta cũng có thể đọc các loại sách Tu đức, Sách Thánh, và Thánh kinh ở ngay tại nhà mình. Với tấm lòng khiêm cung cùng một khát khao muốn biêt Chúa, thì chính Ngài sẽ đến với ta, chính Ngài sẽ mở lòng mở trí cho ta. Khoa Chú giải TK luôn giúp ta thật nhiều một cách rất hiệu quả.

 Nhưng vẫn luôn có một tâm lý dễ nhận ra nơi những người cốt cán rằng, tôi đã là lãnh đạo, tôi đã từng đứng lớp dạy bảo nhiều người, cần gì phải học. Hoặc, tôi chỉ là lính lác  thừa hành, bảo sao nghe vậy, giữ được như thế đã là quá gương mẫu rồi, cần gì phải học cho mất thì giờ.

Cầu mong những kiểu suy nghĩ như thế không nhiều.

Nhưng HỌC chỉ là để tích lũy kiến thức trên lý thuyết, còn HÀNH mới cụ thể hóa những hiểu biết ấy qua từng lời nói, qua mỗi việc làm và bằng cả đời sống. Bài học quan trọng nhất mà Chúa muốn ta phải học, đó là bài học về yêu thương.

Mặt khác, tấm gương rất tích cực của Giáo hội Hàn quốc cần được học hỏi và áp dụng một cách tích cực. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn phải có một người bạn hoặc các thân hữu là những ai đó chưa biết Chúa, để giao lưu và giới thiệu về Đức Kitô như một thao thức nóng bỏng. Nhưng chúng ta không thể đi một mình, làm một mình vì như Đức Kitô đã nói :Không có Thầy, các con sẽ chẳng làm được gì. Những lời ấy không thể chỉ là các điều sáo rỗng nói qua môi miệng, nhưng phải là những tâm niệm và xác tín cần được khắc sâu trong đáy lòng mỗi người.

                                                            ****

“Chỉ cần sống như Ngài Giêsu, thì không cần rao giảng, toàn dân tộc Ấn Độ sẽ theo đạo hết” 

Những lời đầy tính thách đố ấy Mahatma Gandhi đã nói từ lâu lắm rồi, nhưng cho đến hôm nay và cả mãi mãi sau này, vẫn sẽ là những thách đố cho từng thế hệ, nhưng là những thách đố khuyến khích cỗ vũ hơn là những lời kết án chê bai.

Cùng với niềm hy vọng rằng, các Giáo hội Á Châu (trong đó có Việt nam) và Phi Châu sẽ là chỗ dựa để hỗ trợ cho các giáo hội Tây phương, như lời Giám mục Phaolo Bùi văn Đọc đã chia sẻ và tin tưởng sau khi ngài đi dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới trở về.

Mong lắm thay và cũng hy vọng lắm thay.

 

Xuân Thái.

Tác giả: Xuân Thái

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!