Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
Bài Viết Của
Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
CON LỪA (Suy niệm Chúa Nhật Lễ Lá)
CHÚA CỠI LỪA VÀO GIÊRUSALEM
THÁNH GIUSE QUA KINH THÁNH TÂN VÀ CỰU ƯỚC
NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY ĐỔ VỠ HÔN NHÂN
NAM HAY NỮ, THÀNH PHẦN NÀO CHỦ ĐỘNG LY DỊ NHIỀU HƠN?
CHÚA BIẾN HÌNH TRƯỚC MẶT CÁC ÔNG
NHỮNG CƠN CÁM DỖ CỦA CHÚA GIÊSU
Qua Sa Mạc, Thiên Chúa Dẫn Chúng Ta Tới Tự Do (SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2024 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ)
GỌI EM HAI TIẾNG “MÌNH ƠI!”
NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG CỦA TIN MỪNG LUCA
GIÁ TRỊ VÀ VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI NỘI TRỢ
CHÚA MÀ CŨNG KHÙNG!
CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY NGÔI SAO CỦA NGƯỜI XUẤT HIỆN BÊN PHƯƠNG ĐÔNG
LỄ TRỌNG ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA - BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI - Vương Cung Thánh Đường Vatican - Chúa Nhật, 1 tháng 1 năm 2012
THÁNH GIA NAZARETH MẪU GƯƠNG CÁC GIA ĐÌNH
THIÊN CHÚA ĐÃ HÓA THÂN THÀNH TRẺ THƠ ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ HIỂU ĐƯỢC NGÀI (Bài giảng của ĐTC Bênêđíctô XVI trong Thánh Lễ Nửa Đêm 2006)
TRÁI TÁO NOEL
MẸ MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
ĐỪNG COI THƯỜNG MÙA VỌNG ĐẦU TIÊN, ĐỂ MÙA VỌNG THỨ HAI KHÔNG LÀM CHÚNG TA KHIẾP SỢ
BÀI GIẢNG CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II Đại Lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ 22 tháng Mười Một, 1998
SỐNG VỚI LÒNG BIẾT ƠN
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
NHÓM TRỪ QUỶ HAY “NHÓM CỦA QUỶ”?
CHÚNG TA LÀ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA
CÂU HỎI CỦA NGƯỜI KHÔNG TÊN
THÁNH NHÂN LÀ NHỮNG AI? LÀM SAO TÔI CÓ THỂ NÊN THÁNH?
THÁNG 11: THÁNG ĐỀN ƠN VÀ BÁO HIẾU
THÁNH SỬ LUCA
ĐẠO ĐỨC SINH HỌC VÀ LINH HỒN BẤT TỬ
KHẨU NGHIỆP!
THIÊN THẦN LÀ AI? CÁC NGÀI ĐƯỢC TẠO DỰNG NÊN ĐỂ LÀM GÌ?
“LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ LÀ TẤM VÉ THÔNG HÀNH GIÚP TA VƯỢT THOÁT KHỎI HỎA NGỤC” (St. Ephrem)
TẠI SAO THA NHƯNG LẠI KHÔNG QUÊN. LÝ DO?
CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN
CÁC TÔNG ĐỒ ĐÃ SỐNG VÀ CHẾT NHƯ THẾ NÀO SAU KHI CHÚA VỀ TRỜI?
PHỤ HUYNH CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON EM KHI BỊ BẮT NẠT Ở TRƯỜNG
THÁNH GIUSE THỢ (Lễ Kính 1 tháng 5)
CON NHÌN CHÚA. CHÚA NHÌN CON
THÁNH SỬ MARCÔ (Riêng tặng bạn thân, bác sỹ Marcô Lương Huỳnh Ngân)
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA: QUÀ TẶNG CỦA PHỤC SINH (Bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thánh Lễ Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa đầu tiên năm 2001)
SỐNG ĐẠO THEO HÌNH THỨC

NGƯỜI  KITÔ HỮU TRƯỞNG THÀNH 

II

NHỮNG DẤU HIỆU CỦA LỐI SỐNG ĐẠO THIẾU TRƯỞNG THÀNH 

2 

SỐNG ĐẠO THEO HÌNH THỨC 

“Chuẩn bị. Banh nọng, phét tống, bật máy cò ke, rước cụ ra nàm nễ” – Tạm diễn nghĩa là: Tất cả chuẩn bị. Mở lọng, hội trống và phường bát âm trổi nhạc và trống. Rước cha ra cử hành thánh lễ. 

Quang cảnh chuẩn bị cho một đại lễ hơn 50 trước ở một xứ đạo, ngày nay, cũng không khác biệt là mấy, ngay tại các giáo xứ hoặc những cộng đoàn, cộng đồng giáo dân Việt Nam ở Hoa Kỳ. Tuy không còn những hình thức tàn lọng, trống phách, phường bát âm, nhưng lại được thay thế bằng biểu ngữ, cờ quạt, hội kèn, ca đoàn, những lời chào mừng, tuyên bố lý do, và cám ơn của những đại diện trong ban tổ chức, hoặc các ban ngành. Nhiều khi những điểm phụ thuộc ấy lại rộn ràng, lâu la, kéo dài lê thê, nên vẫn được coi như những hình thức, đôi khi bôi bác trong cách thức biểu lộ đức tin. Nhiều người trong chúng ta sau khi đã tham dự những lễ nghi, các buổi tổ chức tương tự đều có những nhận xét giống nhau: Rườm rà. Phô trương. Dài dòngï. 

Ngày 11 tháng 6 năm 2003, một ngày lịch sử của Giáo Hội Hoa Kỳ, và cũng là một ngày vinh dự cho Giáo Hội Việt Nam, một linh mục gốc Việt Nam, linh mục Đaminh Mai Thanh Lương, được tấn phong Giám Mục Phục Tá Giáo Phận Orange, bang California. 

Trong thánh lễ tấn phong, có Hồng Y Roger Mahony, tổng giám mục Los Angeles, một số tổng giám mục, giám mục Hoa Kỳ, và hai giám mục đến từ Việt Nam, Giám Mục Nguyễn Văn Yến, giám mục Phát Diệm, và Giám Mục Nguyễn Văn Sang, giám mục Thái Bình. Nhiều quan khách từ phía chính quyền, các đại diện tôn giáo bạn. Hàng trăm linh mục, phó tế, nam nữ tu sỹ, đại diện giáo dân, và hàng ngàn khách mời danh dự.    

Một biến cố lịch sử như vậy, nhưng tất cả các nghi thức đều được diễn ra một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, và hết sức trật tự. Điều khiến cho nhiều linh mục, tu sỹ nam nữ, giáo dân Việt Nam, và có lẽ cả hai vị giám mục đến từ Việt Nam phải hết sức bỡ ngỡ là trong suốt thánh lễ và mọi nghi thức tấn phong, Hồng Y Mahony không hề phát biểu một câu. Ngài chỉ mặc phẩm phục Hồng Y và quỳ chầu lễ. Tất cả các tổng giám mục, giám mục khác cũng ai nấy tham dự một cách hết sức trầm lắng. Và người giám lễ hôm đó không phải là một giám mục, đức ông, linh mục, hoặc tu sỹ, nhưng là một nữ giáo dân. 

Tân Giám Mục Mai Thanh Lương trong bài cám ơn cuối thánh lễ cũng rất vắn tắt và không một kể lể rườm rà. Cũng không có ông, bà chủ tịch đại diện các hội đoàn, đoàn thể. Không có đại diện chính quyền. Không có đại diện các tôn giáo bạn lên ngỏ lời chào mừng. Dĩ nhiên, có buổi tiếp tân sau đó tại hội trường nhà xứ dành cho hồng y, các tổng giám mục, các giám mục, các linh mục, tu sỹ nam nữ, các đại diện chính quyền, các đại điện các tôn giáo bạn, các quan khách, và giáo dân. Nhưng đó chỉ là một cuộc tiếp tân hết sức đơn giản.     

THẦN TRÍ VÀ SỰ THẬT

“Lời Chúa, Thánh Thể, Cầu Nguyện và Bác ái huynh đệ, tạo thành bốn cột trụ để cộng đồng sinh tồn, phát triển, và trở nên vững mạnh” (Gioan Phaolo II). 1 

Đó là 4 điểm toát lược mà Đức Gioan Phaolô II đã dùng để nói về sinh hoạt, và cũng là lẽ sống của Giáo Hội, dĩ nhiên, của mọi Kitô hữu. Nhưng làm thế nào để Lời Chúa thấm nhập và đến được với chúng ta. Làm thế nào để Thánh Thể và Thánh Lễ trở thành nguồn suối trường sinh mang lại sức sống thần linh, và cả sức sống thể xác nuôi chúng ta trên cuộc lữ hành trần thế. Làm thế nào để đời sống cầu nguyện trở thành sức mạnh, và sức sống thiêng liêng của chúng ta giữa cuộc đời trần gian đầy cam go, thử thách. Và làm thế nào để đức ái được tỏ sáng trong những hành động của đời sống Kitô hữu chúng ta. Câu trả lời là chúng ta phải học hỏi, phải thực hành, và phải làm tăng trưởng những phương thức ấy mọi ngày trong đời sống, dù ta là bất cứ ai trong thành phần Dân Chúa. 

Nhưng nếu bạn là người ngoài Công Giáo và lần đầu tiên tham dự một thánh lễ, hoặc một nghi thức tôn giáo nào của Công Giáo bạn thấy gì và nghĩ gì? 

Nghiêm trang.

Sốt sắng.

Sinh động. 

Biểu lộ sức sống tâm linh.

Biểu lộ đức tin Công Giáo. 

Tâm trạng của những người mới chỉ một lần tham dự những nghi thức tôn giáo như trên, không hẳn là tâm trạng của phần đông Kitô hữu mà mọi ngày trong đời sống phải tham dự những lễ nghi và các buổi lễ lạc như thế. Những người Kitô hữu mà hằng ngày, hằng tuần vẫn phải ngồi nghe nhắc đi, nhắc lại đến nhàm chán những bài giảng chẳng đầu, chẳng đuôi. Những bài giảng được giảng cho có lệ. Những buổi lễ mà người này, người kia tranh dành nhau một chỗ ngồi, một chiếc ghế, hay được nói một vài lời trước công chúng, trước cộng đoàn. Hoặc những buổi đọc kinh dài đến vô tận, mà những người đọc như một cái máy ghi âm, cứ thế phát ra những tiếng đã được ghi sẵn. Thờ phượng Thiên Chúa? Đạo đức? Theo thói quen? Tùy theo suy nghĩ và quan niệm mỗi người, tuy nhiên phần đông thì đó chỉ là một việc làm máy móc, những cơ hội để được nở mày, nở mặt trước đám đông, hoặc chỉ để thỏa mãn cái tâm trạng đạo đức mà chỉ mình mình mới có.   

Những hình ảnh có người vừa đọc kinh vừa chửi con, vừa ngồi trong thánh đường tham dự thánh lễ vừa nói truyện, hoặc lợi dụng lúc linh mục giảng thuyết ra ngoài hút thuốc, là những hình ảnh rất thông thường đã nói lên cái tâm trạng máy móc, và tâm lý nhàm chán của nhiều Kitô hữu. Nhiều khi không chỉ là luộm thuộm, phô trương, dài dòng văn tự, và hình thức, mà là quá luộm thuộm, quá phô trương, quá dài dòng. Điều nghịch lý ở đây là, những gánh nặng cồng kềnh ấy không phải do Thiên Chúa, do lễ nghi của Giáo Hội áp đặt, mà lại do chính con người tự mình gây ra cho nhau theo sốt sắng tình cảm, và tự ái cá nhân. 

Để có được sự tôn kính đích thực trong cách thức biểu lộ bằng những việc làm mang tính cách thờ phượng, Chúa Giêsu, qua trích đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan cho thấy rằng, thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật. Thánh sử Gioan đã ghi lại mẩu đối thoại bên bờ giếng Giacóp giữa Chúa Giêsu và thiếu phụ Samaritanô về lòng sùng kính Thiên Chúa như sau:    

“Thưa Ngài, người đàn bà nói, “Tôi thấy ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi thờ phượng trên núi này, nhưng dân ngài nói rằng Giêrusalem mới là nơi mà người ta thờ phượng Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đã trả lời chị: 

“Này chị, hãy tin ta đã đến giờ các người thờ phượng Thiên Chúa không phải ở núi này hoặc ở Giêrusalem.  Các ngươi thờ phượng điều mà các ngươi không biết, trong khi chúng tôi hiểu điều chúng tôi thờ phượng. Vì ơn cứu độ đến từ người Do Thái. Thật vậy, đã đến giờ, và ngay bây giờ, tất cả những kẻ thờ phượng đích thật sẽ thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật. Và đó chính là những kẻ thờ phượng Chúa Cha tìm kiếm. 

Thiên Chúa là Thần Khí, và tất cả những ai thờ phượng ngài phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật” (Jn 4:19-24). 

Qua những gì mà Chúa Giêsu đã nói với thiếu phụ Samaritanô, chúng ta khám phá ra hai điểm để có thể nhìn vào đó mà biết được hành vi đạo đức, và việc thờ phượng của mình có ấu trĩ, hoặc thiếu trưởng thành hay không. Theo Tin Mừng của thánh Gioan thì, cho đến bấy giờ, người ta vẫn còn tranh cãi về cách thức tôn thờ Thiên Chúa.   

“Không phải ở đây, cũng không phải ở đó”. Chúa Giêsu đã khẳng định như thế. Không phải ở nơi này, hay ở nơi kia mới có Chúa. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, và nơi ngài hiển trị đó chính là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có thờ phượng Ngài bằng Thần Khí và bằng sự thật hay không? 

Về những kinh kệ và hình thức thờ phượng. Chúa Giêsu cũng cho biết rằng, Thiên Chúa không cần nhiều lời, không cần hình thức. Ngài chỉ muốn nghe những lời, và muốn thấy những hành động ấy được khởi động do Thần Khí, và phải là những điều thật. Từ lâu và xa xưa, Thiên Chúa cũng đã từng nghe những lời chúc tụng, những hình thức thờ phượng bôi bác, mà qua tiên tri Isaia, Chúa Giêsu đã nói lại cho con người: “Hỡi kẻ giả hình. Isaia đã nói tiên tri cách chí lý về các ngươi rằng: “Dân này thờ kính ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa ta.” (Mt 15:8). 

Thờ phượng Thiên Chúa ở tâm hồn, và thờ phượng Ngài với tất cả tấm lòng thành thật là hành động thờ phượng mà Thiên Chúa đang tìm kiếm. Không phải là những lễ nghi linh đình, những buổi cung nghinh long trọng, nhưng cuộc hành hương tốn kém. 

Đối với Thiên Chúa, lễ nghi linh là lòng yêu mến thẳm sâu mà mỗi người phải có khi đến với Ngài. Cung nghinh là sự đơn sơ, trong sạch, tín thác mà mỗi người cần có khi ở trước mặt Ngài. Và những cuộc hành hương là những đồng tiền, những lời nói ân tình, và việc hy sinh thời giờ, sức lực chúng ta dành cho những anh chị em thiếu may mắn, gặp đau khổ mà cần chúng ta giúp đỡ. Những người mà Chúa Giêsu nói rằng làm cho họ chính là làm cho Ngài: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi khi các ngươi làm những việc ấy cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của ta, là các ngươi đã làm cho chính ta” (Mt 25:40). 

Thiên Chúa không ở trên núi nào. Ngài cũng không ở Giêrusalem. Một cách nào đó, Ngài không ở địa điểm hành hương này, trong thánh đường nguy nga kia. Ngài ở ngay trong tâm hồn mỗi người. Vàø Thần Khí Ngài chính là ngọn lửa yêu mến được Chúa Thánh Thần đốt cháy trong tâm hồn mỗi người. Và sự thật là hành động cụ thể, rõ ràng, chứ không phải lý thuyết, rườm rà.        

PHÔ TRƯƠNG VÀ MẦU MÈ 

“Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình, họ ưa đứng giữa hội đường và các ngả đường, để thiên hạ trông thấy. Ta bảo các con rằng, họ đã được thưởng công rồi. Còn các con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha trong riêng tư. Và Cha các con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho các con. Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại. Họ nghĩ rằng phải nói nhiều mới được chấp nhận. Đừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cầu ngay cả trước khi các con xin” (Mt 6:5-8). 

“Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình, thiểu não. Họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta. Ta bảo thật các con, họ đã được thưởng công rồi. Còn các con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết các con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha các con Đấng ngự nơi kín nhiệm, và Cha các con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho các con” (Mt 6:16-18). 

Thờ phượng Thiên Chúa bằng Thần Khí và sự thật. Nếu không phải là Chúa Giêsu, thì không ai dám nói tới, cũng như có đủ thẩm quyền để nói tới những tâm lý bí ẩn mà con người đã dành cho Thiên Chúa.   

Lễ lạc, rước sách linh đình, và kinh kệ dài dòng. Nếu những việc làm ấy không phát xuất từ Thần Khí, và từ sự thật, nó chỉ làm cho Thiên Chúa giận dữ: “Hỡi kẻ giả hình. Isaia đã nói tiên tri cách chí lý về các ngươi rằng: “Dân này thờ kính ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa ta.” (Mt 15:8).  

Phô trương để lợi dụng niềm tin của tín hữu. Chúa Giêsu cũng đã nói về những thành phần lãnh đạo tinh thần này bằng cách nói với bọn luật sỹ và Pharisiêu thời ngài: “Khốn cho các ngươi, hỡi bọn luật sỹ và Pharisiêu giả hình. Các ngươi kinh kệ dài dòng, mà nuốt trửng gia tài các bà góa” (Mt 23:14). 

Nhưng sự giận dữ này đã không áp dụng cho Đavít và toàn dân Israel khi đón tiếp Hòm Bia Thiên Chúa: “Đavít và toàn thể nhà Israel nhẩy mừng trước nhan Giavê hết sức họ, với ca văn, với đàn cầm, đàn sắt, với trống khẩu, não bạt, phèng la” (2 Sm 6:5”. 

Như vậy, việc cung nghinh, dâng hoa, dâng hạt, múa phụng vụ, và những hình thức ca tụng Thiên Chúa không hề bị Ngài coi thường, và giận dữ. Trái lại, nếu được thực hiện với lòng yêu mến, kính trọng, và cùng nhau vui mừng trước nhan Thiên Chúa như Đavít và toàn dân Israel khi đón rước Hòm Bia Thánh. Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Phụng Vụ, đã ca ngợi tất cả những hình thức chính đáng, và trang nghiêm trong khi thờ phượng Thiên Chúa như sau: 

“Tất cả những gì chứa đựng nơi các tập tục, mà không nhất thiết gắn chặt với mê tín và lầm lỗi, đều được Hội Thánh trân trọng và khi có thể còn được bảo tồn trọn vẹn. Hơn nữa, một đôi khi còn được Hội Thánh đưa vào Phụng Vụ, miền sao hòa hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính”.  2 

Trở lại biến cố tấn phong Giám Mục của Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, và trong khi áp dụng vào việc cử hành phụng vụ, những lễ nghi tôn kính khác, người Kitô hữu Việt Nam chúng ta nên rút ra một bài học quý giá trong khi tổ chức các cuộc lễ lạc, rước sách. Làm thế nào để những cái phụ thuộc không lấn át những cái chính. Và làm thế nào để người tham dự vừa sốt sắng, trang nghiêm, lại cũng rất vui mừng vì được tiếp xúc và tâm sự với Chúa qua những lễ nghi, những lời cầu đơn sơ, gọn gàng, nhưng thấm đậm tình mến. 

Không những nghi lễ cần được giữ đúng, mà mọi người từ linh mục chủ sự đến các người có trách nhiệm trong những dịp như thế phải chuẩn bị bài vở, phải soạn thảo, và đồng nhất trong những phát biểu. Không ngẫu hứng. 

Ngẫu hứng, hay còn gọi là phát ngôn theo cảm hứng là một căn bệnh trầm kha đối với nhiều vị linh mục, đặc biệt, trong những dịp lễ lớn có đông người tham dự. Trong những trường hợp ấy, ngoài những nghi lễ rườm rà, cái mà người tham dự sợ nhất là một bài giảng dài lê thê, không có đoạn kết. Và sau khi giảng xong thì người giảng cũng chẳng nhớ mình đã nói gì, và người nghe cũng chẳng nhớ mình đã nghe gì. 

Thêm vào đó, là những lời tâng bốc, sáo ngữ của những người đại diện, không ngoài mục đích để phô trương địa vị, hiểu biết, cũng như lòng sốt sắng. Những câu sáo ngữ như: 

“Trọng kính đức cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý vị trong hội đồng giáo xứ, quý vị hội trưởng trong các ban ngành, quý vị quan khách, và toàn thể quý ông bà, anh chị em trong cộng đồng dân Chúa giáo xứ Thánh Tâm. 

Kính thưa đức cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý vị trong hội đồng giáo xứ, quý vị hội trưởng trong các ban ngành, quý vị quan khách, và toàn thể quý ông bà, anh chị em, con xin được đại diện cho giáo xứ Thánh Tâm kính gửi lời chào mừng đến với đức cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý vị trong hội đồng giáo xứ, quý vị hội trưởng trong các ban ngành, quý vị quan khách. Và toàn thể quý ông bà, anh chị em trong cộng đồng dân Chúa giáo xứ Thánh Tâm. 

Kính thưa đức cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý vị trong hội đồng giáo xứ, quý vị hội trưởng trong các ban ngành, quý vị quan khách, và toàn thể quý ông bà, anh chị em trong cộng đồng dân Chúa giáo xứ Thánh Tâm. Trước hết con xin được hân hạnh giới thiệu hiện diện trong thánh lễ hôm nay, trước hết là:.......”. 

“Chúng con rất lấy làm xúc động và muôn đời ghi ơn đức Cha, quý cha và quý vị đã không quản ngại đường xá xa xôi, và thời giờ vàng ngọc đến chủ sự, đồng tế và tham dự thánh lễ cực kỳ trọng thể hôm nay. Thật là một niềm vinh dự và vui mừng lớn lao cho giáo xứ chúng con....”   

“Xin đại diện cho giáo xứ, chúng con xin cám ơn cha giảng thuyết đã ban cho chúng con những tư tưởng hết sức cao thâm, và uyên bác trong một bài giảng hết sức hấp dẫn và hùng hồn. Lời giảng dậy của cha chính là khuôn vàng, thước ngọc, là ngọn lửa hừng cháy đốt nóng linh hồn chúng con hôm nay và cho đến mãn đời. Chúng con xin mãi mãi ghi ơn, và ghi lòng tạc dạ.” 

“Sự hiện diện của quý vị đã làm tăng thêm phần long trọng cho buổi lễ”. 

“Cộng đoàn cũng không quên cám ơn ca đoàn đã vất vả tập dượt đêm ngày để đem lời ca, tiếng hát, tiếng nhạc du dương giúp cho buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng.” 

Những lời như thế ai cũng đã nghe đến nhàm tai nhưng ít ai muốn bỏ nó đi trong những bài diễn văn chào mừng và cám ơn. 

NIỀM TIN VÀ TUỔI TRẺ 

Tại Việt Nam, người viết không nắm vững được phản ứng của giới trẻ trước những lối sống đạo hình thức của cha ông, nhưng tại Hoa Kỳ, điều này đã được nhiều cuộc khảo cứu ghi nhận. Sau đây là trích đoạn Chương 4 nói về niềm tin của tuổi trẻ trong tác phẩm Giáo Dục Tuổi Trẻ: Những Nguyên Tắc và Hướng Dẫn Tổng Quát do tác giả biên soạn. 3 

Theo những chuyên viên về tôn giáo, thì những phụ huynh của thập niên 40, vì đã chứng kiến những thay đổi lớn lao về tôn giáo trên thế giới nên đã có một phản ứng sai lầm là muốn con cái phải có cùng một quan niệm và đời sống tôn giáo như mình. Điều này đến từ những lối nhìn và quan niệm khác nhau giữa những thế hệ khác nhau. Riêng đối với người Việt Nam, nó còn bị ảnh hưởng bởi những khác biệt về văn hóa trong lối nhìn về đời sống tâm linh. 

Cũng theo trào lưu tư tưởng và lối sống hiện đại, tuổi trẻ ngày nay có một lối nhìn về tôn giáo theo những giá trị chung. Điều này thường khiến phụ huynh nhìn các em với con mắt ngờ vực, và xa lạ. 

Phần đông phụ huynh vẫn cho rằng tuổi trẻ là những con người lạc loài, xa lạ, nguy hiểm và bị điều khiển do những biến thái theo kích thích tố của các nội tuyến trong thời gian phát triển. Đây là một quan niệm và lối nhìn sai lầm. Trong một cuộc khảo cứu về tuổi trẻ và tôn giáo thuộc đại học North Carolina, giáo sự Christian Smith đã phỏng vấn 3.370 em tuổi từ 13 đến 17 thuộc mọi tôn giáo, và kết quả được công bố như sau: 

- Phần đông các em tự xưng mình là những người Kitô giáo. Từ Kitô giáo bao gồm những giáo phái khác nhau như Tin Lành, Chính Thống, và Công Giáo.

- 1/3 các em tỏ ra rất nhiệt thành với tôn giáo, trong khi đó 1/3 lơ là, và 1/3 trung lập, không nhiệt thành mà cũng không đả phá tôn giáo.
 

- Đa số các em không có ác cảm với tôn giáo. Ngược lại, các em cho rằng tôn giáo là một điều tốt lành.
 

- Những em nhiệt thành và sốt sắng vẫn tỏ ra là những người trẻ tốt hơn so với những em lơ là hoặc không có tôn giáo.

- Chỉ 2 tới 3 phần trăm các em là những người tìm kiếm đời sống tâm linh.

- Một số ít các em thiết tha và nhiệt thành với tôn giáo. Ngược lại, cũng một số ít chống đối tôn giáo. 

Kết quả cuộc khảo cứu cũng cho biết rằng, tuy phần đông vẫn xưng mình là Kitô giáo, nhưng rất ít các em biết các trình bày giáo lý và tôn giáo của mình mang ý nghĩa gì. 

Đối với giới trẻ Công Giáo, thống kê đã cho thấy các em cũng có những vấn đề với niềm tin và tôn giáo:   

-  39% đối với thành phần không hoặc ít khi đến thánh đường cho rằng sinh hoạt của Giáo Hội quá buồn tẻ.

-   41% bạn trẻ lâu lâu mới đến với thánh đường một lần cũng cho rằng Giáo Hội và sinh hoạt Giáo Hội buồn nản.

-   29% bạn trẻ thường xuyên đến thánh đường cũng đã cho rằng Giáo Hội và sinh hoạt Giáo Hội thiếu hấp dẫn và buồn chán.

Tóm lại, trong đạo đức xã hội, và trong tâm lý sống, niềm tin là một đòn bẩy, một cái đà để đưa con người lên khỏi những nghi hoặc, ngờ vực và mặc cảm. Niềm tin theo Abert Ellis, có một sức mạnh phi thường, và chi phối toàn bộ suy tư của con người. 

Va chạm đến niềm tin là va chạm vào một sức đối kháng không thể thắng nổi. Những va chạm và xung đột giữa thế giới Hồi Giáo và Kitô Giáo hiện nay là một thí dụ điển hình. Ngay cả đến việc hiệp nhất những tôn giáo có cùng một niềm tin vào Thượng Đế như Công Giáo, Anh Giáo, Chính Thống Giáo, và Tin Lành cũng chỉ là những mơ ước và hoài bão của những tâm hồn thiện chí, ngoài ra con đường dẫn tới sự hiệp nhất vẫn còn xa tít và đầy những chông gai. Ngay cả chủ nghĩa Cộng Sản cũng phải dừng bước trước sức mạnh tôn giáo. Tuy nhiên, vẫn theo giáo sư Smith, ảnh hưởng lớn lao nhất, chi phối nhất đời sống tâm linh của các em vẫn là gương sáng và đời sống thực hành niềm tin của các phụ huynh. 

Vậy những ai có trách nhiệm tinh thần và các bậc phụ huynh nghĩ gì về những lề thói sống đạo nặng mầu trình diễn và hình thức? Liệu chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với suy tư và đường lối sống đạo của thế hệ đang tới, mà trong đó, con em chúng ta sẽ phải đối diện với muôn thách đố trước những tiến bộ của khoa học, và những tệ đoan của xã hội. 

--------- 

1. Chúa Thánh Linh, Đấng Ban Sự Sống và Tình Yêu trong Bước Đi Với Chúa Mỗi Ngày, Lịch Phụng Vụ & Số Tay, 2007, trang 18. 

2. Hiến Chế Phụng Vụ, 37. 

3. Trần Mỹ Duyệt, Giáo Dục Tuổi Trẻ: Những Nguyên Tắc và Hướng Dẫn Tổng Quát, Ra Khơi, 2007, pp. 83-85.   

(Kỳ sau: THEO ĐẠO KHÔNG SỐNG ĐẠO.

Tác giả: Tiến Sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!