130. Qua nhiều kỷ nguyên, Hội Thánh
chưa từng bao giờ lơ là việc dành ưu tiên cho việc đào tạo giáo lý viên. Ngay từ thủa ban đầu của Kitô giáo, việc đào
tạo, vốn dưới hình thức kinh nghiệm, xoay quanh cuộc gặp gỡ sống động với Đức
Chúa Giêsu Kitô, được rao giảng cách xác thực và làm chứng trong đời sống. Phẩm
cách của nhân chứng đã trở nên đặc điểm nổi bật của toàn thể tiến trình đào tạo,
vốn từ từ giới thiệu người tín hữu vào mầu nhiệm đức tin của Hội Thánh. Trên hết
mọi sự, ở một thời kỳ như hiện nay, điều quan trọng là cần phải nghiêm túc kể đến
sự thay đổi nhanh chóng về xã hội và tính đa nguyên của các nền văn hóa, với những
thách đố nảy sinh từ đó. Tất cả những điều này làm nổi bật sự kiện là việc đào
tạo giáo lý viên đòi hỏi một sự chú ý đặc biệt bởi vì chất lượng của các sáng
kiến mục vụ cần được liên kết với những người tạo ra chúng. Trước sự phức tạp
và những đòi hỏi của thời đại mà chúng ta đang sống, việc các Hội Thánh địa
phương phải dành đủ năng lực và tài nguyên cho việc đào tạo giáo lý viên là điều
thích hợp.
131. Đào
tạo
là một tiến trình không ngừng mà, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và
trong cung lòng sống động của cộng đồng Kitô hữu, giúp người đã được rửa tội thành
hình,
nghĩa là biểu lộ căn tính sâu sắc nhất của mình như một người con của Thiên
Chúa trong sự hiệp thông sâu xa với anh em mình. Công việc của các hoạt động đào
tạo như một sự biến đổi của con người, là kẻ nội tâm
hóa sứ điệp Phúc Âm trong cuộc sống và bằng một cách nào đó để cho sứ điệp này trở
thành ánh sáng và sự hướng dẫn cho đời sống trong Hội Thánh và sứ vụ của người mình.
Nó là một tiến trình, xảy ra tận đáy lòng của giáo lý viên, chạm đến sự tự do của
họ và không thể đơn thuần bị thu gọn thành lời chỉ dạy, khích lệ luân lý hay những
kỹ thuật mục vụ được cập nhật hóa. Việc đào tạo, cũng là điều sẵn có về chuyên
môn của con người, trước hết là một công việc khôn ngoan mở lòng ra cho Thần
Khí của Thiên Chúa, là Đấng, nhờ việc sẵn lòng của các tham dự viên và quan tâm
từ mẫu của cộng đồng, làm cho người đã được rửa tội trở nên đồng
hình đồng dạng
với Đức Chúa Giêsu Kitô, đúc trong tâm hồn họ dung nhan Người như Chúa Con (x. Gal
4:19),
được Chúa Cha sai đến để rao giảng sứ điệp
cứu rỗi cho người nghèo (x. Lc 4:18).
132. Việc đào tạo trước hết đặt ra
mục tiêu của nó là làm cho các giáo lý viên ý thức rằng như những người đã được
rửa tội họ là những môn đệ truyền giáo thật sự, nghĩa là những tham
dự viên tích cực vào việc Phúc Âm hóa, và trên căn bản này, được Hội Thánh ban
quyền để thông truyền Tin Mừng cùng đồng hành và giáo dục các tín hữu trong đức
tin. Như thế, việc đào tạo các giáo lý
viên giúp phát triển những kỹ năng cần thiết để thông truyền đức tin và để đồng
hành với anh chị em mình trong sự phát triển của họ. Mục tiêu quy Kitô của huấn
giáo hình thành toàn thể việc đào tạo giáo lý viên và đòi hỏi rằng họ có thể hướng
dẫn cuộc hành trình dạy giáo lý một cách nào đó để làm nổi bật tính trung tâm của
Đức Chúa Giêsu Kitô trong lịch sử cứu độ.
2. CỘNG ĐỒNG KITÔ HỮU LÀ NƠI ƯU TUYỂN CỦA VIỆC ĐÀO
TẠO
133. “Cộng đồng Kitô hữu là nguồn gốc,
địa điểm và mục tiêu của việc dạy giáo lý. Việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn bắt
đầu với cộng đồng Kitô hữu và mời gọi người ta hoán cải cùng đi theo Đức Kitô.
Cũng chính cộng đồng này đón chào những người muốn biết Chúa hơn và thấm nhuần
chính mình bằng đời sống mới”. Đây là cung lòng mà ở đó, đối
với một số phần tử, ơn gọi đặc biệt để phục vụ như giáo lý viên được phát sinh
và lớn lên, là một cộng đồng thật sự, phong phú với những hồng ân và cơ hội,
nhưng không tránh khỏi những giới hạn và yếu đuối. Trong thực tại của cộng đồng
này, một người kinh nghiệm cụ thể về lòng thương xót của Thiên Chúa, thực thi
việc chấp nhận lẫn nhau và sự tha thứ được làm cho khả thi. Cộng đồng vốn kinh
nghiệm sức mạnh của đức tin và có thể sống cùng làm chứng cho tình yêu, rao giảng
và giáo dục hoàn toàn cách tự nhiên. Như thế, nơi hoàn thành việc đào tạo giáo
lý viên là cộng đồng Kitô hữu, trong sự đa dạng của các đặc sủng và tác vụ của
nó, như môi trường thông thường trong đó một người học và sống đời sống đức
tin.
134. Trong khung cảnh cộng đồng có một
vai trò đặc biệt thuộc về một nhóm giáo lý viên: trong đó cuộc hành trình đức
tin và kinh nghiệm mục vụ được chia sẻ cùng các linh mục; căn tính của giào lý
viên được trưởng thành và nỗ lực Phúc Âm hóa được biết đến nhiều hơn. Việc lắng
nghe các nhu cầu của con người, việc phân định mục vụ, việc chuẩn bị cụ thể, việc
thi hành và lượng giá những con đường của đức tin tạo thành những thời điểm của
tiến trình đào tạo liên tục cho từng cá nhân giáo lý viên. Nhóm giáo lý viên là
bối cảnh thật sự trong đó mỗi người có thể được tiếp tục Phúc Âm hóa và tiếp tục
mở lòng ra cho những đóng góp mới về đào tạo.
3. CÁC TIÊU CHUẨN CHO VIỆC ĐÀO TẠO
135. Trong việc đào tạo giáo lý viên phải nhớ kỹ một
vài tiêu chuẩn được coi như linh hứng cho các chương trình đào tạo. Vì các giáo
lý viên phải được đào tạo để Phúc Âm hóa trong thế giới hiện nay, nên sẽ cần phải sử dụng sự
khôn ngoan để hòa hợp sự chú ý của con người với chân lý của đức tin, sự phát
triển cá nhân và khía cạnh cộng đồng, chăm lo cho động lực tinh thần và việc dấn
thân vào nỗ lực dành cho công ích. Một số ít tiêu chuẩn nên được kể đến một
cách đặc biệt hơn.
a. Linh
đạo truyền giáo và Phúc Âm hóa:
điều sống còn là toàn thể tiến trình đào tạo phải được thấm nhuần bởi tính
trung tâm của kinh nghiệm tâm linh trong một viễn cảnh truyền giáo. Để tránh
nguy cơ rơi vào một tình trạng quá chú tâm đến việc mục vụ cằn cỗi, các giáo lý
viên phải được đào tạo như môn đệ truyền giáo có khả năng khởi hành lại từ kinh
nghiệm về Thiên Chúa của mình, là Đấng sai họ đi cùng với anh chị em trong cuộc
hành trình của họ. Linh đạo truyền giáo này, được hiểu như một cuộc gặp gỡ với
những người khác, một nỗ lực trong thế gian, và một đam mê trong việc Phúc Âm
hóa nuôi dưỡng đời sống của giáo lý viên và cứu họ khỏi chủ nghĩa cá nhân, quá
chú tâm đến mình, khỏi cuộc khủng hoảng bản sắc, và mất nhiệt tình.
b. Dạy
giáo lý là một việc đào tạo toàn bộ: đây là một vấn đề “đào tạo giáo lý viên để có
thể truyền thông không những một giáo huấn, mà một đào tạo toàn thể đời sống
Kitô hữu, qua việc phát huy ‘nhiệm vụ khai tâm, giáo dục, và dạy dỗ’. Các giáo
lý viên phải có khả năng, lập tức và đồng thời, trở thành các thầy giáo, nhà
giáo dục và nhân chứng của đức tin.” Vì lý do này, việc đào tạo
giáo lý viên cũng phải được linh hứng từ kinh nghiệm dự tòng là điều, trong số các
yếu tố khác của nó, được đặc trưng bởi cái nhìn toàn diện của đời sống Kitô hữu
này.
c. Kiểu
đồng hành:
Hội Thánh cảm thấy nhiệm vụ đào tạo các giáo lý viên của mình về nghệ thuật đồng
hành cá nhân, cả bằng cách đề ra cho họ kinh nghiệm đang được đồng hành để lớn
lên trong việc làm môn đệ, lẫn giúp họ có khả năng và sai họ ra đồng hành với
anh chị em mình. Kiểu này đòi hỏi phải sẵn lòng cách khiêm nhường để cho mình
được chạm đến bởi các vấn đề và chạm trán bởi các hoàn cảnh của cuộc sống, với
cái nhìn đầy trắc ẩn nhưng cũng kính trọng sự tự do của người khác. Sự phát triển
mới mà các giáo lý viên được mời đến nằm ở sự gần gũi, sự chấp nhận vô điều kiện
và vô vị lợi mà với nó họ sẵn sàng bước đi cạnh những người khác để lắng nghe họ
và giải thích Thánh Kinh (x. Lc 24:13-35; Cv 8:26-39), mà không thiết lập
lộ trình trước. không đòi hỏi thấy kết quả, cũng không giữ lại bất cứ điều gì
cho mình.
d. Sự
nhất quán giữa các kiểu đào tạo: “Như một tiêu chuẩn chung, cần phải nhấn mạnh
đến nhu cầu có một sự nối kết mạch lạc giữa phương pháp sư phạm tổng quát của
việc đào tạo giáo lý viên và phương pháp sư phạm thích hợp với tiến trình dạy
giáo lý. Rất khó cho một giáo lý viên trong một sinh hoạt giáo lý cải tiến cách
dạy giáo lý và tính nhạy cảm nếu giáo lý viên ấy không được giới thiệu những
cách ấy trong khi đào tạo.”
e. Một
thái độ sẵn sàng học hỏi và tự đào tạo: các khoa học đào tạo cho thấy một số thái độ
như điều kiện cho một cuộc hành trình đào tạo có kết quả. Trước hết, giáo lý
viên cần phát huy khả năng sẵn sàng học hỏi, nghĩa là sẵn lòng để cho ân sủng,
sự sống và những con người chạm đến với một thái độ bình thản hướng về thực tại
ngõ hầu học cách học thế nào. Hơn nữa, việc sẵng lòng tự đào
tạo là điều giúp cho giáo lý viên biến một phương pháp đào tạo thành của riêng
mình và có khả năng áp dụng nó vào chính mình và việc phục vụ Hội Thánh của
mình. Cụ thể mà nói, đây là vấn đề biết mình là một tham dự viên luôn được đào
tạo và mở lòng ra cho những điều mới mẻ trong Thần Khí, có khả năng chăm sóc và
nuôi dưỡng đời sống đức tin của chính mình cách độc lập, chấp nhận nhóm giáo lý
viên như một nguồn lực cho việc học hỏi, chăm lo và cập nhật hóa.
f. Động
năng của phòng thí nghiệm trong bối cảnh nhóm, như một
thực hành đào tạo trong đó đức tin được học bằng thực hành, nghĩa là đánh giá cao các kinh
nghiệm, các đóng góp, và việc tái hình thành của mỗi người trong viễn cảnh học qua
trong khi biến đổi.
4. CÁC CHIỀU KÍCH CỦA VIỆC ĐÀO TẠO
136. Việc đào tạo giáo lý viên bao gồm một số chiều
khác khác nhau. Chiều kích sâu nhất liên quan đến việc là
một
giáo lý viên, thậm chí trước khi làm một giáo lý viên. Thực ra, việc đào tạo
giúp một giáo lý viên trưởng thành như một tín hữu, và như một tông đồ. Chiều
kích này ngày nay cũng được nhìn đến theo nghĩa “biết
cách ở cùng”,
là điều cho thấy đặc tính cá nhân luôn luôn là đặc tính liên hệ như thế nào.
Hơn nữa, để cho một giáo lý viên thì hành nhiệm vụ của mình cách đầy đủ, việc đào
tạo cũng chú ý đến khía cạnh kiến thức, ám chỉ hai chiều kích trung
thành với sứ điệp và với con người trong bối cảnh mà họ sống. Cuối cùng, vì việc
dạy giáo lý là một hoạt động truyền thông và giáo dục, việc đào tạo không bỏ
qua chiều kích tài khéo (savoir-faire) về thực hành.
137. Không được coi các chiều kích của
việc đào tạo giáo lý viên như độc lập với nhau, nhưng trái lại như liên hệ một
cách mật thiết với nhau, như những bình diện của sự hợp nhất bất khả phân ly của
một con người. Để sự phát triển của một giáo lý viên được hài hòa, thì điều
thích hợp là công việc đào tạo phải cẩn thận không nhấn mạnh nhiều đến chiều
kích này hơn chiều kích khác, nhưng thay vào đó tìm cách đẩy mạnh một sự phát
triển cân bằng, chú tâm vào những chiều kích có vẻ thiếu sót nhất.
138. Mặt khác, nỗ lực đạt được những
khả năng này không được dẫn đến việc nghĩ về các giáo lý viên như những nhân
viên với tài chuyên môn trong nhiều lãnh vực khác nhau, nhưng chủ yếu như những
người đã kinh nghiệm tình yêu của Thiên Chúa, và như những người, chỉ vì lý do
này, tự nguyện phục vụ việc rao giảng Nước Trời. Việc ý thức về các giới hạn của
mình không thể cản trở giáo lý viên trong việc đón nhận ơn gọi phục vụ; trái lại,
họ có thể đáp lại ơn gọi ấy dựa trên mối liên hệ sống động của họ với Chúa và
trên ước muốn sống đời Kitô hữu với lòng chân thành, quảng đại phân phát cho cộng
đồng “năm chiếc bánh và hai con cá” (x. Mt 6:38) đặc sủng riêng của
mình. “Chúng ta muốn được huấn luyện tốt hơn […]
Sự bất toàn của chúng ta không phải là một lý do để thoái thác; trái lại, việc truyền
giáo là một thôi thúc liên tục để không chìm vào tình trạng tầm thường và để tiếp
tục lớn lên”.
Là và
“biết cách ở cùng”: sự trưởng thành về nhân bản và Kitô hữu cùng
ý thức truyền giáo
139. Trong chiều kích là,
giáo lý viên được đào tạo để trở thành một nhân chứng của đức tin và người gìn giữ kỷ niệm về Thiên
Chúa. Việc đào tạo giúp giáo lý viên tái quan tâm đến
hoạt động dạy giáo lý của mình như một cơ hội để phát triển về nhân bản và đời
sống Kitô hữu. Dựa trên một sự trưởng thành nhân bản ban đầu, giáo lý viên được
mời gọi liên tục lớn lên trong quân bằng tình cảm, cảm thức phê phán, sự hợp nhất
và tự do nội tâm, những liên hệ sống vốn nâng đỡ và phong phú hóa đức tin.
“Trên hết, việc đào tạo, nuôi dưỡng đời sống tâm linh của giáo lý viên, để hoạt
động của họ nảy sinh trong sự thật từ chính đời sống làm nhân chứng của họ”.
Như thế, việc đào tạo nâng đỡ ý thức về truyền giáo của giáo lý viên, qua việc
nội tâm hóa các đòi hỏi của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã bày tỏ. Việc đào tạo để
trưởng thành về nhân bản, đời sống Kitô hữu và truyền giáo đòi hỏi một sự đồng
hành chắc chắn theo thời gian, bởi vì nó làm việc tận cốt lõi phát sinh ra hoạt
động của con người.
140. Trên nền tảng mức độ nội tâm
này, nảy sinh việc “biết
cách ở cùng”, như một khả năng tự nhiên cần thiết cho việc
dạy giáo lý vốn được hiểu như một hành vi giáo dục và truyền thông. Thực ra khả
năng này có tính liên hệ, là điều gắn liền với chính bản chất con người (x. St
2:18), mà sự hiệp thông Hội Thánh được ghép vào. Việc đào tạo giáo lý viên cẩn
thận tỏ bày và khuyến khích sự phát triển khả năng liên hệ này, là điều được cụ
thể hóa trong việc sẵn lòng sống những mối liên hệ nhân bản và Hội Thánh một
cách huynh đệ và bình thản.
141. Khi nhắc lại quyết tâm cổ võ sự
trưởng thành về nhân bản và đời sống Kitô hữu của các giáo lý viên, Hội Thánh
nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ nhất định đảm bảo rằng, khi Hội Thánh thi hành sứ
vụ của mình, mọi người, đặc biệt là trẻ em và những người dễ bị tổn thương, được
bảo đảm một sự che chở tuyệt đối khỏi bất cứ hình thức lạm dụng nào. “Để cho các
hiện tượng này, dưới tất cả mọi hình thức của nó, không bao giờ xảy ra nữa, cần
có một sự hoán cải tâm hồn liên tục và sâu xa, được chứng minh bằng những hành
động cụ thể và hữu hiệu liên quan đến tất cả mọi người trong Hội Thánh ngõ hầu
sự thánh thiện cá nhân và quyết tâm về luân lý có thể đóng góp vào việc quảng
bá tính hoàn toàn đáng tin cậy của sứ điệp Tin Mừng và hiệu quả của sứ vụ của Hội
Thánh”.
142. Giáo lý viên, vì việc phục vụ
của họ, giữ một địa vị tương đối với những người mà họ đồng hành trong đức tin
và được những người ấy coi như một điểm tham chiếu, vốn thực thi một số quyền
hành nào đó. Cho nên vai trò này cần phải được thực hiện với sự tôn trọng lương
tâm và nhân vị của người khác một cách tuyệt đối nhất, tránh mọi loại lạm dụng,
dù là quyền hành, lương tâm, tài chánh, hoặc tính dục. Các giáo lý viên, trong
các chương trình đào tạo của họ và qua một cuộc đối thoại chân thành với các vị
linh hướng, phải được giúp đỡ để nhận ra những cách thực thi đúng đắn quyền hành
với mục đích duy nhất là phục vụ anh chị em mình. Hơn nữa, để không phản bội niềm
tin của những người được trao cho họ, họ cần phải biết phân biệt giữa tòa ngoài
và tòa trong
và phải học biết hết sức tôn trọng sự tự do thánh thiêng của tha nhân, mà không
vi phạm hoặc thao túng nó cách này hay cách khác.
Kiến thức: đào tạo về thàn học thánh kinh cùng
sự hiểu biết về con người và bối cảnh xã hội
143. Giáo lý viên cũng là một thày
giáo, người dạy về đức tin. Thực ra, trong khi nhận việc làm nhân chứng là đức
tính chính của mình, họ không quên rằng họ cũng có trách nhiệm truyền lại đức
tin của Hội Thánh. Cho nên việc đào tạo của họ phải dành chỗ cho việc học hỏi sứ
điệp được truyền lại trong tương quan với bối cảnh văn hóa, Hội Thánh và đời sống
của người nghe. Cần không được đánh giá thấp nhu cầu về bình diện này của việc đào
tạo, là điều liên kết mật thiết với ao ước đào sâu sự hiểu biết về Đấng mà nhờ
đức tin người giáo lý viên đã nhận là Chúa của mình. Việc thấu triệt nội dung đức
tin như sự khôn ngoan của đức tin xảy ra trên hết nhờ quen thuộc với Thánh Kinh
và học sách Giáo
Lý của Hội Thánh Công Giáo, sách giáo lý của Hội Thánh địa
phương và các tài liệu Huấn Quyền.
144. Vì điều này mà giáo lý viên cần
biết:
· Những phần chính của lịch sử cứu
độ: Cựu Ước, Tân Ước, và lịch sử Hội Thánh, trong ánh sáng Mầu Nhiệm Vượt Qua của
Đức Chúa Giêsu Kitô;
· Điểm chính thiết yếu của sứ điệp
và kinh nghiệm Kitô giáo: Kinh Tin Kính, phụng vụ và các bí tích, đời sống luân
lý và cầu nguyện.
· Các yếu tố chính của Huấn Quyền
Hội Thánh về rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý.
Hơn
nữa, ở một phần của thế giới, nơi mà các truyền thống Hội Thánh cùng chung sống,
các giáo lý viên phải có những hiểu biết tổng quát về thần học, phụng vụ và kỷ luật
bí tích của các anh em mình. Cuối cùng, trong những bối cảnh đại kết và đa
nguyên về tôn giáo, cần phải chăm lo sao cho các giáo lý viên quen thuộc với những
yếu tố thiết yếu của đời sống và thần học của các Hội Thánh và các cộng đồng
Kitô hữu và các tôn giáo khác, ngõ hầu, với sự tôn trọng căn tính của mọi người,
cuộc đối thoại có thể trở nên chân chính và có kết quả.
145. Trong việc trình bày sứ điệp,
trong bất cứ trường hợp nào cũng phải chú ý đến việc phải được làm sao để sứ điệp
có thể được đón chào và đón nhận một cách tích cực. Cho nên cần phải tổng hợp:
· Đặc
tính chính xác và thuộc về lời rao giảng đầu tiên,
đến nỗi các yếu tố khác nhau của đức tin có thể được trình bày theo một cái
nhìn thống nhất và có hệ thống để có khả năng thu hút kinh nghiệm của con người.
· Đặc
tính kể chuyện của tường thuật Thánh Kinh, là điều “luôn luôn
đòi hỏi phải tiếp cận Thánh Kinh trong đức tin và trong Thánh Truyền của Hội
Thánh để cho Lời của Thánh Kinh được lĩnh hội như sống động […] và như thế giúp
cho mỗi tín hữu nhận ra rằng câu chuyện này cũng là một phần của chính đời sống
họ”.
· Một
kiểu dạy giáo lý của nội dung thần học, vốn lưu tâm đến các
điều kiện của đời sống con người,
· Một
sự hiểu biết về khoa hộ giáo, là khoa cho thấy rằng đức
tin không chống lại lý trí và làm nổi bật những chân lý về nhân học chính xác,
được soi sáng bởi lý trí tự nhiên; vai trò của preambula fidei (dẫn nhập vào đức tin)
được nhấn mạnh ngõ hầu “[khai triển] những tiếp cận và lý luận mới về tính đáng
tin cậy, một hộ giáo đầy sáng kiến có thể khuyến khích mọi người mở lòng ra nhiều
hơn với Tin Mừng”.
146. Cùng với lòng trung thành với
sứ điệp đức tin, giáo lý viên được mời gọi hiểu biết về con người trong sự cụ
thể của bối cảnh văn hóa xã hội mà trong đó họ sống. Như tất cả mọi Kitô hữu,
thậm chí hơn nữa là các giáo lý viên, phải “sống trong sự kết hợp rất mật thiết
với những người khác của thời đại họ và chớ gì họ cố gắng hoàn toàn hiểu cách
suy nghĩ và phán đoán của những người ấy, như được thể hiện trong văn hóa của họ”
(GS 62). Sự hiểu biết này có được qua kinh nghiệm và
không ngừng suy tư về nó, nhưng cũng nhờ sự đóng góp của các khoa học nhân văn,
theo ánh sáng của học thuyết xã hội của Hội Thánh; Trong số những điều này, nên
lưu ý cách đầy đủ đến khoa tâm lý học, xã hội học, sư phạm, các khoa học về
giáo dục, đào tạo, và truyền thông. Hội Thánh cảm thấy được mời gọi để tham gia
vào các khoa học này vì những đóng góp mà Hội Thánh có thể làm cho cả việc đào
tạo giáo lý viên lẫn chính tiến trình dạy giáo lý. Thực ra, thần học và các
khoa học nhân văn có thể phong phú hóa lẫn nhau.
147. Có một số tiêu chuẩn giúp xác định việc sử dụng
các khoa học nhân văn trong việc đào tạo giáo lý viên:
· Tôn
trọng tính tự trị của các khoa học: Hội Thánh “khẳng định
tính tự trị hợp pháp của nền văn hóa nhân loại và nhất là của các khoa học” (GS
59).
· Phân
định và lượng giá các thuyết khác nhau về tâm lý, xã hội và
sư phạm để có thể đánh giá cao giá trị và nhận ra những giới hạn của chúng.
· Sự đóng góp của các khao học
nhân văn được tháp nhập vào quan
điểm đức tin và dựa
trên khoa nhân học Kitô giáo.
Savoir-fair (kỹ năng): đào tạo về sư phạm và phương pháp
148. Trên bình diện kỹ năng,
giáo lý viên được đào tạo để lớn lên như một nhà giáo và người truyền thông.
“Giáo lý viên là nhà giáo biết tạo điều kiện thuận lợi cho sự trưởng thành đức
tin mà người dự tòng hay học viên giáo lý thực hiện với sự trợ giúp của Chúa
Thánh Thần. Điều đầu tiên phải quan tâm trong lãnh vực có tính quyết định này
là tôn trọng khoa sư phạm nguyên thủy của đức tin”.
Giáo lý viên, khi nhận ra rằng thính giả của mình là một người tích cực tham
gia mà trong họ ân sủng của Thiên Chúa làm việc cách năng động, sẽ tự cho mình
là một người điều hợp cách kính trọng một kinh nghiệm đức tin mà mình không điều
khiển.
149. Việc đào tạo về sư phạm của
giáo lý viên phải phát triển một vài thái độ trong họ, kể cả:
a. Khả năng tự do nội tâm và vô vị
lợi, sự tận tâm và kiên định để làm một nhân chứng đáng
tin cậy cho đức tin.
b. Tài chuyên môn về truyền thông
và kể chuyện về đức tin như khả năng trình bày lịch sử
cứu độ một cách sống động để người ta có thể cảm thấy là một phần của lịch sự ấy.
c. Sự trưởng thành của một tinh
thần giáo dục bao hàm việc sẵn lòng xây dựng các mối
liên hệ trưởng thành với những con người và khả năng hướng dẫn các hoạt động
nhóm, nuôi dưỡng việc linh hoạt hóa các tiến trình học hỏi cho cả cá nhân lẫn cộng
đồng.
d. Việc xử lý cách bình thản những
liên hệ giáo dục trong khả năng cảm thông của nó, hòa điệu
với thế giới nội tâm của người khác và sẵn sàng diễn tả cảm xúc của mình.
e. Khả năng chuẩn bị một lộ trình
đức tin hệ tại việc kể đến những hoàn cảnh văn hóa xã
hội; sử dụng các ngôn từ, kỹ thuật, và công cụ với óc sáng kiến; lượng giá.
Tuy
nhiên, tiến trình giáo dục, một khung cảnh giá trị cho việc phát triển và đối
thoại, là điều cũng bao gồm kinh nghiệm về các sai lầm và các giới hạn, đòi hỏi
phải kiên nhẫn và tận tâm. Thật là một ý tưởng tốt khi phát triển một sự sẵn
lòng để cho mình được giáo dục trong khi giáo dục người khác; thực ra, chính
kinh nghiệm là một phòng thí nghiệm của việc đào tạo mà trong đó việc học hỏi được
thâm thúy nhất.
150. Như một nhà giáo dục, giáo lý
viên cũng có chức năng là thành viên trung gian trong cộng đồng và thực thi tác
vụ dạy giáo lý với một thái
độ hiệp thông. Thực ra, giáo lý viên thực hành tiến
trình dạy giáo lý này không phải như một cá nhân, nhưng cùng với cộng đồng và
nhân danh cộng đồng. Vì lý do này, họ biết cách làm việc trong sự hiệp thông,
tìm cách tham gia với nhóm giáo lý viên và những người làm mục vụ khác. Hơn nữa,
họ được mời gọi chăm sóc cho phẩm chất của mối liên hệ và thúc đẩy các hoạt động
trong nhóm học viên giáo lý.
5. VIỆC ĐÀO
TẠO VỀ HUẤN GIÁO CHO CÁC ỨNG VIÊN CỦA BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
151. Trong quan tâm của Hội Thánh về
việc dạy giáo lý, có một hình thức trách nhiệm thuộc về những người được đào tạo
thành các thừa tác viên Lời Chúa qua bí tích Truyền Chức Thánh. Thực ra, phẩm
chất của việc dạy giáo lý trong một cộng đồng tùy thuộc một phần vào các thừa
tác viên có chức thánh là những người chăm sóc nó. Đó là lý do tại sao việc đào
tạo các ứng viên của bí tích Truyền Chức Thánh không thể thiếu kiến thức đặc biệt
về rao gỉảng và dạy giáo lý (x. OT
19). Một đào tạo đầy đủ cho các linh mục và phó tế vĩnh viễn tương lai trong
lãnh vực này trở nên rõ ràng qua những dấu chỉ cụ thể: say mê rao giảng Tin Mừng;
khả năng dạy giáo lý cho các tín hữu; khả năng đối thoại với nền văn hóa; tinh
thần phân định; sẵn sàng đào tạo các giáo lý viên giáo dân và làm việc với họ;
óc sáng tạo trong việc soạn thảo các lớp nhằm giáo dục đức tin; cùng những tiêu
chuẩn về đào tạo đã được trình bày cũng áp dụng cho các ứng viên của bí tích
Truyền Chức Thánh.
152. Cho nên trong các chủng viện
và các viện đào tạo cần:
a. Thấm
nhuần các ứng viên, qua việc đào tạo tâm linh, bằng một tinh thần truyền giáo
thúc đẩy họ công khai rao giảng Tin Mừng cho những người không biết nó và cũng
không bỏ bê việc giáo dục mọi người đã được rửa tội về đức tin;
b. Đảm
bảo những kinh nghiệm về lời rao giảng ban đầu và thực tập nhiều hình thức dạy
giáo lý khác nhau;
c. Dẫn
nhập họ vào một sự hiểu biết chi tiết và sâu xa của sách Giáo Lý của Hội Thánh Công
Giáo.
d. Khám
phá Nghi Thức Khai Tâm Kitô
giáo cho Người Trưởng Thành như một công cụ hữu ích cho
việc dạy giáo lý và hiệp nhiệm;
e. Trình
bày những chỉ dẫn của Hội Thánh địa phương tương ứng về việc dạy giáo lý;
f. Đảm
bảo một chỗ trong học trình cho việc nghiên cứu về khoa giáo lý, [tài liệu của]
Huấn Quyền về những vấn đề liên quan đến việc dạy giáo lý, về sư phạm và những
khoa học nhân văn khác.
153. Các Giám mục phải lo sao cho
những chỉ dẫn được nhắc đến ở trên được sát nhập vào các chương trình đào tạo
các chủng sinh và các ứng viên phó tế vĩnh viễn. Các ngài cũng phải chú ý nhiều
đến việc đào tạo về huấn giáo cho các linh mục, trên hết trong bối cảnh đào tạo
liên tục của họ. Mục đích của chú ý này là quảng bá việc đương thời hóa huấn
giáo và mục vụ cần thiết để thúc đẩy một sự kết hợp chặt chẽ hơn và trực tiếp
hơn của các linh mục với sinh hoạt giáo lý đồng thời giúp họ cảm thấy liên hệ với
hoạt động đào tạo giáo lý viên.
6. CÁC
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO
Các trung tâm đào tạo căn bản cho giáo lý viên
154. Các trung tâm đào tạo căn bản
cho giáo lý viên, dù của giáo xứ, liên giáo xứ, hay giáo
phận, có nhiệm vụ trình bày một chương trình đào tạo cơ bản có hệ thống. Thật
là một ý tưởng tốt để cung cấp một chương trình đào tạo về những nội dung cơ bản,
trình bày một cách đơn giản, nhưng với một kiểu đào tạo đầy đủ để thỏa mãn nhu
cầu hiện tại. Việc đào tạo này, vốn có giá trị hệ thống bởi vì nó truyền đạt một cái
nhìn tổng quát, phải có chất
lượng cao và được đảm bảo bởi việc sử dụng các nhà đào tạo
chuyên môn với một kinh nghiệm mục vụ tốt và nhạy cảm. Vì việc đào tạo cũng
cung cấp các cơ hội để biết và chia sẻ tư tưởng với các giáo lý viên khác, nó
cũng nuôi dưỡng sự hiệp thông của Hội Thánh.
Các trung tâm chuyên nghiệp cho các nhân viên
và lãnh đạo giáo lý
155. Các trung tâm chuyên nghiệp,
dù là giáo phận, liên giáo phận, hay quốc gia có mục đích cổ võ việc đào tạo những
người điều hành và các nhân viên của nghành dạy giáo lý, hoặc các giáo lý viên
có ý định chuyên môn bởi vì họ dấn thân vào việc phục vụ này một cách vững chắc
hơn. Mức độ đào tạo của các trung tâm này là mức độ đòi hỏi hơn và như thế việc
tham dự cũng cường độ hơn và kéo dài trong một thời gian. Bắt đầu với một nền tảng
đào tạo được chia sẻ giữa bản chất xã hội và nhân học để trở thành những phòng
thí nghiệm của việc đào tạo có tinh thực nghiệm hơn, các trung tâm này vun trồng
những ngành chuyên môn về huấn giáo coi như cần thiết cho các đòi hỏi riêng của
các miền của Hội Thánh. Các trung tâm này phải có một khả năng đặc biệt để cổ
võ việc đào tạo các nhân viên có khả năng để đến phiên họ đảm bảo việc đào tạo
liên tục các giáo lý viên khác, và vì lý do này phải cảm thấy sự cần thiết của
việc đồng hành cách cá nhân của các tham dự viên. Có thể thích hợp để các nguồn
tài nguyên của các trung tâm này, với sự cộng tác của các văn phòng mục vụ khác
của giáo phận hay của Hội Thánh địa phương, được cung cấp cho các nhân viên của
các nghành mục vụ khác nhau, trở thành trung tâm đào tạo cho những người làm
mục vụ.
Các học viện cao đẳng
cho các nhà chuyên môn về huấn giáo
156. Các
học viện cao đẳng cho các nhà chuyên môn về huấn giáo, dù thuộc về quốc gio hay quốc tế, cung cấp cho
các linh mục, các phó tế, những người được thánh hiến, và giáo dân một chương
trình đào tạo ở mức độ cao, nhằm mục đích chuẩn bị các giáo lý viên có khả năng
điều hợp việc dạy giáo lý ở cấp giáo phận hoặc trong lãnh vực các hoạt động của
các dòng tu. Các học viện cao đẳng này cũng đào tạo các giáo sư về huấn giáo
cho các chủng viện, các viện đào tạo của dòng tu, hay các trung tâm đào tạo
giáo lý viên, hoặc cổ võ việc nghiên cứu về huấn giáo. Các học viện này được cấu
trúc như các học viện thật của đại học về tổ chức học trình, thời gian kéo dài của các
môn học, và các điều kiện nhập học. Vì tầm quan trọng của chúng trong sứ vụ của
Hội Thánh, hy vọng rằng các học viện đào tạo giáo lý hiện có được nâng cao và
các học viện mới được phát sinh. Các Giám mục phải đặc biệt chăm lo trong việc
chọn lựa những người được gửi đến và nâng đỡ những trung tâm học thuật này để
không bao giờ thiếu những chuyên gia trong việc dạy giáo lý trong giáo phận của
mình.