Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Lê Quang Uy, DCCT
Bài Viết Của
Lm. Lê Quang Uy, DCCT
CHUYỆN BÉ ĐẶNG MAI SƯƠNG ĐÌNH
"NHƯ GÀ MẸ Ủ ẤP CON DƯỚI CÁNH…"
700 SỐ BÁO – 700 HẠT MẦM NỞ HOA
CỨU TRỢ BÀ CON MIỀN TRUNG ĐANG CHỊU THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG
DỌN NHÀ, DỌN LÒNG…
KHÓA "VUI SỐNG TIN MỪNG"
ĐẦU NĂM MỪNG TUỔI… “NHÓM TOBIA”
THÔNG BÁO GHI DANH KHÓA GIÁO LÝ HÔN NHÂN AGAPE 26 CỦA TRUNG TÂM MỤC VỤ DCCT
MỜI GỌI GHI DANH THEO KHÓA KỂ CHUYỆN GIÁO LÝ TỔ CHỨC TẠI TRUNG TÂM MỤC VỤ DCCT
MỤC TỬ NHƯ LÒNG… DÂN MONG ƯỚC !
TẠI SAO NGƯỜI TA LẠI... ?
MẸ HẰNG CỨU GIÚP, XIN CỨU GIÚP CHÚNG CON
LỜI TUYÊN TÍN VÀO CHÚA GIÊSU CỨU THẾ
LỄ CHÚA CỨU THẾ - TIN HOẶC KHÔNG TIN
“TRÁNH QUA BÊN KIA MÀ ĐI...”
NẺO ĐƯỜNG HỒN NHIÊN CỦA TIN MỪNG ( Kỳ 12 ): Tờ lịch Tin Mừng
“TRỜI HÀNH CƠN LỤT MỖI NĂM…”
CẦU SIÊU, CẦU AN, VÀ CẦU NGUYỆN NỮA !
“HỠI ÔI, BÀ LÀ CHÚA BÀU CHÚNG CON…”
PHÉP LẠ “BÌNH AN HÓA NHIỀU” CHO TAM TÒA, CHO CẢ HỘI THÁNH VIỆT NAM
ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC !”
VÌ TÔI LÀ LINH MỤC…
MÓN NỢ KHỔNG LỒ VÀ KINH KHỦNG VỚI CÁC THAI NHI
NGÀY GHI ƠN BỐ – FATHER’S DAY
CUỘC “TRƯỜNG CHINH” BẢO VỆ SỰ SỐNG
“THÁNH THẦN, KHẤN XIN NGỰ ĐẾN...”
“CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG VỚI...”
“YÊU NHƯ THẦY YÊU...”
CHÚA LÀ CÂY - CON LÀ CÀNH - CHÚA LÀ BIỂN XANH - CON LÀ DÒNG SUỐI NHỎ
“TÔI BIẾT CHIÊN CỦA TÔI, VÀ CHIÊN CỦA TÔI BIẾT TÔI”
“HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ”
DÒNG SÔNG DÀI, BÊN LỞ BÊN BỒI...
“CON KIẾN MÀ KIỆN CỦ KHOAI !”
“XIN CHO CHÚNG CON HẰNG NGÀY... THẤT NGHIỆP !”
NHỚ “CỤ HỒNG” CỦA CHÚNG CON
ĐỔ MỒ HÔI – SÔI NƯỚC MĂT
“LÌ XÌ CHO... CHÚA GIÊSU”
MỘT ĐẤT NƯỚC CÓ RẤT NHIỀU ĐÊM THẮP NẾN NGUYỆN CẦU
BUỒN VUI LỄ GIÁNG SINH
“NGÀI ĐÃ ĐẾN NƠI NHÀ MÌNH, NHƯNG NGƯỜI NHÀ...”
NẺO ĐƯỜNG HỒN NHIÊN CỦA TIN MỪNG ( KỲ 12 ): TỜ LỊCH TIN MỪNG

Xin kính chuyển thư của cha Lê Quang Uy chia sẻ một kinh nghiệm giản dị: Tặng lịch mừng Xuân

Hà Nội, ngày 1.3.2010

Cha Võ Tá Khánh thân mến,

Đọc loạt bài cha đang viết với tựa đề “Những nẻo đường hồn nhiên của Tin Mừng”, con nhận ra mình có thể sống Đạo rồi lại có thể giới thiệu Đạo mình cho người khác bằng những cách thức rất giản dị, bình dân, nhẹ nhàng, dễ thương, thân tình, mà lại rất Á Đông, rất... Việt Nam nữa chứ ! Nương theo đó, con bắt đầu mày mò phát hiện ra những “nẻo đường hồn nhiên” tương tự. Con tự nhủ, khi nào tìm được sẽ phải viết ngay cho cha đế khoe, chắc cha cũng sẽ chia sẻ lại cho mọi người, và cứ thế những “nẻo đường” ấy cứ mở ra thêm, chạy đi, len vào giữa đời mà gặp gỡ con người.

Thế rồi, hôm qua, khi đang đi giảng Tiền Phúc ở một Xứ Đạo nhà quê cách Hà Nội không xa, con có dịp ngồi ăn bữa trưa chung bàn với một anh cán bộ đứng tuổi. Thoạt đầu con hơi dè dặt, “phản xạ phòng thủ tự vệ” ấy mà, nhưng chỉ sau vài câu chuyện qua lại, có cả nhiều anh em khác đã quen từ lâu, con thấy thân với anh ngay. Anh ấy là đảng viên mà lại vẫn dứt khoát không bỏ Đạo.

Có lẽ hoàn cảnh khắc nghiệt ở miền Bắc những năm trước đây đã đưa đẩy anh vào dòng chảy chung của cuộc sống dưới chế độ duy vật vô thần. Do gốc Đạo, lại hễ có dịp là vẫn tuyên xưng lòng tin vào Chúa cách thẳng thắn công khai, anh gặp không ít nghi kỵ, chèn ép, cả trù giập nữa, nhưng nhờ cái tâm trong sáng và thực tài mà người ta không thể loại bỏ anh được, cuối cùng thì anh cũng gặp người tốt hiểu anh, tin anh, đưa anh về làm trong ngành hàng không dân dụng.

Ngoài thời gian công tác cho xã hội, anh chơi thân với các bạn sinh viên Công Giáo, giúp các bạn như một ông bố, một người anh lớn, một người bạn vong niên. Một lần gần đến Tết, anh nẩy ra một sáng kiến và nhờ các bạn sinh viên giúp ngược lại mình. Anh đến Nhà Sách Đức Mẹ ở Giáo Xứ DCCT Thái Hà hỏi mua vét luôn mấy chục bó, mỗi bó 10 tờ lịch cả năm, loại một tấm, giá mỗi tờ chỉ hai nghìn.

Trên tờ lịch ngoài phần in 12 tháng là chân dung Chúa Giêsu, hoặc chân dung Đức Mẹ thật to, thật đẹp. Nhiều tờ lại in ảnh vẽ Chúa Giêsu khi còn bé ở với Thánh Giuse và Mẹ Maria, hoặc lúc đang giảng dạy giữa đám đông, đang ngồi ở bữa Tiệc Ly, đang Phục Sinh vinh quang, đang được cất lên trời cao, toàn là lấy lại các tuyệt phẩm hội họa nổi tiếng. Cũng nhiều khi là ảnh Đức Mẹ theo nhiều danh hiệu: Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ Mai Khôi, Mẹ Phù Hộ, Mẹ ban ơn, Mẹ La Vang, Mẹ Fatima, Mẹ Lộ Đức...

Tính ra anh tiêu hết ngót nghét triệu bạc, một số tiền không đáng là bao so với những mua sắm xa xỉ dịp Tết. Nhưng không ai ngờ, năm trăm tờ lịch Công Giáo ấy được các bạn sinh viên chia nhau bọc lại cẩn thận mang theo trong balô túi xách, về quê ăn Tết, tỏa ra như những rẽ quạt, từ Hà Nội đi khắp các tỉnh chung quanh như Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Hòa bình, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, xuôi vào miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, lại cũng ngược lên phía Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, qua cả Tây Bắc với Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, về tận các làng quê vùng sâu vùng cao nghèo xơ nghèo xác.

Đương nhiên gia đình các bạn sinh viên, rồi họ hàng bà con thân thích, mỗi nhà được tặng một tờ lịch, nhưng ưu tiên vẫn là các nhà hàng xóm không Công Giáo trong thôn, trong làng. Chỉ cần mang đến tận nhà, lễ phép chào gia đình rồi thưa: “Chúng con Tết nhất, có chút quà Hà Nội kính biếu các cụ, các bác và cả nhà...” Của đáng tội, lịch chụp mấy cô người mẫu ưỡn ẹo, cảnh xe hơi biệt thự phù phiếm, quảng cáo giường nệm bàn ghế vớ vẩn với lại sữa bột cho trẻ em linh tinh, v.v... mà người nhà quê còn thích, đem treo đầy lên tường nhà, huống chi đây là ảnh Đạo, toàn Chúa với Đức Mẹ thiêng liêng với nét mặt hiền hòa nhân ái, không phải người Công Giáo thì cũng vẫn tự nhiên mà kính trọng đặc biệt, chắc chắn sẽ tìm được chỗ xứng đáng đế treo, thường là gần bàn thờ gia tiên, nơi ai cũng có thể thấy rõ và tôn kính.

Xin ghi chú thêm là những tờ lịch Đạo như thế này, nếu người thiết kế chịu khó đưa thêm một câu Kinh Thánh nữa thì thật quý, ví dụ: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” ( Mt 5, 9 ); “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người chót hết, và làm người phục vụ mọi người” ( Mc 9, 35 ); “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” ( Lc 6, 31 ); “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” ( Ga 15, 17 )... Khi ấy tờ lịch mừng Xuân sẽ gom thêm chức năng của một tờ Lộc Thánh Lời Chúa cho cả năm.

Theo anh cán bộ người Công Giáo dễ thương kể lại từ những chia sẻ của các bạn sinh viên sau đợt nghỉ Tết về lại Hà Nội, không có nhà nào dị ứng, từ chối món quà giản dị đơn sơ mà lại đẹp và... “tâm linh” như thế, kể cả chủ nhà có là bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc công an xã đi nữa. Mấy hôm sau, có dịp ngang qua, liếc vào, các bạn thấy nhà nào cũng đều đã treo tờ lịch lên, thượng tôn trang trọng. Đến dịp hè, nhiều bạn sinh viên lại về quê, đến chơi nhà vẫn thấy còn đó, chắc có lẽ nhiều lần bị gió thổi tung, tờ lịch cũng có phần nhăn nheo, cũ kỹ đi. Nhiều dòng chữ ghi chú nguệch ngoạc ở các ô ngày tháng cho thấy nó đã được tận dụng triệt đế, nghĩa là nó đã đi thẳng vào giữa cuộc nhân sinh thường nhật của người ta, lại cũng suy được rằng: ánh mắt Chúa Giêsu, nụ cười Mẹ Maria cùng với từng chữ từng câu Lời Chúa khuyên dạy quá tốt lành nhân ái đã thật sự trở thành Tin Mừng cho cả vợ chồng con cái người ta, cho cả bao nhiêu là lượt khách đến chơi nhà. Ngày này qua ngày khác, mưa lâu thấm đất !

Cha Võ Tá Khánh thân mến,

Ăn xong bữa cơm cũng là vừa nghe hết câu chuyện. Uống chén nước chè Bắc Thái thơm dịu mà vị ngọt lạ lùng, con buột miệng cám ơn anh cán bộ. Con bảo:

“Hay quá anh ạ, thế này thì em sẽ bắt chước, lại sẽ kể cho nhiều người khác nữa cũng bắt chước anh. Bây giờ dẫu đã qua Tết mất rồi, nhưng không sao, chắc chắn các nơi bán sách báo, lịch và ảnh tượng Đạo sẽ còn tồn kho những tờ lịch chưa kịp bán, em sẽ mua vét cho bằng hết, có khi được giá rẻ, không chừng còn được cho không nữa. Rồi khi đi giảng Đại Phúc các nơi, em và các thầy các cha DCCT sẽ có dịp đến thăm rất nhiều gia đình người bên giáo lẫn bên lương ở các miền quê, sẽ trao tặng “món quà nhỏ mà giá trị to” này theo cách thức anh và các bạn sinh viên đã làm. Đương nhiên đến Tết những năm sau, em sẽ không quên gửi gắm các tờ “Lịch Tin Mừng” theo bước chân các bạn sinh viên, các bạn trẻ Xa Quê, về và lưu lại khắp các làng dưới thôn trên. Cám ơn anh nhiều lắm...”

Thưa cha, có lẽ con còn phải cám ơn anh ấy thêm chút xíu nữa, vì nhờ câu chuyện tờ lịch mừng Xuân, hôm nay con đã viết được lá thư này chia sẻ một sáng kiến truyền giáo với cha, người đang tận tụy giới thiệu những “nẻo đường hồn nhiên của Tin Mừng” cho mọi người gần xa.

Kính thư,

Lm. LÊ QUANG UY, DCCT

Tác giả: Lm. Lê Quang Uy, DCCT

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!