Hỏi:
Xin cha giải thích rõ nguy cơ của sự giầu có
của cải vật chất đối với ơn cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng hạnh phúc vĩnh cửu
với Chúa mai sau trên Thiên Đàng.
Trả lời:
Trong Tin Mừng Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ
như sau:
"Thầy
bảo thật anh em: người giầu có khó vào Nước Trời. Thầy nói cho anh em biết: Con
lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa" (Mt 19:
23-24; Mc 10:25).
Chúng ta hiểu
thế nào cho đúng về lời Chúa nói trên đây?
Chúa Giêsu đã
nói với các môn đệ những lời trên đây trong hoàn cảnh một thanh niên giầu có đến
gặp Chúa và muốn đi theo Chúa. Nhưng anh đã buồn rầu quay đi vì không thể
nghe theo lời Chúa bảo anh về bán hết tài sản của mình để cho người nghèo.. rồi
trở lai đi theo Chúa. Anh đã buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải (Mc 10:
17-22). Chính vì anh không thể từ bỏ sang giầu ở đời này để đổi lấy kho tàng phú
quí vĩnh cửu trên Trời, nên Chúa mới nói thêm với các môn đệ như sau: "Những
người giầu có thì khó vào Nước Thiên Chúa biết
bao!" (cf Mc 10:23)
Như vậy có
phải Chúa lên án những người giầu có ở thế gian này không ?
Trước khi trả
lời câu hỏi này, thiết tưởng cần nói qua về tầm quan trọng và sự cần thiết phải
có tiền bạc cho đời sống của con người trên trần thế này.
Thật vậy, đời sống con người bao gồm cả hai mặt tinh thần và thể
xác. Do đó, không thể chú trọng về mặt này mà bỏ quên mặt kia. Không thể chỉ đề
cao đời sống tinh thần mà quên lãng hay lơ là những nhu cầu chính đáng của thân
xác như phải có cơm ăn, áo mặc nhà ở và phương tiện di chuyển. Ở Mỹ, người đi
rửa chén, hầu bàn ăn trong các nhà hàng cũng phải có xe hơi để đi làm, không
riêng gì những công tư chức đi làm ở các công sở. Do đó, thỏa mãn những nhu cầu
chính đáng cho đời sống vật chất là điều tối cần cho mọi người sống trên đời này
và phù hợp với đạo đức. Nhưng muốn thỏa mãn những nhu cần chính đáng đó, thì
nhất thiết phải có tiền và những phương tiện vật chất cần thiết cho một đời sống
hợp với nhân phẩm. Do đó, không có gì là sai trái khi mọi người
phải làm việc, hoặc buôn bán để kiếm tiền nuôi sống bản thân và
gia đình. Giáo Hội cũng cần tiền để chi phí cho những nhu cầu thiêng liêng và
mục vụ như phúc âm hóa thế giới, đào tạo chủng sinh, trợ giúp các xứ truyền
giáo, các địa phận nghèo ở Phi Châu và Á Châu v.v…
Như thế,
không ai có thể ngây thơ nói rằng chỉ cần tinh thần chứ không cần tiền hay của
cải vật chất. Sự thật phải nhìn nhận là con người nói chung và Giáo Hội nói
riêng đều cần có tiền và phương tiện vật chất tối thiểu để chi phí cho những
nhu cầu rất cần thiết.
Nhưng có tiền
để chi dùng vào những mục đích chinh đáng thì khác xa với lòng ham mê tiền của
tôn thờ tiền bạc ( Cult of money) như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh cáo.
Là người tín
hữu Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi và mong đợi sống quân bình giữa các nhu cầu
về thể lý và tinh thần để nâng cao tâm hồn lên cùng Chúa là cội nguồn của mọi
sang giầu và an vui vĩnh cửu.Người không có tín ngưỡng thì tiền bạc, của cải vật
chất và danh vọng trở thành mục đích tôn thờ, yêu mến của họ. Người tín hữu
Chúa Kitô, ngược lại, phải tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi sự, và chỉ coi tiền
bạc, của cải vật chất kể cả danh vọng như phương tiện tốt để sống hữu ích cho
bản thân và làm việc bác ái mà thôi. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã chúc phúc
cho "những ai có tâm hồn nghèo
khó vì Nước Trời là của họ." (Mt 5:3)
Có tâm hồn
nghèo khó thì không làm nô lệ cho tiền của, cho sự giầu sang chóng qua ở trần
gian này, đến nỗi quên mất hay coi thường kho tàng trên Trời "nơi
mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không
đào ngạch mà lấy đi được." (Mt 6: 20; Lc 12: 33)
Không phải
chỉ người tín hữu giáo dân cần có tâm hồn nghèo khó, mà cách riêng, các giáo sĩ
và tu sĩ phải là những người nêu gương sáng trước tiên về tinh thần khó nghèo
của Phúc Âm để việc phục vụ của mình không phải là phương tiện để kiếm tiền và
của cải vật chất. Cụ thể linh mục không nên chỉ nhận làm lễ có bổng lế ( mass
stipend) cao và từ chối lễ có bổng lễ thấp hay không có bổng lễ., nhất là bày ra
“lễ đời đời” để lấy nhiều tiên của giáo dân không am hiểu về loại lễ này.Đươc
biết, có nơi đòi mười ngàn hay cả hai mươi ngãn để dâng lễ đời đời.! Không có
giáo lý, giáo luật nào cho phép thực hành có tính buôn thần bán thánh này( tội
Simonia) trong Giáo Hội hoàn vũ hay Giáo Hội địa phương. Chắc chắn như vậy.
Để sống tinh thần khó nghèo của
Phúc Âm, mọi giáo sĩ ( Phó tế ,linh mục, giám mục) và tu sĩ cũng không nên làm
thân với người giầu có để thủ lợi cho mình và coi thường người nghèo vì không
có lợi gì khi giao du với họ. Ở một địa phương kia có tệ trạng này là người nhà
giầu chết thì được đem xác vào trong nhà thờ và được cha xứ tiễn đưa ra tận
nghĩa trang, trong khi người nghèo thì phải để xác ngoài nhà thờ và chỉ có ông
Trùm tiễn đưa ra nghĩa trang với :”nghi thức ông Trùm” ! Đây là một thực trạng
đáng buồn mà vì lương tâm và lòng yêu mến Giáo Hội tôi phải bất đắc dĩ nói
thêm một lần nữa chứ không hề có ác ý đả phá ai để làm gì. Chúa nói : ‘Ai
có tai nghe thì nghe.” ( Mt 13:
43 ;\; Mc 7:16; Lc 8 :8 )
Trở lại vấn
đề nghèo khó nội tâm, người có nhiều tiền bạc và của cải vật chất vẫn có thể
sống nghèo khó vì không tôn thờ hay làm nô lệ cho tiền bạc. Trái lại, chỉ dùng
tiền bạc và của cải vật chất làm phượng tiện sống hữu ích cho mình và thực thi
bác ái với anh chị em kém may mắn hơn mình ; cụ thể là chia sẻ, giúp đỡ những
người nghèo khó thực sự về vật chất như không đủ cơm ăn, áo mặc và vô gia cư. Sử
dụng tiền của vào những mục đích này chắc chắn là điều đẹp lòng Chúa và mưu ích
thiêng liêng cho những ai giầu có mà biết khôn ngoan dùng tiền của để làm giầu
trước mặt Chúa để mua lấy "Kho
tàng Nước Trời,
nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp
không đào ngạch mà lấy đi được” như Chúa Giêsu đã nói với người
thanh niên giầu có trong Tin Mừng Marcô. ( Mc 10: 21)
Ngược lại, để
chỉ rõ mối nguy hại của sự giầu có mà thiếu bác ái, Phúc Âm thánh Luca kể dụ
ngôn về người giầu có bị phạt xuống hỏa ngục trong khi người nghèo La-z a-rô
được vào Thiên Đàng bên Tổ Phụ Abraham (Lc 16: 19-26). Người giầu bị phạt không
phải vì tội giầu có, phú quý khi còn sống trên đời này mà bị phạt vì không có
lòng bác ái, không chút tình thương người nghèo La-da-rô hằng ngày ngồi ăn xin
trước cửa nhà mình mà không được bố thí cho chút của ăn dư thừa.
Cụ thể hơn
nữa là Dụ ngôn ngày Phán xét chung trong Phúc Âm Thánh Matthêu, Chúa Giêsu (Đức
Vua) sẽ nói với những người đứng bên trái như sau:
"Quân
bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho
tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các người đã không cho ăn; Ta
khát các người đã không cho uống...Ta trần truồng các người đã không cho mặc;
Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom…" (Mt 25: 41-43)
Như thế rõ
ràng cho thấy, về một phương diện, Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi những người
khèo khó, đói rách, bệnh hoạn và tù đầy. Và Người mong đợi những ai giầu có,
sẵn phương tiện vật chất hãy mở lòng bác ái thương giúp những anh chị em xấu số,
đang sống kiếp nghèo hèn trong mọi xã hội chuộng vật chất, ích kỷ, vô luân và
phi nhân bản ở khắp nơi trên thế giới tục hóa ngày nay.
Chúa Giêsu
đến trần gian để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội, nhưng Người không
tiêu diệt hết tội lỗi , bệnh tật, tai ương và nghèo đói trong trần gian này.
Những thực tại này còn tồn tại đó để cho con người phải chiến đấu chống lại tội
lỗi mà lập công, cũng như có dịp tốt để thi hành bác ái đối với những người
nghèo khó, đau yếu bệnh tật, hoặc gặp những tai biến như động đất, sống thần
(Tsunami) bão lụt, hỏa hoạn …ở khắp nơi trên thế giới...
Những người
bị Chúa quở phạt trên đây là những kẻ, khi còn sống, có phương tiện vật chất dồi
dào nhưng đã không biết chia sẻ, thương giúp những người nghèo khó. Cho nên sự
giầu có của cải vật chất đã trở thành trở ngại cho họ được vào Nước Trời để
hưởng vinh phúc giầu sang bất diệt với Chúa.
Điều nguy hại
lớn nhất của lòng ham mê tiền của và sang giầu ở đời này là nó khiến con người
trở nên ích kỷ, lãnh cảm (numb, insentivive ) trước sự đau khổ vì nghèo đói của
biết bao đồng loại ở khắp mọi nơi trên thế giới – và tệ hại hơn nữa – là bóc
lột người khác cách tàn nhẫn để làm giầu cho mình. Ham mê tiền của cũng dẫn đưa
con người đến chỗ phản bội, quên tình quên nghĩa với người khác kể cả ân nhân
của mình. Đó là trường hợp của Giuđa It-ca-ri-ôt, một trong 12 môn đệ của Chúa
Giêsu đã bán Thầy lấy 30 đồng bạc và thất vọng đi treo cổ tự tử sau đó. (Mt 27:
5)
Như vậy, ham
mê của cải, tiền bạc ở trần gian này là mối nguy hại và là trở ngại lớn nhất
cho những ai muốn tìm sự sang giàu của Nước Trời.
Và chính vì
mối nguy hại đó mà Chúa phải cảnh giác chúng ta chớ nên ham mê tiền của ở đời
này đến nỗi không còn mong muốn tìm kiếm sự sang giầu đích thực của Nước Trời,
nơi trộm cắp không thể lấy được. Nói khác đi, chỉ những ai giầu có mà không
biết dùng của cải vào việc mưu ích cho phần rỗi của mình và giúp ích cho người
khác thì mới đáng bị chê trách mà thôi. Ngược lai, nếu biết dùng tiền của như
phương tiện hữu ích để thực thi đức ái thì chắc chắn không có gì phải phiền
trách.
Tóm lại, Chúa
không lên án những người giầu có chỉ vì họ giầu có mà vì có những người giầu làm
nô lệ cho tiền của đến nỗi tôn thờ nó thay vì chỉ phải tôn thờ một mình Thiên Chúa
trên hết mọi sự, như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ xưa: "Anh
em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền
của được." (Mt 6: 24)
Xin Chúa cho
chúng ta sự khôn ngoan của Phúc Âm để biết dùng tiền của và mọi phương tiện vật
chất ỏ đời này để tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho phần rỗi của mình và cho
người khác.Amen
LM Phanxicô
Xaviê Ngô Tôn Huấn