Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
ĐỨC TGM CORDILEONE CẤM CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HOA KỲ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
ĐỂ NHỚ ĐẾN TA
ĐỨC GIESU PHỤC SINH VÀ BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT
VÀI SUY TƯ VỀ THÔNG ĐIỆP “YÊU THƯƠNG TRONG SỰ THẬT” CARITAS IN VERITATE

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, M.D.

 

Tư tưởng của  Đức Thánh Cha (ĐTC) Benedict (Biển Đức) XVI rất cao siêu. Cách viết của ngài lại rất khó hiểu, thành thử muốn hiểu thông điệp của ngài đòi hỏi người đọc phải đọc đi đọc lại thật cẩn thận nhiều lần. Thông điệp Yêu Thương trong Sự Thật / Caritas in Veritate của ĐTC Biển Đức XVI có rất nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ và học hỏi. Người viết chỉ xin đóng góp vài suy tư mà thôi.

 

THÔNG ĐIỆP LINH HỨNG, KHÔNG PHẢI CHÍNH TRỊ.

 

Thông điệp Yêu Thương và Sự Thật / Caritas in Veritate của ĐTC Biển Đức XVI không phải là một thông điệp chính trị mà đúng ra là một linh hứng[1] diễn tả tình Yêu Thương trong Sự Thật để hướng dẫn đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta và của cả cộng đồng xã hội. Nó cũng không phải là giải pháp thứ ba khác với giải pháp của Tư Bản và Cộng Sản để tìm kiếm một loại “thiên đàng địa giới”.

 

Đây chính là học thuyết xã hội của Giáo Hội, một phần của phương pháp hoành dương Tin Mừng là tuyên xưng “Chúa Kitô Chịu Chết và Sống lại” mà Giáo Hội đã, đang và sẽ rao truyền cho mọi người trên mặt đất này qua mọi thời đại và là biểu tượng của đời sống xã hội.

 

Vì vậy thông điệp không thể đọc ngoài khung cảnh của Tin Mừng Phúc Âm Chúa. Linh hứng hay Mạc khải cũng là chìa khóa hướng dẫn mở ra cho đời sống người dân. Nguyên tắc của học thuyết xã hội này không đơn thuần có tính triết lý mà nó bắt nguồn từ Chúa Kitô và Lời của Người.

 

NIỀM TIN NHẬP THỂ

 

Thông điệp Yêu Thương trong Sự Thật là thông điệp tiếp nối vấn đề ĐTC Biển Đức XVI đã nói tới trong thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu / Deus Caritas est. “Tình Yêu Thương là chính lộ mà học thuyết xã hội của Giáo Hội đã vạch ra”. Học thuyết xã hội công giáo không đề nghị một hệ thống chính trị hay lý tưởng nào, nhưng vẽ ra một Con Đường mà mọi Kitô hữu phải thề hứa nhập tâm tin theo khi chấp nhận phép thánh tẩy.

 

Điểm chính yếu trong học thuyết này là Sự Quan Trọng của Con Người. “Yếu tố chính và tiên khởi cần phải được bảo toàn và giữ vững giá trị của nó là Con Người, một con người toàn vẹn xác hồn với đầy đủ các yếu tố nhân phẩm, nhân vị, nhân quyền và tự do….”. Con người là hình ảnh Thiên Chúa. Do đó “vấn nại xã hội nguyên thủy đang trở thành một vấn nạn về phát triển con người về mọi phương diện từ văn hóa, xã hội cho đến thể chất và vật chất, bao gồm cả nguồn gốc, tiến hóa, phân phối, phong tục tập quán và niềm tin tôn giáo….” .

 

Tuy nhiên không thể coi con người đơn giản chỉ là vật chất mà không đếm xỉa đến khía cạnh tinh thần. Do đó ĐTC đã quả quyết “Phát triển không thể thành công được nếu không giúp đỡ để đưa con người đi đến thiện hảo”.  ĐTC đã kết thúc thông điệp là phải cầu nguyện, xin Chúa canh tân con người chúng ta để chúng ta có thể sống và được sống trong tình yêu thương và công lý.

 

Người Kitô hữu không đơn giản –ĐTC nói- là những kẻ bị thấm nhập lôi kéo bởi một nền văn hóa hiện đại chuyên phê bình chỉ trích, chỉ biết ngồi quan sát và phản đối,. Chúng ta phải tự mình sửa đổi, cải tiến và dấn thân tích cực hành động để tạo dựng một nền văn hóa mới trong Chúa. Điều này trong thực tế chúng ta đã thấy nơi cả những thành viên cao cấp của Giáo Hội cũng như từng cá nhân và đoàn thể / hội đoàn”.

 

TƯ BẢN HAY CHỐNG TƯ BẢN: Loại bỏ cấu trúc của tội lỗi

 

Yêu Thương trong Sự Thật không phải là một thông điệp chống tư bản, nhưng nó “kết án tư bản khi mà tư bản trở thành chuyên chế”. Stefano Zamagni, giáo sư kinh tế đại học Bologna và là tham vấn của Ùy Ban Công Lý và Hòa Bình nhận xét “thông điệp nhắm vào tư bản chủ nghĩa trong hoàn cảnh lịch sử của nó” và lặp lại rằng “không có một hệ thống kinh tế nào có thể bảo đảm cho hạnh phúc con người”.

 

Về mặt này, giáo sư nhận định: “Giáo Hội không đề nghị cũng như không khai triển những phương pháp thực hành để giải quyết những xáo trộn kinh tế, nhưng Giáo Hội nhìn thẳng vào nguyên cớ của những xung đột va chạm trong xã hội. Lấy thí dụ nếu chúng ta hủy bỏ một món nợ mà không thay đổi căn nguyên phát sinh ra nợ nần thì trong vòng chừng 15 năm sau, chúng ta lại mắc vào một món nợ khác như cũ. Vậy thì vấn đề là “phải phân tích rồi thay đổi những căn nguyên / cấu trúc của tội lỗi và sai lầm”.

 

Làm thương mại để sinh lời thì lợi nhuận không phải chỉ chạy vào túi của ông chủ hay hệ thống tổ chức tư bản mà còn phải được san sẻ cho những người tham dự vào thị trường. Đừng ngoài miệng tuyên bố là “xã hội chủ nghĩa”, nhưng thực tế lại thi hành độc tài, ức hiếp, bóc lột lao công thợ thuyền….

 

Như vậy thì là Tư Bản hay Xã Hội?  Nên nhớ đặc tính của học thuyết xã hội là mọi cấu trúc, yếu tố tạo thành xã hội phải luôn luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt tập thể..

 

Tổ chức nào là đại diện cho cả thế giới? Phải chăng là Liên Hiệp Quốc (LHQ)?

 

CẢI TỔ LIÊN HIỆP QUỐC

 

ĐTC Biển Đức XVI đã gợi ý cần phải cải tổ lại cơ cấu tổ chức của LHQ như ngài đã nêu lên trong phần cải tổ cấu trúc kinh tế tài chính thế giới. Ngài quả quyết đây là điều kiện cần “để điều hành nền kinh tế thế giới, để  khôi phục lại nền kinh tế hiện đang bị tuột dốc, để tránh những xáo trộn và mất thăng bằng có thể xẩy ra do cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới hiện nay. Có vậy mới có thể  sửa chữa kịp thời và trọn vẹn hầu có được đảm bảo thực phẩm và hòa bình thế giới cũng như bảo vệ được môi trường và điều hòa di dân”.

 

LHQ hiện có 191 nước thành viên, trong đó quá nửa là những nước đã có mặt từ khi LHQ mới thành lập. Vậy là không cân xứng và công bằng. Việc này đã được ĐTC Gioan XXIII nói tới trong thông điệp Hòa Bình dưới thế / Pacem in Terris và ĐTC Biển Đức XVI đã nhắc lại trong thông điệp Yêu Thương trong Sự Thật / Caritas in Veritate.  Ngài yêu cầu phải khẩn cấp tìm một đường lối canh tân tổ chức này với tinh thần trách nhiệm cao, công bằng để bảo vệ những quốc gia nghèo đói nhất, đồng thời cho họ có tiếng nói trong những quyết định chung.

 

THÔNG ĐIỆP KHÔNG CHỈ DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO

 

Vì vậy thông điệp Yêu Thương trong Sự Thật không chỉ dành riêng cho người Công Giáo. Nó đề cập trực tiếp đến những người tín hữu tin vào Thiên Chúa cũng như những người không tin vào Chúa, bởi vì đây là luật tự nhiên. Đức Thánh Cha đã khéo léo phối hợp hai đề tài với nhau để làm đầu đề của thông điệp thứ ba của ngài: “Caritas” và “Veritas” Yêu ThươngSự Thật.

 

Đức Thánh Cha đã cho chúng ta thấy rằng hai thực tế căn bản này không phải là yếu tố ngoại tại hay là được gán ghép cho con người nhân danh một lý tưởng tuyệt vời nào đó, mà thực sự nó đã bám rễ ăn xâu nơi chính con người.  Sự Thật này không chỉ được minh xác trong sách Khải Huyền mà tất cả mọi người có thiện tâm đều có thể hiểu và quán triệt được nếu họ biết dùng lý trí bình tâm suy niệm về chính bản thân mình.

 

Những thí dụ và đề nghị mà ĐTC nêu ra trong thông điệp của ngài đều dựa vào luật tự nhiên như trong Sách Giáo Lý Công Giáo đã cắt nghĩa: Cảm quan tự nhiên của con người khi dùng lý trí thì sẽ phân biệt được giữa Thiện và Ác, giữa dối trá và thành thật.

 

Nhân Quyền, như ĐTC đã nói tới trong trường hợp này, là một quyền tự nhiên đã được Thiên Chúa ghi khắc vào tâm khảm con người và nó hiện diện trong mọi nền văn hóa và văn minh cho dù  nó có khác nhau.

 

ĐTC cho rằng “Nếu lấy nhân quyền ra khỏi khung cảnh này thì đã giới hạn ý nghĩa và phạm vi thực hành của nó đồng thời biến đổi nó, cho nó một ý nghĩa / quan niệm tương đối. Lúc đó ý nghĩa và diễn giải về nhân quyền sẽ bị thay đổi; nó sẽ mất đi tính phổ quát của nó và người ta sẽ nhân danh sự khác biệt về văn hóa, chính trị, xã hội và cả cách nhìn khác biệt của họ về tôn giáo mà ngụy biện cho lập trường của mình”. Đây chính là lập luận mà nhà cầm quyền CSVN thường nêu ra khi biện luận cho những vi phạm nhân quyền của họ đối với người dân và tôn giáo.

 

Quan niệm và ý nghĩa về nhân quyền cũng được ghi trong tài liệu của Hội Đồng thần học và được diễn nghĩa rõ ràng. Sự Thật và Tình Yêu Thương phải được hiên diện và thực thi thế nào cho tất cả mọi người không chừa một ai và nó đã đựơc bám rễ ăn xâu thế nào nơi con người. Để hướng thiện, con người nhân bản nhận ra cái gì họ có và biết được những khuynh hướng cơ bản của bản năng mình khả dĩ có thể chuyển đổi con người họ hướng về điều thiện cần thiết cho việc hoàn thành nhiệm vụ luân lý của mình.

 

Vì vậy, con người được tạo dựng nên là để hiểu biết “Sự Thật với tất cả sung mãn của nó, nghĩa là con người không bị giới hạn chỉ để thu thập những kỹ thuật làm sao có thể thống trị được thực tế vật chất, mà còn mở rộng, đi sâu vào đấng Siêu Việt để vui sống trọn vẹn một Tình Yêu với mọi chiều kích của nó, không phải chỉ có tình liên đới cá nhân với nhau như tình bằng hữu, tình gia đình và đoàn thể, mà còn phải có sự tương quan với nhau như tương quan xã hội, kinh tế và chính trị nữa”.

 

Rõ ràng Sự Thật (Veritas) và Tình Yêu Thương (Caritas) là những đòi hỏi của luật tự nhiên mà ĐTC đã trình bày trong thông điệp của ngài. Đó là những tiêu chuẩn cơ bản để mọi người suy nghiệm về luật luân lý trong thực tế kinh tế xã hội hiện nay.

 

Thực vậy, những đề nghị trong thông điệp không phải là những điều cao siêu lý tưởng, cũng không phải nó chỉ dành cho những người có niềm tin vào Thiên Chúa Mặc khải, mà đúng ra nó dựa trên những thực tế căn bản về nhân chủng học, như Sự Thật và Tình Yêu.

 

THÔNG ĐIỆP CŨNG ĐƯA RA MỘT TÍN HIỆU VỀ GIÁO HỘI Á CHÂU

 

Đức Thánh Cha đã không quên những quốc gia nghèo như Á Châu và Châu Phi. Ngài đã đưa ra những tín hiệu đặc biệt cho Giáo Hội ở những vùng này.

 

Trong thông điệp, ĐTC đã nêu lên những điểm như là qui luật để thi hành cho giáo hội Á Châu. Chẳng hạn: “Vấn đề lương thực đòi hỏi một giải pháp dài han để khuyến khích, nâng đỡ sự phát triển nông nghiệp nơi các nước nghèo”. Giải pháp này có thể là: “phân phối đất đai một cách công bằng, truyền thông báo chí sẵn sàng, thiết lập hệ thống dẫn thủy nhập điền, phương tiện giao thông chuyên chở tiện lợi, tổ chức thị trường và huấn luyện kỹ thuật canh nông”.  

 

Có vậy viện trợ mới đạt được mục đích và ý nghĩa của nó là giúp những quốc gia nghèo chậm tiến nhận viện trợ đi đến tự lực tự cường. Nếu không, viện trợ sẽ làm cho người nhận bị lệ thuộc, mất tự chủ, trở thành ỷ lại và bị lợi dụng.

 

Ngoài ra: “Làm kinh tế cần phải có đạo đức nhất là những người hoạch định và thi hành chương trình và kế hoạch”.

 

Nếu không một khi lợi nhuận trở thành mục đích chính của thương mại thì “tự nó sẽ làm mất đi sự phồn vinh thịnh vượng mà còn tạo nên cảnh nghèo đói”.  ĐTC quả quyết: “Viện trợ kinh tế đòi hỏi sự can dự của nhà nước và xã hội dân sự, gồm có các Giáo Hội địa phương và những nhân vật cốt cán có uy tín”. Đồng thời, theo ĐTC thì “thị trường quốc tế cần phải mở rộng để đón nhận hàng hóa, sản phẩm của những nước kém mở mang mới mong bảo đảm cho sự sống còn và tự chủ của họ”.

 

Ngoài ra phát triển sẽ bị cản trở nếu tôn giáo và những nguyên tắc căn bản về tôn giáo bị “gạt ra khỏi sinh hoạt công cộng”. Đồng thời nhà nước “phải cổ võ, bảo vệ hệ thống gia đình và hôn nhân giữa người nam và người nữ, cung ứng cho họ đầy đủ những nhu cầu kinh tế cần thiết cũng như tôn trọng mối tương quan liên hệ giữa họ với nhau”. Nhà nước không thể “cổ võ ngừa thai, phá thai và khuyến khích an tử”.[2]

 

Phát triển thực sự -theo như ĐTC Biển Đức XVI- không thể bỏ qua đời sống thiêng liêng, niềm tin tôn giáo và sự quan phòng giúp đỡ của Thiên Chúa, tình yêu thương bác ái,  lòng tha thứ, quên mình chấp nhận tha nhân, công lý và hòa bình.

 

KẾT LUẬN

 

Con người là yếu tố căn bản của gia đình, xã hội, quốc gia và thế giới. Nếu không có con người thì sự khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô không thể thực hiện được. Phát triển xã hội, văn hóa, kinh tế tài chánh, kỹ thuật, chính trị, nếu không lấy con người là chính và trọng thì phát triển không thể thành công. Vì vậy trọng điểm của thông điệp Yêu Thương và Sự Thật của ĐTC Biển Đức XVI là CON NGƯỜI. Con người được Thiên Chúa dựng nên giống như hình ảnh của Người. Con người gồm có Xác và Hồn vẹn toàn với đầy đủ mọi đặc tính nhân phẩm, nhân vị, nhân quyền và tự do…từ khi mới thụ thai. Con người phải được bảo vệ trong mọi hoàn cảnh, mọi không gian và thời gian, không phân biệt màu da tiếng nói, sắc tộc, địa phương, tôn giáo, giàu nghèo, sang hèn… Không tôn trọng và bảo vệ con người thì đừng nói đến phát triển con người hay văn hóa, kinh tế, chính tri, xã hội, quốc gia hay thế giới.

 

Con người cần phải được bảo trọng và thương yêu, cũng như cần phải yêu thương và tôn trọng tha nhân trong Thiên Chúa là Tình Yêu. Đó là tín hiệu tự nhiên từ ngàn đời.

 

Fleming Island, Florida

4-11-2009

NTC

 
 

[1] Linh hứng (Inspiration): Còn gọi là thần hứng hay linh ứng, nghĩa là năng lực Thiên Chúa tiến nhập vào con người khiến họ nói, viết, làm theo ý Thiên Chúa, đặc biệt như khi viết Kinh Thánh. Thí dụ:…dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần….

[2] An tử / Euthanasia: Giúp bệnh nhân chết một cách êm ái nhẹ nhàng. Giết chết bệnh nhân vì tội nghiệp nhằm chấm dứt cuộc sống nặng nề đớn đau cho họ. Giáo Hội cấm giết người theo kiểu này.


Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!