Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
ĐỨC TGM CORDILEONE CẤM CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HOA KỲ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
ĐỂ NHỚ ĐẾN TA
ĐỨC GIESU PHỤC SINH VÀ BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT
CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH Ở TRUNG ĐÔNG

 

(Theo Kinh Thánh)

 

Jerusalem vẫn là một thị trấn có nhiều tranh chấp nhất hiện nay trên thế giới. Lịch sử  cho thấy Jerusalem đã hơn 20 lần bị chiến tranh tàn phá và quân đội  chiếm đóng. Jerusalem chính là nơi mà hơn 4000 năm trước Chúa đã sai Abraham đến. Nó nằm ngay ở ngã ba tam biên của ba lục địa lớn là: Á Châu, Âu Châu và Phi Châu. Jerusalem cũng là đất thánh của ba tôn giáo độc thần lớn là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.

 

Hơn 2,500 năm trước, Thiên Chúa đã tỏ cho tiên tri Daniel biết đất của dân Người sẽ bị chiến tranh dòng dã hàng thế kỷ….Nhưng lạ lùng thay, từ lúc có lời tiên tri cho đến khi ứng nghiệm là khoảng thời gian khá dài, cả hàng thế kỷ. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta hãy trở lại chương 11 trong sách Daniel.

 

Như đã nói trước kia, 35 câu đầu của chương 11 này đã diễn tả khá chính xác và chi tiết các biến cố đã xẩy ra ở xứ Judah khi có cuộc tranh chấp giữa hai vương quốc Ptolemaic của Ai Cập ở phương Nam và  Seleucids của Syria ở phương Bắc. Các thủ lãnh của những vương quốc này đều là con cháu của Alexander đại đế đã được nói tới trong sách Daniel.

 

Josephus, sử gia Do Thái ở thế kỷ I đã kể lại một cuộc họp giữa Alexander Đại Đế và Thày cả thượng tế ở Jerusalem cho biết việc Alexander đại đế xuất hiện đã được tiên tri Daniel nói trước đó cả hơn 2 thế kỷ. (Antiquities of the Jews, quyển 11, chap.8, sec.5).

 

Bốn câu tiếp theo (36-39) diễn tả sự việc trước khi xẩy ra. Câu 32-35 nói về  sự trung thành của anh em nhà Maccabees là đã không chối bỏ Chúa để đi theo quân ngoại đạo Hy Lạp. Tuy nhiên những câu này cũng có nghĩa rộng bao gồm từ thời thượng cổ cho đến thời hiện đại, nghĩa là cho đến “ngày tận thế”,  tất cả những ai trung thành với Chúa đều được cứu rỗi.

 

Câu 36 vẫn kể tiếp câu chuyện. Nhưng ở điểm nào? Câu 40 rõ ràng là ám chỉ ngày “tận thế”, có thể là tất cả 4 câu (36-39) áp dụng cho suốt chiều dài lịch sử của vương quốc phương Bắc từ thời Maccabees và thời khởi đầu của Giáo Hội Tân Ước kéo dài cho đến “ngày tận thế”. Chỉ riêng câu 35 là ám chỉ từ thời thượng cổ cho đến ngày tận thế.

 

Vậy thì ai là vua phương Bắc trong thời kỳ này? Vào năm 65 B.C. Seleucid Syria đã bị đế quốc La Mã chiếm đóng. Do đó đế quốc La Mã đương nhiên trở thành vương quốc phương Bắc. Câu 36-38 diễn tả hành động của các hoàng đế La Mã và những vị kế tiếp cho đến vị cuối cùng của ngày tận thế như chúng ta sẽ thấy.

 

Vì những lời tiên tri hàm chứa hai ý nên nó có thể áp dụng cho cả thời kỳ hiện đại. Antiochus Epiphanes lại chính là hoàng đế của thời đại cuối cùng  nên chúng ta có thể tự hỏi là tại sao lại có chuyện nhảy vọt về tương lai đến ngày tận thế.

 

PHẢI CHĂNG QUỐC GIA ISRAEL ĐƯỢC THÀNH LẬP LÀ ĐỂ ỨNG NGHIỆM LỜI TIÊN TRI?

 

Tại sao lại có một khoảng cách thời gian dài, ít nhất là 2000 năm, từ lúc có lời tiên tri cho đến thời hiện đại ? Câu trả lời thật đơn giản. Vì gần 2000 năm quốc gia Israel cho người Do Thái chưa được tái lập ở Trung Đông. Sự tái lập quốc gia cho người Do Thái vào năm 1948 làm nổi bật vấn đề đã được tiên đoán từ thời xưa là sẽ có vua phương Bắc và vua phương Nam. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hiện diện của dân Do Thái trên đất Thánh.

 

Lời tiên tri về ngày tận thế sẽ không ứng nghiệm nếu quốc gia Israel cho người Do Thái không được tái lập ngay trên cố hương của họ. Gọi là quốc gia Israel, vì như ta đã biết là 10 chi họ của vương quốc xưa ở phương Bắc cũng gọi là Israel đã bị Assyria bắt cầm tù hơn một thế kỷ trước khi vương quốc Judah (gồm chi họ Israel của Judah và chi tộc Benjamin cùng với một phần lớn chi tộc Levi) bị xâm lăng và dân chúng bị bắt lưu dày qua Babylon.

 

Nhiều người Do Thái đã thoát cảnh lưu đày này và trở về, nhưng 10 chi họ coi như mất tích. Kinh Thánh cho thấy tất cả các chi họ Israel sẽ trở về Đất Hứa đúng lúc, nhưng vào thời điểm này chỉ có chi họ Judah (hay ít nhất là một phần của chi họ này) được tái tạo trên quê hương lịch sử của mình mà thôi.

 

Sách Zechariah cho thấy Jerusalem và Judah (tân quốc gia Israel) sẽ  là trung tâm tranh chấp của thế giới ngay trước ngày Chúa Kito trở lại lần thứ hai. Nhưng những biến cố tiên tri này không thể xẩy ra nếu không có sự tái lập quốc gia Judah (bây giờ gọi là Israel) chạy dài cho đến Đất Thánh trước thời kỳ tận thế.

 

 Sách Zechariah còn cho biết những gì sẽ xẩy ra trước ngày Chúa Kitô trở lại dương thế lần thứ hai: “Bấy giờ Thiên Chúa sẽ xuất hiện và Ngài sẽ chiến đấu với các quốc gia ấy như Ngài chiến đấu trong ngày giáp trận. Và ngày ấy, Ngài sẽ dừng chân trên núi cây dầu, đối mặt với Jerusalem ở phía Đông. Và núi cây dầu sẽ tách làm đôi từ đông qua tây làm thành một thung lũng vĩ đại. Một nửa dãy núi sẽ di chuyển về hướng bắc, một nửa di chuyển về hướng nam. Lúc bấy giờ các ngươi sẽ chạy trốn thoát nhờ có thung lũng của Ta….”.(Zecharia 14:3-5). Rõ ràng lời tiên tri này ám chỉ về tương lai.

 

Tại sao dân chúng lại phải chạy trốn ?  Bởi vì Jerusalem sẽ lại một lần nữa trở thành bãi chiến trường đầy rối loạn: “Vì Ta sẽ tụ tập tất cả mọi quốc gia lại chiến đấu chống trả Jerusalem; cả thị trấn sẽ bị chiếm đóng, nhà nhà sẽ bị bắn phá và đàn bà thì bị hãm hiếp. Một nửa dân trong thị trấn bị bắt đi làm tù binh, một nửa còn lại thì không bị bắt mang đi”. (Zecharia 14: 2).

 

Trước đó tiên tri Zechariah đã ghi lại những lời Chúa phán như sau: “Này đây, chính ta sẽ  khiến cho Jerusalem trở thành như chén rượu say nồng làm cho mọi dân tộc ở xung quanh phải “chóang váng” khi chúng bao vây Judah và Jerusalem.  Khi ngày ấy xẩy ra, Ta sẽ làm cho Jerusalem thành như tảng đá nặng vô cùng đối với tất cả mọi dân tộc; bất cứ ai muốn đem nó đi thì sẽ bị tan xương nát thịt, cho dù tất cả mọi quốc gia trên thế giới tập họp lại để chống cự nó”. (Zechariah 12:2-3).

 

Judah (trong đó có dân Israel và phần lớn là dân Do Thái) và Jerusalem đã được dàn xếp để trở thành trọng tâm của những biến cố sẽ xẩy ra vào ngày tận thế. Những quốc gia đến đó đánh phá sẽ bị chi phối cả lý trí lẫn tình cảm  không thể suy nghĩ một cách bình thường được đúng như tiên tri Zechariah đã nói là tình trạng “choáng váng”.

 

Một số quốc gia dân tộc đang bị ám ảnh muốn tiêu giệt Israel quê hương của dân Do Thái. Một tiên tri khác đã nói về Israel (tức con cháu 10 chi họ đã mất tích) và Judah (Do Thái) cùng suy tàn một lúc vào ngày tận cùng. Rõ ràng là trong cùng một tháng, ta không hề bao giờ thấy một biến cố như vậy xẩy ra trong lịch sử thời thượng cổ. Nhưng lại thấy câu chuyện này được nói ở chương 5 trong sách tiên tri Hosea .

 

Chúa đã kết tội Israel và Judah vì chúng đã liên tục thờ ngẫu tượng: “ Tội kiêu căng của Israel đã bộc lộ rõ ràng trước mặt Chúa. Do đó Israel và Ephraim sẽ bị té nhào vì tội lỗi của chúng, và cả Judah cũng bị té nhào cùng với chúng….Chúng đã bội tín với Thiên Chúa….Bây giờ Chúa sẽ làm tiêu tan chúng và cả gia sản của chúng” trong khoảng một tháng là thời gian 30 ngày. (Hosea 5:5-7).

 

CUỘC TRANH  ĐẤU VẬT LỘN TIẾP TỤC

 

Bây giờ thì chúng ta có thể hiểu được dễ dàng hơn tại sao cuộc chiến vật lộn giữa phương Bắc và phương Nam lại tiếp tục trở lại “vào ngày tận cùng”.

 

Daniel diễn tả cuộc chiến giữa phương Bắc và phương Nam như sau: “Vua phương Nam sẽ tấn công hắn (vua phương Bắc); vua phương Bắc sẽ tấn kích trả lại như vũ bão với xe pháo, kỵ mã và rất nhiều tầu thuyền (ám chỉ quân lực); và hắn sẽ tiến vào các xứ như nước lũ tràn qua” (Daniel 11:40).

 

Rõ ràng là vào ngày tận thế một cuộc rối loạn kinh hồn nữa sẽ xẩy ra ở Trung Đông, và chỉ lần này thôi, chưa bao giờ ghê sợ và có như vậy từ trước đến giờ.

 

Ngoài ra, lời tiên tri sẽ không thể ứng nghiệm nếu đế quốc Ottoman không xụp đổ và  một phần lãnh thổ Ả Rập nằm trong đế quốc này không được phân chia thành nhiều quốc gia như hiện nay.

 

Như đã nói trong bài Tiên tri Daniel và bốn đế quốc: “vua phương Bắc” vào thời đại xưa thuộc triều đại Seleucid ở Syria, và “vua phương Nam” thuộc triều đại Ptolemaic ở Ai Cập. Nhưng vào thời đại hiện tại của chúng ta và ngày tận thế, ai sẽ là vua phương Bắc và ai sẽ là vua phương Nam?  Có lẽ khó có thể lại áp dụng trở lại cho hai nước Syria và Ai Cập hiện tại, bởi lẽ hai nước này hiện nay là những nước Ả Rập Hồi Giáo anh em. Nhìn lại tình hình Trung Đông, nếu so sánh sức mạnh quân sự của những nước này thì chẳng có nước nào có đủ tư cách ứng hợp để lời tiên tri có thể ứng nghiệm.

 

Như đã nói ở trên, La Mã đã chiếm đóng Syria vào năm 65 B.C. và trở thành vương quốc ở phương Bắc lúc bấy giờ. Nhưng câu hỏi được đặt ra là La Mã có xụp đổ vào thời đại xưa không?

 

Để hiểu được đoạn tiên tri này chúng ta phải coi Đất Thánh và Jerusalem, phần đất lịch sử đã được Chúa ban cho con cháu Israel  là trọng tâm mà các tiên tri nói tới. Những “ông vua” nói ở đây là những thủ lãnh đầy quyền uy   sẽ đến từ những miền ở phưong Bắc và phương Nam và họ tranh dành nhau quyền kiểm soát cả vùng và trà đạp lên toàn thể xứ Judah.

 

Ở thế kỷ trước, chẳng ai có thể hiểu được những lời tiên tri nói đến phần đất này của thế giới, bởi vì đế quốc Ottoman lúc bấy giờ đã nắm toàn quyền kiểm soát tất cả những phần đất mà ngày nay các nước đối thủ chính trong cuộc tranh chấp ở Trung Đông đang chiếm đóng. Sự kiện này giúp ta hiểu được những lời Chúa nói với Daniel đã được ghi ở cuối sách của ông:  “…Đi đi, Daniel! Vì các lời ấy được giữ kín, niêm phong cho đến thời tận cùng” (Daniel 12: 9). Vào thời đại của Daniel, ở thế kỷ VI B.C. chắc ông không thể hiểu nổi những thay đổi kinh khủng đã đưa đến tình trạng phức tạp như hiện nay ở Trung Đông.

 

Ở thế  kỷ trước chưa có các quốc gia  Ai Cập, Iraq, Syria và tân Israel, do đó những ông vua cuối cùng ở phương Bắc và phương Nam chưa xuất hiện vào thời kỳ này.  Nhưng Kinh Thánh giúp ta hiểu được cái gì sẽ phải xẩy ra.

 

Sách Daniel và sách Khải Huyền (Revelation) của thánh Gioan tông đồ cho thấy một siêu cường khác trên thế giới sẽ xuất hiện vào cuối thời đại này. Chi tiết về siêu cường này được nói tới ở chương 17 sách Khải Huyền. Tiên tri Daniel nói về  những con vật tượng trưng cho những siêu cường sẽ xuất hiện. Thánh Gioan cũng nói về một con vật khác sẽ thống trị thế giới vào thời kỳ tận cùng  (Revelation 17:3).

 

Con vật có mười xừng được nói ở đây, như thiên thần cắt nghĩa cho thánh Gioan, là tượng trưng cho mười vị thủ lãnh sẽ nhận quyền lực với  một thủ lãnh duy nhất là “con vật” trong vòng “một giờ” (có nghĩa là một thời gian ngắn). (Revelation 17: 12-13). Hãy để ý thời gian được xếp đặt cho những biến cố này: “Chúng sẽ giao chiến với con Chiên (Chúa Kito trở lại), và con Chiên sẽ thắng chúng….”(Revelation 17:14). Lời tiên tri này hẳn nói về tương lai, ngày Chúa Kitô quang lâm trở lại thế gian lần thứ hai.

 

Nhưng đây không phải là những nhân vật duy nhất nắm giữ vai trò quan trọng trong cuộc chiến. Một vị thủ lãnh tôn giáo, tượng trưng là một con thú có 2 cái xừng, “giống như xừng chiên” và nói năng như “một con rồng” (Revelation 13:11) xuất hiện và nắm một vai trò nổi bật trong liên hiệp các quốc gia ở thời kỳ tận cùng này. Theo kinh thánh, Chúa Giêsu mới chính thật là con ChiênThiên Chúa (John1:29,36; Revelation 5: 8-9), do đó vị thủ lãnh tôn giáo này chắc chắn sẽ tuyên xưng mình là Kito hữu. Nhưng hắn thực sự là quỉ Satan: “Con rồng…mà ngừơi ta gọi là ma quỉ hoặc Satan, tên chuyên môn mê hoặc thiên hạ…….” (Revelation 12:9).

 

“Con vật” nói trong Khải Huyền 17 là tiếp nối của 4 con vật trong Daniel 7. Như chúng ta biết, khi Daniel bị bắt cầm tù ở Babylon đã ghi lại thị kiến của ông về “bốn con vật vĩ đại” (Daniel 7:3), về những đế quốc dân ngoại đã từng thống trị và tung hoành ở Trung Đông đã ảnh hưởng rất nhiều trên dân Chúa. Theo thứ tự thời gian, những đế quốc này là đế quốc Babylonia, đế quốc Medo-Perse, đế quốc Hy Lạp của Alexander Đại Đế và đế quốc La Mã.

 

Cố gắng để làm sống lại đế quốc La Mã là một thành công, nhưng là thành công bi thương, bởi vì nó sẽ đưa tới ngày tận thế. Thực vậy, vào lúc đó, đế quốc nối tiếp được tiên tri nói tới chính là Âu Châu thống nhất, hiện thân của đế quốc La Mã ở 2000 năm trước. Chính đế quốc này đã đưa đến việc Chúa Kito quang lâm trở lại và thiết lập vương quốc của Người ở trần thế này (Daniel 7: 9-14).

 

Con vật thứ tư được tiên tri Daniel miêu tả trong Daniel 7 sẽ hiện diện lúc Chúa Kito trở lại. Con vật này cũng đã được thánh Gioan diễn tả trong sách Khải Huyền chương 17. Cả hai đều nói về sự sống lại của đế quốc La Mã vào thời tận cùng. Hai vương quốc  phương Bắc và phương Nam là những siêu cường tiếp nối nhau. La Mã đã chiếm Syria, rồi La Mã xụp đổ. Nhưng đế quốc La Mã đã sống lại qua nhiều thế kỷ dưới những hình thức khác nhau. Và đế quốc sống lại hiện nay vẫn còn tồn tại.

 

Sự sống lại cuối cùng của đế quốc La Mã, giống như đế quốc nguyên thủy, sẽ tập trung ở Âu Châu. Đó là Liên Hiệp Âu Châu hiện còn trong tình trạng phôi thai. Thực ra không phải tất cả những quốc gia ở trong Liên Hiệp Âu Châu sẽ là thành phần của đế quốc cuối cùng này, nhưng những quốc gia nào đồng ý tham dự thì sẽ kết hợp với nhau làm thành một liên minh quân sự hùng mạnh để tham chiến tại Trung Đông.

 

Vua phương Bắc ở vào thời kỳ tận cùng đã được nói đến trong Daniel 11 lúc bấy giờ sẽ xuất hiện và là thủ lãnh sau chót của thời đại cuối cùng này. Phải chăng đó là siêu cường Liên Hiệp Âu Châu, biểu tượng con vật được nói tới trong sách Khải Huyền ?

 

VỊ VUA CUỐI CÙNG CỦA PHƯƠNG NAM.

 

Còn vua phương Nam thì thế nào? Để nắm vững vấn đề, chúng ta nên tìm hiểu lịch sử cũng như  tâm thức của người dân trong vùng.

 

Theo quan niệm của người Hồi Giáo thì thế giới được phân chia thành hai bán cầu:  một nửa gọi là dar al-Islam, nghĩa là “đất của Hồi Giáo”, một nửa  gọi là dar al-harb, nghĩa là “đất của người ngoại giáo” hay còn gọi là “phần đất tranh chấp”. Kinh Koran cho biết: “Đức Allah truyền cho môn đệ của ngài là Muhammad niềm tin đích thực và những hướng dẫn để ông có thể nổi bật hơn tất cả những tôn giáo khác, cho dù những kẻ thờ ngẫu tượng có không ưa thích đi nữa” (Surah 61:9 Bản dịch Dawood).

 

Căn bản của giáo huấn Hồi Giáo là Hồi Giáo cuối cùng phải là một tôn giáo chính, đứng trên tất cả  các tôn giáo khác trên khắp thế giới.

 

Cũng nên nhớ rằng giấc mơ của dân Ả Rập là một Ả Rập thống nhất. Các chi họ Ả Rập ở Arabia lúc đầu đánh lộn nhau đã được Muhammah kết hợp lại nhờ có Hồi Giáo lúc đó mới được thành lập. Một Cộng Đồng Hồi Giáo gọi là Ummah đã và đang là giấc mơ cố định từ nhiều thế kỷ mà từ 750 năm nay, con cháu của Ismael vẫn chưa đoàn kết thực hiện được. Họ mới thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang và được độc lập chỉ mới từ 50 năm gần đây. Cộng đồng Ummah vẫn chưa được thành lập. Giấc mơ vẫn còn đó.

 

Sau cách mang 1952 ở Ai Cập, tổng thống Nasser đã vận động để thống nhất khối Ả Rập và nhiều người nghĩ rằng ông có thể làm được việc này. Gần đây Saddam Hussein ở Iraq cũng tính làm như vậy; ông mơ ước kết hợp tất cả thế giới Ả Rập lại với nhau để chống lại Hoa Kỳ và Israel.

 

Từ xa xưa, ở Sudan đã có một người tên là Muhammad Ahmed Ibn el Sayed (1844-1885) tuyên bố mình là thiên sai được Allah gửi xuống để kết hợp tất cả các tín đồ Hồi Giáo lại hầu chiến đấu chống lại kẻ ngoại. Nhưng ông đã thất bại. Tuy nhiên việc liên kết khối Ả Rập của ông đã thành công hơn là những vị thủ lãnh phần đời đã làm. Nhiều người Hồi Giáo hiện vẫn tin là họ sẽ có một vị thiên sai xuất hiện vào thời kỳ rối loạn để chỉnh đốn lại Niềm Tin của người Hồi Giáo và sau cùng Hồi Giáo sẽ toàn thắng tất cả mọi tôn giáo khác.

 

Gần đây, Osama bin Laden đã được coi như người kế vị Muhammad Admed Ibn el Sayed và đã thành công trong việc liên kết những người Hồi Giáo để chống lại Tây Phương. Đi đến đâu ông cũng được dân Hồi giáo tung hô là anh hùng, là người đem hy vọng chiến thắng khải hoàn cho Hồi Giáo.

 

Các môn đệ và những người theo Muhammad đã đánh bại hai siêu cường lúc bấy giờ là Byzantium và Persia. Ngày nay Osama bin  Laden và những người theo ông cũng hy vọng đánh bại hai siêu cường thời nay. Một siêu cường là Liên Bang Sô Viết đã tan rã vào năm 1991, một phần là do những cuộc nổi loạn của dân Afghanistan cầm đầu bởi Osama bin Laden. Sô Viết đã bại trận tại Afghanistan vì Bin Laden.

 

Vụ 9-11 đã gây thảm hại vô cùng khi quân khủng bố tấn công vào Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Hoa Thịnh Đốn đã liên tiếp báo động về những vụ khủng bố có thể xẩy ra chứng tỏ Hoa Kỳ vẫn là mục tiêu để quân khủng bố  tấn công bất cứ lúc nào và thảm họa có thể khốc liệt hơn  vụ 9-11 rất nhiều.

 

Vua phương Nam lúc này sẽ xuất hiện để đánh bại Tây Phương, dẹp bỏ vua phương Bắc. Ai sẽ là vua phương Nam vào thời kỳ tận cùng này? Phải chăng người nào có được hình ảnh nổi bật như một Osama bin Laden, một Gama Abdel Nasser, một Sadam Hussein hoặc một lãnh tụ tôn giáo như Ayatollah Khomeini hay một vị thiên sai nào đó sẽ xuất hiện? Một nhân vật nào đó sẽ nhập cuộc đối đầu chống lại Tây Phương. Có thể lại có một cố gắng nữa để thống nhất khối Ả Rập Hồi giáo, một ước mơ mà dân Ả Rập  vẫn ấp ủ từ lâu. Ông vua này sẽ khích động đủ thứ, gây rối loạn để rồi đưa đến một cuộc tàn sát ghê gớm không tưởng tượng nổi trước khi Chúa Kito phải can thiệp để ngăn chặn lại.

 

BÁO HIỆU CHIẾN TRANH Ở TRUNG ĐÔNG

 

Tiên tri Daniel cho biết hai vua phương Bắc và phương Nam ở thời kỳ cuối cùng này sẽ đụng độ nhau:  “Vào ngày tận cùng, vua phương Nam sẽ tấn công hắn (vua phương Bắc); vua phương Bắc sẽ tấn kích trả lại như vũ bão với xe pháo, kỵ mã và rất nhiều tàu thuyền (ám chỉ quân lực); và hắn sẽ tiến tràn vào các xứ như nước lũ” (Daniel 11:40).

 

Như vậy rõ ràng là vào thời kỳ tận cùng, vua phương Nam sẽ dùng quân đội để tấn công xâm chiếm Trung Đông. Chúng ta thấy Hồi Giáo cực đoan trong mấy năm gần đây đã tấn công Tây Phương. Từ lúc này chúng ta không thấy Kinh Thánh nói gì đặc biệt về ông vua phương Nam nữa và cái gì sẽ xẩy ra cho ông thì cũng không thấy nói.

 

Như vậy vua phương Bắc, tức con “Vật” dũng mãnh, biểu hiện cho Liên Hiệp Âu Châu, sẽ là kẻ chiến thắng, khi hắn xâm chiếm đất Thánh và lật đổ “nhiều quốc gia”, chém giết nhiều người (câu 41, 42), trong đó có dân Ai Cập, dân Lybia và Ethiopia. Những địa danh và tên người nói trong kinh thánh thì không giống như hiện trạng biên giới các quốc gia hiện nay, nhưng tên vùng  và  miền thì đúng như kinh thánh đã nói.

 

NHỮNG NỖI KHỐN KHỔ THỨ NHẤT VÀ THỨ HAI

 

Tuy nhiên, “những tin tức từ phương đông và phương bắc đã làm cho hắn

bối rối hoảng sợ”, và “hắn sẽ nổi sùng, hùng hổ xuất chinh đi đánh phá, chém giết nhiều người” (Daniel 11: 44). Những hành động này của vua phương Bắc vào thời tận cùng có vẻ phù hợp với tiếng kèn của thiên thần thứ năm hoặc nỗi “khốn khổ thứ nhất” nói trong sách Khải Huyền 9: 1-11. Cả sức mạnh tạo nên nỗi khốn khổ thứ nhất lẫn sức mạnh của “con vật” ở thời kỳ tận cùng này đều được miêu tả là bùng phát lên từ vực xâu thăm thẳm (Khải Huyền 9: 1-2; 11:7; 17:8).

 

Vào thời sách Khải Huyền được viết thì biên giới của đế quốc La Mã ở phía đông là sông Euphrates, bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ rồi chia ra làm hai nhánh chảy vào Syria và Iraq trước khi  đổ vào vịnh Ba Tư (Persia). Những nước được nói tới ở mấy câu cuối của chương 11 sách Daniel thì ở xa mãi tận phía Tây của con sông này, chúng liên quan đặc biệt tới những biến cố sẽ xẩy ra vào thời tận cùng đã được nói đến trong sách Khải Huyền.

 

Sách Khải Huyền có đoạn như sau: “Bấy giờ tiếng kèn của thiên thần thứ sáu  thổi lên: Và tôi nghe có tiếng phát ra từ bốn cái sừng của bàn thờ bằng vàng ở trước nhan Thiên Chúa. Tiếng kèn nói với thiên thần thứ sáu đang cầm kèn rằng: ‘Hãy thả 4 vị thiên thần đang bị trói ở sông cả Euphrates ra’. Bốn thiên thần này được chuẩn bị để đúng vào năm, tháng, ngày, giờ ấy thì được thả ra để giết chết một phần ba nhân loại. Số các đạo quân là 200 triệu kỵ binh. Tôi đã nghe thấy con số ấy” (Khải Huyền 9: 13-16).

 

Đây là tiếng kèn của thiên thần thứ sáu  (và nỗi khốn khổ thứ hai) đã được nhận ra là một đạo quân khổng lồ gồm 200 triệu binh “được đưa ra để giết  một phần ba nhân loại”. Đây đúng là một cuộc đụng độ lớn giữa quân lực Tây Phương ( của vua phương Bắc) và quân lực của những nước ở dọc hai bên sông Euphrates hoặc ở bên kia sông.

 

Vì bị đe dọa bởi  đạo quân viễn chinh ngoại quốc lớn đang xâm chiếm Bắc Phi và tân Israel, những đạo quân này liền phối hợp liên kết với nhau để chiến đấu chống lại nó.

 

Những quốc gia nào sẽ liện hiệp với nhau để thành lập một đạo quân vĩ đại này? Hai giả thuyết có thể xẩy ra xét theo khía cạnh chính trị cục bộ địa phương (geopolitical) hoặc liên hiệp hai phe.

 

Sự hiện diện của quân lực “ngoại đạo” (không phải là Hồi Giáo) trên đất của Hồi Giáo đã và đang là căn nguyên của những tranh luận ở trong vùng từ khi có cuộc Thánh Chiến gần 1,000 năm trước đây. Sự hiện diện của quân lực của đế quốc La Mã  -con “Vật” dũng mãnh nói trong kinh thánh và cũng là hậu thân của đoàn quân Thánh chiến (crusaders)-   rõ ràng đã kích thích, làm sống lại tinh thần Hồi Giáo một lần nữa.

 

Do đó, đạo quân khổng lồ này có thể sẽ là một đạo quân liên hiệp Hồi Giáo gồm một số nước hoặc nhiều nước Hồi Giáo ở dọc theo sông Euphrates hoặc ở phía bắc hay phía đông con sông này.  Đó là những quốc gia Thổ nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Iran, Pakistan, Afghanistan và cả Ấn Độ (nước có số tín đồ Hồi Giáo đứng thứ nhì trên thế giới sau Indonesia, mặc dù dân Ấn Độ đa số theo Ấn Độ giáo).

 

Xa hơn nữa về hướng bắc và hướng đông Đất Thánh là những quốc gia Hồi Giáo tương đối còn non trẻ mới gia nhập vào liên hiệp Hồi Giáo sau khi Liên Bang Sô Viết xụp đổ là: Azerbaijan, Turkmenistan, Tajikistan, Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Số tín đồ Hồi Giáo trên khắp thế giới hiện nay khoảng chừng 1.3 tỷ,  phần lớn là tín đồ ở  trong  vùng đất rộng lớn này.

 

Một khả thi nữa về đạo quân này là Trung Cộng và Nga Sô, hai cường quốc  đã có thời từng chia sẻ phúc lợi chung với nhau, với  những đồng minh của họ và một số quốc gia ở Viễn Đông. Hai nước này đã từng là mối đe dọa cho nguồn cung cấp dầu ở vịnh Ba Tư, dù  thực hay là tưởng tượng, thì nó cũng là món hời béo bở để hai nước này hành động. Trung Cộng, với dân số là 1.3 tỷ người cộng với kỹ thuật tân tiến về khí giới của Nga Sô chắc chắn có thể thành lập được một lực lượng quân sự  khổng lồ và hùng mạnh rất đáng kể.

 

Thêm vào đó, rất có thể hai nước này sẽ liên kết quân sự với nhau ít là nhất thời, vì họ sợ rằng sức mạnh quân sự của ông vua phương Bắc gia tăng. Thực vậy, trong quá khứ chúng ta đã thấy có sự liên kết mật thiết về kinh tế và quốc phòng giữa Nga Sô và Trung quốc cùng các nước Hồi Giáo ở Trung Á và Trung Đông. 

 

CHUẨN BỊ NGÀY TẬN THẾ  /  ARMAGEDDON

 

Sau này, cùng với những biến cố tiếp theo tiếng kèn của thiên thần thứ bảy như nói ở chương 11 câu 15 trong sách Khải Huyền, chúng ta lại thấy nhắc đến sông Euphrates lần nữa: “Bấy giờ thiên thần thứ sáu trút chén của mình xuống sông cả Euphrates. Nước sông ấy liền khô cạn, để dọn đường cho các vua từ phương Đông tới” (Revelation 16: 12).

 

Những ông vua này là ai và lực lượng quân sự này do đâu mà có thì không được minh thị nói ra, chúng ta chỉ biết là họ đến từ phía đông sông Euphrates. Giống như 200 triệu binh mã trước kia,  hình như đạo quân này lúc đầu là do phía Hồi Giáo hoặc là do Trung quốc, Nga Sô và những đồng minh của họ. Vậy thì có thể là liên hiệp một số hay tất cả những quốc gia này. Thực vậy, nó có thể chỉ là một khối cường quốc chung như trong chương 9 sách Khải Huyền nói, mặc dù nó xuất hiện ở những giai đoạn khác nhau, nhưng thực sự nó không phải là riêng rẽ như vậy.

 

Góp phần vào cuộc xung đột này, “ma quỉ, chúng làm những dấu lạ,…..và đi đến với các vua chúa ở trần thế trên khắp thế giới hầu tập họp họ lại để giao chiến trong ngày lớn lao của Thiên Chúa toàn năng…...Và chúng qui tụ họ lại một nơi mà tiếng Hebrew gọi là Armageddon, nơi mà xưa kia bao vua chúa tập hợp quân đội lại để đánh chiếm Israel đều đã bị tiêu giệt (Revelation 16: 14-16).

 

Có lẽ cũng chẳng cần phải biết những nước nào sẽ can dự vào cuộc chiến thế giới ở vào thời điểm đó, bởi vì sách Khải Huyền câu 14, chương 16 cũng cho chúng ta biết là cuối cùng tất cả các vua chúa “trên khắp thế giới” sẽ được tụ tập lại ở Trung Đông để giao chiến một trận cuối cùng.  Vậy thì, hình như là tất cả mọi cường quốc ở phương Đông đã được nhắc tới ở trên  đều sẽ nhập cuộc.

 

Thực vậy, tất cả các lực lượng quân sự trên thế giới hiện nay rồi cũng sẽ bị cuốn hút vào cuộc chiến thư hùng tàn khốc để rồi cả hai đều bị hủy giệt    như 2 trận thế chiến ở thế kỷ XX vừa qua. Nhưng, khôi hài thay, đây lại  nằm trong chương trình của Chúa và nó cần phải xẩy ra để  cho lời tiên tri ứng nghiệm là cuối cùng sẽ có hòa bình ở ngay tại vùng đất bị chiến tranh tàn phá này.

  

 

CHÚA KITO CAN THIỆP ĐỂ CỨU NHÂN LOẠI

 

Tất cả những phá hoại, hủy giệt và tàn phá do chiến tranh hận thù  -đã lấy đi mạng sống của một phần ba nhân loại (Revelation 9: 15, 18)-  là bước mở đầu cho sự trở lại thế gian lần thứ hai của Chúa Kitô. Ngài phải trở lại để cứu nhân loại khỏi nạn giệt vong do cuộc tranh chấp cực kỳ ghê gớm có thể hủy hoại tất cả thế giới. Chúa cũng đã nói về  những giờ phút trước khi Chúa quang lâm qua Tin Mừng thánh Mathew: “Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng vì những kẻ được chọn, các ngày ấy sẽ được rút ngắn” (Mt. 24: 22).

 

Nhưng khi Chúa trở lại, không phải toàn thể nhân loại biết chấp nhận Ngài, mà vẫn có những kẻ chống lại Ngài. “Mười vua liên hiệp với con Vật chiến đấu chống lại Người” (Revelation 17: 14).

 

Sách Khải Huyền chương 16 câu 16 còn cho biết là “quân đội sẽ tụ tập lại tại một nơi, theo tiếng Hebrew là Armageddon”.  Armageddon là kiểu viết Hy Lạp từ tiếng Hebrew là Har Megiddon, có nghĩa là đồi hay núi Megiddon, một thành phố cổ cách Jerusalem 55 dậm về hướng Bắc và cách   biển Địa Trung Hải 15 dậm trong đất liền. Nó nhìn xuống thung lũng Zezreel hay Esdraelon, một đồng bằng trống rộng.

 

Tuy nhiên trận chiến sau cùng sẽ không xẩy ra ở đây mà sẽ ở một khán đài dành cho quân đội để chúng chiến đấu chống Chúa Kitô. Trận chiến sẽ xẩy ra ở Thung Lũng Jehoshaphat gần Jerusalem, như sách tiên tri Joel nói: “Trong những ngày đó và lúc đó, khi Ta đưa các tù binh của Judah và Jerusalem về thì ta sẽ tập họp tất cả mọi quốc gia lại, và đem chúng xuống thung lũng Jehoshaphat…….Hãy tập họp lại, hãy đến, hỡi các quốc gia…Bởi vì Ta sẽ ngồi xuống phán xét tất cả mọi quốc gia xung quanh ta” (Joel 3: 1-2, 11-12) Chữ Jehoshaphat cũng có nghĩa là “Sự Phán xét của đấng Đời Đời”.

 

Sách Khải Huyền cũng diễn tả những điều sẽ xẩy ra sau đó: “Bấy giờ tôi thấy trời mở: Kìa một con ngựa trắng và người cưỡi ngựa tên là Trung Thành và Chân Thật, Người cứ theo công lý mà xét xử và giao chiến.. Mắt Người như ngọn lửa hồng, đầu Người đội nhiều vương miện,…..”(Revelation 19: 11-12). Đó là cảnh tượng ngày Chúa Kito trở lại trần gian để phán xét nhân loại, những kẻ tội lỗi, phản loạn và những ai dùng sức mạnh để kháng cự lại Người.

 

Người khoác một áo choàng đẫm máu và danh hiệu của Người là Lời của Thiên Chúa. Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cưỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh.Từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén để chém muôn nước…Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên vế đùi:“Vua các Vua, Chúa các Chúa”(Revelation 19:13-16)

Nhiều câu diễn tả những cảnh tượng ghê gớm sẽ xẩy ra cho đám quân binh đã tập họp lại để giao chiến với Chúa ngày Chúa trở lại (Revelation 19: 17-18, 21; Zachariah 14: 12).  Nhưng tất cả những gì mà loài người dùng để chống lại chương trình và chủ đích của Chúa đều bị tiêu tán.

 

SAU CÙNG PHẢI LÀ HÒA BÌNH

 

Sau biết bao nhiêu là chết chóc đổ nát tang thương do chiến tranh tàn phá liên miên cả hàng thế kỷ ở Trung Đông, quí vị thử tưởng tượng thế giới sẽ thế nào khi Chúa Kitô quang lâm lần thứ hai ?

 

Người Do Thái giáo, người Kitô hữu, tín đồ Hồi giáo không phải chỉ có một tổ tiên tinh thần chung là tổ phụ Abraham, nhưng họ còn có một ước nguyện chung, mặc dù cách thức khác nhau, là chờ mong một đấng Thiên Sai.

 

Chỉ khi nào đấng Thiên Sai đích thực đến thì ba tôn giáo này mới có thể  sống chung hòa hợp với nhau thực sự. Họ sẽ  không còn hiềm khích vì khác biệt tôn giáo, mới nhận ra và biết quí trọng “hột máu” đã từng ràng buộc họ với nhau. Lúc đó họ sẽ cùng nhau làm việc chung, với Chúa Kito quang lâm, để giải quyết những dị biệt.

 

Sách Haggai tiên đoán về thời điểm này như sau: “ Lại một lần nữa, một ít nữa thôi. Ta sẽ làm chuyển động trời đất, biển cả núi non đất bằng. Ta sẽ làm rung động tất cả mọi quốc gia, và chúng sẽ đến với Ước Vọng của Mọi Quốc Gia….” (Haggai 2: 6-7) “Ước Vọng của mọi Quốc Gia” chính là đấng Thiên Sai đã được hứa, là  HY VỌNG CỦA BA NIỀM TIN TÔN GIÁO

 

Chúa Giêsu Kito là “Vua Hòa Bình” (Isaiah 9: 6), Ngài sẽ thiết lập vương quốc của Ngài ở trần thế này mà thủ đô sẽ là Jerusalem. “Vào những ngày sau hết, núi nhà Yave / Chúa (biểu tượng vương quốc của Chúa) sẽ được thiết lập vững bền trên đỉnh đầu các núi non (nghĩa là trên hết tất cả mọi quốc gia trần thế)….và mọi dân tộc sẽ đổ xô về đó. Nhiều quốc gia  sẽ đến và nói: ‘Nào, chúng ta hãy lên núi Chúa Yave, đến nhà của Thiên Chúa Jacob; Ngài sẽ dạy chúng ta đường lối của Ngài, và chúng ta sẽ bước theo vết chân Ngài.’  ‘Vì từ Zion thánh chỉ (luật Chúa) được ban ra, từ Jerusalem lời Chúa được phán dạy” (Micah 4: 1-2).

 

Tất cả các con cháu của Abraham từ Ả Rập, Do Thái cho đến Israelite và tương tự như vậy cùng với toàn thể các sắc dân khác trên khắp thế giới, lúc bấy giờ sẽ được cơ hội học hỏi sự thật của Chúa và nhận tặng vật cứu độ Ngài ban. Họ không còn chiến tranh chia rẽ nữa, nhưng tất cả là anh em, đồng minh với nhau, hợp tác làm việc với nhau trong tinh thần hài hòa và huynh đệ. Tất cả đều nhận biết có một Thiên Chúa thật và sống hòa thuận theo đường lối của Chúa. Tất cả đều nhận được ân sủng Chúa ban (Isaiah 19:20-25).

 

Quỉ Satan  -tên khiêu chiến và gây đau khổ cùng với những hệ lụy vô hình ẩn núp đằng sau những quang cảnh bi thương ấy-  sẽ bị tống cổ ra để nó không còn mê hoặc và ức chế thiên hạ nữa (Revelation 12: 9; 20: 1-3).

 

Với luật công chính của chúa Kitô, hòa bình (không phải chiến tranh) sẽ bừng nở trên khắp mặt đất. “Ngài sẽ phán xét muôn dân và làm trọng tài cho những quốc gia hùng mạnh ở xa; Chúng sẽ rèn gươm thành cày bừa, giáo mác thành dao quắm; quốc gia này không còn tung gươm trên quốc gia nọ và thiên hạ sẽ không còn thao dượt binh lính chuẩn bị chiến tranh nữa.  Tất cả mọi người sẽ ngồi dưới gốc cây nho cây vả của mình, không còn dọa nạt nhau và làm cho nhau phải sợ hãi nữa, đúng như Chúa đã phán” (Micah 4: 3-4).

 

Jerusalem bị khủng bố tàn phá sẽ không còn sợ hãi nữa. Chúa đến đem thanh bình và  an vui: “Ta sẽ trở lại Zion và sẽ ngự trị giữa Jerusalem. Jerusalem sẽ được gọi là Thị trấn Sự Thật, và Núi của Chúa / Yave các cơ binh là Núi Thánh ….Các cụ ông cụ bà sẽ ngồi chơi hóng gió ngoài đường phố Jerusalem, tay cầm gậy vì họ đã luống tuổi. Phố phường nơi thị trấn sẽ tưng bừng nhộn nhịp với từng đàn trẻ con trai gái chơi đùa vui tươi” (Zechariah 8: 3-5).

 

Sách Zechariah còn tả thêm cảnh thanh bình đẹp như tranh vẽ của một tương lai thật huy hoàng và kỳ diệu: “Vào ngày ấy, nước hằng sống sẽ từ Jerusalem phun chảy ra, một nửa chảy về biển Đông, một nửa chảy về biển Đoài. Và cứ như thế cả Hạ lẫn Đông. Chúa Yave sẽ làm vua trên toàn mặt đất. Chúa Yave sẽ là đấng duy nhất; Danh Ngài sẽ là độc nhất” (Zechariah 14: 8-9).

 

Sau cùng, vượt qua bóng đêm đen tối âm u sau hàng ngàn năm chinh chiến và cơ cực rồi cuối cùng loài người cũng sẽ nhìn thấy hòa bình xuất hiện ở Jerusalem và trên khắp mặt đất, một nền hòa bình mà Thiên Chúa đã ban cho tổ phụ Abraham 4000 năm trước.  Hòa bình này sẽ lan tràn, chảy dài khắp Trung Đông để rồi bao phủ toàn thế giới. 

 

CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?

 

Những lời tiên tri trong kinh thánh thì nhiều và rất chính xác, không một người trần nào, thầy bói, thầy tử vi…có thể tiên đoán chính xác như vậy về những thịnh suy của các vương quốc cũng như các nhà lãnh đạo và dân tộc trên thế giới như các tiên tri trong kinh thánh.

 

Chúa đã tuyên phán: “….Vì Ta là Thiên Chúa, không có Thiên Chúa nào khác. Ta là Thiên Chúa và  không có Thiên Chúa nào giống như Ta. Ta đã tuyên bố ngày tận cùng ngay từ lúc khởi thủy, từ thời xa xưa lúc mà mọi điều chưa được thực hiện.Ta nói Ý Định của ta sẽ thành và Ta sẽ thực hiện những điều Ta muốn…”(Isaiah 46: 9-10). Chỉ một mình Chúa có khả năng biết được tương lai và có quyền lực làm cho nó xẩy ra.

 

Nhưng tại sao Chúa lại hé mở tương lai cho chúng ta? Tại sao Chúa lại nói cho chúng ta biết trước những điều sẽ xẩy ra?

 

Chắc chắn là vì Chúa muốn chúng ta nhận thức ra được sự cần thiết phải thay đổi.... Chúa cho chúng ta biết tương lai là để mỗi người chúng ta, từng cá nhân phải ăn năn thống hối vì những lỗi lầm của mình -thay đổi cách sống, trở về đường ngay nẻo chính, nếp sống mà Chúa đã tuyên dạy chúng ta-  để tránh những hình phạt của Chúa trong ngày phán xét như lời các tiên tri đã báo. Ngài cho chúng ta biết những điều sẽ xẩy ra là để khuyến khích, thôi thúc chúng ta thực thi những thay đổi cần thiết trong cuộc sống, cá nhân cũng như cộng đồng, quốc gia và nhân loại.

 

Lời Chúa cảnh cáo dân Israel và Judah (Do Thái) xưa kia đã hiển nhiên. Qua miệng tiên tri Ezekiel, Chúa đã khẩn khoản tha thiết: “Ngươi hãy nói với chúng: Ta sống, Ta không muốn kẻ vô đạo chết, nhưng ta muốn chúng từ bỏ đường chúng đang đi mà trở lại để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ con đường ma quỉ…Tại sao các ngươi lại muốn chết, hỡi nhà Israel ?....” (Ezekiel 33: 11).

 

Chúa không muốn trừng phạt bất cứ ai. Nhưng, như người cha hiền luôn luôn yêu thương con mình, Ngài biết, đôi khi cần phải có những bài học đích đáng để tránh những hậu quả đau thương ghê gớm có thể xẩy ra..

 

Ngài đã ban luật lệ, tóm gọn trong 10 điều răn sẽ mang lại nhiều ơn phúc  cho những ai biết tuân giữ các luật ấy, bởi vì những luật lệ này chỉ cho chúng ta biết cách sống ở đời là yêu Chúa và thương người (Mt.22: 37-40). Đồng thời nó cũng mang lại những hậu quả ghê gớm nếu chúng ta không biết lắng nghe và tuân giữ nó. Buồn thay, chỉ có một số ít người biết vâng phục Chúa và học hỏi, tuân theo cùng thực hành các giới răn Chúa dạy.

 

Qua lời giáo huấn, Chúa đã tỏ bày cho chúng ta thấy những biến cố và hoàn cảnh sẽ hủy giệt thế giới vào ngày tận thế. Qua tin mừng thánh Marco, Chúa Giêsu đã cảnh giác các môn đệ của Ngài ba lần là phải tỉnh thức bởi vì không biết lúc nào Người sẽ trở lại. Ngài nói: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như một người đi trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ, chỉ định mỗi người mỗi việc và ra lệnh phải canh giữ nhà cửa. Anh em phải canh thức vì không biết khi nào chủ về: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ông chủ đến bất thần, bắt được anh em đang ngủ. Điều Thày nói với anh em thì Thày cũng nói với hết thảy mọi người: Phải canh thức !” (Mc.13: 33-37).

 

Cuối sách Daniel cũng có lời cảnh giác là thời kỳ trước khi Chúa Kitô quang lâm trở lại sẽ là thời kỳ “đầy xáo trộn khủng khoảng điêu linh như chưa bao giờ có từ tạo thiên lập địa cho đến lúc đó” (Daniel 12: 1). Toàn thể thế giới bị tràn ngập bởi những thảm họa vô tiền khoáng hậu, hết thảm họa này đến thảm họa khác, triền miên….

 

Hãy nghe chính Chúa Kito diễn tả quang cảnh thời gian đó như sau: “…Khi ấy sẽ có cơn gian nan khốn khổ đến mức từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ chưa khi nào xẩy ra, và sẽ không bao giờ xẩy ra như vậy nữa. Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng vì những kẻ được chọn, các ngày ấy sẽ được rút ngắn.” (Mt.24: 21-22). Thời kỳ này  -Chúa cảnh cáo-  sẽ là thời kỳ nguy hiểm vô cùng đến độ loài người sẽ bị thiêu hủy. Đây là một lời tiên tri chính xác đáng tin cậy vô cùng, chúng ta phải cẩn thận.

 

Lời Chúa báo trước thì chính xác và bảo đảm vô cùng. Chúa đã nói trứơc sự suy tàn xụp đổ của nhiều quốc gia vì tội lỗi của họ, trong đó có nhiều quốc gia và dân tộc đứng hàng đầu trong thời đại chúng ta. Vậy còn chúng ta thì sao?  Chúng ta có ở trong số những kẻ đó không?

 

Hãy để ý đến lời Chúa Kitô  báo động: “vì những kẻ được Chúa chọn” thì sự hủy giệt sẽ không xẩy đến. Nhưng đây chỉ là một thiểu số có lòng tin thực sự  vào Chúa, can đảm và ước muốn thi hành niềm tin của mình. Họ thực tâm ăn năn thống hối để thay đổi cuộc sống, qui phục Chúa, từ bỏ mọi sự trần thế, khiêm tốn hạ mình bước theo Chúa để được Chúa hứa ban thưởng mọi ơn phúc ngày Chúa quang lâm trở lại.

 

Chúa đã quả quyết với họ qua một trong những sách tiên tri đặc biệt nhất: “Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta” (Revelation 21: 7). Quả là một lời hứa đáng quí và trân trọng của Thiên Chúa, đấng tạo dựng muôn loài !

 

Cũng sách Khải Huyền đã kết thúc bằng một thoáng nhìn về một tương lai lạ lùng mà Chúa đã dành cho tất cả những ai đã tự nguyện chọn lấy phần thưởng ấy, tương lai một đời sống vĩnh hằng cùng với Chúa, con một Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô trong đại gia đình bất tử nơi thiên quốc. Ngài muốn chúng ta là một phần tử trong cái tương lai huy hoàng oai nghiêm ấy !

 

Chúng ta cũng không nên quên là Chúa cũng hứa bảo vệ dân Ngài trong thời gian biến loạn xáo trộn bi thương kinh hồn ấy. Chúa hứa rằng: “Vì ngươi đã giữ lời Ta dạy phải kiên nhẫn chịu đựng, nên Ta cũng gìn giữ ngươi cho khỏi giờ thử thách sắp xẩy đến trên khắp mặt địa cầu, để thử thách những người sống trên mặt đất” (Revelation 3: 10).  Chúa ngụ ý gì khi nói như vậy? Ai là những kẻ được Chúa gọi là dân của Ngài ?  Sách Khải Huyền  xác định họ là “những kẻ tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu Kitô” (Revelation 12: 14-17)

 

Nếu chúng ta tin Thiên Chúa thực sự hiện hữu và lời Ngài nói là chân thật và chính xác thì chúng ta có uốn nắn đời sống chúng ta cho phù hợp với lời Chúa dạy không ?

 

Ăn năn thống hối luôn luôn cần thiết để đón nhận hồng ân Thiên Chúa và Thánh Linh Chúa.

 

Tình hình Trung Đông luôn luôn tiếp tục sôi động mỗi ngày mỗi tăng và chỉ còn vấn đề thời gian để cho những lời tiên tri ứng nghiệm làm bùng nổ, gây chấn động phá tung cả thế giới. Nhưng chúng ta vẫn có thể tự an ủi và hy vọng vào tình thương bao la của Chúa. Trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm khốn khổ ấy, nếu chúng ta tin và thực hành niềm tin của chúng ta thì chắc chắn sẽ được Chúa thương chọn 

 

Hãy nghe lời Tiên tri Isaiah khuyên: 

 

“Hãy tìm kiếm khi Ngài còn cho gặp.

“Hãy kêu khẩn  khi Ngài còn ở gần .

“Hỡi ác nhân, hãy bỏ đường xưa lối cũ;

“Hỡi ác qủi, hãy từ bỏ tâm tư  ý nghĩ…

“ Hãy trở về với Chúa

“ Ngài sẽ chạnh lòng thương mến.

“Hãy trở về với Chúa

“Vì Ngài giàu ơn tha thứ”

 (Isaiah 55: 6-7).

 

Pace Island, Florida 16-1-2007

NTCảnh

 

 

                                 ****************************

 

 

TIÊN TRI VỀ LIÊN-HIỆP Ả-RẬP

 

Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao khối Ả Rập lại nhất định bằng mọi giá phải tiêu giệt Israel. Tổng thống Iran  Ahmadinejad đã tuyên bố tại hội nghị Thế Giới không có Israel (The World without Zionism): “Không chóng thì chày, cái gai đáng ghét Israel này sẽ bị quét sạch khỏi trung tâm Hồi Giáo thế giới. Và chuyện đó sẽ phải đạt được”.

 

Thánh Vịnh 83 như ám chỉ lời tiên tri nói về những quốc gia Ả Rập ở Trung Đông, dù chưa ứng nghiệm, nhưng xem ra có liên hệ nhiều với những biến cố sẽ xẩy ra ở thời điểm cuối cùng. Nếu thực sự như vậy thì đúng là Liên Hiệp Các Quốc Gia Ả Rập, một tổ chức được xếp đặt với mục đích để tiêu giệt Israel, đã được tiên đoán từ cả ngàn năm trước.

 

Vì kìa, địch thù của Người đang gào thét, những kẻ ghét Người hất đầu lên. Chúng âm mưu hại dân Người, chúng bàn kế chống lại những bảo nhi của Người. Chúng nói: ‘Nào! Ta hãy giệt trừ dân tộc chúng đi, cho cái tên Israel không còn ai nhớ đến ! ‘Đồng tâm nhất trí, chúng lập kế với nhau, chúng kết ước chống lại Người: Doanh trại Edom và dân Ismaelites, Moab cùng dân Hagrites, Gebal, Ammon, với Amalek, dân Philistia, dân Tyre, thêm cả Assur cũng hùa với chúng. Họ giúp một tay cho con cái Lot”(Psalm 83:3-9).

 

Những địa danh và tên sắc dân được nhắc đến trong thánh vịnh 83 rất có ý nghĩa, bởi vì nó đã ảnh hưởng đến những xáo trộn ở Trung Đông. Edom tức con cháu của Esau , bây giờ là dân Palestine và một số dân Thổ nhĩ Kỳ. Dân Ismaelites tức là con cháu của Ismael, ngày nay là đa số dân Ả Rập ở khắp Trung Đông và Bắc Phi. Moab là một miền nằm ở trung tâm Jordan. Hagrites tức là con cháu của Hagar, mẹ  của Ismael.

 

Gebal nghĩa là “núi” hay  “ranh giới” thường chỉ thị trấn Byblos của người Phoenicia mà thời thượng cổ gọi là Canaan, ngày nay là thị trấn Jubayl nằm trong Lebanon. Ammon thì ám chỉ miền Bắc Jordan mà thủ đô là Amman (tên lấy từ chữ Ammon). Amalek là một ngành của con cháu Esau tức dân Palestine bây giờ. Philistia là vùng mà bây giờ gọi là Gaza Strip. Tyre, hồi xưa là một thị trấn nằm ở phía Nam Lebanon dọc theo bờ biển địa trung hải. Assyria, ám chỉ dân Trung Âu (miền Trung Âu Châu) từ nhiều thế kỷ trước đã di cư đến đó,  hiện giờ là dân ở phía Bắc Iraq. Con cái Lot tức con cái của Moab và Ammon, bây giờ là dân Jordan.

 

Ước mơ thống nhất các dân nước Ả Rập trên khắp thế giới thì quá rõ ràng và  với mục đích là tiêu giệt quốc gia Israel và đồng minh hậu thuẫn của Israel tức Hoa Kỳ và nền văn hóa tự do khai phóng Tây Phương từ lâu đã được coi là kẻ thù đe dọa nếp sống của dân Hồi Giáo. 

 

THẾ NÀO LÀ “ĐỒ GHÊ TỞM HOANG TÀN” ?

 

Chúa Giêsu đã nói trước rất rõ ràng về ngày tận thế: “…..Vậy khi anh em thấy ở nơi thánh những “Đồ Ghê Tởm Hoang Tàn” mà tiên tri Daniel đã nói đến –người đọc hãy lo mà hiểu- thì bấy giờ ai ở miền Judea hãy trốn lên núi, ai ở ngoài đồng đừng trở lại phía sau lấy áo choàng của mình……(Mt.24: 15-17). Chúa nói như vậy có ý nghĩa gì?

 

Xin ghi chú thêm cho rõ. “Đồ Ghê Tởm Hoang Tàn” mà tiên tri Daniel nói đến là bàn thờ vua Antiochus IV (cũng gọi là Antiochus Epiphanes) dựng lên trong đền thờ Jerusalem năm 167 B.C. để thờ thần ngoại Zeus. Ở đây Chúa Giêsu (qua thánh Mathew và Marco) ám chỉ việc các đạọ quân Roma, với những cờ hiệu có hình phượng hoàng, đi xâm chiếm đất thánh, thị trấn Jerusalem và Đền Thánh, rồi đặt tượng thần của họ trên bàn thánh buộc dân Do Thái phải thờ lạy,làm những hành động tội lỗi dơ dáy trong đền thờ và nơi  bàn thánh……tức thời mạt vận; theo thánh Phaolo thì đó là quỉ Satan.

 

Tiên tri Daniel đã nói rất nhiều và rất rõ ràng ở chương 11 trong sách của ông. Ông đã tiên đoán trước những điều sẽ xẩy ra tại những đế quốc và quốc gia muốn tranh dành kiểm soát  Đất Thánh vào những thế kỷ sau này. ( Phần này đã nói rất rõ ở bài Tiên tri Daniel và bốn đế quốc).

 

Phần lớn những lời tiên tri này nói về những đế quốc như đế quốc Syria ở phía Bắc do một trong những tướng của Alexander Đại Đế, thuộc loại con cháu của Seleucus cai trị và đế quốc Ai Cập ở phía Nam cũng do con cháu của một ông tướng khác của Alexander là Ptolemy cai trị.

 

THỦ LÃNH ÁC QUỈ NỔI DẬY

 

Sau cùng thủ lãnh của đế quốc Seleucid là Antiochus IV (Antiochus Epiphanes) đã xuất hiện. Hắn được tiên tri Daniel  miêu tả là một tên độc tài, mưu sỉ, gian ác…: “Một tên bỉ ổi đã xuất hiện mà chẳng ai thèm kính trọng tôn vinh hắn là vua…..” (Daniel 11: 21). Đa số các quan trong triều đã mệt mỏi chán nản vì những cái thái quá nhiêu khê của những ông vua của triều đại Seleucid, nên đã ủng hộ Heliodorus, một tên phản bội đã từng đầu độc chết ông vua trước.

 

Nhưng Antiochus vẫn cứ thản nhiên tiến bước và tìm xảo kế để củng cố ngôi vị (Daniel 11: 21). Dùng xảo kế tức là mưu mô quỉ quái mà một số sử gia gọi đó là mưu mô “kiểu La Mã” và thuật nịnh hót tâng bốc để lấy lòng người, nên hắn đã có được sự ủng hộ của ông vua nước láng giềng  Pergamum là Eumenes II và các quan trong triều đình của hắn nên hắn đã loại được Heliodorus và  nắm ngôi vua vào năm 175 B.C. Câu tiếp theo lại cho biết hắn đã hãm hại, đánh gục và quét sạch tất cả những ai chống đối hắn, kể cả những người đã liên minh với hắn (Daniel 11: 22).

 

Lúc bấy giờ, Syria đã thống trị Đất Thánh. Những người “bị quét sạch”  gồm cả “vị lãnh đạo một giao ước” (Daniel 11: 22). Điều này rõ ràng là ám chỉ một người Do Thái theo Hy Lạp (Hellenistic) đã đổi tên thành tên Hy Lạp là Jason và được Antiochus chỉ định làm thầy cả thượng tế để lo việc tế lễ theo phong cách Do Thái. Nhưng ba năm sau ông cũng bị Antiochus cách chức  và  đặt Menelaus lên thay để tế lễ theo phong tục Hy Lạp.

 

Câu 23-24 cho biết các vị lãnh đạo dân Do Thái lập liên minh, hòa ước với Antiochus, nhưng Antiochus vẫn dùng mưu sỉ, lừa bịp để tiến thân và đạt  uy quyền lợi lộc. Do đó hắn đã vào đất thánh một cách an toàn mà không cần dùng nhiều binh lực

 

Liên minh hay giao ước thì sẽ đạt được những gì? Sách Maccabees, dù không  thuộc quy điển Thánh Kinh cũng có thể cho chúng ta biết lịch sử ở thời đại này.“Trong những ngày ấy có những tên lưu manh xuất hiện từ đám dân Israel và chúng đã quyến rũ được nhiều người. Chúng nói rằng:  Ta hãy đi kết ước với các dân ngoại ở chung quanh ta.” (1Maccabees 1: 11).

 

Tiếp tục câu 11: “…..bởi vì từ khi ta tách biệt khỏi chúng, ta chẳng được lợi lộc gì cả, chỉ toàn là hiểm họa khốn đốn. Đề nghị này đến tai nhiều người và      một số hứng khởi đi gặp vua và được vua cho phép họ sống theo tập tục của dân ngoại. Họ đã xây thao trường ở Jerusalem theo kiểu của dân ngoại / Hy Lạp. Họ làm qui đầu giả, bỏ giao ước thánh và tự đặt mình dưới cùng một luật lệ với dân ngoại. Họ đã làm tất cả mọi sự xấu xa ti tiện(1 Maccabees 1: 11-15)

 

Tuy nhiên vẫn còn một số, mặc dù phản đạo nhưng chưa hoàn toàn từ bỏ cách thức thờ phượng Chúa của dân Do Thái. Ít ra là chưa từ bỏ.

 

Dù vậy, chẳng bao lâu Antiochus cũng đã phản bội các thủ lãnh Do Thái bằng cách lấy của cải của người giàu đem phân phát cho kẻ nghèo, ít ra là trong âm mưu nhất thời, để mua chuộc sự ủng hộ của đa số đám đông quần chúng Do Thái. (Daniel 11: 24). 

 

ANTIOCHUS NỔI CƠN THỊNH NỘ

 

Hãy để ý xem điều gì xẩy ra vào năm 168 B.C. sau khi Antiochus đã chiến thắng Ai Cập. “  Và khi y trở về nước với rất nhiều của cải giàu sang, nhưng lòng y quyết chống lại giao ước thánh. Do đó y phá phách tan hoang trước khi trở về nước ( Daniel 11: 28). Sách Maccabees cũng ghi là hắn đã tự động đứng lên chống phá dân Do Thái, tàn sát giết biết bao nhiêu là dân lành vô tội, cướp phá đền thờ và những đồ đạc quí giá ở Jerusalem trước khi trở lại Syria (1Maccabees 1: 20-28).

 

Sau đó Antiochus lại căng buồm làm một cuộc viễn chinh thứ hai ở Ai Cập. Nhưng lần này không kết quả vì tướng Popillius Laenas thuộc hạm đội hải chiến La Mã buộc hắn phải ngưng chiến và trả lại đảo Cyprus cho Ai Cập (Daniel 11: 30). “....Do đó, hắn rất buồn bực quay đầu trở về và trút hết tức giận cuồng nộ lên giao ước thánh và dân Do Thái, nhưng lại tìm cách o bế cưng chiều biệt đãi những kẻ bỏ đạo bỏ giao ước thánh” (câu 30).

 

Sách  Maccabees diễn tả như sau: “Khi quân lính tiến vào Jerusalem thì vị chỉ huy đã ngon ngọt tuyên bố với dân chúng là họ để mọi sự bình thường bằng an, sẽ không chém giết, đánh phá cướp của hãm hiếp gì hết. Thế là mọi người tin tưởng vào những lời đường mật đó. Bất thần hắn tung một cuộc tấn công vũ bão hung tợn vào thị trấn, đốt nhà phá thành, cướp của giết người không nương tay. Chúng cướp bóc của cải với cả súc vật, lại bắt cả đàn bà trẻ nít đem đi làm tù binh. Đoạn Antiochus cho binh lực xây những bức tường thành và tháp lũy kiên cố ở hướng bắc của đền thờ để làm pháo đài…”(1Maccabees 1: 29-33).

 

ANTIOCHUS CHỐI BỎ LUẬT CHÚA

 

Sau này Antiochus lại càng trở nên tồi tệ hơn, đúng như tiên tri Daniel đã báo động trước: “ Và hắn sẽ tập họp tất cả quân lính để cho chúng làm ô uế cung thánh, dẹp bỏ những nghi thức tế lễ hàng ngày và đặt lên bàn thánh những đồ ghê tởm khốc hại”. (Daniel 11: 31).

 

    Sách Maccabees còn cho biết nhiều chi tiết hơn nữa: “ Antiochus bấy giờ ban hành một đạo luật buộc tất cả mọi nước thuộc đế quốc của hắn phải bỏ tất cả phong tục luật lệ của mình để trở thành một dân tộc thuần nhất. Tất cả dân ngoại và nhiều người Israel đã tuân theo luật mới này. Họ chính thức công khai chấp nhận tôn giáo thờ ngẫu tượng, dâng của lễ cho  ngẫu tượng mà chúng tôn là thần là chúa và không giữ ngày lễ buộc Sabbah nữa.

 

   “Vua còn sai xứ giả đi phổ biến luật mới này ở Jerusalem và các tỉnh thành trên toàn xứ Judea và ra lệnh buộc dân chúng phải tuân giữ. Không được dâng của lễ đã nướng chín, lúa gạo hoặc rượu trong đền thánh; phải coi ngày Sabbah và những ngày lễ hội như những ngày thường.

 

   “Dân chúng được lệnh phải làm ô uế đền thờ và những vật thánh, đồng thời xây những đền thờ, bàn thờ để thờ kính ngẫu tượng, làm dụng cụ để của lễ, giết heo và súc vật dơ bẩn để làm của lễ hiến tế. Cấm con trai không được chịu phép cắt bì và bắt buộc bằng mọi cách phải tự mình làm những điều nhơ nhớp….để quên đi  không còn tuân giữ những luật lệ mà Chúa đã truyền dạy qua ông Mai Sen. Những ai không tuân giữ luật mới này sẽ bị tử hình.

 

  “Không những vua chỉ ban hành luật trên toàn đế quốc mà còn chỉ định các viên chức đi giám sát dân thi hành luật và hướng dẫn điều khiển dân dâng cúng của lễ cho ngẫu tượng ở mọi thành phố trên toàn xứ Judea. Nhiều người Do Thái đã vâng theo luật vua và từ bỏ luật Chúa. Họ làm ô uế đất thánh với những đồ vật quỉ quái của họ, khiến những người Israel chân chính phải lẩn trốn ở khắp mọi nơi” (1Maccabees 1: 41-53). 

 

ĐỀN THỜ BỊ LÀM Ô UẾ

 

Và việc đó đã xẩy ra: “ Vào ngày rằm (15) tháng Kislev trong năm 145” (1Maccabees 1: 54) tương đương với năm 168/167 B.C.”, chúng để những đồ ghê tởm  lên bàn thờ trong đền thánh (câu 54). Đây là loại bàn thờ của dân ngoại, hình thù giống như thần cả Hy Lạp Zeus, đúng y như sách Maccabees đã cho  biết là Antiochus làm ô uế đền thờ Do Thái bằng cách “hiến tặng cho thần Zeus Olympios”(2Maccabees 6:2). Đối với dân Hy Lạp thì Chúa của Do Thái chỉ tương đương với một thần lớn trong những thần anh hùng ở đền miếu của Hy Lap.

 

Sau này còn nghe kể là: “ Dân chúng tế lễ thần ngoại ngay trước cửa nhà và trên đường phố. Tất cả sách luật Do Thái đều bị tịch thu và thiêu hủy. Bất cứ ai còn giữ những sách luật đó (hoặc chỉ là bản sao chép) hay vẫn còn tuân giữ  và thực hành luật cũ của Do Thái mà bắt được thì sẽ bị tử hình. Những kẻ  lưu manh lợi dụng luật này của vua đi bắt bớ ám hại dân Israel trong thành phố. Vào ngày 25 trong tháng, cũng chính những tên lưu manh này dâng của lễ trên bàn thờ được thiết lập ngay trên mặt bàn thánh trong đền thờ Jerusalem. (1Maccabees 1: 55-59). Những con heo, theo luật Chúa bị coi là đồ dơ bẩn (Deuteronomy 14:8) lại được dâng cúng tế lễ ngay trên mặt bàn thánh Chúa.

 

Sách Maccabees còn kể tiếp: “ Những bà mẹ để con chịu cắt bì cũng bị xử tử; những đứa trẻ cắt bì thì phải treo cổ. Người làm phép cắt bì và tất cả gia đình đều bị án phạt tử hình” (1Maccabees 1:60).

 

Dù án phạt ghê gớm như vậy nhưng vẫn có người chống đối không chịu khuất phục. Sách Maccabees kể rằng: “Nhiều người Israel đã kiên cường đứng lên phản đối rất mạnh mẽ, quyết tâm không chịu ăn thịt dơ bẩn. Họ chấp nhận, thà chết chứ không chịu lỗi phạm giao ước thánh. Một cuộc trả thù tàn ác ghê rợn đã đổ lên đầu dân Israel. Họ đã hy sinh tử vì đạo.(1Maccabees 1: 62-63).

 

Tuy nhiên vẫn còn nhiều người kháng cự sống sót. Sau này có cuộc nổi dậy của gia đình tư tế Mattathias, gồm có con trai và người kế vị tên Judas Maccabeus là những người không chịu khuất phục trước bạo quyền dân ngoại. Cuối cùng, với cố gắng quyết tâm của những nhà ái quốc này và những đồng chí của họ, quân Syria đã bị đánh đuổi ra khỏi Israel.

  

LỜI TIÊN TRI SẼ ỨNG NGHIỆM

 

Với những sự kiện lịch sử đã xẩy ra, ta thử tìm hiểu ý nghĩa những lời cảnh cáo của Chúa Giêsu về “đồ ghê tởm khốc liệt”. Khi Chúa đưa ra lời cảnh giác, phải chăng lời tiên đoán của tiên tri Daniel, như chúng ta  thấy, đã được ứng nghiệm từ 200 năm trước? Thực ra, theo Chúa thì lời tiên tri Daniel phải được ứng nghiệm hai lần.

 

Qua Tin Mừng thánh Mathew Chúa Kito đã cho chúng ta biết lời tiên tri Daniel phải được hoàn thành: “ Vì khi ấy sẽ có cơn gian nan khốn khổ, ghê gớm như chưa bao giờ xẩy ra từ tạo thiên lập địa cho đến bây giờ, và sẽ không, không bao giờ có như vậy nữa. Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại thì không ai được cứu thoát. Nhưng vì những kẻ được chọn nên các ngày ấy sẽ được rút ngắn. (Mt.24: 21-22).

 

Những câu này (21-22) phù hợp với lời tiên tri Daniel nói về ngày tận thế: “Bấy giờ sẽ là thời kỳ rối loạn quẫn bách như chưa bao giờ có từ xưa đến nay. Lúc đó dân người sẽ được giải thoát….và những kẻ đang ngủ yên dưới lòng đất sẽ chỗi dậy…” (Daniel 12: 1-2)

 

Vậy thì thời kỳ khốn đốn ghê rợn sẽ xẩy ra vào những ngày cuối cùng của thời đại hiện nay, ngay trước khi Chúa Kito quang lâm trở lại thế gian lần thứ hai để làm sống lại những ai Tin Yêu Chúa. (1Thessalonians 4: 15-16). Thực vậy, tiên tri Daniel đã được Chúa linh khải cho biết: “từ ngày việc tế lễ  hàng ngày bị bãi bỏ và những đồ ghê tởm khốc hại được thiết lập”, 1290 ngày (chừng hơn 3 năm ½ một chút) sẽ qua đi cho đến khi Daniel được sống lại cùng với tất cả các thánh (Daniel 12: 11,13). 

 

NHỮNG ĐIỀU ỨNG NGHIỆM ĐẦU TIÊN

 

Chúng ta có thể nhận biết ra được rất nhiều điều đã xẩy ra đúng như lời tiên tri từ lúc bắt đầu có những đồ ghê tởm khốc hại. Antiochus Epiphanes là vị vua đầu tiên trong những vua ở phương Bắc xuất hiện vào những ngày tận cùng. Hắn là một tên độc tài mà sách Khải Huyền (Revelation) đã nói tới và gọi là “mãnh thú”. Không còn nghi ngờ gì nữa, vị thủ lãnh vào những ngày tận cùng này sẽ dùng mọi phương cách gian dối, xảo quyệt và ác độc giống như Antiochus và những người kế tiếp ông đã làm khi nắm quyền bính, chẳng hạn như Hitler, Stalin, Mao trạch Đông, Hồ chí Minh…..

 

Ngoài ra, qua những sự kiện chúng ta đã thấy và những lời kinh thánh ám chỉ thì, để hoàn thành giờ phút kết thúc của hắn, vị thủ lãnh vào ngày tận cùng sẽ làm bộ nghị hòa với dân Do Thái của tân quốc gia Israel hiện nay. Điều này có thể cắt nghĩa tại sao “vua phương Nam” –dĩ nhiên phải là một nhà lãnh đạo Hồi Giáo- sẽ hành động chống lại con “Mãnh Thú” quyền uy cuối cùng này  (Daniel 11: 40).

 

Còn những gì khác đã xẩy ra mà chúng ta thấy?  Ngoài việc Antiochus cho phép binh lính làm ô uế đền thờ, vật thánh, đồ dơ bẩn khốc liệt… ông còn bãi bỏ việc tế lễ hàng ngày trong đền thánh đúng như lời tiên tri Daniel đã nói “việc bãi bỏ tế lễ hàng ngày tiếp nối đồng thời với việc làm dơ bẩn khốc hại” (Daniel 11: 31). Để lời tiên tri này được ứng nghiệm, bàn thánh và việc tế lễ này phải được thiết lập lại trước khi Chúa Giêsu, đấng Thiên Sai quang lâm trở lại.

 

Một hành động tội lỗi tương tự nữa là Antiochus đã làm ô uế đền thánh khi hắn đặt ngẫu tượng thần Zeus lên bàn thờ và tế lễ heo lợn ở đó. Đồ ghê tởm dơ dáy ở ngày tận cùng cũng tương đương với những hình ảnh ngẫu tượng ở trong đền thờ mới lúc đó. Còn một điều mà chúng ta biết chắc chắn là sẽ có một người thật bằng xương bằng thịt ngồi trong đền thờ của Chúa và tự xưng là Thiên Chúa.

 

Thánh Phaolo tông đồ, trong thư gửi tín hữu Thessalonians đã tiên đoán về “đứa hư đốn mất linh hồn này”. “Đừng để ai lừa dối anh em bằng bất cứ cách nào; vì ngày ấy (ngày Chúa Kito trở lại) sẽ không xẩy ra nếu chưa có những tên gian ác hư hỏng xuất hiện trước, và kẻ tội lỗi phải được tỏ lộ, đứa đối lập hư đốn huyênh hoang coi mình là trên hết mọi sự, trên cả Thiên Chúa là đấng phải được tôn kính thờ phượng. Hắn ngồi trong đền thánh chỗ của Thiên Chúa và xưng mình là Thiên Chúa (2Thessalonians 2: 1-12)”.

 

Chúa Kitô sẽ tiêu giệt loại tôn giáo này ngày Chúa quang lâm (câu 5-8), nhưng không phải trước khi có nhiều đứa bị mê hoặc vì “lời gian dối ngon ngọt hoặc vì quyền lực, danh vọng”  (câu 9-12).

 

Vậy, khi vừa có chuyện “ghê tởm khốc hại” xẩy ra khởi đầu một thời kỳ  kinh hoàng khốn khổ vô tiền khoáng hậu, thì đồng thời cũng bắt đầu một thời kỳ cuối cùng kinh hoàng lớn lao vô cùng chưa bao giờ xẩy ra từ trước đến giờ: Thời kỳ Gian Truân Khổ Ải  lớn lao đang tới.

 

Chúng ta nên cám ơn Thiên Chúa đã hứa sai con một Người trở lại thế gian để cứu nhân loại khỏi bị hủy giệt trong thời gian kinh hoàng sắp tới, đầy dẫy lừa lọc và tàn phá. Chúng ta cũng phải cám ơn Thiên Chúa đã cho những gương sáng lạ lùng của những người đã hiên ngang đứng thẳng không lỗi phạm lời Chúa và hy vọng tràn trề ngày Chúa Kitô quang lâm, mọi người sẽ được sống lại vui hưởng đời sống vĩnh cửu và vương quốc của Chúa sẽ được thiết lập muôn đời vinh quang trên trái đất này.

 

Thực vậy, khi mà các biến cố xẩy ra trên thế giới mỗi lúc mỗi càng chứng tỏ lời tiên tri đã ứng nghiệm thì chúng ta lại càng phải Tin Yêu Chúa hơn, tin tưởng Chúa vẫn để mắt nhìn chúng ta trong những lúc đen tối tuyệt vọng nhất, nhận thức Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta mà không báo trước để giúp chúng ta hiễu rõ hơn những biến cố sẽ xẩy ra trong ngày tận thế.

 

NTCảnh

Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!