Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
ĐỨC TGM CORDILEONE CẤM CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HOA KỲ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
ĐỂ NHỚ ĐẾN TA
ĐỨC GIESU PHỤC SINH VÀ BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT
YÊU CHÚA THÌ KHÔNG SỢ


CHÚA NHẬT VI B THƯỜNG NIÊN

Lv 13:1-2, 44-46; 1Cr 10:31-11:1; Mc 1:40-45

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

Chúa đưa tay chạm vào anh ta và nói… “Anh hãy khỏi bệnh.”

 Bài đọc 1 hôm nay cho thấy luật lệ rất khắt khe đối với những người bị bệnh phong cùi (Lv 13:1-2,45-46).

Cùi hủi là loại bệnh mà người ta kinh sợ nhất. Thời xưa nó là bệnh thường thấy và nguy hiểm nên Thiên Chúa đã cho Maisen những giáo huấn chặt chẽ để đối phó với bệnh đó như được nói trong sách Levi (chương 13 và 14). Người ta tin là chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được bệnh hủi. Chữa được bệnh hủi là một phép lạ và người chữa lành đó phải là Thiên Chúa.

Theo kinh thánh, bệnh phong cùi xuất hiện dưới hai hình thức. Bắt đầu da bị đổi màu từng mảng rồi bệnh xâm nhập lục phủ ngũ tạng. Các thớ thịt và xương ngón tay chân bị thoái hóa trở thành cong queo rồi rụng cụt.

Thời Chúa Giesu, những người cùi phải sống riêng biệt bên ngoài cộng đồng, cách ly gia đình bạn bè, không được tiếp xúc với bất cứ ai. Sách Levi (13:45-46) cho thấy người cùi mặc quần áo rách, đầu phải để trần, râu che lại và ở trong những trại đặc biệt. Nếu có ai không bị bệnh đến gần thì phải kêu lớn tiếng “Tôi dơ bẩn, tôi dơ bẩn”. Vì thế người bi cùi hủi rất đau khổ vì vừa phải sống cách ly khỏi cộng đồng vừa chịu đau đớn thân xác lẫn tinh thần. Đời sống họ chẳng còn gì gọi là cuộc sống nữa. Vậy thì cái gì tồi tệ hơn? Đớn đau vì bệnh tật hay bị cô lập khỏi xã hội?

Tin mừng Marco (1:40) kể lại, - vì nghe tiếng đồn Chúa Giesu làm phép lạ lan ra khắp miền, cả nơi những người cùi hủi ở- người cùi bất ngờ quì phục dưới chân Chúa Giesu van xin Chúa chữa lành.

- Thưa ngài, nếu ngài muốn, xin ngài chữa cho tôi sạch.

Chúa giơ tay đặt vào người đó và nói:

- Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh!

Đến gần chúa Giesu, người cùi đã vi phạm luật Levi. Lời anh nói “Thưa ngài, nếu ngài muốn, xin ngài chữa cho tôi được sạch” chứng tỏ anh tin tưởng Chúa có thể chữa lành bệnh cho anh. Lời anh nói cũng có thể thách thức Chúa hành động. Thời ấy, tại miền Địa Trung Hải, sờ mó vào người cùi là một hành động rất can đảm và táo bạo.

Sờ mó một kẻ bị xã hội xua đuổi ghét bỏ, chúa Giesu đã chẳng coi luật Levi ra gì cả. Ngoài ra khi đó chỉ có các vị tư tế mới có thể tuyên bố ai là kẻ đã khỏi bệnh. Theo luật, chúa Giesu biều người bệnh đến gặp vị tư tế để được xác định hết bệnh và không được nói với bất cứ ai khác, nhưng anh ta vẫn lớn tiếng nói cho khắp bàn dân thiên hạ biết.

LÒNG BÁC ÁI VÔ BỜ CỦA VỊ SÁNG LẬP TRẠI CÙI DI LINH

Ở Việt Nam, hồi xưa và có lẽ cà bây giờ, người bị phong cùi cũng bị cô lập ở những trại riêng, dù cách chữa trị và phòng bệnh đã dễ dàng hơn. Mọi người khi nghe nói đến người cùi hủi đều sợ hãi và tránh xa, nhất là những người trốn trai ra ngoài ăn xin. Bài viết về trại Cùi Di Linh với Dức Cha Cassaigne và các sơ đã được viết từ lâu nay nói lại để nhớ đến những vị vì Chúa xả thân mình…

Vị sáng lập trại phong cùi Di Linh: Giám Mục J.B. Cassaigne / Cát Gia Minh

Trong những năm học y khoa, tôi đã có dịp tiếp xúc với bệnh nhân cùi, và có lần đã đi coi trại cùi ở Di Linh do Đức Cha J.B. Cassaigne (Giang Cát Sinh) thành lập năm 1927 lúc ngài còn là linh muc thừa sai mới qua Saigon được 2 năm. Ngài đã hy sinh phục vụ người phong cùi mà đa số là người thiểu số cho đến khi làm Giám mục Saigon năm 1941. Ngày 19-12-1945 là ngày kỷ niệm 30 năm linh mục thì cũng là ngày ngài biết ngài bị nhiễm bệnh cùi. Năm 1955, ngài trở lại Di Linh và qua đời tại đó năm 1973. Khẩu hiệu của ngài là “Tình Yêu và Bác Ái / Amor et Caritas”. Đúng vậy, ngài đã hy sinh cho những người khốn khổ bị người đời ruồng bỏ và ghê sợ vì tình yêu và bác ái. Ngài đã hy sinh cả cuộc đời cho người cùi nghèo khổ cho đến chết và xác cũng để lại nằm cùng với những người cùi mà ngài từng chăm sóc, như ngài đã thú nhận: “Tôi đã thấy họ trần truồng, la hét, đói khát, tuyệt vọng. Tôi đã thấy những vết thương của họ lúc nhúc ruồi trong những túp lều dơ bẩn…” Trại cùi Di Linh có được như ngày nay cũng là nhờ vị sáng lập tiên khởi từ lúc còn là vùng đất hoang vu hiểm trở.

Gương phục vụ của một nữ tu: Chị Mai thị Mậu[1]

Nối tiếp sự nghiệp của Đức Cha J.B. Cassaigne là chị Mai thị Màu, một nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Chị đã phục vụ ở đây 38 năm, từ năm 1968 lúc mới 27 tuổi. Chị đã vui vẻ dẫn chúng tôi đến thăm cả khu cũ và mới, phòng làm hồ sơ trị liệu cho những người anh chị em xấu số này. Qua ánh mắt và thái độ cho thấy chị mến thương tất cả mọi nạn nhân và bệnh nhân. Chị biết tên hết mọi người và từng người chị phục vụ như con cái. 95% nạn nhân ở đây thuộc dân tộc K’Ho và Nùng, nên họ gọi chị là Mơi Mậu (tức là Mẹ Mậu). Trong tổng số 219 người, một số là con cái của họ, và trong số những người con ấy, chị đã nuôi cho ăn học thành 3 bác sĩ và 2 kỹ sư, đang phục vụ cho trại cùi này.

Đúng thế, chị đã phục vụ tại đây 38 năm. Cô thiếu nữ Mai Thị Mậu, năm 12 tuổi, đã theo gia đình từ Hải Hậu, Nam Định di cư vào Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp trung hoc, có một lần cô tình cờ cùng với một người bạn vào thăm thân nhân ở Bệnh Viện Nhi Đồng, cảm thấy thương các em nhỏ ở đó đớn đau la khóc, cô đã thầm nguyện theo học ngành y  để sau này phục vụ bệnh nhân ở bất cứ nơi nào. Và thiên ý đã định cho chị đến với Trại Phong Di Linh từ năm 1972 cho tới nay. Vào năm phục vụ thứ 33 ở đây, người nữ tu này đã tâm sự rằng:

-“Làm sao tôi bỏ đi đâu được, khi họ luôn luôn chờ tôi. Cũng giống như nếu tôi lấy chồng thì trại phong này chính là gia đình chồng tôi vậy. Tôi đã thuộc về nơi ấy!”

 

Phải, chính vì người nữ tu này đã nhận nơi này làm nhà chồng của mình, và có lẽ chính vì những người anh chị em xấu số được chị phục vụ đã chẳng những trở thành nguyên cớ để chị đã đến không thể bỏ đi, mà còn là động lực để chị hăng say phục vụ hơn nữa, như chị đã tâm sự như sau:

“Người cùi luôn khao khát cuộc sống. Khi bị bệnh, họ bị buôn làng và gia đình ruồng rẫy. Đàn ông mất vợ. Đàn bà mất chồng… Vào trại, những con người bị ruồng rẫy ấy gặp nhau, lại nên vợ nên chồng, để tiếp tục cuộc sống bằng sức lực và thân thể đã tàn phế. Tôi học được ở chính những bệnh nhân của tôi tinh thần biết chấp nhận số phận một cách bình thản, không kêu ca oán thán…

Vì biết chấp nhận số phận của mình, hoặc vì trung thực với ơn gọi sống đời tận hiến cho Thiên Chúa trong việc phục vụ tha nhân, thành phần bất hạnh ở trại phong Di Linh này, nữ tu Mai Thị Mậu đã nỗ lực mở mang cho rộng lớn hơn rất nhiều những công trình do vị sáng lập của chị đã gầy dựng từ ban đầu. Thật vậy, chị cho biết:

“Năm 1972, tôi tình cờ có dịp chăm sóc cho một bác sĩ người Pháp ở Lâm Đồng bị bệnh nặng. Sau khi giúp ông khỏi bệnh, để trả ơn, ông hỏi tôi muốn gì? Khi biết ông có rất nhiều đất ở vùng này, tôi liền xin mua một miếng đất để sau này giúp cho con cháu người cùi tự lực làm ăn sinh sống. Vị bác sĩ đồng ý ngay và để cho tôi một vạt rừng rộng 53 mẫu, với giá chỉ tròm trèm 15 cây vàng. Tôi tìm mọi cách chắt mót để có được số tiền ấy mua đất”.

Thế là sau bao nhiêu công lao khốn khó do đích thân người nữ tu chân yếu tay mềm này, cùng với những người được Thiên Chúa sai tới vào thời điểm của Ngài, có được mảnh đất là một vạt rừng với những cây thân to cả mấy người ôm mới hết, lại thấp thoáng bóng hoang thú cọp, beo, công, vượn v.v. từ từ đã trở thành nơi trồng cấy khoai mì, khoai lang, bắp, cà phê v.v. Chưa kể khu nhà trẻ mẫu giáo khang trang, tường hồng, gạch men, với vườn hoa thược dược đỏ thẵm trước sân.

Từ đó, các con em thuộc trại phong Di Linh được chuyển đến đây, cách 12 cây số, ở xã Gia Hiệp để sinh sống biệt lập. Thật là một chuyện hình như chưa hề xẩy ra trong lịch sử các trại phong cùi. Các em dù có gia đình hay chưa, đều được hướng dẫn trồng trọt và chăn nuôi, trong vòng 5 năm, rồi sau đó sống tự lập. Cách đây mấy năm đã có 30 hộ gia đình tự lập, với 4 sào đất được cấp cho và một căn nhà trị giá 12 triệu đồng Việt Nam (tương đương với trên 700 Mỹ kim). Trẻ em trong trại đều được đi học. Nay đã có 3 em làm bác sĩ và 2 em làm kỹ sư đang phục vụ tại chính trại Phong Di Linh như đã nói.

Khi chị đang dẫn chúng tôi từ khu nạn nhân đến khu bệnh nhân, tôi thấy một nữ tu trẻ đẹp, đang phục vụ bệnh nhân ở đấy, đang tiến ngược về phía phái đoàn viếng thăm của chúng tôi. Tôi tránh sang một bên, đợi đến khi người nữ tu bước ngang qua trước mặt mình, tôi lên tiếng nói: “ngưỡng phục, ngưỡng phục!” Một nữ tu trẻ đẹp, mới 32 cái xuân xanh -như Mơi Mậu cho biết- kể như chôn vùi cuộc đời phơi phới đầy tương lai của mình trong trại cùi này hoàn toàn tự nguyện. Nếu trong trại này -Mơi Mậu kể- có hai người đàn bà nạn nhân cùi, một người đã chết 80 tuổi, và một người đang sống 70 tuổi, vẫn còn muốn lập gia đình, để tìm hạnh phúc cho tấm thân tàn ma dại già nua của mình vào những ngày cuối đời, thì lại càng phải ngưỡng phục biết bao con người nữ tu trẻ đẹp đang hiến thân phục vụ ở một ngọn đồi hoang vắng chẳng ai biết đến ấy. Hạnh phúc của người nữ tu trẻ đẹp ấy không phải là tình yêu phái tính mà là đức ái trọn hảo!

Chắc chắn người nữ tu Việt Nam trẻ đẹp này không thể nào tự mình có thể hy sinh tận tuyệt đến như thế, ít là cho tới bấy giờ, nếu không được thu hút bởi Đấng là Tình Yêu, Đấng cũng đã bất ngờ chiếm đoạt con tim của một chiêu đãi viên hàng không người Pháp. Cô chiêu đãi viên xinh đẹp duyên dáng Pháp quốc này đã trở thành một nữ tu, và đã hiến trọn đời mình để phục vụ những anh chị em xấu số, cũng tại chính trại cùi Di Linh này. Người nữ tu này -Mơi Mậu cho biết- cũng trẻ đẹp và đã qua đời rồi. Người chiêu đãi viên hàng không trở thành người nữ tu phục vụ trại cùi Di Linh ấy, như truyện kể, đã thực sự được vị Tình Quân là Tình Yêu của cô chinh phục trên một chuyến bay, sau khi nghe thấy một vị hồng y nói rằng: cô đẹp lắm, nhưng cái duyên sắc mà cô có được là do Thiên Chúa đã lấy của bao nhiêu người cùi để trang điểm cho cô đó!

Tấm lòng bác ái của Sơ Mai Thị Mậu

Vào năm 1973, khi Đức cha Cassaigne, người sáng lập làng phong cùi này qua đời vì bị lây bệnh, người nữ tu trẻ tuổi này quyết định xin ở lại trại cùi vĩnh viễn để được tiếp tục săn sóc cho các bệnh nhân. Nơi rừng thiêng nước độc và hẻo lánh, cả làng phong cùi chỉ có đôi ba nữ tu phục vụ, chẳng một ai ngó ngàng đến. Chị Mậu kể lại:

     -“Lúc đó, mọi người ai cũng sợ hết, những người bị phong cúi họ cho ở riêng một chỗ, chứ không ở chung trong gia đình. Ví dụ cách nhà của họ mấy chục thước thì họ làm cho một cái chòi để mà ở. Thời đó ai cũng sợ, không có ai dám bước đến trại phong, không ai giúp đỡ…Chỉ ngoài những nữ tu phục vụ thì ở đó thôi. Cũng không có bệnh viện nào nhận người cùi hết, chỉ có một bệnh viện Chợ Quán, có hai chục giường là để riêng cho người bị bệnh phong, cần nằm thì cho nằm thôi…Còn ngoài ra, tất cả các bệnh viện khác, không có ai nhận người phong hết, vì họ quá sợ…Thành ra, trong trại, các nữ tu theo nghề nghiệp của mình phải lo cho họ, tất cả mọi thứ, ngoài bệnh phong ra, phải tìm mọi cách để mà lo cho họ...”

      -“Là một y tá, -chị Mậu kể tiếp- tôi chịu trách nhiệm trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Các ngón tay chân bị mất, ngắn, cụt, nhỏ lại, bị co rút, trông cong queo, không kéo ra được. Vi trùng hủi nó làm hại đến cả dây thần kinh ở mặt và tay…làm cho miệng méo, mắt không nhắm được, sống mũi sập xuống. Tóm lại bệnh này nó tàn phá con người cả thể xác lẫn tinh thần đến tàn tật, chưa kể đến những đau đớn lở loét thúi tha dơ bẩn  mà người bệnh phải chịu.…Cuối cùng là chúng tôi phải nuôi dưỡng và chăm sóc những người bị tàn phế cả thể xác lẫn tinh thần.”

Nâng đỡ tinh thần bệnh nhân

Không những chỉ chăm sóc về thể xác, mà chị còn tìm cách nâng đỡ tinh thần cho họ. Đa số những bệnh nhân khi đến trại đều bị gia đình bỏ rơi, hàng xóm láng giềng ghẻ lạnh nên họ rất buồn tủi…

     “Ngày xưa -chị nói- họ ở theo tập thể gia đình, cứ mỗi một cái nhà bằng gỗ, 12 thước, chia ra, những người độc thân thì ở chung với nhau, 2, 3 người một phòng, rất là thiếu tiện nghi. Lúc đó, cũng ít người có gia đình, vì những người vợ, hay chồng bị bệnh bị bỏ rơi thì vô trại, còn những vợ hay chồng không bị phong thì họ ở lại làng… đương nhiên là người ta sẽ lấy chồng khác, vợ khác. Khi họ vào đây thì họ lại lấy nhau làm thành một gia đình khác… Con cái theo mẹ, nếu sinh con ở đây thì con cái thuộc về đây luôn…”

Được hỏi làm thế nào để tránh cho con cái của bệnh nhân không bị nhiễm bệnh phong? Chị cho biết: lúc đầu, cách ly con ngay khi lọt lòng mẹ, nhưng vì điều kiện vật chất quá thiếu thốn nên khi tách con sớm như thế thì hay bị chết non. Do đó, chị Mậu quyết định để hẳn trong trại phong nhưng cách ly sinh hoạt, cho ăn uống và ngủ riêng. Nhờ vậy, sự lây lan cũng đỡ dần. Với quyết tâm xây dựng tương lai cho các con của bệnh nhân được học hành đến nơi đến chốn, Sơ Mậu tìm mọi cách thuyết phục các trường học thu nhận các em này. Chị kể lại: “Hồi đầu họ nhất định không cho học, nhưng sau này, khi họ biết các cháu ở riêng, và phải có giấy xác nhận là không có bệnh thì họ mới cho học…Các em đi học từ mẫu giáo đến cấp ba, em nào đi học đại học thì cho nó đi học ở thành phố Saigon hay ngoài Huế, theo các ngành nghề khác nhau…Những em học về ngành Y thì tụi nó trở về đây giúp, còn các ngành khác thì mình xin việc cho chúng nó làm như đi dậy học ở trường của tỉnh, còn kỹ sư thì chúng nó tự xin công việc ở thành phố hay các tỉnh…Nhưng nếu mình cần, thì cũng kêu các em về và cũng trả lương cho các em, thí dụ như em nào là kỹ sư nông nghiệp, mình có đất sản xuất, chăn nuôi, thì phải nhờ nó, thì mình cũng trả lương để các em về làm cho mình…Còn các em y, bác sĩ, thì nhà nước trả lương…”

Làng phục hồi:

Để giúp cho gia đình của các bệnh nhân tự lập và hoà nhập vào cộng đồng, Chị Mậu có sáng kiến lập làng phục hồi. Cũng nhờ ngày xưa, trước năm 1975, với sự hỗ trợ của nhà Dòng và các ân nhân, chị mua được một miếng đất hoang vu, cách trại chừng 12 km, và đưa những người còn có khả năng làm việc về đó sinh sống và khai khẩn đất hoang, Chị nói: “Những người đó đã khỏi bệnh, sạch vi trùng, nhưng tàn phế, cùng với con em của họ về đấy sinh sống, làm thành một làng, hoà đồng vào xã hội…Tất cả những ai còn sức lao động, hay không tàn phế nhiều thì mình chuyển họ lên đó, vì ở trong này quá lâu, đất đai nhà cửa lại không còn đủ nữa…lên đó họ có đất đó để làm ăn…

Sau này, mình tập cho họ tự lo liệu lấy với hết khả năng của họ, rồi thiếu tới đâu, mình giúp tới đó…mình tập cho họ không còn là gánh nặng cho xã hội nữa…Thí dụ mình khoẻ mạnh thì làm được 90%, còn họ làm 40%....” Cũng theo lời chị Mậu, hầu hết kinh phí để lo cho đời sống của bệnh nhân và con cái họ là do các nữ tu tự xoay sở lấy. Trước kia, trại có sự hỗ trợ của nhà dòng và các ân nhân cùng bạn bè của cha Cassaigne. Sau năm 1975, nhà nước bắt đầu quản lý, thì: “Nhà nước cho được 5 ký gạo, và 5000 đồng cho mỗi bệnh nhân….Sau đó, cứ lên dần, 20 ngàn, 50 ngàn…rồi 100 ngàn…bắt đầu năm nay thì được hai trăm ngàn một người…Bây giờ ở Việt Nam cũng nhờ có phong trào làm việc xã hội, nên họ cũng rủ nhau, qua những đoàn đi tham quan Đà Lạt, hoặc là thăm chùa, bên Công Giáo là các ngày lễ lớn, hay tết, thì người ta cũng rủ nhau đến tặng quà cho bệnh nhân…mỗi chỗ họ cho một ít.”

Sau 38 năm làm việc tại trại phong Di Linh, giờ đây, nhìn lại những gì đã trải qua, Chị tâm sự: “Trong một khu vực mà chẳng một ai dám đến, nên đỡ đẻ cũng mình, nhổ răng cũng mình, chăm sóc cũng mình, chôn cất cũng mình, rồi lo ăn uống cũng mình…nhà cửa cho họ cũng mình… như một người mẹ lo cho các con vậy. Thật ra thì mình cũng có lý tưởng của mình rồi, không có sợ gì cả, giống như những người họ dấn thân vào bệnh Sida/HIV, nếu người ta sợ, người ta đâu có dấn thân như vậy.

Mình tận hiến để lo cho họ, những anh em nghèo khổ, đó là mục đích của mình…Chăm sóc họ về cả thể xác lẫn tinh thần, dậy dỗ, giáo dục cho các em về nhân bản, nhân cách, là một công dân tốt trong xã hội và có thể đưa họ đến đời sống thiêng liêng thánh thiện nữa. Mình phục vụ cho họ vô vị lợi, chứ không vì cá nhân hay gia đình mình…”

 

Tấm lòng của một người mẹ

Dưới đây là cảm nghĩ của một số nạn nhân được nữ tu Mai Mậu chăm sóc:

Nữ hộ sinh kiêm điều dưỡng Ka Siuh, năm nay 31 tuổi, hiện đang làm việc tại khu điều trị thì nói: “Em sinh ra và lớn lên trong trại cùi này luôn…Dì Mậu như là người mẹ của tụi em vậy, dì săn sóc tụi em từ khi mới sinh ra cho đến khi lớn lên, học hành và lo cho tụi em đến khi thành tài.”

Anh Krung, năm nay 42 tuổi cho biết: “Tôi là người dân tộc. Tôi sống ở đây được 6 năm rồi, vô đây được các dì giúp đỡ. Từ ngày tôi mắc bệnh, tôi bất mãn và chán chường lắm. Từ khi tôi vô trại, được sự giúp đỡ, tôi cũng bớt mặc cảm đi. Tôi sống rất thoải mái và hạnh phúc. Trong một thời gian điều trị thì tôi hết bệnh…được sơ đào tạo cho một nghề sửa xe. Tôi thấy sơ Mậu như một người mẹ tốt, đã tận tình giúp tôi trong những ngày tôi đau ốm.”

Bác Đinh Văn Cung, người đã sống trong trại 40 năm qua, hiện có hai con đang theo học Đại Học Y Dược ở Saigon, đã phát biểu:“Trong gần 40 năm, dì đã yêu thương, tận tình chăm sóc chúng tôi và làm cho cuộc sống của chúng tôi được hạnh phúc và tràn đầy niềm vui, những điều mà tưởng rằng chúng tôi không bao giờ có được nữa khi chúng tôi phải chịu nỗi bất hạnh của bệnh phong cùi…Dì đã cho con cái của chúng tôi một tương lai tươi sáng khi lo lắng, giúp đỡ, khích lệ từng đưá con của chúng tôi nỗ lực học tập để hoà nhập vào cộng đồng…”

Còn với Sơ Tiến, người đã làm việc trong trại 22 năm qua bên cạnh Sơ Mậu, chứng kiến bao sự thăng trầm và gian nan vất vả của Sơ Mậu, đã chia xẻ: “Sơ Mậu là một người rất có bản lĩnh trong vấn đề phục vụ…giống như những người kinh doanh để làm giầu, bà bạo gan, bà dám nói, dám làm, bà rất táo bạo trong những công việc để phục vụ cho các bệnh nhân chứ không phải cho cá nhân bà…Nhờ đó, mà cho đến ngày hôm nay, các bệnh nhân và con em của bệnh nhân mới có được như ngày hôm nay.”

Với tâm nguyện phần nào chăm sóc và xoa dịu những nỗi bất hạnh của những người bệnh phong cùi, với quyết tâm đem lại cho đời sống và con cái của họ một tương lai tốt đẹp, chị Mai thị Mậu đã kiên trì vượt qua bao gian khổ, khó khăn cùng chia xẻ bao mồ hôi và nước mắt với bệnh nhân, để ngày nay họ được hưởng một cuộc sống tươi sáng hơn. Cảm phục thay sự can đảm và hy sinh của chị! … (Theo Phương Anh, phóng viên đài RFA, nguồn RFA)

Trong Giáo Hội còn có 2 vị thánh đã hy sinh cho người cùi, dám sờ mó và ôm lấy thân xác họ là Thánh Damien đảo Molokai (Joseph De Veuster), và Chân phước chị Marianne Cope

Thánh Damien đảo Molokai

Thánh Damien sinh năm 1840 tại Bỉ. Năm 20 tuổi ngài gia nhập dòng Trái Tim Cực Thánh Chúa và được sai đi truyền giáo tại quần đảo Ha Uy Di và lấy tên là Damien. Sau 9 năm thi hành chức vụ linh mục, năm 1873 ngài nhận nhiệm vụ làm việc giữa những người phong cùi trên đảo Molokai. Năm 1885 ngài bị mắc bệnh cùi và chết hồi tháng 4 năm 1889. Ngài được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phong chân phước năm 1994 rồi phong thánh tháng 10 năm 2009 bởi Biển Đức XVI.

Lạy thánh Damien, xin giúp chúng con không biết sợ những nấm mồ ở trần gian này. Ngài đến đảo Molokai này của những người cùi như là đến một nghĩa địa, một hỏa ngục của những người sống. Bài giảng đầu tiên của ngài đã như muốn hòa đồng, ôm chặt lấy tất cả mọi người phong cùi ở đó khi ngài cất tiếng: “Chúng ta đều là những người cùi hủi” thì ngay lập tức người cùi đã nói với ngài: “Cha ơi, nguy hiểm lắm, cha hãy cẩn thận, cha có thể lây bệnh của chúng con”. Ngài liền trả lời: “Cha là cha, nếu bệnh tật có lấy đi cái thân xác này thì Thiên Chúa sẽ cho cha lại một thân xác khác.”

Chân Phước Marianne Cope (1838-1918)

Chị Marianne Cope là mẹ của những người cùi ở đảo Molokai. Vào thập niên 1880, đang là bề trên Hội Dòng Chị Em thánh Phan Sinh tại Syracuse, Nữu Ước, chị Marianne nghe lời kêu gọi đến săn sóc những người cùi hủi trên đảo Molokai ở Hawaii. Cùng với cha Damien, chị làm việc trong một xã hội của những người cùi khốn khổ bị bỏ rơi trên đảo mà không bao giờ được trở lại với gia đình.

Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 khoảng chừng 10% người cùi trên đảo Molokai và bán đảo Kalaupapa là phật tử. Còn lại thì đa số theo đạo của dân địa phương Polynesian, một số người theo Tin Lành và một số là Công Giáo. Chị Marianne thương yêu tất cả mọi người không phân biệt niềm tin, săn sóc họ như nhau với tất cả lòng trắc ẩn.Tất cả mọi người trên đảo đều tỏ lòng kính mến cha Damien và Mẹ Marianne là những người đã chữa lành họ cả thân xác lẫn linh hồn.

ĐÔI LỜI KẾT: ĐỪNG SỢ

Sau cùng, chúng ta hãy nhớ lại Chân Phước Teresa thành Calcutta (1910-1997) là người không bao giờ sợ phải nhìn và chạm vào mặt Chúa Giesu qua những gương mặt buồn rầu khốn khổ của những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo.

Mẹ Teresa viết: “Trọn vẹn trái tim của chúng ta được thể hiện qua hành động chúng ta đối sử với người cùi hủi, với những người đang hấp hối và những người vô gia cư. Đôi khi làm việc với những người đang hấp hối ở ngoài đường thì khó khăn hơn với những người nhà, vì họ sẵn sàng chờ đợi giây phút đi về với Chúa một cách an bình.

“Bạn có thể đụng chạm vào người bệnh, người phong cùi và tin rằng bạn đang đụng vào thân xác Chúa Kito. Nhưng nó sẽ khó khăn hơn nhiều khi những người đó đang say hoặc la lối nghĩ rằng mình là chúa Giesu đau khổ. Bàn tay bạn phải sạch sẽ và dịu dàng thế nào để có thể nói lên được nỗi trắc ẩn trạnh lòng thương của bạn đối với họ!

 “Chúng ta cần có một trái tim tinh tuyền để nhìn chúa Giesu qua một người có đời sống tinh thần nghèo nàn nhất. Vì vậy hình ảnh Thiên Chúa trong con người đó càng buồn rầu đau khổ, thì lòng đạo đức và niềm tin của chúng ta trong việc tìm kiếm gương mặt Chúa Giesu và phụng sự Người càng to lớn.”

Đa số người ta chưa bao giờ nhìn thấy người phong cùi. Chúng ta cũng sẽ chẳng biết gì về việc họ bị xã hội cách ly hoàn toàn như vậy. Nhưng ngày nay còn có những loại phong cùi khác đang phá hủy con người, giết chết tinh thần và hy vọng của họ, lại cách ly họ khỏi xã hội. Ai là những kẻ cùi hủi đó trong cuộc sống của chúng ta, đang đau khổ vì tật bệnh thể xác làm ô uế, cách ly và tách biệt những người khác ra khỏi đất sống của những người bình thường? Những điều kiện nào trong xã hội ngày nay đang làm cho con người trở  thành kẻ sống như đã chết, đẩy họ vào nghĩa địa, ngục tối của xấu xa hèn hạ, của nghèo đói, thất vọng, cô đơn, bạo động, sầu buồn, thất vọng, vô gia cư, nghiện ngập và tâm trí bệnh hoạn?

Đừng sợ mồ mả dưới đất. Hãy vào những túp lều dơ bẩn đó và mang lời an ủi, cử chỉ chữa lành cho mọi người. Theo lời Mẹ Teresa thành Calcutta: “Công việc càng ghê gớm dơ bẩn thì niềm tin và lòng tận hiến càng to lớn. Có những điều chúng ta cảm thấy ghê gớm và không ưa thích nhưng nếu chúng ta vượt qua được nó vì tình yêu Thiên Chúa thì chúng ta đã là những anh hùng rồi.”

Fleming, Florida

Feb.11, 2021

NTC

 

 [1] Chuyện kể về chị Mai thị Mậu và trại cùi Di Linh là theo Phương Anh, phóng viên đài RFA, nguồn RFA.

Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!