Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
Bài Viết Của
Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.
CHIÊM NGƯỠNG DIỆN MẠO CHÚA KITO TRÊN THẬP GIÁ
NIỀM TIN, THỬ THÁCH VÀ HY VỌNG (CHÚA NHẬT 2B MÙA CHAY)
SA MẠC TỘI LỖI
LỄ TRO VÀ MÙA CHAY THÁNH
THẾ NÀO LÀ ĂN MÌNH THÁNH VÀ UỐNG MÁU THÁNH CHÚA
LỜI NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC GIỜ TẠM BIỆT
THIÊN CHÚA BA NGÔI
GIÓ VÀ LỬA LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
CHÚA THÁNH THẦN LÀ TRẠNG SƯ BIỆN HỘ
TA LÀ ĐƯỜNG, LÀ SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG
CHÚA CHIÊN LÀNH VÀ ƠN CỨU CHUỘC
CON ĐƯỜNG EMMAUS VÀ NIỀM TIN CHÚA GIESU PHỤC SINH
CUỘC SỐNG NGƯỜI KITO HỮU
NHÌN MÀ KHÔNG THẤY..... ĐỨC GIÊSU ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA
NƯỚC HẰNG SỐNG
CHÚA GIESU BIẾN HÌNH & Ý NGHĨA SỰ VIỆC
HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
TA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LUẬT, KHÔNG PHẢI ĐỂ PHÁ HỦY
CHÚA GIESU VÀ ÁNH SÁNG ISAIAH (Tết Quý Mão 2023)
LỄ HIỂN LINH
MARIA MẸ THIÊN CHÚA
LỄ THÁNH GIA Chúa GIESU, Mẹ MARIA và Thánh GIUSE
THIÊN CHÚA SINH RA ĐỜI (Lễ Giáng Sinh-Bình Minh)
CHÚA SINH RA ĐỜI - Lễ Đêm
THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI (LỄ GIÁNG SINH-Lễ Ban Ngày)
LỊCH SỬ MÙA VỌNG
CHÚA GIESU MANG BẤT HÒA ĐẾN THẾ GIAN
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI
HÃY GIỮ VỮNG NIỀM TIN
PHẢN ỨNG CỦA TGM NAUMANN VỀ VIỆC ĐGH FRANCIS CHO BIDEN VÀ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
MỘT TRƯỜNG TRUNG HOC Ở WORCESTER, HOA KỲ BỊ MẤT DANH HIỆU CÔNG GIÁO
AI LÀ NGƯỜI ANH EM TÔI?
PHƯƠNG CÁCH MỤC VỤ CỦA CHÚA GIÊSU
ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÀ MÔN ĐỆ CHÚA GIESU
THIÊN CHÚA BA NGÔI
CHÚA VỀ TRỜI CHÚNG TA CÓ TƯƠNG LAI
ĐỨC TGM CORDILEONE CẤM CHỦ TỊCH QUỐC HỘI HOA KỲ PELOSI RƯỚC MÌNH THÁNH CHÚA
ĐỂ NHỚ ĐẾN TA
ĐỨC GIESU PHỤC SINH VÀ BIẾN CỐ LỊCH SỬ
MỘT HY SINH VĨ ĐẠI VÀ CAO CẢ NHẤT
TIẾP ĐÃI KHÁCH TRONG KINH THÁNH

 

Chúa Nhật XVI Thường Niên C

St 18: 1-10a; Tv 15; Cl 1:24-28; Lc 10:38-42

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD


 

 

                               

Image: Jesus with Mary and Martha by Alessandro Allori

 

Thế nào là tiếp đãi khách? Các chuyện trong Kinh Thánh đều ca ngợi sự tiếp đãi khách vì nó là bổn phận và để tỏ lòng thương xót. Trong sa mạc một người bị nạn xin được cứu giúp thì việc tiếp đãi đó là một nhu cầu sống còn. Đã là nhu cầu thì mọi trường hợp đều giống nhau. Khách lạ, một khi đã được tiếp đón vào nhà, là quan trọng và bất khả xâm phạm thì gia chủ phải bảo vệ họ khỏi mọi hiểm nguy dù có phải tổn thương đến tính mạng của những người trong gia đình. 

Gia chủ tốt, tiếp đãi khách rất nồng hậu, thường là bữa tiệc đặc biệt, thức ăn ngon, khác lạ chưa từng làm cho chính nhà mình. Bổn phận chủ phải bảo vệ khách thì đã được nói rõ trong chuyện ông Lot thành Sodom (St 19:1-8) và cụ già thành Gibeah (Tph 19:16-24). Ông Job khoe việc đãi khách (G 31:23). Thiên Chúa thì chắc chắn là gia chủ quảng đại rồi (Tv 15:1; 23:5).  
 

Sách Các Vua có rất nhiều chuyện nói về việc đãi khách. Tất cả bốn chuyện ở chương 4 đều nói lên quyền lực của Thiên Chúa biểu hiện qua tiên tri Elisha, đã làm tan biến tình trạng vô vọng đem lại sức sống cho họ. Đây là trường hợp một cặp vợ chồng ở làng Shunem (trong Tân Ước là làng Nain nằm trên đồi ở phía Bắc Israel) đã tiếp đãi nồng hậu tiên tri Elisha. Bù lại, tiên tri hứa cho họ sẽ có con trai vì họ lấy nhau đã lâu mà không có con (2V 4:8-37). 
 

Cặp vợ chồng này đã săn sóc một người xa lạ và rất ngạc nhiên khi người khách này đã cầu nguyện, dâng họ cho Chúa, lại để ý đến những vấn đề cá nhân và xã hội của họ. Việc họ làm xem có vẻ bình thường, nhưng lại giúp họ có ảnh hưởng lớn. Họ ngưng mọi sinh hoạt hàng ngày để săn sóc cho Elisha, nào là thức ăn, nào là tiện nghi phòng ngủ giường chiếu. Họ cho đi như vậy thì họ cũng nhận lại được nhiều điều có thể hơn cả những cái họ đã cho. Họ sẽ có cuộc sống mới vui tươi hết đau khổ buồn phiền vì hiếm muộn. Tặng vật Elisha cho họ thật là to lớn ngoài sức tưởng tượng của họ.

 

 

ABRAHAM VÀ SARAH  CHIÊU ĐÃI KHÁCH

 

Bài đọc I sách Sáng Thế (St 18:1-10) trình bày câu chuyện Abraham như là mẫu mực cho sự đãi khách thật hậu hĩnh. Theo như chuyện kể thì Abraham và Sarah đã đón chào những sứ giả của Thiên Chúa dưới gốc cây sồi ở Mamre với cả tâm hồn và hai cánh tay mở rộng. Abraham là chủ mang nước ra cho khách rửa chân, nhường bóng mát cho họ tránh nắng nghỉ ngơi. Bữa ăn rất thịnh soạn gồm có bánh nướng, sữa, thịt bê béo ngậy rất thơm ngon…Sarah vẫn ở trong lều vì theo tục lệ xã hội lúc đó cấm đàn bà không được đứng chung cùng với khách nam giới. Bà cũng phải sửa soạn bếp nút nấu thức ăn để đãi khách.

    

Trong bữa ăn ngoài trời dưới gốc cây sồi, Chúa đã trịnh trọng hứa với hai ông bà. Chín tháng sau Sarah sẽ sinh con trai đặt tên là Isaac. Đãi khách quả là một nghệ thuật đòi hỏi phải có lớp lang thứ tự hẳn hoi! Khách lạ ở Mamre lúc đó như chúng ta biết là Thiên Chúa và các thiên thần đến để dự tiệc và ban sứ điệp: Thiên Chúa hứa với Abraham và Sarah là kẻ hiếm muộn sẽ hân hoan vui mừng có con trai. 
 

Abraham tiếp đãi khách xem ra có vẻ hơi sang và thái quá, nhưng đó là theo truyền thống đòi hỏi ở Trung Đông thời bấy giờ: Khách là Chúa Kito thì ta nhìn thấy. Nhưng trong lúc đàm thoại, Chúa là người lắng nghe trong thinh lặng, ta không nhìn thấy.

 

 

TIẾP  KHÁCH  TRONG TÂN ƯỚC

  

Từ ‘Tiếp Khách’ tiếng Hy Lạp là “philanthropia” có nghĩa là Tình Yêu của con người, sự tử tế. Cũng là một loại nhân đức. Tiếp khách đã được ca ngợi trong Tân Ước và là một trong những công tác bác ái được Chúa dùng làm tiêu chuẩn để phán xét (Mt 25:35ff).  Chúa Giesu coi trọng việc này (Mc 1:29ff; 2:15ff, v.v.). Trong những dụ ngôn của Chúa, tiếp khách được coi là quan trọng (Lc 10:34-35; 11:5ff, v.v.). Tiếp khách của Thiên Chúa là phần chính yếu của sứ điệp của Người (coi Lòng quảng đại của Thiên Chúa trong Luca 14:16ff; 12:37; 13:29 v.v.). Chúa Giesu không có nhà cho nên Người thường là khách (Lc 7:36ff; 9:51ff; 10:3-8, 38-39ff; 14:1ff). 
 

Thánh Phaolo cũng thường làm như vậy trong những cuộc hành trình của ngài, trước tiên là thăm dân Do Thái và ở lại với họ, và nếu người Do Thái từ chối không tiếp thì ngài ở lại với dân ngoại (Cv 14:28; 15:33; 16:15, 34; 17:1ff; 18:3, 27; 21:16). Sau này khi Giáo Hội lớn mạnh và lan rộng, vì nhu cầu, nhiều tổ chức đã được thành lập. Người ta nói các tổ chức ở Antioch vào thế kỷ 4 đã săn sóc mỗi ngày cả 3000 người khách lạ gồm những người bệnh tật và góa phụ. Các giám mục và góa phụ là những người đặc biệt được tiếp đãi ở đây chính thức hay riêng tư. Những giáo hội lớn hơn và các thánh đường sau này cũng thiết lập những viện tế bần, viện dưỡng lão chuyên trách lo lắng cho người già cả và yêu đuối bệnh hoạn. Rồi từ từ những cơ quan này mở rộng thành những bệnh viện.

 

 

ĐÃI  KHÁCH  KIỂU  BETHANY

  

Câu chuyện Martha và người em là Mary ở Bethany (Lc 10:38-42) tiếp đãi Chúa Giesu là một đề tài rất lý thú. Điểm nổi bật của câu chuyện là việc “nghe lời Chúa” của Mary và nỗi “lo lắng” của Martha. Chuyện này thật ra chỉ để hướng dẫn các bà phải hành động thế nào cho đúng và hợp mà thôi. Nó chẳng phải là bổn phận của bất cứ ai. Ta thấy Chúa cũng không để ý xem chúng ta thi hành bổn phận tốt thế nào và cũng chẳng thấy ai thất bại trong việc làm của mình. Mary hiểu điều đó. 
 

Martha đã quá lo lắng về hình thức, làm theo phong tục, luật lệ, văn hóa của xã hội đòi hỏi phải làm. Nhưng thực ra, chỉ cần một chút ít thôi. Điều Martha bận tâm là phải phục vụ khách thật nhiều, thật chu đáo, thật sang sao cho hợp với những đòi hỏi đó để mình cũng được tiếng thơm là sang cả, hiếu khách và quảng đại. 
 

Mary ngồi dưới chân Thầy là một hình ảnh rất độc đáo (c.39). Theo Do Thái giáo ở Palestine vào thế kỳ I, đây là cung cách khá đặc biệt của một đệ tử (coi Lc 8:35; Cv 22:3), nói lên một thái độ đặc biệt của chúa Giesu đối với những người đàn bà trong Tin Mừng Luca ( coi Lc 8:2-3).

 

 

TÍCH CỰC, THỤ ĐỘNG  HAY TIẾP NHẬN ? 

 

Mary thành Bethany, môn đệ của Chúa, đã tiếp đón khách thích hợp nhất. Cô ta ngồi dưới chân khách và chăm chú nghe khách nói chuyện đã làm cho khách rất hài lòng. Martha và Mary là biểu trưng cho hai cách sống của hai thái cực. Quá tích cực đôi khi có thể trở thành phản tác dụng khi phải đối đầu với nhiều vấn đề, những thắc mắc và miệng tiếng người đời. Có những lúc ta phải để ý quan sát, biết lùi lại và suy nghĩ  nếu muốn hành sử một cách có ý nghĩa. 

 

Mấu chốt của câu chuyện này không phải là hoạt động hăng say, chạy lăng xăng ngược xuội không thụ động, nhưng là tiếp nhận.  Điều cần thiết trong việc tiếp đãi khách ở trong nhà hay ngoài cộng đồng là phải hiện diện với khách, lắng nghe xem họ nói gì và muốn gì, như Mary đã làm.

 

 

KẺ THÙ  CỦA VIỆC  TIẾP ĐÃI  KHÁCH

  

Vây thì, chúng ta nên coi những mặt tích cực, những yếu tố và vẻ bề ngoài của việc đãi khách. Đãi khách cũng có những bất ổn của nó là tính vị kỷ và lòng kiêu hãnh. Khi chúng ta cứ khư khư làm theo ý của mình, hoặc vì ganh tị muốn giữ lại những cái mà chúng ta đang có hoặc muốn dằn mặt xua đuổi người lạ ra khỏi cuộc sống và sự giàu sang của mình thì chẳng có gì gọi là hiếu khách cả. Quá chủ quan, suy nghĩ về mình  nhiều quá sẽ khiến chúng ta khó có thể hiện diện thực sự với khách. Hoặc giả có thể chúng ta quá để ý đến vẻ bề ngoài, nên bị gò bó với nhiều chi tiết nhỏ nhặt và sinh hoạt không cần thiết khiến chúng ta không có đủ thì giờ để nghe khách nói, trao đổi ý kiến với khách và tiếp đãi họ. 
 

Tại bữa tiệc ở Bethany, Martha đã học được bài học. Có lẽ một miếng bánh mì lại hay hơn là một bữa tiệc thịnh soạn kiểu Trung Đông, nó sẽ giúp chị hết lăng xăng, ra khỏi bếp và nhập bọn với Mary và Chúa, ngồi tại phòng khách cùng nhau hàn huyên, nghe lời Chúa dạy. Sau cùng Martha hẳn đã ngồi xuống và hiểu được cốt lõi của vấn đề đang thể hiện ngay trong chính nhà mình. Mary em mình chính là môn đệ thực sự của Chúa Giesu. Hy vọng Martha đã khám phá ra bữa cơm chỉ là bối cảnh sau sân khấu, vở kịch và những kịch sĩ diễn xuất mới là chính. Nói cho cùng, tục ngữ của ta có câu “Miềng trầu là đầu câu chuyện” đôi khi cũng có lý phần nào.

 

 

ĐÃI KHÁCH KIỂU HỒNG Y NEWMAN

  

Ngày 19-9- 2010 ở Birmingham, Anh Quốc là ngày phong thánh cho vị thần học gia vĩ đại Công Giáo, Hồng y John Henry Newman. Hồng y sinh vào một thời tao loạn, không phải vì những chính biến quân sự hay chính trị mà là những rối loạn lớn lao về tâm hồn. Ngài đã làm một cuộc hành trình từ Anh Giáo đến Công Giáo và dùng tài viết lách tuyệt vời của mình để thắng lướt hàng ngàn người, mang họ trở về với Chúa Kito và Giáo Hội Công Giáo. Ngài là một gương mẫu của lòng khoan dung ân cần hào hiệp và hiếu khách, đặc biệt với giới trẻ và phụ nữ trong môi trường đại học. Ngài đã bảo trợ cho các chương trình tuyên úy Công Giáo ở đại học trên thế giới dưới danh hiệu “Trung Tâm Newman”. 

 

Tôi đã  có dịp đọc những bài giảng của ngài dựa trên Tin Mừng các ngày Chúa Nhật. Thật là cảm động và ngạc nhiên khi đọc bài ngài suy niệm về câu chuyện Tin Mừng hôm nay nói về Martha và Mary và vị khách vinh dự của họ tại Bethany. Nó khác hẳn, không giống như những suy niệm mà tôi thường nghe trước đây. Chúng ta hãy nghe hồng y giảng:

 

 - “Có những người bận rộn, những người nhàn rỗi, họ chẳng tham dự gì vào với Chúa. Có những người khác, không phải là họ có lỗi, vì tất cả đều hy sinh thì giờ nhàn rỗi để đâm đầu vào việc làm túi bụi hoặc ngược lại hy sinh bỏ cả công việc để hưởng nhàn. Bỏ qua bên cạnh ý nghĩ không thực và thái quá đó, thì sau cùng vẫn còn hai lớp người Kito hữu: những người như Martha và những người như Mary. Cả hai loại người này đều vinh danh Thiên Chúa theo cách thức của họ, hoặc là làm việc hoặc là ngồi yên. Cả hai trường hợp đều cho thấy không phải của chính họ, nhưng họ phải mua với một giá nào đó là phải vâng lời, và liên tục vâng theo ý Chúa. Nếu họ bận rộn làm việc thì đó là vì Chúa. Nếu họ tôn thờ Chúa thì cũng là do yêu Chúa mà thôi. 

 

-“Và xa hơn nữa, hai lớp người môn đệ này của Chúa không tự chọn cho họ  thời gian phục vụ, mà do chính Chúa phân phát cho họ. Martha có thể lớn tuổi, Mary có thể còn trẻ. Tôi không nói là đừng bao giờ để cho người Kito hữu chọn lấy lối đi riêng cho mình, mặc dù Chúa sẽ được các thiên thần chăm sóc hay được thờ kính bởi thiên thần sốt mến Seraphim. Thường là như vậy và họ sẽ được Chúa chúc phúc nếu họ có quyền tự do lựa chọn phần tốt mà Đấng Cứu Chuộc đặc biệt khen ngợi. Nhưng phần lớn, mỗi người đều có vị thế riêng đã được định trước trong cuộc vận hành quan phòng của Thiên Chúa, nếu họ chọn, và ít nhất không thể hồ nghi là ai sẽ được chỉ định săn sóc thế giới. Nhu cầu để kiếm sinh kế, lời kêu gọi của gia đình, trách nhiệm theo hoàn cảnh và địa vị là những biểu hiệu của Thiên Chúa vạch ra con đường của Martha để cho mọi người lựa chọn.

 

 

ĐÔI LỜI KẾT VÀ VÀI SUY NIỆM

  

Martha than phiền với Chúa là em chị để chị một mình bận rộn, đầu tắt mặt tối lo việc bếp nút. Vào thời Chúa Giêsu, một người đàn bà như Mary mà ngồi dưới chân Chúa như một môn đệ là không được chỉnh. Martha tỏ ra khó chịu, than phiền là điều chẳng có gì sai trái cả. Ở xã hội Việt Nam, ngay cả thời nay, thái độ của Mary lại hoàn toàn không thể chấp nhận, đừng kể Martha cho phép Mary ngồi đề tiếp chuyện Chúa trong khi chị làm thức ăn. 
 

Chúa trả lời Martha:“Martha! Chị áy náy lo lắng nhiều quá” (Lc 10:4). Thoạt nghe thì thấy Chúa có vẻ “bênh” Mary. Nhưng nghĩ xa hơn thì Chúa có lý, vì Chúa coi vấn đề tâm linh quan trọng hơn vật chất. “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn nhờ vào Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4). Xem vậy thì Mary chọn ngồi nghe lời Chúa khi Chúa còn ở với họ hẳn phải quan trọng! Martha biết Chúa Giesu là ai (Ga 11:27), nhưng lại quên mất bổn phận, nhiệm vụ của Chúa cũng là khách. Chúng ta là những Mary, chú trọng đến Lời Chúa. Hãy chú ý hoàn toàn vào Người và cám ơn Người hết tâm trí mình. Tiếp khách ở đây chính là cầu nguyện với Chúa. Vào chỗ kín đáo vắng vẻ mà cầu nguyện, nói chuyện với Chúa, nghe tiếng Chúa nói, chứ không ra chỗ đông người giơ tay cao lên trời để cầu nguyện cho mọi người biết ta ngoan đạo (Mt 6: 5-6). Đừng coi trọng vẻ bề ngoài, rước sách om sòm ầm ỹ, mũ áo xum xoe. Đừng coi trọng nhà thờ nhà xứ làm sao cho được to lớn, ‘hoành tráng’ tiện nghi, xe hộp uy nghi láng coóng. Cũng đừng coi trọng huyênh hoang ta là ông trùm, ông trưởng, chủ tịch cộng đoàn, trưởng ban này ban nọ trong hội đồng hàng xứ, phải cầm thánh giá, khiêng kiệu đi trước những đám rước để cho mọi người biết mặt. Vào nhà thờ phải ngồi hàng ghế đầu…
 

Chúng ta đã không chọn phần tốt nhất như Mary là lắng nghe Lời Chúa, yêu Chúa và thương người. Trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, đặc biệt tình trạng môi trường biển bị nhiễm độc, cá chết, người thất nghiệp lâm cảnh đói khổ; chúng ta và con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu biết bao nhiêu hệ lụy không biết đến bao giờ mới hết cả về kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, tôn giáo lẫn chính trị. Người Công Giáo chúng ta chẳng lẽ ngồi yên chờ chết? Ai có trách nhiệm chăm sóc đàn chiên đang bị tan tác không biết tương lai mai sau thế nào? 
 

Để rút ra bài học về Martha và Mary, chúng ta thử suy ngẫm ít điều về bài Tin Mừng hôm nay với tư cách cá nhân và cộng đồng/cộng đoàn: 

- Tôi/chúng tôi thực hành việc tiếp đãi khách như thế nào?

- Những dấu chỉ của một cộng đồng/cộng đoàn hiếu khách là gì?

- Đâu là những bất ổn của việc tiếp đãi khách?

- Làm sao chúng ta có thể trở nên hiếu khách hơn?

- Tôi/Chúng tôi có thực sự yêu mến tha nhân, những người anh em huynh đệ đang đau khổ không?

 

Fleming Island, Florida

July 12, 2016

NTC

Tác giả: Bác sĩ Ng Tiến Cảnh, MD.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!