Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
Bài Viết Của
Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.
NGƯỜI CON ÚT RA ĐI
ĐỨC KYTÔ PHỤC SINH
CHUYỆN MỘT NÀNG CÔNG NHÂN VIỆT NAM
NGƯỜI CHA ĐÍCH THẬT CÓ NGHĨA LÀ NHÂN HẬU VÀ QUẢNG ĐẠI
LẮNG NGHE
KHÔNG AI THÍCH NHẬN LỆNH
ĐỪNG LÀM MẤT MẶT NGƯỜI KHÁC
LẮNG NGHE NHIỀU, PHÀN NÀN ÍT (2)
LẮNG NGHE NHIỀU, PHÀN NÀN ÍT (1) - Bài 1
ĐỪNG PHÊ BÌNH, LÊN ÁN ĐỂ KHỎI BỊ LÊN ÁN (MT. 7,1-2)
TÌNH YÊU, MỘT NHU CẦU CĂN BẢN
CHÍNH NGÀI ĐÃ DẪN CON ĐI
HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
TIN LÀ THẦN DƯỢC
ANH HÙNG NGÃ NGỰA VÀ KHÚC QUANH CUỘC ĐỜI
MỤC VỤ CHO BỆNH NHÂN
KHÍCH LỆ : BÍ QUYẾT GIÁO DỤC CON TRẺ THÀNH CÔNG
QUÀ GIÁNG SINH NĂM NAY
SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT
PHÚC CHO NGƯỜI ĐAU KHỔ
Tình Yêu và Phục Vụ
MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT. TA VỚI MÌNH TUY MỘT MÀ HAI
Giới Thiệu Bộ sách Tâm Lý Giáo Dục gồm 4 cuốn của Lm. Tiến sĩ Lê Văn Quảng.
NẾU TÔI KHÔNG THẤYTÔI KHÔNG TIN
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ - VÀ CON NGƯỜI NGÀY MAI (1)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (6)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (5)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (4)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (3) - NHỮNG PHƯƠNG CÁCH THÍCH HỢP ĐỂ ĐIỀU KHIỂN CON CÁI
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (2)
THIÊN CHỨC LÀM CHA MẸ (1)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (4)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (3)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH (2)
QUAN NIỆM VỀ PHÁI TÍNH
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (7)
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (6).
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (5)
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (4)
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA HÔN NHÂN (3)
TÌNH NGHÈO LÀ PHÚC

  

TRĂM NĂM HẠNH PHÚC đó là câu chúc người ta thường trao tặng cho cô dâu chú rể trong ngày thành hôn của họ. Nhưng đâu là Hạnh Phúc ?

Người ta thường nói: Có tiền mua tiên cũng được. Điều đó có nghĩa là nếu có tiền người ta sẽ có hạnh phúc. Vì thế, người ta thường lo lắng cho những cặp nhân tình nghèo không biết rồi mai ngày họ có được hạnh phúc không ? Nhưng thực tế, có thật đúng như vậy không ? Sau đây, tôi xin chia sẻ với quí vị một vài mẫu chuyện sống động và cụ thể, những mẫu chuyện rất chân thành được phát xuất từ những tâm hồn đạo đức và thành thật muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm sống cho những người cùng có một lý tưởng, cùng mang một niềm tin với hy vọng có thể giúp quí vị và đặc biệt cô dâu chú rể tạo dựng được một gia đình hạnh phúc cho chính mình. 

Trong những năm gần đây, một số trai Đài Loan rủ nhau đi lấy vợ Việt Nam vì nhan nhãn trên các báo chí cũng như xa lộ Đài Loan người ta đều thấy những hàng chữ quảng cáo: Lấy vợ Việt Nam vừa rẻ vừa đẹp.

Một số những người Việt Nam nghĩ rằng nếu con gái mình lấy được chồng tàu thì đó là một niềm hảnh diện lớn lao cho gia đình. Thật vậy, hầu hết những người Việt Nam đều lầm tưởng rằng mọi người tàu đều giàu có nên cứ vớ được chồng tàu là tốt phúc, không cần phải đặt nhiều vấn đề như: tính tình, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, nghề nghiệp hay họ thuộc những thành phần nào trong xã hội. Họ đâu có biết được rằng tại sao những chàng trai Đài Loan nầy phải chạy mãi sang Việt Nam mới lấy được vợ, nếu không có thể họ sẽ phải sống cảnh độc thân suốt đời. Đáng thương hại hơn nữa có những cô dâu Việt Nam lấy chồng nhưng chưa bao giờ được thấy mặt người chồng và người chồng xuất hiện bên cạnh họ trong ngày cưới có thể đó không phải là người chồng thật của họ. Khi về đến Đài Loan rồi, họ sẽ chuyển giao những cô dâu ấy cho những người chồng khác hoặc cho những dịch vụ khác mà số phận của họ không biết sẽ đi về đâu.

Tôi được biết trong khu vực giáo xứ của tôi có hai cô gái Việt Nam sang lấy chồng tàu ở đây. Tôi có nhờ giáo dân của tôi: Nếu có thể được thì cố gắng liên lạc với họ để hỏi xem họ có phải là công giáo hay không và họ có cần tôi giúp đỡ gì cho họ nhất là trong vấn đề ngôn ngữ. Nhưng sau một thời gian, họ đã trả lời cho tôi rằng họ không thể liên lạc được với những cô gái Việt Nam nầy, vì gia đình đó không hề muốn cho hai cô dâu nầy ra khỏi nhà, bỡi lẽ hai đứa con trai của họ là những người bị bệnh thần kinh và họ đã bỏ tiền ra để mua những cô gái Việt Nam về phục vụ cho những đứa con trai của họ. Dĩ nhiên, họ không muốn những cô gái nầy bỏ nhà ra đi. Nghe đến đó tôi thật cảm thấy đau lòng cho số phận những cô gái Việt Nam vì họ là những người đồng hương của tôi.

Câu nói: Có tiền mua tiên cũng được có thể đúng trong trường hợp nầy cho những người Đài Loan lấy vợ Việt Nam nhưng không đúng một chút nào cho những cô dâu Việt nam và nhất là cho những gia đình Việt Nam có con gái mình rơi vào những hoàn cảnh như thế. Nếu nói rằng có tiền là có hạnh phúc thì thử hỏi những cô gái Việt Nam nầy bây giờ sống trên xứ người có thể họ có nhiều tiền hơn trước nhưng họ có thật sự hạnh phúc hơn khi còn ở Việt nam hay không? Hay họ còn đau khổ hơn trước gấp trăm ngàn lần bỡi lẽ bây giờ họ không biết phải giải quyết vấn đề cách nào đây, cũng không biết phải tỏ bày nỗi niềm tâm sự đó với ai bây giờ, để rồi ngày qua ngày những đau khổ ấy cứ mãi dằng vặt, cứ mãi chồng chất, không biết rồi mai ngày đây họ có còn đủ sức để chịu đựng nổi nữa hay không ? Và một khi con người không thể chịu đựng nỗi nữa thì cái gì sẽ xảy ra cho cuộc đời họ ?

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy nhan nhãn trên các nẻo đường xa lộ Au cũng như Mỹ những tấm bảng to tướng với những hàng chữ đậm nét: The number one cause of suicide is depression. Nguyên nhân số một của tự tử là buồn chán. Một khi con người quá đau khổ và sự đau khổ của họ cứ kéo dài mãi hết ngày này qua ngày khác, hết năm nầy qua năm khác, họ sẽ cảm thấy kiệt sức và họ sẽ không còn muốn sống nữa. Đó là lý do tại sao người ta đã tự tử quá nhiều trong xã hội hôm nay. Con người ngày hôm nay quá chú trọng đến đời sống vật chất mà quên mất đời sống tâm linh. Chính điều đó đã làm con người mất đi thế quân bình trong cuộc sống.

Trở lại với thế giới chúng ta đang sống. Trong cuốn video Đại Hội Thánh Mẫu Missouri năm rồi, có đoạn chia xẻ về đề tài giới trẻ và gia đình, bấy giờ có một người đàn ông khá đẹp trai, xem còn rất trẻ, đã đứng lên chia xẻ một cách rất thành thật về kinh nghiệm của gia đình anh như sau:

Cách đây mười năm về trước khi anh và gia đình vừa đặt chân đến nước Mỹ, anh cũng mang cùng tâm trạng như bao nhiêu người khác: mặc cảm thua kém vì thấy mình nghèo, nghèo hơn những bạn bè mình ngày xưa. Vì thế, anh quyết định đi làm hai công việc toàn thời gian (two full-time jobs). Anh cố đi làm, làm trong vòng 5 năm liên tiếp, quên hết gia đình, quên hết bạn bè, quên hết mọi sự, cố hái cho ra tiền mua nhà mới, mua xe mới để có thể nở mày nở mặt với bà con, bạn bè. Anh phó mặc con cái cho người vợ trông nôm. Suốt 5 năm trời như vậy, anh làm cũng ra được khá nhiều tiền, bấy giờ thì anh tự hào nghĩ rằng lúc nầy mình có mọi sự, mình có thể cung cấp cho vợ con đầy đủ hơn, đời mình sẽ hạnh phúc hơn. Nhưng không ngờ thực tế lại khác hẳn với những gì anh ta tưởng.

Trong suốt 5 năm trời đó, thiếu sự gần gũi và giáo dục của người bố, liên hệ tình cảm cũng như sự cảm thông giữa bố với con không có. Đứa con bị ảnh hưởng quá nhiều bỡi bạn bè và xã hội. Nó bắt đầu sống theo kiểu Mỹ hóa, sống tự do phóng túng, tư tưởng theo kiểu Mỹ và hành động theo kiểu Mỹ. Năm ấy, đứa con vừa lên mười ba tuổi. Một ngày kia, giữa mùa hè nóng bức của vùng đất Texas, người mẹ đến trường đón đứa con về sau giờ tan học. Khác với mọi thường ngày, người mẹ không tìm thấy con đâu cả, không có cách nào khác hơn là phải ngồi lại trong xe chờ con. Sau hai tiếng đồng hồ chờ đợi trong vô ích, người mẹ chán nản ra về vì trời quá nóng. Người mẹ vừa về đến nhà thì nghe điện thoại reo. Bà vội cầm điện thoại lên thì ra thằng bé gọi mẹ lên trường chở nó về. Người mẹ vừa mệt, vừa nóng, vừa giận, vừa buồn, vừa tủi, hai hàng nước mắt chảy ra nhưng cũng phải ra đi. Chiều về, người mẹ đem chuyện ấy mách lại với bố. Bố gọi thằng bé ra và hỏi: “Chiều hôm nay con làm gì ? Sao không báo cho mẹ biết ? Mẹ con phải ngồi chờ giữa trời nóng bức như vậy hai tiếng đồng hồ. Nếu là con, con có chịu nổi không ?” Thằng bé trả lời:”Chịu nổi”.  Vừa nghe thế, ông bố nổi cơn điên lên, cho ngay thằng bé một tát tai. Thằng bé xịt máu mũi. Sau đó, ông bố bỏ đi. Thằng bé cũng chui ngay vô phòng. Bầu không khí gia đình căng thẳng, không ai muốn nói chuyện với ai.

Tối hôm ấy, trước khi đi ngủ, người bố gọi con lên xin lỗi. Bấy giờ ông bố mới hỏi con: “Tại sao con trả lời với bố như vậy ? Con có biết trả lời như thế là hỗn láo không ? Đứa con trả lời: “Dạ không”.

Quả thật, hai bố con không cùng ngôn ngữ, không cùng tư tưởng, nên đã có hai lối sống cách biệt nhau, không thể hiểu nhau. Sau biến cố đó, anh ta mới giật mình tỉnh giấc. Bấy giờ anh mới khám phá ra rằng trong suốt 5 năm trời quá chú trọng đến vấn đề tiền bạc, anh đã bỏ quên mất đi những bổn phận quan trọng khác như hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái… đến nỗi ngay cả vợ con anh cũng hiểu lầm rằng anh đã quá ham tiền hơn cả vợ con. Và vì thế, vợ con anh cũng bắt đầu hững hờ với anh và muốn xa lìa anh. Sau đó, anh bắt đầu hối hận, vội vàng xin lỗi vợ con anh và quyết định bỏ ngay một công việc để có thì giờ sống với gia đình. Bây giờ thì gia đình anh xem ra rất an bình. Anh muốn đến tham dự ngày Thánh Mẫu để tạ ơn Chúa và Mẹ đã thương cứu anh thoát khỏi cơn mê trước khi gia đình anh rơi vào cảnh ly tan…

Quả thật, anh đã nói lên đúng tâm trạng chung của phần đông những người đàn ông Việt nam khi vừa đến đất Mỹ. Với nhiều mặc cảm: mặc cảm nghèo, măc cảm thua kém, mặc cảm bị người ta khinh thường đã khiến họ nghĩ ngay đến vấn đề nhu cầu kinh tế mà quên mất đi những yếu tố khác như vấn đề tình cảm, vấn đề đạo đức..

Hãy nhớ rằng con người ngoài nhu cầu thân xác còn có những nhu cầu khác cũng quan trọng không kém, cũng cần phải được chăm sóc nếu muốn con người được phát triển một cách toàn hảo.

Mọi người trong chúng ta thảy đều biết rằng: Con người được sinh ra là cần yêu và cần được yêu. Khi còn bé, đứa trẻ bám sát vào mẹ, vào chị, hay một người thân yêu. Nếu xa mẹ, xa người thân, nó sẽ khóc bỡi lẽ nó cần được yêu và cần được bảo vệ. Nếu mẹ không yêu nó bằng em nó, nó sẽ tìm cách đánh em vì sự ghen tức. Nó thật sự không muốn mẹ nó yêu em hơn nó. Cũng vậy, không có một người đàn bà nào muốn chồng mình quan tâm đến một người nào hay một công việc nào khác hơn chính họ.

Có thể nói nhu cầu tình cảm là một nhu cầu rất quan trọng trong đời sống con người. Người ta có thể sống thiếu ăn, thiếu mặc nhưng người ta không thể sống thiếu vắng tình cảm. Chính vì thế, đã có rất nhiều cặp vợ chồng khi còn thời nghèo khổ họ sống rất là hạnh phúc bên nhau, nhưng về sau vì quá chú trọng đến vấn đề kinh tế nên họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống hôn nhân, dẫu cho có thể họ đã trở nên giàu có hơn, nhưng bầu khí gia đình của họ xem ra thật bất hạnh, để rồi cuối cùng một số phải đi đến chỗ ly tan, một số khác đã phải kết thúc tấm bi kịch bằng những cái chết thật vô nghĩa.

Sau đây là một câu chuyện rất đáng thương tâm, một câu chuyện thật trong muôn ngàn câu chuyện thật khác, nó đã từng xảy ra không những cho chính gia đình của đương sự, nhưng nó cũng đã từng xảy ra cho rất nhiều gia đình trong chúng ta, những người đang chạy theo tiền bạc mà quên mất đi đời sống tâm linh. Hy vọng câu chuyện nầy sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của vấn đề chúng ta vừa trình bày trên đây. Câu chuyện đã được một người bạn của chúng tôi thuật lại trong chuyến du hành sang Au châu của chúng tôi trên đất Ý: 

Tôi ở trong một chuyến tàu lửa và đang cầu nguyện. Ngồi đối diện tôi là một người đàn bà trong chiếc áo choàng của một người nông quê miền nam nuớc Ý. Tôi thấy bà ta chú ý đến tôi. Bà nhìn cuốn sách kinh của tôi một cách chăm chú. Đoán là bà ta có chuyện gì muốn nói nên tôi đã phá tan sự im lặng bằng cách gợi chuyện hỏi thăm bà. Bà cũng cảm thấy có một cái gì liên đới và thân thiện nên bà đã chia sẻ cho tôi câu chuyện đáng thương tâm của gia đình bà. Bà nói:

Tôi là người Calabria. Gia đình tôi và tôi đã sống trong một làng quê nghèo. Một ngày kia, đứa con trai tôi nói: “Mẹ, con sẽ đi Milan để tìm việc”. Tôi trả lời: “Tốt”. Và nó đã ra đi. Nó đã tìm được việc cách dễ dàng và định cư ở Milan. Sau một thời gian ngắn, nó viết thơ về cho cha nó tức chồng tôi: “Thưa cha, cha đến đây với con. Cha là một người thợ nề. Cha cũng sẽ tìm được việc cách dễ dàng như vậy”. Vì thế, chồng tôi ra đi.

Không đầy một năm sau, đứa con trai tôi viết thư về cho hai đứa con gái của tôi: “Tại sao các em không đi ? Chúng ta sẽ làm một gia đình ở đây!” Vì thế, hai đứa con gái tôi cũng ra đi. Chỉ còn lại mỗi mình tôi. Bấy giờ, tôi nghĩ rằng mình làm gì ở đây một mình. Thôi mình cũng nên thu xếp để ra đi. Và tôi đã viết thơ cho đứa con trai tôi như vậy. Sau đó chúng tôi đã thu dọn đến Milan và chúng tôi đã trở thành những người Milan.

 Vừa nói đến đây, bà bỗng phát oà lên khóc. Bà ta cố lau nước mắt nhưng những giọt lệ vẫn cứ tuôn trào chứng tỏ tâm hồn bà ta quá đau khổ. Sau đó bà ta nói tiếp:

Bây giờ chúng tôi quá buồn ! Trước đây tôi chưa bao giờ thấy có quá nhiều tiền như thế trong nhà tôi. Bốn phần lương mỗi tháng. Nhưng chúng tôi quá buồn. Chúng tôi đã trở nên giàu có và chúng tôi đã bị hư hỏng. Chồng tôi không còn là người như trước nữa. Hai đứa con gái tôi, tôi không dám nói một lời với chúng ngay cả khi chúng trở về nhà vào lúc ba giờ sáng. Con trai tôi, tôi lo sợ cho nó. Bạn bè chỗ nó đang làm đã làm hư tính tình của nó.

Vâng, chúng tôi quá buồn. Chúng tôi không còn thích nhau nữa. Chúng tôi luôn giận dỗi và hồi hộp lo sợ. Chúng tôi mất đi tiếng cười tiếng hát rồi. Hồi tưởng lại khi chúng tôi còn ở làng quê. Chúng tôi nghèo nhưng chúng tôi hạnh phúc. Khi những ngày lễ đến, chúng tôi cùng nhau đi dự lễ và sau đó là những bữa tiệc họp mặt gia đình và bạn bè rất là hạnh phúc. Bây giờ, mọi ngày là một ngày lễ, nhưng chúng tôi không còn biết làm cách nào để tìm lại được sự an vui và hạnh phúc của ngày xưa ấy nữa.

Vâng, tiền bạc đã làm chúng tôi bất hạnh ! Và bà ta đã khóc, khóc trong sự tiếc nuối một hình ảnh tuyệt đẹp ngày nào.

Đến đây chúng ta đã thấy rõ đâu là nguyên nhân của những bất hạnh đang chờ đón chúng ta nếu chúng ta không thức tỉnh. Riêng tôi, tôi có thể chứng minh cho quí vị những điều mà chúng ta vừa nói trên đây. Tôi đã từng sống giữa hai thế hệ và tôi đã nhìn thấy những thế hệ đang sống và đã ra đi. Hai thế hệ qua của ông bà cha mẹ chúng ta xem ra họ hạnh phúc hơn chúng ta. Họ trong sáng hơn chúng ta. Họ có nghèo hơn chúng ta, có vất vả hơn chúng ta thật, nhưng họ thật sự hạnh phúc hơn chúng ta. Tại sao thế ?

Chính cái nghèo đã giúp họ giữ được thế quân bình trong đời sống luân lý. Chính cái nghèo đã giúp cho gia đình họ biết làm việc cần cù, có được tinh thần đạo đức, biết rõ thân phận yếu đuối mỏng manh của con người để rồi biết sống tín thác vào Thiên Chúa. Chính cái nghèo đã giúp họ vạch ra được giới hạn cho những ước vọng của họ đối với của cải, giúp họ bảo tồn được sự khiêm tốn trong sự liên hệ cá nhân, giúp họ có được sự can đảm chịu đựng những gian khổ và nuôi lấy hy vọng. Và cũng chính cái nghèo đã giúp họ biết cảm thông, biết chia sẻ những buồn tủi, những cay đắng, những khổ đau, những bất hạnh của cuộc đời với những người thân yêu của họ.

Chính những điều đó đã giúp họ tạo được những gia đình an vui và hạnh phúc đúng như lời Thiên Chúa đã chúc phúc: Phúc cho các ngươi, hỡi những người nghèo khó vì nước trời là của các ngươi ! 

 lm. lê văn quảng

Tác giả: Lm. Lê Văn Quảng Psy.D.

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!