Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
CHỈ VỚI TÌNH THƯƠNG VÀ LÒNG THA THỨ, CON NGƯỜI MỚI CÓ NGÀY MAI...

 

 Hôm ấy, văn sĩ và thi sĩ Trần Đăng Khoa đi vào công viên Thủ Lệ "nơi cư ngụ của Chúa Sơn Lâm, mà người nhà quê vẫn quen gọi Ngài là...Ông Ba Mươi" (*).

 Là thi sĩ, Trần Đăng Khoa đã nghe được và hiểu được Ông Ba Mươi, một cách thâm thúy :

 "Ta chỉ biết cái chuyện nầy thôi, nào con hãy ngồi xuống đây. Thế! Được rồi!

 Câu chuyện bắt đầu từ một bà già. Bà sống trong một căn lều cỏ rách nát. Căn lều dựng ven rừng. Ngay sau lều là đại ngàn âm u, huyền bí. Chính cánh rừng đã nuôi bà cụ. Ngày ngày bà cu cũngï vào rừng, kiếm củi, rồi mang ra chợ bán.

Một buổi tối, trời sáng mờ. Bà cụ đang lụi cụi từ rừng về nhà, thì chợt nghe tiếng trẻ khóc. Tiếng khóc vẳng lên từ một cái hố ở ven đường. Không biết con nhà ai, đi đâu, mà lại rơi vào cạm bẫy hổ.

Qua ánh trăng non lờ mờ như bụi rắc, bà cụ rụng rời khi nhìn thấy ở dưới đáy hố không phải là đứa trẻ, mà lại là một chú hổ con. "Thôi cho nó chết!". Bà già bỏ đi.

Nhưng vừa nhấc bó củi lên vai, bà đã khuỵu xuống, không bước nổi. Tiếng khóc cứ xói vào ngực bà, co thắt trái tim bà. Bà nhớ đến đứa con duy nhất của bà với người chồng xấu số. Thằng bé đã rơi xuống khe đá và chết đói ở dưới đó, khi nó thơ thẩn đi ra đón bà ở ngoài phía rừng.

Thế là không còn băn khoăn gì nữa, bà bế con hổ con về nhà nuôi, bằng chính dòng sữa của mình. Từ đó, căn lều hoang lạnh của bà đã có tiếng cười. Những người dân của làng đi làm về, thường ghé qua ngắm cậu bé. Ai ai cũng khen cậu đẹp, hiền hậu. Có người còn bảo cậu giống bà cụ. Hai mẹ con cứ như hai giọt nước.

Thế rồi cậu đi học. Cậu học rất giỏi. Bạn bè không ai có thể theo kịp. Điều ấy làm cho họ khó chịu. (...). Và thế là họ quyết định gạt cậu ra khỏi cộng đồng, chỉ với một lý do : cậu không phải là người.  Cậu là một con hổ đẻ rơi.

Nhưng biết lấy bằng cớ gì, để xác định cậu là hổ. Chả lẽ dựa vào cái lý lịch mờ mờ tỏ tỏ, pha màu huyền thoại, mà người ta đã đồn thổi từ thời nảo, thời nào... trong khi cậu lại học giỏi, ngoan ngoãn, hiền lành, thật thà như đếm, diện mạo sáng đẹp, giống y hệt một con người (...).

Thế là ông thầy bèn ra một đề văn trắc nghiệm giới tính: Em hãy tả một dòng suối trong một đêm trăng (...).

Lũ trẻ hí hoáy làm bài. Những bài văn nhạt nhẽo và bợt bạt, không hề có sinh khí.

Nhưng đến bài của cậu bé thì không thế. Cậu ta tả tiếng gió âm u luồn trong bụng rừng. Những cành cây khô vặn mình răng rắc, như tiếng xương gẫy. Ánh trăng lếnh loáng trên mặt suối như máu. Mùi cỏ trên bờ thơm ngây ngất. Những ngọn gianh sắc còn vương rướm chút máu chân nai...

"Thôi! - Thầy giáo quát lên - Hãy dừng bút và bước ngay ra khỏi lớp! Mầy là một con hổ!"

Cậu bé ngỡ ngàng, không hiểu ra làm sao cả.

"Ra ngay! Con hổ ác độc".-

"Không! - Cậu bé mếu máo - Em là người, là con người.

"Người đâu có thế nầy. Máu... máu..."

Thế là cánh cửa lớp sập xuống, sau lưng cậu.

"Cút đi! Cút đi! Cút về rừng đi!" Lũ trẻ gào lên cho hả giận.

Cậu bé thất thểu về nhà. Bà cụ hái củi đã chết, vì cây đổ. Chẳng còn biết nương tựa vào đâu. Cậu bé nhớ tới những người hàng xóm tốt bụng. Những người đã từng ca ngợi cậu, khen cậu đẹp trai, và giống mẹ như đúc. Nhưng vừa nhác trông thấy cậu, họ đã đóng sập cửa. Họ chỉ biết cậu là con của hổ, nên bị đuổi học (...).

Rừng Già đã dạy cho cậu bé trở lại "làm hổ": nghiện máu, thèm thịt người...

Và cậu mang máng nhớ đến cái lớp học ở một làng xa xa. Ở đấy có cơ man nào là người. Thế là cậu dẫn đoàn quân của rừng về (...).

Thầy giáo kêu lên giọng run rẩy: "Ôi em vào đây, em ngoan quá! Thầy và các bạn đều nhớ em!".

- Không! Ta đến đây không phải để học!".

- "Chính em đã từng học ở đây mà! Em là một con người tuyệt vời. Con người viết hoa!".

- "Không! Ta không phải là người. Chính ông đã bảo ta là hổ, đã bắt ta phải làm hổ!".

Thế là cậu và đoàn quân của rừng tràn vào lớp học. Thịt và máu ngập ngụa cả một vùng...

                                                       ***

Anh Khoa ơi,

Tôi muốn cùng Anh đến thăm lại "Ông Ba Mươi" ở vườn Thủ Lệ.

Nhưng lần nầy, tôi muốn kể chuyện đời tôi cho  Ông Ba Mươi nghe:

Tôi cũng đã sinh ra làm cọp.

Mẹ đã mang tôi về nuôi, cho bú sữa của Mẹ. Ngày ngày tôi được mẹ vỗ về, ấp ủ, cư xử, đãi ngộ như một con người "chưa thành, nhưng đang thành và sẽ thành".

Từ đó đến ngày hôm nay,  tôi đang làm người. Bao nhiêu lông lá rằn ri đã rụng hết, nhờ mẹ đã cho tôi ăn cơm và tương chao, do chính bàn tay mẹ làm ra.

Có người đã nhắc lại quá khứ ấy và đã đuổi tôi. Bao nhiêu cánh cửa đã đóng sập xuống sau lưng tôi.

Tôi đã gõ cửa từng nhà, ngửa tay xin củ khoai, củ sắn... để tiếp tục can trường làm người. Họ đã từ chối.

Nhớ lại Mẹ ngày xưa đảm đang gồng gánh, tôi trở lại Rừng Già đi kiếm củi, đem ra chợ bán, kiếm ăn hằng ngày, và cố quyết làm người.

Hôm nay vẫn có người dèm pha, nhỏ to dị nghị: "Nó là cọp".

Nhưng không một ai có thể "bắt ép được" tôi phải trở lại làm cọp. Tôi là con người tự do, tự quyết.  Ngày xưa Mẹ đã dạy tôi làm người. Và bây giờ, mỗi ngày tôi "chọn lựa, quyết định" làm người. Làm người một cách can đảm, mặc dù thoảng hoạt, tiếng gió Rừng Già thổi về đánh thức "lòng thèm thịt, thèm máu" còn giữ lại một vài âm hưởng, trong tâm hồn tôi.

Từ ngày học làm người với Mẹ, tôi thấy được rằng chất liệu Thứ Tha và lòng Thương Yêu đã đâm chồi nẩy lộc trong bản thân và cuộc đời của tôi.

Nhờ hai chất liệu ấy, bản thân  cũng như Quê hương tôi mới có ngày mai. Ngày mai ấy là VẠN XUÂN , bất tử, bất diệt. Ngày mai ấy là ĐẠI VIỆT, bao la và trọng đại, vượt thắng mọi bạo động và hận thù.

Ngược lại, thiếu Thứ Tha và lòngThương Yêu, Rừng Già lại trở về với thây người chất lên thành núi và máu người tuôn chảy thành sông, như trong các cuộc chiến vừa qua, và đang còn tiếp diễn ở một vài nơi, trên thế giới.

Hỡi người Em Việt Nam,

Chúng ta hãy cùng nhau sáng tạo điểm tựa là tình Thương Yêu và đòn bẩy là lòng Tha Thứ. Với hai nội lực ấy, chúng ta có khả năng "dời núi, lấp sông“,  làm nên đại sự và gọi Mùa Xuân trở về trong lòng Quê hương, Đất nước và anh chị em đồng bào.

Học làm người có nghĩa là học THƯƠNG YÊU và THA THỨ. Đó cũng là gia bảo của Mẹ Âu Cơ, trong tiến trình xây dựng Đất Nước, hôm qua và hôm nay.

« Có Mẹ trong tâm tư,

« Con trở thành con người BẤT TỬ.

« Có Mẹ trong cuộc đời,

« PHÉP LẠ hiện hình trong mọi sự ».

 Gs. Nguyễn văn Thành, Lausanne

 (*) Trần Đăng Khoa –CHÂN DUNG và ĐỐI THOẠI –Nhà XB Thanh Niên, Hà Nội l998, tr 327-331             

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!