Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
« NHÌN » VỚI NGHÌN CON MẮT (THIÊN NHÃN)

 

 

(Suy Niệm về tinh thần Hiệp Nhất ) 

Để đồng cảm với người anh chị em, theo tác giả G.G. JAMPOLSKY, thái độ và lối nhìn chủ yếu của chúng ta là Yêu Thương và Tha Thứ. Từng phút, từng giây, chúng ta hãy cố quyết chọn lựa lại một lối nhìn tích cực và năng động về người khác, để hóa giải bao nhiêu xu thế tố cáo và phê phán trong thái độ, tác phong và ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta.

Đối với M.R. ROSENBERG, trình bày nhu cầu của mình và tìm đến gặp gỡ nhu cầu của kẻ khác là bí quyết trong mọi cố gắng phát huy quan hệ đồng cảm, bất bạo động giữa người với người.

Trong nền văn hóa Việt Nam, tổ tiên chúng ta đã sử dụng lối nói hình tượng "Nhìn với Nghìn Con Mắt", mỗi lần trình bày nếp sống và quan hệ đồng cảm. Thay vì giải thích dài dòng, hay là đề xuất những động tác cụ thể cần thực thi hằng ngày, cha ông chúng ta đã chọn lựa cách giáo dục của các Thiền sư : đưa ra những công án. Chính đồ đệ, con cháu tự mình dấn bước lên đường tìm kiếm, để thành thân và lập thân.

Mọi công án luôn luôn khởi đầu với một tình huống nghịch lý. Đương khi sinh ra làm người, chúng ta chỉ có tối đa hai con mắt. Để đồng cảm, trái lại, chúng ta phải "nhìn với nghìn con mắt". Làm sao hóa giải con đường nghịch lý, tiến thối lưỡng nan ấy, để từ từ dấn bước trên con đường hiểu biết và yêu thương, đồng cảm và đồng hành ?

 

*  *  *

1.- Sáng suốt và can đảm chấp nhận những giới hạn tất yếu : "Tôi chỉ có hai con mắt"

Để lý giải hay tháo mở công án "nhìn với nghìn con mắt", chúng ta bắt đầu từ điểm khởi đầu, thay vì loay hoay, vọng đọng tưởng mình có phù phép toàn năng, khởi đầu ở bất cứ nơi đâu.

Hẳn thực, chúng ta chỉ có hai con mắt cùng nhìn một hướng, khác với con ruồi chẳng hạn, có con mắt nhiều mặt, nhìn được nhiều hướng trong cùng một lúc.

Trong điều kiện làm người, khi nhìn lên, tôi KHÔNG thấy ở dưới. Khi nhìn qua mặt, tôi không thể ghi nhận những gì nằm phía trái của tôi. Sống bên Đông, tôi không thể có một lối nhìn của người phương Tây, nếu tôi không học hay là không ai dạy cho tôi.

Vì ý thức rõ rệt về lối nhìn luôn luôn phiến diện như vậy, tôi đã bắt đầu tu thân, không phê phán, kết án, hạ bệ những gì không có mặt trong lối nhìn của tôi. Phương Tây chưa hẳn là vô đạo, đồi trụy. Phương Đông có thể không phải và không còn là nơi mặt trời mọc lên, trong giây phút "ở đây và bây giờ".

Không những chỉ có tính cách phiến diện, lối nhìn của tôi thay đổi không ngừng, vì đó là một tiến trình tùy thuộc yếu tố thời gian. Quá khứ đã qua rồi. Tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây phút hiện tại là có thực. Nhưng cái thực ấy cũng rất phù phiếm. Trong giây phút nầy, đóa hoa đang nở ra phơi phới. Giây phút sau, một ngọn gió từ đâu thổi tới ồ ạt,  đóa hoa kia đã "nửa chừng thoắt gãy cành thiên hương". Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật, được tụng niệm trong các Thiền viện, dạy chúng ta :"không nhơ không sạch, không thêm không bớt" ... Nhờ biết sống trong giây phút hiện tại tinh thần ấy, chúng ta không còn sợ hãi, khổ đau, vọng tưởng. Chúng ta chỉ từ từ từng bước "Vượt Qua" bến bờ bên kia.

 

2.- Nhìn nhiều lần, Nhìn nhiều nơi, Nhìn từ nhiều phương hướng.

Khi sáng suốt nhận ra mình chỉ có hai con mắt mà thôi, tôi sẽ không dừng lại ở một nhãn hiệu. Lối nhìn của tôi không thấu triệt thực tại toàn diện của một người đang được tôi nhìn.

Qua nhiều ngày tháng suy tư,  ngẫm nghĩ, chàng trai Augustinô - sau nầy sẽ trở thành một vị Thánh, một nhà tư tưởng có tầm cỡ trong nền văn hóa Âu Tây - nhân một hôm dạo chơi trên bờ biển, khám phá được mình chỉ là "lỗ cát nho nhỏ". Làm sao tát cạn đại dương bao la, hùng vĩ, bằng cách gồng mình đổ hết nước của biển khơi vào trong tư duy mong manh, hạn hẹp ? Cho nên, để lý giải câu hỏi "làm sao" ấy, cha ông chúng ta đã nêu lên hình tượng Quan Thế Âm "Nhìn với nghìn con mắt" : nghĩa là nhìn nhiều lần, nhìn nhiều khía cạnh hay là nhiều phương diện khác nhau, thay đổi vị trí đứng nhìn, để có thể nhìn từ nhiều phương hướng, tọa độ. Mặc dù vậy, con người của tha nhân, trong mọi quan hệ tiếp xúc, vẫn còn là một thực tại bao la, muôn hình muôn dạng, với rất nhiều màu sắc biến hiện không cùng.

Nhìn với nghìn con mắt như Quan Thế Âm còn có nghĩa là cẩn trọng lối nhìn của Tổ Tiên, Cha Ông qua các thế kỷ, từ đời các Vua Hùng, nhất là trong những thời kỳ phấn đấu với ngoại xâm.

Nhìn với trăm con mắt của cháu chắt và các thế hệ tương lai, trong hai mươi năm, năm chục năm hay là một thế kỷ sắp tới, để tiên liệu những vụ mùa lúa chín và đề phòng những ngày mưa bão, lụt lội, mất mùa. Nhìn với nghìn con mắt bao nhiêu giai đoạn hưng thịnh của Đất Nước, để đánh sáng niềm tin vào khả năng yêu nước của anh chị em đồng bào, và chuẩn bị tiền đồ xán lạn cho Quê Hương.

Nhìn với trăm con mắt những chuỗi ngày ảm đạm và tang thương, để rút ra những bài học « vươn lên và bước tới ».

Hẳn thực, đất nước nào biết nhìn quá khứ và lịch sử như một bài học vô tận, đất nước ấy có khả năng sáng tạo những con đường đi ra vùng ánh sáng. Trái lại, đất nước nào cứ  ngày ngày trở lui với những con đường mòn thiên kiến, hận thù, chia rẽ, bạo động, đất nước ấy đang đi vào con đường bế tắc, hoại diệt, vong bản và vong thân. Chẳng hạn, khi thấy mình làm nạn nhân, đất nước ấy sẽ từ từ biến mình thành nạn nhân.

Tất cả những điều tôi vừa đề cập có liên hệ đến vận mệnh của Đất Nước, nhưng cũng có thể ứng dụng cho từng cá nhân của mỗi người.

 

3.- Những hiểm họa trong lối nhìn :

Nhìn với nghìn con mắt còn có nghĩa là sở hữu hóa, nhận làm của mình lối nhìn của anh chị em, trên tất cả mọi nẻo đường của Đất Nước. Không ai, cho dù có mọi quyền năng phù phép đến đâu, có thể khinh mạn lối nhìn của người khác. Bằng mọi phương tiện hoặc đại lộ thông tin, ngày hôm nay, chúng ta hãy thực hiện trong tâm hồn và cuộc đời của mình một "hội nghị Diên Hồng". Vì cận thị và già nua, chúng ta mất khả năng nhìn thấu tận những chân trời của Núi Non hùng vĩ. Hãy khiêm cung mời anh chị em lên ngồi trên vai mình và nói cho mình biết nhu cầu và nguyện vọng của quần chúng tay lấm chân bùn, đang ngày ngày lam lũ trên những cánh đồng của Núi Sông. Họ đang ở ngoài tầm nhìn của chúng ta.

Đôi mắt của trẻ thơ có thể nhìn thấy những con nước đang luân chuyển ở dưới những tầng đất lớp đá. Chúng ta hãy mời các cháu giúp chúng ta đào lên những giếng nước trong lòng cuộc đời.

Dưới đời Lý và Trần, những ông già bà lão làm nghề chài lưới đã dạy cho Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo biết đóng chông ở những khúc sông nào, để đánh chìm thuyền bè của đoàn quân xâm lược Tống và Nguyên.

Trong tinh thần và ý hướng được khai vạch như vậy, Bồ Tát Quan Thế Âm không phải là ai xa lạ, ngoài chúng ta. Với anh chị em đồng bào, chúng ta làm nên một Quan Thế Âm duy nhất, từ đời nầy qua đời nọ, để nhìn thấy được gió mưa trong lòng Đất Nước, để khám phá nhu cầu của Núi Sông chạy dài, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.

 

Hiểm họa đang giết chết hoặc làm tê liệt mọi cố gắng Hiệp Nhất là tinh thần tự mãn. 

Như một tách trà tràn đầy nước nguội  lạnh, không còn hương vị thơm và ngon, chúng ta khước từ mọi đóng góp, kêu mời mới lạ và trẻ trung, từ các thế hệ mầm non chưa bị những thành kiến vùi dập. Vì quá quen, chúng ta không còn khả năng thấy. Vì đã quá thấy, chúng ta đánh mất niềm tin vào cuộc sống đang đổi mới từng ngày từng giờ. Chúng ta trở nên "lạc hậu", nghĩa là rớt lại đằng sau, không theo kịp thời cuộc.

 

Hiểm họa thứ hai là lối nhìn "độc lộ", tư duy một chiều.

 Một khi đã bị một nhãn hiệu khống chế, chúng ta bị mù lòa, không còn đọc được những nhãn hiệu khác. Chúng ta chỉ lặp lại như keo vẹt và cảm thấy an toàn, sung mãn. Mọi đổi thay nho nhỏ, mọi khác lạ từ ngoài… sẽ tạo ra khủng hoảng ở bên trong nội tâm. Phản ứng của chúng ta lúc bấy giờ là tự vệ : xóa bỏ, đàn áp mọi cơ phận được ghép vào từ ngoài, cho dù phổi cũ của chúng ta đã rách nát. Tim cũ đã tê liệt. Thận cũ đã teo tóp. Đại trường đã trở nên một đại lộ kinh hoàng đầy chết chóc và tang thương.

 

Hiểm họa thứ ba là não trạng nhị nguyên.

Những gì không thuộc về tôi, đều được tôi đánh giá là thù địch. Những gì không theo đúng lý của tôi đều là phi lý, cần phải loại trừ, xóa bỏ.

Chính vì lý do nầy, thay vì nhìn đời với hai loại kính đen trắng phản nghịch và khai trừ nhau, tác giả E. DE BONO đề nghị chúng ta hãy tạo cho đời mình một lối nhìn có sáu màu khác nhau như trắng, đen, vàng, đỏ, xanh da trời và xanh lá cây. Lối nhìn sáu màu nầy, còn có thể mang tên là lối nhìn của Quan Thế Âm. Lối nhìn nầy đã có mặt trên Quê Hương từ đời Lạc Long Quân. Tâm hồn Ngài bao la và bát ngát như Đại Dương, có khả năng tiếp nhận mọi con nước và dòng chảy, phát xuất từ bốn phương thiên hạ.

                                       ***

Trong đời sống của người Kitô hữu, để có khả năng “Nhìn với nghìn con mắt” như vậy, chúng ta không thể không cưu mang Chúa Thánh Thần, một cách “tràn đầy và thấm nhuần”, giống như Mẹ Maria.

Nói khác đi, bao lâu hai người anh chị em còn từ chối ngồi lại với nhau, nhìn thẳng vào nhau, lắng nghe nhau, chia sẻ cho nhau những nhu cầu sâu thẵm của mình, và tìm cách NHÌN NHẬN nhau…những lời tuyên xưng, rao giảng về Thứ Tha và Yêu Thương, chỉ là tuyên truyền và láo khoét. Thể theo giáo lý và ngôn ngữ của Thánh Phaolô, đó chỉ là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13, 1).

Nguyễn Văn Thành

Lausanne, Thụy Sĩ

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!