Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG LÒNG HỘI THÁNH

 

( Nhận định về bức thư ngỏ của ký giả Domenico Del Rio )

Số báo «Tương Lai» phát hành ngày Chủ Nhật 28 tháng 10 năm 2001, đã đăng tải bài «Những người Cha của sự dịu hiền nhưng có khả năng thịnh nộ». Tác giả là nhà báo lão thành, đã từng cộng tác với nhật báo «Quan sát viên Rôma» và Đài Phát Thanh Vatican.

Dưới hình thức một bức thư ngỏ, tác giả công khai phổ biến một số nguyện vọng chủ đạo, trước mặt mọi người thuộc năm châu bốn biển. Nhưng trong bài báo, tác giả chỉ tự xác định mình là «người tín hữu nhỏ bé và già nua», muốn gửi tâm tư và nguyện vọng của lòng mình cho «các giám mục trẻ trung» vừa kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Rôma.

***

Trong phần MỘT, tác giả muốn nhắc lại cho các chủ chăn «nhiều lời dốc quyết TỐT LÀNH» của các bậc đàn anh, khi kết thúc Công Đồng Vatican 2, cách đây 40 năm về trước. Vào những ngày ấy, một số giám mục ngày nay chưa tròn 10 tuổi đời.

Ngoài việc dấn thân rao giảng Cái Chết và Sống Lại của Chúa Giêsu Kitô, các nghị phụ lúc bấy giờ đã đề xuất cho mình những mục tiêu thiết thực và cụ thể như sau :

1.- Sống đơn sơ giữa các tín hữu và với các tín hữu ;

2.- Khước từ những hào nhoáng bên ngoài, những thực tại giàu sang và quyền thế ;

3.- Chăm lo các người nghèo khổ ;

4.- Coi thừa tác vụ của mình như một việc phục vụ kẻ khác ;

5.- Can đảm lắng nghe Lời khiển trách của Tiên Tri  Êdêkien, để ngày ngày tìm cách hóa giải những tệ đoan đang hoành hành trong hàng ngủ chủ chăn :

- chỉ lo CHĂN mình,

- không chuyền sức cho người yếu đuối,

- không chữa lành người bệnh tật,

- không băng bó người bị thương tích,

- không đi tìm người thất lạc trở về.

Phải chăng Lời của Thánh  Augustinô hôm nay đang còn là ĐƯỜNG ĐI NẺO VỀ của mỗi giám mục giữa đoàn chiên của mình ?

        «GIỮA anh chị em và NHƯ anh chị em, tôi là một TÍN HỮU.

          VÌ anh chị em và CHO anh chị em, tôi LÀM giám mục».

***

Trong phần HAI, ký giả Domenico Del Rio «ưa thích» các giám mục trẻ trung từ THĐGM trở về địa phận, SỐNG và THI HÀNH trách vụ của mình với những «Lời Dốc Quyết Tốt Lành» như sau :

1.- Sống đời sống khó nghèo, vì vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sư ;

2.- Trở nên TIÊN TRI, can đảm làm Phát ngôn viên của Thiên Chúa : «Nói To, nói Lớn, không sợ hãi, khi rao giảng Lời Chúa» ;

3.- Biết ăn nói NGỌT NGÀO khi tuyên xưng Lời Chúa trước mắt mọi người. Nhưng đồng thời cũng BIẾT Tố Cáo, BIẾT Thịnh nộ. BIẾT cầm Roi, xua đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền Thờ. Với lớp TRÍ THỨC của Thời Đại, có những Lời nẩy lửa như : «Quân Giả Hình, loài Rắn Rết, loài Rắn Độc, Mồ Chôn Xác Chết, Quét vôi bên ngoài, Đầy Hôi Thối…» ;

4.- Không xu thời chạy theo «NEW AGE, Thời Đại Mới» ;

5.- Không hèn nhát rút lại Lời Chúa, khi có người không chịu lắng nghe, giận hờn bỏ ra đi, vì «Lời Ngài là Chân Lý, ban Sự Sống đời đời».

Nói tóm lại, bất cứ ai nhìn vào con mắt của vị chủ chăn, đều NHẬN được Hồng Ân Tha Thứ của Thiên Chúa, lúc họ ra đi.

***

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu lá thư ngỏ của ký giả Domenico Del Rio, tôi không có gì để thêm bớt về mặt nội dung. Toàn bộ nguyện vọng của tác giả đều ăn khớp với Tin Mừng của Đức Kitô, cũng như phản ảnh các Huấn Thị của Hội Thánh. Chắc hẳn, trong suốt thời gian họp Hội Đồng tại Rôma, các giám mục trẻ trung cũng đã có nhiều dịp lắng nghe và ghi nhận những điều khá tương tự. Tuy nhiên, câu hỏi tôi muốn nêu ra là : Tác giả đặt mình ở vị trí nào để phát biểu : Ký giả ? Người Tín Hữu lão thành và có tâm huyết đối với các giám mục vừa được thụ phong ? Hay là với tư cách một chuyên viên, một giáo sư được chỉ định để thuyết giảng về vai trò và thể thức lãnh đạo của các giám mục, trong lòng Hội Thánh hoặc Địa phận ?

Phát biểu là quyền lợi của mỗi người công dân trong một đất nước. Của mỗi người tín hữu trong lòng Hội Thánh. Mỗi lời nói phải được trân trọng như một VIÊN GẠCH góp công XÂY DỰNG Ngôi Nhà của Thiên Chúa, trong nhiều hoàn cảnh và địa hạt khác nhau. Cho nên, dù ở vị trí nào, ai ai cũng được hoan nghênh và cổ vũ, để phát biểu, bày tỏ ý kiến tích cực của mình.

Tuy nhiên, để mang lại lợi ích cho mình và cho người khác, người phát biểu cần xác định rõ rệt mục tiêu xây dựng Hội Thánh của chính mình. Khi quá ôm đồm hay là còn mù mờ về bản sắc của mình, chúng ta có thể gây ra nhiều ngộ nhận. Chúng ta trích dẫn Kinh Thánh, để đánh sáng Lời Chúa, tôn vinh Danh của Ngài ?  Hay là chúng ta nuôi ẵm một ý đồ, một toan tính hoàn toàn chủ quan ẩn núp ở bên dưới ?  Chứng minh ý thức hệ và lập trường chính trị ?

Thứ nhất, nếu tôi phát biểu với tư cách là một ký giả, tôi sẽ nêu ra những trường hợp khách quan, cụ thể đang có mặt trong thời sự ngày hôm nay.

Ví dụ, trong những biến cố khủng bố đã và đang xảy ra ở Hoa Kỳ, thế nào là làm phát ngôn viên của Thiên Chúa ?  Các giám mục trẻ trung có thể và có bổn phận đề xuất những gì ?  Rao giảng Lời Chúa thế nào cho các vị lãnh đạo, cho anh chị em đồng bào của mình ?

Trường hợp nào nên nói ? Trong hoàn cảnh nào, chúng ta cần thinh lặng, bắt chước Đức Kitô, khi Ngài đứng trước Philatô ? Thinh lặng chưa hẳn là HÈN NHÁT, như báo chí có xu thế phóng đại… trong một vài trường hợp đang xảy ra trong lòng quê hương và đất nước.

Có bao nhiêu công trình đang được LÀM, trong âm thầm và kín đáo. Trong khi đó, chúng ta có xu thế khua chiêng gõ mõ và khiêu khích… bằng cách nhấn mạnh, tố cáo, phê phán những điều chưa được làm, chưa thể làm. Chúng ta phát biểu từ ngoài, từ trên… một cách trịch thượng. Có bao giờ chúng ta ở trong, ở giữa, hòa mình để đồng hành và chia sẻ ?  Chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa : Xuống Thế, Làm Người, đóng lều, ăn khoai, ăn mì với anh chị em dồng hương, đồng bào của mình.

Nhìn một cánh đồng trong mùa đông giá lạnh, tôi chỉ thấy cỏ cây khô héo, cảnh vật tiêu điều, lá rụng tràn đầy… không có bóng hình con người lui tới sinh hoạt. Nhưng, để làm người và giúp kẻ khác làm người, tôi phải có khả năng THẤY cho kỳ được rằng : Độ một vài tháng sắp tới, bao nhiêu bắp khoai, lúa đậu và các loại ngủ cốc sẽ phơi phới mộc lên xanh tươi. Thấy được như vậy, tôi mới kêu mời kẻ khác cuốc đất, gieo vụ mùa với tôi, như tôi.

Sau biến cố khủng bố, ở New York, có mấy người nhận thấy được rằng : dân chúng bắt đầu thay đổi nếp sống hằng ngày và quan hệ giữa người với người ?  Trong hoạn nạn, họ chào hỏi nhau. Họ mở lời nâng đỡ nhau. Họ ý thức rằng  mình đang cần kẻ khác, và kẻ khác cũng cần mình, dù màu da của họ đen hay là trắng… Hẳn thực, mọi người đang sợ hãi. Nhưng họ bắt đầu HỌC chia sẻ niềm sợ hãi với người khác. Và chỗ nào có hai ba người cùng đi, giống như trên con đường về làng Ê-Mau, Đức Kitô Sống Lại sẽ xuất hiện và ĐỒNG HÀNH.

Thứ hai, nếu tôi phát biểu với tư cách là một TÍN HỮU, đang sống Đức Tin vào Đức Kitô, giống như Luca, tác giả Sách Công Vụ, tôi sẽ tìm cách chỉ cho mọi người thấy được rằng : Chúa Thánh Thần đang ngự xuống trên chúng ta, mỗi lần chúng ta tha thứ cho người anh chị em. Chỗ nào người đồ đệ của Đức Kitô đang gieo vãi hạt giống Tin Mừng, ở đó Chúa Thánh Thần đang có mặt tràn đầy, và làm cho hạt giống  ấy lớn lên, thành cây to lớn, làm chốn ẩn núp cho mọi loại chim trời bay đến, từ bốn phương chân trời…

Trước khi Mẹ Maria, người Tín Hữu mẫu khuôn và nguyên tượng của mọi người tín hữu, cất lời phát biểu, bà Êlidabét đã nhận ra : Mẹ đang cưu mang Thiên Chúa Cứu Độ, trong cung dạ của mình. Cách đi đứng, chào hỏi của Mẹ đã toát ra Hồng Ân tràn đầy của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần.

Có lẽ nhiều giám mục đang sợ sệt, kinh hoàng… thậm chí hèn nhát, có thái độ «then gài cửa khóa».  Trong hoàn cảnh ấy, tôi bắt chước Mẹ Maria, đến «ở giữa», cầu nguyện và chờ đợi cùng với nhiều người… Khi đến giờ của Thiên Chúa, Thánh Thần của Ngài sẽ đổ xuống tràn trề, lai láng trên các giám mục của chúng ta. Và họ cùng chúng ta, VỚI Chúa Thánh Thần, đi ra và mang về nhiều hoa trái cho Hội Thánh của Đức Kitô, như trong ngày Lễ Hiện Xuống.

Thứ ba, điều mà các giám mục trẻ trung đang đợi chờ và khát khao chúng ta mang đến, theo niềm xác tín của tôi, đó là hành trang KHOA HỌC khả dĩ giúp các ngài lãnh đạo đoàn chiên của mình, một cách hữu hiệu, theo những tiêu chuẩn thuộc khoa học đương đại của Nghìn Năm Thứ Ba :

3.1.- Để hướng dẫn một địa phận, các ngài không thể không đề xuất những mục đích tối hậu, còn gọi là viễn ảnh hay là chí hướng. Đó là đường đi nẻo về của mỗi tín hữu cũng như của toàn diện địa phận. Tuy nhiên, lãnh đạo là tìm mọi cách để chuyển biến đường hướng lý tưởng và tổng quát ấy thành những mục tiêu cụ thể ngắn và dài hạn, có thể đánh giá một cách khách quan, theo từng giai đoạn đi tới. Cũng từ những mục tiêu ấy, làm cách nào để khám phá, sáng tạo, nhằm đề xuất, liệt kê những động tác cụ thể, cần thực hiện và thành đạt mỗi ngày. Bằng không, như Thánh Phao- lô đã cảnh cáo, chúng ta, về mặt địa phận cũng như mặt cá nhân của từng người, chỉ là « Thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng».

3.2.- Để thành tựu công việc xác định mục tiêu hay là phương hướng hành động, các giám mục cần sự hỗ trợ của người tín hữu, để các ngài có khả năng thao tác một phương pháp tư duy khoa học. Khi giải quyết một vấn đề nhỏ hay lớn, các ngài không thể KHÔNG bắt đầu khảo sát những sự kiện khách quan, đề xuất và kiểm chứng giả thuyết. Rồi từ đó, rút ra những kết luận và lên phương án  hay là kế hoạch hoạt động.

3.3.- Để có khả năng tư duy một cách khoa học và hữu hiệu như vậy, người giám mục cũng như mọi người, trong trời đất nầy, phải HỌC.

Học mỗi ngày. Học thưòng xuyên. Học với người trên mình, cũng như Học với người dưới mình. Học nhìn. Học nghe. Học tiếp xúc. Thiên Chúa mà còn học với Mẹ Maria. Với trẻ em. Với những người bắt bớ, sát hại mình. Huống hồ chúng ta…

Học không phải là lặp lại một cách máy móc những điều kẻ khác đã nói. Không phải là xưa bày nay làm. Nhưng HỌC là tìm cách kết hợp một cách chặt chẽ và mật thiết hai thành tố Tư duy và Hành động. Ngày ngày chuyển biến Lý Tưởng Tin Mừng thành tác động cụ thể, từng ngày, từng giờ. Tin Mừng trở thành xương da, máu thịt. Tin Mừng tác động trên cuộc sống ngày hôm nay, ở đây, trong giờ phút hiện tại nầy.

3.4.- Khi Tin Mừng đã biến thành những bước đi cụ thể, hằng ngày như vậy, cuộc sống của chúng ta tự khắc đổi mới mỗi ngày. Không ngày nào giống ngày nào. Chính vì lý do đó, chúng ta làm người Tín hữu một cách hăng say, hứng khởi, nhiệt tình. Đức Tin lúc bấy giờ mới thực sự trở thành muối mặn, ngọn đèn soi sáng thế gian.

Và khi nhiệt tình của Thiên Chúa nung đốt chúng ta, chúng ta ĐANG trở thành như Mẹ Maria : cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng và mang Ngài đến cho Nhân loại.

3.5.- Để có thể tư duy, học hỏi và sống hăng say như vậy, người giám mục cũng như tất cả mỗi người sinh ra trong trời đất nầy, không thể «sống bít kín trong tòa nhà của mình». Đi ra, chia sẻ, lắng nghe, trao đổi là những TẤT YẾU trong cuộc đời và tác vụ của một giám mục. Các ngài cần «feedback» của người tín hữu sống trong địa phận của mình, cũng như cần cơm ăn, áo mặc, nước uống…

Feedback trong tiếng Anh có nghĩa là «Nuôi lại», cơ hồ Mẹ nuôi con. Nhưng Mẹ cũng cần đứa con nuôi lại mình với nhiều thức dạng khác nhau.

Để có khả năng lãnh đạo địa phận của mình, người giám mục cần những đóng góp hồi tố của người giáo dân. Hãy cho họ có dịp và có khả năng phản ảnh, nghĩa là nói ra một cách đơn sơ, ngay thẳng cho mình biết nhũng gì tạo nên ưu và khuyết trong cuộc sống hằng ngày của mình. Hãy tạo điều kiện thuận lợi, cho họ đề nghị những cách làm mới mẽ, thức thời, ngang tầm với thời đại. Khuyến khích, kêu mời, thậm chí khen thưởng, để họ đề xuất những tiêu chuẩn đánh giá kết quả, nhất là khi phải quyết định chọn lựa, trong vấn đề tuyển chọn người cộng tác.

***

Để kết luận, tôi xin chọn làm của mình ý kiến của ký giả Domenico Del Rio «ước ao, thỉnh cầu  người giám mục ngồi lại với người giáo dân. Ở giữa lòng dân». Chứ không phải từ trên rót xuống những mệnh lệnh, những chỉ thị, những lá thư luân lưu…

Nói tóm lại, lãnh đạo trong lòng Hội Thánh không phải là lãnh đạo từ trên, từ ngoài, thiết lập những quan hệ chiều dọc. Nhưng là lãnh đạo chiều ngang, lateral leadership. Là ĐỒNG HÀNH và CHIA SẺ. Giám mục và giáo dân, theo câu nói của Thánh Âugustinô được trích dẫn trong lá thư ngỏ, là anh chị em có cùng một Cha chung là Thiên Chúa Ngôi Cha. Đầu duy nhất của chúng ta, có khả năng qui tụ và thu góp mọi người, là Đức Kitô. Sức Mạnh có khả năng động viên và hướng dẫn mọi người tín hữu là Chúa Thánh Thần.

Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, người giám mục chỉ có khả năng lãnh đạo, theo mẫu khuôn của Đức Kitô, khi ngài đón nhận sự đóng góp hữu hiệu và cần thiết của mỗi người tín hữu trong lòng Hội Thánh. Khi làm và sống như vậy, người giám mục đang thực sự nuôi dưỡng và xây dựng cũng như kiện toàn, làm thành viên mãn «Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô».

Cũng vậy, khi đóng góp phần mình để thăng tiến vị giám mục, người tín hữu đang thực thi trách nhiệm lãnh đạo chiều ngang, trong lòng Hội Thánh.

«Tôi sống. Nhưng đâu phải tôi sống. Chính Đức Kitô sống trong tôi. Sống đối với tôi là Đức Kitô».

Mỗi người tín hữu là Đức Kitô thứ hai – Alter Christus – ở đây và bây giờ, trên mọi nẻo đường của Nhân Loại.

Thu 2002

Nguyễn văn THÀNH  Lausanne, Thụy sĩ

 

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!