Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
MỘT LỐI NHÌN TÍCH CỰC VÀ NĂNG ĐỘNG VỀ TRẺ EM CÓ NGUY CƠ TỰ KỶ…

  

Kính thưa các bậc đàn anh đáng kính,

Kính thưa các bạn quý yêu

Các em thân mến,

Từ tuổi ba mươi “Tam thập nhị lập” cho đến ngày hôm nay, đang từ từ đi vào tuổi bảy mươi “Thất thập nhi nhĩ thuận và Tri Thiên Mệnh”, suốt gần 30 năm dài, để phục vụ một cách hữu hiệu, những trẻ em có nguy cơ Tự kỷ, tôi đã lắng nghe: lắng nghe Trời, lắng nghe Đất và nhất là lắng nghe người anh chị em, trên mọi nẻo đường xuôi ngược

Với trẻ em được cha mẹ giao phó cho tôi,

* Tôi đã vui đùa với các em gần như suốt ngày

* Tôi đã vui đùa cho đến khi các em cảm thấy rằng: tôi không làm hại các em. Tôi không nặng lời  trách móc, la nạt, phê phán trừng phạt.

* Nhờ vào thái độ đồng hành và chia  sẻ ấy, các em đã Tin Tưởng vào tôi. Các em đã từ từ không còn lo sợ, buồn phiền, tức giận bùng nổ

* Thay vào đó các em đã học, ”học ăn, học nói, học gói, học mở”

Trong khóa học nâng cao trải dài 3 tuần lễ sắp tới đây, tôi sẽ từ từ chia sẻ cách làm của tôi. Để cho các em từ từ hợp tác, tin tưởng, gắn bó, để rồi ngày ngày chấp nhận và đón nhận bài học Làm Người, chính chúng ta người cha mẹ, giáo viên, bác sĩ, và bao người chuyên viên khác thuộc mọi ngành nghề … hãy bắt đầu làm người.

Một cách đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh đến hai cách làm người cơ bản sau đây:

 Thứ nhất: xây dựng lòng tin đối với từng trẻ em có nguy cơ tự kỷ, xây dựng lòng tin đối với mỗi anh chị em, trên khắp mọi nẻo đường của quê hương và nhân lọai, đang cùng đi và cùng sống với chúng ta.

Thứ hai: xây dựng lòng tin bằng cách chỉ nên tập trung vào những điều tích cực, năng động củac các em và của mỗi cộng sự viên đang có mặt và làm việc với chúng ta .

Tập trung vào điều tích cực là tạo dựng những quan hệ hài hòa, gắn bó,

Lắng nghe trẻ em,

Tôn trọng trẻ em

Có mặt với trẻ em,

Tạo an tòan cho trẻ em,

Khám phá cho kỳ được những khả năng hiện hành của trẻ em, cho dù còn rất hạn chế,

Khích lệ và khen thưởng các em, vừa khi các em trình bày một thành tích, một tiến bộ trong lời ăn, tiếng nói và việc làm.

Cách làm này đòi hỏi chúng ta hãy ngày ngày can đảm đổi mới lối nhìn và tâm tình của chúng ta.

Thay vì rình rập để bắt lỗi tố cáo, trừng phạt.

Thay vì vạch lá tìm sâu hay là quét nhà để tìm rác,

Thay vì chỉ chú tâm vào những điều sai trái và lệch lạc

Thay vì chỉ khám phá những thiếu sót và thất bại,

Chúng ta hãy bắt chước cách làm của mặt Trời: Sáng soi và sưởi ấm. Mặt Trời làm cho cây nào thành cây ấy. Mặt Trời không ép buộc cây bắp trở thành cây mía.

Mặt Trời không bao giờ có tham vọng biến bùn đất của Đồng Bằng sông Cửu Long thành những mỏ vàng bất tận và bao la.

Hẳn thực, theo như câu nói của Trang Tử,” Chân vịt thì ngắn, muốn kéo ra cho dài hơn, nó khổ. Chân ngỗng thì dài, muốn chặt bớt đi, nó chết”.

Để tóm lược lời chia sẻ gói ghém trọn vẹn tất cả tấm lòng, tôi xin phép nhấn mạnh lại 4 đường hướng sư phạm và giáo dục đối với trẻ em có nguy cơ tự kỷ:

Một, khích lệ và khen thưởng kịp thời

Hai, mở mắt và mở rộng lòng để khám phá và phát hiện tất cả những gì trẻ em đang làm đúng và gần đúng.

Ba, hãy diễn tả những xúc động sung sướng, hân hoan và hứng khởi thật sự, vừa khi trẻ em trình bày những thành tích, năng động và thiện chí của mình, cho dù còn rất nhỏ bé và hạn chế.

Sau cùng khuyến khích và động viên trẻ em hãy tiếp tục dấn buớc trên con đường làm người của mình. Nhờ cách làm người của chúng ta trẻ em mới có khả năng làm người.

Trong tinh thần và lăng kính này, tôi xin kết luận với thơ của một người Mẹ vô danh, mang tên “ Con ơi hãy gọi Mẹ…”

Khi con muốn khóc, bằng cách này hay cách khác, hãy tìm và gọi Mẹ.

Chưa  hẳn Mẹ có khả năng làm cho con cười. Nhưng Mẹ sẽ khóc với con.

Khi con không nhìn Mẹ, Mẹ vẫn có mặt và đang ngắm nhìn con.

Khi con rời bỏ vòng tay ôm của Mẹ, Mẹ sẽ không ngăn cản và cấm đóan… Mẹ đi theo con trên mỗi  chặng đường của cuộc đời.

Khi nhiều người muốn tránh xa hay là lọai trừ, không chấp nhận điệu bộ lạ kỳ của con, con hãy tìm và gọi Mẹ. Mẹ sẽ ôm con vào lòng.

Suốt cuộc đời, Mẹ luôn luôn chờ con trở về để ngồi lắng nghe con líu lo và bập bẹ.

Thậm chí khi con không còn nhìn thấy bóng hình của Mẹ… Mẹ sẽ là đóa hoa, là ngọn gió, là Bầu Trời… Mẹ luôn luôn có mặt với con, trên mọi nẻo đường của Đất Nước.

 Khóa học Nâng Cao về Trẻ Em có Nguy Cơ Tự kỷ

Sàigon Mùa Hè 2006

NGUYỄN Văn Thành 

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!