Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
MỘT CON ÉN LÀM NÊN MÙA XUÂN…

 

(Suy Niệm Với Mẹ Maria) .

Lời mở đường: Nhận và cho

Để mở đường cho những bài suy niệm sau đây, chúng ta hãy bắt đầu lắng nghe câu chuyện của nhà tâm lý C. Steiner (*):

Ngày xưả ngày xưa, vào thời nguyên thủy, con người khắp nơi trên mặt đất đã sống với nhau những chuỗi ngày rất hạnh phúc và hoà bình. Chúng ta hãy đến thăm viếng họ và tìm cách học hỏi nơi họ đâu là bí quyết cuả một đời sống hạnh phúc. Thuả ấy, mỗi người vưà sinh ra đã có hai chiếc bị nằm sẵn ở trước ngực và sau lưng cuả mình. Với chiếc bị nằm sau lưng, tôi nhận lãnh tất cả mọi quà tặng do cha mẹ, họ hàng bà con xa gần mang đến. Nào là lương thực, trò chơi, kiến thức, áo quần, vật tư xây nhà cưả và dụng cụ sản xuất, lao động. Mỗi lần có người cần một vật dụng, tức khắc có một người khác sẵn sàng xuất hiện và biếu tặng món quà cần thiết cho người ấy.

Cũng vào thời kỳ vàng son này, khi tôi nhận thấy có người đang cần một món đồ, bất kỳ thuộc điạ hạt nào, tôi chỉ cần đưa tay vào chiếc bị ở đằng trước ngực, tức thì tôi kiếm ra được món đồ mà người kia đang cần cho bản thân và cuộc sống cuả mình. Ngày ngày lớn lên, tôi thấy mọi người đều làm như vậy. Và tôi đã học sống quảng đại, giống như mọi người. Cuộc sống thuả ấy thật là phong phú, sung mãn cho mọi người và cho từng người, không trừ sót một ai.

Thế rồi, một hôm, bỗng xuất hiện một bà phù thuỷ. Không ai biết bà đến từ hành tinh nào. Ngày ngày, bà cứ đi rỉ tai từng người, già trẻ lớn bé: “Con hãy khôn ngoan, lưạ người mà cho. Hãy giữ lại cho mình một đôi điều cần thiết. Thời buổi khó khăn sẽ uà đến. Lúc bấy giờ con sẽ thiếu thốn mọi sự”.

Cũng từ đấy, con người bắt đầu lo sợ. Nhiều lần, khi thấy bạn bè bà con thiếu một vật dụng, theo thói quen, họ đưa tay vào chiếc bị ở đằng trước. Nhưng nhớ lại lời khuyên cuả bà phù thuỷ,  người ấy lập tức rút tay ra, không còn muốn cho đi một cách dễ dàng, đơn sơ như trước đây.

Vì thái độ dè sẻn và tự vệ cuả mỗi người, cuộc sống làm người đã thay đổi bộ mặt: từ bấy giơ, ai ai cũng trở nên nghi kị, lo sợ. Cuộc sống do đó càng ngày càng trở nên thiếu thốn, bất hạnh.

Nhận thấy tình hình càng lúc càng thoái hóa, một cách tai hại và trở thành bế tắc, các bô lão đã có sáng kiến họp nhau lại, khảo sát một cách tỉ mỉ nguyên nhân cuả vấn đề. Họ khám phá rằng đầu giây mố nhợ là sự có mặt cuả bà phù thuỷ, và họ đã cầm gậy gộc xua đuổi bà ra khỏi xóm làng.

Oái oăm làm sao, bà phù thuỷ bằng xương bằng thịt đã đi xa rồi. Nhưng lời rỉ tai cuả bà vẫn còn xẩn vẩn đâu đo, trong tư duy và quả tim của mỗi người. Bà phù thuỷ vẫn còn nằm vùng, bám trụ trong mỗi chúng ta và ở giưã chúng ta.

Nếu mỗi ngày, mỗi người không quyết định thay đổi niềm lo sợ cuả mình thành thương yêu, tha thứ và tin tưởng nhau, chúng ta sẽ suốt đời làm nạn nhân tự nguyện cuả bà phù thuỷ đang tìm mọi cách để làm ô nhiễm mối quan hệ giưã người với người. Tên tuổi của bà phù thuỷ ấy là thiên kiến, hận thù, chia rẽ, bạo động và chiến tranh. Nói tắt một lời, đó là tư duy nhị nguyên phát sinh ra mọi khổ đau cho con người trong lòng cuộc đời và trên từng mảnh đất cuả quê hương.

Sào huyệt hay là chiến khu cuả bà phù thuỷ là đời sống xúc động và tình cảm.

  (*) C. Steiner—Le conte chaud et doux de chaudoudoux –illustre par PEF. InterEditions Paris, 1984.  

1. - Maria, Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) [1]

Lễ ngày 1 tháng 1

- “Khi con biết đòi ăn.

Mẹ là người mớm cho con muổng cháo.

Khi con đòi ngủ bằng tiết tấu,

Mẹ là người thức hát ru con.

- “Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn,

Là khi tóc Mẹ ngày thêm sợi bạc.

Mẹ đã thành HIỂN NHIÊN như trời đất,

Như cuộc đời không thể thiếu trong con.

- “Nếu có đi vòng quả đất tròn,

Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài Mẹ.

Cái vòng tay mở ra từ tấm bé,

Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên.

- “Mẹ là người đã cho con cái tên riêng,

Trước cả khi con bật lên tiếng “Me”.

- “Mẹ,

Cái tiếng gọi từ khi bập bẹ,

Đến lúc trưởng thành,

Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu.

- “Mẹ,

Có nghĩa là bắt đầu

Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc.

- “Mẹ,

Có nghĩa là duy nhất:

Một bầu trời,

Một mặt đất,

Một vừng trăng…

- “Mẹ,

Có nghĩa là ánh sáng,

Một ngọn đèn thắp sáng bằng máu con tim,

Cái đóm lữa thiêng liêng,

Cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối.

- “Mẹ,

Có nghĩa là mãi mãi

Là cho đi, không bao giờ đòi lại”.

***

Bài thơ của Thanh Nguyên thắp sáng trong chúng ta hai con mắt của phượng hoàng. Nhờ đó, chúng ta có khả năng cảm và thấy được một phần nào “ý định từ muôn thủơ của Thiên Chúa”, khi Ngài chọn Tì Nữ Maria làm mẹ của Ngài. Đức Maria đã, đang và sẽ muôn đời làm Mẹ của Thiên Chúa:

- Vì Maria có nghĩa là “CHO ĐI, không bao giờ đòi lại”.

- Vì Maria là ngọn đèn thắp sáng bằng máu con tim, luôn luôn thao thức và trăn trở về Thiên Chúa và cho Thiên Chúa… Nhờ đó, Kế Hoạch Thứ Tha và Cứu Độ của Ngài có khả năng trở thành hiện thực trong bản thân và cuộc sống của mỗi người.

- Vì Maria là đóm lữa kiên cường cháy lên giữa đêm tối. Cháy lên giữa bão bùng. Cháy lên và xóa tan mọi vết tích, bóng hình của Tội lỗi.

- Vì Maria sẵn sàng cho phép Thiên Chúa xuống thế làm người. Đóng lều ở giữa Nhân Loại. Ngày ngày mang đến cho chúng ta Sự Sống, Tình Yêu và Hạnh Phúc lai láng, tràn trề của chính mình Ngài.

- Vì Maria tràn đầy ơn phúc, làm đẹp lòng Ngài trên mọi bình diện…

Chúng ta hãy tiếp tục đưa mắt ngắm nhìn Mẹ. Mẹ sẽ dạy thêm cho chúng ta những câu trả lời khác… phát xuát từ Kế Hoạch Tình Thương và Cõi Lòng bao la của Thiên Chúa.  

2. -Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh.

Lễ ngày 2-2 

Khi đem Con mình là Đức Kitô lên Đền thờ Giêrusalem, Mẹ Maria đã chọn “phần tốt hảo và cao quí nhất “trong đời mình, để hiến dâng và phó thác cho Thiên Chúa. Cử chỉ nầy nhắc chúng ta nhớ lại hình ảnh và phong độ của A-ben: chọn ra trong cây nhà lá vườn của mình, những hoa quả tốt tươi và đẹp đẽ nhất, đặt lên bàn thờ, dâng cúng cho Thiên Chúa. A-pra-ham, tổ phụ của dân Ít-re-en, cũng đã có một thái độ tương tự: sẵn sàng đem con một của mình là I-da-ác làm của lễ toàn thiêu để tạ ơn Thiên Chúa. Phải chăng chính Ngài đã hứa sẽ ban cho A-pra-ham một đoàn con cháu “đông đảo như sao trên trời,  như cát dưới biển”?

Khi sẵn sàng và can trường hiến dâng tất cả, không muốn giữ lại một điều gì cho riêng mình, Mẹ Maria tự khắc nhận mình là “người tì nữ nghèo hèn của Đấng Ya-vê”, tin tưởng, phó thác hoàn toàn” vào Tình yêu vô lượng vô biên của Ngài. Chỉ có tâm hồn “chân không” - nghĩa là trống rỗng như một ngôi mộ, theo lối nói và lối nhìn của Thánh Lu-ca - Mẹ Maria mới có thể đón nhận trong cung dạ của mình, Đấng Tối Cao, Đấng Diệu Hữu, Đấng Tạo dựng trời đất muôn vật. Ngài là “Tất cả trong tắt cả”, theo giáo huấn của Thánh Phaolô.

Với một tâm hồn tín thác tuyệt đối như vậy, Mẹ Maria đã có khả năng ĐÃO NGƯỢC tất cả những gì bà Ê-Va Cũ đã thực hiện, là TRỤC XUẤT Thiên Chúa ra khỏi cung lòng Nhân loại. Ê-va Mới, trái lại, cưu mang Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.  Tạo mọi điều kiện thuận lợi, cho phép Thiên Chúa sinh ra làm người, như mọi người, với mọi người.  Nhờ đó,  Nhân loại có khả năng “đứng dậy, lên đường, trở về Nhà Cha” (Lc 15, 11-32).

***

Hởi người em Tín Hữu,

Khi sống Đức Tin vào Đức Kitô, em đã thực hiện trong chính bản thân của mình, cuộc đời và con người của Mẹ Maria. Em đang có khả năng trở thành tất cả như Mẹ, vì Đức Kitô là tất cả cho đời em, trong đời em, theo giáo lý của Thánh Phaolô (Cl 3, 11):

Em trọng đại, vì em là tất cả,

Là Mẹ, là mảnh đất của quê hương,

Một khu vườn ươm lại giống Tình Thương,

Xây non sông, làm tươi đẹp khóm phưòng.

Em là nước tưới ngày mai tuổi trẻ,

Đem rừng xanh phủ hết đất tang thương,

Mang Mặt Trời chiếu rạng vùng tăm tối,

Hạt Tin Mừng gieo vãi khắp mười phương [2]

 

3. -Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức.

 Lễ ngày 11-2

 Tại Lộ đức, La vang, Fatima hoặc bất cứ ở một nơi nào Đức Mẹ đã hiện ra, Mẹ luôn luôn nhắc nhủ con cái của Mẹ, như trong Tiệc cưới ở làng Cana (Ga. 2, 1-12):

“Người bảo gì, các anh chị em cứ làm theo”.

Nếu chúng ta thực thi nguyện vọng và lời yêu cầu của Mẹ, Đức Kitô sẽ có khả năng làm “dấu la”, nhằm bày tỏ vinh quang của Ngài. Nhờ đó, chúng ta mở mắt Đức Tin, nhìn nhận và đón nhận Ngài, để có thể trở thành con cái của Thiên Chúa.

***

Thay vì sử dụng lối nói quen thuộc “Đức Kitô làm Phép lạ”, Thánh Gioan trong Phúc Âm thứ 4, luôn luôn liên kết một cách chặt chẽ ba yếu tố sau đây lại với nhau:

- Yếu tố thứ nhất: một biến cố, một sự kiện, một kết quả khách quan bên ngoài, xãy ra trước sự chứng kiến của nhiều người đương thời, do sự can thiệp của Đức Kitô.

- Yếu tố thứ hai: sở dĩ Ngài thực thi những dấu tích đặc biệt và bên ngoài ấy, là vì Ngài muốn bày tỏ cho chúng ta nhận biết Ngài là ai, bản sắc của Ngài là gì, nguồn gốc của Ngài ở nơi đâu…

- Yếu tố thứ ba: xuyên qua những điều mắt thấy, tai nghe, tay chân va chạm, việc thiết yếu mà mỗi người cần thực thi là: NHẬN RA Ngài là LỜI của Thiên Chúa. Ngài là Lời Chúc Phúc đến thăm viếng Nhân loại. Ngài là Tin Mừng Thứ Tha của Ngôi Cha kêu gọi “đứa con hoang đàng đứng dậy, lên đường, trở về Nhà” (Lc 15, 11-31).

Khi mở mắt Đức Tin thấy được những “điều vô hình” ấy, chúng ta lãnh nhận hồng ân trở thành con cái của Thiên Chúa. Giống như Đức Kitô, chúng ta có khả năng gọi Thiên Chúa là Cha: “Ap-ba, Cha ơi” (Gl 4, 6) . Đồng thời, chúng ta đã bắt đầu tham dự vào cuộc sống vỉnh hằng và bất diệt của Ngài.

***

Theo cách trình bày của Thánh Gioan, trong Phúc Am thứ 4, duy bảy dấu lạ sau đây của Đức Kitô đã có khả năng dư thừa và đầy đủ, để trình bày bản sắc của Ngài cho Nhân loại, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

- Dấu lạ thứ nhất là biến Nước thành Rượu, tại tiệc cưới ở làng Cana (Ga. 1-11).

- Dấu lạ thứ hai là chữa lành bệnh cho đứa con của quan cận vệ (Ga 4, 46-54).

- Dấu lạ thứ ba là làm cho người nằm bại liệt có thể đứng dậy, ra về (Ga. 5, 1-18).

- Dấu lạ thứ bốn là nhân bánh ra nhiều, cho dân chúng ăn no nê (Ga. 6, 1-15).

- Dấu lạ thứ năm là là làm cho người mù từ lúc mới sinh ra được sáng mắt, thấy được mọi sự (Ga 9, 1-41).

- Dấu lạ thứ sáu là làm cho La-da-rô đã chết ba ngày được sống lại, bước ra khỏi mồ (Ga 11, 1-5).

- Dấu lạ thứ bảy là chính Đức Kitô đã bị sát hại trên Thánh Giá và đã tự mình Sống Lại vào ngày thứ ba (Ga 19, 25-27).

***

Tại Lộ đức cũng như tại Cana, Mẹ Maria đang kêu mời mỗi người trong chúng ta:

Người bảo gì, các anh chị em cứ làm theo”.

Vậy, chúng ta phải làm gì “hôm nay, ở đây và bây giờ”, theo Lời dạy bảo của Đức Kitô?

Thánh Phaolo đã trả lời cho chúng ta: “Chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô,  nghĩa là mang vào mình tâm trạng, lối nhìn, tư duy và thái độ của Ngài”. Trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, chúng ta hãy sống chính cuộc sống của Ngài. Đóng đinh con người cũ vào Thánh giá, và cùng Sống lại với Ngài vào ngày thứ ba. Ngày ngày thực hiện trong chính bản thân của mình một cuộc “Vượt Qua”, như Ngài và với Ngài, có nghĩa là từ giả cuộc đời “làm nô lệ của tội lỗi” và đứng dậy, lên đường, trở về trong Cung Lòng Yêu Thương và Thứ Tha của Thiên Chúa.

Đức Kitô chỉ cần chết MỘT lần trên Thánh giá. Chúng ta, trái lại, phải chết và sống lại mỗi ngày, nhờ quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần:

“Ngày ngày cưu mang chính Đấng Cao Cả,

Với Thánh Thần, biến Đời thành Phép La”.

Phải chăng, đó cũng là sứ điệp, chúng ta nhận lãnh từ cõi lòng Mẹ Maria, mỗi lần chúng ta hành hương đến Lộ Đức?  

4. - Mẹ Maria Cầu nguyện

Lễ kính Đức Mẹ hiện ra ở Fatima 

Mỗi lần Mẹ Maria hiện ra, ở Fatima cũng như ở các nơi khác, Mẹ thường nhắc lui nhắc tới cho các tín hữu:

“Chúng con hãy cầu nguyện”.

Cầu nguyện là nơi Hẹn Hò giữa Thiên Chúa và con người. Giữa hai người chọn lựa nhau.

Suốt thời gian còn sống ở trần thế, Mẹ đã cầu nguyện một cách liên tục. Kinh Thánh Tân Ươc đã trao lại cho chúng ta một vài kỷ niệm. Đó là những biến cố khách quan, tuy vắn gọn, nhưng mang đầy ý nghĩa, khả dĩ sáng soi và hướng dẫn cuộc đời Đức Tin của chúng ta.

***

 Khi sứ thần Ga-pri-en báo tin: Mẹ sẽ mang thai Con của Đấng Tối Cao, Mẹ đưa ra câu hỏi:

“Việc ấy xãy ra bằng CÁCH NÀO, vì tôi không biết việc vợ chồng?” (Lc. 1, 34).

Trong những thắc mắc thường xãy ra hằng ngày, khi đặt lên câu hỏi “Có-Không”, như trong trường hợp của ông Da-ca-ria, cha của Thánh Gioang Tẩy giả,  (Lc. 1, 18), chúng ta diễn tả lòng nghi nan về Tình yêu và Quyền năng của Thiên Chúa. Ngài trở thành “một vấn đề”, trong tâm tư và lối suy nghĩ của chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, Ngài bị chúng ta giản lược thành một bài tính đố, một vấn nạn gây ra những rắc rối, khó khăn cho sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn, khi chứng kiến tận mắt cảnh tượng người Đức quốc xã tàn sát anh chị em đồng bào của mình, bằng lò hơi ngạt, trong các trại tập trung, văn hào E. Wiesel đã bùng nổ, nổi loạn với Thiên Chúa. Ngài có thực sự hiện hữu hay không? Tại sao Ngài có thể cho phép xãy ra những tai họa, hoạn nạn như vậy? Phải chăng Quyền năng và lòng Yêu thương mà người ta gán ghép cho Ngài, CHỈ là những đề tài tuyên truyền láo khoét?

Đối với Trinh Nữ Maria, trái lại, Thiên Chúa không phải là một thắc mắc, một vấn đề, một đối tượng tư duy xa xôi, mơ hồ, lý thuyết…Trong con mắt Đức Tin của Mẹ, Thiên Chúa là NGƯỜI CHA, một Ngôi vị, đầy lòng Nhân từ và Ưu ái, đang ngày ngày kết dệt với con cái của Ngài những quan hệ gắn bó và thiết thân, xuyên qua những hành vi cụ thể và khách quan, bên ngoài. Thiên Chúa CÓ MẶT trong từng nỗi niềm ưu tư và trăn trở của Mẹ. Ngài CÓ MẶT trong từng biến cố đang xãy ra trong đời Mẹ, hay là trong môi trường sinh hoạt chung quanh. Mỗi sợi tóc trên đầu rơi rụng xuống đều nằm trong Kế HoạchYêu thương và Cứu độ, mà Ngài ấp ủ từ muôn đời, trước khi chưa có Trời Đất, Vũ trụ:

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

Biết bao điều cao cả,

Danh Người thật chí thánh, chí tôn.

 (…)

Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm hèn.

Từ đời nọ đến đời kia,

Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

Kẻ đói khát, Chúa ban đầy của cải,

Ai giàu sang, Người để về tay không” (Lc. 1, 45-55).

***

Khi lắng nghe Mẹ cầu nguyện, chúng ta có thể khám phá ít nhất ba chiều kích chủ yếu, trong mọi sinh hoạt nội tâm của Me:

·   Thứ nhất, Mẹ nhớ lại những kỳ công trọng đại, Thiên Chúa đã thực hiện trong quá khứ. Từ đó, Mẹ cất lời “Tạ ơn, Ngợi khen và Chúc tụng”.

·   Thứ hai, Mẹ mở măt, mở lòng phát hiện Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, thậm chí những chấm, những phết có liên hệ đến Kế Hoạch Yêu thương và Thứ tha của Ngài. Từ đó, Mẹ mở lòng đón nhận Lời Chúa với hai tiếng “XIN VÂNG” dấn thân và hợp tác vô điều kiện.

·   Thứ ba, nhiều “CÁCH LÀM” của Thiên Chúa vượt ra ngoài giới hạn hiểu biết và cách tổ chức tâm lý bình thường của con người. Trong những điều kiện như vậy, Mẹ “ghi lòng tạc da” (Lc 2, 51). Mẹ chiêm niệm, suy ngắm. Như mãnh đất khô hạn chờ mưa sương, Mẹ đơn sơ, khiêm hạ đặt ra câu hỏi: “Việc ấy xãy ra bằng cách nào?”. Và đúng như lời chỉ dẫn của Thiên sứ Ga-pri-en, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ. Mẹ “tràn đầy và thấm nhuần” Anh Sáng và Sức Mạnh của Ngài. Nhờ đó, mắt Mẹ “thấy được những điều vô hình”. Chân Mẹ có khả năng bước tới, sẵn sàng “đồng hành và chia sẻ với Thiên Chúa”. Mẹ “CHO” tất cả những gì Thiên Chúa “XIN”. Trong điều kiện còn “tranh tối tranh sáng” của Đức Tin, Mẹ chấp nhận làm “SỐ KHÔNG TUYỆT ĐỐI”, để Thiên Chúa có khả năng đổ tràn đầy ân phúc vào tâm hồn và cuộc đời của Mẹ

Nói tóm lại, nhờ đời sống cầu nguyện, Mẹ đã có khả năng tin những điều vượt quá lòng tin của con người bình thường.

Nhờ đời sống cầu nguyện, Mẹ đã có khả năng hy vọng những gì vượt quá tầm hy vọng của con người.

Nhờ đời sống cầu nguyện, Mẹ đã trở thành ĐỀN THỜ của Thiên Chúa. Mẹ cưu mang và nuôi nấng Đấng “Thiên Chúa ở cùng nhân loại”, với hai bàn tay cần cù lao động của mình.

Trong lời cầu nguyện của Mẹ, hai tiếng “XIN VÂNG” gói ghém trọn vẹn tất cả tâm hồn hiến dâng của “Người Con Gái Xion”:

“Con về nương tựa Chúa Thánh Thần. Ngài đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

Con về nương tựa Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài là Đường,  Sự Thật và Sự Sống, trong từng hơi thở của con.

Con về nương tựa Thiên Chúa Ngôi Cha. Ngài là Nguồn Gốc độc nhất ban phát Hồng Ân Cứu Độ cho mọi người sinh ra ở trên trần thế nầy”.   

5. -Sứ Thần Truyền Tin Cho Đức Mẹ

 Ngày Lễ 25-3

Ý nghĩa và đường hướng

của sứ mệnh Rao Truyền Lời Chúa

Từ giây phút cất tiếng trả lời cho sứ thần Ga-pri-en: “Vâng, tôi đây là tỳ nữ của Thiên Chúa. Xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc. 1, 28), Đức Maria đã nhận lãnh sứ mệnh Rao Truyền Lời Chúa cho toàn thể nhân loại. Theo Thánh Luca, tác giả của Phúc Am thứ ba và của sách Công Vụ, Lịch sử Rao Giảng Lời Chúa, còn mang tên là Kế Hoạch Cứu Độ, được phân chia thành ba thời kỳ chính yếu:

·   Thời kỳ thứ nhất: Trong suốt thời gian của Cựu Ước, các tổ phụ của dân It-ra-en đã nhận lãnh Lời Hứa Cứu độ, sau khi Adong và Eva phạm tội bất tuân Lời Chúa: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà. Giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy. Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn gót no” (St. 3, 15). Với các ngôn sứ, như I-sai-a, Giê-rê-mia, E-dê-kien, Đa-ni-en…Ngài cũng đã lặp lại Lời Hứa ấy,  dưới nhiều hình thức khác nhau: “Này đây, người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh ra con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-el” (Is. 7, 14.

·   Thời kỳ thứ hai: Bước sang Giai đoạn Tân Ước, từ ngày Mẹ Maria được Sứ thần Ga-pri-en truyền tin, Lời Hứa của Thiên Chúa đã trở thành hiện thực. Nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng Cứu Độ đã được cưu mang, thành xương thành thịt, trong cung dạ của Mẹ. Đến ngày giờ viên mãn, Mẹ đã sinh ra một người con trai và đặt tên là Giêsu. Ngài là Con Đấng Tối Cao, mang thân phận làm người và lớn lên ở giữa lòng nhân loại, trong xóm nghèo Na-da-rét. Sau ba mươi năm sống ẩn dật, bên cạnh Mẹ Maria và Thánh Giu-se, Ngài đã đi ra, rảo khắp các miền thuộc xứ Giu-đê, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo: người bị giam cầm được tự do. Người mù lòa được sáng mắt. Người bị áp bức được bênh vực. Hồng ân của Thiên Chúa đươc công bố cho mọi người đang mong chờ Ơn Cứu độ của Người (Lc. 4, 17-20). Cuối cùng, theo truyền thống của các ngôn sứ, Ngài đã tiến về Giê-ru-sa-lem, nộp mình, bị tra khảo, đóng đinh vào thập giá như một tội nhân. Nhưng ngày thứ ba, Ngài đã sống lại trong vinh quang của Ngôi Cha, nhờ quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần.

·   Thời kỳ thứ ba: Từ ngày Lễ Hiện Xuống (Cv. 2, 1-13), sau khi nhận lãnh Hồng ân tràn đầy của Chúa Thánh Thần, theo mệnh lệnh của Đức Kitô Sống Lại, các đồ đệ của Ngài đã đi khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của địa cầu, rao giảng Lời Cứu độ cho muôn dân, tiếp nối công trình mà chính Ngài đã thực hiện tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đê”.

Chỗ nào môn đồ của Đức Kitô đi qua, theo như Kế Hoạch Cứu độ, mà Ngôi Cha đã ấn định từ trước muôn đời, chỗ ấy, người nghèo được chúc phúc. Người mù lòa được sáng mắt. Người bệnh tật được chữa lành. Người chết được sống lại…

Để có thể gặt hái những hoa quả, y hệt như chính Đức Kitô đã thực hiện, trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, các đồ đệ cũng như những ai sống Đức Tin vào Ngài,  PHẢI “bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem” (Lc 24, 47).

“Bắt đầu từ Giê-rusa-lem”, theo lối nhìn thần học của Thánh Luca, là qui luật tất yếu của những ai muốn dấn thân vào con đường Rao Giảng Tin Mừng của Đức Kitô.

“Bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem” có nghĩa là “làm lại” những gì Đức Kitô đã làm: CHẾT và SỐNG LẠI như Ngài và với Ngài.

“Bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem” là trở thành Đền Thờ sống động của Chúa Thánh Thần. Giống như Mẹ Maria, mỗi người tín hữu “PHẢI tràn đầy và thấm nhuần” Chúa Thánh Thần, mới có khả lực cưu mang Đức Kitô. Nuôi dưỡng Ngài lớn lên mỗi ngày trong tâm hồn và cuộc đời. Sinh Ngài ra và mang Ngài đến cho mỗi người anh chị em đồng bào, đồng hương, đồng loại.

Khi rao giảng Tin Mừng cho bốn phương thiên hạ, người tín hữu không thể không đi lại con đường mà Mẹ Maria đã kinh qua trong suốt cuộc đời: “Lắng nghe và ngày ngày tuân giữ Lời của Thiên Chúa” (Lc. 8, 21; 11, 27).

·        Tuân giữ Lời Chúa là phục vụ anh chị em nghèo hèn, thấp cổ bé miệng; tìm mọi cách vật chất cũng như tinh thần nhằm gây ý thức cho họ nhận biết: Họ là thành phần ưu tiên, trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.

·        Tuân giữ Lời Chúa là mang an hòa vào nơi tranh chấp, hận thù và chiến tranh;

·        Tuân giữ Lời Chúa là thứ tha cho người đàn bà ngoại tình. Không mở lời tố cáo, phê phán, khinh thị…

·        Tuân giữ Lời Chúa là cúi xuống rữa chân cho người anh chị em bé nhỏ nhất giữa chúng ta;

·        Tuân giữ Lời Chúa là thương yêu kẻ địch thù và tất cả những ai đang tìm cách bắt bớ, giam tù và sát hại chúng ta, bằng mọi khí giới hữu hình và vô hình…

·        Tuân giữ Lời Chúa là ngày ngày sống khó nghèo, chấp nhận và sẵn sàng “chết và sống lại” với Đức Kitô, trên mọi nẻo đường “làm chứng nhân cho Ngài”, ở giữa lòng nhân loại.

Theo giáo lý của Thánh Phaolô, không ngày ngày mang vào mình con người, tâm tình và lối sống của Đức Kitô, công việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta chỉ là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1 Cor 13, 1-13).

***

Sau khi nhận thức một cách rõ ràng và sáng suốt như vậy, dưới ánh sáng của Đức Tin về sứ mệnh và nhất là về thể thức rao giảng Tin Mừng, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ chùn chân, lo sợ, bối rối… muốn rút lui. Lúc bấy giờ, chúng ta hãy nhớ lại: Mẹ Maria cũng đã bối rối, lo sợ, trước khi chấp nhận cưu mang Lời Chúa. Mẹ đã nêu lên câu hỏi: “Việc ấy xãy ra bằng cách nào?”.

Thiên sứ Ga-pri-en ngày xưa đã trả lời cho Mẹ, và ngày nay cũng trả lời cho chúng ta: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà…Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 23-33). Và chính Đức Kitô cũng đang nhắc lại cho chúng ta Lời Hứa của Ngài: “Thầy ở với anh chị em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

Trong tinh thần và ý nghĩa ấy, chúng ta hãy biết lắng nghe:

Hãy gọi Biển về, lòng ai thao thức sóng vỗ,

Hãy lắng nghe Trời, khi cuộc đời đầy giông tố.

Con là nước tưới mát những cánh đồng khô hạn,

Trời trong con nối kết bao gia đình phân tán.

Con là ai? Hạt bụi giữa đất trời, vũ trụ…

Nhưng đời con gây động chuyển hằng ngàn tinh tú.

Con đi ra tháo tung những biên thùy, giới hạn…

Con mang về Đức Kitô tròn đầy và viên mãn.  

6. - Mẹ Maria loan báo Tin Mừng cho Bà Ê-li-da-bet

 Lễ Đức Mẹ Đi Viếng ngày 25-3

Theo lối nhìn thần học của Thánh Luca, được trình bày trong hai tác phẩm Phúc Am thứ ba và Sách Công Vụ, Mẹ Maria là NGUYÊN TƯỢNG của mọi người tín hữu, trong lòng Hội Thánh, từ trước tới nay, sau này và cho đến ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang.

Nguyên tượng, trong tiếng Pháp, là Archetype. Type có nghĩa là bản mẫu hay là mô hình. Arche là đầu tiên, nguyên thủy, ngồn gốc.

Mẹ Maria là nguyên tuợng cho những ai “lắng nghe và thực hiện Lời Chúa”. Hẳn thực, mỗi lần chúng ta phân vân lo ngại, không biết phải sống Đức tin hay là làm chứng Tin Mừng bằng cách nào, chúng ta chỉ cần nhìn ngắm, lắng nghe Mẹ. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ dễ dàng khám phá mọi con đường cần dấn bước, mọi chân trời phải xích lại gần, mọi động tác nên khuôn đúc lại trên chính bản thân mình.

Một cách đặc biệt, trong sứ mệnh loan báo Lời Chúa, qua việc tường thuật biến cố “Mẹ tốc tả lên đường viếng thăm bà Ê-li-da-bet”, Thánh Luca đã trình bày một cách cô động những giai đoạn hành động của Mẹ Maria như sau (Lc 1, 39-45) :

·   Thứ nhất: Mẹ mở lòng lắng nghe và tìm hiểu Lời Chúa;

·   Thứ hai: Mẹ đón nhận Lời Chúa với thái độ ”Xin Vâng”;

·   Thứ ba:  Mẹ “tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần”;

·   Thứ bốn: Mẹ “cưu mang Lời Chúa” trong cung dạ của mình;

·   Thứ năm: Mẹ tốc tả “lên đường” đi thăm viếng bà Ê-li-da-bet;

·   Thứ sáu: Mẹ vào nhà, cất lời chào hỏi “Chúa ở cùng Chị”;

·   Thứ bảy: Bà Ê-li-da-bet và Thánh Gioang “tràn đầy Chúa Thánh Thần”;

·   Thứ tám: Trong vòng ba tháng, Mẹ ở lại phục vụ, đáp ứng những nhu cầu của bà Ê-li-da-bet.

Điểm nổi bật nhất, trong tiến trình với tám giai đoạn trên đây, là sự có mặt của Chúa Thánh Thần đang nối kết lại với nhau Mẹ Maria và bà Ê-li-da-bet. Ngài làm cho hai tâm hồn trở thành “nhất tâm”, có khả năng đồng hành và chia sẻ, trong một quan hệ hài hòa hiểu biết, tôn trọngvà tương trợ lẫn nhau. Chúa Thánh Thần nối kết Ngôi Cha và Ngôi con thế nào, trong đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì cũng môt Chúa Thánh Thần ấy, đang tác động y hệt như vậy, khi hai hay ba người trong chúng ta chấp nhận cùng bước đi với nhau, cùng nhau nhìn về một hướng. Ngài làm cho Đức Kitô Phục Sinh xuất hiện ở giữa chúng ta. Nhờ đó, chúng ta bắt đầu sống lại, trở thành Đức Kitô thứ hai, đến thăm viếng anh chị em đồng bào, đồng loại, trên mọi nẻo đường của thế giới.

Trong tinh thần và đường hướng ấy, khi rao giảng Tin Mừng mà tâm hồn không cưu mang Lời Chúa và cuộc đời không tràn đầy Chúa Thánh Thần, chúng ta chỉ là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng”.

- Thay vì đồng hành và chia sẻ với anh chị em, chúng ta sử dụng thủ đoạn, lèo lái, trấn áp, điều khiển một cách độc đoán độc tài…

 - Thay vì “cúi xuống rửa chân cho anh chị em”, chúng ta la thét, biểu dương lực lượng, đuổi bắt những bóng hình vinh thăng, háo thắng…

 - Thay vì ngày ngày chuyển biến anh chị em thành những ngôi đền sống động cho Thiên Chúa, chúng ta đua đòi xây cất những tòa nhà bê-toong cốt sắt, to lớn đồ sộ, chói tai gai mắt, ở giữa những xóm nghèo xác xơ rách nát…

- Thay vì “bị đóng đinh vào Thánh Giá như Đức Kitô”, chúng ta vuốt ve vua chúa, quan quyền, núp bóng quân đội viễn chinh, thực dân, để “chiếm đất, giành dân, bành trướng Nước Chúa”.

Đức Tin đang xuống cấp trầm trọng, tàn lụi ở một vài nơi có truyền thống Kitô-giáo lâu đời. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng sự thật, không tránh né, không che đậy, không tìm nguyên nhân ở nơi khác, trong người khác: Đức Tin đang xuống cấp chính trong cõi lòng của chúng ta. Chúng ta hãy mời gọi Mẹ Maria trở về, ở giữa chúng ta, cầu nguyện với chúng ta. Cùng với Mẹ, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống, đốt sáng tâm hồn chúng ta, giống như trong ngày Lễ Hiện Xuống đầu tiên của Hội Thánh mới ra đời.  

7. -Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội

Lễ ngày 8.12 

Khi tìm hiểu chỗ đứng của Mẹ Maria, trong toàn bộ giáo lý của Thánh Phaolô, các nhà thần học cũng như những người làm công tác chú giải Thánh Kinh, chỉ thường trích dẫn một câu duy nhất:

“Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tư” (Gal. 4, 4).

Và thậm chí trong câu nói nầy, Thánh Phaolô cũng không viết ra danh tánh của Mẹ Maria, một cách rõ ràng minh bạch. Mẹ chỉ được nhắc tới như là “người đàn bà sinh con”, giống như hằng triệu người đàn bà có mặt trong trời đất nầy.

Tuy nhiên, khi đọc lui đọc tới mười bốn lá thư và dừng lại suy niệm nhiều tầng lớp ý nghĩa ở bên dưới mỗi giáo lý của Thánh Phaolô, chúng ta sẽ hiểu rõ mục tiêu trong toàn bộ tác phẩm của Ngài là xây dựng Đức Tin cho người tín hữu. Làm sao, họ có thể sống và tuyên xưng Đức Tin của mình ở giữa lòng trần thế, với bao nhiêu cạm bẫy và thách đố? Họ tìm ở đâu sức mạnh cần thiết, để can trường làm chứng cho Tin Mừng, trước những cuộc bách hại ác liệt của các hoàng đế ở Rôma, từ Nê-rông trở lui? Tất cả nỗi ưu tư và trăn trở của Thánh Phaolô có thể được gói ghém trọn vẹn trong câu ca dao của người Việt Nam:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen?

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng,

Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Nói rõ hơn, làm sao người tín hữu “ngày ngày sống giữa bùn”, mà chẳng hôi tanh mùi bùn? Trái lại, họ còn mang trong mình ơn gọi là “chuyển biến vũng bùng tanh hôi” thành “đầm sen mỹ miều tràn đầy hương sắc” cho bản thân và toàn thể môi trường xã hội. Việc ấy có thể xãy ra bằng cách nào?

Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã trả lời cho chúng ta: Để có thể lãnh nhận mọi hồng ân của Thiên Chúa, chúng chỉ cần tin vào Đức Kitô, ở lại trong Ngài, bám chặt vào Ngài, ngày ngày đóng đinh con người cũ và sống lại cùng với Ngài.

- Khi tin vào Đức Kitô, chúng ta được trở nên “người công chính”, trước mặt Thiên Chúa (Ro 3, 22-26).

- Khi tin vào Đức Kitô, chúng ta được “tràn đầy Chúa Thánh Thần” và trở thành “Đền thờ” của Thiên Chúa Ba Ngôi.

- Khi tin vào Đức Kitô, chúng ta “đồng hình, đồng dạng” với Ngài, trở thành nghĩa tử như Ngài, có khả năng gọi Thiên Chúa là Cha và tham dự vào đơì sống vĩnh hằng của Ba Ngôi Thiên Chúa (Ro 8, 1-17).

- Khi tin vào Đức Kitô, chúng ta hợp tác với Thiên Chúa, để thực hiện Kế Hoạch Cứu độ, mà Ngài đã cưu mang ấp ủ, từ trước muôn đời, là chuyển biến trời đất nầy thành Trời Mới Đất Mới, không còn “rên siết” dưới gông cùm của tội lỗi và sự chết.

- Khi tin vào Đức Kitô, chúng ta trở nên “tinh tuyền, vô nhiễm, không tỳ ố”, nhờ Máu Ngài đã đổ ra trên Thánh Giá tẩy sạch mọi tội lỗi và lầm lạc. Theo giáo lý của Thánh Phaolô, “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Ro 5, 20).

Với Đức tin vào Đức Kitô, chúng ta đã ngụp lặn trong Hồng ân cứu độ của Thiên Chúa như vậy, huống hồ Mẹ Maria, người tín hữu, nguyên tượng và nguyên mẫu của mọi người tín hữu từ trước cho tới nay:

Từ muôn thuở, Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm cọng sự viên trong Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài (Eph. 1, 2-14).

Từ muôn thuở, Mẹ là “người đầy ơn phúc và đẹp lòng Ngài”, trong mọi phương diện.

Từ muôn thuở, Mẹ “tràn đầy và thấm nhuần ” Chúa Thánh Thần.

Từ muôn thuở, Mẹ là người “được công chính hóa”, trước mặt của Thiên Chúa.

Từ muôn thuở, Mẹ là “tác phẩm tuyệt vời” của Ngài.

Cho nên, tình trạng “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Mẹ là một TẤT YẾU phát xuất từ Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Thêm vào đó, ai đã lắng nghe, cưu mang và thực hiện Lời Chúa, bằng Me? Chính Lời Chúa đã làm cho Mẹ trở thành “thánh thiện và tinh tuyền”. Nhờ quyền năng tác động của Lời Chúa và Thánh Thần của Đức Kitô, Mẹ đã làm người “xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào”, từ lúc còn là bào thai (Eph 5, 25-30).

Trong tinh thần và đường hướng ấy, chúng ta hãy bắt chước Thánh Phaolô “chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa”. Những gì Ngài đã ban tràn đầy cho Đức Mẹ, Ngài cũng đang làm y hệt như vậy cho mỗi người biết sống trọn vẹn Đức Tin vào Đức Kitô (Eph 1, 3-7):

“Chúc tụng Thiên Chúa

Là Thân Phụ Đức Kitô, Chúa chúng ta.

Trong Đức Kitô,

Từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc,

Cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.

Trong Đức Kitô,

Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ,

Để trước Thánh Nhan Người,

Ta trở nên tinh tuyền, thánh thiện,

Nhờ Tình Thương của Người…”

 

8. - Đức Maria “Hồn Xác Lên Trời”

Lễ ngày 15-8 

“LÊN TRỜI” hay là “VỀ TRỜI” có nghĩa là “TRỞ VỀ” với gốc rễ, cội nguồn hay là bản sắc của mình. Nơi đó, chúng ta tìm lại được con người đích thực, trọn vẹn Nơi đó, chúng ta cảm thấy mình thoải mái, hạnh phúc và an lạc. Nơi đó, chúng ta thành đạt mọi chiều kích làm người, mà suốt đời chúng ta đã ấp ủ, vun trồng, trông nom, tưới tẩm. Thiếu nơi trở về, để nương tựa, ẩn núp, làm mới lại cuộc đời, người “vô gia cư” cảm thấy mình bơ vơ, lạc lỏng, cô đơn và trống rỗng. Cuộc đời trở thành vô vị và vô nghĩa…

Để sống trọn vẹn kiếp làm người, mỗi người trong chúng ta có ba chiều kích để vươn tới mỗi ngày, trong từng hơi thở, dự định và hướng đi của mình:

- Thứ nhất là chiều dọc: Chúng ta thừa hưởng từ cha ông, tổ tiên một dòng máu, một gia tài, một công trình, một hoài bảo. Nhưng đến lượt, đến phiên chúng ta, chúng ta cũng có trách nhiệm truyền đạt lại cho con cháu sau này một ngôi nhà, một quê hương, một gia bảo, để chúng nó kiện toàn, bổ túc, điều chỉnh và ngày ngày sáng tạo thêm nhiều chân trời độc đáo, mới lạ, chưa bao giờ có mặt từ trước cho tới nay. Nói cách khác, khi ở trên chiều dọc, chúng ta vừa là đứa con thừa kế, tiếp nối, vừa là người cha mẹ khai sáng những vùng đất mới, cho thế hệ mai sau.

 

Thứ hai là chiều ngang: Cho dù chúng ta đang thực thi nhiều trách vụ khác biệt nhau, trong lòng xã hội hay là cộng đồng quê hương, chúng ta tất cả, không trừ sót một ai, đều là anh chị em. Chúng ta có bổn phận soi sáng, đùm bọc nhau. Với tư cách là đồng hành và chia sẻ, chúng ta có trách nhiệm “cùng nhau nhìn về một hướng”, khi đất nước phải đương đầu với nhiều thách đố lớn lao và trầm trọng có ảnh hưởng quyết định trên vận mệnh và tương lai của mình.

Thứ ba là chiều sâu tâm linh làm bằng chất liệu Tình Thương, Hiểu biết, An bình và Tha thứ. Chỗ nào, không có chiều sâu, con người vẫn còn là “đồng khô cỏ cháy, rừng thiêng nước độc hay là nơi hoang vu man rơ”. Không có Tình Thương và Tha Thứ, con người chưa phải là người thực sự và trọn vẹn. Bao lâu còn tàn sát lẫn nhau, họ đang còn ở tình trạng “hùm beo, muông thú”.

Trong lãnh vực Đức Tin, bản sắc của nguời tín hữu cũng bao gồm ba chiều kích tương tự như vậy:

Thứ nhất, chúng ta là con cái của Thiên Chúa Ngôi Cha. Ngài là Nguồn Gốc ban phát mọi Hồng ân Thứ Tha và Cứu độ. Đồng thời, chúng ta cũng là những cộng sự viên, được Ngài giao phó trọng trách thực hiện kế hoạch Thứ Tha của Ngài, trên mọi nẻo đường của nhân loại.

Thứ hai, chúng ta là những người sống Đức tin vào Đức Kitô. Trong Ngài, chúng ta tất cả là “anh chị em”, cùng nhau chia sẻ một Đức Tin, một Thiên Chúa, một MẹHội Thánh.

Thứ ba, nội tâm chúng ta là môi trường hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhờ Ngài soi đường dẫn lối, cũng như với sức mạnh thánh thiêng của Ngài, chúng ta có khả năng bắt chước Đức Kitô, “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem chân lý vào nơi sai lạc”. Chúng ta trở thành “cung đền của Ba Ngôi Thiên Chúa” Chỗ nào, Chúa Thần và chúng ta cùng nhau hoạt động, chỗ ấy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, trở thành “Trời Mới, Đất Mới”.

Suốt cuộc đời, Mẹ Maria đã ngày ngày “trở về” với ba gốc rễ ấy. Trong từng phút giây của cuộc sống, Mẹ đã không ngừng “Về Trời”. Mẹ đã sống trọn vẹn ba chiều kích Đức Tin của mình, đúng như Kế Hoạch mà Thiên Chúa đã ấn định từ muôn thuở, nhất là từ ngày Mẹ thưa hai tiếng “Xin Vâng” với sứ thần Ga-pri-en. Biến cố “Lên Trời”, vào giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Mẹ chỉ có chức năng “chính thức hóa” hay là “công khai hóa” một hiện thực đã có mặt trọn vẹn, từ Ngày Mẹ được Thiên Chúa chọn “Làm MẸ ” của Ngài.

Bước theo Mẹ, bắt chước Mẹ, chúng ta hãy có gan:

“Ngày ngày biến Không thành Có,

Chuyển luân Rác, nuôi sống những cánh đồng,

Giữa sa mạc, làm tuôn chảy dòng sông,

Trong chết chóc, vun trồng hạt mầm sống,

Đi con đường Thứ Tha và Hy Vọng”.

Làm như vậy, chúng ta ĐÃ LÊN TRỜI với MẸ, trong mỗi giây phút của cuộc đời, trước khi được Thiên Chúa gọi về “cả xác lẫn hồn” môt cách vĩnh viễn, ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang.  

9. - MẸ MARIA và Vấn đề Khổ đau

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ngày 15-9 

Mỗi lần suy nệm về Khổ đau, chúng ta cần phân biệt ba lối nhìn khác nhau sau đây:

Lối nhìn thứ nhất: Khổ đau trong lòng nhân loại.

Khổ đau có mặt tràn lan lây lất trong cuộc sống làm người. Sinh ra trong trời đất nầy, không ai có thể thoát ra ngoài vòng ảnh hưởng của thực tại kinh hoàng nầy. Khổ đau thai sinh những hậu quả tai hại trong quan hệ giữa người với người, như tình trạng chiến tranh, hận thù, kỳ thị, xung đột, đàn áp… Khi chúng ta bị khổ đau khống chế, nhiều khả năng bình thường và tự nhiên mà chúng ta đã học tập rèn luyện, có thể suy vong, thoái hóa, trở nên tê liệt, vô hiệu. Một bà mẹ, chẳng hạn, giữa cơn khổ đau hoành hành, bất kể vì lý do gì, có thể không còn làm được những điều, mà truớc đây bà đã làm cách dễ dàng, tự nhiên, thoải mái, như nuôi con, ngắm nhìn con, vui sướng bi bô trao đổi với con, khám phá nhu cầu của con, nhất là khi con khóc la, khó chịu…

Nói cách chung, khi khổ đau vượt mức chịu đựng, khổ đau ấy tạo nên tình trạng rối loạn, bất an cho nội tâm, hay là đánh mất khả năng hoạt động tự nhiên, bình thường của con người, trong nhiều địa hạt khác nhau:

Thứ nhất là địa hạt tiếp thu, học tập, ghi nhận những sự kiện khách quan, do môi trường bên ngoài cung cấp. Chúng ta có xu thế co rút, đóng kín mình, cắt đứt mọi quan hệ với tất cả những gì bao quanh chúng ta. Giữa cơn khổ đau đang tác oai tác quái, chúng ta bị giao động mãnh liệt, đến độ không còn nghe, thấy và xúc cảm, một cách đứng đắn và trung thực. Thay vào đó, chúng ta có khuynh hướng bóp méo, xuyên tạc sự kiện, vơ đũa cả nắm hay là bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia.

Thứ hai là địa hạt khám phá ý nghĩa cho cuộc đời của mình, còn mang tên là “thuyên giải”, theo lối nói của tâm lý đương đại. Ca dao tục ngữ Việt Nam có đưa ra nhận xét: “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”. Hẳn thực, xuyên qua lăng kính khổ đau, chúng ta chỉ ghi nhận những khía cạnh tiêu cực, bi quan, đen tối của cuộc đời. Đồng thời, chúng ta lãng quên hay là bỏ sót chiều hướng “muôn màu muôn sắc” của thực tại bao la trước mắt và chung quanh chúng ta. Giữa bão táp, chúng ta dễ quên rằng: “Hồn Đại Dương vẫn lặng”. Ngày sương mù,  phải chăng  “Lòng Trời Cao cứ tiếp tục nắng”?

Thứ ba là địa hạt xúc động và tình cảm. Đây là động cơ thúc đẩy con người đi ra, hoạt động, thể hiện những mộng mơ, hoài bão và chí hướng của mình. Khi khổ đau tràn ngập cuộc đời, chính những năng động nầy bị thương tổn trầm trọng. Ý chí hướng thượng, vươn lên bị bẻ gãy, tiêu diệt. Cho nên, thay vì hăng say, hứng khởi từng bước đi tới, một cách có hệ thống, trong mọi kế hoạch hoạt động…, chúng ta có thái độ “hẹn rày hẹn mai”, nằm chờ quả sung rơi vào miệng, hay là khấn vái thần phật “làm thay, làm thế” cho chúng ta. Khi khổ đau giăng lưới bủa vây và khống chế, chúng ta dễ có thái độ “nhắm mắt đưa chân”, lao mình vào công việc, một cách mù quáng, bốc đồng… thay vì khảo sát một cách khoa học từng bước cụ thể cần thực hiện mỗi ngày…

Thứ bốn là địa hạt tiếp xúc, trao đổi, hoạt động và tạo quan hệ. Trong cuộc sống làm,  người không ai là một cô đảo. Chúng ta cần kẻ khác, và kẻ khác cần chúng ta. Bản sắc làm người là biết khám phá, tôn trọng nhu cầu của mình và của kẻ khác, để có thể “vừa nhận vừa cho” trong một quan hệ đồng hành và chia sẻ, xây dựng và kiện toàn cho nhau. Dưới sức áp lực của khổ đau, chúng ta thường có thái độ hoàn toàn trái ngược: chúng ta biến thân thành con người sợ sệt đầy mình. Chúng ta mang nhiều mặc cảm tự ti hoặc tự tôn. Lúc bấy giờ, chúng ta gồng mình, muốn “hơn-thua” với ngưòi khác, trong môi trường gia đình, cũng như ngoài xã hội. Thay vì không ngừng thể hiện mục đích của cuộc đời là yêu thương, bình an, hạnh phúc và tha thứ, chúng ta lại ngụp lặn trong ý đồ tranh chấp và xung đột: muốn hạ bệ người nầy, tìm cách tâng bốc người kia…

Lối nhìn thứ hai: Khổ đau trong cuộc đời của Đức Kitô.

Suốt cuộc đời làm người, nhất là khi ở trên Thánh giá, Đức Kitô đã khổ đau VỚI chúng ta và NHƯ chúng ta. Ngài đã làm người thực sự và trọn vẹn, giống như mỗi người có mặt trong trời đất nầy.

Tuy nhiên, trong cách đón nhận khổ đau của Ngài, chúng ta cần ghi nhận những đặc điểm chính yếu sau đây:

1. - Sau khi Sống Lại, Ngài vẫn lưu giữ năm vết tích của khổ đau, trên thân xác của mình. Thêm vào đó, khi Ngài về Trời, ngự bên hữu Ngôi Cha,  năm vết tích khổ nạn ấy cũng vẫn đi theo Ngài.

2. - Suốt ba mươi năm làm người, Ngài đã có dịp chứng kiến những tình huống khổ đau nghiệt ngả xãy ra hai bên cạnh Ngài. Ngài đã thoa dịu, ủi an, nâng đỡ, thậm chí “làm phép lạ”, để chữa lành một số người mắc bệnh tật trầm trọng. Tuy nhiên, không một lần, Ngài tỏ ra ý định hủy diệt hay là loại trừ khổ đau, khỏi cuộc sống làm người của những ai TIN vào Ngài.

3. - Tại Vườn Cây Dầu, trước viễn ảnh của những khổ đau đang đợi chờ Ngài, Ngài đã run sợ, xao xuyến, muốn thoái thác…Tuy nhiên, sau khi ý thức về trách nhiệm mà Ngôi Cha đã giao phó cho Ngài, Ngài đã “đứng dậy, đi ra, nộp mình” cho những kẻ tìm cách sát hại Ngài.

4. - Theo lối nhìn thần học của Thánh Gioan, trong Phúc Am thứ tư, Đức Kitô đã can đảm đón nhận mọi khổ đau đang đến với Ngài, nhờ sức mạnh kỳ diệu của Chúa Thánh Thần luôn luôn có mặt trong Ngài.

 5. - Và trên Thánh giá, trước khi tắt thở, Đức Kitô đã trao ban Thánh Thần của Ngài, cho toàn thể nhân loại (Ga. 19, 30).

Từ giây phút ấy, tất cả những ai TIN vào Ngài, sẽ có khả năng chuyển hóa khổ đau thành con đường Sống lại, trở về Trời, tham dự chính cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cũng từ giây phút ấy, đối với những ai TIN vào Đức Kitô, khổ đau không còn là ngõ cụt. Không còn là nơi sa đọa và trầm luân. Không còn là ngục tù giam hãm và trừng phạt. Trái lại, khi chúng ta kết hợp khổ đau của mình với Thánh giá của Đức Kitô, chúng ta có khả năng tham dự vào Kế Hoạch Cứu độ của Thiên Chúa Ngôi Cha, nghĩa là chuyển hóa trời đất nầy thành TRỜI MỚI ĐẤT MỚI. Nói cách khác, chúng ta được Ngài gọi “trở nên cọng sự viên” đắc lực và cần thiết của Ngài, trong Kế Hoạch Cứu độ nhân trần.

 6. - Cũng trên Thánh giá, với sức mạnh và ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô đã thành tâm và khẩn khoản xin Ngôi Cha “THỨ THA” cho tất cả những ai sát hại Ngài. Sở dĩ họ làm những việc ấy, theo cách nhận thức của Đức Kitô, không phải vì họ “XẤU”, nhưng vì họ “thiếu hiểu biết” (Lc. 23, 34).

Trong tinh thần và lăng kính ấy, Thiên Chúa xuống thế làm người, trong chính Con Người của Đức Kitô, không phải dể hủy bỏ hoặc tiêu diệt khổ đau. Ngài cũng không làm thay làm thế chúng ta. Ngài chỉ ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. Nhờ đó, chính chúng ta có khả năng “LÀM LẠI” những gì Đức Kitô đã làm, nghĩa là chuyển biến khổ đau thành Con Đường Yêu Thương và Tha Thứ.

Lối nhìn thứ ba: Khổ đau trong cuộc đời của Mẹ Maria.

Trong lời chào hỏi của Bà Ê-li-sa-bét, Mẹ Maria là “người đã tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói” với Mẹ  (Lc. 1, 4).

Chính trong lối nhìn của Đức Kitô, Mẹ cũng là “người đã lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8, 21).

Khi nhắc lại những câu nói ấy, Thánh Luca muốn nhấn mạnh rằng: “Mẹ Maria là người Tín hữu đầu tiên đã biết chọn làm của mình cách thức đón nhận khổ đau của Đức Kitô”.

Mẹ đã can trường “đứng thẳng” dưới chân Thánh Giá của Đức Kitô.

Giữa lúc “lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn” của Mẹ (Lc. 2, 35), Mẹ vẫn thưa “Xin Vâng”. Mẹ luôn luôn là “người lắng nghe Lời Chúa”, nhất là Lời Thứ Tha và Khoan dung của Ngài trên Thánh Giá.

Trên mọi chặng đừờng leo lên ngọn đồi Gôn-gô-tha với Đức Kitô, Mẹ”luôn luôn tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần”. Tâm hồn Mẹ vẫn an bình, hạnh phúc, vì Mẹ ý thức một cách rõ rệt rằng Mẹ đang đóng góp phần nhân loại của mình vào Kế Hoạch Cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ CHO tất cả những gì Thiên Chúa đang XIN Mẹ.

Hẳn thực, khi biết đón nhận khổ đau, với một tâm hồn tràn đầy Yêu Thương như Mẹ, khổ đau không còn là khổ đau bế tắc và trầm luân, Trái lại, trong toàn diện cuộc đời của Mẹ, khổ đau trở thành “CHỨNG TƯ” của một tâm hồn biết tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.  

10. -Mẹ Maria: một Trái Tim chỉ biết yêu “vô điều kiện”. 

Lễ kính Trái Tim rất thánh của Đức Mẹ.

Ngày thứ 7 sau Chủ Nhật thứ 2 Hiện Xuống 

Mẹ Maria thường được gọi là “Bà Eva Mới”, trong các bài giảng của Thánh Gioan Da-ma-xê-nô [3]

Để tìm hiểu những đặc điểm nào làm nên “mai cốt cách, tuyết tinh thần” của Bà Eva Mới, chúng ta hãy bắt đầu lắng nghe Lời Chúa, trong sách Sáng Thế, đã nói về bà Eva Cũ, một cách cụ thể như sau:

“Con Rắn nói với người đàn bà: Có thật Thiên Chúa bảo, các ngươi không được ăn hết mọi trái cây không?

Người đàn bà nói với con rắn: Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được đụng tới, kẻo phải chết.

Rắn nói với ngưòi đàn bà: Chẳng chết chóc gì đâu. Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra. Và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác.

Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quí, vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, và đưa cho cả chồng đang ở đó với mình, ông cũng ăn.

Bấy giờ, mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng, họ mới kết lá và làm khố che thân” (St 3, 1-7).

Đằng sau những hình tượng đầy thi vị vừa được nêu ra trên đây, Kinh Thánh Cựu Ước trình bày một số đường nét chính yếu có mặt trong quan hệ giữaThiên Chúa và bà Eva Cũ:

- Thứ nhất, trong tâm tưởng của bà, Lời Chúa không phải là “khuôn vàng thước ngọc”, khả dĩ điều hướng mọi quyết định và chọn lựa của bà. Theo lối nói của tâm lý đương đại, Thiên Chúa không còn là “điểm qui chiếu” độc nhất vô nhị, trong mọi đường đi nẻo về của Eva. Con Rắn đã mon men lại gần, tiếp xúc và trao đổi. Nó tìm mọi cách tạo ảnh hưởng và gây nghi kỵ trong cõi lòng của người lắng nghe.

- Thứ hai, qua cách trao đổi và lối nhìn của Rắn, Lời Chúa không phải là Lời Yêu Thương, Soi sáng và Nâng đỡ. Lời Chúa không phải là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” cho những ai TIN vào Ngài. Trái lại, theo cách thuyên giải của Rắn, Thiên Chúa chỉ là người muốn lừa dối, lường gạt. Ngài lo sợ con người sẽ lấn chiếm quyền lực của mình, sau khi họ trở thành người “biết lành biết dữ” giống như Ngài.

- Thứ ba, khi đã lắng nghe và nhận làm của mình lời xuyên tạc của Rắn, bà Eva Cũ đã khai trừ và trục xuất Lời Chúa ra khỏi lòng mình. Và khi Lời Yêu Thương không còn có mặt trong tâm hồn và cuộc đời, con người chỉ biết tố cáo,  phê phán và sát hai lẫn nhau, giống như hùm beo muông sói cư xử, đối đãi với nhau, thể theo qui luật “mạnh được yếu thua”.

Nói tóm lại, vì nghe theo lời xuyên tạc của Rắn, bà Eva Cũ không còn nhận biết mình “chỉ là bùn đất”, trong lòng bàn tay của Thiên Chúa.

Ngược lại với Eva Cũ, Mẹ Maria là “Người lắng nghe và thực hiện Lời Chúa”.

Thay vì trục xuất và khai trừ Lời Chúa khỏi cuộc đời, Mẹ Maria đã cưu mang Ngài trong cung dạ của mình. Lời Chúa đã trở thành Con của Mẹ. Ngài là “Tất Cả”, đối với Mẹ.

Thay vì mang trong mình tinh thần đấu tranh, muốn “bình quyền” với Thiên Chúa, như trong cách sống của bà Eva Cũ, Mẹ Maria nhận biết mình chỉ là “tỳ nư” của Ngài.

Theo lối nói của tác giả A. de Mello, Mẹ Maria đến với Thiên Chúa “mà không có gì trong tay cả” [4]. Và vì “không có gì cả”, Mẹ có khả năng lãnh nhận Thiên Chúa làm “gia nghiệp”, trong suốt cuộc đời. Mẹ trở thành “Mẹ của Thiên Chúa”.

 

Lời kết thúc: Bốn con búp-bê…

Để kết thúc, tôi xin chia sẻ một câu chuyện. Hôm ấy, trong lúc soạn thảo nhữngbài suy niệm trên đây, tôi đã trải qua một giấc mơ êm dịu. Trước mặt tôi, từ trên cao rơi xuống bốn con búp bê hoàn toàn giống nhau, trong mọi chi tiết. Mỗi con đều có mũ đỏ, áo trắng, quần xanh, đôi dép màu vàng mặt trời. Bỗng có một tiếng nói từ trên vọng xuống:

“Này con, hãy phân biệt cho bằng được cái gì làm nên nét khác biệt cơ bản, giưã bốn con búp bê ở trước mặt con”.

Tôi có sáng kiến đi ra vườn, kiếm một cọng cỏ vưà dài, vưà dai, vưà dẻo. Rồi tôi đút cọng cỏ vào lỗ tai cuả con búp bê thứ nhất. Tôi nhích, nhích, và nhích… Cọng cỏ thoát ra khỏi lỗ tai phiá bên kia. Tôi cũng làm như thế với con búp bê thứ hai. Lần này cọng cỏ thoát ra khỏi lỗ miệng của nó. Với con thứ ba, cọng cỏ đi xuống quả tim, bị bế tắc và dừng lại ở đó. Với con sau cùng, tôi nhích lui nhích tới cọng cỏ, một cách rất tế vi và ý nhị. Tức thì, quả tim nó bắt đầu thổn thức, phập phồng. Tôi tiếp tục nhích thêm. Đôi mắt nó loé sáng, như hai đốm lưả. Tôi vẫn tiếp tục nhích cọng cỏ. Hai tay búp bê bắt đầu cử động. Đôi chân di chuyển về phiá trước. Con búp bê đứng dậy, bước tới. Nó Làm Người.

Nếu tôi được phép đem cọng cỏ nhích vào tai người Kitô-hữu đang lắng nghe Lời Chúa, họ sẽ đáp ứng làm sao… giống như con búp bê nào, trong bốn con trên đây?

Gs. Nguyễn văn Thành; Thụy sĩ

Tháng Mẹ, năm Thánh Thể 2005


[1] Từ Hi lạp Theotokos có nghĩa là tước hiệu Mẹ Thiên Chúa do Công Đồng Ê-phê-xô tuyên xưng vào năm 43, và Bài thơ của Thanh Nguyên mang tựa đề: “Ngày xưa có Me“, trong tập Tuyển Thơ của nhiều tác giả - Tủ sách Hoa Niên, Nhà Xuất Bản Đồng Nai 1996, tr 119-121.

[2] Tìm nghe CD : “Người Em Việt Nam“, thơ Nguyễn văn Thành, nhạc Nguyễn ngọc Hoan, Tp. HCM.

[3]  Jean DamasceneHomelies sur la Nativite et la Dormition - Paris, Cerf 1998.

[4] A.de MelloNhư tiếng chim caĐỗ Tấn Hưng dịch giả, tr. 105-6

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!