Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
LÃNH ĐẠO TRONG LÒNG QUÊ HƯƠNG

 

Thể theo lối nhìn của tác giả St.R. COVER (1),  lãnh đạo trong những điều kiện và nhu cầu sinh hoạt cuả mỗi người thuộc thời đại “Nghìn năm Thứ Ba”  không còn và không thể mang ý nghĩa “ Từ trên rót xuống” hay là “ Từ ngoài lèo lái, áp đặt, ức chế một cách đơn phương , độc tấu và độc lộ ”. 

Trong cụôc sống làm  người và thành người, để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo của mình một cách đúng đắn  và  hũu hiệu, mỗi người bắt đầu học tập và tôi luyện ba thái độ, hay là ba động tác cơ bản sau đây:

-        Thứ nhất, tôi khám phá bản sắc hay là con người đích thực và cao cả của tôi . 

-        Thứ hai,  tôi diễn tả, bộc lộ ra ngoài những giá trị làm người của tôi, qua lời ăn tiếng nói và nhũng quan hệ hai chiều qua lại,  giữa  tôi và người khác .

-        Thứ ba, tôi tìm mọi cách tạo điều kiện thuận lợi, tốt hảo, để mỗi người anh chị em hai bên cạnh cũng  có khả năng khám phá và diễn tả bản sắc sâu xa và chân chính của mình,  ngang hàng tôi, giống như tôi.

Nhằm triển khai lối nhìn “ Làm người và thành người ” vừa được đề xuất, bài chia sẻ này lần lượt giới thiệu hai phần: 

Trong phần Một, khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong bất cứ môi trường nào, tôi sáng  suốt ý thức và thực hiên bốn chiều kích làm người : THÂN, TRÍ, TÂM và ĐẠO. 

Trong phần Hai, bốn con yêu tinh ma quái sẽ xuất đầu lộ diện và ngự trị trong cõi lòng,  khi tôi  dồn nén , lãng quên hay là chà đạp  “Bốn tiếng nói làm người”,  trong mỗi quan hệ tiếp xúc và trao đổi với anh chị em đồng bào, đồng lọai.

                                            *** 

Phần một: Thân, Trí, Tâm và Đạo là bốn nhịp thở của một con người  ĐANG LÀM NGƯỜI 

Khi ý thức mình là “ Người đang thành và sẽ thành ”, tôi tù từ gọi ra ánh sáng và cố quyết thực hiện bốn chiều kích cơ bản, trong mỗi lối nhìn và quan hệ của tôi.

- Chiều kích thứ nhất là THÂN

Làm người, chúng ta có hai tay để làm, hai chân để đi, hai mắt để thấy, làn da để xúc cảm. Tuy nhiên, như Tổ Tiên, Cha Ông chúng ta đã và đang còn nhắn nhủ, dạy bảo : 

 “Một cây làm chẳng nên non ,

“ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao .”

Hẳn rằng, mỗi người chỉ là hạt nước  bé mọn trong lòng Quê hương, Ðất nước. Thế nhưng, nhờ quan hệ thân tình, mỗi hạt nước làm nên đại dương bao la hùng vĩ, bằng cách đóng góp phần mình, để bổ túc và kiện toàn những gì đang còn thiếu sót trong cơ cấu hiện tại của núi sông và cuộc  sống của anh chị em đồng bào.

Thay vì tố cáo, phê phán, chửi bới, đổ lỗi cho người khác, khi một thiếu sót hoặc lỗi lầm xuất hiện đó đây, chúng ta hãy thắp lên một ngọn đèn trong lòng cuộc đời.  Giữa đêm tối bão bùng đang đe dọa từng tấc đất, từng ngọn nước, từng mầm sống, chúng ta hãy kiên cường làm cây hải đăng cho người anh chị em hai bên cạnh mình. Khi có một vấn đề xuất hiện bất kể từ đâu… chúng ta có trách nhiệm sáng tạo câu trả lời. “Thắp lên một bó đuốc,thay vì nguyền rủa bóng đêm”.  

-  Chiều kích thứ hai là TRÍ.

Nhờ TRÍ ,chúng ta khám phá, tiên liệu, dự phóng một con đường, một hướng đi, một điểm  hẹn hò. Từ đó chúng ta cùng nhau chia sẽ một lối nhìn. Chúng ta cùng cưu mang và  đeo đuổi một số gía trị. Cùng nhau xác định ưu tiên số một là gì, điều nào là điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch hành động của chúng ta.

Nhờ TRÍ, chúng ta “Trăm người như một, một người như trăm”.  Cho nên, ai đau buồn mà lòng tôi không trăn trở? Ai đang ngủ đêm trên đường phố lạnh lẽo, mà lòng tôi không nhức nhối bồi hồi?

Nhờ TRÍ,     khi hai người họp lại với nhau, họ “tương sinh tương thành”.  Họ trở thành bốn con mắt để cùng nhìn. Bốn cánh tay để hợp tác với nhau, một cách hữu hiệu. Con tim của họ là nơi nương tựa an toàn, cho mỗi người anh chị em, nhất là những ai không có những cơ may và điều kiện thuận lợi như chúng ta, trong cuộc sống làm người .

-   Chiều kích thứ ba là TÂM

Đây là nơi xuất phát lòng hăng say, nhiệt tình, khả dĩ giúp chúng ta can trường bước tới, trên mỗi chặng  đường làm người. Can đảm vượt qua mọi trở ngại, thậm chí khi hai tay đã muốn buông xuôi tất cả…khi hai chân đã bắt đầu  rã rời và mệt mỏi (2) .

Nhờ có Tâm đập nhịp trong từng huyết quản, chúng ta có khả năng khẳng định bản sắc làm ngừoi của mình :

“Con là ai ? Hat bụi giữa đất trời vũ tru.

                    “ Nhưng đời con gây động chuyển hằng ngàn tinh tú.

                    “Con ra đi, mở rộng nhiều chân trời Tình Bạn.

                    “Con mang về Hạnh Phúc tròn đầy  và viên mãn”. (3)

Nhờ có TÂM - là đền tháp Cổ Loa, là ngôi nhà Tình thương – đang là trung tâm và trọng tâm của bản thân và cuộc đời, chúng ta có khả năng nuôi sống mọi người lại gần chúng ta . Nhờ sự có mặt của chúng ta,  người tuyệt vọng tìm ra con đường hy vọng . Bằng cách này hay cách khác, chúng ta là Bồ Tát Trì Địa đi nối lại những chiếc cầu hư, đắp lại nhũng con đoạn bị cắt đứt, trên mỗi con đường của cả ba miền đất nước. Chúng ta là Bồ Tát Thường Bất Kinh, ngày ngày đi rỉ tai cho mỗi anh chị em  đồng bào :

“ Bạn có khả năng . Bạn được yêu . Bạn là người có gía trị nội tại. Hãy hiên ngang d?ng thẳng va bước tới. Đem niềm Tin Yêu cho mọi người, không loại trừ một ai, không phân chia bên này và bên kia ”.

- Chiều kích thứ bốn là ĐẠO 

 Đây là con đường làm người. Người đích thực và trọn vẹn. Người toàn bích và toàn   diện.

Mỗi ngày tôi cố quyết hiên ngang dấn bước trên con đường này. Đi là điều quan trọng và tôi không cần biết khi nào tôi đến nơi. Đàng sau đỉnh núi này, tôi sẽ khám phá nhiều đỉnh núi khác trùng trùng, điệp, điệp hùng vĩ hơn, cao cả hơn, diệu vợi hơn…

Tôi coi trọng con đường của bản thân tôi. Nhưng đồng thời tôi cũng đánh gía cao con đường làm người của các người bạn đồng hành. Trong lối nhìn của tôi, không có hai loại người : một bên là siêu nhân, ở trên . Bên kia là hạ nhân, làm bệ gác chân cho người khác. Không có một loại người sinh ra, để làm ông chủ. Và những người khác, chỉ làm đồ vật, đồ dùng. Đó không phải chỉ là lời tuyên xưng Đức Tin ở đầu môi chót lưỡi mà thôi. Nhưng đó là hơi thở, là sự sống sôi động và trào dâng, trong từng hạt máu và thớ thịt của tôi.

ĐẠO được tôi khẳng định như vậy  là kim chỉ nam soi đường chỉ lối cho tôi trong suốt cuộc đời. Nhờ đó, tôi biết phải làm những gì là Đạo Làm người và từ chối, xa lánh những gì là vô   Đạo, như ức hiếp, chà đạp, lạm dụng người anh chị em đồng bào và đồng loại . 

 *****

Phần hai: Bốn con Yêu Tinh Ma quái trong lòng cuộc đời .

Khi không tôn trọng và phát huy THÂN trong cuộc đời, chúng ta sẽ kéo lê một cuộc sống vô tình.

Thay vì yêu thương, đùm bọc, chia sẽ  và đồng hành, để cùng nhau hợp tác, tương sinh tương thành, chúng ta đang biến thân thành “ Gà một nhà bôi mặt đá nhau ”, như hai con yêu tinh  SƠN và THỦY đã cư xử và đãi ngộ với nhau, trên từng tấc  đất của Quê Hương, trên suốt chặng đường “Bốn nghìn năm văn hiến”. Thay vì đòan kết, hợp tác, phát huy quan hệ thân tình, hai anh em ruột thịt, đồng bào đã lôi cuốn nhau đi vào vòng luân hồi xung đột, hận thù, bạo động, tàn diệt lẫn nhau, từ đời này qua đời khác. Ở bên dưới những tình huống tranh chấp ngàn đời ấy, chính tư duy Nhị Nguyên đang lèo lái và khống chế tâm hồn của mỗi người, như :

            -     Tao hơn, Mày thua.

            -     Tao đúng, Mày sai.

            -     Tao tốt, Mày xấu.

            -     Tao có khả năng, Mày bất tài, bất tướng.

Rốt  cuộc, tên giặc đang làm băng hoại Quê Hương và Nước Non, không đến từ phương Bắc, phương Đông hoặc phương Tây. Nó đang đóng sào huyệt giữa cõi lòng của chúng ta. Chính ngày hôm nay, chúng ta phản bội và làm ô nhiễm dòng máu Lạc Hồng, đang luân chuyển trong từng huyết mạch của chính mình.

Con Yêu  Tinh thứ hai đang khống chế và làm tê liệt TRÍ của chúng ta . Đó là con Mộc Tinh, một cây “Chiên Đàn” mất gốc, mất ngọn, mất lá, mất cành, mất hoa, mất trái.

Thay vì đâm rễ sâu vào lòng đất văn hóa của Con Hồng Cháu Lạc, đầy bao dung, thứ tha, đồng hành và đồng cảm… chúng ta đua đòi văn minh  “ Đại Công Nghiệp ” của Nga và Trung Quốc, của Pháp và của Mỹ. Con người với những gía trị bao la của Lạc Long Quân và siêu việt của Bà Âu Cơ, đã thoái hóa làm đồ vật, công cụ, phương tiện. Người anh chị em đồng bào bị chính bàn tay và khối óc chúng ta bóc lột, đàn áp, lạm dụng đến tận xương tuỷ. Chúng ta xây lên những kinh thành nguy nga, tráng lệ để phục vụ ai ? Những toà nhà “Cao ốc”  chọc trời…đang che lấp ánh sáng và hơi ấm, đồng thời dồn ép đại đa số anh chị em đồng bào vào nhũng ngục tù nghèo đói. Không có công ăn vịêc  làm, không còn có một mái nha, để trở về nghỉ ngơi và qua đêm, cùng với vợ chồng con cái.

Những Đại Học Kỹ Thuật và Khoa Học đang từ từ mọc lên trên những thành phố lớn của Ðất Nứơc, những Trường Cao Đẳng Sinh Ngữ có mặt khắp nơi… Có ai đang nhận thức một cách đúng đắn và nghiêm chỉnh : Đó  là cửa ngỏ để chất xám của Đất Nước thoát ra ngoài và trở về nay mai, như một đạo quân Thực dân kiểu mới, biến Quê Hương thành một thuộc địa mới, mang tên là Siêu Quốc Gia.

Nói một cách vắn gọn, chúng ta đang biến thân thành những Mộc Tinh  lang thang, phiêu bạt, “mất gốc, mất trời, mất nước, mất non…” Chúng ta đang đe dọa anh chị em của chúng ta, để họ sụp lạy một cách “mê tín ,dị đoan”, dâng cúng cho chúng ta hương đèn, hoa trái … trên nhũng con đường hoang vắng của Quê Hương.

Rốt cuộc, Đất Nước không còn là nơi hội ngộ: Có mặt với nhau, ngồi lại với nhau, nhìn nhận nhau, lắng nghe nhau, tôn trọng nhau. Cùng nhau chia sẽ một lối nhìn. Cùng nhau chuyển   biến một số giá trị thành hiện thực, để phục vụ anh chị em đồng bào. Trong lòng quê hương, phải chăng chúng ta còn có khả năng vận dụng TRÍ, để trở thành những con người đích thực và toàn diện, vừa có Lý vừa có Tình, vừa có THÂN và  vừa có TÂM .

Con Yêu Tinh thứ ba đang là mối  đe dọa trầm trọng, đánh mất TÂM của chúng ta . Đó là con Ngư Tinh đang nuốt sống những ai đang qua lại, sinh hoạt, trên những con nước và dòng sông của Quê Hương . Ngư có nghĩa là Cá. Nước là hình tượng của đời sống xúc động và tình cảm. Cá là lương thực chính yếu của người bình dân, cùng với cơm gạo và rau cỏ. Thay vì nuôi sống anh chị em đồng hương, đồng bào, với thái độ gieo rắc niềm Tin, tinh thần Tự Lực , Tự Cường, với những quan hệ đặt nền tảng trên yêu thương, nhìn nhận, lắng nghe và hiểu biết… chúng ta có xu thế đầu độc và làm ô nhiễm môi trường sinh hoạt của mọi người. Chúng ta ù lì, bất động, hẹn rày hẹn mai. Chúng ta nói nhiều, đưa ra những chương trình to tát, đồ sộ. Nhưng chúng ta không bao giờ bắt tay vào việc . Chúng ta hô hào công bình và bác ái. Nhưng chúng ta khuôn mình, bít kín trong những biệt  thự giàu sang . Bao quanh chúng ta là đại dương nghèo đói, cơ hàn.

Nói tóm lại, con Ngư Tinh vô TÂM, Vô Cảm, đang làm tê liệt toàn thể cuộc đời . Cho nên có mắt, tôi vẫn không thấy người anh chị em rách nát, đói khổ. Có tai, tôi vẫn không nghe tiếng kêu thét gào của bao nhiêu trẻ em bất hạnh. Con tim của tôi đang đập nhịp, nhưng đó không phải là nơi nương tựa, mở cửa đón nhận anh chị em đồng bào.

 Sau cùng con Yêu Tinh thứ tư là Hồ Tinh. Từ những hang động tăm tối ở giữa rừng sâu, nó tàng hình, len lỏi, đi ra giữa các xóm làng, bắt cóc phụ nữ và trẻ em, đem về hà hiếp, thoả mãn thú tính của mình.

 Khi bị Hồ Tinh khống chế, chúng ta đối xử tàn tệ anh chị em xa gần của chúng ta. Họ không còn có phẩm chất và giá trị làm người trong lối nhìn của chúng ta . Họ đã trở thành “đồ hàng hoá trong muôn ngàn đồ hàng hóa, một loại người mất “Tính Người”. Và khi đãi ngộ người anh chị em như một đồ vật, tôi cũng thoái hoá, trở thành vong thân, vong bản. Hoà bình có nghĩa là gì , khi tôi dùng bom đạn để thiết  lập hoà bình?  Nhân nghĩa là gì, khi quân Minh xua quân tràn  vào đất nước Vạn Xuân để hô hào, rao giảng về Nhân nghĩa đại đồng và vô biên cương?

 *****

 

Để đối phó với Mộc Tinh mất gốc mất rể, Nguyễn Trãi đã đi lại con đường của Tổ Tiên:

“Mở rộng cửa Nhân mời khách đến,

“Vun trồng cây Đức nuôi con ăn .”

Để hoá giải con Ngư Tinh, Lạc Long Quân đã dạy con cái “xâm mình” hoá thành Cá, để nuôi sống anh chị em đồng bào. Thêm vào đó, Ngài đã dùng một quả tim nặng như chì, đỏ cháy như lữa, mới có thể xua đuổi con Ngư Tinh ra khỏi tâm hồn của chúng ta.

Để đối phó với Hồ Tinh, Lạc Long Quân đã sử dụng chiêng trống, nhạc cụ, gọi Tổ Tiên trở về, như chúng ta thường làm trong ngày kỵ giổ. Hẳn thực nếu mỗi người nhớ lại họ đang mang trong mình hai giòng máu của Trời và của Biển, hiểm hoạ Hồ Tinh sẽ biến tan thành mây khói.

Sau cùng, đối với cuộc tranh chấp sống mái một mất một còn giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, thi sĩ Tản Đà đã kêu mời chúng ta:

“Nước non nặng một lòi Thề,

“Nước đi đi mãi, nước về cùng non .”

Chúng ta hãy sáng suốt, thức tĩnh, lắng nghe các bậc Tổ Tiên, qua các thời đại, từ  Hồng Bàng cho đến ngày hôm nay, đang ngày ngày nhắn nhủ chúng ta:

   “Con thân thương, hỡi con cháu Lạc Hồng,

   “Hãy đứng thẳng cho lòng người cường tráng,

   “Giờ truân chiên, nở nụ cười tỏa rạng,

   “Đường con đi, HY VỌNG ở đáy lòng.

   “Quên sau được bàn tay con huyền nhiệm:

   “Tay Bà Trưng, Bà Triệu cứu Non Sông,

   “Tay oanh liệt của cháu chắt Vua Hùng,

   “Mang dòng máu Rồng Tiên trong huyết quản”.

 Hà Nội, Hè 2006                             

 

Bí chú:

(1)     COVEY steph.R – The 8 th Habit- Simon  & Cluster,  London 2004, 410tr.

(2)     NGUYỄN văn Thành – Trẻ em tự kỷ - Hè 2005.

(3)     NGUYỄN văn Thành – Huyền sử Việt Nam - T. Người,2004.

(4)    NGUYỄN văn Thành – Nguy cơ Tự Kỷ - Hè 2006.

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!