Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
ĐỨC MẸ HIỆN RA Ở FATIMA

  

Mỗi lần Mẹ Maria hiện ra, ở Fatima cũng như ở các nơi khác, Mẹ thường nhắc lui nhắc tới cho các tín hữu:

 

“Chúng con hãy cầu nguyện”.

 

Cầu nguyện là nơi Hẹn Hò giữa Thiên Chúa và con người. Giữa hai người chọn lựa nhau.

 

Suốt thời gian còn sống ở trần thế, Mẹ đã cầu nguyện một cách liên tục. Kinh Thánh Tân Ươc đã trao lại cho chúng ta một vài kỷ niệm. Đó là những biến cố khách quan, tuy vắn gọn, nhưng mang đầy ý nghĩa, khả dĩ sáng soi và hướng dẫn cuộc đời Đức Tin của chúng ta.

 

                                         ***

 

 Khi sứ thần Ga-pri-en báo tin: Mẹ sẽ mang thai Con của Đấng Tối Cao, Mẹ đưa ra câu hỏi:

 

“Việc ấy xãy ra bằng CÁCH NÀO, vì tôi không biết việc vợ chồng?” (Lc. 1, 34).

 

Trong những thắc mắc thường xãy ra hằng ngày, khi đặt lên câu hỏi “Có-Không”, như trong trường hợp của ông Da-ca-ria, cha của Thánh Gioang Tẩy giả,  (Lc. 1, 18), chúng ta diễn tả lòng nghi nan về Tình yêu và Quyền năng của Thiên Chúa. Ngài trở thành “một vấn đề”, trong tâm tư và lối suy nghĩ của chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, Ngài bị chúng ta giản lược thành một bài tính đố, một vấn nạn gây ra những rắc rối, khó khăn cho sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn, khi chứng kiến tận mắt cảnh tượng người Đức quốc xã tàn sát anh chị em đồng bào của mình, bằng lò hơi ngạt, trong các trại tập trung, văn hào E. Wiesel đã bùng nổ, nổi loạn với Thiên Chúa. Ngài có thực sự hiện hữu hay không? Tại sao Ngài có thể cho phép xãy ra những tai họa, hoạn nạn như vậy? Phải chăng Quyền năng và lòng Yêu thương mà người ta gán ghép cho Ngài, CHỈ là những đề tài tuyên truyền láo khoét?

 

Đối với Trinh Nữ Maria, trái lại, Thiên Chúa không phải là một thắc mắc, một vấn đề, một đối tượng tư duy xa xôi, mơ hồ, lý thuyết…Trong con mắt Đức Tin của Mẹ, Thiên Chúa là NGƯỜI CHA, một Ngôi vị, đầy lòng Nhân từ và Ưu ái, đang ngày ngày kết dệt với con cái của Ngài những quan hệ gắn bó và thiết thân, xuyên qua những hành vi cụ thể và khách quan, bên ngoài. Thiên Chúa CÓ MẶT trong từng nỗi niềm ưu tư và trăn trở của Mẹ. Ngài CÓ MẶT trong từng biến cố đang xãy ra trong đời Mẹ, hay là trong môi trường sinh hoạt chung quanh. Mỗi sợi tóc trên đầu rơi rụng xuống đều nằm trong Kế HoạchYêu thương và Cứu độ, mà Ngài ấp ủ từ muôn đời, trước khi chưa có Trời Đất, Vũ trụ:

 

« Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

« Biết bao điều cao cả,

« Danh Người thật chí thánh, chí tôn.

 (…)

« Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

« Người nâng cao mọi kẻ khiêm hèn.

« Từ đời nọ đến đời kia,

« Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

« Kẻ đói khát, Chúa ban đầy của cải,

« Ai giàu sang, Người để về tay không  (Lc. 1, 45-55 »).

 

                                        ***

 

Khi lắng nghe Mẹ cầu nguyện, chúng ta có thể khám phá ít nhất ba chiều kích chủ yếu, trong mọi sinh hoạt nội tâm của Me:

 

·   Thứ nhất, Mẹ nhớ lại những kỳ công trọng đại, Thiên Chúa đã thực hiện trong quá khứ. Từ đó, Mẹ cất lời “Tạ ơn, Ngợi khen và Chúc tụng”.

 

·   Thứ hai, Mẹ mở măt, mở lòng phát hiện Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, thậm chí những chấm, những phết có liên hệ đến Kế Hoạch Yêu thương và Thứ tha của Ngài. Từ đó, Mẹ mở lòng đón nhận Lời Chúa với hai tiếng “XIN VÂNG” dấn thân và hợp tác vô điều kiện.

 

·   Thứ ba, nhiều “CÁCH LÀM” của Thiên Chúa vượt ra ngoài giới hạn hiểu biết và cách tổ chức tâm lý bình thường của con người. Trong những điều kiện như vậy, Mẹ “ghi lòng tạc da” (Lc 2, 51). Mẹ chiêm niệm, suy ngắm. Như mãnh đất khô hạn chờ mưa sương, Mẹ đơn sơ, khiêm hạ đặt ra câu hỏi: “Việc ấy xãy ra bằng cách nào?”. Và đúng như lời chỉ dẫn của Thiên sứ Ga-pri-en, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ. Mẹ “tràn đầy và thấm nhuần” Anh Sáng và Sức Mạnh của Ngài. Nhờ đó, mắt Mẹ “thấy được những điều vô hình”. Chân Mẹ có khả năng bước tới, sẵn sàng “đồng hành và chia sẻ với Thiên Chúa”. Mẹ “CHO” tất cả những gì Thiên Chúa “XIN”. Trong điều kiện còn “tranh tối tranh sáng” của Đức Tin, Mẹ chấp nhận làm “SỐ KHÔNG TUYỆT ĐỐI”, để Thiên Chúa có khả năng đổ tràn đầy ân phúc vào tâm hồn và cuộc đời của Mẹ.

 

Nói tóm lại,

  

- Nhờ đời sống cầu nguyện, Mẹ đã có khả năng tin những điều vượt quá lòng tin của con người bình thường.

  

- Nhờ đời sống cầu nguyện, Mẹ đã có khả năng hy vọng những gì vượt quá tầm hy vọng của con người.

  

- Nhờ đời sống cầu nguyện, Mẹ đã trở thành ĐỀN THỜ của Thiên Chúa. Mẹ cưu mang và nuôi nấng Đấng “Thiên Chúa ở cùng nhân loại”, với hai bàn tay cần cù lao động của mình.

  

- Trong lời cầu nguyện của Mẹ, hai tiếng “XIN VÂNG” gói ghém trọn vẹn tất cả tâm hồn hiến dâng của “Người Con Gái Xion”:

                                            

*** 

 

« Con về nương tựa Chúa Thánh Thần. Ngài đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

 

« Con về nương tựa Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài là Đường,  Sự Thật và Sự Sống, trong từng hơi thở của con.

 

« Con về nương tựa Thiên Chúa Ngôi Cha. Ngài là Nguồn Gốc độc nhất ban phát Hồng Ân Cứu Độ cho mọi người sinh ra ở trên trần thế nầy ».

                                             

 

NGUYỄN Văn Thành

 

Tháng Mẹ 2005   Lausanne,Thụy Sĩ

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!