Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
« CÁI THUỞ BAN ĐẦU LƯU LUYẾN ẤY »

 

(Bài học của thai nhi trong lòng Mẹ)  

Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy, mà tôi muốn đề cập trong bài chia sẻ nấy, là cuộc sống của thai nhi trong lòng Mẹ. Phải chăng đây là khởi điểm và đồng thời cũng là nguồn gốc của bao nhiêu ưu tư và hy vọng, trong cuộc sống “Làm Người” của chúng ta?

Một cách đặc biệt, tôi muốn tìm lại “những viên sỏi trắng” mà thai nhi đã để lại, trên những bước đường đã đi qua của mình, cơ hồ cậu bé tí hon (le petit poucet) của Alphonse DAUDET, khi bị cha mẹ bỏ rơi giữa khu rừng hoang vu và hẻo lánh, vì phương tiện nuôi con đã bị bế tắc và cạn kiệt.

Phải chăng những viên sỏi trắng nầy, nếu chúng ta biết mở mắt tìm kiếm trên mỗi bước đường hiện tại. cũng có thể dẫn đưa chúng ta “trở về nhà”? Lúc bấy giờ, chính chúng ta đứng lên, xây dựng lại “tổ ấm hạnh phúc” cho cha mẹ và cho chính mình, với một đôi cọng rau và hoa trái nhỏ mọn, mà chúng ta có thể lượm nhặt, với hai bàn tay cần cù và lao động của mình.

Hạnh phúc đâu phải làm bằng những kho vàng bất tận, nhưng hạnh phúc có thể xuất phát từ những củ khoai củ chuối, mà chúng ta chia sẽ với nhau, một cách chân tình, trong những ngày đói rách, lụt lội, hoạn nạn và lầm than.

Nhằm trình bày con đường hạnh phúc nầy, trong phần thứ nhất, với tác giả người Anh Douglas M. ARONE, tôi trở về với hai chu kỳ sinh hoạt và phát triển của con người, khi còn là một thai nhi, trong tử cung của bà mẹ.

Trong phần thứ hai, tôi lắng nghe và đảm nhận làm sở hữu của mình sứ điệp “không lời”, mà tôi đã ngày ngày tiếp thu, khi còn là  một thai nhi trong cung lòng của Mẹ. Và hiện bây giờ, bao nhiêu thai nhi khác vẫn đang còn tiếp tục làm chúng nhân vế sứ điệp ấy, mà chính tôi đã lảng quên hay là khinh thường. 

1.- Hai chu kỳ sinh hoạt của thai nhi trong lòng Mẹ

Con người, khi còn là thai nhi trong tử cung của Mẹ, ngày ngày trải qua hai chu kỳ sinh hoạt và phát triển nối tiếp nhau. Chu kỳ thứ nhất mang tên là chu kỳ lo sợ và hãi hùng. Chu kỳ nầy bắt đầu xuất hiện khi người Mẹ lên giường, chờ giấc ngủ, sau một ngày bận rộn, lên đồng cạn xuống đồng sâu. Càng đi vào giấc ngủ, người Mẹ càng bất động. Càng bất động và lặng im, người Mẹ càng trở nên một nỗi lo âu trầm trọng, cho thai nhi, trên đường phát triển, với một hệ thần kinh não bộ đang từ từ thành hình, nhưng chưa hoàn tất một cách trọn vẹn.

Chu kỳ sinh hoạt và phát triển thứ hai của thai nhi mang tên là Hân hoan, Vui thích và Sảng khoái. Chu kỳ nầy xuất hiện, khi người Mẹ thức dậy, bắt tay vào những công việc thường nhật. Nói một cách vắn gọn, khi người Mẹ bất động, thai nhi đi vào một chu kỳ hoạt động và phát triển tối đa. Ngược lại, khi người Mẹ vận động, di chuyển lui tới vì công việc làm ăn hằng ngày, thai nhi bước vào một chu kỳ thư giản, bình lặng và ngủ nghỉ.

Ngày nay, với những dụng cụ quan sát rất tối tân, như tia lazer, điện não đồ, những tiếng dội khác nhau trong các tầng lớp cơ quan, với các loại tế bào mang nhiều chức năng muôn hình vạn trạng… các nhà nghiên cứu có tầm cở quốc tế như Douglas M. ARONE, có thể khẳng định một cách khoa học về sự có mặt của hai chu kỳ được nói tới trên đây. Với những chuyên môn và kinh nghiệm, họ có thể đọc được những loại xúc động khác nhau, tích cực hoặc tiêu cực, đang xuất hiện trong não bộ tầng thứ hai, mang tên là Hệ Viền (The Limbic trong tiếng Anh).

Hẳn thực, Hệ Thần Kinh trung ương Não Bộ ( Cortex) gồm có ba tầng khác nhau. Tầng thứ nhất là Thân Não (Brainstem) và Tiểu Não (Cerebellum), đặc trách về các phản xạ.

Tầng thứ hai là Hệ Viền (Limbic), đặc trách về các sinh hoạt của xúc động.

Tầng thứ ba là Tân Vỏ Não (Neocortex), đặc trách về Tư duy. Tầng nầy, trong hai tam cá nguyệt đầu tiên của thai nhi, như tôi đã đưa ra nhận xét, đang ở trong giai đọan thành hình và phát triển, chưa thể hoạt động, giống như hai tầng kia.

Một cách đặc biệt, trong đời sống của thai nhi, Hệ Viền với ba cấu trúc khác nhau, đang điều động và tổ chức mọi sinh hoạt: 

-         Cấu trúc Đồi Thị (Thalamus) là Trung Tâm có phần vụ tiếp nhận mọi tin tức do các vùng ngoại vi và nội thân gửi về. Sau đó, mỗi tin tức được phân phối cho các cơ quan liên hệ.

-        Cấu trúc Hạnh Nhân (Amygdala) là Trung Tâm đặc trách về các sinh hoạt xúc động. Khi động khởi những xúc động quan trọng và khẩn trương, cấu trúc nầy, có khả năng phong tỏa mọi hoạt động của các cơ quan khác, nếu cần. Đồng thời cấu trúc nầy tiết ra trong đường máu những hóa chất như dopamine, adrenaline, nhằm nâng cao mức độ tỉnh thức và canh phòng của các cơ quan liên hệ, chẳng hạn phong tỏa tri nhớ ngắn hạn, thuộc Cấu Trúc Hải Mã, nằm bên cạnh.

-        Cấu trúc Hải Mã (Hippocampus) là Trung Tâm của Trí nhớ, có phần vụ tàng trử mọi tin tức đã biến thành những hoài niệm mới và cũ. 

*****

Trở lại với hai chu kỳ sinh hoạt và phát triển khác nhau của thai nhi, nhất là trong những giai đoạn thuộc tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, chúng ta cần ghi nhận những trọng điểm sau đây:

   1.- Khi ở trong chu kỳ lo sợ và kinh hoàng, thai nhi KHÔNG ghi nhớ những gì đã xảy ra trong chu kỳ vui thích, sung sướng và hứng khởi. Trái lại, từ khi bước vào chu kỳ thứ hai, thai nhi hoàn toàn sống trong giây phút hiện tại, hưởng nhận hạnh phúc và an bình một cách toàn mãn, không một chút gợi sóng còn sót lại của chu kỳ lo hãi, kinh hoàng, giao động…

   2.- Sở dĩ thai nhi có khả năng sống hoàn toàn hết mình, trong giây phút hiện tại như vậy, là vì theo định luật của Thiên Nhiên, Cấu Trúc Hải Mã đang làm công việc “phong tỏa trí nhớ ngắn hạn”.

   3.- Trong suốt chu kỳ thứ nhất, đối tượng sợ hãi, lo âu và kinh hoàng của thai nhi là BÀ MẸ. Mẹ bất động, mẹ im lìm. Cho nên thai nhi có phản ứng xúc động là làm mọi điều có thể làm được, để họa may có một vài tin tức về Mẹ. Hai tay cào cấu vào thành tử cung của mẹ. Hai chân đá chọi lui tới nhiều lần, nhằm đánh thức mẹ dậy. Sau khi đã mỏi mệt, kiệt quệ, thai nhi áp vành tai lại gần tử cung của mẹ, để nghe ngóng, khám phá một vài nhịp tim rất yếu ớt. Giữa đêm thâu thanh vắng, một đôi tiếng động nhẹ đã là một tin vui, một điềm lành về sinh mệnh của mẹ.

   4.- Điều tạo nên khổ đau và kinh hoàng lớn lao nhất cho thai nhi trong chu kỳ thứ nhất là môi trường chật hẹp, thiếu không khí của tử cung, nhất là ở vị trí nằm. Cho nên trong khi ngột thở, thai nhi có phản ứng tự động là bú mút những ngón tay của mình. Nhờ vậy thai nhi cảm thấy được yên nguôi một phần nào.

   5.- Tất cả những hành động mà thai nhi đã thực hiện, như tôi vừa mô tả trên đây, về lâu về dài, trong thời gian 9 tháng, đã giúp cho thai nhi được phát triển, trên bốn bình diện khác nhau:

·       Về mặt giác quan, thai nhi đa phát triển khả năng vận chuyển, khả năng bú mút, khả năng tiếp nhận âm thanh, khả năng cào cấu, đá chọi…Nhờ vậy, thai nhi đã chuẩn bị cho mình ngày đi ra khỏi tử cung của bà mẹ.

·       Về mặt xúc động và quan hệ, thai nhi đã gắn chặt sinh mệnh của mình vào sinh mệnh của mẹ. Thai nhi đã có những phản ứng xúc động “nghĩ đến mẹ” và “lo cho mẹ”…

·       Về mặt thần kinh não bộ, bao nhiêu kinh nghiệm lo buồn, sợ hãi, giao động, băn khoăn… đều được ghi nhận trong mỗi tế bào thần kinh, như những chương trình trong chiếc máy vi tính. Thiếu những chương trình được ghi nhận nầy, làm sao, sau khi ra đời, hài nhi dấn bước vào con đường tư duy, sáng tạo…

·       Trong chu kỳ vui thích và sảng khoái, hài nhi cũng phát triển, nhờ vào những kinh nghiệm đu đưa qua lại, nhún lên nhún xuống, mỗi lần mẹ di động trong các sinh hoạt hằng ngày của mình. Kinh nghiệm lớn lao hơn hết mọi kinh nghiệm của thai nhi, trong chu kỳ nầy là “mình được yêu thương bao bọc nâng đỡ”, trên mỗi bước đường xuôi ngược . Nhờ có mẹ, thai nhi cảm nghiệm được một cách cụ thể, trong từng hơi thở và thớ thịt của mình, thế nào là Hạnh Phúc, không có một ánh mây đen đe dọa, trong lòng cuộc đời. Sau nầy, khi đã ra khỏi lòng mẹ, mỗi lần bú mút nầm vú của mẹ, mỗi lần được mẹ đu đưa, ru ngủ, với những tiếng hò, tiếng hát Ca Dao…mỗi lần được mẹ cầm tay, chạy tung tưởi qua các ngọn đồi và cánh đồng bất tận, phải chăng đó là Thiên đàng, Niết bàn, Cõi Bồng lai đang ngày ngày trở về? 

2.- Sứ điệp “không lời” mà chúng ta đã ghi nhận khi còn là thai nhi

Trong lòng Mẹ, chúng ta đã ngày ngày trải nghiệm hai chu kỳ tiếp nối nhau: Chu kỳ khổ đau vì lo sợ về tính mạng Mẹ, và chu kỳ Hạnh Phúc vì được Mẹ  mang mình đi theo, khi lên đồng cạn xuông đồng sâu.

Theo cảm nhận của tôi  -   đời sống của thai nhi, mà tôi đã kinh qua một ngày nào, trong “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, và hôm nay tôi còn chứng nghiệm, khi tiếp cận một bà mẹ mang thai  - đời sống của thai nhi là một SỨ ĐIỆP không lời, đang ngày ngày nhắn nhủ tôi:

Từ ngày bắt đầu cuộc đời trong lòng mẹ, đến ngày trở về trong Lòng Đất, Hạnh Phúc và Khổ Đau luôn luôn có mặt, và nối tiếp với nhau. Bất kỳ cuộc đời nào, của bất cứ mỗi ai, luôn luôn có lúc đi lên, và đồng thời cũng luôn luôn có lúc phải đi xuống.

Thế nhưng, theo Sứ Điệp không lời của thai nhi, Khổ Đau không còn là khổ đau cằn cỗi và tê liệt, khi trong khổ đau, chúng ta hướng mình đến một người khác, đang tham dự cuộc sống làm người với chúng ta. Khổ đau lúc bấy giờ sẽ mang đến cho chúng ta những bài học phát triển, vươn lên và làm người. Trong địa hạt Hạnh Phúc cũng vậy, chúng ta chỉ hưởng nhận Hạnh Phúc thực sự và trọn vẹn, khi chúng ta biết chia sẽ hạnh phúc ấy với một Người vừa làm cha mẹ, vừa làm anh chị em, vừa làm con cái của chúng ta, trên một bình diện nào đó. 

*****

Để tóm lược một cách vắn gọn, trong đời sống Đức Tin vào Đức Kitô, tôi cũng cần biết Đi Lên với Ngài. Nhưng đồng thời, tôi cũng cần cản đảm Đi Xuống Núi với Ngài.

Một cách đặc biệt, trong thời gian hồng ân Mùa Chay, tôi cùng với Đức Kitô, tiến lên Giêrusalen với Ngài, chịu đóng đinh và chết hẩm hiu như Ngài trên Thánh Giá. Nhưng sau ba ngày, tôi chắc chắn sẽ SỐNG LẠI như Ngài, với Ngài và nhờ Ngài, trong Vinh Quang của Thiên Chúa Ngôi Cha.

Lausanne, Mùa Chay 17 -3- 2006

NGUYỄN văn Thành

  

Sách tham khảo:

1.- Daniel Goleman – L’Intelligence émotionnelle – 2 tomes 1997, 1999, Robert Laffont Paris.

2.- Joseph Ledoux – The Emotional Brain – Simon&Schuster, New York 1996.

3.- Antonio R. Damasio – L’erreur de Descartes – O. Jacob, Paris 1995.

4.- Douglas M. Arone – The Theorem – O Book Winchester UK, 2005.

5.- Marie Thirion – Les compétences du nouveau-né – Ed. Ramsay 1986. Albin Michel 1994.

 

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!