Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
BỐN BƯỚC ĐI TỚI TRONG MỖI QUAN HỆ TIẾP XÚC VÀ TRAO ĐỔI

 

Trong bài chia sẻ nầy, tôi xin mạo muội giới thiệu bốn bước cần thực hiện, mỗi lần chúng ta thiết lập những quan hệ xây dựng và hài hòa với người khác, bất kể họ là ai :

Bước thứ nhất:

Tôi Nghe, tôi Thấy…Tôi ghi nhận sự kiện khách quan, cụ thể trước mắt mình. Khi làm như vậy, tôi tìm cách phản ảnh và kiểm chứng : có phải, có đúng như vậy không ?

Bước thứ hai :

Kêu ra ngoài, gọi tên xúc động đang ẩn núp ở dưới sự kiện.

Ví dụ : Em/chị nói như vậy có nghĩa là em/chị đang BUỒN, GIẬN, hay là SỢ phải không ? Khi tiếp xúc với trẻ em, chúng ta chỉ cần xoáy lui xoáy tới với 3 xúc động chính yếu nầy mà thôi.

Bước thứ ba :

Sau khi lắng nghe và ghi nhận xúc động , chúng ta tìm hiểu thêm: Chị/em đang CẦN  gì?

NHU CẦU quan trọng bậc nhất của chị/em có phải là --- ?

Bước thứ tư :

Theo em/chị, trong hoàn cảnh và vị trí của tôi, tôi có thể làm gì cụ thể, để đáp ứng nhu cầu của em/chị ? Chị/em yêu cầu tôi  LÀM những điều gì?

Sau khi lắng nghe, ghi nhận, tôi xin trả lời :

- Về yêu cầu thứ nhất mà chị vừa trình bày, tôi có thể làm được.

- Về yêu cầu thứ hai ... tôi không có khả năng và điều kiện để làm.

Khi từng bước đi lên như vậy, tôi lưu tâm đến những cách làm quan trọng sau đây :

-         1) Dùng sứ điệp TÔI, để nói về mình, cũng như khẳng định mình một cách trung thực. Điều cần đề phòng là nói thay nói thế kẻ khác, thuyên giải, bói đoán, áp đặt cho kẻ khác những lối nhìn hoàn toàn chủ quan.

-         2) PHẢN ẢNH, nghĩa là nói lại với ngôn ngữ của mình, những gì chúng ta đã ghi nhận và đón nhận, khi lắng nghe và đặt trọng tâm vào con người của kẻ khác.

-         3) KIỂM CHỨNG bằng cách yêu cầu kẻ khác nói rõ : những điều tôi hiểu về họ, có hoàn toàn ăn khớp với quan điểm của họ hay không.

-         4) KHÔNG KHUYÊN BẢO, nghĩa là đề nghị từ trên và từ ngoài cho kẻ khác, những lối nhìn và cách làm của chính chúng ta.

-         5) Thay vì bói đoán hay là tưởng tượng, tôi GHI NHẬN những gì mắt thấy, tai nghe, phát xuất từ người đang trao đổi với tôi.

-         6) Thay vì ÁP ĐẶT một cách vu vơ, nghĩa là đề xuất một lối nhìn hoàn toàn chủ quan, do chính tôi khám phá và xây dựng, hoặc tưởng tượng, tôi chỉ cố gắng TRUNG THỰC nói về MÌNH và LẮNG NGHE, cũng như TÌM HIỂU ý kiến của người khác, khi họ phát biểu.

Thể theo lối nhìn và kinh nghiệm hòa giải của tác giả Marshal B. ROSENBERG, chúng ta chỉ cần tôn trọng một cách nghiêm chỉnh và chính xác, bốn bước từ từ đi lên, như được đề nghị, chúng ta sẽ có khả năng đề phòng và ngăn chận hiện tượng xúc động biến thành bạo động, trong hành vi của chính chúng ta, cững như trong hành vi của kẻ khác.

Chính vì lý do nầy, mỗi lần có hiện tượng xúc động « bùng nổ » nơi trẻ em, tôi đề nghị những cách hành xử sau đây :

-         Thứ nhất, người lớn hãy có mặt với trẻ em, đừng bỏ đi nơi khác,

-         Thứ hai, thay vì ngăn chận, ức chế, bằng ngôn ngữ hoặc hành vi, chúng ta chỉ bình tĩnh phản ảnh : Mẹ thấy con bùng nổ. Con có thể nói lên cơn tức giận của con. Mẹ cho phép con diễn tả, nói ra, bộc lộ ra ngoài. Nếu tức quá, con hãy tức với cái gối nầy đây. Trường hợp trẻ em đánh đập kẻ khác, chúng ta chỉ cầm tay, giữ chặt trẻ em lại và nói : Con của mẹ tức quá, giận quá. Con của mẹ có thể giận cái ghế, cái gối. Nhưng không bao giờ đánh em, đánh mẹ. Điều cốt yếu trong lúc nầy là chúng ta giữ nét mặt và thái độ bình tĩnh, không ức chế và trừng phạt.

-         Thứ ba, sau khi trẻ em đã trở về tình trạng ổn định, chúng ta tìm hiểu nhu cầu của trẻ em : Con cần gì, hãy nói ra cho mẹ biết. Trường hợp trẻ em không nói, chúng ta có thể thuyên giải, đưa ra một lý do hay là đặt câu hỏi. Động cơ chính trong cách làm và cách nói của chúng ta, vào lúc nầy là có mặt và trao đổi, phản ảnh, hơn là khám phá sự thật hay là nguyên nhân đích thực gây ra hành vi bùng nổ.

-         Thứ bốn, để kết thúc, chúng ta đề nghị một trò chơi. Hai mẹ con có thể cầm tay nhau, đi quanh một vòng…Nếu người lớn đã có thói quen tiếp xúc, trao đổi như vậy… dần dần họ sẽ tìm ra những cách làm và lời nói thích hợp. Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh, điều quan trọng là có mặt và trao đổi. Nội dung không thiết yếu.

Khi người mẹ hay giáo viên tuân hành bốn bước đi lên như vậy, họ sẽ là CÁI KHUNG bền vững, có khả năng bao bọc, chỡ che, tạo an toàn nội tâm cho con em, trong mọi tình huống thuận lợi cũng như bất lợi.

Trong tinh thần và lăng kính nầy, Lắng Nghe, Có Mặt và Đồng Cảm, là một quà tặng lớn lao, cho những người đang tiếp xúc với chúng ta, bất kể người ấy đang còn là một trẻ em, hay đã trưởng thành và có những trách nhiệm, trong lòng xã hội.

Lausanne 19-12-2007

Nguyễn văn Thành

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!