Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Nguyễn Văn Thành
Bài Viết Của
Gs. Nguyễn Văn Thành
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguy cơ Tự Bế (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?
CON ĐƯỜNG BAO DUNG (trong Văn Hóa và Huyền Sử Việt Nam)
« BÁN MÌNH CHUỘC CHA » :

 

  (Một Sứ Điệp của Nguyễn Du, trong Đoạn Trường Tân Thanh)                                                     

Đức Tin và Văn Hóa cần được quyện sát vào nhau, để bổ túc và kiện toàn cho nhau. Không phát huy những quan hệ giao thoa và tác động qua lại hai chiều như vậy, Đức Tin chỉ là một sản phẩm ngoại lai, do kẻ khác áp đặt từ trên và từ ngoài. Hẳn thực, không có khả năng hút nhựa sống từ bên trong lòng đất của Quê Hương và tâm hồn của con người, Đức Tin sẽ chẳng bao giờ có khả năng thăng tiến và phát triển, cũng như đánh sáng và làm mới lại cuộc đời. Đức Tin, khi bị tách lìa khỏi Văn Hóa, chỉ còn là một loại cây kiểng, theo kiểu « bông-xai », làm dụng cụ trang trí bên ngoài, cho giai cấp thời thượng. Đức Tin ấy sẽ mang lại những năng động và giá trị làm người nào, cho đại đa số quần chúng bần cố nông và vô sản ?

Cũng y hệt như vậy, cây Văn Hóa, với « hơn bốn nghìn năm tên tuổi », phải chăng đang héo úa, cằn cỗi và tàn tạ, nếu nó từ chối khí trời, ánh sáng và mưa sương, từ trên đổ xuống, hay là từ ngoài thấm vào, do bất cứ một con nước hay một ngọn gió nào mang đến cống hiến cho chúng ta ? Đức Tin vào Đức Kitô có chăng một khả năng hữu hiệu, khả dĩ giúp tôi khám phá vá đánh sáng lại nguồn gốc Trời Biển bao la của con người Việt Nam, đã có mặt trong tâm hồn, từ đời Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ ?

Nhờ học hỏi và suy niệm Kinh Thánh, Tân và Cựu Ước, tôi mở mắt nhận thấy được rằng : những vấn đề Nam Bắc phân tranh, hay là những quan hệ xung đột, hận thù truyền kiếp giữa hai anh em ruột thịt – Sơn Tinh và Thủy Tinh – cũng có mặt trong cung lòng của Dân Chúa và Hội Thánh. Cho nên, với tư cách là người Việt Nam và là một Kitô hữu, thay vì ém nhẹm, che giấu những vết thương lòng rướm máu và lở lói, tận đáy sâu của tâm hồn, tôi khiêm tốn đi tìm con đường « đối diện và nhận diện », nhằm thanh luyện, đổi mới, chuyển hóa bản thân và toàn thể cuộc đời.

Xuyên qua những nhận định ấy, dần dần tôi đốt sáng ý thức về bản sắc làm người của tôi. Hẳn thực, tôi không thể suốt đời thắp hương khấn vái, ngồi chờ một Vị Cứu Tinh nào đó, từ trên trời rơi xuống, hay là từ Nước Ngoài  được nhập khẩu, có khả năng và phù phép giải quyết một cách ổn thõa, mọi vấn đề đang có mặt trong lòng của Quê Hương.

Nói cách khác, nếu Lòng Yêu Thương  là Câu Trả Lời duy nhất cho mọi vấn đề có mặt trong xã hội, theo như lối nhìn của Tác giả G.G. Jampolsky, Lòng Yêu Thương ấy phải xuất phát từ xương máu, tay chân và hơi thở của tôi, cũng như của mỗi người anh chị em đồng bào, đang có mặt hai bên cạnh. Không nhập thân, nhập thể, hay là đâm rễ sâu trong cuộc sống làm người, làm sao Lòng Yêu Thương ấy có cơ may đâm chồi nẩy lộc, sinh hoa kết trái, trên những nẻo đường xuôi ngược, và trên từng mảnh đất của Non Sông ? Phải chăng Thánh Gióng, cũng vậy, chỉ có khả năng « đứng dậy », lên đường dẹp loạn và mang lại thanh bình cho Nước Non, sau khi được mỗi người bà con xóm giềng đóng góp phần ăn và phần mặc, cũng như cung cấp những trang bị chiến đấu ?

Trong tinh thần và cung cách hội nhập Đức Tin và Văn Hóa như vậy, tôi đọc lại tác phẩm « Đoạn Trường Tân Thanh » của Nguyễn Du, còn mang tên là « Chuyện Kiều », trong lối gọi thông thường của người bình dân. Khi « bán mình chuộc cha », phải chăng, theo lối trình bày của Tác Giả, Nàng Kiều là một « HÌNH TƯỢNG » lung linh của Tình Yêu tuyệt đối và vẹn toàn, khả dĩ tạo nên « mai cốt cách, tuyết tinh thần » cho con người Việt Nam ?

 Chính Kim Trọng, với một phong thái đầy hiểu biết và đồng cảm, đã đánh giá rất tích cực, cách làm và cách chọn lựa của nàng :

« Như nàng lấy hiếu làm trinh,

« Bụi nào cho đục được mình ấy vay ? 

« Trời còn để có hôm nay,

« Trăng sương ngoài ngõ, vén mây giữa trời.

« Hoa tàn mà lại thêm tươi,

« Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa » (1).

Phải chăng đây cũng là lối nhìn của một người Việt Nam đang sống Đức Tin vào Đức Kitô, khi tiếp xúc với nỗi đoạn trường của những ai đang bị chà đạp, bôi nhọ và đàn áp, giống như Nàng Kiều, trong xã hội và Quê Hương ngày hôm nay? 

Nhằm trả lời một phần nào cho câu hỏi nầy, phương thức tiếp cận của tôi là lắng nghe một cách cẩn trọng tiếng kêu trầm thống của Đọan Trường Tân Thanh. Từ đó, thay vì đồng hóa lối nhìn của Nguyễn Du với Con Đường Thánh Giá của Đức Kitô, một cách vội vã, với ý đồ giành giật, thu hồi làm của mình… tôi chỉ mở lòng đón nhận những giá trị độc đáo có mặt trong nền Văn Hóa Việt Nam, nhằm nuôi dưỡng, bổ túc và kiện toàn con đường và cuộc sống Đức Tin hằng ngày.

Ngoài ra, tôi sẽ sáng suốt phân biệt những gì là giá trị vươn lên thực sự thuộc gia tài Văn Hóa, và những gì chỉ là hoang tưởng, hư cấu của Văn Chương. Nói khác đi, những thăng trầm của Nàng Kiều mang lại cho đời sống Đức Tin của tôi, những thao thức, trăn trở như thế nào ? Nếu tôi là Nàng, hôm nay tôi phải sống như thế nào, trong cuộc đời khó khăn, đầy cạm bẫy, để khỏi bị phân hóa hay là chẻ đôi giữa hai con đường ? Một bên là tình, bên kia là nghĩa. Một bên là hiếu, bên kia là trinh. Một bên là Đức Tin vào Đức Kitô, bên kia là Tình Quê Hương, Tình đồng bào, đang bị xuyên tạc và bóp méo một cách trắng trợn, bằng những quan điểm chính trị vô thần, hoàn toàn độc chiều và độc lộ.

Sống phải chăng CHỈ là một giây chuyền thỏa hiệp ? Không bán mình, làm sao cứu được cha ? Nhưng bán mình liên tục và trầm luân trong vòng khổ đau ê chề, tủi nhục, suốt mười lăm năm, phải chăng tôi vẫn còn tự hào và được nhìn nhận là « con của cha », sau khi đứng dậy trở về nhà ? Thêm vào đó, bán mình làm « đồ vật phục vụ giới bốc lột », cho dù nhận lại được một vài đồng tiền « đặc ân đặc huệ »… phải chăng là « cứu cha » hay là « giết cha » ? Nói khác đi, thỏa hiệp với các lực lượng đàn áp trong lòng xã hội, như Tú Bà, Hoạn Thư…phải chăng chỉ là thái độ buông tay đầu hàng vô điều kiện ? Ngoài cách « bán mình », phải chăng Nàng Kiều cũng như tôi, còn có những con đường khác lung linh và diệu vợi, để sáng tạo, chọn lựa và quyết định ? Nàng Kiều có cách nào để « phục sinh », nghĩa là làm mới và đánh sáng lại bản thân và cuộc đời, sau mười lăm năm trầm luân, lê lết trong tủi nhục và khổ đau ê chề ?

Nhằm giải đáp một phần nào bao nhiêu vấn nạn vừa được nêu ra, bài chia sẽ nầy sẽ lần lượt khảo sát hai trọng điểm :

-         Thứ nhất, Đoạn Trường Tân Thanh, chính ngày hôm nay, với bao nhiêu vấn đề còn đang nóng hổi trong lòng Quê Hương, đang nhắn gởi cho tôi những sứ điệp quan trọng nào ?

-         Thứ hai, với tư cách là một người đang sống và làm chứng Tin Mừng của Đức Kitô, tôi có thể bổ túc và đóng góp thêm những gì còn thiếu sót, trong lối nhìn của Nguyễn Du ?

***** 

I.- Đoạn Trường Tân Thanh với bao nhiêu năng động và bị động

 Ngay từ những nhận xét đầu tiên, tôi muốn khẳng định một cách minh bạch và dứt điểm rằng :  tôi không bao giờ nuôi ẵm ý đồ đồng hóa lối nhìn của Nguyễn Du với Mầu Nhiệm Thánh Giá của Đức Kitô. Hẳn thực, theo cách trình bày của Đoạn Trường Tân Thanh, từ đầu chí cuối, Nàng Kiều chỉ là nạn nhân trên suốt con đường khổ lụy của mình. Đức Đức Kitô, trái lại,  luôn luôn làm chủ tình hình. Ngài đã sáng suốt thực hiện Thánh Ý của Cha Ngài, trong mỗi đường đi nước bước, từ lúc sinh ra làm người cho đến lúc bị đóng đinh vào Thánh Giá và tắt thở trên ngọn đồi Gôngôtha. Thậm chí trong những lúc lo sợ kinh hoàng, đến độ mồ hôi và máu toát ra khắp thân mình, Ngài vẫn « tràn đầy và thấm nhuần » Thánh Thần Yêu Thương và Tha Thứ của Thiên Chúa, đối với những ai tìm cách lên án, tố cáo và sát hại Ngài. Thêm vào đó, ở cuối chặng đường tử nạn, Ngài đã « đứng lên, chỗi dậy, đi ra khỏi mồ và phục sinh ». Nếu không có khả năng mang Hồng Phúc Sống Lại cho những người sống Đức Tin vào Ngài, Con Đường khổ đau và tử nạn của Đức Kitô sẽ trở nên hoàn toàn trống rỗng, vô ích và vô hiệu.

Ngoài ra, trong cách tiếp cận các vấn đề do Nguyễn Du đề xuất, Đức Tin vào Đức Kitô cho phép tôi phát hiện nhiều giá trị của một tâm hồn có khả năng đồng cảm nhạy bén, trước thân phận và điều kiện nghiệt ngả của anh chị em đồng bào.

1.-Một tiếng nói đại diện cho đại đa số…

Một cách đặc biệt, Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là một tiếng thét la trầm thống, giữa bầu trời của Đất Nước Việt Nam, nhằm khẳng định rằng : con người khắp đó đây đang bị chà đạp và mạ lị. « Cá lớn đang nuốt cá bé », trong cơ cấu và hiện tình của xã hội.

Gia đình nàng Kiều đại diện cho nhiều gia đình đang bị phân tán và nát tan trong lòng Quê Hương. Cha mẹ, anh chị em không được đoàn tụ dưới mái ấm gia đình. Những người đã thề thốt yêu nhau như Nàng và Kim Trọng phải xa lìa, ly tán mỗi người ở một phương.

Trong khi đó, xã hội đầy răm rắp những tay gian manh, lường gạt, bịp bợm, như Tú Bà, Mả Giám Sinh, Sở Khanh…Sau những câu nói đường mật, những lời hứa hẹn đầy nhân nghĩa, giới trẻ Việt Nam thừa hưởng được những gia tài, gia sản  nào, từ các bậc đàn anh đàn chị như họ :

« Này con thuộc lấy làm lòng :

« Vòng ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.

« Chơi cho liểu chán, hoa chê,

« Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.

« Khi khóe hạnh, khi nét ngài,

« Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa,

« Đều là nghề nghiệp trong nhà,

« Đủ ngần ấy nết mới là người soi » (2).

Ngày qua ngày, được giáo huấn và hướng dẫn, với những bài học « làm ngợm » như vậy, con cái chúng ta có gì trước mặt, để chọn lựa, khuôn đúc, ngoại trừ Hoạn Thư là mẫu thức và điểm qui chiếu độc nhất vô nhị :

« Chước đâu có chước lạ đời,

« Người đâu mà lại có người tinh ma ?(3)

« Bề ngoài thơn thớt nói cười,

« Mà trong nham hiểm giết người không dao » (4)

Trong cách sống và lối quan hệ của Hoạn Thư như vậy, có chăng một chút Tình Người còn sót đọng lại ? Khi sinh sống với chồng là Thúc Sinh, phải chăng bà còn biết cho, biết chia sẻ một chút hạnh phúc làm người, bên cạnh những tác phong « bốc lột, đàn áp, hận thù, trừng phạt » :

« Làm cho nhìn chẳng được nhau,

« Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên.

« Làm cho trông thấy nhởn tiền,

« Cho người thăm ván bán thuyền biết tay » (5).

« Làm cho cho mệt cho mê,

« Làm cho đau đớn ê chề cho coi,

« Trước cho bỏ ghét những người,

« Sau cho để một trò cười về sau » (6). 

2.-Vạch trần vai trò đồng lõa của Tôn giáo…

Khi vạch trần những tệ đoan đang lan tràn, nhầy nhụa trong lòng xã hội, Nguyễn Du đang đi lại con đường của Lạc Long Quân. Với phương tiện văn chương, tác giả đã trực diện một cách sáng suốt và can trường với ba con « yêu tinh ma quái » - Mộc Tinh, Thủy Tinh và Hồ Tinh - đang ngự trị trong tâm hồn của mỗi người Việt Nam. Chúng nó len lỏi, nằm vùng khắp đó đây, thậm chí trong những chùa chiền, nhà hội, nhà thờ, ở Thành Đô cũng như tại nơi thôn dã. Chính trong nhà của Hoạn Thư, Phật Đường Quan Thế Âm đã biến thành một thứ « hang động u tối của Hồ Tinh », nhằm đàn áp, uy hiếp và cô lập Nàng Kiều, ngăn cản nàng kết dệt những quan hệ với thế giới bên ngoài :

« Sẵn Quan Âm Các vườn ta,

« Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa.

« Có cổ thụ, có sơn hồ,

« Cho nàng ra đó giữ chùa tụng kinh » (7).

Với bao nhiêu cơ sở vật chất nguy nga tráng lệ, với đầy đủ tiện nghi và của cải, tôn giáo có xây dựng được một ngôi đền tâm linh trong lòng người không ? Hay là ngược lại, tôn giáo đã biến chất, thoái hóa, trở thành công cụ của giai cấp bốc lột ?  Nếu Tôn giáo đang mê ngủ, làm sao có khả năng đánh thức được Lòng Yêu Thương, bị tê liệt trong đáy sâu của tâm hồn ? Làm sao xây dựng được tình anh chị em, trong quan hệ giữa người với người ? Làm sao thắp sáng ngọn lửa của Đức Tin vào Nguồn Gốc Rồng Tiên - cao cả và trọng đại - trong mỗi suy tư và hành động của con người ? Sau hết, ở cuối chặng đường thoái hóa của mình, liệu tôn giáo còn làm được gì, nếu không phải là đưa hai tay cho địch thù trói lại, bị dẫn độ vào ngục tù, bị bách hại và đóng đinh vào Thánh Giá như Đức Kitô ? Nhờ đó, họa may thế gian mới mở mắt bừng sáng, nhìn nhận rằng họ đã trầm luân trong tội ác, đã giết chết người anh chị em, và đồng thời cũng đã hủy diệt và xóa tan những dấu vết còn sót lại của Thiên Chúa, trong cõi lòng băng hoại của mình.

3.- Câu trả lời của Nguyễn Du : « Bán mình, chuộc cha »

Nhằm hóa giải ba con Yêu Tinh, đang ngày ngày trở về, uy hiếp  Tình Người và chà đạp Tính Người, trong lòng mọi người, Nguyễn Du đã chuyển biến Thanh Gươm Tàn Sát và Bạo Động của Lạc Long Quân, thành « Ngòi Bút Ngôn Sứ », có khả năng xác định nguồn gốc gây ra mọi tai họa trong cuộc đời.

Sứ điệp « nghĩa đen » của Đoạn Trường Tân Thanh bao gồm ba giai đoạn :

-         Giai đoạn Một, Người Cha của Nàng Kiều bị bọn gian manh đột nhập vào nhà, bắt làm con tin, và đòi hỏi nộp tiền cứu mạng.

-         Giai đoạn Hai, Nàng Kiều do động cơ Trung Hiếu thúc đẩy, đã chọn lựa con đường « Bán Mình Chuộc Cha ». Khi làm như vậy, Nàng đã phải hy sinh những ngày tuổi trẻ của mình và nhất là Tình Yêu của Nàng đối với Kim Trọng.

-         Giai đoạn Ba, sau mười lăm năm đọa đày, trôi dạt từ lầu xanh nầy qua lầu xanh khác, Nàng Kiều đã nhảy xuống Sông Tiền Đường tự vẫn. Khác với lòng lang dạ thú của con người, Nước Sông đã rửa sạch bao nhiêu năm tháng đọa đày và trả Nàng về với gia dình và người yêu.

Vì chỉ thu mình trong nghĩa đen hạn hẹp của ngôn ngữ, nhiều tác giả chú giải và bình phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, như VĂN HÒE, đã phê bình một cách nghiêm khắc cách trình bày và giải quyết vấn đề của Nguyễn Du.

Đối với tôi, trái lại, Nguyễn Du đã thi hành nhiệm vụ « NGÔN SỨ » của mình, trong một giai đoạn lịch sử của Đất Nước. Chính vì lý do nầy, nhằm tiếp cận tính chất « mai cốt cách, tuyết tinh thần » của Nàng Kiều cũng như của Đoạn Trường Tân Thanh, chúng ta hãy dấn bước vào địa hạt HÌNH TƯỢNG. Nói cách khác, chúng ta hãy khai quật nhiều tầng lớp ý nghĩa, ở bên dưới mỗi từ, mỗi chữ. Cơ hồ khi tìm hiểu một giấc chiêm bao, chúng ta phải làm công việc chuyển dịch hình tượng thành ý nghĩa lung linh và diệu vợi cho bản thân và cuộc đời. Lối giải quyết ở trong nghĩa, chứ không có mặt trong từ và chữ thuần đơn.

Hẳn thực, nhu trước đây, tôi đã xác định, LỐI NHÌN thiếu tình thương, thiếu tình người là nguyên nhân chủ yếu phát sinh những QUAN HỆ người bốc lột người, người đàn áp người. Nàng Kiều chính là hình tượng tuyệt vời phản ảnh và diễn tả con người Việt Nam đang kinh qua từ khổ đau nầy đến khổ đau khác.

Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài chia sẻ nầy, tôi chỉ mạo muội trình bày hai hình tượng chủ yếu của Đoạn Trường Tân Thanh :

-         Hình Tượng thứ nhất là NGƯỜI CHA. Tầng lớp thứ nhất cần được khai quật là cương thường, đạo lý, con đường làm người. Tầng lớp thứ hai là lề lối giáo dục và dạy dỗ trong hai môi trường gia đình và trường học. Tầng lớp thứ ba là tôn giáo, bất kỳ tôn giáo nào. Mỗi tôn giáo có đảm trách một cách đứng đắn phần vụ « làm đường đi và ánh sáng » cho con người hay không ? Tôn giáo ngày hôm nay trong lòng Quê Hương « vô thần » còn có quyền tự do và khả năng « làm người cha, đại diện Trời » hay không ? Sau hết, tầng lớp thứ tư là bài học về qui luật cần được tôn trọng và đời sống yêu thương cần đượcchứng nghiệm và chia sẻ. Bài học nầy được truyền đạt thế nào, tư thế hệ nầy qua thế hệ khác ? Không tiếp thu và hội nhập bài học về qui luật, tôi chỉ là một tên đạo tặc, một con HỒ TINH, đối với anh chị em đồng bào. Đàng khác, không thấm nhuần bài học Tình Thương có nghĩa là Xin và Cho, Nhận và Từ Chối với một tinh thần hoàn toàn tự do và bình đẳng, tôi chỉ là tôi mọi, gái điếm, đồ vật và nạn nhân. Để xây dựng Quê Hương trong thanh bình và thịnh vượng, công việc ưu tiên số một là « Cứu Cha », với bốn tầng lớp ý nghĩa vừa được quảng diễn trên đây.

-         Hình Tượng thư hai là « BÁN MÌNH ». Trong cách dùng từ của Nguyễn Du, bán mình có nghĩa là từ bỏ cái tôi nhỏ bé, thiển cận, ích kỷ, để trở thành ĐẠI NGÃ, cái tôi to lớn, bao la và kỳ vĩ. Đại ngã chỉ biết cho và yêu. Yêu không đợi chờ, không đòi hỏi. Trời Đất, Vạn Vật, Núi Sông đang cho tôi như thế nào, thì cũng giống như vậy, tôi biến thân làm mây mưa, sương trời, ánh sáng hoặc phân bón, để nuôi dưỡng lại anh chị em đồng bào hai bên cạnh, nhất là giới trẻ, rường cột ngày mai của Đất Nước.

Khi hiểu được hai hình tượng « bán mình » và « chuộc cha », theo tinh thần và lăng kính vừa được trình bày, chúng ta sẽ thấm nhuần tất cả mọi chiều kích trọng đại của CHỮ TÂM, có mặt trong kết luận của Đoạn Trường Tân Thanh :

« Ngẫm xem muôn sự tại Trời,

« Trời kia đã bắt làm người có thân,

« Bắt phong trần phải phong trần,

« Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

« Có đâu thiên vị người nào,

« Chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai.

« Có Tài mà cậy chi Tài,

« Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.

« Đã mang lấy nghiệp vào thân,

« Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa.

« Thiện Căn ở tại lòng ta,

« Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ Tài » (8).

Nói một cách đơn gọn, thông điệp của Nguyễn Du, trong vai trò NGÔN SỨ, được thu tóm thành bốn điểm chủ yếu sau đây :

-         Một, trong điều kiện và thân phận làm người, chúng ta vừa đảm nhiệm một cách can trường những việc thanh cao, cũng như đón nhận một cách khiêm tốn những việc phong trần.

-         Hai, khi thành người, chúng ta có khả năng thực thi tất cả những điều vừa thanh cao vừa phong trần, với động lực thúc đẩy từ bên trong là LÒNG THƯƠNG YÊU vô bến bờ.

-         Ba, dấn bước trên con đường Yêu Thương như vậy được gọi là TÙNG TÂM. Ở vào giai đoạn cuối cùng, trên tiến trình làm người và thành người, Tùng Tâm đồng hóa với TRI THIÊN MỆNH, nghĩa là vâng lệnh TRỜI là NGƯỜI CHA của chúng ta. Tuy nhiên, Trời trong giai đoạn nầy, không còn ở Trên và ở Ngoài. Trời trở thành HƠI THỞ ra vào của con người. Trời trở thành THIỆN CĂN, có nghĩa là GỐC RỄ của con người. Tên tuổi đích thực của Trời là Lòng Yêu Thương.

-         Bốn, khi giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống với tất cả Lòng Thương Yêu, nghĩa là với TRỜI, cả ba chiều kích THIỆN, TÂM và TÀI đều có mặt trong con người và với con người. Nói khác đi, tôi hội tụ trong bản sắc làm người của mình, ba ý thức : - Tôi được yêu, - tôi có giá trị cao cả và diệu vợi, - tôi có khả năng luyện vàng. Ai đụng đến tôi, người ấy được an lành, một cách thực sự và trọn vẹn. Cho dù người ấy đang đen như mực, cũng có khả năng trở thành trắng như tuyết. 

II.- Đoạn Trường Tân Thanh dưới Ánh Sáng TIN MỪNG của Đức Kitô

Dấu Ấn hay là phong cách làm Sứ Ngôn – còn mang tên là Tiên Tri -  của Nguyễn Du là vạch trần chỗ trống vắng, ở bên trong lòng người, để gọi mời cái TRÒN ĐẦY và VIÊN MÃN xuất hiện, cơ hồ môi miệng khát khao của trẻ thơ đang đợi chờ Bầu Sữa no tròn của Mẹ.

Hẳn thực, suốt mười lăm năm ròng rã, Nàng Kiều bị đọa đày, lưu lạc từ địa ngục nầy qua địa ngục khác. Thoảng hoạt một đôi lần, trong hình ảnh của những người như Thúc Sinh và Từ Hải, Nàng tưởng chừng như gặp được vị Cứu Tinh của cuộc đời. Những giây phút ấy chỉ bàng hoàng thoáng qua, và làm cho vết thương lòng càng thêm lở lói, nhúc nhối. Tâm hồn của Nàng trăn trở, thổn thức, thương nhớ và quặn đau. Lúc bấy giờ hình ảnh của Kim Trọng lại trở về. Chàng ơi, Lời Hứa năm xưa còn « trăm năm tạc một chữ đồng đến xương » hay không ? Đâu là « Lời Non Nước ? Đâu là Lời Sắt Son ?

« Tóc thề đã chấm ngang vai,

« Nào lời non nước, nào lời sắt son ? » (9).

Qua bao nhiêu tình khúc éo le, chìm nổi và mong manh của phận người, Nàng Kiều khao khát tìm kiếm một cách quay cuồng, điên loạn, Chàng Kim Trọng của Nàng, trong bất cứ người đàn ông nào. Nhưng khi Kim Trọng bằng xương bằng thịt đã đến, sau những tháng năm tìm kiến Nàng ở khắp nơi. Cuối cùng, sau mười lăm năm làm chồng của Thúy Vân, như lòng nguyện ước và lời trối trăng của Nàng, Kim Trọng hôm nay còn là Kim Trọng ngày xưa của Nàng hay không ?

Trong bao nhiêu trao đổi và chuyện trò, Kim Trọng đã cho Nàng biết một cách rõ ràng rằng Nàng vẫn được Chàng yêu thương, chiều chuộng và trân quí, như trong lần gặp gỡ và thề nguyền đầu tiên. Tuy nhiên, Nàng còn có khả năng TIN chàng hay không ? Một cách thiết yếu hơn nữa, Chàng có CÁCH gì làm cho Nàng TIN vào lời của Chàng không ? Hẳn rằng, Chàng còn có TÂM như trong lần gặp gỡ đầu tiên. Nhưng Tâm cần Tài, nghĩa là việc làm và khả năng làm, để Tâm không chỉ là lời nói, ở đầu môi chót lưỡi. Thêm vào đó, Tài không phải chỉ là thái độ và tác phong « chấp nhận cái chân như hiện thực « ở đây và bây giờ » của Nàng Kiều, sau một đời đã rách nát, như câu nói tiếng Anh thường dùng « to accept wholly as she is now and here ». Tài thưc sự phải được hiểu là  « khả năng làm MỚI lại mọi sự trong và ngoài, từ đầu đến chân ». Tài ở đây, theo từ Hy lạp được dùng trong Kinh Thánh, có nghĩa là trở về với nguyên thủy và nguyên trạng lúc ban đầu, « mêtanoya ». Kim Trọng có khả năng làm cho Nàng Kiều « cải tử hoàn sinh », trở về làm lại cô con gái trinh nguyên, chưa hề biết người đàn ông là chồng không ?

Một trong những cái Tài ấy là Thứ Tha vô điều kiện. Tuy nhiên, trong điều kiện và thân phận làm người, con người như Kim Trọng, cho dù bao la và trọng đại đến độ nào chăng nữa, có làm được điều ấy không ? Thêm vào đó, trong đời sống xã hội, người khác có cho phép hoặc tạo điều kiện, cho chúng ta làm không ?

Để nhận thức tính đa phúc của vấn đề, chúng ta hãy hình dung một đám cưới giữa Kim Trọng và Nàng Kiều, sau khi nàng trở về. Đám cưới xong, Kiều là vợ chính hay vợ lẽ ? Chỉ cần nêu lên một câu hỏi oái oăm như vậy, chúng ta sẽ tức khắc nhận thấy rằng con người không toàn năng, không thể có mọi Tài, mọi cách giải quyết. Kim Trọng, cho dù có thiện chí đầy mình, không thể nào xí xóa, bắt đầu lại từ đầu, nghĩa là chọn Kiều làm vợ. Và Thúy Vân không thể chỉ là đứa em của vợ. Nói như vậy, để chúng ta nhận thức một cách sáng suốt : con người đơn thuần không có Tài Tái Dựng và Tái Sinh. Tự mình, con người không thể Sống Lại, Phục Sinh.

***

Nếu Nguyễn Du muốn đi xa hơn, vượt qua những kết luận, mà Đoạn Trường Tân Thanh đã kết luận, chúng ta hãy giới hiệu Tin Mừng của Đức Kitô cho Nguyễn Du, để tác giả cũng nhận được từ Ngài Tài Tái Sinh. Nếu Kiều và Kim Trọng  SỐNG Đức Tin vào Đức Kitô, ngay bây giờ, hai người tức khắc có khả năng chia sẻ cho nhau một Lòng Yêu Thương cao cả, trọng đại và bao la hơn tình vợ chồng. Họ có khả năng cùng nhau chia sẻ  Một Chúa Thánh Thần duy nhất.

Trong ánh sáng của Đức Tin, Nàng Kiều và Kim Trọng không phải chỉ là những nhân vật, trong một kiệt tác văn chương của Nguyễn Du mà thôi. Chàng và Nàng, ngày ngày trở nên một kiệt tác tuyệt vời trong Bàn Tay của Thiên Chúa, là Cha Nhận Hậu của cả hai người.

Phải chăng đó là Niềm Hy Vọng của Nguyễn Du, đã đồng hóa với nhân vật Nàng Kiều, trong cuộc đời đã « trải qua một cuộc bể dâu », tràn đầy « những điều  trông thấy mà đau đớn lòng » (10) ?

Phải chăng đó cũng là niềm Hy Vọng  của toàn thể Quê Hương Việt Nam, đang ngày ngày trăn trở, chờ đợi đón nhận Quả Tim của Chúa Thánh Thần, để thực sự ĐỔI MỚI cả trong lẫn ngoài, từ Bắc vô Nam, từ trên xuống dưới, từ người lãnh đạo cũng như xuống các thành phần bình dân.Từ người còn ở xa, cũng như những người đã lại gần…

 Gs. NGUYỄN văn Thành, Lausanne, Thụy Sĩ

SÁCH THAM KHẢO và CHÚ THÍCH :

1.- Văn Hòe  -  Chú giải Chuyện Kiều của Nguyễn Du  -  Ban Tu Thư Liên Hồng,  Saigòn 1959.

Bí chú (1) trang 582-3, (2) tr 255-7, (3) tr 360, (4) tr 360, (5) tr 326, (6) tr 337,  (7) tr 373-4,  (8) 597-600, (9) tr 399, (10) tr 9.

2.- NGUYỄN văn Thành  -  Phát Huy Nhân Lực (PhNL)  -   Tình Người, Lausanne 1998.

3.- Gerald.G. JAMPOLSKY  -  Love is the Answer : Creating Positive Relationships  -  Bantam Books N.Y, 1991.

                                          

Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!