NHƯ TRÁI TIM NHÂN TỪ CỦA THIÊN CHÚA
Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Luca công bố một sứ điệp rất ngắn gọn,
nhưng lại sâu xa: đó là chuẩn mực của lòng nhân từ và cách thể hiện cụ thể của
chuẩn mực đó: “Anh em hãy có lòng nhân từ,
như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6: 36). Thực ra, không dễ sống như Chúa
Giêsu đòi hỏi: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn
cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ
vu khống anh em” (Lc 6: 27-28). Nhưng Chúa Giêsu rất rõ ràng, cụ thể, thậm
chí quyết liệt nữa: “Ai vả anh má bên
này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản
nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại”
(Lc 6: 29-30). Đây không phải là những lời bị chê là dại dột sao? Ít nhất thì những
lời này cũng gây ra những quan điểm trái chiều, những tranh cãi, và cũng khó thực
hiện đối với mỗi người chúng ta.
1. Trở nên giống
Chúa Kitô, giống Thiên Chúa
Đối với hầu hết mọi người trên trần thế này, những lời như vậy của Chúa
Giêsu là chuyện viễn tưởng và những ai muốn sống theo những yêu cầu như vậy, dù
có thể được coi là những người hiền lành, dễ thương, nhưng cũng dễ bị coi là ngốc
nghếch. Dĩ nhiên, ai để mình bị cướp đoạt, bị vả vào má phải mà lại còn đưa luôn
cả má trái cho người ta vả tiếp, v.v. thì thật ngây thơ, ngớ ngẩn, trong mắt một
xã hội mà mọi thứ đều dựa trên chiếm hữu và quyền lực. Vậy Chúa Giêsu có ý nói
gì ở đây?
Những môn đệ đích thực của Chúa Kitô, những Kitô hữu chân chính, không cố
sức giành ưu thế hay quyền lực áp chế trên người khác, cũng không mong muốn của
cải vật chất chỉ để “chiếm hữu riêng mình” mà không quan tâm gì đến những người
khác đang thiếu thốn, nghèo đói chung quanh. Điều căn cốt của những ai bước
theo Chúa Giêsu là trở nên giống Ngài. Người Kitô hữu đích thực là người muốn nên
giống Chúa Kitô, giống Thiên Chúa. Đó chính là điều kiện để họ trở nên con Đấng
Tối Cao, như Chúa Giêsu hứa: “Phần thưởng
dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Ngài vẫn nhân
hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Lc 6: 35).
Mỗi con người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa (Stk 1: 27), là một thụ tạo
có một không hai do Thiên Chúa dựng nên, với những tiềm năng, sứ mệnh riêng biệt
của mình, phản chiếu lòng nhân từ của Thiên Chúa. Không ai, ngoài Thiên Chúa,
có thể hiểu biết trọn vẹn dù chỉ một người. Mỗi cá nhân là một bí nhiệm của cõi
nhân sinh, nhất là của thế giới tâm linh rộng lớn hơn. Đó là cách nhìn của
Thiên Chúa, của Chúa Giêsu, về mỗi người. Như vậy, khi nói: “Anh em hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét
anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống
anh em” (Lc 6: 28-30), Chúa Giêsu khuyên dạy chúng ta nhìn người khác như cách
nhìn của Ngài, cách nhìn đầy lòng nhân ái của Thiên chúa, không chất chứa chút
nào cay đắng và giận dữ, mà chỉ là tràn đầy yêu thương. Bài đọc thứ nhất cho
chúng ta thấy chàng trai trẻ Đavít, vị vua tương lai quyền uy của Israel, đã sống
lòng nhân từ đó khi quyết định tha cho vua Saul mặc dù vị vua này luôn tìm mọi
cách để truy đuổi ông, khiến cuộc sống của ông vô cùng khốn khổ: “…Ta sẽ truy nã nó trong mọi thị tộc Giuđa…
Vua Saul lấy trong toàn thể Israel ba ngàn quân tinh nhuệ, và lên đường để tìm
bắt ông Đavít và người của ông” (1 Sm 23: 23; 24: 3). Đavít không nhìn vua
Saul như kẻ thù nhưng như người của Thiên Chúa: “Xin Chúa đừng để tôi làm điều này cho chúa thượng của tôi, đấng Chúa đã
xức dầu tấn phong, là tra tay hại vua, vì người là đấng Chúa đã xức dầu tấn
phong” (1 Sm 24: 7). Ở đây, Đavít là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giêsu,
Người Tôi Tớ Đau Khổ: “Bị ngược đãi, người
cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm
nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53: 7).
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Lời Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe
Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ
nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (27-38). Và đây
không phải là tùy chọn, mà là một mệnh lệnh. Nó không dành cho tất cả mọi người,
nhưng dành cho các môn đệ, những người mà Chúa Giêsu gọi là “những người đang nghe Thầy đây”. Chúa
Giêsu hiểu rất rõ rằng yêu thương kẻ thù việc vượt quá khả năng của chúng ta,
nhưng đây là lý do tại sao Ngài đã trở thành người: không phải để chúng ta như
chúng ta hiện tại, mà để biến đổi chúng ta thành những người có khả năng yêu
thương lớn hơn, đó là tình yêu của Chúa Cha và của chúng ta. Đây là tình yêu mà
Chúa Giêsu dành cho những ai “nghe Ngài”. Vì vậy, điều đó trở nên khả thi! Với
Ngài, nhờ tình yêu của Ngài, nhờ Thánh Thần của Ngài, chúng ta có thể yêu
thương ngay cả những người không yêu thương chúng ta, ngay cả những người làm hại
chúng ta…Những ai lắng nghe Chúa Giêsu, những ai nỗ lực theo Ngài ngay cả khi
phải trả giá, sẽ trở thành con cái Thiên Chúa và bắt đầu thực sự giống Chúa Cha
trên trời…Điều đó mang lại cho chúng ta niềm vui và sự bình an. Chúng ta không
còn cần đến bạo lực, bằng lời nói và cử chỉ: chúng ta khám phá ra rằng chúng ta
có khả năng dịu dàng và tốt bụng; và chúng ta cảm thấy rằng tất cả những điều
này không đến từ chính chúng ta mà từ Thiên Chúa” (Kinh Truyền Tin, Quảng trường
Thánh Phêrô, 24.02.2019)
2. Chuẩn mực
của tình yêu: như Cha anh em là Đấng nhân từ
Nếu Cha trên trời là Đấng nhân từ, thì chúng ta, những người con của
Ngài, cũng phải nhân từ: “Anh em hãy có
lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6: 36). Chúa Giêsu xác
quyết đây chính là chuẩn mực của tình yêu, của lòng thương xót của Thiên Chúa, và
cũng là chuẩn mực sống của những ai muốn là môn đệ của Ngài. Đối với Chúa
Giêsu, hoặc là yêu, yêu hết mình, hoặc là không yêu một chút nào cả, vì yêu
thương là từ bỏ hoàn toàn bản thân, như Chúa Giêsu Kitô đã yêu: “Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng
lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Philípphê 2: 8).
Có lẽ chúng ta cũng thường tự hỏi: nếu chúng ta cho đi, liệu chúng ta có
được nhận lại những gì tương xứng không? Không có câu trả lời nào chắc chắn từ
phàm nhân đời này cả. Nhưng có một câu trả lời chắc chắn từ Thiên Chúa: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại.
Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt
áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng
đấu ấy” (Lc 6: 38). Chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc, khi chúng ta biết cho
đi trước. Vì vậy, chúng ta nên tự hỏi: khi cho đi, tôi có cho đi thật lòng
không, cho đi trong vui vẻ, thanh thản và bình an không?
Để sống như vậy, người ta phải mở lòng để đón nhận tình yêu thương của
Chúa Kitô dành cho mình trước. Chỉ khi cảm nghiệm được tình thương của Thiên
Chúa dành cho riêng mình chan chứa như thế nào, người ta mới có thể, đến lượt
mình, dành tình thương cho những người chung quanh. Khi đó, người ta bắt đầu sống
với Chúa, vì Chúa, rồi sống với nhau, vì nhau... Chính khi cảm nhận được tình
yêu bao la của Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, mà những người môn đệ của Ngài muốn sống
với và sống giống như Chúa của mình. Họ không còn thèm muốn sự giàu có của thế
gian, như chiếm hữu cá nhân để hưởng thụ ích kỷ riêng tư. Họ xem nhẹ những điều
sai trái mà người đời gây ra cho họ. Những sai trái ấy không thể làm mất đi điều
tốt lành nơi cõi lòng sâu xa của họ, nhưng trái lại họ cảm thương “anh em mình”
– những người xúc phạm đến họ - đánh mất chính mình trong tội lỗi. Vì vậy, như
Chúa Giêsu, người môn đệ của Chúa Kitô không chỉ vui lòng không đáp trả bạo lực
bằng bạo lực, mà thậm chí còn cầu nguyện cho kẻ thù của mình được hạnh phúc và hoán
cải. Người môn đệ ấy thấm nhuần Lời của Chúa Kitô: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh
em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ
được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6: 37).
“Theo cách này, Chúa Giêsu muốn tình yêu của Thiên Chúa chiến thắng lòng
hận thù và sự cay đắng trong mỗi trái tim. Logic của tình yêu, đạt đến đỉnh cao
trong Thập giá của Chúa Kitô, là huy hiệu của người Kitô hữu và thúc đẩy chúng
ta gặp gỡ mọi người bằng trái tim anh chị em. Nhưng làm sao có thể vượt qua bản
năng con người và luật trả thù thế gian? Chúa Giêsu đưa ra câu trả lời trong
cùng một đoạn Tin Mừng: “Hãy có lòng nhân
từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (đã dẫn trên).
3. Sống bằng
tình yêu của Thiên Chúa, nhờ Chúa Kitô
Ờ đây, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đón nhận sức mạnh tình yêu của Ngài vào
trong chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta sống tình yêu ấy; vì đó là con đường chân
chính dẫn đến vinh phúc và sự sống đời đời. Quyết định là của chúng ta. Nhất là
trong thời điểm bất ổn này của thế giới, khi bạo lực, xung đột, chiến tranh xảy
ra rõ ràng, khi khủng hoảng kinh tế, xã hội và sức khỏe rất có thể khiến chúng
ta nổi loạn và thất vọng. Có giải pháp nào căn cơ nhất cho con người chúng ta
ngày nay không? Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một cung cách sống và ứng xử không
phải là ngây ngô, ảo tưởng, bởi vì cung cách này mời gọi chúng ta gắn kết với
nhau. Nói gắn kết là nói đến tham gia, góp phần, nói đến sự cho đi. Thường tình
ai trong chúng ta cho đi mà không mong được nhận lại, nhưng nhờ ân sủng của Chúa
Kitô thúc đẩy, chúng ta đủ sức mạnh để không quá đặt nặng việc được đền đáp, vì
Chúa đã nói rõ: “Nếu anh em yêu thương kẻ
yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu
thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn
gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay
mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho
kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng” (Lc 6: 32-34).
Trong thời đại và xã hội hiện nay, chúng ta nhận thức được rằng Lời Chúa
là một ngôn ngữ khó hiểu đối với những người không tin theo Thiên chúa, nhưng
đó lại là Lời của chính Chúa Kitô: “Lời
Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6: 63). Hôm nay chúng ta
có thực sự muốn sống bằng tình yêu của Thiên Chúa không, muốn thuộc về Đấng từ
trời mà đến không, như thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu Côrintô, trong bài đọc
thứ hai: “Những kẻ thuộc về đất thì giống
như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà
đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng
ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15: 48-49).
Phêrô Phạm Văn Trung
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|