Trong tất cả những điều tôi rao giảng, rất ít điều có thể gây ra phản ứng
mạnh mẽ, và thường là tiêu cực, như việc kêu gọi hãy tha thứ. Tôi nhận được nhiều
phản kháng tức giận hơn sau một Thánh lễ mà tôi rao giảng về sự tha thứ hơn là
khi tôi nói về sự trong sạch, về lòng tham hoặc về bất cứ chủ đề đạo đức đầy
thách thức nào khác.
Có vẻ như cơn
giận bắt nguồn từ hai thứ: thứ nhất, việc kêu gọi hãy tha thứ hàm chứa sự thiếu
tôn trọng nỗi đau hoặc bất công mà ai đó đã trải qua, hoặc coi nhẹ nỗi đau hoặc
bất công đó. Thứ hai, việc kêu gọi hãy tha thứ dường như hàm ý rằng cần phải
duy trì hoặc nối lại các mối tương quan độc hại hoặc bất ổn. Tuy nhiên sự tha
thứ không nhất thiết hàm chứa điều nào trong hai điều này.
Sự tha thứ là
một khái niệm thường bị hiểu lầm. Nhiều người hiểu tha thứ là phải chặn đứng cảm xúc
khó chịu về điều gì đó đã xảy ra với họ, hoặc về một người đã làm tổn thương họ.
Nhiều người cũng nghĩ rằng tha thứ là một việc họ phải cố thực hiện bằng chính
sức mạnh của mình, thay vì là một ân huệ nhận được từ Thiên Chúa. Không phải thế!
Sự tha thứ là một công việc của Thiên Chúa trong chúng ta, qua đó Ngài hành động
để giải thoát chúng ta khỏi những tác động độc hại của sự cay đắng và đau buồn
thường đi kèm với tổn thương mà chúng ta phải chịu.
Tha thứ là
buông bỏ yêu cầu thay đổi quá khứ. Rõ ràng là chúng ta không thể thay đổi quá khứ;
chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra. Nhưng chúng ta quá dễ dàng nghĩ
rằng cứ ngẫm nghĩ về những tổn thương trong quá khứ thì sẽ thay đổi được những
gì đã xảy ra hoặc thậm chí là “trả thù” người kia, một cách nào đó. Không phải như
vậy. Từ chối tha thứ cũng giống như mong cho người kia phải chết trong khi
chính bản thân mình uống thuốc độc. Bám víu vào nỗi đau và sự tức giận của
mình, chỉ làm hại chúng ta, dù chuyện đó có thể đồng cảm được.
Vì vậy, sự
tha thứ trước tiên là dành cho chúng ta, hơn là cho người khác. Khi kêu gọi chúng ta
tha thứ, Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng để thoát khỏi rất nhiều chất độc
và tình trạng cảm xúc đắt giá cướp đi niềm vui và sức mạnh của chúng ta. Mang
theo sự tức giận và tổn thương giống như phải mang theo những quả tạ suốt cả
ngày. Thật nhẹ nhõm biết bao khi được giải thoát khỏi gánh nặng đó! Và đây
chính là điều Thiên Chúa trao tặng khi Ngài ban cho chúng ta ân sủng để tha thứ,
để buông bỏ mong muốn thay đổi quá khứ, để buông bỏ mong muốn người khác phải
đau khổ vì những gì họ đã làm với chúng ta.
Dù biết tất cả
những điều này, nhưng nhiều người vẫn không thấy được điều tuyệt vời và ích lợi
cho chính mình mà sự tha thứ có thể mang lại bởi vì họ cứ muốn được nghe
một lời an ủi quan trọng nào đó từ Thiên Chúa. Thực ra, và như Kinh thánh dạy:
“Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với
điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình”
(Rôma 12:9-10), Thiên Chúa nói với tâm hồn đau khổ:
“Ta đã thấy mọi thứ họ đã làm với con,
mọi thứ họ đã nói hoặc không làm hoặc không nói. Ta muốn đảm bảo với con, họ sẽ
phải trả lời với Ta về những gì họ đã làm. Con hãy biết điều này và tin tưởng Ta
sẽ giải quyết điều đó ngay bây giờ. Hãy giao tất cả mọi việc cho Ta. Ta hứa, Ta
sẽ minh oan, Ta sẽ bù đắp. Hãy cầu xin cho những người đã làm tổn thương con biết
ăn năn, nhưng hãy biết điều này, họ sẽ phải tính sổ với Ta. Bây giờ con hãy
trao cho Ta sức nặng của nỗi buồn và sự tức giận của con. Những điều này làm con
mệt mỏi và kiệt sức. Hãy thanh thản và tin tưởng Ta sẽ giải quyết việc đó và
yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm.”
Vậy thì đối với
những tổn thương và nỗi buồn của chúng ta, “tha thứ” là “trao cho” Thiên Chúa để
Ngài giải quyết, tin rằng Ngài sẽ giải quyết để chúng ta có thể buông bỏ. Việc nhận được ơn ban sức
mạnh để tha thứ cho người khác đòi hỏi một mối tương giao ngày càng tăng thêm với
Thiên Chúa và tin tưởng rằng Ngài nhìn thấy và biết hết mọi sự. Khi mối tương
giao của chúng ta với Thiên Chúa tăng trưởng, thì mối tương giao đó ngày càng đầy
đủ để chúng ta biết rằng nếu ai đó đã làm hại chúng ta mà không hối cải, dù chúng
ta cầu xin cho người ấy hối cải, thì một ngày nào đó người ấy sẽ phải trả lẽ với
Thiên Chúa. Thiên Chúa nhìn thấy mọi sự, hiểu mọi sự và sẽ giải quyết mọi việc
theo cách tốt đẹp nhất. Như thế, chúng ta ngày càng sẵn lòng trao phó hết mọi sự
cho Ngài.
Lưu ý rằng, sự
tha thứ không nhất thiết có nghĩa là chúng ta có khả năng hoặc thậm chí cần nối
lại mối tương giao với những người đã gây ra tổn hại lớn lao cho chúng ta. Đôi khi chúng ta có khả
năng làm như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng nên làm như vậy. Đôi khi các mối
tương quan có hại cho cả hai bên liên quan. Đôi khi, vì người kia không hối hận
hoặc không thể hối hận, có thể vì quá lún sâu trong đam mê hoặc vì những lý do ẩn
kín sâu xa, nên việc gần gũi với người đó là quá nguy hiểm. Vì vậy, Kinh thánh
nói rằng: “Hãy làm tất cả những gì anh em
có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình
báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời
chép: Thiên Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả” (Rôma
12:18).
Làm sao việc
tha thứ cho những tổn thương lại là một việc thương xót linh hồn? Trước hết, như chúng ta
đã thấy, tha thứ là một việc thương lấy chính bản thân chúng ta. Sự tức giận, tổn
thương và nuôi dưỡng mối thù làm chúng ta mất sức lực, gây căng thẳng và làm
chúng ta khó chịu. Nhận được ơn ban sức mạnh để tha thứ cho người khác là nhận
được lòng thương xót dành cho chính chúng ta vì chúng ta được giải thoát khỏi
những gánh nặng này. Sức mạnh và nghị lực của chúng ta có thể được định hướng đến
những điều khác tốt đẹp hơn. Chúng ta thậm chí còn ngủ ngon hơn!
Không
phải lúc nào tổn hại đối với chúng ta cũng lớn đến mức chúng ta không thể khôi
phục lại mối tương quan với những người đã làm hại chúng ta. Do đó, tha thứ cho những
tổn thương cũng là một hành động thương xót đối với người đã làm hại chúng ta; tha
thứ có thể giúp cho họ khôi phục lại mối tương quan với chúng ta để họ quý trọng
hơn. Thật là một ân huệ tuyệt vời khi trao ban lòng thương xót và tha thứ cho những
người đã làm hại chúng ta, khi họ tìm kiếm sự tha thứ từ chúng ta.

Trong gia
đình và trong cộng đồng rộng lớn hơn, tha thứ cho những tổn thương là một việc
làm của lòng thương xót, vì nó phá vỡ vòng xoáy tức giận vốn dẫn đến trả thù
thường chia cắt các gia đình, cộng đồng và quốc gia. Đó là một công việc phục hồi
gắn kết những mối tương quan đã bị xé rách.
Đây thực sự
là một việc làm lớn lao của lòng thương xót. Trong những khoảnh khắc
bị tổn thương nghiêm trọng, người ta không dễ tha thứ, nhưng hãy luôn cầu xin ơn
ban này. Gần như không có gì độc hại hơn, đối với cả chúng ta và người khác, bằng
sự tức giận và oán giận đang âm ỉ. Vì vậy, tha thứ cho những tổn thương là một ân
huệ chữa lành tuyệt vời đáng để chúng ta
mong muốn nhận được từ Thiên Chúa và chia sẻ với người khác. Ôi, lòng thương
xót đẹp biết bao!
Đức Ông Charles Pope.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
Từ https://spiritualdirection.com
https://spiritualdirection.com/2024/09/12/forgive-all-injuries-a-meditation-on-the-sixth-spiritual-work-of-mercy