NHỮNG TUYÊN BỐ LẠ LÙNG CỦA CHÚA GIÊSU
Hôm nay, trong trình thuật Tin Mừng theo
thánh Luca, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy hạnh phúc đích thực nằm ở đâu.
Nhưng thoạt nghe, các mối phúc này không phúc chút nào theo mong ước thông thường
của người đời, vì chúng đi kèm với nào là “nghèo
khó, đói khát, khóc lóc và cả bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá
tên như đồ xấu xa” nữa (Lc 6: 20-22). Thật là những chuyện chẳng ai thích,
vì ai cũng biết đó là những nỗi khổ, những bất hạnh không nên rơi vào. Những điều
như vậy không phải là những tuyên bố lạ lùng hay sao? Vậy Chúa Giêsu thực sự muốn
công bố sứ điệp gì khi Ngài tuyên bố những điều lạ lùng như thế?
1. Một sự đảo ngược triệt để các giá trị của người đời
Thánh Luca ghi nhận một chi tiết quan trọng:
trước khi nói những điều lạ lùng này, “Chúa
Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ” (Lc 6: 20). Chúa Giêsu nhìn những ai
Ngài kêu gọi, những ai chọn bước đi theo Ngài, những người thực lòng muốn trở
thành môn đệ của Ngài. Chúa Giêsu biết những gì là quan trọng đối với họ, trong
tư cách là môn đệ của Ngài, là phải biết cách phân biệt hạnh phúc đích thực với
những thứ vui vẻ giả tạo không bền vững. Những thứ bên ngoài này, dù có vẻ là
vui sướng, nhưng thực ra chúng hời hợt, chóng qua và rồi để lại những khốn khổ:
“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ
giàu có...Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê…Khốn cho các
ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười… Khốn cho các ngươi khi được mọi
người ca tụng” (Lc 6: 24-26). Như thường thấy trong các sách Tin Mừng, ở
đây chúng ta có một ví dụ về sự đảo ngược bậc thang giá trị mà Chúa Giêsu rất
coi trọng. Người ta vui vẻ khi được ăn no và vui cười thích thú khi mọi người ca
tụng mình. Điều này có vẻ phù hợp với suy nghĩ, lời nói và hành động của hầu hết
người đời chúng ta. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, và những ai muốn trở thành
môn đệ đích thực của Ngài, thì hạnh phúc thật không phải như thế, nhưng ngược lại:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo
khó...Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói… Phúc cho anh em là những
kẻ bây giờ đang phải khóc… húc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán
ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa…” (Lc 6: 20-22). Với các lời
tuyên bố này, Chúa Giêsu giảng dạy giáo lý về hai con đường: con đường sống thật
và con đường chết thật. Không có con đường trung lập: ai không hướng tới sự sống
muôn đời sẽ hướng tới sự chết muôn đời, giống như người quay lưng lại ánh sáng thì
sẽ tự đi vào trong bóng tối.
“Phúc
cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc
6:20). Phúc thật này là nền tảng của tất cả các phúc thật khác. Thánh Mátthêu
nói rõ về sự nghèo khó này là: “Phúc thay
ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5: 3), vì người có tâm hồn nghèo khó là người không coi
bất cứ thứ gì ở đời này là quá quan trọng, là giá trị duy nhất, phải chiếm đoạt
bằng mọi giá, kề cả những thủ đoạn gây hại cho nhiều người khác. Những kẻ nghèo
khó như thế biết rằng sự giầu có thực sự không thể chỉ giới hạn ở cuộc sống phù
vân này, nhưng nó nằm ở Nước Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, khi người ta biết mở lòng
đón nhận ơn ban đó. Những kẻ nghèo khó sẽ nhận ra điều mình phải đói khát:
không phải của cải vật chất, mà là Lời Chúa; không phải quyền lực, mà công lý
và tình yêu. Những kẻ nghèo khó biết khóc trước những nỗi đau khổ của những người
anh chị em khác trong trần thế. Những kẻ nghèo khó biết rằng tất cả của cải của
mình là món quà từ Thiên Chúa. Tất cả những giá trị vượt thời gian này không hề
giống, thậm chí còn ngược lại những suy nghĩ coi của cải vật chất, thú vui trần
gian, danh vọng phàm nhân là những giá trị tuyệt đối, và vì thế những kẻ nghèo
khó này sẽ bị thế gian hiểu lầm và ngược đãi: “Bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa”
(Lc 6: 22).
“Nhưng
khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của
mình rồi!” (Lc 6:24). Lời than thở này cũng là cơ sở cho tất cả những lời
than thở tiếp sau, bởi vì bất cứ ai giàu có và tự mãn, tự cho mình là đủ, khép
mình trong cuộc sống hưởng thụ riêng tư, không biết dùng của cải của mình để phục
vụ người khác, không khiêm tốn mở lòng đón nhận sứ điệp cứu độ từ trời cao, bên
kia mọi sự đời, thì sẽ tự nhốt mình trong sự ích kỷ và rồi sẽ nhận ra sự bất hạnh
của chính mình. “Nhưng khốn cho các ngươi
là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các
ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho
các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ
khóc than” (Lc 6:24-25). Chúng ta được mời gọi hiểu rằng lời của Chúa Giêsu
đưa chúng ta ra khỏi lối suy nghĩ thấp bé của phàm nhân, khỏi những chuẩn mực của
thế gian, để thay đổi hoàn toàn các giá trị của mình.
Chúa Giêsu có logic riêng của Ngài, vì Ngài
đang nói về Vương quốc Thiên đàng, điều này thật khác với lý lẽ con người và không
dễ chấp nhận. Nhưng chúng ta nên cẩn thận nghe kỹ Lời Chúa nói: “Phúc cho anh em khi vì Con Người…” (Lc 6: 22). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, nói rằng:
“Giáo hội không sợ nghèo đói, khinh miệt
hay bách hại trong một xã hội thường bị thu hút bởi sự sung túc vật chất và quyền
lực thế gian. Thánh Augustinô nhắc nhở chúng ta rằng chịu đựng những điều xấu xa này chẳng có ích gì, nhưng thực ra là chịu
đựng chúng nhân danh Chúa Giêsu,
không chỉ với một tâm hồn thanh thản mà còn với niềm vui” (Kinh Truyền Tin,
quảng trường Thánh Phêrô, Chúa Nhật, 30 tháng 1 năm 2011).
2. Chúng ta chọn theo ai?
“Phúc
cho anh em khi vì Con Người...”
nghĩa là gì? Là làm mọi sự vì Chúa, chọn theo Chúa trong mọi sự. Giống như Giêrêmia,
trong bài đọc thứ hai, kêu gọi những người đương thời của ông đưa ra những lựa
chọn quan trọng, vị ngôn sứ cũng đặt câu hỏi cho chúng ta ngày nay: chúng ta chọn
theo ai, theo Chúa hay theo phàm nhân? Chọn cái chết trong hoang địa, hay chọn sự
sống như cây trồng bên dòng nước? “Đáng
nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và
lòng dạ xa rời Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa, chẳng được thấy hạnh
phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô
cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17: 5-6). Sự khôn
ngoan duy nhất là chúng ta tin cậy vào Chúa, để Ngài hướng dẫn tư tưởng, lời
nói, hành vi và tất cả con người sâu kín của chúng ta và qua đó ban cho chúng
ta sự thanh thản ở đời này và chìa khóa mở vào sự sống vĩnh cửu mai sau. “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Chúa, và có
Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch
suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp
năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17:
7-8).
“Đối
với tôi, sống là Chúa Kitô” (Philípphê 1: 21). Thánh Phaolô đã cảm nghiệm rất
rõ điều này và đã tuyên bố như vậy. Chúa Kitô là người đầu tiên sống lại từ cõi
chết, Đấng ban sự sống mới, sự sống vĩnh cửu, nghĩa là ban hạnh phúc đích thực cho
mọi người. Giáo hội khẳng định rằng Chúa Giêsu: “Nhờ sự Phục Sinh của Ngài, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới.
Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng của Thiên
Chúa, để ‘cũng như Chúa Kitô đã được sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng
được sống một đời sống mới’ (Rm 6,4). Đời sống mới này cốt tại việc chiến thắng
cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào ân sủng” (GLHTCG, số 654). Tất
nhiên Chúa Giêsu không áp đặt ý muốn của Ngài trên chúng ta, nhưng Ngài luôn
tôn trọng sự tự do chọn lựa của chúng ta có bước theo Ngài hay không.
Đây là lý do tại sao, giữa những lo lắng
và phiền muộn do những thử thách đủ loại, kể cả bởi những cuộc bách hại, Chúa
Kitô mời gọi chúng ta kiên trì, tín thác vào Ngài, qua Chúa Giêsu Kitô, Con của
Ngài, cố gắng xóa bỏ chúng khỏi cuộc sống của chúng ta. Tín thác vào Chúa Giêsu
Kitô, chúng ta tin chắc rằng, nhờ Thánh Thần của Ngài ban sức mạnh, chúng ta sẽ
đạt tới hạnh phúc thật.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI huấn dụ: “Các Mối Phúc là một chương trình sống mới, để
giải thoát bản thân khỏi những giá trị giả tạo của thế gian và mở lòng đón nhận
những điều thiện hảo đích thực, hiện tại và tương lai. Thật vậy, khi Thiên Chúa
an ủi, Ngài thỏa mãn cơn đói công chính, Ngài lau khô nước mắt của những người
than khóc, điều đó có nghĩa là, ngoài việc đền bù cho từng người một cách thiết
thực, Ngài còn mở ra Vương quốc Thiên đàng” (đã dẫn ở trên).
Không phải những thử thách tự chúng khiến
người môn đệ hạnh phúc; nhưng là chính nhờ Chúa Kitô, với Ngài và trong Ngài mà
chúng ta giúp nhau vượt qua những nghèo khó, đói khát, khóc lóc, oán ghét, khai
trừ, và sỉ vả. Nhờ đó, lời mời gọi của Chúa Giêsu, dù có vẻ kỳ lạ, có thể thực
sự hiểu được trong viễn cảnh hạnh phúc: “Vì
Nước Thiên Chúa là của anh em…Vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng…Vì anh
em sẽ được vui cười... Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần
thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Lc 6: 21-22).
Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi cơn
khát giàu sang, đừng chạy theo những lời hứa của thế gian mà đặt kỳ vọng vào của
cải vật chất; Xin Chúa đừng để chúng con thỏa mãn với lời khen ngợi và tâng bốc
của người đời, đừng đặt con người chúng con vào vinh quang thế gian nhưng vào sự
sống đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Chúa Kitô, như thánh
Phaolô xác quyết trong bài đọc thứ hai: “Nếu
chúng ta đặt hy vọng vào Chúa Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những
kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Chúa Kitô đã trỗi dậy từ
cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15: 19-20).
Phêrô Phạm Văn Trung
Tác giả:
Phêrô Phạm Văn Trung
|