Chuyên mục:
TÔI TIN, CHÚNG TÔI TIN
Tác giả: Christel Juquois, 10/11/2024
Chuyển
ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung
từ
https://www.la-croix.com/religion/la-bible-peut-elle-se-contredire-20241011
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://youtu.be/3UPivVnh5H0
Những mâu thuẫn của Kinh Thánh. Một số khác biệt giữa các
đoạn Kinh Thánh có thể đặt ra vấn nạn. Một số người thậm chí còn coi đó là bằng
chứng cho thấy Kinh Thánh không đáng tin cậy. Vậy thì tại sao Kinh Thánh không phải lúc nào cũng nhất quán? Các
yếu tố giải thích.
1. Chúng ta có thể tìm thấy những mâu thuẫn nào trong Kinh Thánh?
Những mâu thuẫn thì rất nhiều. Ví dụ, chúng ta tìm thấy
trong Kinh Thánh hai phiên bản khác nhau của
Mười Điều Răn, những điều cơ bản trong Do Thái giáo cũng như trong
Kitô giáo. Trong sách Xuất Hành (20:2-17), giới răn Sabbát được đưa ra để dân
chúng nhớ rằng Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới. Trong sách Đệ Nhị Luật (5,
6-21), giới răn Sabbát được đưa ra là để dân chúng nhớ rằng Thiên Chúa đã đưa
họ ra khỏi Ai Cập. Tu sĩ Dòng Tên Marc Rastoin [1]
tin rằng: “Hai minh chứng này đều đúng. Sự khác biệt của hai phiên bản đó không đối nghịch nhau,
điều đó cho thấy rõ rằng Thiên Chúa mặc khải không mâu thuẫn với Thiên Chúa
Sáng tạo.” Nhà thần học Tin Lành Antoine Nouis [2] diễn tả
cách tinh tế rằng: “Tôi muốn nói đến
những tình huống căng kéo hơn là nói đến những mâu thuẫn. Chính trong những tình huống căng kéo này mà mặc khải vẫn
có thể được người ta nghe thấy và mang lại hiệu quả cho chúng ta cho đến tận
ngày nay.”
2. Tại sao các văn bản không mạch lạc hơn?
Đối với học giả Kinh Thánh Sophie
Ramond [3], “chúng ta phải hiểu rằng
Kinh Thánh là thành quả của một quá trình viết
lâu dài”. Trên thực
tế, trước khi bộ Kinh Thánh quy điển được thiết lập, những văn bản này đã được
viết lại và điều chỉnh nhiều lần theo nhu cầu của lịch sử và các sự kiện của
thời ấy. “Những người hoặc cá nhân viết
những bản văn này đọc lại lịch sử của họ như là nơi Thiên Chúa mặc khải. Sự
mặc khải này là một mầu nhiệm lớn lao đến nỗi chúng ta đã tìm nhiều cách để
diễn tả mầu nhiệm đó.”
Từ những lần mò mẫm này, một số phiên bản của cùng một câu chuyện đã được lưu
giữ trong bộ Kinh Thánh quy điển.

Đối với Antoine Nouis cũng như đối với Cha Marc Rastoin,
những mâu thuẫn này thậm chí còn do cố ý. Học giả Kinh Thánh Tin Lành đảm bảo: “Tính đa dạng thuộc
về sứ điệp của Kinh Thánh. Sự trái ngược không phải là sai lầm hay quên sót.”
Đặc biệt khi chúng ta tìm thấy những điều trái
ngược đó dưới ngòi bút của cùng một tác giả. Khi Luca thuật lại
trong Tin Mừng của mình câu chuyện về Chúa Thăng Thiên (24:50-51), ngài đặt
biến cố này vào đúng ngày lễ Phục Sinh. Nhưng khi ngài nhắc lại điều đó ở đầu
sách Công Vụ Tông Đồ (1, 3), Lễ Thăng Thiên xảy ra bốn mươi ngày sau Lễ Phục
sinh. Tại sao có sự khác biệt này? Antoine Nouis giải thích: “Mỗi phiên bản đều
có một ý nghĩa thần học. Trong Tin Mừng, câu chuyện về Chúa lên trời khép lại
cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trong Công Vụ Tông Đồ, câu chuyện về Chúa lên trời mở ra
thời kỳ của Giáo Hội.”
Đối với Marc Rastoin, vấn nạn này gợi nhớ đến bộ phim
truyền hình dài tập The Chosen, một tác phẩm của Mỹ về cuộc đời Chúa Giêsu, dựa
trên Tin Mừng Nhất Lãm cũng như của Thánh Gioan. Tuy nhiên, bản văn của Gioan
rất khác với ba bản văn Nhất Lãm kia, vốn trình bày một Chúa Giêsu nhân tính
hơn. Đối với Cha Rastoin, điều này gây ra khó khăn: “Việc dành ưu tiên cho Gioan hoặc cho các tác giả Nhất Lãm sẽ có nguy cơ
khiến mọi người quên rằng Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.
Nhưng việc đưa các phiên bản của Gioan và các phiên bản Nhất Lãm vào chung một
cuốn sách hoặc chung một kịch bản là điều không thể.” Giáo Hội đã giữ
nguyên bốn Tin Mừng trong quy điển Tân Ước của mình, bởi vì “chính trong cuộc
đối thoại giữa các Tin Mừng khác nhau mà điều gì đó được kể cho chúng ta về
Chúa Giêsu Kitô, Đấng đang sống và không để cho mình bị giới hạn trong các bản
văn”, Antoine Nouis giải
thích.
3. Những những tình huống căng kéo này có đặt ra câu hỏi về độ tin
cậy của trình thuật trong Kinh Thánh không?
Cha Rastoin tiếp tục: “Kinh Thánh không phải là một cuốn sách khoa
học, Kinh Thánh không có tham vọng hoàn toàn mạch lạc theo quan điểm logic.” Người đọc phải chú ý đến tình trạng của các văn
bản: không phải tất cả đều có chung một ý định
về cùng một chân lý. Những mâu thuẫn được ghi nhận có liên quan gì?
Nếu đó là vấn đề mâu thuẫn về chất liệu, chẳng hạn như tên của một nhân vật
thay đổi tùy theo những quyển sách, thì điều đó có quan trọng không? “Về những điểm cốt
yếu của sứ điệp, Kinh Thánh không tự mâu thuẫn vì được Chúa Thánh Thần linh
hứng, nhưng vẫn giữ những tình huống căng kéo buộc chúng ta phải suy ngẫm.”
Tu sĩ Dòng Tên nhắc lại câu nói này của Thánh Phaolô: “Vì chữ viết thì
giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Côrintô 3, 6).
Vậy thì chúng ta nên nghĩ gì về những tranh cãi nhất định
vốn đã chống lại các nhà thần học trong nhiều thế kỷ, chẳng hạn như tranh cãi
giữa những người theo Luther và những người Công Giáo về ơn cứu độ nhờ ân sủng hay bằng việc làm? Cho đến khi có
Thỏa thuận Augsburg năm 1999, anh em Tin Lành đã đồng ý với thánh Phaolô, vì
thánh nhân cho rằng tình yêu của Thiên Chúa là
điều đầu tiên dẫn đến ơn cứu độ. Những người Công Giáo dựa trên một
bức thư của thánh Giacôbê, vì thánh nhân cho rằng đức tin không là gì nếu không
có việc làm, đặc biệt là những việc làm bác ái. Antoine Nouis giải thích: “Giacôbê phản đối quan điểm của Phaolô vì nó
có nguy cơ khiến chúng ta tin rằng chúng ta không cần phải nỗ lực nhiều. Đối với tôi, không có mâu thuẫn cơ bản giữa Giacôbê và
Phaolô. Thánh Giacôbê đặt mình ở mức độ các hậu quả của đức tin và tình yêu
Thiên Chúa, trong khi Thánh Phaolô đặt mình ở thượng nguồn ơn cứu độ.”

4. Những khác biệt này có phải là trở ngại cho đức tin không?
LM Marc Rastoin giải thích: “Trong Do Thái giáo, người ta vui mừng trước những tình huống căng kéo
và mâu thuẫn trong Kinh Thánh, từ đó người ta có thể rút ra nhiều bài học.
Chính các Giáo Phụ cũng vậy, các ngài đã sử dụng những tình huống căng kéo và
mâu thuẫn trong Kinh Thánh để phát triển một số điểm thần học và hiểu rõ hơn ý định sâu xa của nhà lập pháp tối cao là
Thiên Chúa.”
Vậy
chúng ta có nên loại bỏ sự xác tín rằng Kinh Thánh tạo thành một tổng thể mạch
lạc, thể hiện một sự thống nhất không? Nhà thần học Bernard Sesboüé (1929-2021)
đã viết vào năm 1990: “Một cuốn sách
không có sự thống nhất thì không có ý nghĩa gì: nguyên
lý cơ bản về sự thống nhất của Kinh Thánh quy điển là một nguyên lý cơ bản của
lý trí và lương tâm con người. Nhưng sự thống nhất về ý nghĩa vốn có trong Kinh
Thánh quy điển cũng là một nguyên lý cơ bản của đức tin, được kết hợp chặt chẽ
với niềm xác tín đã thiết lập nên quy điển.”
******************
Trích dẫn. Những mâu thuẫn
trong Kinh Thánh
“Mâu thuẫn… để hiểu ý tác giả thì người ta
phải làm cho tất cả những đoạn trái ngược phù hợp với nhau. Vì vậy, để hiểu
Kinh Thánh, cần phải có một ý nghĩa để tất cả các đoạn văn phù hợp với nhau
trong ý nghĩa đó; thật là không đủ nếu chỉ có
một ý nghĩa phù hợp với tất cả các đoạn văn tương ứng, mà phải có một ý nghĩa
phù hợp với ngay cả những đoạn trái ngược nhau” (Blaise Pascal,1623-1662, Pensée, số 257,
Lafuma).
“Sự thống nhất này của Kinh Thánh, vốn hàm ý
rốt cuộc sẽ không còn mâu thuẫn nào giữa các ý tưởng và các xác quyết thần học
cốt yếu khác nhau, theo quan điểm thần học, là một một nguyên lý cơ bản và
không thể tách rời khỏi sự linh hứng và tính chất quy điển của Tân Ước và của
các Sách Thánh” (Heinrich Schlier, 1900-1978, Tiểu luận về Tân Ước).
Chú thích:
(1)
Marc Rastoin - Tu sĩ dòng Tên, tiến sĩ thần học Kinh Thánh, giáo sư tại Phân khoa
Loyola Paris, tác giả cuốn Entrer dans
l’Évangile avec saint Ignace - Đi vào Tin Mừng với Thánh Inhaxiô (Salvator,
2017).
(2)
Antoine Nouis - Học giả và nhà thần học Kinh Thánh Tin Lành, tác giả cuốn La Bible. Commentaire intégral verset par verset -
Kinh Thánh. Chú giải toàn bộ theo từng câu (6 tập, Olivétan/Salvator).
(3)
Sophie Ramond - Giáo sư tại Học viện Công Giáo Paris, đồng tác giả với Olivier Artus
trong cuốn Penser les défis contemporains
avec la Bible hébraïque - Suy nghĩ về những thách thức đương thời với Kinh Thánh
tiếng Do Thái (Odile Jacob, 2022).
Xin
đọc thêm: https://daminhvn.net/kinh-thanh/phuong-phap-doc-kinh-thanh-phan-biet-su-that-ban-van-va-su-that-lich-su-5079.html

Phêrô Phạm Văn Trung,
Hẹn
gặp lại