Tin Mừng Luca hôm
nay kể về “bà Maria và ông Giuse đem con
lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa theo luật Môsê” (Lc 3: 22). Chúng ta
học được gì từ câu chuyện này để chính mình ngày càng trở nên Kitô hữu đích thực
hơn? Chúng ta cần học cách kiên nhẫn mong chờ và khát khao tìm gặp “Thiên Chúa cứu độ” như cụ già Simêon và
bà Anna nơi Đền thánh của Ngài (Lc 3:38). Chính Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu
Kitô, đến tìm gặp con người chúng ta. Chúa Giêsu Kitô cũng là vị Thượng tế bước
lên thập giá trên đồi Canvê, như tiến vào Đền thánh, để dâng lễ hy sinh, là
chính Thân Mình Ngài, để cứu chuộc và đem lại cho chúng ta niềm vui chan chứa:
“Như vậy, nhờ cái chết của Ngài, Ngài đã
tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ…trở thành một vị Thượng Tế
nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân”
(Hípri 2: 14,17).
1. Cuộc gặp gỡ của Israel với Chúa Kitô
Trong trình thuật Tin
Mừng họm nay, thánh sử Luca cho chúng ta thấy hai vị cao niên, kính sợ Chúa, đã
chờ đợi Đấng Mêsia đến: “Hồi ấy ở
Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo,
ông những mong chờ niềm an ủi của Israel” (Lc 2:25). Đó là ông Simêon. “Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là Anna…Bà
không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa...
mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2: 36-38).
Cả ông Simêon và bà
Anna đều đã già. Bà Anna đã 84 tuổi, bà đã chờ Thiên Chúa đáp lại lời cầu nguyện
của mình không phải một vài tháng, nhưng hơn một ngàn tháng! Thế mà các ngài vẫn
chờ đợi trong tin tưởng vững vàng. Sự kiên trì chờ đợi ấy cuối cùng đã được đền
đáp bằng niềm vui thỏa nguyện.
Đây là khoảnh khắc
đầu tiên Israel gặp gỡ Chúa Kitô. Cụ già Simêon và nữ ngôn sứ Anna, đại diện
cho Israel, đã được nhìn thấy cháu bé này, ngẫu nhiên được đưa đến trước mặt họ
trong đền thờ sau khi Israel, dân Chúa, đã chờ đợi hàng trăm năm. Lời ngôn sứ
Isaia tiên báo đã ứng nghiệm: “Một trẻ
thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:
5). Trẻ thơ này cũng là Vua công chính của Israel: “Ngài gánh vác quyền bính trên vai…Ngài sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền
hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Ngài sẽ làm cho
vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho
đến mãi muôn đời” (Is 9:5-6). Vị vua này đem lại niềm vui lớn lao cho
Israel: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan
hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng
vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm” (Is
9: 2).
Không có gì có thể
so sánh được với việc sống trong mối tương giao mật thiết với Chúa Giêsu, vị
vua chính trực công minh, và biết rằng những khát khao trong đời của chúng ta được
Ngài đáp ứng. Đôi khi, chúng ta không thấy Chúa đáp lại lời cầu xin của chúng
ta trong một thời gian nào đó, chúng ta bắt đầu nghi ngờ liệu Chúa có nghe lời
cầu nguyện của chúng ta hay không. Chúng ta đều biết rằng chờ đợi Thiên Chúa nhận
lời cầu xin của chúng ta, như cụ già Simêon và nữ ngôn sứ Anna, thì khó khăn
như thế nào. Nhưng thật sự Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta và đến với
chúng ta trong từng khoảnh khắc mỗi ngày. Liệu chúng ta có bền lòng mong chờ, để
rồi nhận ra Ngài trong mọi hoàn cảnh cuộc sống không? Có Chúa Giêsu, chúng ta
có hy vọng ngay trong hiện tại và trong tương lai.
2. Cuộc gặp gỡ của cụ già Simêon với
Chúa Kitô
Thiên Chúa đã hứa ban
cho cụ già công chính, đạo hạnh Simêon ân huệ được thấy ơn cứu độ: được nhìn thấy
Thiên Chúa bằng chính đôi mắt của ông. Đây là sự hưởng kiến hạnh phúc mà, nếu
Chúa muốn, tất cả chúng ta sẽ trải nghiệm khi được diện kiến Thiên Chúa vinh
quang rực rỡ trên Thiên đàng. Cụ già Simêon muốn tận mắt nhìn thấy ánh sáng này
chiếu rọi trên mọi quốc gia. Ông mong mỏi Chúa đến, mang lòng thương xót, công
lý và chân lý của Ngài đến với thế gian tan vỡ. Giống như ông Gióp, cụ già
Simêon mong mỏi được nhìn thấy Đấng Kitô của Thiên Chúa trên trần gian: “Tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi
sẽ được ngắm nhìn Ngài, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi
những tha thiết mong chờ” (Gióp 19:26-27). Cụ già Simêon đã nhận được phúc
lành khi được “ẵm lấy Hài Nhi trên tay”
(Lc 2:28). Nhờ ân huệ thị kiến Thiên Chúa, ông đã công bố sứ mệnh thực sự của
Chúa Giêsu trên thập giá: “Thiên Chúa đã
đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên.
Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm
tâm nhiều người sẽ lộ ra” (Lc 2: 34-35). Cụ Simêon cũng đã gặp Mẹ Maria,
đem đến cho Mẹ một loại Truyền tin “thứ hai”. Mẹ Maria sẽ dự phần riêng của
mình trong nỗi đau khổ của thập giá: “Còn
chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2: 35). Là môn đệ của
Chúa Kitô, chúng ta chắc chắn cũng sẽ chia sẻ nỗi đau khổ cứu chuộc của Ngài, bằng
nhiều cách, nhưng cuối cùng sẽ là niềm hân hoan như cụ già Simêon lên tiếng
chúc tụng Thiên Chúa: “Chính mắt con được
thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” (Lc 2: 30).
3. Cuộc gặp gỡ của bà Anna với Chúa Kitô
Bà Anna, dù là một
phụ nữ, lại già cả, nhưng bà là một phụ nữ đạo hạnh và can đảm. Bà có khả năng
đem lại niềm hứng khởi cho những người khác. Bà được biết đến như một nữ ngôn sứ,
nghĩa là bà cũng được phúc thị kiến Thiên Chúa, như trong bài đọc thứ nhất, ngôn
sứ Malakhi đã từng báo trước: “Này Ta sai
sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các
ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Ngài. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các
ngươi đợi trông đang đến” (Ml 3: 1). Thánh Luca đã nói về bà như một nhân vật
có gia thế rõ ràng trong lịch sự hình thành dân tộc Israel: “Con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase” (Lc
2:36). Bà đã kết hôn và góa chồng, sau đó dành cả cuộc đời để phục vụ Chúa
trong đền thờ, liên tục thờ phượng, cầu nguyện, ăn chay và trông đợi Đấng Mêsia.
Khi nhìn thấy Chúa Giêsu, bà biết rằng đó là thời điểm Thiên Chúa viếng thăm, không
giống như nhiều người Israel “đã không nhận
biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Luca 19:44). Khi gặp Chúa
Giêsu, bà ngay lập tức thể hiện vai trò ngôn sứ của mình: “Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài
Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Luca
2:38).
Chúng ta có tin tưởng
và mong chờ Thiên Chúa không? Làm thế nào để chúng ta gặp được Chúa Kitô trong
lời cầu nguyện và các bí tích và sau đó giúp cho người khác gặp Chúa Kitô qua
chúng ta?
4. Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa
Kitô
Cụ già Simêon đã cầu
nguyện với Chúa: “Chính mắt con được thấy
ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài” (Lc 2: 30-32). Sau này Chúa Giêsu xác nhận
điều đó: “Ta là ánh sáng của thế gian”
(Ga 8:12). Chúa Giêsu là ánh sáng của thế gian và của cuộc đời chúng ta. Ngài
muốn chiếu sáng vào mọi góc tối tăm trong cuộc sống của chúng ta và biến đổi
chúng nên tươi sáng. Chúa Giêsu muốn mang lại cho chúng ta niềm vui, sự bình an
và một tương lai đáng hy vọng bằng cách sẵn lòng chịu chết trên thập tự giá vì
chúng ta. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Trên Thập giá, Chúa Giêsu sẽ được xác nhận một cách dứt khoát như một dấu
chỉ của sự mâu thuẫn, và chính tại đó, trái tim của Mẹ Ngài sẽ bị đâm thủng bởi
lưỡi gươm đau thương. Chúng ta được kể tất cả mọi điều ngay từ đầu, vào ngày lễ
Dâng Chúa Giêsu vào Đền thờ, vào ngày thứ 40 sau khi Chúa Giêsu sinh ra...”
(Bài giảng, Chúa Nhật, ngày 2 tháng 2 năm 1997).
Đây cũng là khoảnh
khắc Thiên Chúa mặc khải Chúa Kitô, là Thầy thượng tế đích thực cho chính đền
thờ: “Chúa Kitô đã đến làm Thượng Tế đem
phúc lộc của thế giới tương lai” (Hípri 9:11). Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II nói: “Đấng đã được mong đợi
trong nhiều thế kỷ đã bước vào đền thờ Giêrusalem, Đấng thực hiện lời hứa của
Giao ước Cũ: Đấng Mêsia đã được báo trước… Người Con mới sinh của Mẹ Maria đến
Giêrusalem là một biến cố quyết định trong lịch sử cứu độ…Đền thờ đang chờ đợi,
một cách đặc biệt nhất, Đấng đã được hứa. Do đó, sự xuất hiện của Ngài có ý nghĩa
tư tế: “Ecce sacerdos magnus”; kìa, Thượng tế đích thực và vĩnh cửu bước vào đền
thờ” (đã dẫn trên).
Chúa Giêsu cũng nói
với mỗi người chúng ta: “Chính anh em là
ánh sáng cho trần gian” (Mt 5:14). Chúng ta cần chia sẻ ánh sáng đó với người
khác. Đó là món quà chúng ta dành ban tặng cho người khác.
Dù ở nhà, ở nhà máy,
ở nơi làm việc hay nơi khu xóm, đường phố, mỗi chúng ta đều được Chúa Giêsu chọn
để tỏa sáng như ánh sáng của Ngài, để phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa cho người
khác. Do vậy, bất cứ nơi nào có thể, vì là người theo Chúa Giêsu, chúng ta cần
phải chiếu sáng bằng tình yêu thương, bằng lời nói tử tế, bằng sự tha thứ và bằng
thái độ dịu dàng, bằng cử chỉ thân tình đối với người khác để chiếu tỏa tình
yêu của Thiên Chúa cho họ. Chúng ta hãy là ánh sáng và đem lại niềm hứng khởi cho
cuộc sống của những người khác.
Ngay cả các bậc cao
niên cũng có vai trò riêng trong việc phản chiếu tình yêu thương của Thiên Chúa.
Các bậc lớn tuổi nên tin tưởng rằng có nhiều sứ vụ cần làm trong Hội Thánh và
công việc Chúa Giêsu giao cho chúng ta có thể chỉ mới bắt đầu. Những người trẻ cần
trân trọng các bậc cao niên, đừng quên vai trò của các ngài trong gia đình,
trong cộng đoàn giáo xứ. Các ngài có rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống gia
đình, xã hội và tâm linh, để cống hiến và tất cả chúng ta đều có thể học hỏi rất
nhiều điều từ các ngài.
Lạy Chúa Giêsu, chúng
con kinh ngạc khi Chúa đến với chúng con trong lịch sử, như trong trình thuật
Tin Mừng hôm nay. Chúng con kinh ngạc khi Chúa đến với chúng con trong Bí tích
Thánh Thể nhiệm mầu và trong Lời Chúa. Chúng con sẽ còn kinh ngạc hơn nữa khi
Chúa lại đến trong uy nghi, khi “Hết mọi
người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Luca 3:6). Xin Thánh Thần Chúa
soi sáng và dẫn dắt chúng con gặp được Chúa, như cụ già Simêon và cụ bà Anna, để
chúng con xây dựng Nước Chúa, chuẩn bị cho Chúa lại đến. Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung