Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Phêrô Phạm Văn Trung
Bài Viết Của
Phêrô Phạm Văn Trung
Mục Tử Nhân Lành đến để chúng ta được sống
“Anh em đến mà ăn!” (Làm sáng tỏ mầu nhiệm của thức ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu)
Một cuộc viếng thăm bất ngờ tuyệt vời
Phục Sinh và Ý Nghĩa Cuộc Đời (Chi tiết từ “Sự phục sinh” (1715) của Sebastiano Ricci.)
Cái chết không chiến thắng
Tin vào Chúa Phục Sinh đòi hỏi một thái độ xác tín
Chúa Kitô trút bỏ mọi vinh quang bằng lòng chịu chết vì yêu thương
Chúng ta là một dân tộc Phục Sinh
Khao khát gặp Chúa Giêsu
Chết đi để sống tình yêu đích thực
Niềm vui trong tình xót thương của Thiên Chúa
Thiên tính hiển vinh của Chúa Giêsu.
Suy niệm và sống Mùa Chay Thánh
Kẻ thù ngày nay và Nước Trời ngày mai
Trở lại cuộc đời thanh sạch
Tin cậy và phó dâng mọi sự cho Chúa
Cầu nguyện suy niệm dành cho những người dễ bị phân tâm
Hơn cả sự chữa lành
Bài học về thẩm quyền
Chúng ta tìm thấy Chúa ở đâu?
CHÚA QUAN TÂM TÔI LÀ AI, NGÀI KHÔNG QUAN TÂM TÔI CÓ GÌ.
VIỆC CHIÊM NIỆM CÓ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI KHÔNG?
MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH
Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu
Hãy chọn Chúa Kitô và bước đi theo Ngài
Hãy thờ phượng Đức Vua
Đón Chúa theo gương mẫu của Mẹ Maria
Niềm vui được ánh sáng Chúa Kitô chiếu rọi
Cảm nghiệm niềm vui trong Chúa Kitô
Sám hối, thú tội và thanh tẩy đời sống để đón Chúa đến
Hãy canh chừng, hãy thức tỉnh
VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU CỦA VUA NHÂN LÀNH
ĐỜI SỐNG ĐẠO HẠNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT THA NHÂN
TẨY TRẮNG ÁO MÌNH TRONG MÁU CON CHIÊN
LÀM CHO NHỮNG YẾN BẠC SINH LỢI GẤP ĐÔI
TẠI SAO CHÚNG TA LẠI CHẾT?
NGỌN ĐÈN HẾT DẦU VÀ CƠN BUỒN NGỦ
PHỤC VỤ TRONG KHIÊM NHƯỜNG
KINH THÁNH CÓ ĐỀ CẬP DẾN LUYỆN NGỤC KHÔNG?
SỰ HIỆP THÔNG CỦA CÁC THÁNH
CHÚA THÁNH THẦN LÀM TĂNG TRƯỞNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN KITÔ HỮU


 

Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chỉ có thể được hiểu trong mối tương quan với Lễ Phục sinh và Lễ Thăng Thiên. Chúa Giêsu đã chết để cứu độ con người. Ngài sống lại và rời bỏ thế trần để về cùng Chúa Cha. Mười ngày sau, Thiên Chúa Cha sai Thánh Thần của Chúa Con đến với loài người. Ngày lễ này khép lại Mùa Phục sinh kéo dài năm mươi ngày, do đó còn được gọi là Lễ Ngũ Tuần và có thể được coi là Lễ Khai Sinh cộng đoàn Kitô giáo, tức là Giáo Hội.

Gió và lửa

Vào ngày thứ năm mươi sau Lễ Phục sinh, trong khi một đám đông tụ tập để dự lễ Shavuot (Lễ Tuần, ngày lễ của người Do Thái kỷ niệm ngày Thiên Chúa ban Mười Điều Răn cho Môsê và cho dân Ítraen tại núi Sinai), các Tông đồ, Mẹ Maria và một số người thân nghe thấy “từ trời bỗng phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp” (Công Vụ Tông Đồ 2: 3); đây là dấu hiệu đầu tiên. Dấu hiệu thứ hai xảy ra ngay sau đó: “những hình giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (Công Vụ Tông Đồ 2: 4); Và đây là điều kỳ diệu thứ ba: “được tràn đầy ơn Thánh Thần”, được biểu thị bằng gió và lửa, “họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Công Vụ Tông Đồ 2: 4). Đám đông “những người Do thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về Giêrusalem” (Công Vụ Tông Đồ 2: 5) đang mừng lễ Shavuot bị choáng váng “Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình”.  Họ nói với nhau “sửng sốt và phân vân: Thế nghĩa là gì?” (Công vụ Tông Đồ 2: 12). Sự việc xẩy ra quá lạ lùng đến nỗi có những người không hiểu được bèn giải thích, với giọng điệu chế nhạo, theo kiểu đời thường mà họ vẫn thấy: “Mấy ông này say bứ rồi!  (Công vụ Tông Đồ 2: 1-13).

Như vậy, lời hứa của Chúa Giêsu với các Tông đồ khi Ngài còn ở với các ông đã hoàn thành. Vào Lễ Thăng Thiên, mười ngày trước đó, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” ( Công vụ Tông Đồ 1: 8).

Thật vậy, các Tông đồ, sau khi nhận được sức mạnh của Thánh Thần, liền tỏ ra rất can đảm, rời khỏi phòng Tiệc Ly nơi họ từng giam mình trong sợ hãi và ngay lập tức bắt đầu làm chứng cho sự sống lại của Chúa Kitô, làm cho mọi người biết đến lời dạy của Ngài và làm phép rửa cho những ai tin vào Lời của Ngài. Như thế, vào Lễ Ngũ tuần, Hội Thánh được khai sinh, không phải bởi ý muốn của con người, nhưng bởi quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa. Sau sự kiện này, những cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên ra đời, rồi được tổ chức, phát triển và loan truyền.

Ân huệ dành cho tất cả mọi người

Những lời tường thuật trong Công vụ Tông đồ rất có ý nghĩa: gió và lửa - như nhiều câu chuyện khác trong Kinh thánh- biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa. Các lưỡi lửa làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trên những người đang có mặt trong căn phòng Tiệc Ly.

Tin Mừng là lời mời gọi của Chúa Kitô, trước hết dành cho các Tông đồ và sau đó là dành cho mọi người, nên ơn Thánh Thần giúp các Tông đồ đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô: trở thành chứng nhân của Ngài “cho đến tận cùng trái đất” (Công vụ Tông Đồ 1: 8). Giống như các Tông đồ, người Kitô hữu được mời gọi không phải để ở lại trong chính mình, đứng ngoài lề cuộc sống và thế giới, nhưng trái lại, để bước ra, đi loan báo Tin Mừng cứu độ một cách rõ ràng và tràn đầy tự do.

Chúng ta nhận được Thần Khí nào vào Lễ Ngũ Tuần?

Hành động của Chúa Thánh Thần ngày nay vẫn giống như vào ngày Lễ Ngũ tuần: ghi khắc Lời của Chúa Kitô, tức là Tin Mừng, trong tâm hồn của các Kitô hữu để họ có thể sống lời ấy, để họ có thể khám phá ra sức mạnh của Lời Chúa, khám phá ra khả năng của Lời Chúa biến đổi đời sống của các Kitô hữu.

Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi!”  (Rôma 8:15) 

Với Lễ Ngũ tuần, ân huệ của Chúa Thánh Thần không chỉ tuôn đổ trên một số ít người như trong Cựu Ước: vua, tư tế và Tiên tri. Thiên Chúa đang tuôn đổ Thánh Thần một cách dồi dào trên toàn thể dân Ngài.

Một Giáo hội năng động và truyền giáo

Từ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo hội trở thành một Giáo hội sống động, tích cực, truyền giáo, nơi mỗi thành phần Dân Chúa, tùy theo đặc sủng của mình, là hồng ân mà mỗi người đã lãnh nhận, góp phần vào việc loan báo Tin Mừng. Mỗi người triển khai chiều kích tiên tri của cuộc đời đã được rửa tội của mình. Dù tất cả đều được làm cho sinh động bởi cùng một Thần Khí, nhưng  không phải tất cả đều hành động theo cùng một cung cách. Sự hiệp nhất không phải là sự đồng hóa vì Thánh Thần khơi dậy trong lòng Giáo hội nhiều tác mục, nhiều ơn gọi và nhiều đặc sủng khác nhau. Dựa theo Công đồng Vatican II, các đặc sủng được phân phát rộng rãi trong các thành phần dân Chúa, và hết mọi tín hữu “đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa. Ðể thể hiện việc tông đồ này, Chúa Thánh Thần thánh hóa dân Chúa qua tác vụ và các bí tích. Ngài cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (1Cor 12,7), "phân phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài" (1Cor 12,11) để "mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau" và chính họ trở nên như những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa" (1P 4,10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (x. Eph 4,16). Do sự đón nhận những đoàn sủng này dẫu là những đoàn sủng thông thường, mỗi tín hữu có quyền lợi và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo Hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo Hội trong tự do của Chúa Thánh Thần, Ðấng "muốn thổi đâu thì thổi" (Gioan 3,8) và đồng thời sử dụng trong sự hiệp thông với anh em trong Chúa Kitô, nhất là với các bản tính đích thực và việc sử dụng thích hợp những đoàn sủng đó, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để thử nghiệm mọi việc và điều nào tốt thì giữ lấy (x. 1Th 5,12; 19,21) ” [1].

Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô đã chết và đã sống lại cho mọi người. Vì thế qua Thánh Thần của Ngài, Ngài ban cho con người ánh sáng và sức mạnh để con người có thể đáp lại thiên chức cao cả của mình” (Gaudium et Spes – Vui mừng và Hy vọng, số 10) và “Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin mà tin rằng mình được Thánh Thần Thiên Chúa là Ðấng bao phủ mặt đất hướng dẫn, cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời” (số 11).

Chúa Thánh Thần đang làm việc trên khắp thế giới. Ngài thổi nơi Ngài muốn; trong tâm hồn của những người nghèo, của những người nhỏ bé, mà Chúa Giêsu đã chuyện trò một cách ưu tiên. Hơi thở của Chúa Thánh Thần sẽ luôn dẫn dắt Giáo hội loan báo Tin Mừng cho muôn dân: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất ” ( Công vụ Tông Đồ 1: 8). Giáo hội, về bản chất, là truyền giáo. Giáo hội, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, sai các thành viên của mình đem Tin Mừng duy nhất từ Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, đến mọi quốc gia,bằng mọi ngôn ngữ,  giúp họ đón nhận Tin Mừng đó theo nền văn hóa riêng của mình, làm cho mỗi người tiếp nhận Tin Mừng đó bằng ngôn ngữ riêng, trong môi trường sống của chính họ.

Chúng ta nhận được gì từ Chúa Thánh Thần?

Bài thánh ca cổ xưa Veni Creator Spiritus [2] khần cầu Chúa Thánh Thần ban cho các Kitô hữu “ơn bảy nguồn.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời. Amen. [3]

 

Ơn bảy nguồn của Chúa Thánh Thần là gì? 

Chính Chúa Thánh Thần là Đấng được Chúa Cha ban cho chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần là “Ơn được trao ban.  Điều này được nói rõ trong các sách Tân ước, như Thánh Luca: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Ngài sao?” (Lc 11,13), Tin mừng thánh Gioan viết: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy” (Ga 14,26) và “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (15,26). 

Chúa Thánh Thần là Ơn lớn nhất được trao ban cho Hội Thánh và Ơn đó là Tình Yêu vì: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rôma 5,5). Như vậy, theo Thánh Phaolô, Chúa Thánh Thần là một với tình yêu được đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, bởi vì nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, có sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra, không là gì khác hơn Tình Yêu: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Gioan 4: 16). 

Nhưng chính Thánh Tôma Aquinô, qua suy tư thần học của mình, đã trình bày một cách hệ thống các ân huệ của Chúa Thánh Thần theo hai danh sách: một danh sách dựa theo các đặc sủng hay đoàn sủng và một danh sách gồm 7 ơn Chúa Thánh Thần nhắm đến việc gia tăng nhân đức nơi tất cả các tín hữu , như “những tác động của Chúa Thánh Thần”:  

1. ƠN KHÔN NGOAN: khiến ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, cùng bước đi với Ngài trong tình bạn hữu ngày càng thân tình hơn: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Gioan 15: 15), và có được sự năng động truyền giáo lớn hơn. Đó là một ân huệ tuyệt vời. 

2. ƠN THÔNG MINH: giúp ta hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa, để hiểu rõ đức tin, hiểu rõ Kinh thánh từ trong nội tâm, để phân định được sai lầm với sự thật. Với ân huệ này, mỗi Kitô hữu có thể trở thành một nhà thần học chân chính: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Gioan 14: 26). Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Thần Khí mở đầu óc chúng ta để chúng ta hiểu các chuyện của Chúa, các chuyện của con người và các hoàn cảnh hơn. Nếu chúng ta đọc Phúc Âm với ơn của Thần Khí, không những chúng ta đến được với Lời Chúa mà Lời Chúa còn làm cho chúng ta hiểu rõ, và có cái nhìn đức tin trên các hoàn cảnh cụ thể của đời sống chúng ta.” Đức Phanxicô mời gọi chúng ta theo gương các môn đệ trên đường Emmau, hãy để “Chúa Thánh Thần dạy bảo thông minh để chúng ta nhận biết, qua các sự kiện của đời sống, kế hoạch của Chúa và ơn của Ngài” [4]. 

3. ƠN BIẾT LO LIỆU: còn gọi là ơn chỉ bảo, cho phép chúng ta nhận ra Thiên Chúa đang hoạt động trong tự nhiên và trong lịch sử, để đón nhận thế giới như một món quà từ Thiên Chúa. Ơn đó ban cho ta cảm thức về sự bấp bênh mong manh của vũ trụ, của cuộc sống con người và giúp chúng ta hành động, thu xếp, sắp đặt mọi công việc theo Thánh Ý của Thiên Chúa, tôn vinh Ngài và làm ích cho mọi người chung quanh: “Các con đừng lo lắng phải nói thế nào hay phải nói gì, vì các con sẽ được cho biết phải nói gì trong giờ đó; vì không phải các con nói, mà chính Thần Khí của Cha các con nói qua các con.” (Mátthêu 10:19-20)   

4. ƠN DŨNG CẢM: mang lại sự kiên trì trong thử thách, lòng dũng cảm khi làm chứng. Ơn đó hỗ trợ các vị tử đạo nhưng cũng giúp đỡ chúng ta hàng ngày hoàn thành bổn phận cá nhân, gia đình và xã hội của mình một cách can đảm, và mạnh mẽ kiên trì sống cuộc chiến đấu nội tâm. Đó là đức anh hùng trong khiêm hạ tín thác vào Thiên Chúa. Chúa nói: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12, 9). 

5. ƠN HIỂU BIẾT: đó là ân huệ của sự sáng suốt tâm linh. Chúa Thánh Thần chì cho ta nhận ra những gì nên làm hoặc nên tránh, nên nói hoặc không nên nói. Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí ta nhìn thấy rõ ràng bản thân mình và những người khác, để nhận ra những khả năng cũng như những yếu đuối của mình và của người khác, để sống khiêm hạ và cảm thông, yêu chính mình và người khác trong chân lý của Thiên Chúa: “Caritas in Veritate” yêu thương nhưng vẫn phải nói ra sự thật và nói sự thật trong yêu thương, đó là đường lối của Chúa Thánh Thần, là dấu chứng của những ai có Thần Khí của Thiên Chúa: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Gioan 3: 18) và “Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (Êphêsô 4: 14-15). Đây chính là “Nguyên lý nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, tình yêu trong chân lý mang tính tiêu chuẩn cho mọi hành động luân lý của con người.” [5] 

6. ƠN ĐẠO ĐỨC: mang đến cho chúng ta kinh nghiệm về tình phụ tử của Thiên Chúa, về sự gần gũi của Ngài, về sự dịu dàng của Ngài. Ơn đó giúp chúng ta tự tin mình là con cái của Thiên Chúa và làm cho chúng ta gần gũi với những người khác, cũng là con cái của Thiên Chúa: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì anh em không lãnh nhận một Thần Khí biến anh em thành nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: “Ábba! Cha ơi!” (Rm 8,14-15). Đức Phanxicô nói: “Chúng ta hãy xin Chúa để ơn sủng của Thánh Thần có thể giúp chúng ta giúp chúng ta trở thành chứng tá niềm vui của Thiên Chúa và của tình yêu của Người, thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý cũng như trong việc phục vụ người thân cận với sự hiền lành, với nụ cười mà Thánh Thần luôn ban cho chúng ta trong niềm vui. Ước gì Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta ơn đạo đức này.” [6] 

7. ƠN KÍNH SỢ CHÚA: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. Sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy. Mãi đến thiên thu còn vang tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 111: 10). Đó không phải là sự sợ hãi Thiên Chúa mà là cảm thức về sự vĩ đại của Thiên Chúa. Thiên Chúa là sự thiện hảo tuyệt đối, nên Ngài là Đấng chúng ta khát khao, không phải là đối tượng khiến chúng ta sợ hải. Nhưng Ngài cũng là Đấng Cực thánh, uy linh chính trực, không hòa chung với những tội lỗi nơi chúng ta. Vì thế do bản tính yếu đuối của mình mà chúng ta sợ bị xa cách Ngài, là Đấng chúng ta mong chờ được hiệp thông, gắn bó. Ơn kính sợ Chúa giúp ta nhận thức về khoảng cách vô hạn giữa Đấng-Hoàn-Toàn- Khác với những thụ tạo của Ngài là chúng ta. Ân huệ này khơi dậy một thái độ khiêm hạ thẳm sâu: “hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10,28) và tín thác cuộc đời chúng ta nơi Thiên Chúa; “tình yêu trọn hảo thì đẩy lui sự sợ hãi” (1Ga 4,18).

Thánh Tôma Aquinô cho rằng: các ân huệ của Chúa Thánh Thần tăng cường sức lực để các vị thánh thực hiện các nhân đức “cách anh hùng”, nhưng thực ra Chúa Thánh Thần ban các ân huệ không chỉ cho các vị thánh mà còn cho tất cả mọi tín hữu. Các vị thánh đã ngoan ngùy để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt. Còn tôi, có phải tôi vẫn còn đang dửng dưng, ơ hờ trước lời mời gọi của Chúa Thánh Thần thôi thúc tôi tiến lên trên con đường yêu thương kính sợ Thiên Chúa và dũng cảm làm chứng cho tình yêu ấy nơi mọi người chung quanh, bằng một cung cách sống khiêm tốn và phục vụ? [7] 

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã suy niệm về ơn bẩy nguồn khi Ngài nói: “Chúa Thánh Thần dạy chúng ta đi vào mầu nhiệm đức tin, giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm, hiểu giáo lý của Chúa Giêsu và làm cho đức tin của chúng ta được lớn lên không bị lầm lạc. Giáo lý của Chúa Giêsu không ở trạng thái tĩnh nhưng tăng trưởng. Chúa Thánh Thần luôn làm cho giáo lý của Chúa Giêsu được lớn lên trong chúng ta. Ngài làm cho chúng ta hiểu những gì Chúa Giêsu đã dạy. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói, đó là ký ức. Chúa Thánh Thần thức tỉnh chúng ta, mỗi lần chúng ta gặp Chúa hoặc xa rời Chúa. Chúa Thánh Thần đưa chúng ta trở về với ký ức ơn cứu độ, ký ức hành trình cuộc sống, hướng dẫn phân định điều chúng ta phải làm ngay lúc này, và chỉ cho chúng ta con đường nào đúng, con đường nào sai. Mỗi ngày, Thánh Thần giúp chúng ta đưa ra những quyết định lớn nhỏ; dạy chúng ta mọi điều, đưa chúng ta vào mầu nhiệm, làm cho chúng ta nhớ và giúp chúng ta phân định” [8].  

Cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và Hội Thánh, mỗi Kitô hữu cầu xin cùng Chúa Thánh Thần:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy thổi hơi vào lòng chúng con và làm cho chúng con được hít thở sự dịu dàng của Chúa Cha. Xin hãy thổi hơi trên Giáo hội để Giáo hội vui mừng loan báo Tin Mừng. Xin hãy thổi vào thế giới niềm hy vọng nhân hậu tươi mát.” [9]

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Chú thích:

[1] Công Đồng Vaticanô, Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Chương I, số 3.

[2] Veni, Creator Spiritus, mentes tuorum visita, imple superna gratia, quae tu creasti pectora. Qui diceris Paraclitus, altissimi donum Dei, fons vivus, ignis, caritas, et spiritalis unctio. Accende lumen sensibus: infunde amorem cordibus: infirma nostri corporis, virtute firmans perpeti. Per te sciamus da Patrem, noscamus atque Filium; Teque utriusque Spiritum, credamus omni tempore. Deo Patri sit gloria, et Filio, qui a mortuis surrexit, ac Paraclito, in saeculorum saecula. Amen.

[3] vaticannews.va/vi/kinh-nguyen.

[4] fr.aleteia.org, Isabelle du Ché, 2018-05-17.

[5] Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate,Vatican ngày 7 tháng Bảy, 2009.

[6] Đức Thánh Cha Phanxicô, loạt bài giáo lý về bảy ơn Chúa Thánh Thần, Vatican, thứ Tư 04-6-2014.

[7] Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP. catechesis.net.

[8] https://www.vaticannews.va/vi/pope-francis/mass-casa-santa-marta/2020-05/dtc-ctt-lam-tang-truong-duc-tin.html

[9] Twitter. Pape Francois, “Esprit Saint, souffle dans nos cœurs et fais-nous respirer la tendresse du Père. Souffle sur l’Église pour qu’elle annonce avec joie l’Évangile. Souffle sur le monde la bienfaisante fraîcheur de l’espérance.” #Pentecôte 1:00 AM • 9 juin 2019.

Tác giả: Phêrô Phạm Văn Trung

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!