QUÀ TẶNG TIN MỪNG:
Chúa Nhật XXXIV Thường Niên, năm C
Lm Anphong Nguyễn Công
Minh,
Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.
Kính
mời theo dõi video tại đây:
http://bit.ly/3OySw56
Hôm
nay Lễ Kitô Vua. Nhưng bài Tin Mừng năm C lại cho ta một cung vua khác lạ. Năm
A, hoàng cung là mây trời, nơi Vua phán xét: “Khi Con Người ngự đến trên mây
trời…” Năm B, hoàng cung là mượn tạm dinh Philatô: “Phải tôi là Vua.” Còn năm
nay, cung điện của Vua Kitô lại chỉ là 2 thanh
gỗ kết hình khổ giá với hai thần dân đạo tặc hai bên.
Ta
sẽ nói về một trong hai thần dân này, y là tên trộm, mà là tên trộm biết ăn
năn, thậm chí ở nhiều nước Đạo gốc có nơi còn thờ y như một vị thánh.
Anh
ta được gọi bằng những tên khác nhau như Dismas, Demas, Dumachus. Việt phiên âm
là Đích-Ma. Có người kể hắn là một thứ Robin Hood của Do Thái, chuyên ăn cướp
của người giàu để phân phát cho người nghèo. Nhưng chuyện rất đáng yêu kể rằng
khi Chúa Giêsu còn nhỏ được gia đình đem sang Aicập trốn Herôđê, dọc đường bị
một bọn cướp tấn công. Một thanh niên là con của thủ lãnh bọn cướp thấy con trẻ
Giêsu dễ thương quá nên không nỡ ra tay, hắn tha Ngài và nói: "Hỡi con trẻ
rất có phước, nếu sau này có dịp nào để thương xót tôi, thì hãy nhớ đến tôi,
đừng quên giây phút này nhé!" Tên cướp “bên phải” đó là kẻ đã cứu Chúa
Giêsu khi còn nhỏ, nay lại gặp Ngài trên thập giá tại đồi Gôngôtha. Lần này thì
Chúa Giêsu đã cứu lại anh ta.
Câu
chuyện thực hư thế nào không ai được rõ nhưng điều rõ rệt ấy là quang cảnh đóng
đinh này đã ứng nghiệm điều mà trước đó cả bảy trăm năm tiên tri Isaia đã tuyên
sấm: "Ngài đã hiến thân chịu chết và bị
liệt vào hàng phạm nhân" (53,12).
Mà chẳng những trong hàng phạm nhân mà thôi, nhưng theo vị trí xếp đặt, Ngài
được coi là phạm nhân thượng hạng, là xếp sòng trong bọn đầu trộm đuôi cướp
nữa, nếu hai tử tội đứng bên cạnh Ngài đúng là những tên trộm cướp.
Không
biết ai đã bày ra cái trò này, xếp đặt thập giá của Ngài ở giữa hai tên cướp.
-Nếu
là Philatô thì quả ông quan xâm lược này muốn làm tăng vẻ khôi hài của bản án
mà ông treo trên đầu "Vua Do Thái".
-Cũng
có thể do các đầu mục Do Thái, theo dõi kẻ thù đến đỉnh núi Sọ, mua chuộc bọn
lính sắp đặt để tăng sỉ nhục cho nạn nhân, “cho biết mặt!”
-Hay
có lẽ là chính bọn lính sắp đặt như vậy vì hiển nhiên Ngài là tử tội đáng chú ý
hơn hết trong bọn.
Nhưng…
nếu đây là một cái gì hiểm độc về phía loài người, thì điều ti tiện trước mặt
người đời, lại cao sang trước mặt Thiên Chúa. Điều mà lòng độc ác của loài
người bêu xấu Ngài, thì lại tôn vinh Ngài trước mặt Thiên Chúa. Vì thế, vị trí
của Ngài giữa hai tên trộm cướp đúng là địa vị của Ngài.
Bởi,
từ lâu Ngài được gán cho danh hiệu "bạn của người thâu thuế và phường tội
lỗi" (Mt 11,19). Giờ đây, qua hành động đóng đinh Ngài giữa hai người trộm
cướp, ý tưởng ấy được thực hiện cách rõ rệt nhất. Chúa
Giêsu đã đến thế gian để tự hòa mình vào đám tội nhân; Ngài đã chịu chung số
phận của họ, Ngài đã sống giữa họ, và
thật là thích hợp Ngài chết giữa họ. Cho đến lúc này, Ngài đang ở giữa họ. Và thái độ kỳ lạ của hai người đã
bị treo hai bên Ngài, là một ứng nghiệm và là một báo hiệu.
Ứng
nghiệm điều cụ Simêon nói về Hài Nhi Giêsu trong Đền Thờ: "Con trẻ này có mệnh làm cho nhiều người trong dân
vấp ngã trong khi nhiều người được giải cứu." (Lc 2,34)
Và
báo hiệu điều sẽ xảy ra luôn luôn sau này, một số người tin nhận Ngài và được
cứu, trong lúc một số khác không tin, bị phạt. Lịch sử loài người luôn luôn như
thế, Tin Mừng sẽ đem lại sự sống cho nhiều người,
và cũng đem lại án phạt cho nhiều người. Tình trạng ấy sẽ kéo dài cho đến ngày tận cùng, Ngài sẽ ở giữa họ, kẻ ăn
năn đứng một bên, bên phải, và bên trái Ngài là những kẻ không ăn năn. Mátthêu
và Luca đều ghi lại: “Cả những kẻ bị đóng đinh với Ngài cũng xỉ nhục Ngài,”
Luca ghi rõ hơn: Kẻ (bên trái) mắng
nhiếc, kẻ (bên phải) ăn năn.
Ăn năn cách nào? -Lên tiếng Bênh vực. Giữa lúc những kẻ trước
đây cuồng nhiệt tung hô nay lại phản đối Ngài, giữa lúc đám môn đệ thề quyết
trung tín, bỏ trốn hết, thì một mình tên trộm lên tiếng bênh vực Ngài.
Nếu
chàng thanh niên con của góa phụ thành Naim, được cải tử hoàn sinh, lên tiếng
tin vào quyền năng của Đấng xem ra mất hết quyền đế vương;
Nếu
Phêrô đã từng chứng kiến Chúa biến hình trên núi, tuyên xưng Đấng “coi vậy chứ
không phải vậy”;
Nếu
anh mù thành Giêrikhô đứng lên công nhận thần tính nơi Ngài …,
Chúng
ta không ngạc nhiên. Phải, nếu một trong những người trước đây đã hưởng ân huệ
của Chúa lên tiếng, có lẽ các môn đệ nhát sợ lấy lại can đảm, đám dân vô tâm sẽ
tỉnh ngộ, bọn ký lục và biệt phái sẽ tin theo … Nhưng
giữa lúc cái chết gần kề, giữa lúc Chúa Cứu Thế như hoàn toàn thất bại trước
mặt người trần, chỉ có một người lên tiếng tin nhận Ngài, đó lại là tên trộm bị
đóng đinh:
Anh thấy cây thập giá nhưng tôn thờ như ngai Vua Cả. Anh thấy
người bị đóng đinh nhưng kêu cầu như Chúa Tể. Anh thấy sự sống trong cõi chết,
anh thấy vinh quang trong nhục nhã … "Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin
nhớ đến tôi."
Có
thể đây là lần đầu tiên tên trộm cầu nguyện và có lẽ cũng là lần cuối cùng, dầu
vậy Đấng đã được tiên báo "Ngài không bẻ đứt cây sậy dập gẫy, không tắt
hẳn tim đèn còn khói" (Mt 12,20), lại không đáp ứng lại một niềm tin
như vậy sao? Và Đấng tuyên bố: "Người
nào đến với Ta, chẳng bao giờ bị Ta xua đuổi" (Ga 6,37) lại có thể đuổi xua sao? Chúa Giêsu đã giữ lời và còn giữ hơn cả điều người ta
trông đợi.
Trong
khi nhà cầm quyền Giêrusalem không thể làm Ngài rời khỏi thập giá;
Trong
lúc mọi tố cáo bất công không thắng được sự yên lặng của Ngài;
Trong
lúc những lời gào thét "nó đã cứu được người khác, mà không cứu nổi
mình" không làm Ngài hé môi …, thì Ngài
nghiêng đầu về phía người yếu đuối cạnh Ngài, Ngài nói và cứu một tên trộm: "Ngay hôm
nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta."
Trước
đây không một ai được hứa như thế, dầu người đó là Ábraham, quốc mẫu tổ phụ của
Giêsu; dẫu người đó là Môsê, đại ngôn sứ, thủ lãnh Dân Riêng; hay Gioan, kẻ
Giêsu yêu. Ngay cả Mađalêna hay chính Đức Maria, Mẹ Ngài cũng vậy; vậy mà, Ngài lại hứa với tên trộm, thần dân đầu tiên của Ngài trên
Nước Trời.
Augustino
đã tinh ý khi sánh ví: khen thay cho tên trộm này, cả một đời trộm cắp mà đến giờ
chót khi ra trước toà còn “trổ nghề ăn trộm” được cả Nước Trời.
(Không biết vào Nước Trời rồi, có ăn trộm chìa khoá của Phêrô để mở cửa thiên
đàng cho đồng nghiệp bên trái nhiếc mắng Chúa hay không? Biết đâu!).
Có
một người ăn xin nọ ngày kia gặp một hiền sĩ ở dọc đường, ông ta đã chạy lại
van xin hiền sĩ bố thí cho mình. Nhà hiền sĩ đã từ chối và cứ đi tiếp con đường
ông đang đi. Người ăn xin vẫn tiếp tục đuổi theo, miệng không ngớt xin bố thí.
Ông ta đã theo nhà hiền triết ra đến tận đầu phố, cuối cùng nhà hiền triết
tuyệt vọng, dừng lại và nói:
-
Được rồi, ta sẽ cho ngươi tiền, nhưng với điều kiện: trong hai con mắt của ta có một con mắt thủy tinh, ngươi
hãy nói nó là mắt nào. Nếu nói đúng ngươi sẽ có tất cả những gì ta có.
Người
ăn xin nhìn ông chăm chú, cuối cùng nghiêm giọng nói:
-Thưa
thầy, con mắt trái là thủy tinh ạ.
Hiền
sĩ kinh ngạc kêu lên:
-Hãy nói làm sao ngươi biết được điều đó. Con
mắt đó do một người thợ giỏi nhất thế gian này làm ra, không thể nào phân biệt được mắt nào của ta là mắt thật,
mắt nào là mắt thủy tinh?
-Thưa
thầy, vì -người ăn xin chậm rãi đáp- mắt phải của
thầy ánh lên lòng thương xót.
Vâng
có lẽ người ăn trộm bên phải cây Thánh Giá của Chúa Giêsu cũng có được con mắt phải “ánh lên lòng thương xót.” Chàng thương xót cho
tử tội vô tội Giêsu, nên đã gặp được cặp mắt giàu lòng thương xót của Vua Giêsu
bị xét là tử tội
Tin
giờ chót tôi mới nhận được qua email từ Giêsu.net, là trong vương quốc của Vua
Giêsu, chỉ có những người có cặp mắt ánh lên lòng
thương xót mới vào được.
Bạn muốn vào, xin hãy ánh lên lòng xót thương.
Amen
(ý
chính từ Lm Ngọc Hàm, và mượn ý từ vài trang khác)
Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm –
Hẹn gặp lại