* Để nghe trên Youtube:
https://youtu.be/Rg2FrjLYO4Y
- Trang Chủ của
kênh:
https://youtube.com/@loichualaanhsang
- Quý vị có nhu
cầu nhận bài suy niệm hàng tuần qua email, xin liên lạc trực tiếp với:
Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa: vuthaihoa2@gmail.com
Chúa
nhật III Mùa Thường Niên – Năm B
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (1,14-20)
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ
Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn
và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc
Âm". Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê
đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các
ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới
người". Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người
thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người
liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các
người làm công, và đi theo Người.
***
Bài chia sẻ Tin Mừng của Lm. Giuse
Vũ Thái Hòa
Chúa
mời chúng ta cộng tác
Trong Kinh Thánh có một cuốn sách vừa
ngắn vừa dễ hiểu, đó là sách Giôna mà chúng ta được nghe một đoạn trích trong bài
đọc I hôm nay. Sách
Giôna dài chỉ có ba
trang nhưng chất chứa nhiều bài học quý báu, không những cho những người cùng
thời với Giôna mà cho cả chúng ta hôm nay.
Điểm trước tiên, và cũng là điểm quan trọng nhất của câu
truyện, đó là Thiên Chúa là Ðấng từ bi nhân hậu và giàu lòng thương xót. Dân thành Ninivê sống đồi bại
đến nỗi Chúa nói với Giôna: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê,
thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu
tới Ta.” (1,2). Tuy nhiên, vừa
khi thấy dân chúng tỏ dấu ăn năn sám hối trước lời loan báo của Giôna, Chúa
liền bỏ ý định phạt họ.
Điểm thứ hai: Thiên
Chúa là Chúa khắp hoàn vũ.
Sự hiện diện của Chúa không bị giới hạn ở một nơi, một quốc gia, một đảng
phái hay một tôn giáo nào. Vì thế người ta có thể cầu nguyện với Chúa khắp mọi
nơi, ngoài ranh giới của Israel, trên tàu và ngay cả trong bụng cá.
Điểm thứ ba: những
người mà chúng ta cho là ngoại đạo hoặc tội lỗi, lại là những người sẵn sàng
lắng nghe Lời Chúa hơn chúng ta. Chính Chúa Giêsu sau này cũng khẳng định điều
này khi Người nói với các
thượng tế và kỳ mục: “Những người
thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21,31).
Điểm thứ tư:
Thiên Chúa muốn cứu toàn nhân loại chứ không phải chỉ cứu dân riêng của Người; giống như cha
mẹ, Thiên Chúa yêu thương tất cả các con cái của mình, không trừ
một ai.
Bên cạnh đó, những giáo huấn
của sách Giôna còn giúp ta hiểu rõ hơn lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Theo bản văn Hy
Lạp, người ta có thể dịch như sau: “Anh
em hãy sám hối, có nghĩa là anh em hãy tin vào Tin Mừng”. Sám hối
là tin vào Tin Mừng, là tin rằng Thiên Chúa là tình thương và tha thứ, và tình
yêu của Người là dành cho hết mọi người. Do đó, chúng ta không nên tự giam mình trong quá khứ
và trong sự hối tiếc. Dù có sa đi ngã lại trong tội, dù tội lỗi của chúng ta có
như thế nào đi nữa thì Chúa vẫn luôn luôn tha thứ. Ðiều đó có nghĩa là chúng ta vẫn
luôn có thể thay đổi cách sống và làm lại cuộc đời.
Sám hối nhiều khi không nhất thiết là phải
thay đổi những thực tại bên ngoài, những
công việc, hay
các mối quan hệ, nhưng là
sống với một tâm thức khác, với một cái nhìn khác. Như trong bài
đọc II, thánh Phaolô không nói phải coi thường những giây phút hiện tại, nhưng
là đừng mặc cho nó những giá trị mà nó không có. Ðiều này đòi hỏi chúng ta phải có sự phân
định.
Nói về sự phân
định, chúng ta chắc đều ngạc nhiên về sự trả lời mau mắn và triệt để của các
môn đệ. Vừa nghe Chúa Giêsu gọi, các ông lập tức bỏ thuyền, bỏ chài lưới, bỏ
cha của mình để theo Người.
Thế nhưng, từ
2000 năm nay, Chúa không còn trực tiếp gọi chúng ta như Người đã gọi các môn đệ
đầu tiên. Chúa gọi chúng ta qua trung gian những người khác, như trong
câu chuyện Chúa gọi cậu bé Samuel mà chúng ta nghe tuần trước. Chúa
gọi Samuel bốn lần, nhưng đến lần thứ bốn, phải nhờ sự chỉ bảo của thầy tư tế Êli,
cậu mới nhận ra tiếng Chúa. Vì nhiều lúc “tiếng gọi” của Chúa cũng cần phải được phân tích, phân định
và xác thực qua trung gian con người hay một biến cố nào đó. Và điều này dĩ nhiên
cần phải có thời gian...
Trong mọi hoàn
cảnh sống, Chúa luôn mời gọi chúng ta như đã gọi các môn đệ đầu tiên: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những
kẻ lưới người như lưới cá”. Thoạt nghe, chúng ta tưởng câu này dành riêng cho các
linh mục và tu sĩ. Thực ra, không phải như vậy. Ðây là ngôn ngữ Kinh Thánh:
biển là nơi trú ngụ của các quyền lực ác thần. Lưới người tức là cứu con người
ra khỏi tử thần, ra khỏi sự dữ. Khi ta giúp người nào đó ra khỏi cảnh khổ cực,
khi ngăn cản họ đắm chìm trong điều xấu xa, khi ta như là người cứu nạn trong
cơn lũ lụt... ta là kẻ lưới người.
Chúa Kitô đã đến để
cứu chúng ta khỏi sự dữ, Người cũng muốn chúng ta tham dự vào kế hoạch cứu độ của
Người. Ðừng quên rằng nếu Chúa gọi chúng ta là để chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Nhưng liệu hôm nay chúng ta có đủ tĩnh lặng để nghe lời mời gọi sám hối của
Chúa hay không? Chúng
ta có đủ can đảm buông bỏ những đam mê, tật xấu để cộng tác với Người trong
việc trở thành người môn đệ loan báo Tin Mừng tình yêu và cứu độ hay không?