Tin anh bạn học Phaolô
Nguyễn Thanh Bình, OFM về nhà Cha lúc 5 giờ chiều ngày 17 tháng 2 năm 2020 tại
cộng đoàn Tỉnh Dòng Phanxicô làm cho mọi người không khỏi bàng hoàng dù biết
rằng Anh đã “ôm” trong mình căn bệnh hiểm nghèo từ mấy năm qua. Bàng hoàng vì
lẽ con đường phục vụ tương lai của Anh đang mở ra thì lại khép lại.
Cùng học chung với Anh
vài năm ở Học Viện Liên Dòng Đaminh, tuy không gần nhưng thật gần khi có hội
thảo, khi có chương trình gì đó của Niên Khóa. Đơn giản là Anh có giọng ca khá
tốt và thời sinh viên ấy, Anh Em học chung với nhau không thể nào quên được
giọng ca trầm ấm và dễ thương của “Tam Ca Áo Nâu” (tu phục dễ thương chất chứa
sự khiêm nhường và khố hạnh của Thánh Phanxicô).
Sau khi hoàn tất
chương trình Tu Học ở Học Viện, Anh cùng anh em cùng lớp lãnh sứ vụ linh mục.
Lớp chúng tôi nhỏ hơn nhưng được lãnh tác vụ trước lớp của các Anh 1 năm vì
chương trình đào tạo mỗi Dòng khác nhau.
Bẵng đi thời gian dài
không gặp gỡ, được biết Anh được Tỉnh Dòng tuyển chọn đi du học. Và rồi, sau
thời gian du học Anh trở về để chuẩn bị sứ vụ mới giúp cho Tỉnh Dòng trong việc
đào tạo nhưng rồi sức khỏe không cho phép và Anh đón nhận những cơn đau đớn
giằng xéo từ trong thể xác. Biết như thế và Anh cứ chịu đựng như cùng chịu thêm
phần đau khổ với Đức Kitô khổ nạn.
Tuổi đời như Anh, tu
học như Anh, học vị như Anh là điều mà mọi người mơ ước và ngay cả bản thân Anh
cũng có nhiều ước mơ để cống hiến cho Giáo Hội, cho Hội Dòng. Thế nhưng rồi,
Thiên Chúa đã dùng Anh trong sứ vụ khác, trong con đường khác đó chính là con
đường thập giá ngang qua đau khổ của bệnh tật.
Điều Anh đón nhận chả
ai muốn nhưng rồi trong đau khổ, mọi người tìm và nhận ra thánh ý của Chúa để
hiệp cùng Chúa Giêsu trên Thập Giá với lời xin vâng.
Tâm tình khi tưởng nhớ
đến Anh mời mọi người nhìn đến lời của Isaia :
Lạy Chúa, con như
người thợ dệt,
đang mải dệt đời
mình,
bỗng nhiên bị tay
Chúa
cắt đứt ngay hàng
chỉ. (Is 38, 12)
Dĩ nhiên, là con
người, nhất là những ai từ bỏ cha mẹ và gia đình để dấn thân phục vụ thì đều
mãi dệt đời mình bằng những nốt nhạc thiêng cho đời, mang tình yêu đến cho nơi
mình hiện diện. Thế nhưng rồi tất cả những ước mơ ấy được khựng lại và bị cắt như
hàng chỉ đẹp đang thêu và bị cắt.
Không chỉ riêng Anh mà
còn nhiều người khác nữa rất gần chúng ta như bác sĩ Lý Văn Lượng. Ở cái tuổi
sung sức của cống hiến đời mình nhưng rồi Lý Văn Lượng lại nằm xuống. Sự ra đi
của Anh không vô bổ, không hề đánh mất ý nghĩa nhưng ngược lại. Anh để lại
trong lòng mọi người bao niềm thương nỗi nhớ vì sự hy sinh của Anh. Cái chết
của Anh là cái chết đẹp. Niềm tin vào Chúa của Anh là niềm tin đẹp.
Cuộc đời của Cha
Phaolô Nguyễn Thanh Bình dẫu chỉ với 11 năm linh mục nhưng có lẽ cũng là cuộc
đời đẹp. Cuộc đời của Cha Phaolô là cuộc đời đi tìm kiếm sự khôn ngoan theo
kiểu của Thiên Chúa chứ không phải đi tìm kiếm sự khôn ngoan theo kiểu của
người đời. Và, có lẽ sự ra đi của Anh cũng để lại trong lòng mọi người thân
quen, Tỉnh Dòng Phanxicô niềm thương nhớ vô hạn. Kèm theo đó, cuộc đời của Anh
Phaolô đã diễn tả mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời.
Khi tưởng nhớ và nhìn
lại cuộc đời của Anh Phaolô, tưởng nghĩ mỗi người trong chúng ta cũng năng nhìn
lên Thập Giá để nhờ và với Thập Giá ta can đảm vác mọi đau khổ đau thương của
cuộc đời như anh Bình đã vác. Có khi ta chả đau đớn trong những cơn bệnh như
anh Bình nhưng ta lại càm ràm kêu réo. Kèm theo đó, sự ra đi của Anh Phaolô một
lần nữa nhắc nhớ cho rằng cuộc đời của ta thật vắn và thật ngắn. Thiên Chúa ban
cho chúng ta bao nhiêu đó là quyền của Ngài chứ không phải quyền của chúng ta.
Bằng tuổi Anh, hơn Anh
1 năm sứ vụ linh mục để rồi qua sự ra đi của Anh, phần nào cũng nhắc nhớ đến
phận người và phận đời. Có lẽ nên chăng nên nhìn cuối cuộc đời của mình để cân
chỉnh lối sống. Ngày cuối đời đến với ta bất chợt bởi lẽ ta là hàng chỉ nhưng
Chúa mới chính là người thợ dệt chính hãng.
Với tâm tình nhớ
thương và lắng đọng, ta xin Chúa thương cho Cha Phaolô Bình mau hưởng Nhan
Thánh Chúa. Cũng xin Chúa cho ta biết nhìn nơi Cha để vui lòng đón nhận thập
giá trong đời mình bởi lẽ qua thập giá mới đến Vinh Quang. Và, hơn cả mọi sự là
giờ Chúa đến với chúng ta vào lúc ta không ngờ và giờ chúng ta không hề biết.
Tưởng nghĩ cũng xin cho mỗi người chúng ta biết yêu thương hơn, biết đón nhận
những đau khổ của đời mình hơn để dâng lên Chúa như của lễ toàn thiêu đẹp lòng
Chúa.